Giải quyết bài toán môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề: Cần thực hiện tốt, đồng bộ các giải
pháp
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí rằng, nội dung giám sát
chuyên đề về môi trường các khu kinh tế (KKT), làng nghề là việc làm thiết thực của Quốc hội
trong bối cảnh tình hình môi trường nói chung và môi trường tại các KKT, làng nghề nói riêng
đang có nhiều thách thức.
Nhân dịp Xuân Nhâm Thìn, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Dũng - Ủy
viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban
Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) về việc thực hiện các chính sách pháp luật về
môi trường tại các KKT, làng nghề và định hướng trong thời gian tới.
Xin ông cho biết ý kiến về chủ trương phát triển KKT của Đảng và Nhà nước ta, cũng như một số
kết quả chính của Đoàn giám sát của UBTVQH năm 2011 về vấn đề môi trường tại các KKT và
làng nghề?
Ông Phan Xuân Dũng: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc
hội trong năm 2011, giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội về tình hình thực hiện chính
sách, pháp luật về môi trường tại các KKT và làng nghề, ngày 31/12/2010, UBTVQH đã ra Nghị
quyết số 1014/NQ-UBTVQH12 về việc thành lập Đoàn giám sát, đồng thời, giao Ủy ban
KHCN&MT chủ trì tổ chức giúp UBTVQH giám sát vấn đề này. Đoàn giám sát của UBTVQH đã
làm việc với lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan; làm việc với UBND của 19
tỉnh/thành phố và khảo sát thực tế 15 KKT ven biển và 54 làng nghề. Cùng với hoạt động của
Đoàn giám sát, tại các địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát tại địa
phương mình và đã có báo cáo gửi về UBTVQH.
Phải nói rằng, việc thành lập các KKT là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, đã được Đảng
ta cân nhắc kỹ lưỡng, ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát
triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ rõ “cần lựa chọn, xây dựng thí
điểm một vài KKT mở để rút kinh nghiệm nhân rộng”.
Để thông qua chủ trương xây dựng KKT mở Chu Lai - là KKT đầu tiên của nước ta, Bộ Chính trị
đã thảo luận ở 2 nhiệm kỳ của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 7/1999) và khóa IX
(tháng 9/2002). Đến ngày 5/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
108/2003/QĐ-TTg về việc thành lập KKT mở Chu Lai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chính thức
xác lập mô hình KKT ven biển đầu tiên ở nước ta.
Trong những năm qua, hoạt động của các KKT có đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm cho gần 1,5 triệu người, góp phần tăng trưởng
kinh tế cho ngân sách địa phương khoảng 35 tỷ USD và 330 nghìn tỷ đồng.
Cùng với quá trình phát triển nhanh của các KKT trên cả nước, công tác quản lý môi trường các
KKT ở cấp Trung ương và địa phương đang được kiện toàn, từng bước đưa công tác bảo vệ môi
trường (BVMT) tại các KKT đi vào nề nếp. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý môi trường
KKT, làng nghề, Quốc hội đã ban hành Luật BVMT năm 2005, trong đó có những quy định cụ thể
về môi trường của KKT và làng nghề. Chính phủ cũng ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm
pháp luật về vấn đề này.
Ông có thể đánh giá khái quát vấn đề môi trường KKT, làng nghề ở nước ta hiện nay?
Ông Phan Xuân Dũng: Tôi thấy rằng, hệ thống văn bản pháp luật từ Trung ương đến địa phương
về BVMT KKT, làng nghề ngày một hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước
về môi trường nói chung, đối với KKT, làng nghề nói riêng. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận
lợi cho việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến môi trường, kể từ năm 2006, nguồn
kinh phí dành cho sự nghiệp môi trường cũng được chi với mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước,
chính sách xã hội hóa công tác BVMT cũng được mở rộng, khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, Chiến
lược Quốc gia về BVMT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã xác định những mục tiêu
cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động BVMT
đi đôi với các giải pháp tăng cường hiệu lực pháp luật BVMT; Áp dụng các công cụ kinh tế trong
lĩnh vực BVMT, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường…Tuy nhiên, với tình hình phát
triển nhanh của các KKT và làng nghề hiện nay cũng còn nhiều bất cập:
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật vẫn thiếu những quy định đặc thù về BVMT ở các KKT và
bộc lộ những điểm chưa phù hợp ở cả Trung ương và địa phương như Báo cáo của UBTVQH trình
Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích, chỉ
ra.
Thứ hai, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KKT và làng nghề có chiều hướng gia tăng, có nơi ở
mức báo động, nhất là tình trạng ô nhiễm đất, không khí, nước ngầm và nước mặt. Nhiều cơ sở
sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về BVMT như chưa xây dựng các khu
xử lý chất thải, nước thải tập trung, chưa quan tâm tới môi trường làm việc, coi nhẹ việc bảo hộ,
vệ sinh lao động…
Thứ ba, ý thức BVMT của các cấp, các ngành và nhân dân có lúc, có nơi còn chưa cao, còn quan
tâm nhiều đến phát triển kinh tế, chưa thực sự coi BVMT là điều kiện cần thiết để bảo đảm phát
triển bền vững, BVMT là một trong 3 yếu tố để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong
công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì những lẽ đó, đòi hỏi phải có những
giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới.
Như vậy, để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường KKT, làng nghề cần có những biện pháp gì
thưa ông?
Ông Phan Xuân Dũng: Để cải thiện chất lượng môi trường, tăng cường hiệu lực pháp luật BVMT
KKT, làng nghề, trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Đoàn giám sát, ý kiến
của các vị đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về kết
quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT và làng
nghề, trong đó có một điều giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhằm
đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT và làng nghề.
Điều 2 của Nghị quyết có quy định 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đó là: Nhóm nhiệm vụ và giải
pháp chung cho cả KKT, làng nghề; Nhóm đối với KKT ven biển và nhóm đối với làng nghề. Điều
quan trọng của Nghị quyết này đối với làng nghề là giao Chính phủ xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm pháp luật về BVMT tại các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, đến năm 2015, xử lý đạt tỷ
lệ 85% các cơ sở sản xuất, cơ sở tái chế phế thải, hoặc núp bóng làng nghề gia công, sản xuất các
sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh các nhóm giải pháp mà Nghị quyết đưa ra, Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vừa qua cũng đã
thông qua 16 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình thứ 16 về giải quyết ô
nhiễm môi trường, chú trọng là xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, trong giai đoạn 2012 - 2015
là khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, cùng với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giải
quyết ô nhiễm môi trường nông thôn, có những giải pháp cụ thể sẽ được triển khai trong thời gian
tới, nếu thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp cả về thể chế, chính sách; tổ chức thực hiện và nguồn
lực thì môi trường KKT, làng nghề nước ta sẽ từng bước được cải thiện, khi đó, các KKT và làng
nghề sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn, nhân dân ta có đời sống tốt hơn, kinh tế - xã hội đất
nước sẽ phát triển một cách bền vững.
Được biết, trong năm 2012, UBTVQH sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với
công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT. Với tư cách là Trưởng Đoàn giám sát, xin
ông cho biết, những công việc mà Đoàn giám sát sẽ tập trung thực hiện?
Ông Phan Xuân Dũng: Vừa rồi, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, sắp
tới Đoàn giám sát sẽ họp và thông qua chương trình làm việc cụ thể. Nghị quyết của UBTVQH đã
giao Đoàn giám sát thực hiện 6 nhiệm vụ sau:
Một là, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống chính sách về quản lý, khai thác khoáng
sản và BVMT trong hoạt động khoáng sản:
- Đối với quản lý, khai thác khoáng sản từ ngày 01/9/1996 (ngày Luật Khoáng sản năm 1996 có
hiệu lực) đến ngày 31/3/2012.
- Đối với BVMT trong hoạt động khoáng sản từ ngày 01/7/2005 (ngày Luật BVMT năm 2005 có
hiệu lực) đến ngày 31/3/2012.
Hai là, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các
cấp; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác
khoáng sản và BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Ba là, việc thực hiện chính sách, quy định của pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và
BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Bốn là, hiện trạng quản lý, khai thác khoáng sản và hiện trạng môi trường trong khai thác khoáng
sản.
Năm là, nguyên nhân của kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế.
Sáu là, kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác
khoáng sản và BVMT trong hoạt động khoáng sản.
Căn cứ các nội dung nêu trên, Đoàn giám sát sẽ có các cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải; các
cơ quan hữu quan khác. Tại các địa phương, Đoàn giám sát cũng sẽ có các cuộc làm việc với
UBND các tỉnh có hoạt động khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp và cơ sở khai thác khoáng
sản.
Xin cảm ơn ông! Nhân dịp năm mới, kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc
sống!
Giáng Hương (Thực hiện)
TCMT 01/2012