Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Tăng cường kiểm soát nguồn thải từ lục địa để giảm tải ô nhiễm vùng biển vên bờ Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (56.83 KB, 4 trang )

Tăng cường kiểm soát nguồn thải từ lục địa để giảm tải ô nhiễm vùng biển vên bờ Việt Nam
ThS. Hoàng Nhất Thống
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Vùng biển ven bờ là nơi chuyển tiếp giữa lục địa và biển. Nơi đây chịu nhiều áp lực về môi
trường bởi những hoạt động kinh tế - xã hội từ lục địa. Nguồn thải từ lục địa ra biển chiếm 60% -
70% ô nhiễm biển nên vùng biển ven bờ là vùng nhạy cảm, chứa đựng những "điểm nóng" ô
nhiễm biển. Thời gian gần đây, ô nhiễm vùng biển ven bờ của Việt Nam đang ngày càng gia tăng.
Vì vậy đòi hỏi có những giải pháp tăng cường kiểm soát nguồn thải từ lục địa để giảm tải ô nhiễm
vùng biển ven bờ Việt Nam.
Nguồn thải từ lục địa ra vùng biển ven bờ Việt Nam chủ yếu là:
Nguồn thải sinh hoạt: Vùng ven biển Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
với dân số tập trung 43.461.599 người (năm 2009) chiếm 50,6% dân số cả nước và lượng khách du
lịch khoảng 55 triệu lượt người/năm. Đặc biệt, các tỉnh ven biển Việt Nam tập trung đến 72 đô thị
lớn là các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với tổng dân số lên đến 12.975.773 người (năm 2009).
Chính vì vậy, vùng ven biển Việt Nam đã tạo ra nguồn thải sinh hoạt rất lớn. Tổng tải lượng ô
nhiễm từ nguồn sinh hoạt của khu vực đô thị và từ khách du lịch đưa ra vùng biển ven bờ Việt
Nam hàng năm khoảng 376.663 tấn COD; 215.151 tấn BOD; 39.216 tấn N-T; 11.085 tấn P-T;
848.683 tấn TSS. Mặt khác, rất nhiều bãi rác ven sông, ven biển chưa được thiết kế phù hợp, chưa
có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác cũng đưa ra vùng biển ven bờ Việt Nam đáng kể các chất ô
nhiễm.
Nguồn thải công nghiệp: Trong những năm qua, các tỉnh ven biển Việt Nam đẩy mạnh phát
triển công nghiệp. Tại đây đã phát triển 18 Khu kinh tế biển và tập trung gần 500 khu, cụm, điểm
công nghiệp cùng với hàng nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp rải rác, do vậy đã phát sinh các
nguồn thải rất lớn từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở các tỉnh ven biển. Hàng năm, tổng tải
lượng ô nhiễm từ các nguồn thải công nghiệp vùng ven biển Việt Nam đưa ra vùng biển ven bờ
ước tính 316.814 tấn COD; 119.056 tấn BOD; 42.910 tấn N-T; 51.726 tấn P-T; 218.642 tấn TSS và
11.461 tấn dầu.
Nguồn thải nông nghiệp: Các tỉnh ven biển Việt Nam cũng là các tỉnh có sản lượng sản xuất
nông nghiệp rất lớn. Do vậy, nguồn thải do hoạt động sản xuất nông nghiệp gồm nguồn thải từ
chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón sử dụng trong nông nghiệp, nguồn thải nuôi trồng
thủy hải sản ở vùng ven biển phát thải ra rất lớn. Các nguồn thải này đưa ra vùng biển ven bờ Việt


Nam hàng năm ước khoảng 2.209.020 tấn COD; 1.493.539 tấn BOD; 800.277 tấn N-T; 207 767
tấn P-T; 14.153.488 tấn TSS và 15.514 tấn hóa chất bảo vệ thực vật.
Nguồn thải do sông mang ra: Ở Việt Nam có 2.345 con sông trên 10 km, trong đó có 9 hệ
thống sông với lưu vực lớn hơn 10.000 km2/hệ thống sông (Kỳ Cùng - Bằng Giang, Hồng, Thái
Bình, Cả, Mã, Thu Bồn, Ba, Đồng Nai - Sài Gòn, Cửu Long). Hàng năm, các sông ở Việt Nam đổ
ra biển khoảng 880 km3 nước cùng với 200 - 250 triệu tấn bùn cát, trong đó có một lượng lớn các
chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng, các hóa chất bảo vệ thục vật... được rửa trôi từ các vùng
đất tự nhiên, đất gieo trồng, các khu đô thị, khu công nghiệp và lượng nước thải từ các nguồn trên
lưu vực trực tiếp đổ vào sông. Do vậy, mỗi năm tải lượng chất ô nhiễm do các sông đưa ra vùng
biển ven bờ Việt Nam khoảng 18.084 tấn Cu, 2.063 tấn Pb, 1.082 tấn Cd, 21.740 tấn As, 504 tấn
Zn, 523 tấn Co, 2.407 tấn Ni, 134 tấn Hg, 54.221 tấn PO4-3 và 23.0651 tấn NO3- cùng hàng trăm
nghìn tấn BOD, COD.
Ngoài các nhóm nguồn thải chủ yếu trên, vùng biển ven bờ Việt Nam còn chịu các nguồn
thải khác từ lục địa như các hoạt động giao thông vận tải, cảng biển, nguồn thải y tế...
Tổng nguồn thải từ lục địa đưa ra vùng biển ven bờ mỗi năm ước tính đến 3 triệu tấn COD;
1,83 triệu tấn BOI); 1,11 triệu tấn N-T; 300 nghìn tấn P-T; 270 triệu tấn TSS; 1,6 triệu tấn dầu mỡ;
16 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 47 nghìn tấn kim loại nặng các loại. Nguồn thải
từ lục địa ra vùng biển ven bờ Việt Nam làm chất lượng nước biển bị suy giảm và ô nhiễm (một số
nơi nước biển chuyển màu xanh hoặc đỏ), bị đục hóa; các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản
ven bờ bị suy thoái. Đặc biệt xuất hiện những điểm nóng ô nhiễm vùng biển ven bờ khu vực
Quảng Ninh - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh.
Để giảm tải ô nhiễm vùng biển ven bờ Việt Nam, tất yếu đòi hỏi chúng ta phải có những giải
pháp tăng cường kiểm soát các nguồn thải từ lục địa.
Trước hết, hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT)
Đó là rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, trong đó có
tăng cường kiểm soát nguồn thải từ lục địa. Hệ thống này hướng đến các nội dung: thực hiện các
biện pháp đồng bộ về phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển và hải đảo từ nguồn thải lục
địa; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tổng hợp vùng duyên hải; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn
môi trường quốc gia về biển; quy định về hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ các công nghệ lạc
hậu trong sản xuất gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; khuyến khích áp dụng các công nghệ

sạch và thân thiện với môi trường.
Đồng thời hoàn thiện các quy phạm pháp luật về thu gom và xử lý nước thải công nghiệp,
nước thải sinh hoạt và du lịch; các quy định về quản lý chất thải rắn, quản lý hóa chất sử dụng
trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; các quy định về quản lý môi trường đô thị; các
quy định về hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng dễ bị rửa trôi...
Tiếp đến, hoàn thiện thiết chế về BVMT
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có chức năng quản lý nhà nước về môi trường trên
phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn thải từ lục địa gây ô nhiễm môi trường biển đòi
hỏi phải có một thiết chế thống nhất, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát nguồn thải
từ lục địa. Vì vậy, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan và các địa
phương.
Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch hành động quốc gia về quản lý ô nhiễm biển do các nguồn thải từ đất liền; thanh tra, giám
sát thực hiện các cam kết đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược;
chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc lập kế hoạch quản lý nguồn gây ô nhiễm biển trong cả
nước; lập quy hoạch xử lý chất thải. Bộ TN&MT giữ vai trò đầu mối hợp tác quốc tế về quản lý
nguồn gây ô nhiễm biển và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm nguồn vốn cho công tác
quản lý nguồn gây ô nhiễm biển.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT và các địa phương lập quy hoạch xây dựng, phát
triển các đô thị ven biển, trong đó có lồng ghép việc quản lý nguồn gây ô nhiễm biển.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn... chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát và thực hiện các biện pháp về BVMT
biển; phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng và thực hiện các chương trình bảo vệ và cải thiện môi
trường biển có liên quan.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan
để đảm bảo vốn thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quả lý ô nhiễm biển do các nguồn thải
từ đất liền.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm nòng cốt trong việc tổ chức lực lượng phòng chống các sự
cố ô nhiễm tai biến môi trường biển.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo công tác

tuyên truyền giáo dục và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về BVMT biển.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển thực hiện quản lý nguồn gây ô nhiễm ở
địa phương mình; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức, phối hợp với các Bộ,
ngành Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm và dài hạn về BVMT ở địa phương
mình.
Đồng thời với việc hoàn thiện thiết chế BVMT cũng cần tăng cường năng lực đội ngũ cán
bộ, công chức kiểm soát nguồn thải lục địa. Đó là nâng cao kỹ năng tuyên truyền có hiệu quả cho
cộng đồng về BVMT nói chung, kiểm soát nguồn thải từ lục địa gây ô nhiễm biển nói riêng; năng
lực xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch hành động về quản lý nguồn thải lục
địa gây ô nhiễm biển ở cấp quốc gia và ở các tỉnh có vùng nóng ô nhiễm; năng lực tổ chức và triển
khai chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, dự án BVMT; năng lực ứng phó với các sự cố môi trường,
tai biến môi trường...
Đầu tư nguồn lực thích đáng cho kiểm soát nguồn thải từ lục địa
Kiểm soát nguồn thải lục địa đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn. Vì vậy, nhà nước cần đầu tư
nguồn lực thích đáng để tổ chức, triển khai các biện pháp kiểm soát nguồn thải lục địa có hiệu quả.
Đầu tư nguồn lực để đảm bảo phát triển sinh kế bền vững cho người dân, nâng cao nhận
thức của cộng đồng về BVMT; triển khai các kế hoạch, chương trình BVMT; xây dựng hệ thống
cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường biển nói chung, ô nhiễm biển từ nguồn thải lục địa nói riêng;
trang bị các thiết bị xử lý ô nhiễm, quan trắc ô nhiễm và đánh giá ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng cần phải tổ chức xã hội hóa và
tranh thủ ngoại lực thông qua kêu gọi các nguồn tài trợ, hợp tác quốc tế để kiểm soát nguồn thải
lục địa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Chương trình Môi trường của Liên Hợp
Quốc (2010, 2011), Dự án "Tăng cường thực hiện kế hoạch hành động toàn cầu - Đánh giá và lồng
ghép việc quản lý nguồn gây ô nhiêm biển và ven bờ từ lục địa", Hà Nội.
2. Tống cục Thống kê (2009), Kết quả điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009,
Hà Nội.
1. Website: www.aip.gov.vn
4. Trang thông tin điện tử các tỉnh, thành phố có biển.

TCMT 04/2012

×