Phát triển du lịch gắn với bảo tồn nguyên vẹn rừng hiện có tại “Ốc đảo xanh”
Cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía Nam, với diện tích 22.200 ha, Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương được
thành lập theo Quyết định số 72/TTg của Thủ tướng Chính phủ. VQG nằm trên địa phận của 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa
Bình, Thanh Hóa và là Khu Bảo tôn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Với những giá trị tài nguyên thiên nhiên đa
dạng và phong phú, Cúc Phương được ví như một "ốc đảo xanh" nằm giữa "biển người".
Điểm du lịch sinh thái nổi tiếng
Cúc Phương có đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm. Với diện tích nhỏ, kém gần
1.500 lần so với diện tích cả nước nhưng tại đây đã phát hiện được 2.192 loài thực vật bậc cao,
trong đó có 118 loài quý hiếm, 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây làm
thuốc nhuộm và 137 loài cho tanin (cây chứa nhiều hóa chất tự nhiên). Đặc biệt, có cây chò xanh,
cây sấu cổ thụ khoảng 1.000 năm tuổi, cao từ 50 - 70m. Riêng hoa phong lan có tới 50 loài, có
những loài cho hoa và hương thơm quanh năm. Hiện nay, VQG Cúc Phương đã trở thành một
trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho các chương trình
trồng rừng trong khu vực và trên cả nước. Nơi đây có những khu gây giống tự nhiên đạt kết quả
như các loài chò chỉ, chò xanh, kim giao... Trong tương lai, Vườn còn xây dựng và mở rộng thêm
cơ sở thực nghiệm để cung cấp giống của nhiều loài cây thuốc, cây cảnh quý hiếm.
Động vật tại đây cũng rất phong phú và đa dạng. Đến nay, Vườn có khoảng 657 loài động vật có
xương sống, trong đó có 66 loài cá, 76 loài bò sát, 46 loài ếch nhái, 336 loài chim, 133 loài thú;
ngành chân khớp có 1.718 loài và phân loài, ngành giun đốt có 52 loài và phân loài, ngành thân
mềm có 129 loài và dạng loài. Trong tổng số 133 loài thú ở Cúc Phương, có nhiều loài đã được
xếp vào loài quý hiếm như: báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, hươu, nai, lợn rừng. Đặc biệt, có một số
loài đặc hữu như sóc bụng đỏ, cá niết hang... Nơi đây có một loài linh trưởng rất đẹp và quý hiếm
đó là loài Voọc đen mông trắng, chúng chỉ sống ở Cúc Phương và vùng phụ cận, không sống ở bất
kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, Cúc Phương có nhiều hang động như Động Vui Xuân, Thủy Tiên, Pò Mã... Đặc biệt,
có một số hang động còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ có giá trị, những dấu tích của sự sống thời
tiền sử, đó là Động Người Xưa, Hang Con Moong. Tại đây, ngoài các công cụ đồ đá, các nhà khảo
cổ đã tìm thấy nhiều bộ xương hóa thạch của người nguyên thủy sống cách đây 7.000 - 12.000
năm. Với những di tích tìm được ở những hang động này, các nhà khoa học cho rằng, đây là một
trong những chìa khóa để tìm hiểu lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.
Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch động vật có xương sống, hóa thạch lộ ra trong
đá vôi phân lớp dầy, thuộc hệ tầng Đồng Giao tuổi Trias giữa. Theo kết luận ban đầu của Viện
Khảo cổ sinh học Việt Nam, đây là hóa thạch của một loài Bò sát răng phiến, sống cách ngày nay
khoảng 230 triệu năm và là hóa thạch đầu tiên tìm thấy ở Đông Nam Á.
Đồng thời, Cúc Phương cũng là nơi hội tụ một cộng đồng người Mường với những nét văn hóa
mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là những nếp nhà sàn, những ruộng bậc thang, những lễ hội, phong
tục và nếp sống của cộng đồng mà du khách có thể cảm nhận được qua đêm hội cồng chiêng.
Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa lịch sử,
Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn đối với khách du lịch trong và
ngoài nước. Hàng năm, Cúc Phương đón tiếp khoảng 100 nghìn khách tham quan du lịch, học tập,
nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực về kinh tế, cũng có những tác động tiêu
cực đến rừng như: Tác động vào cây rừng, vứt bỏ các chất thải không đúng nơi quy định làm ô
nhiễm môi trường, ngoài ra, cũng gây ra tiếng động làm ảnh hưởng đến đời sống của động vật…
Mặt khác, trình độ dân trí chưa cao, các tập quán lạc hậu như phát nương làm rẫy, chặt xẻ, săn bắt
chim thú, chăn thả gia súc bừa bãi đã gây áp lực lớn, đe dọa hủy hoại tài nguyên rừng.
Chú trọng bảo tồn và phát triển “ốc đảo xanh”
Trước những tác động tiêu cực của con người đến tài nguyên rừng, trong những năm qua, VQG
Cúc Phương đã và đang nỗ lực di dời dân cư sống bên trong khu vực Vườn ra khỏi phạm vi ranh
giới của Vườn. Cụ thể, từ năm 1994 - 1995 đã chuyển được 72 hộ với 360 khẩu đồng bào dân tộc
Mường của huyện Lạc Sơn từ phân khu bảo vệ nguyên vẹn ra định cư nơi ở mới. Qua việc di
chuyển dân cư ra bên ngoài Vườn đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân và việc bảo vệ tài
nguyên thiên nhiên được tốt hơn. Song song với đó, việc hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế, xã
hội trên địa bàn rất quan trọng. Dựa trên nguyên lý bảo tồn để phát triển, phát triển để phục vụ bảo
tồn, những năm qua, Ban quản lý Vườn đã tích cực tìm kiếm, hợp tác với các tổ chức trong và
ngoài nước triển khai một số dự án, phục vụ cho sinh hoạt và phát triển kinh tế cộng đồng như
trồng và chăn nuôi cây, con có giá trị kinh tế cao (trồng cây dược liệu, cây ăn quả, nuôi ong, hươu,
nhím…); Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; Duy trì một số nghề truyền thống. Các dự án
khuyến nông, khuyến lâm, dự án 5 triệu ha rừng cũng được triển khai cho nhân dân vùng đệm,
giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng đến tận hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân. Một
số dự án đã hỗ trợ người dân xây dựng bếp đun tiết kiệm chất đốt, thân thiện với môi trường; xây
dựng các công trình nước sạch, giao thông...
Với phương châm là bảo vệ rừng tận gốc, vì vậy, công tác tuần tra, kiểm soát là nhiệm vụ thường
xuyên và là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng Kiểm lâm. Trong đó, Vườn chú trọng đầu tư trang bị
công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, gậy điện, còng số 8, máy định vị GPS để thuận lợi cho việc
theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Hàng năm, Vườn có khoảng 10% cán bộ Kiểm lâm được theo
học các lớp đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Có thể nói, định hướng lâu dài của công tác quản lý, bảo vệ rừng không chỉ lấy biện pháp hành
chính, pháp luật làm giải pháp chính mà phải “lấy dân làm gốc”, bám dân, bám rừng thông qua
công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tích cực tham gia bảo vệ rừng. Từ nhận thức
trên, những năm qua, Vườn đã chú trọng việc phối hợp với chính quyền của 3 tỉnh, 4 huyện, 15 xã
giáp ranh làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân vùng đệm bằng
nhiều hình thức và nội dung phong phú. Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho du khách, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến tài
nguyên thiên nhiên, môi trường, Vườn đã thành lập một Trung tâm du khách với những nội dung
bổ ích và hấp dẫn. Đồng thời, Vườn đã xây dựng được lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ
rừng. Hiện tại, 15 xã xây dựng được Ban lâm nghiệp và các xã đã xây dựng một mạng lưới kiểm
tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ rừng trên địa bàn. Lực lượng Kiểm lâm cũng tích cực tham
mưu với các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp xã xây dựng quy ước, hương ước quản lý
bảo vệ rừng. Hiện nay, hầu hết các thôn, bản của các xã vùng ven đã xây dựng và thực hiện tốt các
quy ước này. Qua đó, nhận thức của nhân dân và chính quyền địa phương đã được nâng lên rõ rệt.
Họ đã ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển Vườn. Tình trạng đốt nương làm
rẫy, đốt than đã chấm dứt, hiện tượng khai thác, săn bắn và các hành vi vi phạm pháp luật ngày
càng giảm.
Với những nỗ lực của người dân cũng như của cán bộ, công nhân viên ở VQG Cúc Phương -
những người đang góp sức cứu "hồn" cho cánh rừng, hy vọng, Vườn luôn được nhắc đến với cái
tên “ốc đảo xanh” mà mọi người vẫn thường gọi n
Vũ Nhung
TCMT 01/2012