KẾT HỢP PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Chuyên ngành : Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Dùng pháp luật hoặc đạo đức để cai trị đã trở thành thuật trị nước, an
dân từ ngàn xưa của các nhà nước. Dưới mỗi triều đại, tùy thuộc vào điều
kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của mình mà các giai cấp cầm quyền lựa
chọn một phương thức quản lý nhà nước thích hợp, hiệu quả, đó có thể là đức
trị (quản lý xã hội bằng đạo đức), là pháp trị (quản lý xã hội bằng pháp luật)
hoặc kết hợp cả hai phương thức đó.
Ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của các triều
đại phong kiến, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của các quan điểm Phật giáo, Nho
giáo nên phương thức cai trị xã hội bằng pháp luật và hoạt động xây dựng
pháp luật còn bị xem nhẹ. Chính vì vậy, đạo đức giữ vai trò to lớn trong điều
chỉnh các QHXH. Cùng với nền văn hóa lúa nước: tương thân, tương ái, đoàn
kết, nhân hòa, khoan dung, trọng nghĩa... hàng loạt QHXH đã được điều chỉnh
bằng hệ thống quy phạm đạo đức. Có thể nói, đạo đức đã len lỏi đến từng mối
QHXH, thấm đẫm trong tư tưởng đối nhân xử thế của người Phương Đông
nói chung và người Việt Nam nói riêng. Khi các QHXH ngày càng phát triển
đa dạng và phong phú thì bên cạnh việc sử dụng các chuẩn mực đạo đức để
điều chỉnh xã hội, các triều đại phong kiến đã từng bước để ý đến việc xây
dựng pháp luật nhằm thể chế hóa những chuẩn mực đạo đức làm công cụ để
điều chỉnh QHXH mang tính công quyền. Trong các triều đại phong kiến Việt
Nam, chúng ta đặc biệt ghi nhận vai trò của triều Lê (Tiền Lê) với đại biểu Lê
Thánh Tông (1442-1497) – Người đã kết hợp nhuần nhuyễn đạo đức với pháp
luật trong thuật trị nước của mình.
Bước sang thời kỳ Pháp thuộc, sự tàn bạo và hà khắc của pháp luật đô
hộ lại càng làm nhân dân có chung tâm lý xa luật, sợ luật bởi sự bóc lột và
2
khai thác kiệt quệ sức người, sức của, bởi sự bất bình đẳng giữa địa vị của
người mất nước và kẻ cướp nước. Đó là thứ pháp luật thống trị, xa rời những
giá trị nhân văn bảo vệ quyền con người và tất yếu nó bị nhân dân phản đối.
Bước ngoặt có tính lịch sử của thuật dựng nước, giữ nước, xây dựng
đất nước phồn thịnh bằng pháp luật gắn liền với công lao và sự nghiệp giải
phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Người, đi tìm con đường giải
phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân cũng đồng thời là quá trình nhận thức,
khẳng định vai trò, giá trị của pháp luật trong dựng nước và giữ nước. Song,
chính Người cũng là điển hình mẫu mực trong việc kết hợp nhuần nhuyễn
giữa pháp luật và đạo đức. Quản lý nhà nước bằng pháp luật, nhưng phát huy
tối đa vai trò của đạo đức trong xây dựng đời sống mới. Đạo đức công dân
giúp cho mỗi người tự giác nhận thức, tôn trọng và thực hiện pháp luật. Đạo
đức công chức góp phần ngăn chặn sự thoái hóa của người thực thi quyền lực
nhà nước. Đặc biệt, đạo đức XHCN chính là cơ sở xây dựng nhà nước XHCN
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phù hợp với bản sắc văn hóa Việt
Nam... Tư tưởng hiến trị, pháp trị kết hợp với đạo đức của Người là yếu tố
quyết định sự ra đời và phát triển không ngừng của hệ thống pháp luật XHCN
ở Việt Nam hiện nay.
Tại Điều 2, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 (sau đây gọi tắt
là Hiến pháp 1992) khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là
nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức"[9, tr.13].
Xây dựng NNPQ là nhấn mạnh vai trò của pháp luật. Song không nên
đề cao một chiều đến mức tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật, coi pháp luật là
yếu tố duy nhất để điều chỉnh các QHXH, mà bỏ qua vai trò hỗ trợ của các
quy tắc xã hội khác như đạo đức, phong tục, tập quán tốt đẹp và các quy tắc
3
tôn giáo tiến bộ... Bởi vì pháp luật chỉ tập trung đáp ứng được trong điều
chỉnh những QHXH cơ bản và quan trọng liên quan tới lợi ích và vận mệnh
của toàn bộ quốc gia. Đạo đức và các quy tắc xã hội khác sẽ bổ sung và lấp
vào các khoảng trống trong các QHXH mà pháp luật chưa vươn tới được. Ở
mối quan hệ này ta thấy, trong pháp luật phải có đạo đức, thiếu đạo đức, pháp
luật xơ cứng và khó có thể thực hiện trong đời sống thực tế bằng sự tự giác,
bằng niềm tin, khó có thể đạt tới chuẩn mực của "văn hóa pháp lý". Trong đạo
đức cũng phải có pháp luật, thiếu pháp luật đạo đức mất sự định hướng để
phát triển các giá trị bên trong của mình, mất đi sự bảo hộ cho các chuẩn mực
đạo đức tồn tại và phát triển lâu bền.
Những năm gần đây, hàng loạt các văn bản pháp luật của nhà nước đã
thể hiện sự pháp luật hóa những giá trị đạo đức thành chuẩn mực pháp luật để
điều chỉnh những quan hệ phát triển không ngừng của đời sống xã hội như
Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Lao động (2002), Pháp lệnh cán bộ
công chức (2003), Luật Dân sự (2005)... Bên cạnh đó, sự thừa nhận và
khuyến khích của nhà nước đối với xây dựng hương ước mới, xây dựng bảo
tồn những phong tục tập quán có ý nghĩa trong hình thành và phát triển nhân
cách con người mới lại một lần nữa thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá của nhà
nước về vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội. Có thể thấy giữa pháp luật
và đạo đức luôn có mối quan hệ chặt chẽ qua lại với nhau.
Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
về "Đẩy mạnh nghiên cứu tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong
giai đoạn mới" là một bằng chứng hết sức sâu sắc và rõ ràng trong việc Đảng
và Nhà nước nhận định vai trò to lớn của sự kết hợp giữa pháp luật với đạo
đức khi xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
4
Tuy nhiên, việc xây dựng thành một hệ thống chuẩn mực các giá trị
đạo đức mới-đạo đức cách mạng còn là công việc phức tạp và nhạy cảm trong
đời sống chính trị hiện nay. Hiệu quả của sự kết hợp pháp luật và đạo đức trên
từng lĩnh vực của đời sống xã hội cũng là rất khác nhau, nó đòi hỏi phải có sự
nghiên cứu một cách lâu dài, thống nhất cả về lý luận và thực tiễn để có thể
đưa ra một cái nhìn tổng quát và hữu hiệu, đem lại lợi ích thiết thực cho quá
trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.
Xuất phát từ những lý do phân tích nêu trên, tác giả đã mạnh dạn chọn
đề tài: "Kết hợp pháp luật và đạo đức trong quản lý nhà nước ở Việt Nam
hiện nay" để làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành Luật học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Sự kết hợp giữa pháp luật và đạo đức trong QLNN là một vấn đề đang
được nhiều nhà khoa học quan tâm. Hầu hết các tác giả chủ yếu tập trung
nghiên cứu sự giống và khác nhau giữa pháp luật và đạo đức; sự tác động qua
lại giữa chúng khi điều chỉnh các QHXH hoặc nghiên cứu mối quan hệ pháp
luật và đạo đức trong quản lý xã hội nói chung. Ở góc độ này có thể kể ra một
số công trình nghiên cứu khoa học sau đây.
-Trần Hậu Thành, "Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật", Tạp chí
Giáo dục lý luận, số 5-1998, tr.36-38.
- Trần Hậu Thành và Lê Thị Hoài Thanh, "Về quan hệ giữa đạo đức và
pháp luật", Tạp chí Khoa học chính trị, số 6-2000, tr.46-49.
- Hoàng Thị Kim Quế (chủ nhiệm) "Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo
đức trong quản lý xã hội ở nước ta hiện nay", Đề tài khoa học cấp bộ, 2002.
- Hoàng Xuân Châu, “Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong
nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam” Luận văn Thạc sĩ
Luật học Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
5