Bí quyết quản trị của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản
Có rất nhiều chiến lược, bí quyết quản trị doanh nghiệp khác nhau,
nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý thì điều này còn
tuỳ thuộc vào đặc điểm thực tế của mỗi công ty, trình độ và khả năng
nhận thức của mỗi nhà quản trị.
Tại Nhật Bản, cái nôi của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, giới phân tích nhận định
rằng điểm khác biệt giữa nhà quản trị quốc tế (quản lý các hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia)
và nhà quản trị trong nước (quản lý các hoạt động kinh doanh trong nội bộ quốc gia) là nhà quản
trị quốc tế phải biết tìm cách làm cho các hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tại một nước phù
hợp với các chi nhánh, công ty con địa phương ở nước ngoài và quan hệ tốt với chính phủ nước
đó. Nhiệm vụ của các nhà quản trị chi nhánh và công ty con ở nước ngoài thường nặng nề hơn
so với các nhà quản trị trong nước, bởi vì họ phải đương đầu với khó khăn về thông tin liên lạc
giữa các cơ quan đầu não của công ty và chi nhánh. Các tập đoàn Nhật Bản thường thích bổ
nhiệm các nhà quản trị là người ngay tại địa phương hơn là những người từ nơi khác đến, vì các
nhà quản trị địa phương thông hiểu những điều kiện hoạt động và môi trường kinh doanh ở địa
phương, ít tốn kém, hơn nữa người địa phương có thể tập trung vào các hoạt động nhằm phục
vụ cho mục tiêu dài hạn. Với cách thức này, các tập đoàn Nhật Bản chỉ cần điều động một số
chuyên gia ra nước ngoài để truyền đạt những kỹ năng chuyên môn cần thiết và cách thức tiến
hành các hoạt động kinh doanh chính yếu, đồng thời kiểm soát các hoạt động ở nước ngoài và
phát triển năng lực cho nhà quản trị.
Tuy nhiên, dù ở trong nước hay ngoài biên giới thì nội dung của các hoạt động quản trị cũng
không khác biệt nhiều lắm và đều cần đến những công thức thành công chung. Dưới đây là 10 bí
quyết trong quản trị doanh nghiệp mà độ tin cậy đã được kiểm nghiệm tại rất nhiều tập đoàn kinh
tế lớn của Nhật Bản sau nhiều thập kỷ lớn mạnh trên thương trường.
1. Liên tục cải tiến
Nguyên tắc này đòi hỏi các nhà quản trị phải không ngừng cải thiện lề lối làm việc của nhân viên
trong công ty. Tiến bộ là một quá trình thăng tiến dần dần từ thấp lên cao. Nhà quản trị cần tạo ra
một môi trường thuận lợi cho nhân viên của mình thực hiện những cải tiến công việc.
2. Phối hợp giữa các bộ phận
Những người phụ trách các phòng ban, phân xưởng hay chi nhánh phải biết san sẻ trách nhiệm
cho nhau. Masao Nemoto, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Honda, đã khuyến cáo các nhà
quản trị doanh nghiệp: “Một trong những chức năng quan trọng của người quản trị là thực hiện
tốt sự phối hợp giữa bộ phận của mình với những bộ phận khác”.
Và một hệ luận rút ra là giới quản trị cấp cao không nên giao phó những công việc quan trọng chỉ
cho một phòng ban duy nhất.
3. Mọi người đều phát biểu
Nhà quản trị cần đảm bảo sao cho tất cả thành viên trong công ty đều cùng tham gia đóng góp ý
kiến về các vấn đề và cùng học hỏi từ các thành viên khác. Điều này cũng nên áp dụng rộng rãi
trong tất cả những cuộc họp và công tác hoạch định hàng năm. Biết nghe quan điểm của mọi
người, những người nhà quản trị cấp cao có thể khiến kế hoạch nhận được sự ủng hộ của các
nhân viên thực thi chúng, một nhân tố cốt yếu cho thành công của các chương trình cải tiến chất
lượng.
4. Đừng la mắng
Tại tập đoàn sản xuất xe hơi lớn thứ hai trên thế giới, Toyota, một quy tắc được đề ra là các nhà
quản trị không được quát tháo và đe dọa trừng phạt nhân viên dưới quyền khi có sai sót xảy ra,
bởi chỉ có như vậy mới bảo đảm các lỗi lầm sẽ được báo cáo ngay và đầy đủ, từ đó có thể tìm ra
nguyên nhân sâu xa của những lỗi lầm đó (trong các chính sách và các quy trình) nhằm sửa đổi
cho phù hợp. Trách mắng nhân viên hẳn nhiên sẽ không khích lệ mọi người thông báo với cấp
trên những việc sai sót và như vậy cũng khó tìm ra nguyên nhân sâu xa của sai lầm.
5. Làm cho người khác hiểu công việc mình làm
Muốn như thế, các nhà quản trị cần chú ý đến các kỹ năng huấn luyện và thuyết trình. Các nhà
quản trị tại tập đoàn điện tử Sony, Nhật Bản, luôn chú trọng việc giúp các nhân viên phát triển kỹ
năng diễn giải và trình bày về công việc của mình trước tập thể để họ có được những sự cộng
tác đầy đủ và hữu hiệu hơn.
6. Luân chuyển những nhân viên giỏi
Hãng Honda có chính sách luân phiên huấn luyện nhân viên. Thông thường, những nhà quản trị
đều có xu hướng muốn giữ những nhân viên giỏi nhất của mình không cho luân chuyển sang bộ
phận khác, nhưng về lâu dài, chính sách luân chuyển nhân viên giỏi sẽ rất có lợi cho toàn thể
công ty.
7. Một mệnh lệnh không có thời hạn hoàn thành thì không phải là mệnh lệnh
Nguyên tắc này nhằm để các nhà quản trị luôn luôn phải ra thời hạn hay lịch trình thực hiện công
việc. Không xác định giới hạn về thời gian chính là nguyên nhân khiến cho các công việc sẽ ít
được hoàn tất hơn.
8. Diễn tập là dịp lý tưởng để huấn luyện các kỹ năng cần thiết
Các nhà quản trị và người trưởng nhóm giám sát thường có rất nhiều buổi thuyết trình và báo
cáo và trong chương trình kiểm tra chất lượng thường phải có báo cáo về tiến độ thực hiện công
việc. Trong thời gian giữ chức giám đốc điều hành tại Honda, Masao Nemoto luôn khuyến khích
các nhà quản trị chú tâm đến việc diễn tập những buổi báo cáo và thuyết trình. Đó là những dịp
rèn luyện kỹ năng phát biểu và khám phá những vấn đề mới hoặc những thiếu sót của vấn đề.
9. Kiểm tra sẽ vô ích, trừ khi nhà quản trị cấp cao có hành động
Với nguyên tắc này, nhà quản trị phải đề ra được các biện pháp giải quyết thật cụ thể khi có một
vấn đề đang cần theo dõi hoặc cần được báo cáo. Một khi đã xác định được vấn đề mà không
có hành động gì thì việc kiểm tra cũng chỉ vô ích.
10. Hãy hỏi thuộc cấp "Tôi có thể làm gì cho anh ?"
Ở Toyota hay Mitsubishi, điều này được gọi là “tạo cơ hội để được lắng nghe cấp thấp nhất”.
Nếu thuộc cấp có yêu cầu giúp đỡ điều gì, nhà quản trị nên cố gắng thực hiện theo yêu cầu ấy
ngay khi có thể. Nói một cách khác, nếu các nhân viên cảm nhận rằng nhà quản trị cấp cao quan
tâm và sẵn sàng giải quyết vấn đề của họ, thì họ sẽ tích cực, lạc quan hơn việc thực thi nhiệm vụ
được giao và sẽ có thái độ nghiêm túc hơn đối với những mục tiêu chung mà nhà quản trị đề ra.
Và cuối cùng “Làn sóng văn minh thứ tư” đang hướng các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản
đến việc phá vỡ những chương trình quản lý cũ thông qua việc mở ra những phương pháp mới
nhằm tăng cường đầu tư vào sáng tạo, đổi mới các qui trình quản trị lãnh đạo theo yêu cầu của
tình hình mới... Có thể nói, tính sáng tạo đang ngày càng có ảnh hưởng lớn và giữ vai trò tiên
phong trong cuộc cách mạng quản trị diễn ra ở Nhật Bản kể từ những năm đầu của thiên niên kỷ
mới.
Admin (Theo
www.bwportal.com