Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Những Nguyên Tắc Định Tiêu Đề Đề Mục (Subject Headings)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.23 KB, 5 trang )

Những Nguyên Tắc Định Tiêu Đề Đề Mục
(Subject Headings)
Lê Ngọc Oánh, ML. GĐ Thư Viện Đại Học Mở-Bán Công
(Trích Bản Tin Điển Tử - Câu Lạc Bộ Thư Viện, số 5-1999)
Nguyên tắc định Tiêu đề Đề mục (Subject headings) là những hướng dẫn chung cho việc xác định cấu trúc
của Tiêu đề Đề mục. Những nguyên tắc này là kết quả mới đây của một cuộc nghiên cứu khả thi do Liên
đoàn quốc tế các Hiệp hội và Định chế Thư viện (International Federation of Library Associations and
Institutions = IFLA) thực hiện.
Có hai nhóm nguyên tắc định tiêu đề đề mục:
Chín nguyên tắc thiết lập (Construction Principles)
Hai nguyên tắc ứng dụng (Application Principles)
Các nguyên tắc thiết lập.
1. Nguyên tắc tiêu đề thống nhất (Uniform Heading Principle). Để tất cả tư liệu về một đề tài đặc biệt nào
đó được tập trung nhằm truy cập nhanh chóng thì mỗi đề tài chỉ được biểu thị bởi một Tiêu đề Đề mục
nhất định.
Ví dụ:
Ô tô
Tự động xa
Xe hơi
Chỉ duy nhất Ô tô là một đề mục hợp lệ.
Tương tự, có một sự tương quan giữa cơ thể sinh vật với môi trường sống của chúng gồm những sinh vật
khác, có thể được biểu thị bởi những thuật ngữ khác nhau:
Cân bằng tự nhiên
Môi trường
Sinh học--Sinh thái
Sinh học môi trường
Sinh thái học
Trong số này chỉ có Sinh thái học là đề mục hợp lý.
Nguyên tắc này có sự liên quan mật thiết với nguyên tắc kế tiếp.
2. Nguyên tắc từ đồng nghĩa (Synonymy Principle). Để tập hợp tất cả tư liệu theo một chủ đề và để tăng
khả năng truy cập của một Ngôn ngữ tiêu đề đề mục (Subject Heading Language), các từ đồng nghĩa phải


được kiểm soát trong Ngôn ngữ tiêu đề đề mục.
Để kiểm soát từ đồng nghĩa, các từ đồng nghĩa và các dạng khác nhau của cùng một tiêu đề phải được
bao gồm trong Khung đề mục như là những từ vựng dẫn mục, nghĩa là như những từ tham chiếu. Ví dụ:
Ô tô
Được dùng cho (UF: used for)
Tự động xa
Xe hơi
Sinh thái học
Được dùng cho (UF: used for)
Cân bằng tự nhiên
Môi trường
Sinh học--Sinh thái
Sinh học môi trường
Theo Cutter, một nhà thư viện học, có những quy tắc sau đây để giúp ta khi phải chọn lựa một đề mục
trong số nhiều từ đồng nghĩa:
Chọn từ quen thuộc nhất với độc giả.
Chọn từ được dùng nhiều nhất trong các mục lục khác.
Chọn từ có ít nghĩa khác với nghĩa đang sử dụng nhất.
Chọn từ có khả năng tập hợp các đề tài liên hệ.
Ví dụ trong các từ:
Bác sĩ
Đông y sĩ
Lương y
Thầy thuốc
Y sĩ
Nên chọn Y sĩ vì từ này vừa đúng nhất lại đã trở nên quen thuộc và có khả năng tập hợp các đề tài liên hệ:
Y cụ, Y khoa, Y sĩ đoàn, Y tá.
Ví dụ khác
Thuế
Thuế khóa

Thuế má
Thuế vụ
Nên chọn Thuế, từ này có thể ghép thêm để cho ta: Thuế gián thâu, Thuế nhập khẩu, Thuế thu nhập, Thuế
trị giá gia tăng, Thuế trực thâu, Thuế xuất khẩu.
3. Nguyên tắc đồng âm dị nghĩa (Homonym Principle). Để ngăn ngừa việc truy cập các tư liệu không liên
quan và để gia tăng độ chính xác của Ngôn ngữ tiêu đề đề mục, các từ đồng âm phải được kiểm soát
trong Ngôn ngữ tiêu đề đề mục.
Để đảm bảo sự chính xác và để giảm thiểu sự sai lầm trong việc truy cập đề tài, mỗi một tiêu đề chỉ tiêu
biểu cho một đề tài duy nhất, nó không thể dùng cho hai hay nhiều đề tài. Các từ có cách viết giống nhau
nhưng có nhiều ý nghĩa khác nhau như thường thấy trong trường hợp khi có nhiều môn học hay lãnh vực
kiến thức khác nhau liên quan tới phải được làm rõ nghĩa bằng những từ bổ nghĩa trong ngoặc ( ), chẳng
hạn như:
Hồng (Hoa)
Hồng (Màu)
Hồng (Quả)
4. Nguyên tắc hệ biến từ với các loại tham chiếu (Paradigmatic Principle with Cross-References). Để biểu
thị cấu trúc hệ biến từ của một ngôn ngữ tiêu đề đề mục, các tiêu đề đề mục phải được nối kết với nhau
bằng những quan hệ tương đương, phân cấp và liên kết qua các loại tham chiếu.
Quan hệ tương đương (Equivalence Relationships). Các từ tương đương này gồm các từ đồng nghĩa theo
thứ tự thông thường hay đảo nghịch các cách viết khác nhau nhất là đối với các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga.
(gồm các dạng số ít và số nhiều, các hậu tố khác nhau, các tiêu đề đã thay đổi hay hủy bỏ, các chữ viết tắt
và chữ ghép, các cụm từ theo thứ tự khác nhau, và đôi khi các từ trái nghĩa mà nó thường được nói đến
cùng trong tác phẩm). Ví dụ:
Doanh nghiệp, Tình báo
Được dùng cho (UF: used for)
Công nghiệp, Điệp viên
Công ty, Tình báo
Doanh nghiệp, Điệp viên
Điệp viên công nghiệp
Điệp viên doanh nghiệp

Tình báo công ty
Tình báo doanh nghiệp
Để đảm bảo rằng người sử dụng bất ngờ tra mục lục dưới nhiều tên khác nhau (hoặc dưới nhiều dạng
khác nhau của tên) của một đề tài cho sẵn sẽ có thể định vị được tài liệu về đề tài đó, tham chiếu "xem"
được cung cấp để dẫn họ từ danh từ mà họ đang tra cứu tới tiêu đề có thẩm quyền trong câu hỏi. Những
tham chiếu này dẫn người sử dụng từ những từ ngữ không được sử dụng như các tiêu đề đến các tiêu đề
có thẩm quyền. Ví dụ:
Lương y
Xem
Y sĩ
Quan hệ phân cấp (Hierachical Relationships). Tham chiếu phân cấp chỉ ra những đề tài mà phạm vi rộng
hơn hay hẹp hơn đề tài trong câu hỏi.Ví dụ:
Ô tô
Từ hẹp hơn (NT: narrower term)
BMV, Ô tô
Chrysler, Ô tô
Ford, Ô tô
Mercedes, Ô tô
Renault, Ô tô
Rolls-Royce, Ô tô
Thể thao, Ô tô
Toyota, Ô tô
Từ rộng hơn (BT: broader term)
Động cơ, xe
Vận chuyển, xe
Quan hệ liên kết (Associative Relationships). Tham chiếu liên kết được dùng để nối những tiêu đề mà nó
có quan hệ về ý niệm chứ không phải về hệ cấp. Những tham chiếu như vậy thường được thực hiện cho
những loại tiêu đề sau đây:
Những tiêu đề mà ý nghĩa của nó bao trùm một phạm vi nào đó.
Giáo dục

Từ liên hệ (RT: related term)
Giảng dạy
Học sinh
Trường học
Những tiêu đề tiêu biểu một môn học và đối tượng được nghiên cứu
Y sĩ
Từ liên hệ (RT: related term)
Y khoa
Những tiêu đề tiêu biểu cho người và lãnh vực hoạt động của người đó
Thư viện
Từ liên hệ (RT: related term) ả
Thủ thư
5. Nguyên tắc cú pháp - Nguyên tắc chính xác (Syntax Principle - Specific or Direct Entry Principle). Để
biểu thị những đề tài kép và phức hợp, cú pháp của một ngôn ngữ tiêu đề đề mục phải kết nối những phân
mục của một tiêu đề đề mục làm bằng mối liên kết về cú pháp hơn là các mối liên hệ về ngữ nghĩa.Ví dụ:
Mục lục trực tuyến--Truy cập chủ đề
Tiến hóa--Nghiên cứu--Anh quốc--Luân Đôn--Lịch sử--Thế kỹ 19
Hoa kỳ--Lịch sử--Nội chiến, 1861-1865--Hành quân trên biển--Tàu ngầm
Dầu hỏa--Công nghiệp và thương mại--Việt nam
Tuy nhiên nội dung của từ ngữ phải phản ảnh thật sát đề tài, không rộng hơn mà cũng không hẹp hơn. Nói
tóm lại tiêu đề phải diễn tả thật đúng đề tài của tư liệu, cho nên đôi khi phân mục phản ánh mức độ phân
cấp là không cần thiết. Chẳng hạn như.
Không dùng:
Mục lục--Mục lục thư viện--Mục lục trực tuyến
Nên dùng:
Mục lục trực tuyến
6. Nguyên tắc ổn định (Consistency Principle). Để hoàn thành và duy trì tính cách ổn định, mỗi một tiêu đề
đề mục mới được chấp nhận vào một ngôn ngữ tiêu đề đề mục phải tương tự về hình thức và cấu trúc vớI
các tiêu đề đề mục đã có sẵn trong ngôn ngữ đó và có thể so sánh được.
Bất cứ chỗ nào có thể được người ta cố gắng duy trì tính cách ổn định về hình thức và cấu trúc trong số

những tiêu đề tương tự qua việc sử dụng một mô thức được lặp đi lặp lại, chẳng hạn những tiêu đề sau
đây tiêu biểu cho tác dụng của các tác nhân khác nhau đối với thảo mộc được thiết lập dưới cùng một hình
thức
Thực vật, Tác dụng của ánh sáng đối với
Thực vật, Tác dụng của axít đối với
Thực vật, Tác dụng của hóa chất dùng trong nông nghiệp đối với
Thực vật, Tác dụng của khí nóng đối với
Thực vật, Tác dụng của lũ lụt đối với
Thực vật, Tác dụng của ô nhiễm không khí đối với
Thực vật, Tác dụng của rượu đối với
Thực vật, Tác dụng của sự kết tủa axít đối với
Thực vật, Tác dụng của tầng ô-dôn đối với
7. Nguyên tắc tên gọi (Naming Principle). Để làm dễ dàng cho việc truy cập trọn vẹn thì các tên người, nơi
chốn, gia đình, đoàn thể và các tác phẩm khi được dùng trong một ngôn ngữ tiêu đề đề mục, mục lục, thư
mục hay sách chỉ mục (Index) nào đó phải được thiết lập theo những qui tắc được dùng cho các mục từ
tác giả và nhan đề trong mục lục, thư mục và sách chỉ mục đó.
Thuộc tính tên gọi. Danh từ riêng (tên gọi riêng) được chọn như tiêu đề đề mục có thể mượn ở Tập tin
thẩm quyền về tên gọi hay được thiết lập trong tập tin thẩm quyền về đề mục.
Tên gọi được mượn từ Tập tin thẩm quyền về tên gọi (Name Authority File). Ngoài một vài biệt lệ, tên gọi
của người, đoàn thể, nơi chốn và những mục từ khác có thể được mượn từ Tập tin có thẩm quyền về tên
gọi (đó là cơ sỡ dữ liệu đọc được bằng máy gồm những tiêu đề và tham chiếu cho tên người, tên đoàn thể
và các nhan đề đồng nhất) để sử dụng như những tiêu đề đề mục cho các tác phẩm về những đề tài này.
Hình thức của những tiêu đề như vậy được dựa trên bộ Anglo - American Cataloguing Rules (Qui tắc Biên
mục khối Anh Mỹ) ấn bản lần thứ hai năm 1988 (AACR2), chẳng hạn:
Hồ Chí Minh, 1890-1969--Thời thơ ấu và thanh niên
Hồ Chí Minh, 1890-1969--Du hành--Liên xô
Hồ Chí Minh, Thành phố (Việt Nam)
Hà Nội (Việt Nam)--Điều kiện kinh tế--Thống kê
Tên gọi được thiết lập trong Tập tin có thẩm quyền về đề mục (Subject Authority File). Các tiêu đề về
những tên gọi riêng không có trong Tập tin có thẩm quyền về tên gọi thì được thiết lập trong Tập tin có

thẩm quyền về đề mục. Những tên gọi như vậy thì gồm có những tên địa dư không thuộc thẩm quyền tài
phán; tên các tòa nhà, các công trình kiến trúc,...; tên của các nhân vật truyền kỳ và tiểu thuyết; tên của các
dòng họ, các triều đại, các tòa nhà hoàng gia,...; tên các tác phẩm nghệ thuật; tên các mục từ khác, chẳng
hạn như là các biến cố lịch sử, các cuộc trắc nghiệm tâm lý, các giải thưởng, các sản phẩm, các trò chơi,
các bộ lạc, các nhóm dân tộc và sắc tộc. Bất cứ chỗ nào có thể được và thích hợp, người ta cố gắng thiết
lập những tiêu đề cho mục từ tên gọi khác dưới hình thức có thể so sánh với tiêu đề của bộ AACR2. Ví dụ:
Ấp Bia, Núi (Việt Nam)
Brooklyn, Cầu (New York, N.Y.)
Tây Hồ (Việt Nam)
Waterloo, Trận đánh, 1815
8. Nguyên tắc bảo toàn văn phong (Literary Warrant Principle). Để phản ánh nội dung đề tài của các tài
liệu, từ vựng của một ngôn ngữ tiêu đề đề mục phải được triển khai một cách năng động, dựa trên thẩm
quyền về văn từ và hội nhập một cách hệ thống với từ vựng hiện tại.
Nên chọn từ ngữ do các tác giả có thẩm quyền sử dụng. Nếu không có sự đồng ý giữa các tác giả thì nên
chọn từ ngữ nào được họ sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra đừng chọn từ ngữ từ một cuốn từ điển mà nên
chọn từ ngữ sử dụng trong các tạp chí chuyên ngành.
9. Nguyên tắc người sử dụng User Principle). Để nắm bắt được nhu cầu của người dùng, vốn từ của ngôn
ngữ tiêu đề đề mục phải có chọn lọc để phản ánh được nhu cầu, thị hiếu của độc giả.
Đề mục phải được chọn từ những từ ngữ đang được sử dụng. Nói cách khác, những từ ngữ lỗi thời phải
bị hủy bỏ. Ví dụ:
Không dùng: Vạn vật học
Nên dùng: Sinh học
Đề mục phải được chọn thế nào cho phù hợp với trình độ của độc giả. Do đó, thư viện trường học hoặc
công cộng có thể dùng đề mục có tính cách phổ thông, trái lại thư viện đại học hoặc chuyên ngành có thể
dùng các từ ngữ chuyên môn hoặc thông thái làm đề mục. Ví dụ:
Thư viện công cộng dùng đề mục: Ốc (Sinh vật)
Thư viện chuyên ngành dùng đề mục: Nhuyển thể
Các nguyên tắc ứng dụng.
1. Nguyên tắc về chính sách chỉ mục đề mục (Subject Indexing Policy Principle). Để đáp ứng nhu cầu của
người sử dụng và khiến cho việc nghiên cứu tài liệu được ổn định, chính sách chỉ mục hướng dẫn về phép

phân tích và trình bày đề mục phải được khai triển.
Kể từ năm 1984, Thư viện Quốc hội Hoa kỳ đã cung ứng sự hướng dẫn về phép phân tích và trình bày đề
mục qua ấn phẩm Subject Cataloguing Manual: Subject Headings (Cẩm nang biên mục đề mục: Tiêu đề đề
mục).
2. Nguyên tắc tiêu đề chính xác (Specific Heading Principle). Để gia tăng độ chính xác của một ngôn ngữ
tiêu đề đề mục, một tiêu đề đề mục hay một bộ tiêu đề đề mục phải bao gồm nội dung của đề tài mà nó
đem ứng dụng. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự truy cập quá ít hay quá nhiều, mức độ bao hàm của những
tiêu đề được ấn định phải được điều chỉnh dựa vào khuôn khổ của tập tin và khuynh hướng của đề mục
trong việc phát triển sưu tập.
Tiêu đề tiêu biểu chính xác cho nội dung của tác phẩm được ấn định như là tiêu đề tiên khởi, trừ phi một
tiêu đề không hiện hữu hoặc không thể thiếp lập. Trước sự khiếm khuyết của một tiêu đề bao hàm, một
tiêu đề rộng hơn hay tổng quát hơn, nội dung của tác phẫm có thể được ứng dụng. Trong trường hợp này,
tiêu đề rộng hơn hay rổng quát hơn này là tiêu đề có thẩm quyền chính xác nhất trong hệ cấp nó bao gồm
nội dung của tác phẩm. Trong một vài trường hợp, nhiều tiêu đề liên hệ có thể được chỉ định. Ví dụ:
Nhan đề: Pháp luật và giao thông đường bộ
Đề mục:
1. Giao thông, Luật--Việt Nam
Nhan đề: Lịch sử sách và thư viện
Đề mục:
1. Thư viện--Việt Nam--Lịch sử
2. Sách--Việt Nam--Lịch sử
Kết luận.
Thế giới hiển nhiên ngày càng thu hẹp hơn và sự liên kết giữa các thư viện và những cơ quan thông tin
trên toàn thế giới được thực hiện một cách nhanh chóng đã trở thành hiện thực. Điều này rất quan trọng
và thuận lợi cho việc thiết lập những tiêu chuẩn và cách thức chung đưa đến sự hợp tác quốc tế càng
thêm hoàn thiện cũng như sự trao đổi thông tin được thực hiện một cánh dễ dàng hơn. Những nguyên tắc
IFLA đang từng bước thực hiện được điều đó.
Tham khảo.
1.CHAN, LOIS MAI. IFLA Principles for Subject Headings - Tài liệu phân phối tại Hội thảo thư viện "Phân
loại và Tiêu đề Đề mục - Classification and Subject Headings" do The United Board Christian Higher

Education In Asia, Harvard-Yenching Institute, và Simmons College Graduate School of Library and
Information Science kết hợp với Thư viện Quốc gia Việt nam tổ chức tại Khách sạn Tây Hồ, Hà nội từ
16.4.1997 đến 19.4.1997.
2.CHAN, LOIS MAI. Library of Congress Subject Headings: Principle and Application.- 3rd Edition.-
Englewood, Colorado: Libraries Unlimited, Inc., 1995.
3.CHAN, LOIS MAI. Cataloging and Classification: An Introduction.- New York: McGraw-Hill, Inc., 1994.

×