MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Trường Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội:
Hơn mười năm sau ngày thành lập và đi vào hoạt động, Trường Đại học
Quản lý kinh doanh Hà Nội đã có những bước phát triển đáng khích lệ và đã gặt hái
được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Có được kết quả này không thể không
nói đến vai trò của người thày Hiệu trưởng đầu tiên và đang đương nhiệm của nhà
trường: Bác Trần Phương - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Từ những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ trước, nhân dịp công tác tại Nhật
Bản, Bác Trần Phương được bạn mời tham quan mô hình Hợp tác xã bệnh viện. Xã
viên tham gia hợp tác xã góp vốn xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị hiện
đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho xã viên và cộng đồng. Từ thực tế quan
sát, do chất lượng khám chữa bệnh tốt, tinh thần phục vụ bệnh nhân tận tình, chu
đáo, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện rất đông. Các bệnh
nhân là xã viên Hợp tác xã bệnh viện được ưu tiên giảm chi phí khám chữa bệnh.
Từ thực tế hoạt động của mô hình Hợp tác xã bệnh viện ở Nhật Bản, một
quan sát đáng chú ý có thể rút ra là: hợp tác xã có thể được thành lập và hoạt động
ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; ở mọi nơi- không phân biệt nông thôn
hay thành thị; hợp tác và tinh thần hợp tác có thể được thiết lập ở các cấp bậc, mức
độ khác nhau- từ đơn giản, quy mô nhỏ đến phức tạp, quy mô lớn ở trình độ cao.
Quan niệm cho rằng hợp tác và hợp tác xã chỉ phát triển ở các ngành nghề truyền
thống như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mua bán, …trở nên không còn phù
hợp.
Những công việc bộn bề khi còn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã
không cho phép bác Trần Phương, mặc dù rất quan tâm và thú vị đối với mô hình
hợp tác xã kiểu mới này, có thời gian để thử nghiệm, áp dụng ý tưởng học tập từ các
bạn Nhật Bản vào xây dựng mô hình ở Việt Nam. Chỉ đến đầu những năm 90 của
thế kỷ 20, khi thôi làm công tác quản lý nhà nước, Bác Trần Phương mới có thời
gian nghiên cứu sâu hơn về mô hình này. Với đặc tính ưu việt của hợp tác xã thể
hiện rõ nhất ở cơ chế "đối nhân"- đó là bình đẳng lá phiếu của mọi xã viên tham gia
hợp tác xã không phụ thuộc vốn góp, ý tưởng về một mô hình hợp tác xã trường
học- tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc đã ra đời. Tuy nhiên, thời gian
này, chúng ta chưa có Luật hợp tác xã (xin lưu ý rằng Luật Hợp tác xã đầu tiên của
nước ta được thông qua vào cuối năm 1996 và chính thức có hiệu lực từ
01/01/1997), bên cạnh đó, khái niệm về một mô hình hợp tác xã trường học dường
như còn quá mới mẻ trong tư duy của các nhà quản lý giáo dục nói riêng, của các cơ
quan quản lý nhà nước và của nhân dân nói chung. Xã hội đã quá quen thuộc với
1
suy nghĩ trường học là của nhà nước. Tại thời điểm đó, chúng ta mới chỉ có quy chế
Trường dân lập và Trường tư thục. Với mong mỏi đóng góp để thực sự cải tiến nền
giáo dục đại học nước nhà, cùng với các cộng sự bác Trần Phương đã xin phép các
cơ quan chức năng thành lập Đại học Quản lý kinh doanh Hà Nội hoạt động theo
Quy chế trường tư thục, nhưng hoạt động theo mô hình hợp tác xã của những người
lao động trí thức.
Trường Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo
mô hình hợp tác xã trường học với các đặc trưng cơ bản sau đây:
1. Triệt để tuân thủ nguyên tắc "đối nhân"
Sức sống của một trường đại học phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giảng viên-
những kỹ sư tâm hồn. Họ, trước hết là những nhà khoa học có những đóng góp nhất
định cho đất nước và là những nhà sư phạm yêu nghề. Với trình độ học vấn cao,
hiểu biết rộng và trách nhiệm nghề nghiệp, sẽ không phải là giải pháp tối ưu để họ
"đi dạy thuê" cho một ông chủ nào đó. Đối với đội ngũ trí thức sư phạm, được làm
chủ giảng đường, lớp học, chủ động, sáng tạo trong nghề nghiệp trở thành điều kiện
quan trọng hàng đầu để họ phát huy hết tài năng trong nghiên cứu khoa học và
truyền thụ kiến thức đến cho học sinh. Tuy nhiên, phần lớn giảng viên lại thuộc tầng
lớp có thu nhập trung bình trong xã hội. Thu nhập của họ chỉ đủ sống, hoặc chỉ dư
dật chút ít, không đủ sức để mở riêng một cơ sở đào tạo.
Nguyên tắc đối nhân của hợp tác xã có thể là giải pháp tốt cho tình huống này.
Các giảng viên- tuỳ theo điều kiện kinh tế của mình có thể đóng góp vốn xây dựng và
trở thành chủ nhân của trường. Mức vốn góp tối thiểu được quy định là 10 triệu
đồng, không hạn chế mức vốn góp tối đa. Hiệu trưởng Trần Phương cho biết hiện có
trên 300 giảng viên, cán bộ thường xuyên của Trường tham gia góp vốn xây dựng
trường. Từ những người bảo vệ, lái xe, phục vụ đến các giảng viên, lãnh đạo nhà
trường đều tham gia góp vốn và trở thành chủ nhân của Trường. Bên cạnh đó còn
có khoảng 300 cổ đông góp vốn làm giáo viên thỉnh giảng cho Trường. Trường thực
sự là hợp tác xã của những người lao động tri thức làm việc tại chính trường mà
mình là chủ sở hữu.
2. Trường là tổ chức phi lợi nhuận
Tôn chỉ hoạt động của Trường phù hợp với nguyên tắc hoạt động của hợp tác
xã: tự chủ về tài chính, bảo toàn vốn góp, không vì mục tiêu lợi nhuận. Khác với
doanh nghiệp, nơi mà lợi nhuận được xem là mục tiêu hàng đầu để phấn đấu,
Trường Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội không xem đây là mục tiêu then chốt.
Nhà trường phấn đấu đào tạo cho xã hội những kỹ sư, cử nhân có trình độ cao, với
chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Vốn góp của hơn 300 cán bộ, công nhân viên, giảng viên và lãnh đạo Nhà
trường cùng với các cổ đông khác được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng (trường, lớp
2
học, thư viện…), mua sắm trang thiết bị máy móc, phục vụ công tác dạy và học. Nhà
trường thu học phí (hiện là 400.000 đồng/tháng) để trang trải các chi phí hoạt động.
Phần chênh lệch- không được xem là lãi- được dùng một phần để trả lãi suất cố định
(1,2%/ tháng, 6 tháng/ lần) cho các cổ đông góp vốn, phần còn lại được tích luỹ để
làm tài sản không chia của nhà trường. Hàng năm, sau khi trừ hết các chi phí hoạt
động, bình quân mỗi năm phần dư còn để lại khoảng 1,5-2 tỷ đồng. Qua 10 năm
hoạt động, quỹ không chia của nhà trường đã ngày càng lớn mạnh, đến nay đã đạt
xấp xỉ 20 tỷ đồng. Quỹ không chia này thực sự có ý nghĩa xã hội to lớn, lớn mạnh
dần và phục vụ cho xã hội dù có thay đổi cổ đông góp vốn, hoặc có những biến động
nào khác.
Mặc dù Trường là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng nhất
thiết những nhà quản lý phải là những người có đầu óc kinh doanh, biết tổ chức và
vận hành nhà trường một cách có hiệu quả, đảm bảo trường có thể tự chủ được về
tài chính, bảo toàn vốn, trả được lãi vốn góp của các cổ đông và có phần để tích luỹ
quỹ và tài sản không chia.
3. Quyền bầu cử, ứng cử và nguyên tắc giám sát cộng đồng
Trên cơ sở của nguyên tắc đối nhân, việc ứng cử, bầu cử các chức danh lãnh
đạo trong trường hoàn toàn độc lập với việc góp vốn. Khác với doanh nghiệp nơi mà
trọng số phiếu bầu tương ứng với mức cổ phần do cổ đông đóng góp, nguyên tắc
đối nhân quy định tất cả xã viên đều có quyền bầu ứng cử như nhau, không phụ
thuộc vào tỷ lệ vốn góp. Lãnh đạo các đơn vị của trường được lựa chọn và bầu một
cách dân chủ trên cơ sở tài tăng, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, v.v., để đảm bảo
những người được bầu giữ các chức danh có thể hoàn thành tốt nhất công việc
đựơc giao.
Trường quản lý kinh doanh Hà Nội cũng thực hiện tốt nguyên tắc giám sát
cộng đồng. Ban lãnh đạo nhà trường, đứng đầu là Hiệu trưởng là người thiết kế các
nguyên tắc, cơ chế vận hành trong nhà trường như điều lệ, nội quy hoạt động,…Tập
thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường căn cứ điều lệ và nội quy đã
được phê duyệt thực thi các nhiệm vụ được giao và giám sát các hoạt động của nhà
trường.
4. Tích luỹ quỹ chung không chia ngày càng lớn.
Một phần khoản chênh lệch thu chi hàng năm được trường bổ sung vào quỹ
không chia. Sau gần 10 năm, quỹ này cùng với phần vốn huy động khác của thành
viên góp vốn đã giúp trường đầu tư xây dựng trụ sở trường khang trang hiện đại,
mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ việc dậy và học của trường.
Mô hình Trường Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội có thể xem như là một
mô hình hợp tác xã kiểu mới đầu tiên ở nước ta: Hợp tác xã của những người vừa là
chủ sở hữu vừa là người lao động trong trường, hợp tác xã của những người trí
3
thức. Mô hình hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực mới này cần được các cơ quan
quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách đặc biệt lưu ý, khuyến khích tạo
điều kiện thành lập cũng như có chính sách khuyến khích phát triển. Làm rõ hơn giá
trị, bản chất và mô hình pháp lý của hợp tác xã dường như là việc làm cần thiết.
4