BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
THÀNH PHÚ CHUNG
YẾU TỐ CHĂM TRONG VÙNG VĂN
HÓA TRUNG BỘ VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Thành phố Hồ Chí Minh – 2011
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
THÀNH PHÚ CHUNG
YẾU TỐ CHĂM TRONG VÙNG VĂN HÓA
TRUNG BỘ VIỆT NAM
Chuyên ngành: LỊCH SỬ VIỆT NAM
Mã số: 602254
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ THANH THANH
Thành phố Hồ Chí Minh - 201
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong
Luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận văn
Thành Phú Chung
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin trân trọng gởi lời biết ơn đến:
- TS. Trần Thị Thanh Thanh – người đã trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn tận tình trong suốt
quá trình học tập và thực hiện đề tài.
- Ban giám hiệu, Phòng quản lý sau đại học, Khoa Lịch sử và các thầy cô giáo trong khoa Lịch
sử, trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh.
- Sở GD & ĐT tỉnh Ninh Thuận, Ban giám hiệu cùng các thầy cô giáo trường THPT Phạm Văn
Đồng, tỉnh Ninh Thuận.
- Bạn bè và gia đình đã quan tâm giúp đỡ, đã tạo mọi điều kiện cho tôi trong quá trình học tập,
nghiên cứu và hoàn thành luận văn này.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2011
Tác giả
Thành Phú Chung
MỤC LỤC
1TLỜI CAM ĐOAN1T 1
1TLỜI CẢM ƠN1T 2
1TMỤC LỤC1T 1
1TMỞ ĐẦU1T 3
1T1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI1T 3
1T2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI1T 4
1T3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TƯ LIỆU1T 5
1T4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU1T 8
1T5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN1T 9
1TCHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH NGƯỜI CHĂM HÒA NHẬP VÀO1T 10
1TCỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM1T 10
1T1.1. KHÁI QUÁT VỀ VƯƠNG QUỐC CHĂMPA1T 10
1T1.2. QUÁ TRÌNH NGƯỜI CHĂM HÒA NHẬP VÀO CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA DÂN TỘC VIỆT NAM
THỐNG NHẤT1T 16
1T1.3. VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ THỐNG NHẤT CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC
TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM1T 22
1TCHƯƠNG 2: YẾU TỐ CHĂM TRONG VÙNG VĂN HÓA TRUNG BỘ VIỆT NAM1T 31
1T2.1. KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH VÙNG VĂN HÓA TRUNG BỘ VIỆT NAM.1T 31
1T2.1.1 Khái niệm vùng văn hóa1T 31
1T2.1.2. Đặc điểm về tự nhiên và quá trình hình thành vùng văn hóa Trung bộ Việt Nam1T 33
1T2.1.3. Đặc điểm văn hóa vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam1T 35
1T2.2. YẾU TỐ CHĂM TRONG VÙNG VĂN HÓA TRUNG BỘ VIỆT NAM1T 37
1T2.2.1. Yếu tố kiến trúc, điêu khắc Chăm trong vùng văn hóa Trung bộ Việt Nam1T 37
1T2.2.2. Yếu tố Chăm biểu hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt
Nam.1T 50
1T2.2.3. Yếu tố Chăm biểu hiện qua nghệ thuật biểu diễn dân gian trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam.1T
63
1T2.3. TÁC ĐỘNG CỦA CÁC YẾU TỐ CHĂM ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÙNG VĂN HÓA TRUNG BỘ
VIỆT NAM1T 71
1TCHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ ĐẶC SẮC VÀ ĐÓNG GÓP CỦA VĂN HÓA CHĂM1T 76
1TTRONG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM1T 76
1T3.1. GIÁ TRỊ ĐẶC SẮC CỦA VĂN HÓA CHĂM TRONG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM1T 76
1T3.1.1. Giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm trong nền văn hóa Việt Nam1T 76
1T3.1.2. Giá trị văn hóa đặc sắc về phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống kinh tế của người
Chăm trong nền văn hóa Việt Nam1T 78
1T3.1.3. Giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Chăm trong nền văn hóa Việt Nam1T 82
1T3.2. ĐÓNG GÓP CỦA VĂN HÓA CHĂM TRONG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM1T 87
1T3.2.1. Đóng góp của các di tích văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam1T 87
1T3.2.2. Đóng góp các làng nghề thủ công truyền thống của người Chăm trong nền văn hóa Việt Nam1T 90
1T3.3. VĂN HÓA CHĂM – MỘT TÀI SẢN VĂN HÓA QUÝ GIÁ CỦA NƯỚC VIỆT NAM1T 97
1TKẾT LUẬN1T 101
1TTÀI LIỆU THAM KHẢO1T 105
1TPHỤ LỤC1T 109
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trải qua tiến trình lịch sử đã hình thành nên quốc gia – dân tộc Việt Nam thống nhất, một
nền văn hóa Việt Nam thống nhất được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm. Nằm trong
khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có những tiếp biến các thành tựu văn hóa Trung Hoa, văn
hóa Ấn Độ và sau này là văn hóa Phương Tây. Văn hóa Việt Nam định hình trong quá trình lịch
sử lâu dài tạo nên các vùng văn hóa có những đặc trưng khác nhau, như vùng văn hóa Bắc bộ,
vùng văn hóa Trung bộ, vùng văn hóa Tây Nguyên và vùng văn hóa Nam bộ… Những đặc
trưng văn hóa khác nhau giữa các vùng được hình thành do tác động của các yếu tố điều kiện tự
nhiên, lịch sử hình thành và quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt Nam.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, do những nguyên nhân và mối quan hệ đối nội – đối
ngoại, vương quốc Chămpa xưa đã trở thành một phần lãnh thổ của nước Việt Nam ngày nay.
Người Chăm đã từng xây dựng một quốc gia phát triển, một nền văn hóa độc đáo mà dấu tích
còn lại đến nay như những kiến trúc đền tháp, những tòa thành cổ, những cảng thị với những
di sản văn hóa nổi tiếng thế giới là thánh địa Mỹ Sơn của vùng Amaravati, tháp Pô Nagar của
vùng Kauthara, tháp Pô Klongrai, tháp Pô Rôme của vùng Panduranga… Đó là những dấu tích
văn hóa đặc sắc, thể hiện tài hoa và trí tuệ của người Chăm. Cùng với di sản văn hóa vật thể,
người Chăm còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, được bảo tồn, gìn giữ lâu đời và góp phần
hòa nhập vào di sản văn hóa phi vật thể của người Việt vùng ven biển miền Trung, từ đó hình
thành những sắc thái riêng, làm nên những giá trị độc đáo cho nền văn hóa của cộng đồng các
dân tộc Việt Nam như: tín ngưỡng thờ mẹ Xứ Sở (Pô Nagar), tục thờ cúng Cá Ông, kỹ thuật chế
biến đường, kỹ thuật làm bờ xe nước, kỹ thuật đi biển buôn bán và đánh bắt cá biển, cách chế
biến món ăn đặc sắc như cơm hến, mắm nhum, cháo chua…, và cùng với các lễ hội, âm nhạc,
ca múa…Những nét đặc sắc này làm nên yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam.
Người Chăm một dân tộc thành phần trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có bề dày văn
hóa đồ sộ và lâu đời, ngày nay sống rải rác ở các tỉnh miền Trung cho đến miền Tây Nam bộ
nước ta, trong đó tập trung đông nhất là ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong quá trình định cư
và phát triển của mình, người Chăm vẫn luôn gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống
tốt đẹp như các nghề thủ công truyền thống, chữ viết, sử thi, các lễ hội cổ truyền, các làn điệu
dân ca, điệu múa… và các mối quan hệ giao lưu thân thiết với người Việt trong quan hệ của đời
sống xã hội. Các công trình kiến trúc tháp Chăm ngày nay vẫn được tiếp tục trùng tu tôn tạo,
các tác phẩm điêu khắc, bia ký, cổ vật và các sản phẩm thủ công truyền thống…là những tác
phẩm nghệ thuật độc đáo được các nghệ nhân Chăm thổi hồn làm nên phong cách Chăm và đó
cũng là những giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm.
Hiện nay trong nghiên cứu và nhận thức lịch sử văn hóa dân tộc, việc nghiên cứu yếu tố
Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam có thể góp phần làm phong phú thêm kho tàng
văn hóa Việt Nam, từ đó phát hiện bổ sung những giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm làm cơ sở
đề ra những biện pháp để giữ gìn và bảo tồn. Ngoài ra, việc nghiên cứu yếu tố Chăm trong vùng
văn hóa Trung Bộ Việt Nam cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong việc bảo
tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam hội nhập với
thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Qua đó, văn hóa các của dân tộc Việt
Nam có thêm điều kiện giao lưu, tiếp xúc với văn hóa bên ngoài và góp phần xây dựng nền văn
hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam thống
nhất.
Với nhận thức như trên, người viết luận văn chọn vấn đề “YẾU TỐ CHĂM TRONG
VÙNG VĂN HÓA TRUNG BỘ VIỆT NAM” làm đề tài luận văn thạc sĩ, nhằm thực hiện ước
muốn đóng góp một phần công sức của mình vào việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa Chăm, góp
phần vào sự nghiệp xây dựng văn hóa Việt Nam đa dạng thống nhất, bền vững và phát triển.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
Như tên đề tài chỉ rõ, đối tượng nghiên cứu của luận văn là yếu tố Chăm trong vùng văn
hóa Trung Bộ Việt Nam. Vấn đề này được tiếp cận qua các thông tin sách báo, tạp chí, tư liệu
thực tế, những di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống, các phong tục tập
quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, âm nhạc….của dân tộc Chăm.
Về phạm vi nghiên cứu, luận văn xác định không gian nghiên cứu là vùng văn hóa Trung
Bộ Việt Nam, bao gồm các cộng đồng ven biển miền Trung.
Lịch sử Việt Nam là một tiến trình liên tục trải qua nhiều thời kỳ lịch sử nên giới hạn về
thời gian nghiên cứu của luận văn thuộc toàn bộ tiến trình lịch sử, trong đó tập trung vào thời kỳ
từ khi nước Việt Nam thống nhất.
Về nội dung, luận văn tập trung nghiên cứu vào nguồn gốc, đặc điểm và biểu hiện của yếu
tố Chăm trong vùng văn hóa Trung bộ Việt Nam, bao gồm tiến trình giao lưu, hội nhập văn hóa
Việt – Chăm trong các lĩnh vực nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, các phong tục, tín ngưỡng,
ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn… và những giá trị đặc sắc, cùng với những đóng góp
của văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam.
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TƯ LIỆU
Từ xưa đến nay, văn hóa Chăm đã được biết qua ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Hoa,
trong những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây và trong những chuyên
khảo của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Mặc dù vậy, văn hóa Chăm vẫn còn là đề tài hấp dẫn,
còn nhiều bí ẩn, nhiều lĩnh vực của văn hóa Chăm chưa được khám phá đang cần được tiếp tục
nghiên cứu, nhất là yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam là vấn đề cần được
các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm.
Văn hóa Chăm trong thư tịch cổ Trung Hoa đã có những ghi chép ban đầu về dân cư và
vương quốc Chămpa. Những tư liệu về Chămpa của Trung Quốc ghi lại chủ yếu trong Hán thư,
Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử v.v Các nhà nghiên cứu đều dựa vào
những sử liệu này để dựng lại lịch sử Chămpa. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về
việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu giữa Chămpa và một số quốc gia trong khu vực thời bấy
giờ.
Đến nửa cuối thế kỷ XIX, một số công trình nghiên cứu về lịch sử Chămpa qua các văn bản
cổ được các nhà khoa học phương Tây quan tâm nhiều hơn, nhất là vấn đề ngôn ngữ và văn tự
Chăm. Nhưng phải đến những năm đầu của thế kỷ XX, việc nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc,
điêu khắc và các di tích Chăm mới được quan tâm. Đáng chú ý là tác giả L. Finot với công trình
thống kê các danh mục kiến trúc Chăm (1901); L. Cadiere và H. Parmentier cũng có nhiều bài
viết quan trọng đề cập di tích và các vấn đề khảo cổ Chăm khu vực Miền Trung.
Từ sau năm 1975, văn hóa Chăm ngày càng thu hút nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam quan
tâm nghiên cứu, tìm hiểu và kết quả đạt được cũng đáng trân trọng. Các công trình nghiên cứu
khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam được đăng tải trên nhiều sách báo và tạp chí như:
Dân tộc học, Xã hội học, Khảo cổ học, Văn hóa dân gian… đó là nguồn tư liệu phong phú để
người viết luận văn tham khảo trong quá trình thực hiện luận văn. Văn hóa Chăm thường được
đề cập trong một số công trình chuyên khảo như:
Trong cuốn Tháp Bà thiên Yana hành trình của một nữ thần của Ngô Văn Doanh do Nhà
xuất bản Trẻ xuất bản năm 2009, có đề cập đến những nét độc đáo của kiến trúc Tháp Bà Nha
Trang. Những vẻ đẹp lung linh tỏa sáng trong tất cả những lễ thức cầu cúng, những biểu tượng
thờ phụng, những lễ hội dân gian và những tập tục tín ngưỡng của người dân xứ biển Khánh
Hòa nói riêng và Nam Trung Bộ nói chung.
Trên cơ sở tư liệu gia tộc do cụ Bố Thuận để lại, tác giả Bố Xuân Hổ (con trai cụ trí thức
người Chăm Bố Thuận) cho ra đời cuốn sách Truyền thuyết về các tháp Chăm trên miền đất cực
Nam Trung Bộ do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh
Thuận xuất bản năm 1995. Tác giả cuốn sách đề cập một cách ngắn gọn về các tháp cổ của
người Chăm ở Ninh Thuận và các tháp khác ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình
Thuận).
Tác giả Trần Ngọc Thêm với cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục (1999), đã dành
một phần trình bày những nét cơ bản về văn hoá Chăm.
Trần Quốc Vượng (chủ biên), trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, do NXB Giáo dục xuất
bản năm 2009. Ở đây tác giả trình bày những nét cơ bản nhất về các vùng văn hóa ở Việt Nam,
ngoài ra tác giả cũng dành một phần trình bày về văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa.
Trương Văn Món - Sakaya với “Lễ hội của người Chăm”, cũng là những công trình nghiên
cứu có chiều sâu về văn hoá xã hội, nghệ thuật của người Chăm vùng Ninh Thuận và Bình
Thuận.
Ngoài ra, vấn đề liên quan đến yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam, còn
có nhiều tài liệu khác đề cập:
Phan Xuân Biên (Văn hóa Chăm, 1991); Lê Ngọc Canh (Nghệ thuật múa Chăm, 1978);
Ngô Văn Doanh ( Văn hóa Chămpa, 1994); Inrasara ( Các vấn đề văn hóa xã hội Chăm, 1999);
Văn Món ( Lễ hội Katê người Chăm, 2000; Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc,
2001); Trần Kỳ Phương ( Điêu khắc Chăm ở bảo tàng Đà Nẵng, 1987); Nguyễn Quân – Phan
Cẩm Thượng (Mỹ thuật ở làng, 1991); Trương Hữu Quýnh (Đại cương Lịch sử Việt Nam,
2001); Trần Văn Khê (Văn hóa với âm nhạc dân tộc, 2000); Nguyễn Minh San ( Tiếp cận tín
ngưỡng dân dã Việt Nam, 1998); Trần Ngọc Thêm ( Tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam,
1997); Nguyễn Hữu Thông (Tín ngưỡng thờ mẫu ở miền Trung Việt Nam, 2001); Đặng Nghiêm
Vạn ( Dân tộc học đại cương, 2000); Nguyễn Phúc Luân ( Ngoại giao Việt Nam, 2004); Tạ Chí
Đại Trường ( Thần Người và Đất Việt, 2006)…
Những bài viết được đăng trên các tạp chí như Nguyễn Chí Bền, Nhìn lại tình hình sưu tầm
nghiên cứu lễ hội ở Việt Nam, tạp chí VHNT, Số 2 / 1999; Nguyễn Tứ Hải, Lễ cầu ngư ở Khánh
Hòa, Tạp chí VHNT, Số/ 1997; Vũ Ngọc Khánh, Vài suy nghĩ về tôn giáo và diễn xướng dân
gian ở nước ta, Tạp chí VHNT, Số 3 / 1982; Văn Món (Sakaya), Văn hóa dân gian Chăm với
vấn đề phát triển du lịch, Tạp chí VHNT, Số 9/2001; Chu Quang Trứ, Lễ hội và tâm linh của
người Việt, Tạp chí VHDG, Số 1/1997; Trần Quốc Vượng, Từ một cái nhìn thánh địa Mỹ Sơn,
Tạp chí VHNT, Số 7/1998; Tạp chí Đông Nam Á, Số 2 (11)/1993 (chuyên đề về văn hóa
Chăm)… cũng là nguồn tư liệu bổ sung và làm phong phú thêm cho việc nghiên cứu đề tài.
Song song với nghiên cứu các tư liệu sách, báo, tạp chí tác giả luận văn còn kết hợp tham
khảo nguồn thông tin từ Internet, công tác điền dã (đi tham quan thực tế) trong quá trình thực
hiện luận văn. Sinh ra và lớn lên tại quê hương Ninh Thuận, người viết luận văn thường được
biết và tham gia nhiều lễ hội của người Chăm, đã đi nhiều làng quê của người Chăm, đặc biệt là
các làng nghề thủ công truyền thống Bầu Trúc, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, các tháp Chăm như
tháp Pô Klongrai, tháp Pô Rôme, Tháp Bà Nha Trang trong các dịp lễ. Trong các chuyến đi
miền Trung, còn ghế thăm các tháp Chăm nằm rải rác ở các tỉnh miền Trung, tham quan thánh
địa Mỹ Sơn, các bảo tàng Chăm, các cuộc triển lãm… từ những điều thực tế đó đã giúp tác giả
luận văn hiểu biết thêm để kết hợp với các nguồn tư liệu thu thập được vận dụng vào quá trình
nghiên cứu.
Có thể nói rằng, những công trình nghiên cứu trên đa số là những ghi chép có tính tổng
quát, nội dung chuyên sâu về một hay nhiều lĩnh vực của văn hóa Chăm. Mặc dù vậy, những
công trình khoa học này là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, là chìa khóa đầu tiên gợi mở cho tác
giả luận văn một cách nhìn khái quát về yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu, người viết luận văn không đi sâu vào vấn đề lý luận của yếu tố
Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam mà chỉ kế thừa những thành tựu khoa học của
những người đi trước trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc. Hiện nay việc nghiên cứu, tìm hiểu và
nhận thức về yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam vẫn cần những nghiên cứu
chuyên khảo, vì vậy tác giả luận văn mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình
nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Phương pháp lịch sử
Đề tài sử dụng phương pháp lịch sử trong quá trình nghiên cứu, đây là phương pháp đặc
trưng của khoa học lịch sử, với phương pháp sử học sẽ tìm ra những quy luật phát triển của yếu
tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam và sự tiếp biến, giao lưu văn hóa của hai dân
tộc Việt – Chăm. Bằng những tài liệu lịch sử cụ thể, hình ảnh trực quan, từ nhận thức lịch sử
văn hóa, đề tài trình bày nội dung, hiện tượng trong một hình thức tổng quát.
4.2. Phương pháp logic
Phương pháp logic, được vận dụng để trình bày về nguồn gốc, đặc điểm và biểu hiện của
yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam trong một mối liên hệ biện chứng phù hợp
với logic khách quan của tiến trình lịch sử. Trong việc nghiên cứu nguồn gốc, đặc điểm và biểu
hiện, quy luật không phải chỉ đóng khung trong phạm vi lý luận trừu tượng mà phải dùng tài
liệu lịch sử để minh họa.
4.3. Phương pháp phân tích và tổng hợp
Đây là phương pháp quan trọng để tìm ra tính chất đặc thù, đặc trưng của yếu tố Chăm
trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam. Do đó, các sự kiện và quá trình lịch sử cần được phân
tích và tổng hợp một cách toàn diện, phù hợp với yêu cầu đặt ra.
4.4. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Trong quá trình thực hiện, luận văn còn sử dụng phương pháp liên ngành nhằm làm cho
việc nghiên cứu có tính toàn diện trên cơ sở khai thác triệt để nội dung các ngành khoa học liên
quan như văn học, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, ngôn ngữ, âm nhạc…
5. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phần phụ lục, nội dung của luận văn
được trình bày trong 3 chương như sau:
Chương 1. Khái quát quá trình người Chăm hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Chương 2. Yếu tố Chăm trong vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam
Chương 3. Giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH NGƯỜI CHĂM HÒA NHẬP VÀO
CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
1.1. KHÁI QUÁT VỀ VƯƠNG QUỐC CHĂMPA
Tư liệu khảo cổ học và các chứng tích lịch sử cho thấy vùng Trung Bộ Việt Nam là địa bàn
cư trú lâu đời của người Chăm. Trên nền tảng của văn hóa Sa Huỳnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi)
người Chăm đã thành lập vương quốc Chămpa. Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Sa Huỳnh là
đỉnh cao của văn hóa thời đại kim khí ở miền Trung Việt Nam (từ Đèo Ngang đến Đồng Nai)
được gọi theo tên một địa điểm khảo cổ học ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Nền văn hóa Sa Huỳnh
có quan hệ về nguồn gốc với các nền văn hóa hậu kỳ đồ đá mới, sơ kì thời đại đồng thau ven
biển như văn hóa Bàu Tró, Hoa Lộc, Hạ Long, nhất là văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình), có không
gian phân bố cận kề với văn hóa Sa Huỳnh.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về các giai đoạn sớm, muộn của nền văn hóa Sa Huỳnh,
song hầu như các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng giữa các nhóm di tích của cả ba giai đoạn
sơ, trung kì (thời đại đồng thau) và hậu kì (sơ kỳ thời đại sắt) đều có những đặc trưng chung.
Theo sự thống nhất này thì văn hóa Sa Huỳnh thời đại sắt hay Sa Huỳnh cổ xưa là bắt nguồn từ
những di tích của thời đại đồng thau và chắc chắn có sự tham gia và ảnh hưởng của một số yếu
tố văn hóa khác. Về thời điểm kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh, “dựa trên những niên đại C14 ở
một số khu mộ Chum Hàng Gòn (Phú Hòa – Đồng Nai), Quế Lộc (Quảng Nam) và những hiện
vật văn hóa Hán như tiền Ngũ Thù, tiền Vương Mãng ở di tích Hậu Xá (Hội An – Quảng Nam),
có thể chấp nhận niên đại muộn nhất của các di tích là thế kỉ I, II sau công nguyên” [69, tr.
125].
Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh có quan hệ cội nguồn với các văn hóa hậu kỳ đá mới, sơ kì
đồng thau ven biển, với cốt lõi là văn hóa Bàu Tró. Chủ nhân của văn hóa trên được các nhà
nghiên cứu cho là những người tiền Malai – Pôlinêdi. Trong quá trình hình thành và phát triển
của mình, văn hóa Sa Huỳnh còn có những quan hệ cội nguồn hay giao lưu với những văn hóa
hậu kì đá mới – sơ kì đồng thau của miền cao nguyên Lâm Đồng mà chủ nhân của những văn
hóa trên được coi là tiền Môn – Khơme hay tiền Nam Á. Ngoài ra còn có những mối giao lưu
rộng rãi với các cư dân kim khí Đông Nam Á hải đảo và lục địa. Qua đó có thể thấy chủ nhân
của nền văn hóa này nói tiếng Nam Đảo hay Malai – Pôlinêdi với nhiều yếu tố Nam Á.
Một đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh là hình thức mai táng bằng chum gốm suốt
từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn (ngoại trừ mộ huyệt đất ở Bình Châu – Quảng Ngãi). Trên
địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh từ gò đồi phía Tây cho đến đồng bằng ven biển và hải
đảo phía Đông, đã phát hiện nhiều khu mộ - những bãi mộ chum rộng lớn, nhiều tầng lớp với
những loại hình vò, chum mai táng hình cầu, hình trứng, hình trụ có kích thước lớn nắp đậy
hình nón cụt hay lòng bàn, phân bố lẻ tẻ hay thành cụm. Trong và ngoài chum chứa nhiều đồ
tùy táng với các chất liệu đá, đá quý, thủy tinh, đồng, sắt và gốm, ngoại trừ một vài chum còn
vết tích xương răng trẻ em (Hậu Xá – Hội An – Quảng Nam, Mỹ Tường – Ninh Thuận), hầu
như các chum chỉ có đồ tùy táng, cát trắng và ít than tro. Theo các nhà nghiên cứu có thể do hỏa
táng, có thể do hình thức mộ tượng trưng.
Ở những giai đoạn sớm và giữa, đồng thau đã được người Sa Huỳnh sử dụng để chế tác
công cụ và vũ khí, sang tới giai đoạn cuối, đồ sắt chiếm lĩnh về cả số lượng và chất lượng. Nét
độc đáo của cư dân Sa Huỳnh là kỹ thuật chế tạo đồ sắt (chủ yếu bằng phương pháp rèn), nếu
thống kê các đồ sắt Sa Huỳnh đã được phát hiện đến nay thì số lượng lên tới hàng trăm chiếc,
chủng loại đa dạng gồm rựa, dao quắm, giáo, mai, liềm, thuổng, kiếm ngắn, qua… Đặt trong
tương quan với các trung tâm văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Đồng Nai ở phía Nam, số
lượng và sự phổ biến rộng rãi của đồ sắt của văn hóa Sa Huỳnh nhiều hơn hẳn.
Cùng với việc đạt đến trình độ cao của kĩ thuật chế tạo sắt (cả việc đúc gang), cư dân văn
hóa Sa Huỳnh còn đạt đến bước phát triển cao với các nghề se sợi, vải, chế tạo gốm, làm đồ
trang sức. Trong các di tích tìm thấy nhiều dọi xe chỉ các loại và những dấu vải còn in trên công
cụ vũ khí bằng sắt trong các mộ chum. Nghề gốm rất phát triển với nhiều hình loại chum, vò,
bát bồng, đèn, bình hình lãng hoa, bình con tiện, cốc cao chân… và vô số những đồ gia dụng.
Gốm được trang trí phong phú với những đồ án phức tạp kết hợp tô màu, khắc vạch, nhiều đồ
gốm được nung ở nhiệt độ cao, lửa được khống chế tốt (đôi khi cứng như sành). Cư dân văn hóa
Sa Huỳnh cũng là những người có năng khiếu thẩm mĩ, rất khéo tay và có một mĩ cảm phát
triển tuyệt vời. Họ rất ưa dùng đồ trang sức (vòng, nhẫn, khuyên tai…) bằng thủy tinh, mã não,
đá, gốm. Khuyên tai (hay bùa đeo) hai đầu thú và ba mấu là một chế phẩm Sa Huỳnh đặc thù.
Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh tìm thấy số lượng lớn những loại khuyên tai này. Ở di tích
Đại Lộc –
Quảng Nam một khuyên tai hai mấu còn ở tình trạng chế tác dở dang. Trong một số
di tích đương đại của văn hóa Đông Sơn (Bắc Việt Nam), Philippin, Thái Lan… cũng tìm thấy
những loại khuyên tai này. Đó là bằng chứng của sự lan tỏa ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh.
Cư dân văn hóa Sa Huỳnh “còn biết nấu cát làm thủy tinh và dùng thủy tinh để chế tạo đồ trang
sức (hạt cườm, hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai ba mấu, hai đầu thú…). Từ đây đồ trang sức
thủy tinh lan ra cả phía Bắc và vào phương Nam” [69, tr. 126 - 128].
Tiến sĩ Mỹ Dung nhà khảo cổ cùng làm việc trong nhóm khảo cổ Việt - Đức nhận xét như
sau về những đồ trang sức độc đáo này: “Theo như biểu tượng của thế giới, con chim nước
tượng trưng cho mặt trời. Chẳng hạn hiện vật hình con chim ở khu vực mộ chum hậu kỳ thời đại
đồ đồng vùng sông Danube ở châu Âu. Hạt chuỗi mã não duy nhất ở Đông Nam Á tìm thấy ở
Thái Lan có hình con sư tử. Từ trước đến nay, trong các mộ táng khai quật được, chúng tôi chỉ
phát hiện những hạt mã não hình chuỗi bình thường. Mã não mang hình dạng con vật thì chưa
bao giờ tìm thấy. Từ xưa đến nay người ta vẫn cho rằng nghề thuỷ tinh rất phát triển trong thời
kỳ văn hóa Sa Huỳnh nhưng phát triển ở mức độ cao như vậy thì thật đáng kinh ngạc”.
Văn hóa Sa Huỳnh là sản phẩm của cư dân nông nghiệp trồng lúa ở những đồng bằng ven
biển miền Trung Việt Nam, kết hợp với khai thác nguồn lợi của biển, của rừng, các nghề thủ
công, từng bước mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á
lục địa, hải đảo và xa hơn là với Ấn Độ, Trung Hoa. Đặc biệt ở giai đoạn cuối, nghề buôn bán
bằng đường biển rất phát triển, ở ven biển miền Trung vào những thế kỉ trước, sau công nguyên
đã hình thành một số tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai. Mật độ phân bố di tích cũng như quy
mô lớn của các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh là chứng cớ của sự quần tụ đông đúc dân cư; sự phong
phú về kiểu loại, số lượng của các loại hình hiện vật từ nhiều chất liệu là dấu hiệu về sức sản
xuất mạnh mẽ của cư dân văn hóa này, điều chứng tỏ ở giai đoạn cuối đã hình thành một nhà
nước sơ khai. Sự trùng hợp về địa bàn phân bố, niên đại kết thúc của văn hóa Sa Huỳnh và niên
đại mở đầu của văn minh Chămpa cũng như sự nối tiếp của một số loại hình hiện vật đặc biệt là
đồ gốm và đồ trang sức, của táng thức, của các ngành nghề kinh tế cho thấy nhà nước Chămpa
là sự tiếp nối của nhà nước Sa Huỳnh.
Vương quốc Chămpa qua những ghi chép trong thư tịch cổ, bia kí và những di tích khảo cổ
trên và trong lòng đất trùng hợp với địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh. Lịch sử hình thành
vương quốc Chămpa được biết qua sử liệu các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Đại Việt,
Khơme, Java… phản ánh những nét khái quát như sau: thư tịch cổ của Trung Quốc đã ghi chép
những cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Tượng Lâm (huyện cực Nam vùng đất mà nhà Hán
chiếm đóng những năm đầu công nguyên). Đến năm 192 nhân lúc nhà Hậu Hán loạn, nhân dân
Tượng Lâm nổi dậy giết huyện lệnh, giành tự chủ. Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa là Khu
Liên (có thể tên này là ghi âm lại từ kurung của ngôn ngữ cổ Đông Nam Á, có nghĩa là tộc
trưởng – vua) giành thắng lợi lập ra nước Lâm Ấp. Theo sách Thủy kinh chú quốc gia mới
thành lập này “phía nam giáp nước Phù Nam… lợi dụng núi non hiểm trở, họ không chịu quy
phục Trung Quốc, như Tấn thư chép khoảng năm 280. Lương sử (khoảng đầu thế kỷ VII) còn
ghi lại phổ hệ những ông vua Chămpa sau Khu Liên như Phạm Hùng, Phạm Dật, Phạm Văn,
Phạm Chùy, Phạm Phật, Phạm Hồ Đạt… đều là những tên gọi phiên âm ra tiếng Hán từ chữ Ấn
Độ cổ” [11, tr. 37].
Những kết quả nghiên cứu mới nhất của nhiều học giả trong và ngoài nước cho thấy vương
quốc Chămpa được hình thành bởi một hệ thống gọi là mandala hay là một vương quốc bao
gồm một liên minh của nhiều tiểu quốc có địa bàn kề cận nhau và tương đồng về văn hóa tộc
người, mà đó chính là người Chăm. Thuật ngữ mandala được các nhà nghiên cứu dùng để diễn
tả một hệ thống chính trị – kinh tế được phát hiện ở hầu hết các vương quốc cổ ở Đông Nam Á.
Trong mỗi tiểu quốc của mandala có một vị tiểu vương thường được thần linh hóa và tự xưng là
thủ lĩnh của các tiểu vương khác mà trên lý thuyết là những chư hầu của họ.
Lãnh thổ của vương quốc Chămpa là ở miền Trung Việt Nam, một khu vực có địa hình hẹp
chiều ngang Tây – Đông mà kéo dài theo chiều Bắc – Nam, lại bị chia cắt bởi các đèo cắt ngang
do núi ăn lan ra biển. Song song với những con đèo này là những dòng sông bắt nguồn từ dãy
Trường Sơn chảy xuôi ra biển theo hướng Tây – Đông. Những dòng sông này và chi lưu của nó
là những đường giao thông chủ yếu trong từng khu vực, vùng hạ lưu hình thành dải đồng bằng
tuy nhỏ hẹp nhưng là cơ sở của nền kinh tế nông nghiệp, cửa sông rộng nối với biển Đông hình
thành các bến cảng – đầu mối liên hệ với các tiểu vùng khác bằng đường biển. Địa hình này tạo
thành những tiểu vùng – tiểu quốc tập hợp thành vương quốc Chămpa, mô hình một tiểu quốc
Chămpa dựa trên trục quy chiếu là các dòng sông lớn ở mỗi tiểu vùng địa hình, theo mô hình
này thì mỗi tiểu quốc phải có ba thiết chế – ba trung tâm, tính theo dòng chảy của sông từ núi
(tây) ra biển (đông) là: trung tâm tôn giáo, hay là thánh địa, thường ở phía thượng nguồn các
dòng sông – trung tâm chính trị, hay là thành cổ, thường ở vùng đồng bằng hạ lưu và ở phía
nam dòng sông – trung tâm kinh tế thương nghiệp, thường là các cảng nơi cửa sông, cửa biển.
Điển hình là tiểu quốc Amavarati vùng Quảng Nam, với dòng sông Thu Bồn có thánh địa Mỹ
Sơn, thành cổ Trà Kiệu và cảng thị Đại Chiêm – Đại Chiêm hải khẩu (Hội An). Do địa hình
chung của cả vương quốc như vậy nên mỗi tiểu vùng – tiểu quốc phát triển tương đối độc lập và
luôn tranh giành ảnh hưởng và địa vị đứng đầu cả vương quốc. Tiểu quốc và vị Tiểu vương nào
hùng mạnh hơn sẽ có ảnh hưởng bao trùm và trở thành trung tâm, trở thành Quốc vương đứng
đầu cả vương quốc. Tiểu vùng Amavarati lớn mạnh hơn cả có lẽ nhờ thương cảng Đại Chiêm
hải khẩu Chămpapura, đã tập hợp được các tiểu quốc thành vương quốc, đặt kinh đô đầu tiên ở
thành phố Simhapura và Mỹ Sơn Srisambhubhadresvara là thánh địa, đây là một trong những
trung tâm quy mô và quan trọng nhất của vương quốc Chămpa. Các trung tâm lớn – tiểu vùng
quan trọng khác là Bình Định (Vijaya), Phú Yên – Khánh Hòa (Kauthara) và Ninh Thuận –
Bình Thuận (Panduranga) [53].
Vương quốc Chămpa cổ từng có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, họ tôn thờ Nữ Thần Mẹ của
vương quốc là Pô Inư Nagar theo truyền thống tín ngưỡng Mẫu hệ lâu đời của cư dân Đông
Nam Á. Tín ngưỡng này còn tồn tại khá đậm nét trong xã hội người Chăm hiện nay. Từ khi tiếp
nhận những ảnh hưởng của văn hóa – văn minh Ấn Độ người Chăm cổ theo Ấn Độ giáo, Quốc
vương là người quyết định tôn giáo chính thống của vương quốc. Nhận xét về quan hệ giữa văn
hóa Chămpa và văn hóa Ấn Độ, Ngô Văn Doanh khẳng định: “một điều không thể phủ nhận
được là những ảnh hưởng Ấn Độ đã góp một phần cực kỳ quan trọng vào quá trình hình thành
ra vương quốc Chămpa cũng như một nền văn hóa phát triển rực rỡ và đầy bản sắc – văn hóa
Chămpa” [12, tr. 97 – 98]. Tôn giáo chính của người Chăm là Ấn Độ giáo, thờ một hay cả ba vị
Thần của Tam vị nhất thể là Brahma – Visnu – Shiva, tuy nhiên người Chăm cổ tôn sùng thần
Shiva hơn cả. Các văn bia cổ bằng chữ Phạn (Sanskrit) trong khu Mỹ Sơn đã tôn Shiva là Chúa
tể của muôn loài, là cội rễ của nước Chămpa. Ngoài ra người Chăm cổ còn theo cả Phật giáo
với trung tâm Đồng Dương (Quảng Nam) phát triển cực thịnh hồi thế kỷ IX – X. Bên cạnh việc
tiếp nhận tôn giáo Ấn Độ, người Chăm cổ đã tiếp thu cả mô hình tổ chức chính quyền nhà nước
Ấn Độ mà nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra đặc trưng chủ yếu là vương quyền kết hợp với thần
quyền, các quốc vương Chămpa thường được đồng nhất với thần Shiva.
Người Chăm có một nền kinh tế dựa trên nền tảng nông nghiệp là chủ yếu, đó là nông
nghiệp đa canh: trồng lúa, dâu tằm, bông, hoa màu… Lâm nghiệp: khai thác gỗ và hương liệu
quý… Ngư nghiệp: đánh bắt thủy hải sản và thủ công nghiệp: làm gốm, thủy tinh, rèn sắt, chế
tác đồ trang sức và mỹ nghệ vàng bạc…Đặc biệt, người Chăm rất giỏi nghề buôn bán bằng
đường biển và đường sông với các nước trong khu vực và các vùng lân cận. Để thích ứng với
vùng đất gần như quanh năm khí hậu khô hạn, người Chăm đã có những hệ thống thủy lợi từ
việc lợi dụng những mạch nước chảy từ núi, đồi gò mà xây dựng giếng, hồ đập… để phục tưới
tiêu cho đồng ruộng ở vùng đồng bằng. Sự phong phú và đa dạng của những di tích, di vật
Chămpa còn lại đến nay cho thấy, Chămpa là một xã hội rất phát triển trên cơ sở một nền kinh
tế có cơ cấu thích hợp mà nổi bật là tính hướng biển. Do nằm trên trục giao thông đường biển
quan trọng nối liền hai trung tâm văn minh lớn của thế giới, vương quốc Chămpa nổi tiếng
trong lịch sử cổ trung đại với hệ thống cảng thị phục vụ cho việc đánh cá ngoài khơi xa, buôn
bán, trao đổi giao lưu với những cư dân quần đảo ở biển Đông, xa hơn đến Trung Quốc và Ấn
Độ. Truyền thống văn hóa của Chămpa cũng như văn hóa bản địa của cư dân cổ Đông Nam Á
ngoài văn hóa nông nghiệp (lúa cạn và lúa nước), còn có văn hóa thương nghiệp đường biển của
những tộc người cư trú ven biển và các quần đảo trong biển Đông.
Từ thế kỷ thứ VII, vương quốc Chămpa được biết trong lịch sử là một quốc gia hùng mạnh,
nắm quyền cai trị trên một lãnh thổ rộng lớn, cương vực của Chămpa lúc mở rộng nhất trải dài
từ dãy núi Hoành Sơn ở phía Bắc cho đến Bình Thuận ở phía Nam và từ biển Đông cho đến tận
miền núi phía Tây của nước Lào ngày nay.
Trong lịch sử ngoại giao, Chămpa thường xuyên quan hệ với nhiều quốc gia như Trung
Quốc, Ấn Độ, Chân Lạp, Đại Việt và các nước Đông Nam Á hải đảo, nhất là quan hệ với Đại
Việt. Trong các thế kỷ X – XV, quan hệ ngoại giao giữa Chămpa và Đại Việt là quan hệ giữa
hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới, mối quan hệ có nhiều diện mạo. Nhất là từ
khi người Việt thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Hoa bước vào thời kỳ xây dựng
quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, cũng là lúc bắt đầu có những cuộc xung đột với Chămpa bằng
vũ lực. Như trong cuốn Ngoại giao Đại Việt tác giả Lưu Văn Lợi cho rằng: “việc Chămpa đánh
Đại Việt, Đại Việt đánh Chămpa, thôn tính nhau, cũng như Chămpa và Chân Lạp đánh nhau,
nhưng vấn đề thắng hay bại, còn hay mất tùy thuộc vào ý thức, tiềm lực và bản lĩnh của mỗi
quốc gia, dân tộc” [31, tr. 252].
Vấn đề tồn vong của vương quốc Chămpa đã trở thành vấn đề lịch sử như lịch sử của các
quốc gia trong khu vực và trên thế giới hình thành rồi bị diệt vong, đó là quy luật tất yếu của
lịch sử mà sự tồn vong của Chămpa không nằm ngoài quy luật chung này. Trong khoảng 15 thế
kỷ tồn tại, trải qua nhiều biến động phức tạp do những mối quan hệ phức tạp trong nội bộ hoàng
tộc của chính quyền Chămpa cũng như quan hệ với các nước láng giềng đã dẫn đến sự sụp đổ
của vương quốc Chămpa. Lịch sử đi qua, văn hóa Chăm ở lại với những giá trị văn hóa đặc sắc,
phong phú và đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa
của vùng văn hóa Trung Bộ Việt Nam. Trải qua tiến trình lịch sử, vương quốc Chămpa từng
bước sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam thống nhất và ngày nay người Chăm đã trở thành một bộ
phận trong cộng đồng 54 dân tộc của quốc gia Việt Nam.
1.2. QUÁ TRÌNH NGƯỜI CHĂM HÒA NHẬP VÀO CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA
DÂN TỘC VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Dựa trên tư liệu khảo cổ học về văn hóa Sa Huỳnh, có thể nói rằng ở vùng Trung Bộ Việt
Nam đã có mặt tổ tiên của người Chăm. Theo nhiều nguồn sử liệu, “người Chăm là một dân tộc
có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Người Chăm thuộc chủng tộc Nam Á, tiếng
nói của họ rất gần gũi với các dân tộc Raglai, Churu, Jarai, Êđê, thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo
– Polinesien” [36, tr. 23]. Trong lịch sử hình thành và phát triển, người Chăm đã sáng tạo một
nền văn hóa đa dạng, phong phú mang giá trị đặc sắc.
Quá trình người Chăm hòa nhập vào cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam gắn liền với
quá trình sáp nhập vương quốc Chămpa vào lãnh thổ quốc gia Việt Nam và sự hình thành dân
tộc Việt Nam thống nhất. Quá trình này biểu hiện qua các cuộc chiến tranh và các mối quan hệ
ngoại giao giữa hai chính quyền Chămpa và Đại Việt, sau mỗi cuộc chiến tranh lãnh thổ
Chămpa từng bước sáp nhập vào Đại Việt và người Chăm ở lại trở thành một bộ phận dân cư
của Đại Việt. Bên cạnh đó, quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử
cũng góp phần vào quá trình người Chăm hòa nhập vào cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam
thống nhất.
Sự kiện mở đầu cho quá trình này là sự va chạm đầu tiên giữa hai chính quyền Chămpa và
Đại Việt với việc Ngô Nhật Khánh chạy sang Chămpa cầu cứu. Nhận lời cầu cứu, năm 979 vua
Chămpa đưa quân sang đánh Đại Cồ Việt, nhưng thủy quân của Chămpa bị tan vỡ vì gặp cơn
bão, Nhật Khánh bị chết. Đó là sự kiện mở đầu cho mối "bang giao" Việt - Chăm với tư cách là
hai nhà nước đã không mấy hoàn hảo và thuận lợi, nó như điềm báo cho những chuỗi sự kiện
xảy ra liên tiếp với nhiều biến cố phức tạp ở nhiều thế kỷ sau này. Trong các thế kỷ X đến thế
kỷ XV, giao tranh liên tục xảy ra giữa chính quyền Chămpa và Đại Việt, các vương triều Lý,
Trần, Lê đã đánh sâu vào trong vùng đất của vương quốc Chămpa, bắt vua, cắt đất và biên giới
Chămpa càng được đẩy ra xa về phía Nam.
Dưới thời Lý, Đại Việt hai lần tiến công Chămpa, lần thứ nhất vào năm 1044 thời vua Lý
Thái Tông, vua thân chinh đi đánh Chămpa, hai bên giao tranh quyết liệt, vua Chămpa là
Sinhavarman II đã tử trận. Bắt được hơn 30 voi nhà, bắt sống được 5000 người Để bảo vệ
người Chăm không bị giết, vua Lý đã hạ lệnh “ Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết
không tha” và “sai sứ đi khắp các hương ấp, phủ dụ nhân dân”. Lần thứ hai vào năm 1069, vua
Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chămpa, bắt được vua nước Chămpa là Chế Củ và dân
chúng 5 vạn người. Sau sự kiện này, vua Lý đã cho di dân vào khai khẩn vùng đất mới chiếm,
đặt lại tên mới cho ba châu là Lâm Bình, Ma Linh, Bố Chính, ba châu này hiện nay là các tỉnh
Quảng Bình và phần phía bắc tỉnh Quảng Trị, đến sông Thạch Hãn.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai chính quyền Chămpa và Đại Việt trong lịch sử không phải lúc
nào cũng xảy ra chiến sự mà là có những lúc hòa hiếu, bang giao thân thiện. Những khoảnh
khắc hòa bình xen giữa những đụng độ gươm, giáo và khói lửa là những mối quan hệ chính trị
đặc biệt khác như cuộc hôn nhân giữa vua Chămpa và công chúa Đại Việt. Sự kiện năm 1306,
hôn lễ giữa vua Chămpa là Chế Mân và công chúa Huyền Trân được tổ chức long trọng, đó kết
quả một quá trình hòa bình yên ổn lâu dài và quan hệ bang giao giữa hai quốc gia trở nên tốt
đẹp hơn bao giờ hết. Sính lễ dẫn cưới của vua Chế Mân rất hậu gồm “vàng bạc, vật lạ, hương
liệu quý và vùng đất hai châu: châu Ô, châu Lý. Sau lễ cưới, Huyền Trân sang Chămpa thì dân
hai Châu Hoan, Châu Ái (Thanh Hóa, Nghệ An) cũng rầm rộ kéo nhau vào tiếp nhận hai châu
Ô, Lý” [8, tr. 101]. Hai châu này sau đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu, sáp nhập vào Đại
Việt, nay là vùng đất phía Nam thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Quan hệ tốt đẹp giữa
Chămpa và Đại Việt được củng cố và tăng cường
, tạo điều kiện cho cư dân Việt, Chăm cùng
hòa đồng, cộng cư sinh sống với nhau.
Nhưng đó là trường hợp đặc biệt trong quan hệ ngoại giao Việt – Chăm, bởi vì quá trình
người Chăm hòa nhập vào cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam lại thông qua con đường
chiến tranh là chủ yếu. Sau mỗi lần chiến tranh như vậy, Chămpa thất bại hàng trăm, hàng
nghìn "tù binh" liên tục bị bắt và đem về Đại Việt trong nhiều thế kỷ. Trong những người thua
trận được gọi là tù binh ấy, không đơn thuần là những chiến binh chỉ có sức khoẻ thể lực, cơ
bắp; mà còn là những cung tần, mỹ nữ, nghệ nhân, sư sãi và còn có cả quan lại nữa Họ là
những trí thức Chăm, với khối óc chứa đầy những tinh hoa của vương quốc Chămpa không may
mắn bị rơi vào tay đối phương, rồi trở thành những "nô lệ" phục vụ cho người thắng trận. Điều
này cũng được Tạ Chí Đại Trường nói đến họ như “những kẻ thất trận kém may mắn mang tinh
hoa của dân tộc mình phục vụ cho người chiến thắng như trường hợp người "đốc công" vô danh
xây dựng tháp Báo Thiên cho Lý Thánh Tông, như tướng Bố Đông giữ thành Đa Bang cho Hồ
Quý Ly” [62, tr. 171].
Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nắm trọn quyền hành trong tay, Hồ Quý Ly
dồn nhiều sức vào đánh Chămpa. Ông đem quân tấn công Chămpa 4 lần trong vòng 7 năm,
trong tình thế đó vua Chămpa là Ba Đích Lai đã cắt vùng đất hai châu Chiêm Động và Cổ Lũy
để cầu hòa. Hồ Quý Ly lấy đất ấy lập ra 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và gộp lại làm lộ Thăng
Hoa, sau đó bị Chămpa chiếm lại.
Đặc biệt sự kiện năm 1471, vua Lê Thánh Tông đích thân đem 26 vạn quân đi đánh
Chămpa, chiếm được kinh đô Vijaya, bắt vua Chămpa là Trà Toàn. Sau chiến thắng, vua Lê
chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy và nhân đó chiếm luôn vùng đất Vijaya. Theo Lê Quý Đôn
trong Phủ biên tạp lục thì “đến tháng 6 – 1471, vua Lê đặt đạo thừa tuyên Quảng Nam và vệ
Thăng Hoa gồm 3 phủ (Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn), 9 huyện, riêng phủ Tư Nghĩa có 3
huyện: Nghĩa Giang, Bình Sơn, Mộ Đức” [15, tr. 43]. Vùng đất này ngày nay là các tỉnh Quảng
Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí
còn ghi thêm rằng: “Từ đó lại quy vào bản đồ. Đất đã mở mang, phong thổ mỗi ngày một phồn
thịnh, đồng ruộng rộng rãi, các thứ lúa xanh tốt…” [6, tr. 136]. Việc Lê Thánh Tông tiến công
vào Chămpa, cho vẽ lại bản đồ, đặt lại tên gọi, thiết chế thành ty trấn hành chính những vùng
đất vốn của người Chăm cho thấy tinh thần thống nhất mạnh mẽ của một vị quân vương đầy
quyền uy. Và cũng từ sau cuộc chiến năm 1471, người Chăm ở Đại Việt lại tăng lên gấp bội,
chưa kể các hàng quân và dân lưu vong đến rải rác từ nhiều năm trước đó.
Sau khi một phần lãnh thổ Chămpa sáp nhập vào Đại Việt, một bộ phận người Chăm ở lại
phần nào cũng an phận cùng cộng cư với người Việt. Sở dĩ có sự an phận đó là vì, một mặt họ
đã có những vị quan người Chăm che chở, mặt khác vì chính sách của Đại Việt thật sự tạo cơ
hội cho họ cùng sống chung với người mới đến, và họ thấy rằng họ còn cần phải canh tác trên
những cánh đồng ít nhiều cũng rộng rãi, trù phú hơn vùng đất phía nam vốn khô khan và đầy
gió cát như Phan Rang, Phan Rí. Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong cho rằng: “Trái với
trước kia người Chăm bỏ Chiêm Động, Cổ Lũy mà đi khi dân ta đến. Lần này người Chăm
không đi, vì biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng Vijaya, và cũng không còn hy vọng
báo phục nên chấp nhận lệ thuộc ta” [27, tr. 11]. Bởi vậy, vấn đề người Chăm ở lại vùng đất
này, GS. Trần Quốc Vượng cũng đã cho rằng: “có chiến tranh là có chết chóc nhưng không thể
và không hề có sự tiêu diệt và khu trục người Chăm ra khỏi vùng đất này” [19].
Bộ phận người Chăm ở lại ấy, trong tiến trình lịch sử chung của dân tộc Việt Nam, chắc
chắn đã được Việt hóa, đã nói tiếng Việt, ăn mặt như người Việt, trong hộ tịch hộ khẩu cũng đã
khai là người Việt. Theo tư liệu điền dã về tộc họ Chế ở làng Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện
Tư Nghĩa cho biết, tộc họ Chế lập nghiệp ở làng này đến nay đã trải qua 18 đời, tính từ đời ông
thủy tổ là Chế Đăng Long (được sắc phong là Dực bảo trung hưng linh phò chi thần vào năm
Bảo Đại thứ 18, nay sắc phong và gia phả còn lưu giữ tại nhà thờ chi phái ở thôn Năng Đông),
là tiền hiền khai khẩn làng Đông Mỹ. Trước ông Chế Đăng Long theo phổ hệ còn có một vị có
cách gọi ước lệ là Chế Đại Lang (không rõ tên) mà theo gia tộc họ Chế ở đây cho biết, vị Chế
Đại Lang đó có thể đã định cư ở Quảng Ngãi vào khoảng thời gian trước hoặc sau 1460. Hiện
nay họ Chế ở Đông Mỹ có nhiều chi nhánh ở các xã thuộc huyện Nghĩa Hành, như Hành Đức,
Hành Tín, Hành Dũng, ở huyện Tư Nghĩa như Nghĩa Trung, thị trấn Sông Vệ, ở huyện Mộ Đức
như Đức Nhuận, Đức Thạnh, Đức Phong, và ngoài
ra còn có một số chi phái nhỏ ở Huế, Đắc
Lắc, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh. Sự tồn tại họ Chế ở Đông Mỹ, kể cả họ Chế ở Nghĩa
Hà, Nghĩa Dõng (Tư Nghĩa) cũng khẳng định “có một tộc họ vốn là một trong 4 họ quý tộc của
người Chăm tồn tại cho đến ngày nay ở Quảng Ngãi. Đó là chưa kể đến những họ khác của
người Chăm có thể dần dần đã đổi sang họ của người Việt” [7, tr. 88 - 89].
Sau sự kiện năm 1471, vương quốc Chămpa suy yếu dần, tiếp đến là sự thất thủ của
Kauthara và Panduranga, nay là vùng đất thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,
đó là sự hòa nhập cuối cùng của lãnh thổ Chămpa và dân tộc Chăm vào quốc gia, dân tộc Việt
Nam.
Ngoài ra, quá trình người Chăm hòa nhập vào cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam còn
gắn liền với quá trình cộng cư Việt – Chăm trên vùng đất miền trung Việt Nam. Sự cộng cư
Việt – Chăm trên vùng đất mới đã nói lên bản chất hiền hòa của cư dân nông nghiệp, họ luôn
thông cảm và chia sẻ những khó khăn với nhau trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống
sinh hoạt hàng ngày. Quá trình cộng cư lâu dài cũng đã nảy sinh các cuộc hôn nhân Việt –
Chăm. Những chính sách của nhà nước, hoặc do sự cộng cư lâu dài đã dẫn đến một bộ phận
người Chăm bị đồng hóa. Và một điều chắc chắn rằng những cư dân ở miền Trung Việt Nam
luôn có sự pha trộn hai dòng máu Việt – Chăm. Những sự kiện trong biên niên sử cho thấy,
trong quá trình cộng cư đã diễn ra các cuộc hôn nhân ban đầu đã được nhà nước "thừa nhận",
bằng việc các vua chúa và tầng lớp quý tộc thời Lý, Trần đã coi những mỹ nữ Chăm là "chiến
lợi phẩm" sau mỗi cuộc chinh phạt. Sự kiện năm 1046, vua Lý dựng cung riêng cho phụ nữ
Chiêm Thành (cung này có tên gọi là Ngân Hán), hay sự kiện Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu đã nhảy
xuống biển tự tử vì bị vua Lý Thái Tông bắt sang hầu. Với việc bắt được hàng ngàn tù binh
trong các cuộc giao tranh, rồi cho ở rải rác từ vùng Thanh Nghệ ra tới Thăng Long đã khiến quá
trình hôn nhân diễn ra một cách mạnh mẽ. Đến nỗi, vào năm 1499, tháng 8 ngày mồng 9 nhà
vua cho chiếu rằng: "từ nay trở đi, trên từ thân vương, dưới đến nhân dân, đều không được lấy
đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để cho phong tục được thuần hậu. Khi lệnh cấm được ban
ra, thì chứng tỏ sự việc "đã trót rồi" giữa người Việt với những người Chăm sống trên lãnh thổ
Đại Việt khi đó. Có lẽ nó là tất yếu của lịch sử và của những cuộc giao thoa văn hóa Việt -
Chăm. Ở Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội hiện nay vẫn còn có những dòng họ như Công
(Ông), Bố (Hy) có nguồn gốc từ người Chăm và đã có một vài người đỗ đạt được khắc tên
trong bia Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Từ quá trình hôn nhân đến quá trình thay tên đổi họ cho
phù hợp với quy luật phát triển trong lịch sử của những cư dân sống gần nhau, họ cùng chịu
chung số phận và hoàn cảnh cuộc sống là việc thường thấy trong lịch sử Việt Nam thời cổ trung
đại. Lập luận này càng được rõ hơn nữa trong truyện về Hà Ô Lôi trong Lĩnh Nam chích quái
của Lý Tế Xuyên, một tác phẩm tương truyền được viết vào thời Trần. Kể về mối tình của
người đàn ông Chăm với phụ nữ Việt. Sau này được Chu Xuân Giao phân tích rất sâu sắc trong
tập tiểu luận Nhà vua giữa dòng xoáy đa chiều: truyện Hà Ô Lôi từ nhiều góc nhìn, sự bó buộc
của Nho giáo khiến người Việt phải ẩn dấu nhu cầu bản năng, nó sẵn sàng bùng nổ khi gặp
những nhân tố cùng hoàn cảnh, lại có truyền thống, lối sống mang đậm chất phồn thực của "vũ
nữ" mà người Chăm mang đến.
Quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa Việt – Chăm trong quá trình người Chăm hòa nhập
vào cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam là một hệ quả tất yếu của lịch sử hai dân tộc cùng
sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Từ đường biên lãnh thổ giữa hai quốc gia với hai nền văn
hóa khác biệt đến sự thống nhất về một đường biên văn hóa chung là một quá trình phức hợp,
lâu dài. Trong đó khó có thể nhận diện rõ ràng đâu là yếu tố Việt hoặc Chăm thuần túy, cái nào
ảnh hưởng đến cái nào nhưng bản thân chúng đã toát lên sự hòa quyện những giá trị tinh hoa
của hai nền văn hóa Chăm - Việt.
Theo tiến trình lịch sử, dân tộc Chăm đã trở thành một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc
của quốc gia Việt Nam thống nhất. Từ khi hòa nhập vào cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam,
người Chăm luôn gắn bó cùng với các dân tộc anh em đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Việt Nam. Trải qua bao đời nay, người Chăm, người Việt cùng cộng cư sinh sống hòa thuận,
xen kẽ với nhau trong các làng Chăm, họ luôn giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cũng như đấu
tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ, người Chăm không ngại hy sinh đã sát cánh cùng đồng bào các dân tộc anh em trong cả
nước đóng góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi. Đã có rất nhiều những
tấm gương đấu tranh tiêu biểu, họ đã hy sinh cả cuộc đời của mình đấu tranh bảo vệ tổ quốc
Việt Nam như anh hùng Đổng Dậu ở xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Những tấm gương hy sinh cao cả này là bài học lịch sử cho các thế hệ con cháu người Chăm
noi theo.