www.hoc360.vn
TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC TRONG THƠ TỐ HỮU
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm từ hồi nhỏ, hôm học bài "Các dấu trong tiếng Việt" (huyền,
sắc, nặng, hỏi, ngã) có một câu: "Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. Với đầu óc non nớt,
ngây thơ của một đứa trẻ mới cắp sách đến trường, lúc đó tôi không hiểu gì về ý nghĩa câu
thơ này, mà chỉ hiểu được sự ẩn dụ tinh tế của câu thơ tài hoa đó của nhà thơ Tố Hữu.
Ngược dòng thời gian, ai đã từng cắp sách đến trường hết bậc trung học phổ thông như
chúng tôi ở thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nếu lưu tâm để ý sẽ thấy ở lớp học nào, cấp học
nào cũng có thơ Tố Hữu. Đủ thì trọn vẹn cả một bài thơ, ít thì trích một hai đoạn. Không
phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có được niềm vinh dự, tự hào ấy. Các tác phẩm văn học
được đưa vào giảng dạy ở phổ thông hồi đó không chỉ có tư tưởng nội dung tốt, mà còn thể
hiện ý nghĩa nhân văn đậm đà và giá trị giáo dục sâu sắc.
Đọc những vần thơ, những bài thơ của Tố Hữu, chúng ta đã cảm nhận được một
tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng trung trinh với Đảng,
với Tổ Quốc, với nhân dân và tình cảm gắn bó thân thiết keo sơn với đồng bào, đồng chí.
Bao trùm lên toàn bộ sáng tác thơ của Tố Hữu là lý tưởng cách mạng, vì cuộc đấu tranh
giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, vì lương tâm, chính nghĩa, công lý
và lẽ phải trên đời. Trong lịch sử văn học cách mạng nước nhà, thật hiếm thấy nhà thơ nào
lại có những tác phẩm mang đậm dấu ấn đặc trưng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã đi vào
lòng người như thơ Tố Hữu trong thế kỷ 20. Tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, sâu
nặng đã hóa thân vào những vần thơ trữ tình chính trị đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật thơ ca
cách mạng. Và một trong những giá trị tiêu biểu của thơ Tố Hữu là tính hướng thiện được
biểu lộ vừa thầm kín, tinh tế, vừa sâu sắc, đậm đà qua 6 tập thơ nổi tiếng: Từ ấy, Việt Bắc,
Ra trận, Gió lộng, Máu và hoa, Một tiếng đờn.
Trong những thời kỳ nước sôi lửa bỏng nhất của cách mạng, kẻ thù điên cuồng lục
lọi, săn lùng, bắt bớ và tàn sát những người yêu nước và các chiến sỹ cộng sản. Cả dân tộc
có lúc như không có lối thoát, nhưng với niềm tin mãnh liệt vào tương lai Tổ Quốc, nhà thơ
đã từng tâm sự như một lời thổ lộ chân thành:
"Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần"?
(Dậy mà đi)
“Đời đen tối phải tìm ra ánh sáng
Ta đi tới chỉ một đường: Cách mạng”
(Như những con tàu)
Con đường cách mạng sẽ đưa mọi người tới bến bờ bình yên, ấm no, hạnh phúc. Ở
đó, con người sống với nhau bằng niềm tin, tình cảm, lẽ sống đầy tình nhân ái, thân thiện:
"Tình thương lớn mạnh hơn lửa thép
Trận địa đây xây giữa lòng người
Dẫu mưa nắng trái đất tròn vẫn đẹp
Đời yêu ta, ta phải thắng cho đời”
www.hoc360.vn
(Việt Nam – máu và hoa)
Đã dẫn thân vào con đường cách mạng, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, gian khó,
phải thấu hiểu tất cả sự gập ghềnh, hiểm trở trên mỗi bước đi, không bao giờ đầu hàng
trước hiểm nguy và nghĩ về thiệt hơn, được mất. Bởi vì:
“Đường hạnh phúc gian nan lắm khúc
Đời đấu tranh không lúc dừng chân
Đã rằng vì nước, vì dân
Nước dân còn khổ thì thân sướng gì"?
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Một câu hỏi tâm huyết, nhiệt thành dành cho những người yêu nước thương nòi và
cùng là lời tự nhủ, tự răn kín đáo của nhà thơ. Thơ Tố Hữu vừa có tính triết lý sâu sắc, vừa
rất gần gũi, bình dị, thân thuộc. Sau mấy chục năm đọc lại, những vần thơ đó vẫn là một
câu hỏi thấm thía mà những người cộng sản hôm nay không thể không suy ngẫm một cách
nghiêm túc để tự mình tìm ra lời giải đáp thấu đáo. Giữa cái chung và cái riêng, giữa cộng
đồng - tập thể và cá nhân, giữa vật chất tầm thường và tinh thần – tư tưởng của người
cộng sản, Tố Hữu đã có những lời bộc bạch thấu tình, đạt lý và rất giàu bản chất cách
mạng:
"Không thể gì quyến rũ
Mua bán được lương tâm
Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí"
(Con cá chột nưa)
Và: "Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi"
(Tiếng ru)
Những vần thơ của Tố Hữu luôn chan chứa tình đời, tình người, rất nhẹ nhàng, tinh
tế:
“Thủy chung vẫn đậm tình người
Cắn đôi hạt muối chung đời cháo rau
Uống từng viên thuốc chia đau
Quên mình chia lửa, cứu nhau chia hầm"
(Nước non ngàn dặm)
www.hoc360.vn
Những tháng năm cùng nhân dân trên chặng đường chiến đấu đầy chông gai, thử
thách, Tố Hữu luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc,
vào tiền đồ tươi sáng của đất nước. Chính tình cảm cách mạng trong sáng, đạo đức chí
công vô tư và tinh thần lạc quan, tự hào phơi phới luôn thường trực trong mình mà nhà thơ
đã từng ước ao:
"Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương
Tổ Quốc ta như một thiên đường
Của muôn triệu anh hùng làm nên cuộc sống
Của tự do, hy vọng, tình thương"
(Vui thế, hôm nay)
Ước mơ đó là của riêng ông, mà cũng là khát vọng chính đáng ngàn đời của bao thế
hệ người Việt Nam đã hiến dâng tuổi xuân đẹp đẽ của mình cho sự bình yên và trường tồn
của Tổ Quốc. Khi người người Việt Nam cùng chung sức đồng lòng:
"Tay ta tay búa, tay cày
Tay gươm, tay bút dựng xây nước mình"
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
thì ước mơ trên tất yếu sẽ trở thành hiện thực.
Từng bị giặc bắt, từng trải qua nhưng giây phút cam go, khốc liệt nhất của dân tộc,
cuộc đời và cả những lúc trên đỉnh cao của chiến thắng, vinh quang, dù ở thời điểm nào
cũng vậy, Tố Hữu vẫn là con người của Đảng, của nhân dân. Ông chưa bao giờ xa rời hay
nhạt phai lý tưởng cách mạng. Ông làm thơ vì cách mạng và nhờ cách mạng, những vần thơ
của Tố Hữu đã bay cao và vang xa. Thơ và cách mạng – hai trong một ở con người Tố Hữu
và đó như một mối tình duyên đẹp đẽ nhất, trong sáng nhất và cao cả nhất trong cuộc đời,
sự nghiệp thi ca của ông. Tính hướng thiện có thể bộc lộ cởi mở, thiết tha trong một bài
thơ, hay ẩn dụ kín đáo, nhã nhặn trong từng câu thơ và cả trong vần, nhịp, điệu đã tạo nên
một phong cách thơ Tố Hữu sôi nổi, nhiệt thành khó ai sánh kịp. Từ lúc còn là một thanh
niên chan chứa tình yêu nước và dạt dào tình thương đồng loại:
"Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"
(Từ ấy)
cho đến khi sắp từ giã cõi đời, Tố Hữu vẫn canh cánh một nỗi lòng đồng cảm với
quê hương, đất nước, dân tộc:
“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ tặng bạn đường, tro bón đất
www.hoc360.vn
Sống là cho và chết cũng là cho".
Thơ vốn đã mang trong mình tính hướng thiện cao đẹp, và tình yêu quê hương, đất
nước trong thơ Tố Hữu là một biểu hiện rực rỡ nhất về tính hướng thiện đó. Bởi thế, con
người, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và thi ca của Tố Hữu luôn sống mãi trong niềm tin
yêu, kính trọng của Đảng và nhân dân.
Tài liệu sưu tầm