Tải bản đầy đủ (.pdf) (53 trang)

Kiểu nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng truyện cổ tích việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (659.85 KB, 53 trang )


1
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
1. Văn học dân gian giữa một vai trò quan trọng trong lịch sử văn học dân
tộc. Đó là một trong những kho tàng lưu giữ những điều tinh túy nhất mà ông
cha ta để lại.
Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc, truyện cổ tích là một trong
những thể loại quan trọng trong các thể loại tự sự dân gian. Thể loại này nảy
sinh và phát triển trên cơ sở cuộc sống muôn hình muôn vẻ của các dân tộc và là
một trong những tấm gương trung thành nhất phản ánh cuộc sống đó. Bên cạnh
đó nó còn là một thể loại hấp dẫn, mở ra trước mắt người đọc một “thế giới cổ
tích với chất thơ bay bổng, với ước mơ lãng mạn, với sức cuốn hút kì diệu” [19,
30]. Truyện cổ tích có sức hấp dẫn mạnh mẽ và được lưu truyền rộng rãi từ nông
thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, nó thu hút tất cả các đối tượng
trong xã hội từ trẻ con đến người lớn, từ người mù chữ đến các học giả.
Truyện cổ tích được xem là “Công trình đan dệt bằng nghệ thuật ngôn từ
(…) những sợi tơ muôn màu của nó lan tỏa khắp bốn phương trời, phủ lên trí
đất một tấm thảm ngôn ngữ đẹp lạ lùng”. [ 30, 170]
Xuất phát từ lòng yêu thích, từ sự say mê khám phá, tiếp cận thế giới
truyện cổ tích. Chúng tôi đã lựa chọn thể loại truyện này để nghiên cứu, tìm hiểu
những nét đặc sắc của thể loại.
Có thể nói, đến với truyện cổ tích con người tìm thấy ở đó tình yêu và khao
khát vươn tới cuộc sống hạnh phúc với bao điều kì lạ mà thực tại không có.
Không một bộ phận truyện dân gian nào có số lượng và thành phần nhân vật
đông đảo, đa dạng và phức tạp như truyện cổ tích. Nếu như những vấn đề của
hiện thực đời sống, những xung đột mâu thuẫn trong gia đình và xã hội được
phản ánh tập trung trong các hình tượng nhân vật chính diện hay phản diện, thì
những khao khát và lí tưởng xã hội, thẩm mĩ của nhân dân lại được thực hiện
qua hình tượng nhân vật trung tâm của truyện cổ tích. Nói tới truyện cổ tích ta
không thể không nói tới các kiểu nhân vật đặc trưng của thể loại này, trong đó


phải kể đến kiểu nhân vật người mang lốt vật trong kiểu truyện người mang lốt
trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
2. Kiểu truyện người mang lốt là một kiểu truyện đặc trong kho tàng truyện
cổ dân gian các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh những kiểu truyện tiêu biểu như
người dũng sĩ, người mồ côi, người em, người con riêng, những chàng trai
khỏe… thì kiểu truyện người mang lốt, chiếm một số không nhỏ và nó còn góp

2
phần tạo nên vẻ độc đáo riêng trong toàn bộ nền văn học các dân tộc Việt Nam.
Đây là một trong những lí do mà chúng tôi đi sâu tìm hiểu hình tượng nhân vật
trung tâm của kiểu truyện này.
3. Kiểu nhân vật người mang lốt vật là một kiểu nhân vật đặc sắc trong
truyện dân gian các dân tộc Việt Nam. Đây là hình tượng nhân vật trung tâm của
kiểu truyện người mang lốt. Kiểu nhân vật này xuất hiện trong tác phẩm không
phải dưới hình dạng một người bình thường mà ẩn thân dưới hình thức “lốt” của
một con vật hay lốt của một vật kì dị nào đó (có thể là một cục thịt, một quả bí,
bụng một con lợn…). Nhân vật chỉ mang hình dạng người sau khi đã vượt qua
những thử thách khó khăn trong cuộc đời.
Nhờ sự xuất hiện kì dị, sự biến đổi kỳ diệu từ lốt vật sang hình dạng con
người bình thường của nhân vật mà mỗi câu chuyện cổ tích đã trở thành một bí
ẩn đầy sáng tạo của tác giả dân gian, thể hiện một kiểu tư duy nghệ thuật mang
đặc trưng cổ tích mà không phải ở kiểu nhân vật nào ta cũng có thể thấy rõ như
ở kiểu nhân vật này.
Đây chính là lý do cơ bản khiến chúng tôi lựa chọn kiểu nhân vật người
mang lốt vật trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam để nghiên cứu.
4. Xuất phát từ thực tiễn học tập học phần văn học dân gian trong chương
trình đào tạo Đại học, chúng tôi nhận thấy phần truyện cổ tích chiếm một khối
lượng không nhỏ so với các thể loại khác. Nó được đánh giá là thể loại phong
phú nhất, có nhiều sáng tạo nhất của tác giả dân gian. Bản thân nó chứa đựng
những tri thức dân gian và sự sáng tạo nghệ thuật của người lao động. Nhưng do

thời lượng trên lớp bị giới hạn về thời gian nên chúng tôi không được tiếp cận
sâu các kiểu truyện, kiểu nhân vật độc đáo trong thể loại. Đây chính là một trong
những lý do khác nữa để chúng tôi quyết định lựa chọn một hình tượng nhân vật
độc đáo trong thể loại truyện cổ tích để nghiên cứu thêm, tìm hiểu sâu hơn về
giá trị của thể loại văn học dân gian này.
II. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay truyện cổ tích vẫn là một vương quốc rộng lớn, mênh mông và
ẩn chứa nhiều điều bí ẩn cần được khám phá, chinh phục. Trong giới nghiên cứu
văn học dân gian đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về truyện cổ tích. Trong
đó có một số ý kiến quan tâm đến nhân vật người mang lốt vật, ở nhiều góc độ,
nhiều phương diện khác nhau.
Tác giả Chu Xuân Diên trong một công trình nghiên cứu về truyện cổ tích
đưa ra ý kiến bàn về nguồn gốc của kiểu nhân vật người mang lốt vật. Ông viết:

3
“Loại truyện cổ tích thần kì cũng có những yếu tố cổ xưa có liên quan đến
những quan niệm thần thoại và tín ngưỡng của con người thị tộc, bộ lạc. Thí dụ
như mẫu đề: người bỏ lốt vật (trong các truyện Lấy chồng Dê, Lấy vợ Cóc)… có
liên quan với quan niệm vạn vật hữu linh và tín ngưỡng vật tổ”. [12, 205]
Đồng thời ông cũng đề cập đến nghệ thuật khắc họa nhân vật này một cách
cụ thể: “Truyện cổ tích thần kì đã miêu tả những nhân vật bất hạnh ấy theo
khuynh hướng lí tưởng hóa. Đó là những con người tuy ở vào những địa vị rẻ
rúm trong gia đình và xã hội nhưng lại có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có tài
năng, đôi khi có những tài năng phi thường. Đó là những con người vừa đẹp
nết, lại vừa đẹp người, ở một số truyện (như truyện Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc ) tuy
lúc đầu xấu xí, dị dạng, nhưng cuối cùng bao giờ cũng trở thành người đẹp
tương xứng với tài năng và phẩm chất của mình”. [12, 205]
Tác giả Lê Chí Quế trong tiểu luận “Truyện cổ tích” cũng đề cập tới nguồn
gốc và sự xuất hiện đặc biệt của các nhân vật mang lốt trong truyện cổ tích:
“Trong kho tàng truyện cổ tích thần kì Việt Nam, cũng như truyện cổ tích thế

giới, loại truyện người đội lốt thú rất phổ biến… Các nhân vật này ra đời
thường là do kết quả hôn phối giữa người mẹ trần thế với một lực lượng siêu
hình”. [14, 126]
Trong một bài viết khác, tác giả Lê Chí Quế lại đưa ra ý kiến về số phận,
cuộc đời của nhân vật người mang lốt như sau: “Các nhân vật của truyện cổ tích
thần kì. Sau khi thoát khỏi lốt thú các nhân vật trở thành con người trần thế có
cái đẹp hài hòa cân đối giữa phẩm chất, tài năng với ngoại hình… Phải chăng
đó là sự dự báo sớm của quá trình chuyển đổi từ kẻ quét lá đa với con Vua mà
sau này nhân dân đã đối thoại trực tiếp với bọn thống trị” [14, 126]. Khi viết về
kiểu nhân vật này trong truyện Chàng Cóc (Ka Dong), tác giả Lê Chí Quế đồng
thời nhấn mạnh nguồn gốc thần thoại của nhân vật: “Các nhân vật này ra đời
thường là do kết quả hôn phối giữa mẹ trần thế với lực lượng siêu hình. Chẳng
hạn: “Chàng Cóc của người Ka Dong là con của Di Dật, con gái thứ ba uống
nước trong tảng đá nên có chửa”. [14, 125]
Tác giả Nguyễn Thị Huế trong “Nhân vật xấu xí mà có tài trong truyện cổ
tích Việt Nam”. Đây là một công trình nghiên cứu theo khuynh hướng và với
cấp độ khác về nhân vật mang lốt trong truyện cổ tích, tác giả đã khẳng định vẻ
đẹp cũng như tính chất lý tưởng của kiểu nhân vật xấu xí. Trong đó có nói tới
nhân vật người mang lốt vật như sau: “Nhân vật này thường mang một vẻ ngoài
xấu xí, dị dạng như: con cóc, con rắn, con dê… nhưng bên trong lại có những
tài năng đặc biệt hoặc có một tâm hồn đẹp, trong sáng, cao thượng. Quan niệm

4
thẩm mĩ và chủ đề nhân đạo được thể hiện rõ trong đề tài và nội dung của loại
truyện này” [10, 218]. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh: “Hệ thống đề tài
truyện kể về nhân vật xấu xí, dị dạng này nói chung có nội dung thường là kể về
nhân vật chính xấu xí (con cóc, con nhái, con trăn) ước mơ lấy được một cô gái
con nhà giàu có, thuộc tầng lớp trên… Kết thúc truyện có hậu, vợ chồng đoàn tụ
hạnh phúc, có khi nhân vật xấu xí được làm Vua, làm quan và giàu có (ngoại lệ
cũng có trường hợp tình yêu tan vỡ)” [10, 218]. Cũng trong bài viết này tác giả

đã nhấn mạnh đến tài năng, vật phù phép của nhân vật xấu xí, dị dạng: “Tài
năng của nhân vật xấu xí, dị dạng thường là: hóa phép thành chàng trai có sức
khỏe, trẻ, đẹp hoàn mĩ, nên đủ sính lễ cưới cũng như làm được những công việc
thử thách khó khăn”. Như nhân vật: “Sọ Dừa đã hóa thành chàng trai đẹp, biết
thổi sáo hay để chăn được đàn trâu lớn, lại chặt được củi, kiếm được nhiều dây
mây, chặt tre… Lệnh Trừ (con cóc xấu xí) đã hóa phép lạ đánh thắng giặc, lại
có tiên ông giúp, nên tìm được kiệu Công chúa trong 120 kiệu khác (truyện Lệnh
Trừ). Chàng Ếch biết kéo nhị giỏi và đánh giặc giỏi như trong truyện Ếch lấy
con Vua. Chàng Gù có bàn tay đổ đầy ba vựa thóc (truyện Chàng Gù). Chàng
Chồn có áo lông khi rũ áo thì hóa phép rất nhiều quân lính để đánh giặc (truyện
Chàng Chồn). Chàng Nhọ Nồi đã có chén cơm và con cá ăn mãi không hết trong
(truyện Em bé Nhọ Nồi). Chàng Cóc đã hóa ra nhà cao cửa đẹp trong (truyện
Chàng Cóc)… Các tài năng cùng những vật phù phép đã giúp cho nhân vật vượt
qua thử thách khó khăn nhất của ông bố cũng như thử thách cao nhất lo đủ sính
lễ để cưới cho được cô con gái xinh đẹp con phú ông hoặc con quan, con tướng,
con Vua…”. [10, 211]
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lan khi tìm hiểu về “Kiểu truyện người mang
lốt vật trong truyện cổ tích truyện dân gian các dân tộc Việt Nam”, đã có kết
luận về kiểu nhân vật này như sau: “Nhân vật mang lốt thể hiện quan niệm đạo
đức… quan niệm thẩm mĩ của người Việt Nam” [9, 48-52]. Đồng thời tác giả
cũng đưa ra ý kiến về cuộc đời, số phận của nhân vật này: “Tuy hoàn cảnh xuất
thân khác nhau, nhưng các nhân vật này đều trải qua giai đoạn là con vật, nhân
vật thường phải chịu sự đối xử bất công, ghẻ lạnh của cộng đồng, thậm chí của
cả những người ruột thịt. Song cuộc đời đã đem lại cho số phận không may của
họ một sự đền bù xứng đáng, đó là việc nhân vật mang lốt kết hôn với cô gái
xinh đẹp, chàng trai nhân hậu”. [9, 78]
Trên cơ sở khảo cứu những bài viết, những công trình nghiên cứu văn học
dân gian có liên quan tới kiểu nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích,
chúng tôi nhận thấy. Các ý kiến trên mới chỉ dừng ở mức độ khái lược khi giới
thiệu, lúc phân tích về các kiểu nhân vật hay chỉ là khảo cứu thể loại cổ tích chứ


5
chưa đi sâu nghiên cứu về kiểu nhân vật này một cách cụ thể, hệ thống. Tác giả
Nguyễn Thị Huế là người duy nhất đặt ra một cách có hệ thống về kiểu truyện
người mang lốt, nhưng chúng tôi đang tìm hiểu và nghiên cứu theo một định
hướng khác và ở một điểm nhìn khác. Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu nói
trên thực sự đã là nền tảng và là những kinh nghiệm quý báu giúp chúng tôi có
định hướng chính xác hơn khi triển khai đề tài nghiên cứu của mình.
III. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi và phương pháp nghiên cứu
1. Đối tượng nghiên cứu
Trong đề tài khóa luận này, chúng tôi hướng tới đối tượng nghiên cứu là:
kiểu nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Tìm hiểu nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam, chúng tôi tiến hành nghiên cứu các vấn đề sau:
- Khảo sát tư liệu truyện kể xuất hiện kiểu nhân vật người mang lốt vật
trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
- Thống kê thông số cụ thể về kiểu nhân vật người mang lốt vật ở một số
phương diện sau: tên nhân vật, đối tượng mang lốt, nguyên nhân mang lốt, các
loại lốt, hình thức mang lốt.
- Tìm hiểu đặc trưng cơ bản về phẩm chất, cuộc đời, số phận, của nhân vật
mang lốt vật.
3. Phạm vi nghiên cứu
Truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú và đặc sắc. Nhưng trong giới
hạn đề tài khóa luận bậc cử nhân Đại học, chúng tôi chỉ tập trung vào tìm hiểu
kiểu nhân vật mang lốt các con vật hoặc lốt vật kì dị, lốt người dị hình, dị dạng,
chứ không đi sâu khảo cứu tất cả các dạng lốt của kiểu nhân vật này.
4. Phương pháp nghiên cứu
Khi nghiên cứu vấn đề về kiểu nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng
truyện cổ tích Việt Nam, chúng tôi kết hợp các phương pháp cơ bản sau:

- Phương pháp thống kê: sử dụng chủ yếu trong việc khảo cứu, thống kê,
phân loại nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
- Phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp được sử dụng chủ yếu trong
quá trình tìm hiểu đặc điểm, chức năng, vai trò của kiểu nhân vật người mang
lốt vật.

6
- Cùng với các phương pháp trên, việc sử dụng phương pháp phân tích, hệ
thống hóa đã giúp chúng tôi thấy được nét đặc sắc hấp dẫn của kiểu truyện
người mang lốt trong hàng loạt các kiểu truyện khác trong kho tàng truyện cổ
tích Việt Nam.
VI. Mục đích nghiên cứu
Khi thực hiện khóa luận này, chúng tôi nhằm đạt tới mục đích: Tìm hiểu
sâu về kiểu nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chúng
tôi mong muốn hướng tới một giả thuyết: đặt nền móng cơ sở để tiếp tục nghiên
cứu kiểu nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích các dân tộc khác trên
thế giới.
V. Những đóng góp của khóa luận
Hoàn thành khóa luận này, chúng tôi mong muốn góp phần vào thư viện
nhà trường một tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn sinh viên có cùng niềm
say mê văn chương hay yêu thích truyện cổ tích Việt Nam.
VI. Cấu trúc đề tài
Gồm 3 phần cơ bản:
- PHẦN MỞ ĐẦU
- PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT TƯ LIỆU VỀ KIỂU NHÂN VẬT NGƯỜI
MANG LỐT VẬT TRONG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM
CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA KIỂU NHÂN VẬT NGƯỜI
MANG LỐT VẬT

- PHẦN KẾT LUẬN








7
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Những vấn đề lí luận
1.1.1. Khái niệm “Truyện cổ tích”
“Truyện cổ tích là một loại truyện kể dân gian ra đời từ thời cổ đại, gắn liền
với quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, hoàn thành của gia đình
phụ quyền và phân hóa giai cấp trong xã hội nó hướng vào những vấn đề cơ bản,
những hiện tượng có tính chất phổ biến trong đời sống nhân dân đặc biệt là xung
đột có tính chất riêng tư giữa người với người trong phạm vi gia đình xã hội. Nó
dùng một thứ tưởng tượng và hư cấu riêng (có thể gọi là “tưởng tượng và hư cấu
cổ tích”), kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật đặc thù khác để phản ánh đời sống
và ước mơ của nhân dân đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và giải
trí của nhân dân trong những thời kì những hoàn cảnh lịch sử khác nhau của xã
hội có giai cấp (ở nước ta chủ yếu là xã hội phong kiến)”. [14, 42]
Là thể loại ra đời vào thời kỳ công xã nguyên thủy tan rã, hình thành gia
đình phụ quyền và giai cấp trong xã hội, nên truyện cổ tích hướng vào đối tượng
phản ánh chính là những vấn đề xã hội có liên quan đến con người trong xã hội
có giai cấp. Đó là mối quan hệ mâu thuẫn giữa con người và con người mang
tính chất riêng tư phổ biến trong xã hội đó. Ngoài ra truyện cổ tích còn phản ánh
cả những ước mơ và khát vọng của nhân dân lao động về một xã hội công bằng,
dân chủ, một xã hội chỉ có sự yêu thương giữa con người với con người, không

có sự thù hận, đố kị hay ganh ghét. Trong xã hội đó con người ta sống bình đẳng
với nhau trong sự đầy đủ về vật chất, hạnh phúc về tinh thần. Đồng thời truyện
cổ tích cũng phản ánh cả truyền thống đạo lý của dân tộc, triết lý nhân sinh theo
quan điểm của nhân dân lao động. Sống lạc quan yêu đời, thương yêu đùm bọc
lẫn nhau chính là cốt lõi của triết lý nhân sinh và đạo lý làm người của người
Việt được tác giả dân gian phản ánh đầy đủ trong các câu chuyện cổ tích.
Truyện cổ tích không phản ánh đời sống xã hội bằng trí tưởng tượng mang
tính chất hoang đường huyền thoại như thần thoại, cũng không lý tưởng hóa
hiện thực xã hội, mà sử dụng lối hư cấu cổ tích riêng. Phản ánh hiện thực xã hội
một cách độc đáo, tạo nên một thế giới cổ tích vừa hoang đường kỳ ảo, vừa gần
với thực tại, trong đó có sự biến hóa kỳ diệu của con người như chết đi sống lại
nhiều lần hoặc tái sinh trong kiếp cỏ cây, hoa lá, kiếp con vật đồ vật, rồi trút lốt
thành người… hình thành nên những mô típ nghệ thuật độc đáo, mô típ người
mang lốt vật, mô típ hóa thân từ người sang vật… hoặc kiểu truyện đặc sắc như
(kiểu nhân vật xấu xí mà có tài, kiểu truyện người mang lốt…)
1.1.2. Khái niệm “kiểu truyện”, “kiểu nhân vật”

8
“Kiểu truyện là tập hợp những truyện kể có mô típ cùng loại hình. Trong
một kiểu truyện có nhiều mô típ nhưng không nhất thiết mỗi truyện trong một
kiểu tuyện đó phải có đầy đủ cả mô típ đó nói chung” [15, 24]. Có thể thấy có
tương đối nhiều kiểu truyện khác nhau như: kiểu truyện người “mồ côi”, “con
riêng”, “dũng sĩ”, không thể không nhắc đến một kiểu truyện khá quan trọng đó
chính là kiểu truyện người mang lốt.
“Kiểu truyện người mang lốt là tập hợp những truyện kể về số phận của
những con người không có hình dạng hoàn chỉnh, do nhiều nguyên nhân phải
mang lốt các con vật… là các con vật gần gũi quen thuộc trong đời sống con
người, chúng được các nghệ sĩ dân gian mượn làm cái lốt, rồi trút lốt thành
người đã bộc lộ rõ quan niệm đạo đức cũng như quan niệm của nhân dân lao
động”. [9, 42]

“Kiểu nhân vật là thuật ngữ dùng để gọi những nhân vật đồng dạng.
Những nhân vật này có những nét tương đồng căn bản về tính cách, hành động
và số phận, thường xuất hiện trong những câu truyện cổ tích thần kỳ có cốt
truyện đại thể giống nhau”. [12, 13]
Trong mỗi tiểu loại cổ tích có những kiểu nhân vật đặc trưng riêng.
Trong truyện cổ tích thần kỳ, xuất hiện một số kiểu nhân vật điển hình sau:
Kiểu nhân vật người “con riêng” như Tấm (Tấm Cám); kiểu nhân vật người
em, (Cây Khế, Hà Rầm Hà Rạc)… kiểu nhân vật người “mồ côi” Thạch Sanh
(Thạch Sanh), Chử Đồng Tử (Sự tích đầm nhất Dạ và bãi Tự Nhiên)… kiểu
nhân vật người “đi ở” trong (Cây tre trăm đốt)…; kiểu nhân vật người “dũng
sĩ”, kiểu nhân vật người “có tài lạ”, kiểu nhân vật người “mang lốt vật” như: Sọ
Dừa (Truyện Sọ Dừa), chàng Dê (Lấy chồng Dê), nàng Cóc (Lấy vợ Cóc).
Về tính cách họ đều mang trong mình những phẩm chất đạo đức tiêu biểu cho
quan niệm về con người của nhân dân lao động (hiền lành, tốt bụng, trung thực, tài
năng…) về số phận họ đều trải qua những diễn biến khá giống nhau và họ trở thành
đại diện chung cho một nhóm, lớp người nào đó trong xã hội.
Trong truyện cổ tích thế sự cũng có những kiểu nhân vật riêng biểu hiện
một cách nhìn khác về cuộc đời của tác giả dân gian.
Kiểu nhân vật “đức hạnh”, kiểu nhân vật “xấu xa”, kiểu nhân vật “mưu
trí”, kiểu nhân vật “khờ khạo”, “ngốc nghếch”… các kiểu nhân vật trong truyện
cổ tích thế sự thể hiện một cách nhìn hiện thực về con người và thực tại xã hội
của tác giả dân gian.
Trong truyện cổ tích ngoài hệ thống những nhân vật chính nói trên, chúng

9
ta không thể không nhắc đến một kiểu nhân vật chính nữa cũng đã thể hiện được
ước mơ, khát vọng và lí tưởng thẩm mĩ, quan niệm nhân sinh của người lao
động. Đó chính là kiểu nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng truyện cổ
tích Việt Nam.
Kiểu nhân vật người mang lốt vật là những nhân vật ban đầu không mang

hình hài con người bình thường, hoàn thiện mà mang hình hài các con vật hoặc
một lốt vật kì dị, người dị hình, dị dạng nào đó, có cuộc đời, số phận gặp nhiều
bất hạnh, nhân vật này luôn phải trải qua nhiều khó khăn thử thách. Nhưng sau
khi trút lốt thường trở thành những con người đẹp đẽ, hoàn thiện, hoàn mỹ cân
đối về ngoại hình và tài năng.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đây là kiểu nhân vật xuất hiện khá
phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ. Kiểu nhân vật này xuất hiện mang cảm
quan thẩm mĩ đầy nhân văn của nhân dân lao động, gắn liền với lối tư duy hoang
đường kỳ ảo đầy sáng tạo của tác giả dân gian, bộc lộ rõ quan điểm đạo đức và
quan điểm nhân sinh của nhân dân lao động
1.1.3. Khái quát chung về kiểu truyện người mang lốt
1.1.3.1. Nguồn gốc của kiểu truyện
Theo kết quả của các nhà nghiên cứu thì kiểu truyện người mang lốt hình
thành trên cơ sở hai nguồn gốc chính:
Thứ hất: “kiểu truyện này có nguồn cội từ thần thoại, các nhân vật dị dạng,
đội lốt thú chuyển hóa thành nhân vật của truyện cổ tích thần kì. Sau khi thoát
khỏi lốt thú các nhân vật này trở thành con người trần thế có cái đẹp hài hòa,
cân đối giữa phẩm chất, tài năng với ngoại hình”. [9, 9]
Thứ hai: kiểu truyện này “ít nhiều có liên quan tới tín ngưỡng sùng bái tự
nhiên của con người cổ xưa. Cụ thể là từ tín ngưỡng tô tem vật tổ thời nguyên
thủy (sùng bái loài vật) mà nay không còn giữa nguyên ý nghĩa dân tộc học của
nó nữa…”. [9, 10]
Dù bắt nguồn từ cội nguồn nào đi chăng nữa thì kiểu truyện người mang lốt
đều là kết quả của sự sáng tạo tài tình song không kém phần táo bạo của tác giả dân
gian. Sự nhìn nhận mơ hồ về vạn vật với trí tưởng tượng bay bổng của người xưa,
đã dẫn dắt nhân vật có thể biến hóa từ người sang vật và ngược lại hay nhân vật là
người mang lốt các con vật, lốt vật kì dị, cũng có khi người dị hình, dị dạng. Chính
tính chất ly kỳ đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của kiểu truyện người mang lốt, bên
cạnh đó nó còn góp phần làm nên nét đặc sắc cho thể loại cổ tích với sức sống bề
vững cho những câu chuyện trong kiểu truyện.


10
1.1.3.2. Tên truyện
Tên các câu chuyện trong kiểu truyện người mang lốt thường có mối quan
hệ mật thiết với những vật hoặc con vật mà nhân vật mang lốt. Cách đặt tên
truyện thường gặp trong kiểu truyện này như sau:
- Lấy tên của hình hài lốt mà nhân vật phải mang để đặt tên truyện: Chàng
Rết (Ba Na), Chàng Ngốc (Vân Kiều), Sọ Dừa (Việt)…
- Lấy tên sự việc chủ yếu mà nhân vật chính thực hiện: Lấy chồng Dê,
Người lấy Cóc (Việt), Người lấy rắn (X Đăng), Chàng Cóc lấy vợ tiên (Lê Lê),
Cô gái lấy chồng Trăn (Tày)…
- Tên truyện là chức vị cao nhất mang tính chất lý tưởng mà nhân vật chính
đạt được: Phò mã Sọ Dừa (Chăm), Vua Ếch (Hmông), Chàng Ếch làm Vua
(Hmông)…
- Tên truyện là tên gọi quan hệ của nhân vật chính với các nhân vật khác
trong truyện: Hoàng tử với cô vợ xấu xí (Tày- Nùng), Người chị độc ác
(Hmông), Chàng Chồn và nàng Hơ Lúi (Ba Na)…
Như vậy, tên các câu chuyện trong kiểu truyện người mang lốt dù lấy tên từ
cái hình hài lốt mà nhân vật phải mang hoặc tên một sự việc quan trọng mà nhân
vật chính thực hiện, cũng có khi là chức vị cao nhất mà nhân vật mang lốt đạt
được hay một cái tên nào có mối quan hệ với nhân vật chính, dù lấy tên truyện là
gì đi chăng nữa thì những cái tên này đều có chức năng tô đậm đặc điểm của
nhân vật mang lốt cũng như nội dung tác phẩm, gia tăng ý nghĩa xã hội của
truyện để gây ấn tượng sâu sắc cho người nghe.
1.1.3.3. Những mô típ chính trong kiểu truyện
* Mô típ về sự hôn phối kì lạ, bất ngờ giữa con người với thần linh: Mô típ
này xuất hiện với ý nghĩa biểu đạt nguồn cội xuất thân của nhân vật mang lốt và
lý giải tài năng của nhân vật. Chàng rể Cóc (Vân Kiều), Chàng Cóc con (Vân
Kiều) …
* Mô típ mang lốt:

Đây là mô típ đóng vai trò quan trọng nhất trong kiểu truyện, nó xuyên suốt
kiểu truyện. Nghĩa là tất cả các câu chuyện đều xuất hiện nhân vật mang lốt.
Hình thức lốt mà các nhân vật chính phải mang thường gặp khá phong phú
và đa dạng. Nhân vật có thể mang lốt một cục thịt hay một bọc thịt như nhân vật
Sọ Dừa trong truyện Truyện Sọ Dừa (Việt) đã mang lốt một cục thịt… Cũng có
khi nhân vật lại mang lốt các con vật như nhân vật chàng Rùa trong truyện

11
Chàng Rùa (Thái) đã mang lốt một con rùa hay trong truyện Chàng Cóc (Ka
Dong) nhân vật đã mang lốt một con cóc… Bên cạnh đó còn có nhân vật mang
lốt người dị hình, dị dạng như: ghẻ lở, dị dạng khác thường. Chẳng hạn, nhân
vật chàng Lút trong truyện Chuyện chàng Lút (Xrê) mang lốt ghẻ lở, lốt dị dạng;
nhân vật nàng OBù trong truyện Cái dây lưng (Việt)…
Trong các hình thức lốt nói trên, hình thức lốt phổ biến, tiêu biểu nhất là lốt
các con vật. Vì thế nói tới hệ thống tư liệu truyện kể về nhân vật mang lốt chủ
yếu liên quan tới kiểu nhân vật mang lốt các con vật.
Tất cả các hình thức nói trên đều thể hiện trạng thái xấu xí, dị dạng ban đầu
của nhân vật, làm nên đặc điểm khác biệt của kiểu nhân vật trong kiểu truyện
người mang lốt .
* Mô típ trút lốt:
Đây là mô típ có ý nghĩa quan trong trong kiểu truyện mang lốt. Nhân vật
dù xuất hiện mang lốt xấu xí, dị dạng, kì dị, đồ vật hay con vật thì đều có sự trút
lốt để trở thành người đẹp đẽ: Nàng Kháy (Mường), Người vợ chim (Hmông),
Nàng ngón út (Chàm)…
* Mô típ thử thách:
Đây là mô típ khá phổ biến và xuất hiện trong hầu hết các câu truyện cổ
tích thuộc kiểu truyện này.
Sự thử thách đối với nhân vật biểu hiện dưới nhiều hình thức, nhiều cấp độ
và trong mối quan hệ của nhân vật. Bao gồm những loại thử thách cơ bản:
+ Thử thách về khả năng làm việc như nhân vật chàng Ếch trong truyện

Chàng Ếch và nàng Công chúa út (Cơ Ho) hay nhân vật Thánh Chồn trong
truyện Chàng Chồn (Thái)…
+ Thử thách về sức khỏe, chẳng hạn như nhân vật Ếch trong truyện Vua
Ếch (Hmông) hay nhân vật Lùn trong truyện Chàng Lùn (Dao)…
+ Thử thách về sự khéo léo như nhân vật nàng Khỉ trong truyện Hoàng tử
với cô vợ xấu xí (Nùng) hay nàng Cóc trong truyện Người lấy Cóc, Lấy vợ Cóc
(Việt)…
+ Thử thách trong đánh trận như: nhân vật chàng Cóc trong Tướng Cóc ra
trận (Pú Péo) hay nhân vật Lệnh Trừ trong câu chuyện cùng tên của dân tộc
Tày…
+ Thử thách về sính lễ quý hiếm, chẳng hạn như nhân vật chàng Rùa trong
Chàng Rùa (Hmông), hay chàng Ếch trong câu chuyện Chàng Ếch làm vua

12
(Hmông) …
Các thử thách đặt ra với nhân vật mang lốt là một cách để nhân vật bộc lộ
tài năng và khả năng vượt qua khó khăn tiến đến cái đích của sự hạnh phúc.
* Mô típ kết hôn (hôn nhân) và trút lốt:
Trong kiểu truyện này, mô típ hôn nhân mang ý nghĩa quà tặng thưởng,
một kết quả ở đỉnh cao khi nhân vật vượt qua thử thách. Tính chất ban thưởng
này tạo nên kết thúc có hậu, thay đổi số phận, địa vị của nhân vật, thể hiện khát
vọng về một lý tưởng xã hội của nhân dân lao động. Biểu hiện cụ thể của mô típ
này trong kiểu truyện thường xuất hiện dưới hai dạng thức sau: Nhân vật mang
lốt trút lốt sau khi kết hôn trở thành người đẹp đẽ hoặc là nhân vật mang lốt trút
lốt trở thành người đẹp đẽ trước khi kết hôn.
1.1.3.4. Kết cấu cốt truyện
Kết cấu cốt truyện của kiểu truyện người mang lốt được cấu tạo như mọi
câu chuyện cổ tích khác, đó là sự đan dệt của hàng loạt những mô típ nghệ thuật
khác nhau thành một hệ thống. Cốt truyện thuộc kiểu truyện này là sự hội tụ đan
cài của các mô típ nghệ thuật tiêu biểu sau: (mô típ hôn phối kì lạ, mô típ hôn

nhân, mô típ thử thách, mô típ mang lốt, mô típ trút lốt).
Kết cấu cốt truyện cơ bản của kiểu truyện này có thể tóm tắt như sau: Nhân
vật mang lốt sinh ra là kết quả của cuộc hôn phối kì lạ, bất thường giữa người
với thần linh, mang đặc điểm dị dạng, dị hình (mang vẻ ngoài xấu xí có thể là
cục thịt, ghẻ lở, gù… hoặc mang lốt các con vật có thể là con ếch, con cóc, con
dê…). Nhân vật biết nói tiếng người, bị cộng đồng xa lánh, cười chê, xua đuổi.
Trải qua nhiều thử thách, chịu dựng nhiều đau khổ. Nhờ thần linh trợ giúp, nhờ
tài năng kì lạ mà lấy được vợ hoặc chồng, sống hạnh phúc, giàu sang. Sau khi
kết hôn thường trút lốt vĩnh viễn làm người đẹp đẽ hoàn thiện.
Kết cấu cốt truyện của kiểu truyện người mang lốt có thể mô hình hóa dưới
dạng cấu trúc 3 phần như sau:
Phần I (Mở đầu) : Sự ra đời, xuất hiện thần kì, khác lạ của nhân vật mang lốt.
Phần II (Diễn biến cốt truyện): Cuộc phiêu lưu của nhân vật mang lốt trong
cuộc sống, cả trong hôn nhân theo hành trình như sau:
1. Ra đi: - Rời nhà đi nơi xa (thuê nhà).
- Bước vào tình huống, hoàn cảnh khác thường (gây ra trở ngại cho một ai
đó bố hoặc mẹ của người có con mà nhân vật mang lốt muốn lấy làm vợ…).
2. Gặp thử thách, lực lượng thù địch.

13
- Có nhân vật thì có sự trợ giúp của lực lượng thần kì như (Thần tiên, Bụt).
- Có nhân vật chiến thắng bằng tài năng của mình.
Phần kết III (Kết thúc): Nhân vật mang lốt được đổi đời thay đổi số phận
trút lốt trở thành người đẹp đẽ, có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, đổi đời. Cá biệt
có truyện, nhân vật vĩnh viễn mang lốt vật không trút lốt làm người hoặc nhân
vật đã có lần trút lốt thành người, nhưng sau một thời gian lại quay về lốt cũ
hoặc một lốt vật nào khác.
Kiểu truyện người mang lốt xuất hiện trong kho tàng truyện cổ tích Việt
Nam mang lại sự phong phú, đa dạng về kiểu truyện, kiểu nhân vật trong thể
loại này. Vượt nên ý nghĩa thông thường của những kiểu truyện cổ tích khác,

kiểu truyện này có một ý nghĩa nhân văn cao cả. Khắc họa những số phận, cuộc
đời của một hay nhiều nỗi bất hạnh, chịu nhiều khổ đau mọi bề cả về tinh thần
và vật chất. Nhưng đã vượt qua cảnh ngộ éo le, bi kịch ấy mà vươn lên khẳng
định tài năng, vẻ đẹp tâm hồn đức hạnh của mình.
Sự hư cấu truyện mang màu sắc cổ tích để cho nhân vật mang lốt xấu xí rồi
trút lốt thành những con người đẹp, tài giỏi đã thể hiện khát vọng sống lạc quan
và chủ nghĩa nhân đạo của người dân lao động, thể hiện ước mơ về một cuộc
sống dân chủ, công bằng trong cuộc sống thực tại đầy bất công và đau khổ của
chính họ.
Tiểu kết: Truyện cổ tích là loại truyện xuất hiện từ rất xưa, chủ yếu do các
tầng lớp bình dân sáng tác. Truyện cổ tích ru ngủ con người bằng những giấc
mơ, nó nâng đỡ mọi ước mơ, khát vọng của con người, qua cổ tích con người
gửi gắm những ước mơ cháy bỏng của mình. Đồng thời gieo vào tâm hồn mỗi
con người niềm tin vào cái đẹp, cái thiện, đưa con người về với bản chất lương
thiện. Qua đó truyện cổ tích còn thể hiện triết lí sống và đạo lí làm người của
nhân dân lao động, hướng con người tới cái đẹp chân, thiện, mỹ. Tất cả các nhân
vật, sự vật, không gian, thời gian… trong truyện cổ tích đều được sáng tạo để
thể hiện quan niệm đó về thế giới của các dân tộc.
Kiểu nhân vật người mang lốt vật xuất hiện trong thế giới truyện cổ tích
Việt Nam không nhiều như các kiểu nhân vật khác và không phải truyện cổ tích
nào cũng có sự xuất hiện kiểu nhân vật này. Nhưng kiểu nhân vật này lại chỉ
xuất hiện ở kiểu truyện đặc sắc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Sự hiện
diện của kiểu nhân vật người mang lốt vật đã góp phần không nhỏ tạo nên vẻ
đẹp độc đáo riêng trong toàn bộ nền văn học dân gian nói chung và truyện cổ
tích nói riêng.

14
CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT TƯ LIỆU VỀ KIỂU NHÂN VẬT NGƯỜI
MANG LỐT VẬT TRONG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM


2.1. Tư liệu truyện kể xuất hiện kiểu nhân vật người mang lốt vật
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam,
bao gồm truyện cổ tích các dân tộc Việt (kinh) và một số các dân tộc thiểu số
khác như: Tây Nguyên, Thái, Dao, Hmông, Chàm… để tìm hiểu về sự xuất hiện
của các nhân vật người mang lốt vật.
Chúng tôi đã thống kê được 70/486 truyện cổ tích trong kho tàng truyện cổ
tích các dân tộc Việt Nam xuất hiện nhân vật người mang lốt vật. Con số này
cho thấy: Đây là kiểu nhân vật khá phổ biến, xuất hiện ở hầu hết truyện cổ tích
các dân tộc Việt Nam, nhưng xuất hiện nhiều nhất trong hệ thống truyện cổ tích
thần kỳ; ít xuất hiện trong truyện cổ tích thế sự có nhưng không đáng kể; trong
truyện cổ tích loài vật không xuất hiện kiểu nhân vật này. Vì vậy, có thể khẳng
định: nhân vật người mang lốt vật là kiểu nhân vật đặc trưng của truyện cổ tích
thần kỳ. Tuy nhiên không phải truyện cổ tích thần kỳ nào cũng xuất hiện kiểu
nhân vật này. Kiểu nhân vật này chỉ xuất hiện trong tập hợp những truyện cổ
tích nằm trong cùng hệ thống, đó là tập hợp những truyện thuộc kiểu truyện
người mang lốt với tư cách là hình tượng nhân vật trung tâm của kiểu truyện.
Kết quả thu được chúng tôi thống kê cụ thể ở phần phụ lục. [Bảng thống kê]
2.2. Đối tượng mang lốt
Đối tượng mang lốt chủ yếu là những người nghèo khổ, bất hạnh trong xã
hội. Bao gồm các đối tượng cụ thể:
Nhân vật mồ côi, nhân vật người con riêng, người em, người đi ở… mỗi nhân
vật có một cuộc đời riêng, số phận riêng xong có những đặc điểm chung đồng dạng
là nhân vật mang lốt vật. Những nhân vật là người nghèo khổ là người đi ở, người
mồ côi như Sọ Dừa (Truyện Sọ Dừa - Việt) để có cái ăn đã phải đi ở cho phú ông,
không những thế Sọ Dừa phải sống trong cảnh leo người “mẹ góa con côi”, phải đi
ở cho nhà Pơ toa; Chàng Cóc trong truyện Chàng Cóc (Ka Dong) để có tiền nuôi
mẹ đã đi chăn trâu thuê cho chủ làng… Bên cạnh nhân vật nghèo khổ phải đi ở để
có cái ăn sống qua ngày thì cũng có nhân vật nghèo khổ phải tự mình làm việc
kiếm sống như: nhân vật chàng Rùa (Chàng Rùa - Thái) cũng phải vào rừng lấy
củi, phát nương rẫy để kiếm sống hay nhân vật Ếch (Vua Ếch - Hmông) tự kiếm

sống bằng nghề phát nương rẫy và trồng trọt…
Bên cạnh đó còn có đối tượng mang lốt là những người vợ bất hạnh: Nhân

15
vật người vợ do bị chồng phản bội, ruồng bỏ như: nhân vật con Cá trong truyện
Vợ Cá (Giáy); nhân vật nàng Vỏ Trứng trong truyện Nàng Vỏ Trứng (Mường)…
Cũng có khi là nhân vật người chồng bị khinh miệt bởi mang hình dạng của
các con vật hay lốt vật kì dị, người dị hình, dị dạng đi hỏi vợ như: nhân vật
chàng Rắn trong truyện Chàng Rắn (Gia Rai) do mang lốt một con rắn nên bị
con gái cả của Mơ tao khinh ghét, hắt hỉu; nhân vật chồng Trăn trong Cô gái lấy
chồng Trăn (Xơ Đăng) hay nhân vật Sọ Dừa trong Phò mã Sọ Dừa (Chàm) có
thân hình như một quả dừa; nhân vật Bí (Vợ chồng Bí- Hmông)…
Có tương đối nhiều nhân vật mang lốt bất hạnh là người em (út) như: nhân
vật nàng Chim Hoa con gái út của Sao, trong một lần cùng các chị xuống ao trần
tắm, bị anh mồ côi lấy mất bộ cánh nên không bay về Trời được buộc phải lấy
anh mồ côi (Người vợ Chim- Hmông); nhân vật nàng Lòa là em út trong một gia
đình có hai người con, từ khi cha mẹ mất Lòa phải sống với anh trai và người
chị dâu độc ác không muốn nuôi Lòa nên đã tìm cách hại chết (Nàng Lòa, con
ngựa mù và chàng thong manh- Hmông)… cũng có đối tượng mang lốt là những
nhân vật mồ côi không cha, không mẹ, không có họ hàng thân thiết thì phải kể
đến nhân vật rể Khỉ từ khi cha mẹ qua đời Khỉ phải tự thân làm việc để kiếm
sống bằng nghề phát nương, trồng trọt (Chàng rể Khỉ - Ê đê); hay nhân vật OBù
(Cái dây lưng - Việt); nhân vật Lút (Chuyện chàng Lút - Xrê)…
Qua khảo sát chúng tôi thấy, tần số xuất hiện của các dạng lốt này không
đồng đều. Đối tượng mang lốt là người nghèo khổ chiếm số lượng nhiều hơn cả,
sau đó phải kể tới đối tượng mang lốt là người đi ở. Mặc dù không bằng đối
tượng mang lốt là người đi ở, nhưng đối tượng mang lốt là người mồ côi cũng
chiếm số lượng ở mức trung bình và chiếm số lượng thấp nhất phải nói tới đối
tượng mang lốt là người em út.
2.3. Giới tính của nhân vật mang lốt

Khảo sát kiểu nhân vật người mang lốt vật ở phương diện giới tính chúng
tôi thấy rằng:
Trong kiểu nhân vật người mang lốt vật nhân vật mang lốt vật chủ yếu là
nam giới, nhân vật mang lốt là nữ giới có xuất hiện nhưng ít hơn so với nhân vật
mang lốt là nam giới.
Trong tổng số 70 truyện xuất hiện kiểu nhân vật người mang lốt vật, đã có
tới 47/70 truyện xuất hiện nhân vật nhân vật mang lốt là nam giới, chỉ có 23/70
truyện xuất hiện nhân vật mang lốt là nữ giới.
Các nhân vật mang lốt là nam giới chủ yếu xuất hiện ở các truyện cổ tích

16
về nhân vật mang lốt các con vật: cóc, rắn, rùa, ếch, trăn, chồn… như nhân vật:
chàng Rùa (Chàng Rùa - Hmông), con Cóc (Cóc Trời - Cơ Ho), chàng Chồn
(Chàng Chồn - Thái), chàng Rắn (Chàng Rắn - Gia Rai)…
Các nhân vật nam giới, để đi đến mục đích cuối cùng là lấy vợ trút lốt,
thường phải trải qua nhiều biến cố, thử thách khó khăn. Tuy mang cái lốt xấu xí
của các con vật hay vật kì dị, người dị hình, dị dạng, nhưng nhân vật mang lốt
thường kết hôn với những cô gái xinh đẹp, nhân hậu. Đó là những người con út,
em út trong gia đình, có nhan sắc và có tấm lòng nhân ái hơn người, hoặc là
những cô gái con nhà quyền thế đã tự nguyện lấy một người chồng là con vật
xấu xí hay vật dị hình, dị dạng tầm thường. Nếu như dáng vẻ bên ngoài của nhân
vật mang lốt làm cho mọi người sợ hãi và khinh miệt thì đối với những người
con gái ấy, điều đó chỉ đem lại sự thông cảm lớn lao. Một cô gái trước khi theo
chồng là rùa trở về nhà, đã được bố bày cho cách giết rùa. Không theo lời bố
dặn, cô gái trở về nhà sống yên ổn cùng chồng dưới túp lều dột nát (Chàng Rùa-
Hmông); hay nhân vật cô gái trong truyện Con Dê Vàng (Chil - CơH) mặc dù
Dê Vàng bị dân làng ghét bỏ và tìm cách đuổi đi nhưng chỉ có duy nhất một cô
gái thương yêu Dê, nên đã tự nguyện chăm sóc và đồng ý lấy Dê làm chồng.
Trong cái lốt kì dị, dị dạng, những chàng trai mang lốt thường bộc lộ tài
năng phi thường hay tình cảm đạo đức cao cả, nó khiến cho các cô gái quan tâm,

khâm phục hay cảm động, dẫn đến chỗ cảm thông yêu mến. Khi nhân vật trút lốt
bao giờ cũng trở thành những chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Họ xuất hiện là điều vô
cùng bất ngờ cho người vợ của họ. Việc trút lốt của nhân vật nam mang lốt vật
khá đa dạng, nhưng chủ yếu thông qua một vài hình thức như: người vợ tình cờ
phát hiện ra cái lốt của chồng mình liền đem giấu, đem đốt hoặc băm đi như:
chàng Lợn trong truyện Chàng Lợn (Gia Rai); con Cóc trong câu chuyện Cóc
Trời (Cơ-Ho). Hay là do một lần hai vợ chồng rủ nhau ra suối tắm, nhân vật liền
trút lốt thành một chàng trai đẹp đẽ, như: nhân vật Lút (Chuyện chàng Lút -
Xrê)… Việc trút lốt của nhân vật đã làm cho người vợ của họ vui sướng, hạnh
phúc vô biên. Đó như là một sự đền bù xứng đáng cho những người con gái xinh
đẹp, giàu đức hi sinh: cô Út trong truyện Hoàng tử Rắn (Cao Lan) vì để cứu cha
nên đã đồng ý lấy Rắn làm chồng, mặc dù hai cô chị ra sức chê bai, khinh ghét
Rắn. Sau khi kết hôn Rắn đưa cô Út về cung điện của mình sống một cuộc sống
giàu sang, hạnh phúc; nhân vật Hbia Lúi vì thương mẹ nên đã đồng ý lấy Rắn làm
chồng, nhưng đêm tân hôn Rắn đã trút bỏ lốt bên ngoài biến thành một chàng trai
khôi ngô, tuấn tú sống đầm ấm, hạnh phúc bên vợ (Chàng Rắn - Gia Rai)…
Các nhân vật mang lốt là nữ giới thường ẩn mình dưới hình hài các con vật

17
giống các con vật là nam giới, cũng có khi là những vật nhỏ bé bình thường: quả
trứng, con ốc, con cá hoặc một loài chim nào đó như trong truyện: Người vợ Cá
(Hmông), Lấy vợ Cóc (Việt), Nàng Vỏ Trứng (Mường), Nàng Chim Hoa
(Hmông)…
Các nhân vật nữ giới mang lốt vật, khi ẩn mình sau những lốt con vật hay
lốt vật kì dị, người dị hình, dị dạng cũng bộc lộ nhưng phẩm chất đáng quý,
thường gắn với những công việc nội trợ hay giúp những chàng trai nghèo, mồ
côi làm việc nhà, trồng trọt. Nhờ đó mà đã chiếm được tình cảm ở các chàng trai
này như: may vá, thêu thùa, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nấu cơm canh ngon, dệt
vải khéo đẹp không ai có thể sánh kịp. Sau một thời gian mang lốt các cô gái
này thường trải qua nhiều biến cố, thử thách. Nhưng cuối cùng đều trút lốt trước

khi kết hôn hoặc cá biệt có nhân vật kết hôn xong mới trút lốt: nhân vật Nàng
Kháy trong truyện Nàng Kháy (Tày) đã mang lốt một quả trứng lạ được chàng
Hoa Long nhặt đem về nhà, sau một thời gian lén lút trút lốt thành cô gái xinh
đẹp, làm việc nhà giúp Hoa Long thì bị phát hiện nên đã vĩnh viễn trút bỏ lốt
quả trứng và kết hôn với Hoa Long sống cuộc hạnh phúc, đầm ấm hay nhân vật
Chim Sơn Ca đã mượn lốt con chim sơn ca nhỏ bé bị thương, được anh thợ săn
chăm sóc cứu chữa, để trả ơn cứu mạng Chim Sơn Ca đã giấu cởi lốt chim trở
thành cô gái xinh đẹp giúp anh thợ săn dệt vải, làm việc nhà và sau một thời
gian bị phát hiện, đã trút bỏ lốt chim, làm vợ anh thợ săn trong truyện Chim Sơn
Ca; nhân vật cô Tiên trong truyện Chàng mồ côi lấy vợ tiên (Cao Lan) sau khi
lấy chàng Mồ Côi, giúp chồng trở nên giàu có đã trút bỏ hình hài kì dị trở thành
một cô gái xinh đẹp; nhân vật nàng Ka Điêng (Nàng ngón út - Chàm) cũng vậy
sau khi lấy Hoàng tử mới trút bỏ lốt vật dị dạng trở thành cô gái xinh đẹp…
Bên cạnh đó cũng có nhân vật nữ giới mang lốt sau khi đã trút lốt kết hôn
bằng tài năng, sự thông minh, tài trí hơn người không những biết khéo léo
khuyên bảo chồng làm ăn, giúp gia đình nhà chồng trở nên giàu có, mà còn giúp
dân làng tiêu diệt kẻ xấu, độc ác được dân làng khen ngợi. Nàng Bạch Nga Long
trong truyện Người lấy Ếch đã giúp gia đình nhà chồng lấy lại được cơ nghiệp
đã mất, thuê thầy giỏi về dạy học cho chồng, nhờ đó mà chồng đã đỗ trạng
nguyên; nàng Tiên sau khi đã trút lốt, lấy chàng trai nghèo, đã khuyên bảo và
cùng chồng làm ăn, không những giúp chồng trở nên giàu có, mà còn giúp dân
làng tiêu diệt chủ bản độc ác (Nàng tiên Ốc - Việt)…
2.4. Nguyên nhân mang lốt
Trong kiểu nhân vật người mang lốt vật các nhân vật mang lốt vật xuất
hiện từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhân vật thường vì lí do nào đó, dẫn đến

18
bản thân mang lốt. Cái lốt con vật hay lốt vật kì dị, cũng có khi là người dị hình,
dị dạng dường như là nơi ẩn thân tuyệt vời nhất trước khi cuộc đời nhân vật có
những bước chuyển biến lớn lao. Việc nhân vật mang lốt các vật nhỏ bé, tầm

thường, dị dạng đã có tác dụng như một thước đo, đánh giá mối quan hệ giữa
các nhân vật với cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sĩ dân gian đã
xây dựng nên hình tượng nhân vật người mang lốt vật phổ biến đến như vậy
trong truyện cổ tích của dân tộc mình. Họ tìm thấy ở đó mối cảm thông, chia sẻ
giữa những con người bất hạnh trong một xã hội phân chia giai cấp. Phải mang
lốt, dù dưới bất kì một hình thức nào, với bất kì nguyên nhân nào thì những con
người đó vẫn đòi hỏi sự nhìn nhận của cộng đồng, của xã hội.
Khi khảo sát 70 truyện cổ tích ở phương diện nguyên nhân dẫn đến nhân
vật mang lốt, chúng tôi đã thống kê được các nguyên nhân cơ bản, mang tính
phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam như sau:
2.4.1. Sinh đẻ thần kỳ
Đây là nguyên nhân cơ bản phổ biến nhất trong kiểu nhân vật người mang
lốt vật (29/70 truyện). Dường như “sinh đẻ thần kì” là một mô típ chủ đạo được
tác giả dân gian giới thiệu về sự hiện diện của kiểu nhân vật người mang lốt vật.
Sự xuất hiện của các nhân vật mang lốt trong kiểu truyện do nguyên nhân
này không giống nhau mà vô cùng phong phú và đa dạng về sự thần kì trong
sinh nở của các bà mẹ như: đôi vợ chồng hiếm con cầu khấn thần linh, người vợ
mang thai sinh ra nhân vật mang lốt; hoặc do người mẹ ăn, uống phải vật lạ rồi
có thai sinh ra nhân vật mang lốt; hay có nhân vật mang lốt được sinh ra do
người mẹ quan hệ với thần linh; cũng có nhân vật mang lốt lại được sinh ra
không phải do sinh nở của người mẹ mà chui ra từ quả trứng, quả bầu, bí hay “từ
đầu gối của người mẹ”.
Các dạng kiểu sinh đẻ thần kỳ thường gặp:
* Dạng kiểu 1: Nhân vật mang lốt được sinh ra do đôi vợ chồng hiếm con
cầu khấn thần linh rồi người vợ mang thai sinh ra.
Dạng nguyên nhân này xuất hiện nhiều nhất có 10/29 truyện thuộc loại
nguyên nhân sinh đẻ thần kì. Sự xuất hiện của nhân vật mang lốt theo một mô
típ có tính chất công thức ngay phần mở đầu truyện kể: Hai vợ chồng nghèo khổ
không con cái… đi xem bói hoặc cầu khấn thần linh mãi… sau đó người vợ có
mang và sinh ra đứa con mang lốt vật, không mang hình hài như một đứa trẻ

bình thường. Chẳng hạn, hai vợ chồng nghèo khổ không con, đi xem bói, đạo sĩ
phán hai ông bà phải bắc được 120 cái cầu, sẽ có con. Quả nhiên bà vợ có mang,

19
nhưng lại đẻ ra “một con cóc” trong truyện Lệnh Trừ (Tày); hai vợ chồng Ca
Đeng lấy nhau đã lâu mà không có con, đã cầu khấn, người vợ mang thai và sinh
ra “một con cóc” (Chàng rể Cóc - Vân Kiều); hai vợ chồng hiếm muộn con cái,
mong mãi người vợ có mang nhưng lại sinh ra một “con cóc” (Người lấy Cóc -
Việt); hai vợ chồng nghèo không con cái, cầu mong mãi không bao lâu người vợ
có mang và sinh ra “một con rùa” (Chàng Rùa - Giáy). Truyện Lấy chồng Dê
(Việt) kể về sự xuất hiện của chàng Dê như sau: một đôi vợ chồng hiếm con, cầu
khấn mãi người vợ có thai và đẻ ra được “một con dê đực”. Câu chuyện Tướng
Cóc ra trận (Pú Péo) kể về sự xuất hiện của nhân vật Cóc như sau: hai vợ chồng
nghèo khổ, sống bằng đôi bàn tay khỏe mạnh,cầu mong có lấy một mụm con,
không bao lâu sau, trước khi người chồng đi lính thì người vợ có mang nhưng
lại sinh ra “một con cóc”.
Ở hầu hết các truyện, các nhân vật mang lốt ra đời không đáp ứng được
lòng mong mỏi của cha mẹ, bởi đứa con mà họ gửi gắm biết bao hi vọng lại
mang hình hài quái dị của một con vật hay một lốt vật kì dị, người dị hình, dị
dạng khác thường mà ta gọi là người mang lốt vật.
Nếu như ở dạng trên, nhân vật mang lốt được sinh ra do có sự tác động kì
lạ, khác thường của một lượng thần kì nào đó, thì ở dạng tiếp theo nhân vật
mang lốt lại được sinh ra theo một quy luật tự nhiên.
Dạng kiểu 2: Bên cạnh đó lại có nhân vật mang lốt vật được người mẹ sinh
ra theo quy luật tự nhiên.
Ở dạng này, nhân vật mang lốt được sinh ra theo quy luật sinh đẻ tự nhiên
như bao đứa trẻ khác. Nhưng điều khác biệt là những nhân vật này ngay từ khi
sinh ra đã mang lốt con vật, lốt vật kì dị hay người dị hình, dị dạng khác thường.
Một đôi vợ chồng sau một thời gian sống với nhau, người vợ có thai nhưng lại
sinh ra một đứa con mang lốt “bụng lợn” (Chàng Bụng Lợn - Thái); anh Lác

cũng được cha mẹ sinh ra như bao đứa trẻ khác, nhưng lạ thay ngay từ khi ra đời
anh đã bị lác nên đặt tên là Lác (Anh Lác làm Vua - Chàm); hai vợ chồng nghèo
lấy nhau được một thời gian, thì người vợ có mang, tưởng chừng đâu đứa con
mà họ sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng lại là một một đứa
con dị hình, dị dạng “lùn, ngắn cũn cỡn” nên gọi là chàng Lùn trong truyện
Chàng Lùn (Dao); Lút được cha mẹ sinh ra theo quy luật tự nhiên, nhưng điểm
khác biệt Lút lại mang lốt dị dạng, “hom hem” (Chuyện chàng Lút - Xrê); một
đôi vợ chồng nghèo sinh được hai người con, nhưng lạ thay đứa con gái thứ hai
ngay từ khi sinh ra đã bị lòa nên gọi là nàng Lòa (Nàng Lòa, con ngựa mù và
chàng thong manh - Hmông); Tổ Cô lấy chồng rồi mang thai như bao người phụ

20
nữ khác, nhưng lạ thay đứa con mà họ sinh ra lại có hình hài, dị dạng trong
truyện Vua Bà (Việt); Mák hút xen pau cũng được mẹ sinh ra như bao như bao
đứa trẻ khác, nhưng ngay từ khi sinh ra đã mang lốt người dị dạng trông rất kinh
tởm “có rất nhiều mụn cơm” (Chàng ngàn mụn cơm - Thái); có hai nhân vật là
cô Tươi Tỉnh và cô Cáu Kỉnh được cha mẹ sinh ra theo quy luật tự nhiên, ngay
từ khi sinh ra đã mang hình hài dị dạng khác thường là trên mặt hai mỗi cô đều
có một cục bướu (Hai cô gái và cục bướu - Việt). Sự dị hình, dị dạng nói trên
của các nhân vật thực sự chính là “lốt vật” mà các nhân vật đó ẩn thân, chứ
không phải là hình hài mà họ phải mang suốt đời. Sau này họ trút lốt đó ra và trở
thành những con người bình thường như tất cả mọi người.
Dạng kiểu 3: Do người mẹ ăn, uống phải vật lạ hay dẫm phải vật lạ mà
mang thai và sinh ra nhân vật mang lốt vật.
Việc người mẹ ăn uống hay nuốt, dẫm phải vật lạ dẫn đến hiện tượng có
mang và sinh ra đứa con là con vật hay một lốt vật kì dị, dị dạng. Là một nguyên
nhân thường thấy trong truyện cổ tích, nhưng gắn với sự ra đời của nhân vật
người mang lốt vật lại ít. Tần số truyện xuất hiện thấp chỉ chiếm 5/29 truyện có
nhân vật xuất hiện do nguyên nhân này. Mô típ thường gặp: người mẹ đi làm vì
đói khát, ăn phải thứ quả lạ hay do uống nước từ trong hốc cây, hốc đá, đấu chân

lạ… mang thai, cũng có khi đi tắm phát hiện thấy quả lạ trôi lổi vớt ăn và kết quả
là mang thai: Nàng Di Dật uống phải nước lạ trong một hốc nhỏ ở giữa tảng đá
lớn đen sì trong rừng rồi có mang và đẻ ra “một con cóc” (Chàng Cóc - Ka
Dong); một người vợ có tuổi không con cái do uống nước suối từ giữa các hốc đá
phun nên và đã mang thai nhưng lại sinh ra “một vật dị dạng tròn như một quả
dừa” (Phò mã Sọ Dừa - Chàm); nàng Núi uống phải nước đái của lợn rừng, sau
đó mang thai, sinh ra “một con lợn” (Chàng Lợn - Hmông); một bà góa do uống
nước trong một cái sọ người nên đã có thai nhưng lại sinh ra “một cục thịt tròn”
(Truyện Sọ Dừa - Việt); vợ chồng nhà nọ rất muộn con, ngoài năm mươi tuồi mà
chưa chửa đẻ lần nào, vào một hôm sau khi dẫm phải một quả bí ở ngay chân
mình bá đã có thai và sinh ra “một quả bí đỏ” (Cái ná chín rãnh - Chàm).
Hình hài ban đầu của các nhân vật này thực chất chỉ là “lốt vật” của các
nhân vật. Dường như tác giả dân gian sáng tạo ra dạng kiểu sinh nở này, cũng có
thể gắn với mục đích lý giải sự tài chí hơn người ở các nhân vật mang lốt theo
kiểu thần thoại: kết nối thân phận các nhân vật với các thần linh.
Dạng kiểu 4: Nhân vật mang lốt được sinh ra không phải từ sinh đẻ của
người mẹ, mà chui ra từ một quả trứng hay qủa bầu, bí hoặc từ “đầu gối của
người mẹ”.

21
Mô típ “quả bầu mẹ”, không chỉ xuất hiện trong truyện thần thoại mà còn
xuất hiện trong thế giới cổ tích với một vai trò, chức năng tương tự: chức năng
sinh sản. Chỉ có điều ở truyện thần thoại từ trong quả bầu, quả bí này thường
chui ra rất nhiều người, đôi khi cả loài vật nữa. Nhưng trong truyện cổ tích, từ
trong những quả bầu, quả bí ta chỉ thấy xuất hiện một nhân vật duy nhất, nhân
vật đó khi chui ra khỏi quả bầu, quả bí không mang hình dạng con người bình
thường mà lốt các con vật hay vật kì dị, dị dạng nào đó. Tần số truyện xuất hiện
cũng không cao chỉ có 4/29 truyện thuộc loại nguyên nhân sinh đẻ thần kỳ.
Hai vợ chồng hiếm con, cầu khẩn mãi mong trời ban cho một đứa con. Một
hôm hai vợ chồng lên nương trồng bí, trồng được một cây bí khác thường, chỉ

có một quả. Khi quả bí lớn, người vợ bổ quả bí ra bỗng thấy “một con cóc nhảy
ra nhận bố nhận mẹ” (Chàng Cóc lấy vợ tiên - Lô Lô); một đôi vợ chồng hiếm
con, một hôm đầu gối của người vợ tấy lên sưng to, sau cơn nhức nhối chỗ sưng
to ấy bị rạn nứt “một con rùa bò ra” (Chàng Rùa - Hmông); hai vợ chồng già
hiếm con, một hôm bà vợ thấy đau ngón chân cái. Ba năm sau chỗ đau bị nứt,
“một chú ếch chui ra” (Vua Ếch - Hmông); một hôm hai vợ chồng hiếm con đi
rừng, nhặt một quả trứng lạ mang về để ở giữa giường ngủ của hai vợ chồng coi
như con. Sau một thời gian “quả trứng nở ra một con ếch” (Chàng Ếch làm Vua-
Hmông).
Ở dạng nguyên nhân này, nhân vật mang lốt xuất hiện trong hoàn cảnh giống
với dạng kiểu 1 tức là sinh ra trong một gia đình muộn con cái, tuy nhiên hình thức
ra đời của nhân vật lại khác hẳn. Nếu như ở dạng kiểu 1, nhân vật dù mang hình hài
của một con vật thì người mẹ vẫn trải qua một quá trình mang thai và sinh nở, còn
ở đây nhân vật xuất hiện như một sự tình cờ, nó không hề dự báo sự có mặt của
một đứa con trong gia đình hiếm muộn. Do vậy mà nhân vật xuất hiện dù dưới con
vật hay vật kì dị, dị dạng tầm thường, vẫn có ý nghĩa như một món quà tặng mà số
phận ban cho những con người nghèo khổ bất hạnh.
Dạng kiểu 5: Người mẹ quan hệ với thần linh có mang và sinh ra nhân vật
mang lốt.
Các nhân vật ra đời là kết quả của một cuộc hôn phối kỳ lại giữa người mẹ
trần thế với một lực lượng thần linh nào đó. Hai vợ chồng Ca Đeng lấy nhau đã
lâu mà không có con. Một hôm hai vợ chồng đi làm rẫy về thấy một bàn chân
nhỏ in trước ngõ, người vợ ướm thử chân mình vào đó, có mang và sinh ra “một
con cóc” (Chàng rể Cóc - Vân Kiều).
Đây là bước mở đầu cho hàng loạt những kì tích phi thường mà chỉ họ
những con người khác thường mới có thể làm được. Nhưng tần số truyện xuất

22
hiện của nó rất ít chỉ có 1/29 truyện. Vì thế đây không phải là dạng thức ra đời
đặc trưng của kiểu nhân vật này.

Dạng kiểu 6: Do nhân vật siêu nhiên đầu thai xuống trần gian vào một gia
đình nghèo, hiếm con.
Hai ông bà già không con cái, con trai của thần Mặt Trời thương tình đầu
thai vào nhà ông bà. Bà vợ mang thai và sinh ra “một con ếch nhỏ” (Chàng Ếch
và nàng Công chúa út - Cơ Ho).
Ở đây, nhân vật siêu nhiên xuất hiện giống như một món quà vô giá mà
những cặp vợ chồng nghèo lại hiếm con mong đợi. Mặc dù tần số nhân vật mang
lốt xuất hiện ở nguyên nhân này rất ít chỉ có 1/29 truyện thuộc kiểu nguyên nhân
thần kì, nhưng nó lại góp phần làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng cho kiểu
nguyên nhân này.
Có thể coi đây là dạng mô típ đặc trưng của kiểu nhân vật người mang lốt vật.
2.4.2. Nguyên nhân tự thân
Nguyên nhân tự thân chiếm tỉ lệ không cao trong tổng số 70 truyện chỉ có
9/70 truyện có nhân vât từ nguyên nhân này. Bản thân nhân vật mang lốt các con
vật hay lốt vật kì dị, người dị hình, dị dạng ngay từ khi câu chuyện được mở ra
với tư cách độc lập, không qua sinh nở. Nhân vật chàng Chồn ngay từ khi xuất
hiện đã mang lốt một con chồn, nhưng thực chất là thánh Chồn (Chàng Chồn -
Thái). Trong truyện Cóc Trời (Cơ Ho) nhân vật Cóc, mở đầu câu chuyện đã
mang lốt một con cóc nhưng thực chất là con Trời; nhân vật Thuồng Luồng
trong truyện Người chị độc ác (Hmông), ngay từ khi xuất hiện đã mang lốt con
thuồng luồng; chàng Rồng xuất hiện là một con Rồng ở long cung (Vợ chồng
chàng Rồng - Pú Péo). Trong truyện Vợ Cá (Giáy) nhân vật xuất hiện dưới hình
dạng một con cá, được một ông già bắt đưa cho anh mồ côi; nhân vật Cá Anh
Vũ xuất hiện là một con cá anh vũ to bằng bắp chân, vảy lấp lánh, được một ông
cụ tự xưng là thần hổ đưa cho anh Quang Cún về nuôi trong truyện Cô gái vùng
hổ. Câu chuyện Vợ chồng anh mò Ốc (Dáy) nàng Ốc ngay từ khi xuất hiện đã
mang lốt ốc; Nai Ngọc ngay từ khi xuất hiện trong câu chuyện đã mang lốt một
vật kì dị không qua sinh đẻ (Nai Ngọc- RaGla). Ngay từ khi được một đôi vợ
chồng hiếm con nhặt về Bí đã mang lốt một quả bí (Vợ chồng Bí - Hmông).
2.4.3. Nguyên nhân phù phép

Trong truyện cổ tích Việt Nam kiểu nhân vật người mang lốt vật bị phù
phép chiếm số lượng ít nhất so với các nguyên nhân khác, chỉ có 3/70 truyện mà
chúng tôi đã khảo sát. Hầu hết các nhân vật ở loại này đều là người, do mắc sai

23
lầm hoặc do vi phạm vào những điều cấm kị nên bị phù phép phải mang lốt vật.
Nhân vật chàng Rùa vốn là người nhưng do phạm phải sai lầm nên bị đẩy
xuống bắt làm kiếp con rùa (Chàng Rùa - Thái); con trai của Tổng Đại Mao do
mắc sai lầm, làm chết con dế dâng Vua, nên đã được một đạo sĩ hóa phép thành
một con dế, để cha nộp cho Vua trong truyện Người hóa dế; một nàng tiên nữ
xuống trần gian chơi xuân, mải ngắm hoa vui không kịp về trời, Ngọc Hoàng
nổi giận bắt nàng hóa kiếp khỉ (Hoàng tử với cô vợ xấu xí - Nùng).
Có thể thấy nguyên nhân mang vật phù phép không phổ biến trong truyện
cổ tích các dân tộc Việt Nam. Việc nhân vật mang hình hài các con vật hay vật
kì dị, người dị hình, dị dạng giống như một sự trừng phạt hay trả giá cho những
hành động trái với lẽ thường. Nhân vật qua một thời gian mang lốt vật, cuối
cùng lại được trả lại hình dạng con người vốn có từ trước đó.
2.4.4. Nguyên nhân mượn lốt
Chúng tôi đã tiến hành khảo cứu và thống kê được con số cụ thể về nhân
vật người mang lốt vật xuất phát từ nguyên nhân này: có 29/70 truyện. Con số
trên cho thấy, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, có tính phổ biến của
kiểu nhân vật người mang lốt vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Nhân vật mang
lốt là người nhưng do nhiều lí do, mượn lốt các con vật hay lốt vật kì dị, người
dị hình, dị hình trong một thời gian ngắn để tiến hành một mục đích nào đó, đến
một thời điểm thích hợp lại trút lốt thành người.
Có nhân vật ẩn mình sau lốt vật để làm việc tốt và được trả ơn bằng cách lấy
được con gái hoặc con trai hay lấy ngay người mà nhân vật mang lốt đã giúp đỡ.
Ví dụ, chàng Rắn Hoa Mai đã mượn lốt một con rắn hoa mai, giúp ông cụ di
chuyển tảng đá lớn ở ruộng và được ông cụ gả con gái cho (Chàng Rắn Hoa Mai-
Hmông); chàng Trăn nhân một hôm trời đổ mưa to đã mượn lốt con trăn giúp một

bà cụ qua sông, để trả ơn bà đã gả con gái của mình cho (Chàng króa và nàng ti
lụi- Raglai); một chàng trai khôi ngô, tuấn tú nhưng đã mượn lốt một con rắn xấu
xí, giúp Mơ tao qua sông và được Mơ tao hứa gả con gái cho (Chàng Rắn - Gia
Rai); thánh Chồn, vì muốn làm việc giúp hai mẹ con Màn và lấy Màn làm vợ, nên
đã mượn lốt một con chồn (Chàng Chồn - Mường); cô con gái của Vua Thủy Tề,
do muốn giúp hai anh em mồ côi làm việc nhà, đã mượn lốt một quả trứng ở suối
được hai anh mồ côi, đi câu nhặt mang về nuôi (Nàng Vỏ Trứng- Mường); nàng
Kháy muốn giúp chàng Hoa Long, đã mượn lốt một quả trứng lạ trong bụi cây,
được Hoa Long nhìn thấy mang về (Nàng Kháy - Tày).
Có nhân vật lại ẩn mình sau lốt vật để tìm và thử thách lòng người hay lòng
chung thủy của vợ hoặc chồng: nhân vật chồng Trăn đã mượn lốt một con trăn

24
lớn để lấy con gái thứ hai của một bà não bắt cá ở suối (Cô gái lấy Chồng Trăn -
Xơ Đăng); một chàng trai khỏe đẹp, vì muốn tìm và lấy vợ nên đã mượn lốt con
dê vàng trong truyện Con Dê Vàng (Chil - CơH); chàng Rắn thực chất là một
chàng trai trẻ đẹp, nhưng vì muốn lấy Bun Viên làm vợ đã mượn lốt con rắn lấy
cái rìu của mẹ Bun Viên (Chàng Đu Lơ - Cơ Tu); Hoàng tử Rắn con trai út của
Vua Thủy Tề đã mượn lốt một con rắn, để cưới được cô Út và thử lòng gan dạ,
thủy chung của vợ (Hoàng tử Rắn - Cao Lan); vì muốn lấy HBia Rác làm vợ,
chàng Chồn đã mượn lốt con chồn và ra nhiều thử thách để thử lòng chung thủy
của vợ (HBia Rác lấy chồng Chồn - Gia Rai)
Bên cạnh đó lại có nhân vật ẩn sau lốt vật để để thực hiện mục đích trả ơn
người đã cứu mạng mình. Một nàng tiên vì để trả ơn chàng trai nghèo, đã mượn
lốt một quả trứng có vân xanh kì lạ, to hơn cả quả bầu trên nương, được chàng
trai nghèo mang về nhà (Truyện trứng tiên - Cao Lan); chàng Giao Long để trả
ơn cưu mang của một bà lão góa, đã mượn lốt “một con vật thân dài, tựa như
con lươn” bắt cá, tôm giúp bà lão (Giao Long - Việt); một cô tiên để trả ơn
chàng mồ côi giúp mẹ, đã mượn lốt vật có hình hài kì lạ “một cô gái nhỏ xíu” để
giúp và lấy chàng mồ côi làm chồng (Chàng mồ côi lấy vợ tiên - Cao Lan).

Lại có nhân vật mang lốt vật, vì muốn dạo chơi ở một thế giới khác nên đã
mượn một lốt vật nào đó: một nàng tiên trong lúc mượn lốt một con chim bay
dạo chơi thì bị thương, đã được anh thợ săn chăm sóc, cứu chữa trong truyện
Chim Sơn Ca; con trai Long Vương đã mượn lốt một con rắn nước, lên bờ dạo
chơi, không may gặp nạn, được anh chàng nghèo cứu chữa, nên thoát chết (Con
chó, con mèo và anh chàng nghèo - Việt); một chàng trai con Vua Thủy Tề, đã
mượn lốt con rắn để lên bờ dạo chơi, gặp nạn, được chàng Y Rít cứu sống
(Chiếc quạt thần - Gia Rai); nàng Công chúa xinh đẹp đã mượn lốt một con cá,
trong lúc dạo chơi xa vào lưới, được con trai của chủ thuyền cứu sống (Công
chúa thủy cung - Việt); nàng Chim Hoa con gái út của Sao đã mượn lốt con
chim bay xuống ao trần gian tắm (Người vợ Chim - Hmông).
Có thể thấy rằng, nguyên nhân mượn lốt này đã góp phần làm nên sự độc
đáo của kiểu truyện người mang lốt. Các nhân vật, thông qua việc mượn lốt của
một con vật đã gián tiếp khẳng định tính độc lập của mình. Nếu như các nhân
vật mang lốt do nguyên nhân bị phù phép thể hiện một sự bắt buộc, thì ở đây
nhân vật mang lốt hoàn toàn do tự nguyện. Tự nguyện mang lốt để thỏa mãn
một ý muốn nào đó của bản thân nhân vật.
2.5. Các dạng lốt
Truyện kể về những nhân vật người mang lốt vật được lưu truyền rộng rãi

25
trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam. Việc khảo sát 70 truyện cổ
tích Việt Nam bất kỳ thuộc kiểu truyện này cho thấy các dạng lốt của các nhân
vật tương đối phong phú và đa dạng. Có nhân vật thì mang lốt các con vật hay
lốt vật kì dị, nhưng lại có những nhân vật lại mang lốt người dị hình, dị dạng.
Chúng tôi đã thống kê và chia thành các nhóm sau:
Nhóm 1: Dạng lốt con vật.
Nhóm 2: Dạng lốt người dị hình, dị dạng.
Nhóm 3: Dạng lốt vật kì dị.
Trong đó dạng lốt con vật chiếm tỉ lệ cao nhất (48/70 truyện) bao gồm cả

các vật sống trên cạn, dưới nước hoặc lưỡng cư như: hổ, gấu, khỉ, dê, chồn, ếch,
trăn, rắn…; dạng lốt người dị hình dị dạng chiếm tỉ lệ trung bình (13/70 truyện)
phổ biến là các dạng lốt: gù, chột, ghẻ lở…; chiếm tỉ lệ thấp nhất là dạng lốt vật
kì dị chỉ có (9/70 truyện) như: quả bí, quả dừa, cái bụng lợn
2.6. Hình thức mang lốt
Việc khảo sát 70 truyện cổ tích Việt Nam bất kỳ thuộc kiểu nhân vật người
mang lốt vật cho thấy, các nhân vật thuộc kiểu này tồn tại ở hai hình thức mang
lốt: hình thức mang lốt tạm thời và hình thức mang lốt vĩnh viễn.
Thông qua bảng thống kê, chúng tôi thấy hình thức mang lốt tạm thời chiếm
số lượng nhiều nhất có 66/70 truyện. Ở hình thức mang lốt này, các nhân vật
mang lốt dù mang lốt các con vật hay lốt vật kì dị, người dị hình, dị dạng nào đi
chăng nữa, thì cái lốt đó chỉ là nơi ẩn dấu tạm thời tuyệt vời nhất trước khi cuộc
đời, số phận nhân vật có bước chuyển lớn lao, đạt đến cái đích của sự hạnh phúc
và trút lốt thành người đẹp dẽ. Ví dụ: nhân vật chàng Cóc trong truyện Chàng
Cóc (Ka Dong) con cóc chỉ là cái lốt nhân vật mang tạm thời, cho đến khi giao
đấu với năm đứa con nhà trời Cóc đã trút lốt trở thành một chàng trai có sức khỏe
và giành chiến thắng rồi kết hôn. Trong truyện Chàng Gù (Chăm) nhân vật Gù
mang lốt người dị hình dị dạng vừa lùn lại gù, chân tay ngắn. Nhưng đây chỉ cái
lốt tạm thời, sau khi lấy vợ Gù đã trút lốt trở thành một chàng trai xinh đẹp
Bên cạnh những nhân vật có hình thức mang lốt tạm thời thì cũng có nhân
vật có hình thức mang lốt vĩnh viễn, nhưng tần số truyện xuất hiện chiếm số
lượng rất thấp chỉ có 4/70 truyện. Các nhân vật có hình thức mang lốt này cũng
có khi mang lốt các con vật hay lốt vật kì dị, người dị hình, dị dạng nào đó như
những nhân vật có hình thức mang lốt tạm thời, nhưng điểm khác biệt của hình
thức mang lốt vĩnh viễn đó chính là cái lốt mà nhân vật đang mang không phải
là nơi ẩn mình tạm thời mà có khi nó đi theo suốt cuộc đời nhân vật như: trong

×