Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Nghiên cứu khoa học " Nghiên cứu tài nguyên thực vật rừng Việt Nam " doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (126.36 KB, 5 trang )

Nghiên cứu tài nguyên thực vật rừng Việt Nam
Nguyễn Tử Ưởng, Đỗ Văn Bản
Viện khoa học lâm nghiệp Việt nam
Thực vật rừng là một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý gía của
mỗi quốc gia. Việt Nam nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có một
hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Tài nguyên thực vật rừng nước ta mới
được nghiên cứu kể từ cuối thế kỷ thứ 19.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, thực vật rừng nước ta được M. H. Lecomte -
Nhà thực vật học người Pháp - đã nghiên cứu và công trình ông để lại cho đến nay
vẫn hết sức giá trị, đó là bộ sách "Thực vật chí Đông Dương" (Flore général de
L'indo-chine). Một số nhà khoa học nổi tiếng từng công tác tại Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu về thực vật rừng như:
GS. TS. Thái Văn Trừng có tập sách "Thảm thực vật rừng Việt Nam", GS. TS.
Đồng Sĩ Hiền về "Lập biểu thể tích và độ thon cây đứng cho rừng Việt Nam",
GS.TS. Nguyễn Văn Trương về "Phương pháp thống kê cây đứng trong rừng hỗn
loại", Ks. Trần Ngũ Phương về "Bước đầu nghiên cứu rừng miền Bắc Việt Nam",
PGS. TS. Nguyễn Đình Hưng về "Nghiên cứu cấu tạo giải phẫu gỗ một số loài cây
gỗ ở Việt Nam để định loại theo các đặc điểm thô đại và hiển vi", Ngoài ra, còn
rất nhiều các công trình khác có giá trị về mặt khoa học, thiết thực cho sản xuất do
các nhà khoa học trong và ngoài Viện hiện nay, trong và ngoài lĩnh vực lâm
nghiệp thực hiện.
Kế tục sự nghiệp nghiên cứu thực vật rừng của Nha khảo cứu nông lâm
(Thập kỷ 50) và Ban thực vật chí trực thuộc Tổng cục lâm nghiệp và Tổ thực vật
trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp (Thập kỷ 60), Phòng nghiên cứu Tài
nguyên thực vật rừng (TNTVR) thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hiện
nay (tiền thân là Phòng nghiên cứu gỗ (1961)) được thành lập năm 1989 với chức
năng nhiệm vụ: Nghiên cứu đặc tính cơ bản và giá trị sử dụng của các loại tài
nguyên thực vật rừng và đánh giá giá trị và xác định hướng sử dụng các loại tài
nguyên đó. Từ đó đến nay, Phòng nghiên cứu TNTVR đã là đầu mối hoặc cộng
tác nghiên cứu với các đơn vị khác trong và ngoài ngành Lâm nghiệp có liên quan
đến tài nguyên thực vật, cây lấy gỗ và các lâm sản khác. Là thành viên của Hội


giải phẫu gỗ thế giới và cộng tác viên Chương trình tài nguyên thực vật Đông
Nam á (PROSEA), Phòng nghiên cứu TNTVR đã có nhiều đóng góp cho sự
nghiệp nghiên cứu tài nguyên thực vật trong khu vực và thế giới.
Với bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên thực vật rừng,
nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện với kết quả cao, trong đó có đề
tài cấp Nhà nước (1991-1995) "Nghiên cứu giá trị tài nguyên của các loại thực vật
rừng chủ yếu, chọn và phát triển một số loài cây đặc sản mới có giá trị đáp ứng
yêu cầu thị trường và xuất khẩu" đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước
đánh giá là xuất sắc.
Tài sản vô giá đã tích luỹ được trong cả một thời gian dài là phòng tiêu bản
có khoảng 1000 loài thực vật, trong đó có hơn 700 loài thực vật thân gỗ thuộc
khoảng100 họ thực vật khác nhau, gần 100 loài tre trong tổng số khoảng 150 loài
tre ở nước ta và hơn 100 loài thực vật đặc sản và cây thuốc khác. Tên khoa học
của hơn 800 loài thực vật trong bộ sưu tập đã được giám định và kiểm tra. Phòng
tiêu bản thực vật là một cở sở vật chất rất quý và không thể thiếu trong công tác
nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, đào tạo cũng như giám định đối chiếu mẫu. Tuy
nhiên, với số lượng tiêu bản nói trên thì phòng tiêu bản vẫn còn ở mức độ khiêm
tốn, nhưng giá trị lớn nhất ở đây là sự phong phú về số lượng loài cây gỗ, tre nứa
có đầy đủ tiêu bản thực vật và mẫu gỗ. ở Việt Nam có thể xếp phòng tiêu bản này
vào loại phòng tiêu bản về cây gỗ lớn nhất và nó tương đương với một số phòng
tiêu bản của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Trong kho tài sản hơn 700 loài thực vật thân gỗ này đã có 353 loài cây gỗ
chủ yếu đã được nghiên cứu các tính chất cơ bản về cơ học và vật lý (Người Pháp
nghiên cứu cho cả Đông Dương được 71 loài). Đến nay đã có 152 loài được
nghiên cứu cấu tạo hiển vi và hơn 240 loài được nghiên cứu cấu tạo thô đại và các
kết quả nghiên cứu đã được lập khoá tra để nhận biết nhanh gỗ và định loại. Đây
là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để đánh giá giá trị của nguồn tài
nguyên cây gỗ, làm căn cứ để giám định loài, phân loại gỗ.
Bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, Phòng nghiên cứu TNTVR đã tự
xây dựng một số chương trình máy tính để quản lý kết quả nghiên cứu và giảm

thiểu thời gian khi tra cứu, tổng hợp thông tin như chương trình khoá tra định loại
gỗ bằng mô tả cấu tạo thô đại và hiển vi, chương trình quản lý dữ liệu về cây gỗ,
chương trình quản lý dữ liệu về tính chất cơ vật lý của gỗ,
Ngoài việc thực hiện những đề tài nghiên cứu, Phòng nghiên cứu TNTVR
đã tham gia biên soạn bảng phân loại gỗ và một số tiêu chuẩn về gỗ; đã đáp ứng
yêu cầu giám định, tìm kiếm, tra cứu và học tập về gỗ của khách quốc tế và trong
nước; hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và thực tập sinh đều đạt kết quả tốt; viết
12 đầu sách và nhiều bài báo, trên các tạp chí và thông tin khoa học.
Những kết quả nghiên cứu về tài nguyên thực vật đã đáp ứng thiết thực cho
công tác nghiên cứu nguồn tài nguyên thực vật rừng nhiệt đới ở nước ta cũng như
góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen; tìm chọn những loài có
giá trị để phục vụ cho trồng rừng và phát triển cây đặc sản; đánh giá giá trị và
định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên gỗ; phân loại gỗ theo mục đích sử dụng,
chế biến, bảo quản. Việc áp dụng những thành quả khoa học phục vụ quản lý tài
nguyên vào thực tiễn sản xuất cũng được chú trọng: đã giám định thực vật, gỗ cho
một số cơ quan quản lý Nhà nước; giám định và định hướng sử dụng gỗ cho nhiều
cơ sở sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu gỗ trên phạm vi cả nước.
Với chức năng và năng lực làm việc hiện tại, Phòng nghiên cứu TNTVR có
thể đảm nhận:
- Tổ chức và thực hiện điều tra phân loại thực vật; giám định thực vật.
Giám định, đánh gía các loại tài nguyên thực vật theo mọi yêu cầu của các cơ
quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, đơn vị kinh doanh tập thể và cá nhân góp
phần quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả.
- Xây dựng các phương án bảo tồn tài nguyên thực vật rừng trong môi
trường rừng của các hệ sinh thái (bảo tồn nội vi), và xây dựng vườn thực vật để
bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen, nguồn giống (bảo tồn ngoại vi).
- Nghiên cứu một số tính chất cơ lý gỗ để giám định, xếp loại, đánh gía giá
trị và định hướng sử dụng hợp lý và lâu dài các loài thực vật thân gỗ. Nghiên cứu
các tính chất, các đặc tính của các loại sản phẩm và vật liệu có nguồn gốc từ gỗ để
kiểm tra đánh giá chất lượng, đề xuất phương án sử dụng và bảo quản hợp lý phục

vụ trực tiếp cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
- Nghiên cứu cấu tạo giải phẫu gỗ, giám định các loại gỗ sử dụng, gỗ cho
các công trình xây dựng, di tích văn hoá, lịch sử
- Nghiên cứu phát triển các loài cây gỗ và cây ngoài gỗ có giá trị theo cấu
trúc rừng, khí hậu, theo các mục đích kinh tế và đảm bảo rừng bền vững; tìm
nguồn nguyên liệu mới có khả năng thay thế phục vụ sản xuất kinh doanh lâm sản.
- Đào tạo cán bộ nghiên cứu về tài nguyên thực vật rừng. Hướng dẫn khách
trong và ngoài nước tìm hiểu về tài nguyên thực vật rừng Việt Nam. Hợp tác
nghiên cứu, trao đổi thông tin hoặc mẫu vật sưu tập với các tổ chức nghiên cứu
khoa học và sản xuất kinh doanh trong nước và quốc tế.
Tóm tắt:
Thực vật rừng - Nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của mỗi
nước, từ trước đến nay đã được quan tâm nghiên cứu.
Những thành tựu trong nghiên cứu tài nguyên thực vật rừng Việt Nam
không những có ý nghĩa trong khoa học mà còn giúp ích trong quản lý và sản xuất
kinh doanh.
Tổ chức nghiên cứu thực vật rừng vươn lên có thể đáp ứng những yêu cầu
đặt ra.
Tài liệu tham khảo
Tư liệu gốc trong nghiên cứu lưu giữ tại Phòng nghiên cứu Tài nguyên thực vật
rừng.

×