Một vài Kinh nghiệm quản lý rừng trồng bền
vững trong các dự án trồng rừng Việt - Đức
Võ Đại Hải
Viện Khoa học Lâm nghiệp VN
Rừng là một trong những vấn đề được toàn thế giới quan tâm vì vai trò và chức
năng của nó trên cả 3 lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội. Mối quan tâm lớn nhất
trong phạm vi một quốc gia và toàn cầu là sự mất rừng và suy thoái rừng ở mức
báo động và làm sao quản lý rừng một cách bền vững. Theo thống kê của Tổ chức
FAO, trong mấy chục năm gần đây trên thế giới đã có trên 200 triệu ha rừng tự
nhiên bị mất, trong khi phần lớn những diện tích rừng hiện còn đã bị thoái hoá
nghiêm trọng cả về mặt đa dạng sinh học cũng như chức năng sinh thái. Mặc dù đã
có nhiều biện pháp bảo vệ rừng, nhưng hiện nay sự mất và suy thoái rừng, nhất là
rừng nhiệt đới, vẫn còn ở mức cao. Theo FAO (1997), trong giai đoạn 1980-1990
mỗi năm thế giới có 15,5 triệu ha rừng tự nhiên bị mất, còn trong giai đoạn 1990-
1995 mỗi năm vẫn mất tới 13,7 triệu ha. Như vậy, chỉ trong 16 năm, 1980-1995 cả
thế giới đã có khoảng 237 triệu ha bị mất. Đặc biệt ở khu vực Đông Nam á có tỷ lệ
mất rừng cao nhất là 1,6% mỗi năm, trong khi đó ở Bắc Mỹ chỉ là 0,1% (tỷ lệ
chung của thế giới là 0,8%).
ở Việt Nam, năm 1943 cả nước ta có 14,3 triệu ha rừng, độ che phủ là 43%. Hiện
nay diện tích rừng ở Việt Nam chỉ vào khoảng 10.884.469 ha, độ che phủ là
33,31%. Con số này quả là quá thấp để có thể đảm bảo an toàn môi trường sinh
thái cho một quốc gia. Thấy rõ được tầm quan trọng của rừng đối với nền kinh tế
quốc dân và đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, trên cơ sở áp dụng đường lối
đổi mới, Chính Phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm lưu ý đến việc quản lý bền
vững rừng và khai thác hợp lý tài nguyên rừng bằng các giải pháp chính sách, tổ
chức quản lý, xã hội hoá nghề rừng. Việt Nam là một trong nhiều quốc gia đang có
những chuyển biến rất lớn về phát triển lâm nghiệp. Rừng Việt Nam đã và đang
đóng vai trò to lớn về môi trường, kinh tế, xã hội vì vậy việc bảo vệ và phát triển
rừng bền vững đang là vấn đề quan tâm của Nhà nước nói chung và của ngành lâm
nghiệp nói riêng.
Phát triển và quản lý rừng theo hướng bền vững là rất đúng đắn song còn khá mới
mẻ đối với nước ta. Một số hội thảo quốc gia đã được tổ chức để bàn về vấn đề
này, đưa ra những nguyên tắc, dự thảo tiêu chuẩn và chỉ số đánh giá bền vững. Dự
án trồng rừng Việt - Đức KFW1, KFW2 và KFW3 đã triển khai trồng rừng tại các
tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ninh bước
đầu đã xây dựng được hàng chục nghìn ha rừng trồng tập trung, thu hút được hàng
nghìn hộ gia đình tham gia công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Đây là một dự án khá thành công trong việc quản lý và thực hiện công tác trồng
rừng ở Việt Nam. Mặc dù dự án tài chính nhưng nó đã thể hiện được một số điểm
mới trong quản lý rừng trồng bền vững, đặc biệt là khía cạnh kỹ thuật và xã hội.
I/ Một số quan điểm về quản lý rừng bền vững:
Hiện nay, có nhiều định nghĩa về quản lý rừng bền vững và không có một định
nghĩa nào được tất cả mọi người chấp nhận. Tổ chức thương mại gỗ nhiệt đới quốc
tế (ITTO) đã đưa ra định nghĩa sau: “Quản lý rừng bền vững là quá trình quản lý
những diện tích rừng cố định để đạt được một hoặc nhiều mục tiêu quản lý đã đề
ra là đảm bảo sản xuất liên tục những sản phẩm và dịch vụ rừng mong muốn mà
không làm giảm đáng kể những giá trị vốn có và khả năng sản xuất sau này của
rừng và không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường vật chất và xã
hội”.
Hội nghị của hiệp hội quốc tế các tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp tổ chức ở
Hensinki năm 1995 đã đưa ra định nghĩa về quản lý rừng bền vững như sau:
“Quản lý rừng bền vững là sự quản lý và sử dụng rừng, đất rừng sao cho bảo đảm
tính đa dạng sinh học của rừng, tính sản xuất của rừng, khả năng tái sinh, sức
sống và tiềm năng của rừng mà vẫn có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại
và tương lai với chức năng sinh thái, kinh tế, xã hội của rừng ở mức độ địa
phương, quốc gia, toàn cầu sẽ không gây tổn hại tới lợi ích sinh thái khác”.
Như vậy, dù là định nghĩa nào đi chăng nữa thì quản lý rừng bền vững phải vừa
đảm bảo được các mục tiêu sản xuất ổn định lâu dài, vừa đảm bảo giữ được các
giá trị kinh tế, môi trường và xã hội của rừng. Quản lý rừng bền vững là một quá
trình lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn và liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vì rừng là một bộ phận của tài nguyên thiên nhiên, do đó quản lý rừng không thể
tách rời việc quản lý các loại tài nguyên khác như: tài nguyên đất, nước, Để quản
lý rừng có hiệu quả, cần thiết phải quản lý tất cả những hoạt động có liên quan đến
việc sử dụng rừng và đất rừng; phải có một giải pháp đồng bộ và toàn diện cả về
chính sách, pháp luật, về kinh tế-xã hội và về kỹ thuật, Trên quan điểm Nhà
nước, người dân, cộng đồng người địa phương đều được hưởng lợi ích từ rừng thì
tất cả các bên được hưởng lợi ích phải có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động
quản lý rừng.
Công tác quản lý rừng chỉ có thể được cải thiện nếu chính sách quốc gia và quốc tế
xác định đó là một ưu tiên đối với tất cả các ngành có liên quan. Điều đó có nghĩa
là quản lý rừng phải trở thành một vấn đề phức hợp hơn chứ không phải như đã
được quan niệm trong quá khứ - khi mà sản xuất gỗ được coi là mục tiêu chính.
Thêm vào đó, cần hình thành một mối quan hệ hợp tác giữa các nhóm khác nhau
có quyền lợi từ rừng và sản phẩm của nó.
II/ Một vài kinh nghiệm quản lý rừng trồng bền vững trong dự án trồng rừng
Việt-Đức KFW:
*Quyền và trách nhiệm trong việc sử dụng đất: Quyền sở hữu và sử dụng lâu dài
tài nguyên rừng và đất rừng phải được quy định rõ ràng, vào sổ sách và được
thiết lập hợp pháp. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng để quản lý rừng bền
vững. Tất cả các hộ gia đình tham gia trồng rừng trong dự án phải được giao đất
lâm nghiệp và được cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) quyền sử dụng đất lâu dài trong
thời gian 30-50 năm theo Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ. Đây
là điều kiện tiên quyết cho sự quản lý rừng bền vững vì người dân sẽ yên tâm hơn
trong việc đầu tư sản xuất. Việc phân chia đất đai xuất phát từ ý kiến nhất trí của
các hộ dân là một nhân tố hết sức cơ bản trong việc xây dựng và bảo vệ rừng vì nó
mang lại lợi ích chẳng những cho từng hộ mà cả lợi ích cho toàn thể cộng đồng.
*Quy hoạch sử dụng đất vi mô cấp thôn, bản: Có thể nói dự án trồng rừng Việt -
Đức rất quan tâm tới lập điạ, quy hoạch sử dụng đất vi mô và là dự án nước ngoài
thực hiện khá tốt vấn đề này. Mục tiêu của quy hoạch sử dụng đất vi mô là xác
định được các diện tích trồng rừng thích hợp nhất ở cấp thôn và xã, đảm bảo mức
độ an toàn cao nhất cho rừng trồng. Đây là một quá trình quy hoạch từ dưới lên,
trong đó người dân địa phương được thảo luận và lập kế hoạch sử dụng đất lâm
nghiệp cấp thôn, bản. Do không có sự áp đặt một cách cứng nhắc từ trên xuống
nên được người dân ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Dự án đã đưa ra bảng phân chia
nhóm dạng lập địa gắn liền với việc xác định các loài cây trồng rừng cho từng đối
tượng cụ thể. Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến tính ổn định, năng suất và
độ bền vững của rừng sau này nên dự án đã mời các chuyên gia về lập địa thực
hiện. Với ý kiến tham vấn của chuyên gia, các hộ dân sẽ tự bố trí diện tích đất
trồng rừng của mình để tham gia dự án. Hồ sơ quy hoạch sử dụng đất được các
cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt để đảm bảo tính pháp lý.
Cái khác ở dự án này là ngoài việc quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, dự án đã
chú ý dành những diện tích nhất định cho việc phát triển cây ăn quả, cây đặc sản
nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân khi rừng chưa đến tuổi khai thác.
Công tác quy hoạch sử dụng đất vi mô đã tạo những điều kiện thuận lợi, những
tiền đề quan trọng cho việc nâng cao năng suất rừng trồng và quản lý rừng bền
vững sau này.
*Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng: Dự án đã vận dụng các quy trình, quy
phạm hiện hành của Nhà nước, tham khảo các hướng dẫn kỹ thuật của các địa
phương, đặc biệt là của các dự án và chương trình trồng rừng đã được áp dụng
thành công ở Việt Nam từ trước đến nay vào điều kiện cụ thể của dự án. Kết quả
đã xây dựng và ban hành được các hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho từng loài
cây cụ thể. Căn cứ vào điều kiện của dự án, các nội dung chủ yếu được đề cập
trong giải pháp kỹ thuật là:
-Chất lượng cây con cao.
-Mật độ trồng vừa phải, lượng phân bón nhiều.
-Rừng trồng đúng thời vụ, cường độ chăm sóc cao.
-Xây dựng hệ thống đường băng cản lửa ở những nơi trồng rừng tập trung.
*Công tác phòng chống cháy rừng: Vấn đề bảo vệ, phòng chống cháy rừng là
một trong những vấn đề được dự án rất quan tâm. Trong quá trình quy hoạch sử
dụng đất, dự án đã chú ý thiết kế đồng thời mạng lưới các đường băng cản lửa.
Các đường băng này được chăm sóc, bảo dưỡng trong quá trình chăm sóc rừng
trồng. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ cập, dự án đã nâng cao nhận thức và
trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng. ở các xã, thôn bản đều đã có
các quy ước, hương ước, trong đó có các điều quy định về bảo vệ rừng. Ngoài ra,
Ban quản lý Dự án còn phối hợp với các cơ quan, các ngành, trường học để phòng
chữa cháy rừng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng của dự án trong những năm
qua được thực hiện rất tốt.
*Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá: Với việc mở tài khoản tiền gửi cá nhân
cho các hộ tham gia dự án, quy định rút tiền hết sức chặt chẽ. Công tác kiểm tra,
nghiệm thu và đánh giá công việc trồng rừng được tiến hành thường xuyên theo
từng công đoạn từ việc xử lý thực bì, đào hố, bón phân cho tới trồng cây và chăm
sóc rừng trồng. Các cán bộ Ban quản lý dự án các cấp thường xuyên có mặt tại các
thôn, xã để trực tiếp giải quyết các thắc mắc và kiến nghị của bà con cũng như chỉ
đạo và kiểm tra công việc để đảm bảo công tác trồng rừng có hiệu quả. Với cơ chế
quản lý, kiểm tra-giám sát như vậy nên việc trồng rừng đã được thực hiện khá tốt
theo các hướng dẫn kỹ thuật đã đề ra và con số công bố về số lượng và chất lượng
rừng đã làm được rất đáng tin cậy.
*Công tác đào tạo, phổ cập và tuyên truyền:Một trong những điểm mạnh của dự
án trồng rừng Việt - Đức là công tác đào tạo cán bộ và tuyên truyền, phổ cập. Dự
án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, kỹ thuật với những phương pháp
tiếp cận mới cho tất cả cán bộ tham gia dự án ở tất cả các cấp. ở bất kỳ một công
đoạn nào của công tác trồng rừng như quy hoạch sử dụng đất, giao đất, vườn ươm,
làm đất, bón phân, trồng cây, chăm sóc, cán bộ các cấp của dự án và các hộ gia
đình tham gia dự án đều được tập huấn, tham quan và học tập thật kỹ lưỡng. Điểm
mới ở đây là dự án đã thành lập ra các nhóm hỗ trợ thôn bản. Nhóm này cùng với
cán bộ hiện trường, phổ cập viên cấp xã, thôn được đào tạo và trang bị những kiến
thức cần thiết, làm việc trực tiếp với dân, hỗ trợ và tư vấn cho dân những khi cần
thiết. Thực tế trong những năm qua cho thấy nhóm này hoạt động khá hiệu quả và
đã góp phần vào sự thành công của dự án.
Kết luận: Có thể nói dự án trồng rừng Việt - Đức là một trong những dự án khá
thành công, bước đầu đã thực hiện được một số nguyên tắc trong quản lý rừng
trồng bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.
Nổi bật lên là vấn đề quản lý rừng sau dự án như thế nào, vấn đề phòng chống sâu
bệnh, lửa rừng và tiêu thụ sản phẩm, Để thực hiện tốt và phát huy đầy đủ ý
nghĩa của việc quản lý rừng bền vững, cần vận dụng tổng hợp các biện pháp khoa
học-kỹ thuật, chính sách pháp luật và kinh tế-xã hội, sự phấn đấu nỗ lực, kiên trì
của các tổ chức và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cây rừng cùng với sự hỗ trợ
tích cực của Nhà nước.
Tài liệu tham khảo
1. Chris Elliott: “Chứng chỉ rừng và cải thiện công tác quản lý rừng - Tài liệu tham
luận”. Hội thảo quốc gia về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, Nhà xuất
bản Nông nghiệp, Hà Nội 1998, trang 22-27.
2. Võ Đại Hải: “Báo cáo kết quả khảo sát hiện trường rừng trồng của dự án KFW1
tại hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang”. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà
Nội tháng 10 năm 2000, 10 trang.
3. Hội đồng quản trị rừng Oxaca, Mexico: “Những nguyên tắc và những tiêu chí
quản lý rừng”. Hội thảo quốc gia về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng,
Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội 1998, trang 153-163.
4. Quy hoạch sử dụng đất vi mô trong dự án trồng rừng Việt - Đức tại Lạng Sơn,
Ban QLDA KFW1 Lạng Sơn, tháng 1/2000.
Some experiences in sustainable forest management in VietNam - Germany
reforestation project
Sustainable forest management is of great significance in forest establishment and
development in contribution to ecological environment protection, meeting the
ever - increasing forest product demand of the society, creating employment,
raising the income and contributing to stabilizing, improving the living standards
of the people engaged in forest occupations. VietNam - Germany reforestation
project is one of the projects that preliminarily achieve some principles in
sustainable management of forest plantations in our country especially as regards
technical, socio-economic and policy aspects. Experiences of this project is a
precious lesson for forest management work in our country now.