Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Nghi lễ tang ma trong đời sống của người Thổ ở Giai Xuân, Tân Kỳ pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (177.14 KB, 10 trang )

Nghi lễ tang ma trong đời sống của người Thổ ở Giai Xuân, Tân Kỳ
Tang ma là một hình thức tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã
hội, góp phần phản ánh đặc trưng văn hoá, phong tục tập quán cổ truyền của từng
cộng đồng tộc người. Bài viết này giới thiệu về nghi lễ tang ma của người Thổ ở
Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An, góp phần tái hiện phần nào bức tranh sinh hoạt văn
hoá xã hội tộc người của người Thổ trước đây nói chung và người Thổ ở Giai
Xuân, Tân Kỳ hiện nay nói riêng. Qua đó đưa ra những ý kiến đóng góp vào chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng đời sống văn
hoá mới đối với các dân tộc miền núi, nhằm đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, thực
hiện hiệu quả cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng rộng khắp ở các v
Tang ma là một hình thức tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã
hội, góp phần phản ánh đặc trưng văn hoá, phong tục tập quán cổ truyền của từng
cộng đồng tộc người. Bài viết này giới thiệu về nghi lễ tang ma của người Thổ ở
Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An, góp phần tái hiện phần nào bức tranh sinh hoạt văn
hoá xã hội tộc người của người Thổ trước đây nói chung và người Thổ ở Giai
Xuân, Tân Kỳ hiện nay nói riêng. Qua đó đưa ra những ý kiến đóng góp vào chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng đời sống văn
hoá mới đối với các dân tộc miền núi, nhằm đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, thực
hiện hiệu quả cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng rộng khắp ở các vùng dân tộc
thiểu số, từ đó góp phần gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp
trong đời sống cộng đồng tộc người.
Dân tộc Thổ là một cộng đồng cư dân gồm nhiều nhóm địa phương như Kẹo,
Mọn, Cuối, Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng. Theo kết quả điều tra dân số ngày
1/4/1999, cộng đồng Thổ ở nước ta có 68.394 người (chiếm 0,09% dân số cả
nước), hiện nay cư trú ở miền núi Nghệ An và Thanh Hoá, đây vốn là giao điểm
của các luồng di cư xuôi ngược trong tiến trình lịch sử. Do những biến động lịch
sử, xã hội khác nhau, những nhóm người Mường từ vùng miền Tây Thanh Hoá di
chuyển vào phía Nam gặp gỡ với người Việt từ các huyện ven biển Diễn Châu,
Quỳnh Lưu, Thanh Chương ngược lên hoà nhập với cư dân địa phương ở đây.
Những người tha hương cùng chung cảnh ngộ ấy ngày một hoà nhập vào nhau
thành một cộng đồng chung - Dân tộc Thổ (Nguyễn Văn Huy (2001), tr. 162).


Ở Nghệ An, dân tộc Thổ có 56.345 người (1/4/1999) sinh sống ở các huyện
Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương. Trong đó, huyện
Tân Kỳ là nơi cộng đồng người Thổ sống tập trung đông nhất, chủ yếu ở 3 xã Giai
Xuân, Tân Hợp và Tân Xuân với số dân 14.642 người, chiếm khoảng 10% dân số
toàn huyện. Người Thổ nơi đây được chia làm hai nhóm địa phương với một số
nét khác biệt về ngôn ngữ và đặc trưng sinh hoạt văn hoá trong đời sống cộng
đồng tộc người là Thổ Mọn và Thổ Cuối. Theo gia phả của một số dòng họ người
Thổ nơi đây cho biết, Thổ Mọn thực chất vốn là người Mường di cư từ vùng
Thanh Hoá vào, Thổ Cuối được coi là cư dân tại chỗ (Nguyễn Đình Lộc (1993),
tr.36) với địa bàn cư trú chủ yếu là xã Giai Xuân.
Xưa kia, nghi lễ tang ma của người Thổ ở Giai Xuân rất phức tạp và tốn kém,
phải giết trâu mổ lợn, cúng bái linh đình. Một đám tang ở vùng Giai Xuân trước
Cách mạng tháng Tám năm 1945 phải giết tới 12 con trâu (Nguyễn Văn Huy
(2001), tr. 163). Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, họ cho rằng đám tang là
nghi lễ để tiễn đưa linh hồn của người chết sang một thế giới khác. Thế giới đó
chưa phải là hết mà người chết lại tiếp tục một cuộc sống mới. Người Thổ nơi đây
cũng có quan niệm về con người có ba hồn bảy vía hoặc ba hồn chín vía như
người Kinh.
Với những quan niệm như trên, người Thổ đã chuẩn bị cho một lễ tang rất chu
đáo, cẩn thận và cũng rất phức tạp, tốn kém nhằm tiễn đưa linh hồn người chết về
với thế giới bên kia.
1. Quá trình chuẩn bị tang lễ
* Báo tang
Khi trong gia đình có người chết, chủ nhà lập tức phải sắm một lễ nhỏ gồm: cau,
trầu và một chai rượu đến báo với Trùm làng(*). Trùm làng đánh ba hồi chín tiếng
trống (có làng đánh đồng thời cả cồng và trống) để báo hiệu cho cả làng biết trong
làng có người vừa mới qua đời.
Đồng thời chủ nhà cũng phân công người đi báo tin cho con cháu, họ hàng ở
những nơi xa biết để cùng đến tổ chức tang lễ, cắt đặt mọi việc cho đám tang như
mời thầy Mo, mời phường nhạc, làm quan tài, làm nhà mồ, sắm sửa áo tang, khăn

tang
Biết tin có người chết, mọi người trong làng đều đến viếng. Nếu là anh em, bà
con, thông gia hoặc bạn bè thân thiết thì đem theo bốn chai rượu, một thúng gạo
và một con lợn để giúp gia chủ làm cỗ bàn mời khách đến chia buồn cùng gia đình.
Nếu là dân làng bình thường thì đến thắp nén hương, có thể mang theo tiền để biếu
chủ nhà hoặc không mang gì cả. Những người đến viếng có thể ở lại đám tang,
phụ giúp chủ nhà làm một số công việc lặt vặt trong đám tang hoặc chỉ để chia sẻ
làm vơi đi không khí tang tóc trong gia đình.
* Quan tài
Quan tài được làm bằng một cây gỗ to bổ đôi, sau đó khoét ruột rỗng như hình
lòng máng. Có khi quan tài đã được gia đình chuẩn bị từ trước nhưng cũng có
nhiều gia đình khi có người chết mới lên rừng chặt cây để làm quan tài. Gỗ để làm
quan tài thường là các loại gỗ Săng Vì, Mặm, Lội theo quan niệm “Nhất Săng Vì,
nhì cây Lội”, phía ngoài được đẽo hình lục lăng hoặc đốc vát khum khum. Quan
tài được làm đơn giản, được đánh dấu phần ngọn và gốc để khi tiến hành nhập
quan không bị nhầm lẫn đầu và chân người chết, nửa dưới thường có một lỗ khoét
sẵn (ống xí) để nước bên trong rỉ ra nếu như quàn xác lâu ngày trong nhà. Sau khi
đặt thi hài người chết và quần áo vào quan tài, người ta cho gắn quan tài bằng một
chất keo làm bằng cám trộn với đất sét. Khi đi chôn, quan tài được đặt trên sáu
đòn ngang và hai đòn dọc, do mười sáu người khiêng.
* Lượm
Khi mọi công việc đã chuẩn bị xong xuôi, chủ nhà mời thầy Mo chọn giờ tốt để
lượm xác. Chọn được giờ tốt là tiến hành lượm ngay chứ không chờ con cháu về
đông đủ. Những nhà nghèo thường tiến hành lượm xác ở dưới nhà, lượm xong thì
“kê cối kê chày” để đặt quan tài rồi chuẩn bị để đi chôn ngay. Với nhà giàu thì thi
hài được tắm tửa, thay quần áo mới (còn quần áo cũ được chôn theo), sau đó được
đưa ra nằm trên chiếc chiếu ở gian giữa trên sàn nhà, đầu quay vào phía trong, mặt
đắp vuông vải trắng. Lúc này, chủ nhà mới mời thầy Mo chọn giờ tốt để tiến hành
lượm.
* Quàn

Thi hài người chết thường được quàn tại nhà từ một đến ba ngày. Xưa kia, tục
quàn xác trong nhà có nơi kéo dài hàng tháng, thông thường là hàng tuần, rất mất
vệ sinh (Ngô Văn Lệ (1998), tr. 47) với cỗ bàn chè chén liên tục, phức tạp và tốn
kém. Vì vậy những nhà nghèo thường lượm xong rồi đi chôn luôn, vì nếu quàn lâu
sẽ không đủ điều kiện làm mâm cỗ. Người Thổ Cuối trước kia có khi quàn thi hài
tại nhà đến một tháng để chuẩn bị đầy đủ cho đám tang hoặc để đợi con cháu về
đông đủ. Trong lúc quàn xác, úp bốn chiếc bát xuống đất ở bốn góc của quan tài,
đồng bào quan niệm làm như vậy để hút bớt mùi hôi từ tử thi bốc ra. Xác quàn lâu
ngày, bắt đầu phân hủy nên nước chảy ra, họ lấy ống bương hứng để chôn cùng
xác.
Khi xác cha mẹ còn quàn trong nhà, con cái trong khi ăn không được ăn bằng
bát mà phải ăn bốc, ăn trầu cũng phải súc miệng thật sạch. Đồng bào quan niệm,
khi xưa, cha mẹ nuôi con tay bồng, tay bốc, ăn trầu phải súc miệng thật sạch để
mớm cơm cho con, bây giờ cha mẹ chết, con cái phải làm như vậy để trả ơn công
lao cha mẹ.
* Nhà vẹ (nhà mồ)
Nhà mồ được làm bằng gỗ hoặc tre nứa, xung quanh đan bằng nứa hoặc dán
giấy, mái lợp bằng tranh, được dựng lên phía trên mộ ngay sau khi chôn cất. Từ
khi nhà mồ được dựng lên cho đến khi hỏng, không sửa sang và cũng không làm
lại cái mới.
* Nhạc tang
Nhạc trong đám tang người Thổ sử dụng các loại nhạc cụ như trống, kèn, cồng,
chiêng, sau này chịu ảnh hưởng của người Kinh nên có thêm nhị, não bạt Trong
khi cúng, người Thổ chỉ dùng trống, cồng và chiêng.
Có một điều đặc biệt trong nhạc tang của người Thổ nơi đây là nhạc thường có
tiết tấu nhanh, mạnh nhằm gợi nhớ những hoạt động của người chết khi còn sống.
Mặc dù là nhạc tang nhưng không ảm đạm, thê lương để nhằm xua đi không khí
tang tóc, làm vơi bớt nỗi buồn cho những người còn sống, tiếp thêm sức mạnh cho
những người thân vượt qua đau thương, mất mát.
2. Các nghi thức trong lễ tang

* Lễ xí vọng
Nghi lễ này được tổ chức để toàn thể con cháu trong gia đình, họ hàng và bà
con làng xóm tiễn đưa linh hồn người chết đi ra mắt các thế lực ở cõi âm, đồng
thời cầu mong các vị giúp đỡ cho nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống mới. Đây
được coi như lễ ra mắt của người chết đối với thế giới bên kia.
Lễ xí vọng được tổ chức vào buổi tối trước ngày đưa tang. Thời điểm tổ chức
phải được căn cứ theo tuổi của người chết để chọn được giờ tốt, tránh xảy ra hiện
tượng trùng tang. Giờ tổ chức lễ xí vọng có liên quan mật thiết với giờ đưa tang.
Theo quan niệm của đồng bào, ban đêm tổ chức vào mấy giờ thì ban ngày đến giờ
đó phải tiến hành đưa tang.
* Múa “lang bang”
Múa “lang bang” là một trò diễn xướng của người sống để chia tay người chết.
Đây là những hình ảnh tượng trưng cho những trò chơi khi xưa mà người chết
thường tham dự và tưởng nhớ công lao người đã khuất. Nghi lễ này thường được
tổ chức vào hai hoặc ba giờ sáng, con cháu nội ngoại đi xung quanh nhà múa
những động tác tượng trưng. Trước đây, nghi lễ này thường do những người thân
trong gia đình tiến hành nhưng ngày nay chỉ có những người trong ban nhạc mới
biết làm.
* Lễ thăm anh em (thăm ún dôộng eng)
Trước khi mang đi chôn, linh hồn người chết được đưa đi thăm anh em. Đây là
nghi lễ để chào anh em họ hàng, làng xóm trước khi về thế giới bên kia. Trong
nghi lễ này, họ hàng, làng xóm ai được mời thì đến và người mời phải chuẩn bị
một bữa cơm để chia tay. Đồng bào dùng rơm hoặc vải bện thành hình nhân thay
cho người chết. Hình nhân được cáng bằng võng đến từng nhà, những người
khiêng cáng phải là con cháu nội tộc, không được dùng người ngoài.
Đến mỗi nhà, thầy Mo thay mặt người chết cảm ơn tình cảm của chủ nhà và
chào vĩnh biệt. Chủ nhà khóc lóc kể lại công đức của người chết và tỏ lòng tiếc
thương của mình. Thăm họ hàng, làng xóm xong, người chết được đưa đến bến
sông, cánh đồng, giếng nước , tại đây những người thân trong gia đình thay mặt
người chết kể lại những kỷ niệm của người chết.

* Lễ rửa bát
Trước khi đưa tang, gia đình tổ chức lễ rửa bát, chuẩn bị các vật dụng cần thiết
trong cuộc sống hàng ngày như mâm, bát, đũa, ấm chén đưa theo đám tang và bỏ
bên mộ chứ không chôn cùng. Đây là những vật dụng gửi cho người chết để khi
sang thế giới bên kia sử dụng.
* Lễ cắt tóc phân tang (cắt xắc)
Nghi lễ này để những người thân trong gia đình trả ơn cho người chết. Những
người thân theo thứ bậc lần lượt đến trước bàn thờ, thầy Mo thay mặt kể về lòng
biết ơn của họ đối với người quá cố. Khi cúng xong, thầy Mo cắt một món tóc trên
đầu mỗi người. Tóc của tất cả mọi người được đốt tại mộ sau khi chôn cất xong.
* Lễ “tơm kem”
Trước khi đưa tang, lễ “tơm kem” được tổ chức để cầu mong các thần linh, tổ
tiên tha thứ và xoá bỏ mọi tội lỗi cho người chết trước khi về với thế giới bên kia.
Đây là nghi lễ có ý nghĩa rửa sạch mọi tội lỗi để người chết sang thế giới bên kia
được bình an, thanh thản. Thầy Mo thay mặt cầu xin cho đến khi được thần linh,
tổ tiên đồng ý thì mới được tiến hành mang xác đi mai táng.
* Đưa tang
Khi đưa tang, quan tài khiêng theo hướng đầu đi trước, chân đi sau đến gần mồ
mới quay ngược trở lại. Hướng mồ phải do chủ gia đình chọn sao cho thoáng đãng
và thường xuôi theo dòng nước chảy.
Trên đường ra nghĩa địa, thường có các chặng nghỉ chân. Đến chặng cuối tổ
chức trò diễn đấu vật để tưởng nhớ thời thơ ấu người chết đã từng chơi để vĩnh
biệt.
* Mai táng
Đến huyệt, khi chôn, thầy Mo đốt “lá Triệu” ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh
và tóm tắt tiểu sử người chết. Đây như một tờ giấy giới thiệu cho Thổ công để xin
gia nhập vào cõi âm. Chôn xong, bày một lễ cúng để chia tay lần cuối giữa người
sống và người chết, cuối cùng những người thân trong gia đình vái vĩnh biệt rồi ra
về.
* Thờ cúng

Buổi sáng sau ngày mai táng, gia đình làm lễ đưa cơm cho người chết, đồng
thời thấy vật dụng nào cần thiết còn thiếu thì bổ sung thêm cho người chết sao cho
thật chu đáo. Mỗi ngày, gia đình làm một mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ mời
người chết về hưởng.
Đến ngày thứ bảy, nếu gia đình có điều kiện thì làm lễ đốt bài vị cho người chết
còn nhà nghèo chỉ cần đốt bài vị và rước lên nhập với tổ tiên ở bàn thờ chung của
gia đình.
Trong khi mai táng, người Thổ tiến hành “đào sâu chôn chặt” chứ không tiến
hành bốc mộ, sang tiểu như một số dân tộc khác. Người Thổ nơi đây không tổ
chức cúng giỗ mà chỉ cúng cho người chết cùng tổ tiên vào các ngày rằm, ngày tết.
Sau ba năm, con cháu không phải để tang.
Ngày nay, với những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội,
mặt bằng dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, nhờ những chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng tộc
người Thổ và sự giao lưu, tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ giữa các tộc người cùng sinh
sống nơi đây, tập quán ứng xử với người chết ở đồng bào đã thay đổi đáng kể.
Theo nếp sống mới, nghi lễ tang ma của đồng bào ngày nay đã đơn giản và đỡ
tốn kém hơn trước rất nhiều. Người Thổ không còn giết trâu, mổ lợn, cúng bái dài
ngày linh đình tốn kém. Dù cho con cháu đã có mặt đầy đủ hay chưa thời gian
quàn xác cũng chỉ còn từ 1 đến 2 ngày chứ không để lâu, mất vệ sinh, ảnh hưởng
đến sức khoẻ con người và môi trường sinh thái. Các nghi lễ phức tạp khác cũng
dần bị mai một hoặc được đơn giản hoá đi, nhiều khi chỉ mang hình thức tượng
trưng.
Như vậy, cùng với quá trình phát triển của lịch sử, các phong tục tập quán của
người Thổ nơi đây đã có nhiều biến chuyển. Có những thay đổi mang tính tích cực,
tiến bộ, nhưng bên cạnh đó cũng đã làm mất dần đi bản sắc văn hoá của tộc người.
Do vậy, các cấp chính quyền và đồng bào nơi đây cần có những chính sách, những
biện pháp cụ thể để nhằm loại bỏ những hủ tục, đồng thời giữ gìn và phát huy
những giá trị tốt đẹp trong đời sống văn hoá tộc người./.


(*) Người đứng đầu, quản lý các công việc của làng bản

Tài liệu tham khảo
Nguyễn Văn Huy (chủ biên), Bức tranh văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nxb
Giáo dục, Hà Nội, 2001.
Ngô Văn Lệ (chủ biên), Văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Giáo
dục, TP Hồ Chí Minh, 1998.
Nguyễn Đình Lộc, Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1993.
Đặng Văn Lung (chủ biên), Phong tục tập quán các dân tộc ở Việt Nam, Nxb
Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1999.
Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam, Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nxb
Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1990.
Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

Bùi Minh Thuận

×