Nâng cao hiệu quả hoạt động Thông tin Khoa học và Công nghệ ở Nghệ An
Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) là một dạng lao động khoa
học được hình thành có tổ chức do cán bộ thông tin thực hiện nhằm mục đích nâng
cao hiệu quả của nghiên cứu - triển khai, đổi mới công nghệ và nâng cao chất
lượng của các quyết định quản lý (1).
Từ vài thập kỷ qua, cùng với hai yếu tố năng lượng và nguyên liệu, thông tin
KH&CN đã được coi là tiềm năng thứ 3 – một tiềm năng đặc biệt quan trọng, có
vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phát triển mọi hoạt động xã hội của con người.
Đầu tư cho thông tin KH&CN từ chỗ được coi là đầu tư cho phúc lợi xã hội
chuyển thành đầu tư cho sự phát triển
(1)
.
Ở Việt Nam, hoạt động thông tin KH&CN bắt đầu được hình thành từ cuối
những năm 50 của thế kỷ XX, và đến nay, cùng với hoạt động thư viện đã tạo
thành Hệ thống thông tin KH&CN Quốc gia với hàng trăm cơ quan thông tin
KH&CN hoạt động ở Trung ương, các Bộ/ngành, các tổng công ty, các địa
phương và các đơn vị cơ sở.
Trong những năm gần đây, hoạt động thông tin KH&CN ở nước ta đã có
nhiều thay đổi theo hướng ngày càng gắn kết với sản xuất và thực tiễn cuộc sống,
không ngừng nâng cao chất lượng thông tin và hiện đại hoá phương thức phục vụ,
nhờ đó, hoạt động thông tin KH&CN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
1. Vai trò của hoạt động thông tin KH&CN trong các lĩnh vực xã hội
* Trong lĩnh vực quản lý
Hiệu quả của quá trình quản lý tuỳ thuộc vào chất lượng của các quyết định,
tức là quyết định có luận chứng khoa học, kịp thời và thể hiện được sự am hiểu,
nắm vững vấn đề được quyết định. Chất lượng quyết định phụ thuộc vào sự đầy
đủ và chất lượng của thông tin. Như vậy thông tin là yếu tố quan trọng, trợ thủ
đắc lực của những người làm công tác quản lý trong hệ thống tổ chức của xã hội.
Có thể khái quát hoá vai trò của thông tin nói chung và thông tin KH&CN nói
riêng trong quá trình ra quyết định quản lý: Mỗi giai đoạn chuẩn bị và thông qua
quyết định đều cần đến thông tin, sự đảm bảo thông tin thực sự ảnh hưởng đến tất
cả các giai đoạn của quá trình thông qua quyết định.
* Trong lĩnh vực kinh tế
Từ trước đến nay các hoạt động kinh tế và sản xuất đều cần đến thông tin. Các
tổ chức sản xuất kinh doanh đòi hỏi thông tin về nhu cầu thay đổi của khách hàng,
các khuynh hướng thị trường đang phát triển, các vật liệu sản xuất mới đang xuất
hiện. Những kết quả phân tích về mặt kinh tế đã cho thấy nếu thiếu thông tin,
nhiều công trình nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm đã tiến hành trùng lặp và làm
tổn thất trên 10% tổng chi phí cho các mục đích nói trên. Các nhà khoa học đã
phải chi phí hơn 1/3 thời gian hoạt động của mình cho việc tìm kiếm thông tin cần
thiết. Trong điều kiện của cuộc cách mạng KHCN hiện nay, khoa học, kinh tế, và
sản xuất có quan hệ khăng khít với nhau, tạo thành chu trình: “Khoa học - Kinh tế
- Sản xuất”.
Để phát triển kinh tế, các nhà doanh nghiệp đã sử dụng thông tin do các cơ quan
thông tin KH&CN cung cấp để nắm được đầy đủ và chính xác về môi trường kinh
doanh và thị trường như: Về đường lối chính sách, luật pháp và các bản pháp quy
hiện hành của Đảng và Nhà nước, về tình hình cung cầu hàng hoá, đổi mới công
nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học… và đưa ra những quyết định đúng đắn phục vụ
cho sản xuất, kinh doanh.
* Trong lĩnh vực khoa học
Thông tin KH&CN có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học, thể
hiện ngay trong quy luật phát triển của khoa học. Một trong những quy luật phát
triển nội tại của khoa học là tính kế thừa và tính quốc tế của nó, Ixaac Newton đã
nói: “Nếu tôi có nhìn xa hơn người khác một phần nào, đó là vì tôi đứng trên vai
những người khổng lồ”.
Tính kế thừa là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, người
sau không làm lại việc người trước đã làm. Thế hệ sau chọn lọc, hệ thống hoá thành
quả của người đi trước, phát hiện ra những quy luật mới. Quy luật này là sản phẩm
khoa học, cũng là thông tin khoa học mới. Như vậy hoạt động nghiên cứu khoa học là
một hoạt động đặc thù của con người, nhằm thu được những thông tin khoa học mới
trên cơ sở những thông tin mà xã hội loài người đã tích luỹ được lưu trữ trong các cơ
quan thông tin KH&CN.
* Trong lĩnh vực giáo dục
Với tiến bộ KH&CN, phương tiện thông tin đại chúng ngày càng có vai trò
to lớn trong quá trình chuyển giao tri thức. Các phương tiện chuyển giao tri
thức gồm: Sách, báo, tạp chí, radio, vô tuyến, vi phim, vi phiếu, băng hình…
Nhờ mở rộng phương tiện thông tin chuyển giao tri thức cho cán bộ giảng dạy,
tri thức này được truyền cho các thế hệ nhờ có hệ thống giáo dục. Thông qua
việc bổ sung tri thức, sinh viên dần trở thành thầy giáo và nhà nghiên cứu, dẫn
đến một xã hội đào tạo ra được một lực lượng lao động mới, có khả năng vươn
tới giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Hoạt động thông tin KH&CN
cần phải đáp ứng một số yêu cầu sau: Có khả năng cung cấp một lượng tài liệu
lớn; Cho phép thu thập và phổ biến thông tin tốt nhất; Phục vụ cho các chuyên
gia giáo dục trong quá trình đào tạo; Đáp ứng nhu cầu tự đào tạo “tự học suốt
đời”.
* Trong lĩnh vực đời sống xã hội
Hoạt động thông tin KH&CN có tác dụng quan trọng trong đời sống sinh hoạt
của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thông tin của con
người ngày càng gia tăng và sử dụng thông tin để lựa chọn sản phẩm và dịch vụ
khác nhau. Các thông tin về chính trị, xã hội và kinh tế giúp con người có định
hướng đúng, làm chủ được đời sống của mình và thực hiện đầy đủ trách nhiệm
và quyền hạn của người công dân. Và sự phát triển của các trung tâm thông tin
KH&CN sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận của quần chúng tới các cơ sở văn hoá và
giáo dục, nhằm nâng cao kiến thức, phục vụ cho bản thân cũng như đời sống xã
hội.
2. Về hoạt động thông tin KH&CN ở Nghệ An
Tại Nghệ An, hoạt động thông tin KH&CN đã được lãnh đạo tỉnh và Sở
KH&CN quan tâm sớm, có nhiều quyết định cụ thể về xây dựng và điều chỉnh tổ
chức và chức năng nhiệm vụ của cơ quan đầu mối; chỉ đạo và đôn đốc các cơ
quan và lực lượng thông tin các ngành cấp tỉnh và 20 huyện thành thị chủ động
và phối hợp đẩy mạnh hoạt động thông tin kinh tế - xã hội (KT-XH) và KH&CN
phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, lực lượng làm thông
tin KT-XH và KH&CN của Nghệ An thời gian qua đã hoạt động tích cực, có
nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả vào nhiệm vụ chung. Đó là:
- Đã phản ánh được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ Trung
ương đến địa phương và thông tin KH&CN cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác
lãnh đạo, quản lý KT-XH, KH&CN của các cấp, các ngành; hoạt động nghiên
cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và người dân.
- Bước đầu xây dựng được đội ngũ cộng tác viên, cán bộ làm thông tin
KH&CN; xây dựng tiềm lực thông tin KH&CN: cơ sở vật chất, tài chính, trang
thiết bị Hình thức chuyển tải thông tin KH&CN phong phú, phối hợp tốt với
các phương tiện thông tin đại chúng giúp chuyển tải thông tin KH&CN phục vụ
công tác lãnh đạo, quản lý, sản xuất kinh doanh (SXKD) kịp thời.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện trạng tiềm lực và năng lực cung cấp thông tin của
cơ quan đầu mối thông tin KH&CN của Nghệ An là còn bất cập, chưa đáp ứng
được yêu cầu phục vụ trong công cuộc đổi mới, phục vụ Công nghiệp hoá (CNH),
Hiện đại hoá (HĐH), phục vụ hội nhập quốc tế về kinh tế - văn hoá - KH&CN.
Những yếu kém cơ bản nhất là nguồn nhân lực làm thông tin KH&CN còn ít về
số lượng, thiếu được đào tạo bài bản, chính quy, đồng bộ; Cơ sở vật chất, trụ sở
làm việc, trang thiết bị, tài chính, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về KH&CN còn
thiếu về số lượng, không đồng bộ về chất lượng.
Về nguyên nhân, một phần là do nhận thức của các cấp, các ngành và của
người dân về vai trò của thông tin KH&CN chưa đúng mức; sự quan tâm đầu tư
chưa đủ, thiếu môi trường cho hoạt động thông tin KH&CN phát triển. Một
nguyên nhân khách quan tác động rất lớn xuất phát từ điều kiện Nghệ An là một
tỉnh kinh tế còn nghèo, đầu tư cho lĩnh vực KH&CN nói chung và thông tin
KH&CN nói riêng còn hạn chế, chủ yếu vẫn dựa vào phân bổ từ nguồn ngân
sách Trung ương.
3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin
KH&CN Nghệ An trong giai đoạn 2011-2020
Yêu cầu của nhiệm vụ phát triển KT-XH Nghệ An giai đoạn 2011-2020 được
chỉ rõ trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-
2020 là “Phấn đấu đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát
triển vào năm 2010; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Xây dựng
Nghệ An trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, giáo dục,
khoa học – công nghệ, y tế, văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu
hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ; có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà
bản sắc xứ Nghệ; có nền quốc phòng - an ninh vững mạnh; đời sống vật chất và
văn hoá của nhân dân không ngừng được nâng cao” [2].
Từ đó, chúng ta xác định quan điểm phát triển hoạt động thông tin KH&CN
giai đoạn 2011-2020 là phải dựa trên hệ thống chính sách và luật pháp thống
nhất từ trung ương đến cơ sở; các chỉ đạo định hướng của ngành KH&CN, đồng
thời hoạt động thông tin KH&CN còn phải xây dựng và phát triển trên một hệ
thống hạ tầng kỹ thuật, con người và tổ chức thực hiện đồng bộ, từng bước hiện
đại để trở thành cơ quan thông tin KH&CN đầu mối ở khu vực Bắc Trung Bộ, đủ
năng lực thực hiện tốt và hiệu quả công tác thông tin KH&CN phục vụ nhiệm vụ
phát triển KT-XH và KH&CN của Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Để đạt được mục tiêu như vậy, hoạt động thông tin KH&CN trong thời gian
tới cần phát triển theo các định hướng như sau:
Một là, tăng cường và phát triển công tác thông tin KH&CN phục vụ quản lý,
phục vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chiến lược; quy
hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin KH&CN phục vụ CNH, HĐH nông
nghiệp, nông thôn, công tác thông tin KH&CN phục vụ chuyển giao nhanh và
ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến và phát triển
thị trường công nghệ và thiết bị, tổ chức các Chợ công nghệ và thiết bị, phát triển
sàn giao dịch công nghệ thiết bị.
Bốn là, hình thành và phát triển mạng thông tin KH&CN, dịch vụ thông tin
KH&CN phục vụ doanh nghiệp. Trong lĩnh vực này, cần chú ý phát triển công
tác thông tin phân tích, tổng hợp, tình báo cạnh tranh, cảnh báo công nghệ, cảnh
báo chiến lược, nghiên cứu thị trường, thẩm định công nghệ,
Năm là, đẩy mạnh phát triển nguồn tin KH&CN nội sinh thông qua việc củng
cố và tăng cường công tác thu thập, lưu giữ, xử lý và phổ biến thông tin về các
nhiệm vụ KH&CN, kết quả nhiệm vụ KH&CN, thông tin điều tra cơ bản. Đẩy
mạnh công tác đăng ký và thông tin về nhiệm vụ KH&CN và kết quả các đề tài
nghiên cứu KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là các nhiệm vụ
KH&CN cấp bộ, ngành và địa phương.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển hoạt động thông tin
KH&CN Nghệ An giai đoạn 2011-2020, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp
sau đây nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin KH&CN:
* Giải pháp thứ nhất là tăng cường phổ biến và tuyên truyền thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động
KH&CN nói chung và hoạt động thông tin KH&CN nói riêng, bằng các hoạt
động tham gia xây dựng các chương trình KHCN trên đài Phát thanh truyền
hình tỉnh và các đài phát thanh, truyền hình huyện; Chủ động giới thiệu công
nghệ thiết bị thông qua tin, bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng
khác như báo, tạp chí địa phương và trung ương; Xây dựng CSDL đa phương
tiện “Hồ sơ công nghệ” nhằm tư liệu hoá và giới thiệu phổ biến về kết quả nổi
bật của các chương trình, đề tài, dự án KH&CN trọng điểm của tỉnh qua các
giai đoạn; Tạo lập hồ sơ các công nghệ sẵn sàng cho chuyển giao, nhân rộng;
Sưu tầm hồ sơ các phát minh sáng chế có tính đột phá của KH&CN trong
nước và quốc tế; Hàng năm tổ chức hoạt động bình chọn 10 hoạt động
KH&CN địa phương tiêu biểu trong năm; Tổ chức cuộc thi bình chọn “Bài
báo KH&CN xuất sắc trong năm”; Tổ chức và tham gia các triển lãm, hội
nghị, hội thảo KH&CN trong tỉnh, vùng Bắc Trung bộ và trong nước; tiến tới
liên kết tổ chức và tham gia hội thảo quốc tế.
* Giải pháp thứ hai là tăng cường cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát
triển KTXH nông thôn, miền núi, theo hướng duy trì và phát triển hệ thống thông
tin KH&CN cơ sở thông qua việc nhân rộng mô hình cung cấp thông tin KH&CN
phục vụ phát triển KTXH tại cơ sở; Hàng năm đề xuất và đăng ký triển khai nhiệm
vụ KH&CN “Xây dựng và phát triển mô hình phổ biến tri thức khoa học và thông
tin chuyển giao công nghệ” từng bước hình thành và phát triển mạng lưới thông
tin KH&CN nông thôn, miền núi hoạt động trên quy mô toàn tỉnh.
* Giải pháp thứ ba là thể chế hóa hoạt động đăng ký, lưu giữ và phổ biến các
kết quả nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh bằng việc tham mưu cho Giám đốc Sở
trình UBND tỉnh phê duyệt quy định về lưu giữ kết quả nghiên cứu khoa học
hàng năm sử dụng ngân sách khoa học và giao Trung tâm Thông tin KHCN và
Tin học Nghệ An là đơn vị chủ trì thực hiện; Trên cơ sở kết quả của đề tài Ứng
dụng phần mềm trong quản lý đề tài dự án để hình thành hệ thống CSDL toàn
văn về các đề tài dự án và tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ
về các đề tài, dự án KH&CN đang tiến hành và thông tin về kết quả các nhiệm
vụ KH&CN đã hoàn thành.
* Giải pháp thứ tư là xây dựng và phát triển công tác thống kê KH&CN địa
phương bằng việc tham mưu cho Giám đốc Sở trình UBND tỉnh phê duyệt
chương trình nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê KH&CN phù hợp
với Nghệ An, tương hợp với công tác thống kê KH&CN quốc gia, khu vực về thế
giới. Từng bước nghiên cứu tạo lập, hoàn thiện và chuẩn hoá các sản phẩm thống
kê KH&CN như các báo cáo thống kê thường niên, các niên giám thống kê, các
công bố kết quả điều tra KH&CN định kỳ, các sản phẩm dự báo, phân tích dựa
trên số liệu thống kê; Triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng phương
pháp thống kê KH&CN hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn; thông lệ quốc tế,
phù hợp với thực tiễn Việt Nam kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền
thông để phát triển công tác thống kê KH&CN.
* Giải pháp thứ năm là tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN
bằng việc chủ động tìm kiếm và tham gia tích cực vào các chương trình trọng
điểm quốc gia để tạo điều kiện thu hút các cơ quan trung ương về đầu tư, hoạt
động KH&CN trên địa bàn; Tăng cường hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm
trong hoạt động quản lý KH&CN, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN
với các tỉnh, thành trong cả nước, với các Viện nghiên cứu, trường đại học của
Trung ương cho Nghệ An; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN: Thông qua Bộ
KH&CN, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh bạn thiết lập, triển khai chương
trình hợp tác thông tin KH&CN với các cơ quan thông tin KH&CN nước ngoài,
đặc biệt là các nước trong khu vực. Tranh thủ tối đa các kênh chuyển giao công
nghệ hiện đại từ nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp
tác KH&CN.
* Giải pháp thứ sáu là đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin
KH&CN phục vụ các doanh nghiệp. Bao gồm các hoạt động: Tiến hành đánh giá
chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN trên cơ sở phân tích thống kê
số lượt doanh nghiệp khai thác và sử dụng sản phẩm và dịch vụ thông tin
KH&CN; Phân tích thông tin phản hồi từ phía doanh nghiệp qua mail, điện thoại,
tọa đàm, hội thảo, hội nghị, diễn đàn trực tuyến, hộp thư góp ý; Thường xuyên
khảo sát, điều tra nhu cầu khai thác, sử dụng sản phẩm và dịch vụ thông tin
KH&CN của các loại hình doanh nghiệp; Xây dựng ngân hàng dữ liệu công nghệ,
thông tin KH&CN, phục vụ các doanh nghiệp địa phương, chủ yếu là các doanh
nghiệp vừa và nhỏ; Tổ chức dịch vụ thông tin dự báo phát triển, cảnh báo cạnh
tranh nhằm hỗ trợ các ngành sản phẩm mũi nhọn, các mặt hàng chủ lực của
tỉnh Nghệ An; Tổ chức các dịch vụ tra cứu, chỉ dẫn thông tin theo yêu cầu hỏi -
đáp của các doanh nghiệp. Phát triển đa dạng loại dịch vụ hữu ích hỗ trợ doanh
nghiệp sử dụng một cách hiệu quả nguồn thông tin KH&CN; Phát triển các loại
dịch vụ có giá trị gia tăng (dịch vụ phổ biến thông tin KH&CN hiện hành, dịch
vụ phổ biến thông tin KH&CN chọn lọc, dịch vụ thông tin KH&CN “trọn gói”);
Phát triển loại hình dịch vụ tư vấn; Phát triển các loại dịch vụ thuận tiện và thân
thiện với doanh nghiệp (dịch vụ tra cứu tìm tin trên Internet, dịch vụ cung cấp
thông tin KH&CN từ xa).
* Giải pháp thứ bảy là thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ và thiết
bị, với những nội dung và hoạt động cơ bản trong định hướng này được xác định
như sau: Hình thành và phát triển thị trường công nghệ ở Nghệ An giai đoạn
2009-2015; Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và dữ liệu thông tin kết nối đơn
vị, doanh nghiệp có cung, cầu về công nghệ và thiết bị và tạo điều kiện thuận lợi
để các doanh nghiệp Nghệ An tiếp cận với những công nghệ và thiết bị tiên tiến,
hiện đại trước khi quyết định đầu tư; Xây dựng, hình thành Techmart Nghe An
Online (Chợ CN&TB ảo) theo hướng phát triển cổng giao dịch điện tử về thị
trường CN&TB; Tổ chức tốt hoạt động hậu Techmart: Theo dõi, tổng hợp tình
hình triển khai các giao dịch về công nghệ sau khi tham gia các Techmart của các
doanh nghiệp trong tỉnh và các đối tác có liên quan; Tổ chức các hội nghị, hội thảo
rút kinh nghiệm và thúc đẩy các giao dịch công nghệ, nhân rộng các công nghệ
trong sản xuất và đời sống; Xây dựng, hình thành và phát triển Trung tâm giao
dịch về CN&TB vùng Bắc Trung Bộ: Hình thành sàn giao dịch CN&TB; Tổ chức
các phiên giao dịch công nghệ theo ngành, liên ngành; Tổ chức các hội thảo, triển
lãm giới thiệu công nghệ thiết bị mới; Nghiên cứu và tiến tới tổ chức hoạt động
đấu giá công nghệ thiết bị; Xây dựng và vận hành Trung tâm thông tin môi giới và
xúc tiến thương mại hoá các sản phẩm KH&CN.
Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Nghệ An sẽ tạo môi trường gắn kết nghiên
cứu KH&CN với sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc đổi mới công nghệ, nâng cao
năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của doanh
nghiệp, phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời cũng tạo ra sức kéo từ thị
trường đối với hoạt động KH&CN, tạo lực đẩy đối với sản xuất và đời sống xã hội.
Mô hình Sàn giao dịch công nghệ thử nghiệm thành công và đi vào hoạt động sẽ
góp phần tạo lập và phát triển thị trường KH&CN của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc
Trung Bộ, tôn vinh và thúc đẩy năng lực khoa học và công nghệ nội sinh, khắc phục
đáng kể tình trạng thiếu thốn những thông tin cần thiết trong giao dịch hàng hoá
công nghệ, xúc tiến việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Qua đó góp
phần đẩy mạnh công tác phổ biến, áp dụng rộng rãi các thành quả nghiên cứu
KH&CN trong các doanh nghiệp và trong sản xuất, đời sống xã hội. Và qua thực
tiễn sản xuất tác động trở lại các nhà nghiên cứu để họ tạo ra các sản phẩm công
nghệ thích hợp với nhu cầu của thị trường.
5. Một số kiến nghị:
* Đối với địa phương:
- UBND tỉnh cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách để cơ quan thông tin KH&CN
mở rộng chức năng hoạt động và triển khai những lĩnh vực dịch vụ khác mà trước
kia do cơ chế, chính sách không làm được.
- UBND tỉnh cần ban hành kịp thời các qui định về việc quản lý và phát triển
thông tin tư liệu KH&CN, nhằm tập hợp tư liệu KH&CN về một mối duy nhất để
hoạt động của cơ quan Thông tin KH&CN phục vụ đắc lực hơn cho sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* Đối với Trung ương
- Nhà nước cần ban hành sớm cơ chế chính sách phối hợp, gắn kết và triển
khai hoạt động thông tin tư liệu KH&CN gắn với các đề án lớn của Chính phủ và
của các Bộ, Ngành có liên quan một cách thống nhất từ Trung ương đến địa
phương như: Đề án phát triển Trung tâm học tập cộng đồng các huyện/xã; Đề án
về Qui hoạch và phát triển hoạt động văn hóa thông tin; Đề án phát triển công
nghệ thông tin
- Bộ Khoa học & Công nghệ cần hướng dẫn công tác chuẩn hóa về hoạt động
thông tin tư liệu KH&CN từ Trung ương đến địa phương.
- Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia hàng năm khi xây dựng kế
hoạch hướng dẫn các địa phương cần có phần kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao
được kiến thức, cập nhật các thông tin về KH&CN cho các Trung tâm Thông
tin KH&CN địa phương./.
Tài liệu tham khảo
1. Trường Nghiệp vụ Quản lý (2000), Quản lý nhà nước về Khoa học công nghệ và
môi trường, Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
2. UBND tỉnh Nghệ An (2006), Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Nghệ
An đến năm 2020, Báo cáo quy hoạch, Nghệ An.
■ Nguyễn Xuân Trung