Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học "Về một nền giáo dục đã đến lúc phải cải tổ " pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.86 KB, 9 trang )

Về một nền giáo dục đã đến lúc phải cải tổ
Giáo dục Việt Nam hiện vẫn chậm trễ trong cải tổ, loay hoay với các dự án tiền tỷ,
tốn công tốn sức mà hiệu quả chẳng thấy đâu, đến nỗi năm nay kỳ thi Olympic
Toán quốc tế xuống hạng, kỳ thi tuyển sinh đại học có đến hàng ngàn điểm 0 môn
Lịch sử (có nhiều trường đại học môn thi Lịch sử có trên 98% dưới điểm trung
bình), hàng loạt trường đại học hoảng loạn vì thiếu sinh viên, phải tức tốc xin Bộ
Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho xét tuyển dưới mức điểm sàn, hạ chỉ tiêu xét
tuyển… Những hệ quả này, trên thực tế chỉ là hiện tượng “giọt nước làm tràn ly”
bởi bên trong nền giáo dục có quá nhiều tồn tại bất cập.
1. Trước hết nói về các cuộc vận động trong ngành giáo dục
Việc đưa rất nhiều cuộc vận động vào trường học, các cơ sở giáo dục có thể
nói là đã thất bại như chính sự thất bại của việc phân ban trong giáo dục. Theo
quan điểm của chúng tôi, việc đưa các cuộc vận động vào nhà trường là một
việc làm chưa tuân thủ nguyên tắc của giáo dục (chưa nói đến chuyện tiêu tốn
nhiều tiền bạc). Giáo dục là đào tạo con người, là hoạt động chuyên môn (nhà
trường là cơ quan chuyên môn), không phải là nơi làm công tác tuyên truyền.
Kiểu khẩu hiệu, phong trào như phong trào đoàn chỉ áp dụng cho những cơ
quan hành chính khác. Với giáo dục chỉ có đào tạo và đào tạo. Tiếng nói từ
chất lượng đào tạo là tiếng nói uy quyền nhất. Thực tế, những năm qua, mặc
cho các thông tin đại chúng tuyên truyền mạnh mẽ các cuộc vận động, giáo
dục vẫn cứ sa sút. Đó là chưa cần phân tích những mặt trái của tên gọi các
cuộc vận động mà theo nhiều thầy giáo là đi ngược lại bản chất, chẳng hạn
như nói không với tiêu cực, thành tích… Chẳng lẽ bản chất của giáo dục là
tiêu cực, thành tích? Đành rằng chuyện tiêu cực, đạo đức nhà giáo… đây đó
có chỗ phải bàn, nhưng thay vì các cuộc vận động là các biện pháp xử lý
nghiêm minh nghe ra đỡ ồn ào, tiết kiệm mà hiệu quả sẽ cao hơn (nền giáo
dục nước nhà những năm trước 1975 dẫu không có bất kỳ cuộc vận động nào
nhưng nhờ chính sách đúng nên đã đào tạo được một lớp người tài phụng sự
cho đất nước). Một hiệu trưởng đôi lúc không dám kỷ luật học sinh, một
người đứng đầu một tổ chức quản lý giáo dục không dám siết chặt giáo dục vì
nhiều lẽ, đó là câu chuyện chứng tỏ chống bệnh thành tích là rất khó. Ở một


góc độ khác, đây là một vấn đề nhạy cảm, thay vì trường hay phòng, ngành
nào đó bị đánh giá vì chất lượng giáo dục thấp (thông qua cơ số điểm), vì học
sinh bị kỷ luật… thì nên biểu dương những thầy giáo “mạnh tay” trong giáo
dục. Có ủng hộ thì thầy giáo mới dám làm, có ủng hộ người đứng đầu quản lý
giáo dục thì người quản lý mới làm thật, không sợ cạnh tranh với những người
thuộc ngành khác. Còn không, cứ tiếp tục vận hành, những người có lương
tâm e là cũng trở nên vô cảm, chỉ biết làm và nhắm mắt cho qua.
2. Một nền giáo dục đang mang bệnh thành tích
Đồng hành với việc triển khai các cuộc vận động, Bộ GD&ĐT cho thành
lập hàng loạt trường mới, các cơ sở đào tạo được thành lập tùy tiện, đào tạo ồ
ạt, thậm chí trường trung cấp mở ngành đào tạo thạc sỹ… Vậy là chống bệnh
thành tích vô tình đã mách nước cho người ta chuyện nói không đi đôi với làm.
Trong kì họp Quốc hội khoá XII năm 2010, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng
Ninh), đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) và nhiều đại biểu khác đã bày tỏ
bức xúc về thực trạng giáo dục. Đại biểu Ngô Thị Minh đã mạnh dạn đặt câu
hỏi rằng: “Phải chăng Chính phủ mong muốn ngành giáo dục phấn đấu để
chạy theo thành tích, phấn đấu để đạt 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm
2010?”. Theo báo Nhân dân số ra ngày 13/6/2010, trong thời gian 11 năm
(1998-2009) đã có 304 trường đại học - cao đẳng được thành lập; năm học
2008-2009 tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng là 1.719.499 sinh viên, tăng
gấp 13 lần so với năm 1987; tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân năm 1997 mới 80, năm
2009 đã lên 197, gấp 2,44 lần. Đó là những con số đáng kinh ngạc. Ngày xưa,
một làng có một cậu học trò đậu đại học, cao đẳng đã là chuyện trọng đại.
Ngày nay một gia đình có 2-3 con học đại học đã là chuyện không hiếm. Tất
nhiên không phủ nhận xã hội coi trọng học tập là truyền thống tốt đẹp của
Việt Nam, không phải đất nước nào cũng có được; không phủ nhận do nhu
cầu xã hội đòi hỏi về bằng cấp, trình độ. Nhưng, mặt trái là gần như tất cả mọi
học sinh tốt nghiệp THPT đều có cơ hội học đại học, cao đẳng. Thế mới có
chuyện mùa tuyển sinh năm 2010, một số thí sinh thi tuyển vào đại học đang
khi chờ kết quả nguyện vọng 2 thì nhận được hàng chục giấy báo nhập học

của những trường xa lạ.
Nguy hiểm của nạn giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay là đào tạo tràn lan,
số lượng trường không đi đôi với chất lượng đào tạo (chỉ tính riêng số giảng
viên, từ năm 1987-2009 tăng 3 lần, trong lúc số sinh viên tăng 13 lần). Không
chỉ dừng ở đó, đào tạo tràn lan còn chứng tỏ sự bất cập trong mối quan hệ
giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng của xã hội, đào tạo thì cứ đào tạo, nhu cầu xã
hội thì phận ai nấy lo. Quả đúng như lời đại biểu Ngô Thị Minh trong kỳ họp
nêu trên: “Việc chạy theo thành tích ấy đã gây ra hậu quả là chất lượng đào
tạo giảm sút và đa số thanh niên đang phải gánh chịu”.
Nói về thực trạng giáo dục đào tạo tràn lan, báo Nhân dân số ra ngày
13/6/2010 trích lời của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh tỉnh Ninh Thuận: “Tại
hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay, các trung tâm giáo dục thường xuyên
của Sở GD&ĐT, các trường cao đẳng, trường chính trị, trường dạy nghề, kể
cả trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đoàn thể đều được phép liên kết
với các trường đại học để tổ chức các cơ sở giáo dục đại học tại chức rất dễ
dàng, thu hút số lượng khá lớn các học viên theo học. Các cơ sở đào tạo này
không theo một tiêu chuẩn nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp…
Việc tổ chức thi tốt nghiệp hết sức sơ sài, dễ dàng và tỉ lệ tốt nghiệp phổ biến
là 100%”. Đáng nguy hại là với “hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận”, giáo
dục chạy theo hình thức còn leo thang sang cả lĩnh vực đào tạo sau đại học.
Bệnh thành tích này rõ nhất là ở các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp THPT.
Chỉ trừ năm đầu tiên khi Bộ GD&ĐT đề ra chủ trương chống bệnh thành tích
thông qua cuộc vận động, các Sở GD&ĐT đã quán triệt và nghiêm ngặt với
coi thi, chấm thi, thế là năm đó tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt thấp. Nhưng, từ sau
bài học ấy, các năm sau đó, tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh trở
nên cao ngất ngưởng, thậm chí còn xuất hiện một số vụ việc lùm xùm trong
coi thi, điều hành chấm thi.
3. Một nền giáo dục chưa gắn bó với thực tế
GS. Hoàng Tụy trong bài phát biểu tại buổi lễ nhận giải thưởng Phan Châu
Trinh đã gợi ý về nền giáo dục nên thế tục hoá. Bởi vì theo ông, một nền giáo

dục mà đào tạo ra hàng loạt sinh viên không đủ năng lực, trình độ làm việc,
thậm chí đến cái đinh vít cũng chưa làm đúng tiêu chuẩn, một nền giáo dục
mà cơ quan sử dụng phải đào tạo lại, một nền giáo dục còn nặng về đọc - chép
- đọc thì không thể phục vụ hiệu quả cho đất nước đang đòi hỏi phải hội nhập
sâu rộng hơn nữa với thế giới.
Những năm gần đây, chúng ta gần như đã thực hiện phương châm xã hội
hoá giáo dục một cách triệt để, bằng chứng là chúng ta đã đào tạo hết sức tùy
tiện, đặc biệt là giáo dục sau PTTH, cơ hội học tập gõ cửa mọi nhà. Vẫn là
câu chuyện mở thêm trường, mở thêm ngành mới, câu chuyện kinh doanh
trong giáo dục, việc nhiều trường đại học, cao đẳng liên tiếp hạ điểm, thậm
chí gửi giấy báo nhập học trước cho thí sinh, đã làm nên một cuộc cạnh tranh
“lý thú” trong giáo dục. Điều này một phần là lỗi ở cơ chế vì liên quan đến
chuyện trả lương, trang trải trang thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở hạ tầng của
nhà trường. Muốn thực hiện tốt điều này, các trường phải tìm mọi cách thu
hút học viên, đào tạo cao đẳng, đại học cũng như sau đại học. Vậy là thay vì
sát hạch đối tượng học kiểu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, chúng ta lại làm
ngược lại “quý hồ đa bất quý hồ tinh”, thậm chí không còn con đường nào
khác là phải mở thêm mã ngành, tăng chỉ tiêu đào tạo sau đại học. Đây là cơ
hội cho hàng loạt người muốn nâng cao trình độ! Những người muốn học cao
học đều quan tâm nhiều đến việc tiền đâu, thời gian đâu để đi học chứ ít khi
quan tâm đến trình độ đâu để theo học vì có cao học tập trung, chính quy, có
cao học tại các trung tâm liên kết, hơn nữa đi học cao học còn là chỉ tiêu của
một số cơ quan, trường học. Câu chuyện này không chỉ gây bất bình và hoài
nghi trong xã hội mà còn gây nản lòng cho những người có nhiệt huyết và
đam mê.
Giáo dục chưa gắn bó với thực tế còn nguy hại ở chỗ nhà trường phần nào
đó chưa làm trọn trách nhiệm trong việc đào tạo những người có khả năng làm
việc sau khi ra trường. Thực trạng này ngoài lỗi của ngành là đào tạo tràn lan,
dẫn đến lượng người học tăng ồ ạt, thì còn có lỗi ở xã hội. Lỗi ở xã hội biểu
hiện ở chỗ xã hội không chú trọng và quan tâm người có năng lực, có đam mê,

không cho họ có chỗ đứng phù hợp, trong khi những người trình độ thấp kém
hơn lại nghiễm nhiên đứng ở những nơi đàng hoàng. Vậy là câu chuyện đã
dẫn dắt tới các căn bệnh khác của xã hội. Đây là một câu chuyện dài hơi và
nhạy cảm, xin để mọi người tự nói với nhau. Và cũng xin nói rằng đây là một
bức xúc lớn trong xã hội nhất là bức xúc của những người nông dân và con
em của họ.
4. Một nền giáo dục thiên lệch do xã hội không coi trọng giá trị nhân
văn
Một tất yếu của xã hội là xã hội dù phát triển đến đâu cũng lấy văn hoá
làm thước đo cho tiêu chuẩn về sự tiến bộ. Suy cho cùng giá trị của con
người chính là giá trị văn hoá. Điều này giải thích tại sao ở các nước phương
Tây, bên cạnh khoa học kỹ thuật phát triển mạnh vẫn xuất hiện những nhà
văn, nhà văn hoá nổi tiếng và họ sống đàng hoàng bằng thu nhập do chính
công sức của họ. Ở Việt Nam thì lại khác, khoa học kỹ thuật chậm tiến
nhưng lại chưa coi trọng văn hoá (không nói về mặt chủ trương). Hãy khảo
sát trong xã hội, dù ở đâu trong hàng nghìn câu chuyện được nói đến, người
ta có nói đến văn hoá hay không? Ngược lại với thái độ coi trọng đồng tiền
là sự rẻ rúng các mặt văn hoá, thậm chí có người xem có tiền thì văn hoá
cũng mua được. Tình trạng còn buồn đến mức người ta thường không còn
nghĩ đến văn hoá làm gì cho phiền toái.
Biểu hiện rõ nhất của việc không coi trọng văn hoá đó là tình trạng sinh
viên, học viên ngành văn hoá xã hội sau khi tốt nghiệp không có việc làm. Tôi
có một người bạn học ngành sư phạm, tốt nghiệp đại học loại giỏi vào năm
2007, thuộc diện chuyển tiếp học cao học, tốt nghiệp cao học loại giỏi (2009)
vẫn không thể xin vào dạy ở một trường THPT, thậm chí ngay cả khi đổi ý xin
vào THCS. Một loạt bạn bè tốt nghiệp đại học năm 2007 phải vứt bỏ bằng đại
học để về buôn bán vặt, mở cửa hàng quần áo, thậm chí đi làm lao động chân
tay, đi bán bún phở. Vậy thì hỏi những lớp đàn em của những người tôi kể ra
đây liệu có đủ can đảm để lao vào học ngành xã hội? Đây là lí do cơ bản giải
thích tại sao việc đăng ký thi vào đại học, cao đẳng khối C lại thiếu, tại sao kỳ

thi đại học lại có hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử. Khoan hãy đổ lỗi cho cách
dạy, cách học mà hãy nên tìm sâu vào lỗ hổng của chính sách. Chẳng hạn việc
tuyển dụng cán bộ vào làm việc ở các cơ quan nhà nước lâu nay trong thông
báo tuyển dụng thường ghi ưu tiên học ngành kế toán, tin học, quản trị kinh
doanh…, không có ngành ngữ văn, lịch sử, địa lý, xã hội học… Dĩ nhiên việc
tuyển dụng vào các vị trí chuyên môn thì đòi hỏi ứng viên phải tốt nghiệp
đúng ngành được đào tạo (như kế toán phải học ngành kế toán) nhưng ngay cả
các vị trí có độ mở, thậm chí thiên về hoạt động xã hội như đoàn thanh niên,
hội phụ nữ… lại tiếp tục ưu tiên ngành học tự nhiên thì quả thực cánh cửa cho
người học xã hội đã hẹp lại càng hẹp.
Việc không coi trọng các ngành xã hội đã nảy sinh một thực tế, đó là những
người học ngành xã hội đã vừa ít lại vừa thiếu người có đam mê, có năng lực.
Những học sinh có năng lực học đa phần đều định hướng tìm sang ngành tự
nhiên, thậm chí không học tốt toán, vật lý, hoá học thì chuyển sang học khối
D, chỉ còn lại đa phần những học


sinh thiếu năng lực chọn vào khối C. Đó là hiện tượng mà người ta gọi “chuột
chạy cùng sào chọn vào khối C”.
Tình trạng này của xã hội đã đẩy các cấp học, trường học vào một thế khó.
Khó ở chỗ, các ngành tự nhiên đa phần người học, người dạy đều hồ hởi (thậm
chí có thu nhập cao), còn các ngành xã hội thì người học lẫn người dạy đều buồn
chán. Ở các trường THCS, THPT học sinh chán các môn xã hội (lịch sử, địa lý,
ngữ văn), giáo viên dạy các bộ môn này đều chán nghề, nhiều giáo viên đã phải
chuyển sang nghề khác.
5. Một nền giáo dục tách khỏi nông dân
Giá thành giáo dục luôn là bài toán làm khốn đốn nhiều gia đình thuần nông,
thu nhập thấp. Giá thành giáo dục chỉ tính sơ bộ, từ sách giáo khoa (chưa tính
năm nay sách giáo khoa tăng giá 17%), tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền học phí,
tiền hội phụ huynh, tiền đồng phục, phù hiệu, thư viện, tiền đội, đoàn, tiền trông

giữ xe, vệ sinh, tiền ăn trưa, có khi có cả tiền ở trọ… Các khoản tiền này là một
gánh nặng đối với bộ phận lớn nông dân, nhất là nông dân nghèo như ở Nghệ An,
Hà Tĩnh. Nhiều gia đình ngay từ khi con học bậc tiểu học, THCS, THPT đã phải
vay mượn, thậm chí vay thỏa thuận với lãi suất rất cao.
Thêm vào đó là tình trạng học thêm tràn lan với một khoản chi phí “bất thành
văn”. Học thêm, ngành không bắt buộc nhưng là do chương trình quá tải, là do
để con em bắt kịp tiến bộ xã hội, là do để tập trung ôn thi đại học… nên ngay từ
bậc tiểu học, các cháu đã được bố mẹ cho học thêm nâng cao trình độ. Đối với
con em nông dân thực sự là một chiếc gánh quá nặng. Vào thời điểm này, ở các
thành phố Vinh, Hà Tĩnh, học thêm có giá khoảng 30.000đ/một buổi, một tháng
chỉ riêng học thêm 1 môn, gia đình đã phải bỏ ra 300.000-400.000đ. Mà thực tế 1
học sinh không phải chỉ học thêm có 1 môn. Tình trạng học thêm tràn lan là lỗi
của ngành giáo dục nhưng cũng là lỗi của phụ huynh, học sinh trong tư cách

đồng phạm. Học thêm đã thực sự làm cho xã hội chúng ta là một xã hội học
tập, một xã hội học sinh không biết ngày hè, và người nông dân mồ hôi trộn
nước mắt để kiếm tiền cho con đi học.
Nhưng rồi đáng buồn và bức xúc hơn đối với người nông dân là tình trạng con
em của họ học xong đại học, cao đẳng không có việc làm. Trong khoảng 4-5 năm
nuôi con học đại học, nông dân đều phải nai lưng kiếm tiền (kể cả làm osin, bán
đất đai, nhà cửa), tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi tiêu dù cần thiết, thậm chí
phải vay tiền với lãi suất cao… Để rồi lại phải nhìn cái cảnh con cái ra trường
thất nghiệp hoặc đi làm các công việc khác như bán hàng, lao động chân tay…
Nền giáo dục không gắn với nông dân biểu hiện rõ nhất là ở việc xác định
phương châm đào tạo. Đào tạo ở Việt Nam trong thực tế luôn muốn tách khỏi
nông dân, đào tạo không trở về với nông dân. Bởi thế, con em nông dân phấn
khởi khi đậu đại học vì họ cứ nghĩ từ nay sẽ chẳng phải gắn bó với ruộng đồng.
Học sinh khi đậu đại học, cao đẳng xin dám chắc rằng 100% số này không ai
mang tâm lí trở về phục vụ nông dân mà thường mơ tới một xã hội năng động,
một xã hội số hoá, một xã hội chìm đắm vào công nghệ.

Để nền giáo dục thực sự trung thực, thực chất, vì sự phát triển lành mạnh thể
chất, trí tuệ con người Việt Nam, có tư duy độc lập, gắn bó với thực tế đất nước,
mong rằng Chính phủ có những điều chỉnh hợp lí, đặc biệt là vấn đề chính sách,
vấn đề cân đối và sử dụng nguồn lực được đào tạo. Trước mắt Bộ GD&ĐT hãy
khoan nghĩ đến những dự án tiền tỷ, mà hãy giải quyết các khâu hổng trong cơ
chế quản lý và đào tạo, đó là vấn đề bức thiết hiện nay của giáo dục Việt Nam.
Ngoài ra, để cải tổ giáo dục, rất mong muốn những nhà quản lý hãy nghe những
điều tâm huyết từ những nhà khoa học, những giáo viên tâm huyết vì chính họ
là những người có phương pháp luận đúng đắn, tiếng nói của họ chỉ đơn thuần
là tiếng nói vị khoa học, tiếng nói từ lương tâm mà thôi./.



■ Mạnh Hà

×