Bác bỏ các quan điểm sai bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định, cuộc đấu tranh làm thất bại âm
mưu diễn biến hoà bình kết hợp với bạo loạn của các thế lực thù địch hòng lật
đổ chế độ XHCN ở nước ta là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, cần
được tiến hành thường xuyên, bền bỉ với nhiều hình thức khác nhau. Ở mỗi
thời điểm lịch sử cụ thể, các thế lực thù địch luôn tung các luận điệu xuyên
tạc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá
chế độ XHCN. Nội dung các luận điệu xuyên tạc về cơ bản không có gì mới,
vẫn là thủ đoạn đoạn bóp méo sự thật, đi ngược lại bản chất, thực tế ở Việt
Nam.
Thái độ của chúng ta
Thứ nhất, chúng ta không ngỡ ngàng, không bất ngờ và càng không hoảng hốt
trước sự tấn công quyết liệt của các thế lực cơ hội, thù địch, bởi lẽ chúng ta đã biết
rất rõ mục đích này của chúng từ trước đến nay. Trong rất nhiều Nghị quyết, Chỉ
thị, Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu, âm mưu của địch, đặc biệt càng tiến gần đến Đại
hội toàn quốc lần thứ X của Đảng thì cuộc đấu tranh này sẽ càng quyết liệt, khẩn
trương, càng ráo riết hơn. Các loại tài liệu của chúng đều không ngoài mục tiêu
chống phá cách mạng nước ta, cản trở công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi theo
chủ nghĩa tư bản. Do đó, ta không có gì bất ngờ và hoảng hốt.
Thứ hai, đứng trước tình hình đó, chúng ta hết sức bình tĩnh xem xét, phân tích và
nhìn rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà các thế lực thù địch đang tập trung
chống phá để có biện pháp phản bác trúng trọng tâm, trọng điểm.
Thứ ba, trong cuộc đấu tranh này cần có sự phân biệt các loại đối tượng, không vơ
đũa cả nắm. Cần phân biệt các thư, ý kiến phát biểu, kiến nghị của một số người
có ý thức tổ chức, tâm huyết với đất nước nhưng đã bị các phần tử xấu lợi dụng
các tài liệu đó để kích động, chia rẽ; đã bị cắt xén, xuyên tạc để phục vụ ý đồ phản
tuyên truyền Trong một số bức thư ngỏ cũng có những điều góp ý tâm huyết với
Đảng; trong hàng loạt các kiến nghị, ta cũng tìm thấy những điều thiết thực, giúp
chúng ta hoàn thiện chủ trương, chính sách. Điều quan trọng nhất là làm thế nào
tạo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phân biệt được đâu là điều tâm huyết, xây
dựng; đâu là sự lợi dụng, xuyên tạc; từ đó tạo sức đề kháng tốt trước các thủ đoạn
xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ của các thế lực cơ hội, thù địch. Nói cách khác, đội
quân tư tưởng phải bằng nhiều cách tăng cường sự thống nhất về nhận thức tư
tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên sự đồng thuận xã hội
rộng rãi về đường lối, quan điểm, chủ trương đổi mới đất nước, về đẩy mạnh công
nghiệp hoá, hiện đại hoá, về cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế - đó là cơ sở bảo
đảm tăng cường sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Làm được
như vậy, thì cho dù bọn họ có vu cáo, xuyên tạc thế nào đi nữa, khối đoàn kết dân
tộc vẫn vững vàng, đủ sức mạnh để vạch trần và đánh bại những mưu toan thâm
độc đó.
Cần làm rõ các trọng tâm, trọng điểm của các quan điểm sai trái, thù địch
Một là, chúng tấn công vào đường lối chính trị, vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta
là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vấn đề này không phải cho đến hôm nay các thế lực cơ hội, thù địch mới tiến
hành, mà chúng đã đeo đuổi làm hàng chục năm nay. Nhưng trong giai đoạn hiện
nay họ triển khai quyết liệt hơn, đề cập nhiều vấn đề trên phạm vi rộng lớn hơn,
xung quanh vấn đề cái gọi là "lỗi thời và sai lầm" của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh.
Vì sao quyết liệt hơn? Vì chúng ta đang chuẩn bị Đại hội X, mà vấn đề cốt lõi nhất
của đường lối cách mạng của Đảng là nền tảng tư tưởng. Họ đang theo dõi rất chặt
chẽ, tìm hiểu quan điểm, đường lối của chúng ta qua Đại hội này. Mưu toan bao
trùm của họ là muốn xoá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, tức là xoá bỏ Đảng
Cộng sản Việt Nam, do vậy họ tấn công quyết liệt.
Hai là, họ muốn chúng ta thay đổi mục tiêu phát triển đất nước. Trong các dự thảo
văn kiện, trong các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta
trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn vừa qua, càng khẳng định quyết tâm của chúng
ta là kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hay nói cách khác là độc lập
dân tộc gắn liền với CNXH. Như vậy, sự khẳng định này hoàn toàn trái ngược với
mong muốn của họ.
Ba là, họ muốn thay đổi đường lối phát triển kinh tế nước ta. Chúng ta kiên định
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhưng theo họ, thị trường là
gắn với CNTB, do vậy ta gắn thêm đuôi XHCN là sự khiên cưỡng, không thể chấp
nhận. Thực chất là, qua sự phê phán đó, họ muốn chúng ta ngả hẳn về CNTB, đi
theo CNTB.
Bốn là, chúng ta khẳng định sự thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại rộng mở,
đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Chúng ta kiên trì chủ trương "Việt
Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế
giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển". Điều đó cũng ngược lại với ý
muốn của họ. Họ cho rằng, trên thế giới, người ta đều khôn khéo dùng sách lược
không đối đầu với Mỹ, đi theo Mỹ, vậy tại sao ta đang khó khăn lại không đi theo
Mỹ, trong khi sức ép của Trung Quốc ngày càng tăng Không thể độc lập về đối
ngoại và là bạn với tất cả các nước trong tình hình hiện nay(? !)
Về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta cần làm rõ mưu
toan của họ trong việc phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta là như thế nào?
Trước hết về nền tảng tư tưởng, điều tập trung nhất họ cho rằng, chủ nghĩa Mác -
Lênin bước sang thế kỷ XXI không chỉ là lỗi thời, mà thậm chí nếu tiếp tục áp
dụng nó là một sai lầm lớn vì chủ nghĩa ấy không còn thích hợp với thời đại ngày
nay và càng không thích hợp với thực tiễn Việt Nam.
- Chúng ta cần làm rõ chủ nghĩa Mác - Lênin không những chỉ ra đời trên lý
thuyết, mà đó còn là cuộc cách mạng về nhận thức, đã được trải nghiệm, kiểm
nghiệm qua thực tiễn cách mạng thế giới. Nói về Công xã Pari tháng 3/1871, Mác
- ăngghen khẳng định rằng "giai cấp công nhân đã là những người dũng cảm xông
lên chọc trời". Nhưng do họ chưa được chuẩn bị kỹ càng về lý luận và chưa có cơ
sở thực tiễn, họ đã không thể thực hiện thành công, nên Công xã Pari thất bại. Chỉ
có cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 dưới sự lãnh đạo thiên tài của Lênin,
nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác mới có thể tiến
hành cuộc cách mạng thắng lợi. Từ thực tiễn đó, Bác Hồ đã khẳng định: "Văn
minh vĩ đại nhất và phát triển nhanh chóng nhất đó là chủ nghĩa Mác - Lênin".
Vì sao Bác nói đó là vĩ đại nhất, phát triển nhanh chóng nhất? Bác đã lý giải 4
điểm như sau :
+ Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học của các quy luật phát triển của tự nhiên và
xã hội. Nó không chỉ tham gia giải thích thế giới, mà điều quan trọng là trực tiếp
tham gia chỉ đạo cải tạo thế giới.
+ Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học cách mạng của quần chúng bị áp bức bóc lột
trên thế giới.
+ Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả
các nước.
+ Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học về nhân loại hướng tới xây dựng một xã hội
cộng sản chủ nghĩa ngày càng tốt đẹp hơn.
Để chứng minh nhận định của mình, Bác Hồ dẫn ra thực tiễn cách mạng thế giới
và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bác nói, Cách mạng Tháng Mười Nga là một
cuộc cách mạng diễn ra đầu tiên ở một nước rộng lớn bằng 1/6 thế giới. Tiếp sau
đó là sự ra đời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đó là một thắng lợi vĩ đại
mới của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước nửa thuộc địa và nửa phong kiến với
bảy trăm triệu dân do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
Ở nước ta, Bác nói: "Chúng ta đã trải qua cuộc đấu tranh chống khuynh hướng cải
lương tư sản, manh động tiểu tư sản, chống khuynh hướng Trốtkít, chống khuynh
hướng tả khuynh và hữu khuynh trong Đảng, chúng ta đã thành công. Nhờ có chủ
nghĩa Mác - Lênin đã giúp Đảng ta vượt qua những thử thách to lớn ấy", Bác nhấn
mạnh: "Chủ nghĩa Mác - Lênin là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng
Việt Nam. Thắng lợi của chúng ta do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh
rằng thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được - đó là chủ
nghĩa Mác - Lênin".
- Mặc dù với sức sống mãnh liệt như vậy, với sự toả sáng của chủ nghĩa Mác -
Lênin như vậy, nhưng Mác - Ăngghen không bao giờ coi những luận thuyết của
mình là bất biến. Lênin dẫn ra một câu: "Mặc dù học thuyết vĩ đại như vậy nhưng
ăngghen đã nói rằng, "học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều, mà là
kim chỉ nam cho mọi hành động". Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác -
Ăngghen viết rằng "Những nguyên lý ấy là những biểu hiện khái quát của quan
hệ thực tại của một cuộc đấu tranh giai cấp hiện có, của một sự vận động lịch
sử đang diễn ra trước mắt chúng ta. Trong những nước khác nhau những biện
pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều".
Lênin đã phát triển học thuyết Mác và đã vận dụng sáng tạo, bổ sung hoàn chỉnh
chủ nghĩa Mác thông qua điều kiện thực tiễn của cuộc cách mạng Nga. Mác -
Ăngghen nhận định rằng, cuộc cách mạng vô sản có thể thành công nếu nó nổ ra
đồng loạt ở các nước tư bản. Đến thời của Lênin, ông đã phân tích các điều kiện
của nước Nga. Lúc đầu, người ta nghĩ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên có thể nổ ra
ở Pháp hoặc Đức, đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xảy ra Công xã Pari tháng 3 năm
1871. Lênin phân tích rằng: "Sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản đã tạo
điều kiện cho giai cấp vô sản chớp lấy thời cơ chọn một mắt xích yếu nhất trong
dây chuyền của chủ nghĩa tư bản để tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư
sản". Nga là nơi tập trung mâu thuẫn, là khâu yếu nhất trong hệ thống tư bản lúc
bấy giờ. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 còn là thắng lợi
của sự bổ sung học thuyết Mác - Ăngghen. Lênin phân tích, một nước ở vào sau
Cách mạng Tháng Mười làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hoàn thành thì
có thể tiến thẳng lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, không nhất thiết phải tiến hành
cách mạng tuần tự như lúc đầu Tuyên ngôn nêu ra. Đó là bước phát triển mới.
Hai là, chúng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những
vấn đề cơ bản của cách mạng ở nước ta. Ngày từ tháng 2 năm 1930, Đảng ta đã
khẳng định cách mạng của nước ta trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân; sau đó tiến hành ngay cách mạng XHCN, đưa đất nước
tiến lên CNXH, bỏ qua chế độ phát triển TBCN.
Đây là sự vận dụng học thuyết cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác -
Lênin. Chúng ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ TBCN, đấy là sự
vận dụng sáng tạo và hợp quy luật phát triển của thời đại.
Ba là, chúng ta đã thường xuyên đấu tranh chống các quan điểm sai trái để tiến
hành sự nghiệp đổi mới, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Và chính những thành
tựu to lớn của 20 năm đổi mới, nhiều đảng cộng sản trên thế giới đã khẳng định
đóng góp to lớn của Đảng ta là kiên trì bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin
trong thời đại ngày nay. Xin nêu một vài ví dụ về sự vận dụng sáng tạo của Đảng
ta trong việc đề ra Cương lĩnh đổi mới đất nước.
Thứ nhất, để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối những năm
1970, đầu những năm 1980, nhiệm vụ trước tiên của những người cộng sản là phải
đổi mới tư duy lý luận, trước hết là tư duy về kinh tế.
Thứ hai, chúng ta xác định công cuộc đổi mới là phải đi từ khâu đầu tiên là lấy
phát triển kinh tế làm trung tâm, trong phát triển kinh tế ta coi trọng mục tiêu phát
triển lực lượng sản xuất; xây dựng và phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần
vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Đến Đại
hội IX, từ thực tiễn sinh động của quá trình đổi mới, chúng ta đã hoàn thiện quan
điểm cơ bản đó bằng mệnh đề "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN".
Từ Đại hội IX đến nay, thực tiễn giúp chúng ta khẳng định, xây dựng nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN là mô hình tổng quát của nền kinh tế nước ta trong
thời kỳ quá độ lên CNXH.
Một thành công nữa là chúng ta xác định đổi mới kinh tế là trung tâm, từng bước
đổi mới hệ thống chính trị. Đây là điều khác biệt so với Liên Xô và Đông Âu khi
tiến hành cải tổ vào những năm 80 của thế kỷ XX. Thành quả to lớn của 20 năm
đổi mới là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cách
mạng nước ta.
Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta cũng có những sai lầm, vấp váp. Những sai
lầm ấy phản ảnh sự hiểu biết không đúng đắn, không đầy đủ chủ nghĩa Mác -
Lênin dẫn đến sự vận dụng sai; và do vậy, đã phải trả giá. Song, khi đã nhận thức
được sai lầm, Đảng ta đã tự sửa sai, tự chỉnh đốn. Cần nhấn mạnh rằng, đây là sai
lầm, vấp váp trong quá trình phát triển của Đảng và sự nghiệp cách mạng nước ta,
chứ không phải do chủ nghĩa Mác - Lênin là "sai lầm", hoặc đã "lỗi thời" hoặc
"không phù hợp" với Việt Nam - như họ đã và đang suy diễn, qui chụp.
Chính trong bối cảnh mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, gây sự
hoang mang, nghi ngờ trong không ít cán bộ, đảng viên thì Đảng ta bằng sự vững
vàng, tỉnh táo, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã phân
tích một cách khoa học và biện chứng tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế; trên
cơ sở đó nhất trí thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước ta trong thời kỳ quá
độ lên CNXH (vào năm 1991), nêu rõ 6 đặc trưng chủ yếu:
- Do nhân dân lao động làm chủ.
- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ
công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực
hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát
triển toàn diện cá nhân.
- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.
Dưới ánh sáng của Cương lĩnh đó, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong gần
20 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, toàn diện và rất quan trọng. Thực
tiễn đó là sự thể hiện sinh động việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong tình hình khu vực và
tình hình thế giới đã và đang diễn biến rất phức tạp, gây cho chúng ta không ít khó
khăn, thử thách. Chính trong bối cảnh đó, một lần nữa khẳng định rõ ràng hơn
những vấn đề cơ bản và quan trọng sau đây:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn được đông đảo các tầng lớp nhân dân thừa nhận
là Đảng của mình, người đại diện trung thành lợi ích của nhân dân và dân tộc Việt
Nam, đã và đang là lực lượng lãnh đạo duy nhất đất nước và xã hội Việt Nam, như
điều 4 Hiến pháp sửa đổi (năm 2000) đã xác định. Qua theo dõi thực tiễn lịch sử
Việt Nam hơn 7 thập kỷ qua, nhiều nhà Việt Nam học đã rút ra một nhận xét giống
nhau: ít có một đảng nào được cả dân tộc ấy thừa nhận và tôn vinh là đảng của
mình vì đảng ấy đã lãnh đạo thành công công cuộc chống xâm lăng, giải phóng
dân tộc, thống nhất đất nước; và tiếp sau đó đã khởi xướng và lãnh đạo có kết quả
công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế.
2. Từ thực tiễn ấy, họ cũng rút ra một kết luận quan trọng là: đánh giá sự phát triển
một đất nước, không chỉ căn cứ vào ở đó có độc đảng hay đa đảng. Vấn đề cơ bản
là ở chỗ, đảng cầm quyền ấy có mang lại lợi ích cho số đông nhân dân hay không;
toàn bộ chính sách đối nội, đối ngoại của đảng ấy có phục vụ việc nâng cao đời
sống vật chất, tinh thần của nhân dân hay không? Từ cuộc khủng hoảng kinh tế -
xã hội trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhờ đường lối đổi mới của
Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm
trọng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Nếu năm 1990 bình quân
GDP đầu người mới chỉ có 200 đô la thì đến năm 2004 đã lên gần 550 đô la. Mặc
dù thu nhập còn thấp so với nhiều nước, nhưng nếu không có đường lối đổi mới
của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đất nước này sẽ đi tới đâu? Cần nhấn mạnh rằng,
Liên Xô và các nước Đông Âu tiến hành cải tổ, thực hiện đa nguyên, đa đảng, đã
gây ra những sự đảo lộn chính trị - xã hội nghiêm trọng. Trong Thông điệp toàn
Liên bang đọc ngày 24/4/2005 vừa qua, chính Tổng thống Putin phải thừa nhận
rằng: "Liên Xô sụp đổ đã làm tan rã tư tưởng, đó là một tai họa lớn đối với
nước Nga".
3. Cùng với sự tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, Đảng ta
từng bước mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội, đổi mới và nâng cao chất lượng
hệ thống chính trị các cấp.
4. Qua gần 20 năm đổi mới, chúng ta ngày càng sáng rõ hơn con đường đi lên
CNXH ở nước ta là lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng
Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Ba nhiệm
vụ ấy gắn bó chặt chẽ, tác động lẫn nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển
đất nước nhanh và bền vững. Chúng ta coi động lực phát triển đất nước trong thời
kỳ mới là tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, coi những người Việt
Nam đang định cư ở 90 nước trên thế giới là bộ phận không tách rời của cộng
đồng dân tộc Việt Nam; coi trọng việc kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và
xã hội, tất cả vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh.
5. Tuy nhiên, trên bước đường phát triển, chúng ta không tránh khỏi những thiếu
sót, khuyết điểm. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, cùng với số đông đảng viên
gương mẫu, tận tụy, đi tiên phong trong sản xuất, công tác, còn không ít cán bộ,
đảng viên có biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, về đạo đức, lối sống. Chính
vì vậy, Đảng ta đã đề ra nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự
phê bình và phê bình, đưa ra khỏi Đảng hàng nghìn đảng viên vi phạm đạo đức,
lối sống, thậm chí những ai vi phạm pháp luật, đã bị xử lý theo pháp luật.
Tóm lại, trên bước đường phát triển của mỗi quốc gia nói chung và nước ta nói
riêng, bao giờ cũng vậy, thuận lợi đi liền khó khăn; thành tựu đi liền yếu kém (tuy
nhiên ở mỗi nơi có mức độ khác nhau). Điều quan trọng đối với chúng ta là dũng
cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, phân tích đúng nguyên nhân, để từ đó
có giải pháp đúng và trúng nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa thiếu sót. Những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là cái
"cẩm nang" giúp chúng ta thực hiện có hiệu quả mục tiêu cao cả ấy./.