Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Cỏ tranh và vị thuốc bạch mao căn potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.26 KB, 6 trang )

Cỏ tranh và vị thuốc bạch mao căn
Ở nước ta, cây Cỏ tranh mọc hoang khắp mọi nơi. Lá non cho Trâu, Bò, Ngựa
ăn, lá già dùng để lợp nhà. Tên khoa học Imperata cylindrica Beauv. Thuộc
họ Lúa POACEAE (Gramineae). Thân rễ cây Cỏ tranh là vị thuốc với tên gọi
“Bạch mao căn”, được dùng từ khoảng 2000 năm về trước trong Đông y.


Cỏ tranh là một loại cỏ sống dai, thân rễ khoẻ chắc, cao 30 – 90cm, lá hẹp dài 15 –
30cm, rộng 3 – 6mm, gân lá ở giữa phát triển, ráp ở mặt trên, nhẵn ở mặt dưới,
mép lá sắc. Cụm hoa hình chùy, dài 5 – 20cm, màu trắng bạc, bông nhỏ, phủ đầy
lông nhỏ mềm, dài. Thời xưa, các thầy thuốc Đông y thường lấy thân, rễ cây Cỏ
tranh đem về phơi hay sấy khô, cất giữ nơi khô ráo để sử dụng làm thuốc.

Nghiên cứu lâm sàng tại Trung Quốc cho thấy: Rễ Cỏ tranh trị viêm thận cấp có
hiệu quả tương đối tốt, có thể rút ngắn bệnh trình. Đối với viêm thận mạn, cũng có
tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng và làm hạ huyết áp ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, đối
với chứng báng nước (phúc thuỷ) do suy gan và phù do suy tim, tác dụng tiêu
thũng không thật rõ ràng.

Theo Đông y học, thân rễ (Bạch mao căn) có vị ngọt, tính hàn; vào ba kinh: thủ
thiếu âm Tâm, Túc thái âm Tỳ và Túc dương minh Vị. Có tác dụng trừ phục nhiệt
(nhiệt ẩn tàng ở bên trong), tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện (thông tiểu tiện) và tẩy độc cơ
thể. Dùng chữa chứng nội nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, đái ra máu, thổ
huyết, máu cam… Hoa (Bạch mao hoa) có vị ngọt, tính ấm, không độc; có tác
dụng chỉ huyết (cầm máu), định thống (làm hết đau); dùng chữa thổ huyết (nôn ra
máu), nục huyết (đổ máu mũi), đao thương (bị đâm, chém).

Liều dùng hàng ngày: 12 – 20g khô (30 – 60g tươi). Người tỳ vị hư hàn, tiểu tiện
nhiều lần không dùng được. Dưới đây là một số ứng dụng cụ thể:

* Thông tiểu tiện: Dùng “Chè lợi tiểu”, gồm các vị: rễ Cỏ tranh 30g, râu Ngô 40g,


Bông mã đề 25g, hoa Cúc 5g. Tất cả thái nhỏ, trộn đều. Ngày dùng 50g chè này
pha với khoảng 1 lít nước, chia ra uống trong ngày vào lúc khát. Trẻ em 6 – 14 tuổi,
mỗi ngày chỉ dùng 25g, pha với khoảng nửa lít nước.

* Bụng ứ nước, chân tay phù nề: Rễ Cỏ tranh tươi 50g, Đậu đỏ 30g, hai thứ cho
vào nồi nấu với nước, khi Đậu nhừ thì bỏ rễ Cỏ tranh, ăn Đậu và uống nước.

* Phù do viêm thận cấp tính: Có thể dùng các bài thuốc sau:

- Rễ Cỏ tranh khô 250g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi đổ ngập nước, sắc kỹ; chia
ra 2 – 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 1 – 2 tuần, hoặc cho đến khi khỏi
hẳn.

- Rễ Cỏ tranh tươi 40g, vỏ Dưa hấu tươi 40g, râu Ngô 12g, Xích tiểu đậu ( Đậu đỏ
nhỏ hạt) 16g; sắc nước, chia nhiều lần, uống thay nước trong ngày.

* Đái dưỡng chấp (chyluria, chylous urine): Rễ Cỏ tranh tươi 250g, nước 2 lít;
sắc còn khoảng 1,2 lít thêm chút đường, chia thành 3 phần uống trong ngày hoặc
uống như uống trà; uống liên tục trong vòng từ 5 – 15 ngày (một liệu trình).

* Hoàng đản, Cốc đản, Tửu đản: Rễ Cỏ tranh tươi 1 nắm; thái thật nhỏ, đem nấu
với 50g thịt Lợn thành món canh, ăn cái và uống nước.
“Cốc đản” và “Tửu đản” là những loại hình của bệnh Hoàng đản (vàng da). Cốc
đản thường do ăn uống thất thường khiến cho tỳ, vị bị tổn hại, biểu hiện: ăn vào
thường chóng mặt, bụng đầy, phiền muộn, khó chịu trong dạ dày, đại tiện lỏng
nhão, tiểu tiện nhiều, thân mình và mặt đều vàng. Tửu đản chủ yếu do uống rượu
vô độ làm tổn thương tỳ, vị; thấp trọc uất ở bên trong hun đốt cơ thể mà gây nên
bệnh; chứng trạng chủ yếu: vùng ngực nóng, bứt rứt khó chịu; kém ăn, có lúc buồn
nôn; tiểu tiện đỏ, khó đi; mặt và thân mình đều vàng.


* Viêm gan truyền nhiễm cấp tính (infective hepatitis): Rễ Cỏ tranh khô 100g,
sắc với nước, chia ra 3 – 4 lần uống trong ngày. Kết quả quan sát lâm sàng cho
thấy, các chứng trạng chủ yếu tiêu thất trong khoảng 10 ngày, kích thước gan trở
lại bình thường trong khoảng 20 ngày, chỉ số hoàng đàn trở lại bình thường trong
10 – 15 ngày; khoảng 45 ngày sức khoẻ khôi phục lại bình thường.

* Phổi nóng, hen suyễn, thở khò khè: Dùng “Như thần thang” – phương thuốc
kinh điển của Đông y: Sinh mao căn (rễ Cỏ tranh tươi) 50g, sắc với nước, uống lúc
còn nóng vào sau bữa ăn.

* Đổ máu mũi: Dùng Bạch mao hoa 20g, Mũi lợn 1 cái; cho vào nồi, đổ nước vào
sắc khoảng 1 giờ, chia thành 3 phần uống sau các bữa ăn. Uống nhiều lần có thể trị
tận gốc.

* Thổ huyết, nục huyết (nôn ra máu, đổ máu mũi): Rễ Cỏ tranh tươi 40g, Hoa
chuối (thường gọi là “Bi chuối”) 40g, tất cả thái nhỏ, sắc với nước, chia nhiều lần
uống trong ngày.

* Đái ra máu:

- Bài 1: Bạch mao căn 20g, Khương thán (gừng đốt thành than) 12g, sắc kỹ với
nước; khi uống có thể thêm Mật ong hoặc đường.

- Bài 2: Rễ Cỏ tranh 30g, Bông mã đề 20g, lá Huyết dụ 12g, sắc nước uống.

* Giảm tiểu cầu máu: Rễ Cỏ tranh tươi 60g, Ngó sen tươi 60g; hai thứ đem rửa
sạch, cắt bỏ rễ bám ở các đốt, cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc trong khoảng 30 phút,
chia 2 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết,
cầm máu; các thầy thuốc Trung Quốc còn sử dụng để điều trị chứng giảm tiểu cầu
máu, đạt kết quả tốt.


* Chữa nấc, hơi ợ ngược lên do nóng bên trong (nhiệt ách): Dùng bài thuốc
kinh điển “Mao cát thang”, gồm có: Rễ Cỏ tranh 12g, Cát căn (sắn dây) 12g, sắc
uống.

* Trúng độc cà, độc dược: Rễ Cỏ tranh tươi 100g, Mía 500g; hai thứ giã nát, vắt
lấy nước cốt, hoà với nước của một quả Dừa, đun sôi lên uống.

×