VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA MÔN ĐỊA LÍ
TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng (dự thảo cương
lĩnh xây dựng CNXH trong thời kì quá độ) đề ra năm 1991 có ghi rõ:
“Giáo dục là sự nghiệp đào tạo và xây dựng con người vừa phục vụ
nhiệm vụ kinh tế - xã hội trước mắt, vừa chuẩn bị cho đất nước bước vào
những giai đoạn phát triển lâu dài” và :nhiệm vụ trung tâm của giáo dục
là đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động có ý thức làm chủ, có
tri thức, thành thạo nghề nghiệp và có thái độ lao động tích cực, sáng
tạo…”
Đó là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, đòi hỏi mỗi môn học trong nhà
trường phổ thông phải dựa vào đặc trưng bộ môn để xác định rõ vị trí,
chức năng và nhiệm vụ của mình trong nhiệm vụ chung. Cũng như tất cả
các môn học khác, môn Địa lí phải góp phần giáo dục và đào tạo những
người công dân tương lai, phù hợp với yêu cầu xã hội.
1. Môn Địa lí, có khả năng cung cấp cho học sinh một khối lượng
tri thức phong phú về tự nhiên, về kinh tế - xã hội và những kĩ năng,
kĩ xảo
- Môn Địa lí cung cấp cho học sinh những kiến thức khoa học về tự
nhiên, về dân cư, về chế độ xã hội và về các hoạt động kinh tế của con
người ở khắp nơi trên Trái Đất.
- Qua bức tranh toàn cảnh về tự nhiên và kinh tế - xã hội của các lãnh
thổ khác nhau, học sinh sẽ nắm được và biết cách giải thích các hiện
tượng, các mối quan hệ đã tạo nên những sự thay đổi và phát triển trong
môi trường tự nhiên cũng như trong nền kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong
giai đoạn chuyển hướng kinh tế của đất nước ta hiện nay.
- Môn Địa lí cũng trang bị cho học sinh một số kĩ năng, kĩ xảo để học
sinh vận dụng các kiến thức của khoa học địa lí vào thực tiễn, làm quen
với các phương pháp nghiên cứu, quan sát, điều tra, làm việc với bản đồ,
với các số liệu thống kê kinh tế v.v…để sau này các em không bỡ ngỡ
trước những hoạt động phức tạp và đa dạng của cuộc sống.
2. Môn Địa lí bồi dưỡng cho học sinh một thế giới quan khoa học
và những quan điểm nhận thức đúng đắn
Như chúng ta đã biết, Địa lí là một môn học có tính tổng hợp. Nó
nghiên cứu những vấn đề rất phức tạp về mặt không gian lãnh thổ, trong
đó các yếu tố thành phần gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau.
Trong quá trình học tập Địa lí, học sinh luôn luôn phải tìm hiểu các mối
liên hệ giữa những sự vật, hiện tượng trong quá trình phát triển và biến
đổi không ngừng của chúng. Những kiến thức đó góp phần đắc lực vào
việc hình thành cho học sinh thế giới quan duy vật biện chứng.
Việc học tập Địa lí cũng dần dần làm cho học sinh nhận thức được vai
trò của tự nhiên, con người trong các hoạt động kinh tế- xã hội trên lãnh
thổ. Tự nhiên chỉ chứa đựng những khả năng tiềm tàng còn việc khai
thác chúng được nhiều hay ít, hợp lí hay không là do con người, do trình
độ công nghệ, kĩ thuật và do phương thức sản xuất quyết định. Môn Địa
lí như vậy là đã góp phần bồi dưỡng cho học sinh quan điểm duy vật lịch
sử, duy vật kinh tế, tư duy sinh thái v.v…
3. Môn Địa lí hình thành cho học sinh nhân các con người mới
trong xã hội
Môn Địa lí, nhất là Địa lí Việt Nam, có nhiều khả năng làm cho học
sinh hiểu rằng: đất nước ta trước đây đã bị bóc lột, kìm hãm và tàn phá
trong chiến tranh như thế nào, đời sống của nhân dân ta vì đâu mà nghèo
khó v.v…Hiểu được như vậy, các em sẽ càng có quyết tâm lao động,
xây dựng đất nước, càng thêm cảnh giác để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ
những thành quả lao động của mình. Như vậy, môn Địa lí không chỉ
giáo dục cho học sinh long yêu nuớc, thái độ lao động nhiệt tình nói
chung mà còn bồi dưỡng cho các em ý thức làm chủ, long mong muốn
góp phần làm cho đất nước, quê hương giàu đẹp.
Tuy nhiên, khi học Địa lí Việt Nam, không phải chúng ta chỉ nói đến
những thuận lợi, những viễn cảnh tươi đẹp mà còn phải nói đến những
khó khăn về tự nhiên cũng như về kinh tế - xã hội đang cản trở bước tiến
của chúng ta. Các khó khăn đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: một xã
hội cũ với nền kinh tế lạc hậu, trình độ khoa học kĩ thuật chưa phát triển,
nền nông nghiệp còn lệ thuộc vào tự nhiên, việc khai thác sử dụng tài
nguyên còn yếu, gây nhiều lãng phí, năng suất lao động còn thấp, trình
độ quản lí kinh tế - xã hội còn yếu, kém…