Đánh giá kỹ năng thực hành phát triển cộng đồng
Mỗi nghề nghiệp đều có những đòi hỏi riêng “ đạo đức nghề nghiệp”,
có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Và với nghề tác viên cộng đồng cũng
vậy, kỹ năng làm việc sẽ giúp cho tác viên cộng đồng biến thái độ, kiến thức
thành hành động thực tế, thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào đó một cách trọn
vẹn.
Trong hơn một tháng thực hành tại xóm Lê Lợi - thôn Lai Tảo - xã
Bột Xuyên - huyện Mỹ Đức - thành phố Hà Nội, tôi và các bạn trong nhóm
đã có cơ hội áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học được ở nhà trường
vào hoạt động thực tế nhằm trợ giúp cộng đồng giải quyết vấn đề ô nhiễm
môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt.
Sau đây là những kỹ năng mà tôi đã sử dụng trong quá trình thực hành
tại địa phương.
1. Kĩ năng giao tiếp, tạo lập mối quan hệ.
Một trong những nguyên tắc cơ bản để giao tiếp thành công và cũng là
những thái độ cần thiết đối với một tác viên phát triển cộng đồng là phải
luôn xác định cho mình một thái độ tôn trọng mỗi cá nhân, mỗi nhóm và mỗi
cộng đồng và đặc biệt là sự tin tưởng vào khả năng tự thay đổi của họ; luôn
có cái nhìn cởi mở với mọi giải pháp thay thế, với mọi cơ hội và với mọi đề
xuất. Kiên trì khiêm tốn học hỏi từ khác những điều còn chưa biết.Vì vậy mà
trước khi xuống địa bàn bản thân tôi và các thành viên trong nhóm đều cần
phải ôn lại các kiến thức, kĩ năng cần thiết để có thể hoàn thành tốt công
việc.
Theo như kế hoạch cả nhóm đã đề ra, 12h30 ngày 29/08/2010 tôi có
mặt tại trường để cùng cả nhóm xuống địa bàn. Đây là chuyến đi thực tế đầu
tiên của chúng tôi nên ai nấy trong chúng tôi đều ở trong tâm trạng vừa
mừng vừa lo. Mừng vì chuyến đi này sẽ là cơ hội cho chúng tôi trải nghiệm,
được trở thành nhân viên xã hội, tác viên cộng đồng chuyên nghiệp. Song,
cả nhóm đều có chung một nỗi lo vì không có thầy cô đi cùng hướng dẫn
liệu chúng tôi có hoàn thành công việc tốt công việc được không? Để không
bị say xe, tôi dùng một biện pháp chống say xe hiệu quả nhất đó là hát nghêu
ngao và nói chuyện suốt dọc đường đi. Từ lúc lên xe, chúng tôi hết nói
chuyện với nhau lại bắt chuyện với những hành khách trên xe xem có ai
đang sống ở địa bàn mà chúng tôi chuẩn bị tới không? Việc làm quen với
người dân nơi đây là một trong những mục tiêu đầu tiên khi xuống địa bàn
của chúng tôi. Qua trò chuyện, hỏi han bước đầu tôi thấy người dân nơi đây
cũng rất cởi mở, dễ gần. Vì đã tiền trạm trước nên các bạn rất thông thạo
đường xá. Đúng 15h30, chúng tôi về tới nhà Nam. Sau khi chào hỏi hai bác
xong, chúng tôi nhanh chóng thu xếp chỗ ăn ngủ. Chúng tôi băn khoăn
không biết nên ở chung cùng nhau hay là chia ra từng nhóm nhỏ ở cùng nhà
dân. Việc ăn ở cùng nhau sẽ tiện cho việc họp nhóm và giảm chi phí ăn uống
nhưng lại gây bất lợi cho việc thâm nhập cộng đồng. Cuối cùng, cả nhóm đã
thống nhất quyết định cả 10 bàn cùng ở nhà Nam và sẽ phải cố gắng tạo lập
mối quan hệ với người dân bằng các cách khác nhau.
Khi mới xuống cộng đồng, vì người dân vẫn chưa biết mục đích của
nhóm nên thường có thái độ ngờ vực và không thiện cảm với nhóm. Vì vậy
ngay từ những ngày đầu tiên trong sinh hoạt hàng ngày, khi đi chợ hay ra
ngoài đường tôi và các bạn luôn chào hỏi, nói chuyện với mọi người và luôn
giữ cho mình một thái độ thân thiện, cởi mở. Và chỉ mấy ngày sau, người
dân trong xóm đặc biệt là các cô, các bác bán hàng ở chợ đã quen hết mặt
nhóm chúng tôi. Các bác còn hỏi xem chúng tôi về địa bàn bao lâu? Định
làm vấn đề gì? Chúng tôi nhanh nhảu trả lời và thông qua đó người dân đã
hiểu mục đích của chúng tôi và nhìn chúng tôi với con mắt thiện cảm hơn.
Như vậy, bước đầu xâm nhập cộng đồng chúng tôi đã sử dụng kĩ năng giao
tiếp tạo lập mối quan hệ với người dân khá tốt.
Sau đó để rút ngắn khoảng cách với người dân trong xóm cả nhóm
cùng người dân tham gia vào rất nhiều hoạt động chung. Trong đó, điển hình
là việc tham gia vào các hoạt động chào mừng ngày Quốc Khánh 2/9 như
buổi dọn vệ sinh môi trường, tham gia cuộc thi chạy Việt dã do báo Hà Nội
tổ chức, thăm vợ anh hùng lực lượng vũ trang, tặng quà cho trẻ em có hoàn
cảnh khó khăn và đạt thành tích xuất sắc trong học tập,…Bên cạnh việc
tham gia đầy đủ và tích cực thì trong các buổi làm việc này tôi và các bạn
trong nhóm còn trò chuyện với người dân nhằm tạo lập mối quan hệ gần gũi
với họ. Đồng thời trong các buổi làm việc chung tôi còn sử dụng linh hoạt
các kĩ năng thu thập thông tin qua các phương pháp phỏng vấn sâu, hỏi ngẫu
nhiên,… Chính hình thức này đã giúp nhóm tôi tạo lập được mối quan hệ tốt
với người dân lại vừa tạo ra không khí thoải mái, thân thiện để người dân
chia sẻ, tạo dựng sự tin tưởng. Qua các buổi làm việc chung nhóm chúng tôi
đã thu thập được nhiều thông tin về các vấn đề của xóm cũng như nhu cầu
của người dân.
Và trong những buổi làm việc chung, buổi giao lưu trao đổi về sau khi
đã lựa chọn được vấn đề ưu tiên và tiến hành triển khai kế hoạch, bản thân
tôi và các bạn trong nhóm duy trì một thái độ cởi mở thân thiện, giao tiếp
một cách linh hoạt và vì thế mối quan hệ giữa nhóm và người dân ngày càng
tốt đẹp hơn, đặc biệt là khi nhóm đã giúp người dân giải quyết vấn đề ô
nhiễm môi trường.
Bên cạnh giao tiếp tạo lập mối quan hệ với người dân thì một vấn đề
quan trọng khác đó là việc làm việc với chính quyền địa phương. Đây là một
trong những nguồn lực có ý nghĩa quyết định để quá trình thực tế của chúng
tôi đạt hiệu quả cao.
Đầu tiên để hợp pháp hóa chuyến đi thực hành, nhóm chúng tôi đã đến
gặp chính quyền xã, thôn, xóm để trình bày mục đích của mình là muốn
được về thực hành môn học tại địa bàn và xin phép được hoạt động. Để
chuẩn bị cho buổi gặp gỡ, ngoài việc chuẩn bị những giấy tờ cần thiết, trang
phục mỗi người trong nhóm cần phải chuẩn bị những kỹ năng giao tiếp cơ
bản. Buổi làm việc rất thành công, các bác rất thân thiện và cởi mở và hứa sẽ
sẵn sàng giúp đỡ nhóm trong quá trình hoạt động tại địa phương. Như vậy,
để có được sự thành công này, bản thân tôi và các bạn đã vận dụng kỹ năng
giao tiếp linh hoạt với thái độ cầu thị và đã đạt được mục tiêu của buổi làm
việc. Và trong suốt quá trình làm việc về sau, khi làm việc với ban lãnh đạo
thôn, xóm chúng tôi luôn giữ một thái độ tôn trọng, khiêm tốn học hỏi và
thành thật trong giao tiếp. Do đó, mà trong quá trình làm việc tại địa phương
chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình từ ban lãnh đạo
thôn và đặc biệt là bác trưởng xóm.
2. Kỹ năng nghiên cứu và đánh giá.
Khi xuống địa bàn công việc đầu tiên của chúng tôi là phải thâm nhập
nghiên cứu những vấn đề còn tồn tại ở địa phương để cùng người dân giải
quyết.
Những ngày đầu tiên, ngoài việc giao tiếp tạo lập mối quan hệ với
người dân, nhóm chúng tôi còn tiến hành khảo sát địa bàn, thu thập thông tin
bằng nhiều phương pháp thâm nhập cộng đồng, phỏng vấn sâu, nghiên cứu
tài liệu, bảng hỏi…Khi đã thu thập được những thông tin cần thiết nhóm
chúng tôi cùng với những người dân sống lâu năm tại địa phương lập bản đồ
xã hội và mô tả lược sử cộng đồng. Sau đó, thông qua các buổi làm việc
chung với người dân nhóm chúng tôi tìm hiểu các vấn đề khó khăn ở địa
phương, đánh giá điểm mạnh điểm yếu của từng vấn đề để cùng với người
dân lựa chọn ra vấn đề ưu tiên nhất, có tính khả thi nhất để cùng với người
dân giải quyết trong thời gian thực hành tại địa bàn. Qua việc nghiên cứu,
tìm hiểu đánh giá nhóm chúng tôi đã có cái nhìn khái quát, khách quan về
địa bàn. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm thực tế, kiến thức chuyên môn
còn hạn chế nên việc nghiên cứu, đánh giá chắc chắn không tránh khỏi sai
sót.
3. Kỹ năng lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ.
Một kĩ năng được sử dụng trong suốt quá trình thực hành đó là kĩ
năng lập kế hoạch và giao nhiệm vụ. Nhóm chúng tôi đã lên kế hoạch hoạt
động cho cả thời gian ở địa bàn cũng như cho từng buổi họp một cách cụ thể
rõ ràng. Mục đích của việc lập kế hoạch là để các thành viên trong nhóm chủ
động được các tình huống trong khi làm việc tại cộng đồng, đồng thời để các
thành viên nắm rõ được mục đích của từng hoạt động. Kế hoạch được lập
phải phản ánh được những mục tiêu và nội dung những hoạt động cũng như
kết quả mong đợi của những hoạt động đó. Có như vậy chúng ta mới có sự
so sánh giữa những gì làm được và những gì chưa làm được so với bản kế
hoạch ban đầu để các buổi sau có sự điều chỉnh kịp thời. Và điển hình nhất
là việc lên kế hoạch cho buổi họp dân, nhóm chúng tôi đã khá vất vả cho
công tác chuẩn bị từ mặt tài liệu, thành phần khách mời, người dân,…đến
việc phân công công việc cụ thể cho từng người. Nói chung, để có thể tổ
chức thành công buổi họp dân đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo tất cả mọi
việc, lên kế hoạch đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Bản thân tôi
nhận thấy nhóm đã vận dụng kĩ năng này khá thành công, minh chứng là
buổi họp dân đã khá thành công. Tuy nhiên, nhiều lúc kế hoạch triển khai
giải quyết vấn đề còn chưa bám sát thực tế, nhóm đã đánh giá và có sự điều
chỉnh để bản kế hoạch hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm
trong từng hoạt động, trong từng buổi họp cũng rất quan trọng. Vận dụng kỹ
năng này nhóm chúng tôi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để
tránh sự chồng chéo trong khi làm việc và xẩy ra những mâu thuẫn nội bộ
không đáng có. Ngoài ra, việc phân công nhiệm vụ còn chú ý đến việc phù
hợp với điểm mạnh của từng người. Ví dụ như trong buổi họp dân, nhóm
chúng tôi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người phù hợp với sở trường
của từng người:
- Tôi, Nga, Nhung, Nghĩa sẽ đảm nhận khâu tiếp tân và kiểm phiếu;
- Dẫn chương trình và điều hành cuộc họp là Diệp;
- Trình bày sơ lược lịch sử cộng đồng và bản đồ xã hội là Nam;
- Trình bày các vấn đề của cộng đồng là Điệp;
- Thư ký là Ly, Linh;
- Chụp ảnh, quay phim làm tư liệu là Hợp.
Bằng cách đó đã nhóm phát huy hết khả năng của từng thành viên
trong công việc và hiệu quả làm việc sẽ tốt hơn. Và để làm được điều đó,
trong khi làm việc với nhau, nhóm chúng tôi đánh giá xem ai có khả năng
thuyết trình, ai giỏi văn nghệ,…sẽ được phân công những công việc phù hợp
với sở trường của người ấy. Và sau mỗi buổi họp chúng tôi thường tóm tắt
lại toàn bộ nội dung trong buổi sinh hoạt, và phân công nhiệm vụ cụ thể cho
từng người chuẩn bị nội dung cho buổi sinh hoạt tiếp theo. Qua hơn một
tháng thực hành, tôi càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc làm việc có
kế hoạch. Tôi nhận thấy nhóm tôi đã vận dụng khá thành công kỹ năng này.
4. Kỹ năng quản lý và giải quyết xung đột
Mười thành viên trong nhóm với mười đặc điểm tâm lý và tính cách
khác nhau. Do vậy, trong quá trình hoạt động chung không trách khỏi mẫu
thuẫn, xung đột. Mỗi mâu thuẫn nhỏ nhưng nếu chúng ta không giải quyết
triệt để, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình hoạt động về sau của nhóm.
Do vậy, khi có bất cứ mâu thuẫn nhỏ hay lớn, cả nhóm tôi sẽ tổ chức họp
nhóm, những thành viên nào không thoải mái về điều gì, về ai cứ nói thẳng
cho mọi người cùng biết để rút kinh nghiệm và khắc phục. Nhờ đó mà mâu
thuẫn được giải quyết. mọi người lại vui vẻ trò chuyện, làm việc. Và sau mỗi
lần như thế, tôi nhận thấy mọi người trong nhóm sẽ hiểu nhau hơn, và mỗi
người đều học được cách chấp nhận người khác. Và nhờ việc vận dụng kĩ
năng quản lý và giải quyết xung đột đã giúp nhóm hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, kĩ năng quản lý còn được thể hiện ở việc phân công công
việc, giám sát quá trình hoạt động và đánh giá kết quả hoạt động của từng
thành viên. Nhóm chúng tôi thực hiện biện pháp để các thành viên tự quản lý
và giám sát lẫn nhau. Biện pháp này rất hiệu quả bởi trưởng nhóm không thể
quản lý hết được tất cả các thành viên mà khi hoạt động nhóm lại chia nhỏ ra
để thực hiện nhiều công việc khác nhau. Và nhờ có biện pháp này các thành
viên đều phải thực hiện vai trò như một trưởng nhóm, từ đó mà các bạn sẽ tự
tin và năng động hơn.
Kỹ năng quản lý và giải quyết xung đột còn được sử dụng khi nhóm
tiến hành các hoạt động chung tại cộng đồng, việc cùng với ban lãnh đạo
thôn xóm và ban đại diện phân chia công việc cho người dân cùng làm. Tuy
nhiên, lúc này nhóm sinh viên phải chú ý đến việc giao tiếp làm sao cho
người dân không cảm thấy mình bị chỉ đạo. Về vấn đề này, nhóm chúng tôi
luôn nhắc nhở các thành viên trong nhóm phải chú ý lời ăn, tiếng nói phải
thể hiện sự tôn trọng người dân (VD như luôn có nói câu bác có thể giúp
chúng cháu việc này không ạ? Đồng thời phải cảm ơn sự tham gia của họ và
khuyến khích họ làm việc tốt hơn). Làm như vậy, người dân sẽ làm việc một
cách thoải mái và hiệu quả hơn.
Trong lúc làm việc với ban đại diện và người dân khi thực hiện triển
khai kế hoạch giải quyết vấn đề cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn. Vai trò của
người tác viên cộng đồng là phải biết xử lý các xung đột xẩy ra trong nhóm
một cách tích cực để hoạt động ngày càng hiệu quả.( VD như hôm họp ban
đại diện trong lúc thảo luận về trình tự triển khai kế hoạch, hoạt động nào
nên thực hiện trước, hoạt động nào nên thực hiện sau, cô Hằng thì bảo lên
phát tờ rơi trước, chú Bảo thì bảo nên tổ chức các buổi chuyên đề trước, ai
cũng bảo vệ ý kiến của mình, cuối cùng xảy ra cãi vã. Lúc này, tôi và các
bạn trong nhóm đã khéo léo đưa vấn đề này cho các thành viên khác trong
ban đại diện cùng thảo luận, ý kiến nào được nhiều người ủng hộ thì mọi
người sẽ lấy ý kiến đó làm ý kiến chung của nhóm). Đây là một tình huống
mâu thuẫn xảy ra trong quá trình nhóm sinh viên làm việc cùng ban đại diện.
Qua đó, tôi thấy rằng nhóm chúng tôi đã biết cách vận dụng kỹ năng giải
quyết xung đột, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn lúng túng khi gặp phải những
tình huống khó.
Trên đây là một số kĩ năng mà bản thân tôi và các bạn trong nhóm đã
sử dụng trong khi thực hành môn phát triển cộng đồn tại địa bàn. Dù còn
nhiều hạn chế nhưng bản thân tôi đã cố gắng hết sức để hoàn thành tốt công
việc. Qua chuyến đi thực tế này, tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc
sử dụng các kỹ năng vào trong quá trình làm việc sao cho hiệu quả, và đây
sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho công việc của tôi sau này.