Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Đánh giá kỹ năng thực hành công tác xã hội nhóm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.61 KB, 11 trang )

Đánh giá kỹ năng thực hành công tác xã hội nhóm
Trong bối cảnh chung của toàn thế giới nói chung và bối cảnh của
Việt Nam nói riêng, cuộc sống ngày càng phát triển, con người càng có
những vấn đề cần giải tỏa, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đó của xã hội, thì
công tác xã hội ở Việt Nam đã đang ngày một hoàn thiện và phát triển như
một nghề chuyên nghiệp. Công tác xã hội nhóm cũng giống như những
phương pháp công tác xã hội khác, đã và đang tiếp cận trên nhiều lĩnh vực
xã hội trong đó có lĩnh vực công tác xã hội đối với thanh thiếu niên với
mong muốn cần trang bị thêm cho các em những kiến thức, kĩ năng cần
thiết.
Sau khi tìm hiểu đặc điểm của nhóm đối tượng tại xóm Lê Lợi- thôn
Lai Tảo- xã Bột xuyên- huyện Mỹ Đức- thành phố Hà Nội, nhóm chúng tôi
đã quyết định lựa chọn nội dung “ Nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh
sản cho thanh thiếu niên”. Mục đích của việc thành lập nhóm nâng cao
hiểu biết về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên. Tôi đã cùng với nhóm
sinh viên tôi sử dụng các kiến thức kỹ năng được học trong nhà trường, với
những vai trò khác nhau nhằm trợ giúp nhóm hoạt động .
Nhóm đã tiến hành sinh hoạt nhóm với nhóm đối tượng trong hơn một
tháng. Thời gian làm việc với nhóm tuy không dài nhưng cũng đã thu được
những kết quả khả quan. Điều đặc biệt là các bạn trong nhóm sinh viên nói
chung và cá nhân tôi nói riêng đã được thực hành nhiều kỹ năng quan trọng.
1. Kĩ năng giao tiếp tạo lập mối quan hệ.
Đây có thể coi là một trong những kỹ năng quan trọng đầu tiên được
sử dụng trong Công tác xã hội nói chung và trong Công tác xã hội nhóm nói
riêng, thậm chí trong đời sống hằng ngày cũng rất quan trọng.
Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc và sinh hoạt với những thanh thiếu niên
trong xóm. Bên cạnh những bạn cởi mở, thân thiện với chúng tôi thì cũng
có các bạn thờ ơ, thậm chí là có ác cảm với chúng tôi. Do vậy việc giao tiếp
lúc này gặp khó khăn. Để tạo mối quan hệ gần gũi với các bạn tôi cùng các
thành viên trong nhóm sinh viên đã tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ.
Trong buổi giao lưu, tôi quan sát sự tương tác giữa các thành viên trong


nhóm, và nhận thấy một số bạn thường xuyên giao tiếp với nhau, một số bạn
khác thì tỏ ra khá rụt rè, e ngại không muốn tham gia. Sau buổi giao lưu văn
nghệ chúng tôi đã tạo lập được mối quan hệ ban đầu với các bạn thanh thiếu
niên của xóm. Và để tìm hiểu thêm những thông tin cần thiết trước khi thành
lập nhóm đối tượng cho môn công tác xã hội nhóm của mình, nhóm chúng
tôi sẽ tiếp tục tổ chức một buổi gặp gỡ với các bạn.
Có một điều hết sức quan trọng trong việc tổ chức sinh hoạt nhóm đó
là cách sắp xếp vị trí làm sao cho thuận lợi nhất khi các thành viên có thể
tương tác với nhau một cách thoải mái. Ngay trong buổi giao lưu lần trước
chúng tôi nhận thấy các bạn có xu hướng quen với ai sẽ ngồi gần và chia sẻ
thông tin với người đó. Vì thể trong buổi gặp gỡ tiếp theo chúng tôi đã cố ý
sắp xếp các ghế ngồi thành hình tròn để các thành viên có thể nhìn thấy nhau
và khi chia sẻ họ có thể nhìn được người đang nói từ đó tăng thêm sự gắn
kết của nhóm lớn mà không dừng lại ở sự chia sẻ trong nhóm nhỏ. Để tăng
thêm sự tự tin cho các thành viên trong nhóm đối tượng, nhóm sinh viên đưa
ra ý kiến là mọi người sẽ đứng lên tự giới thiệu về mình với những sở thích,
sở đoản kết hợp với việc giao lưu văn nghệ. Thật may là các thành viên
trong nhóm đều ủng hộ và tham gia rất nhiệt tình. Bằng cách này nhóm
chúng tôi đã tạo được không khí thoải mái cho các thành viên đồng thời
cũng tạo điều kiện cho các thành viên làm quen với nhau. Và qua đây, nhóm
chúng tôi cũng thu thập nắm được thông tin về điểm mạnh, điểm yếu của
nhóm đối tượng.
Sau những giây phút thoải mái thì nhóm sinh viên đã đề nghị thành
lập một nhóm để các bạn có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với nhau về những
vấn đề mà cả nhóm cùng quan tâm. Các bạn đều nhất chí thành lập nhóm
gồm 9 người, và bầu bạn Vinh làm nhóm trưởng. Như vậy qua buổi sinh
hoạt này, nhóm sinh viên đã cơ bản thực hành được kỹ năng giao tiếp, thiết
lập mối quan hệ với các thành viên trong nhóm đối tượng và đạt được mục
tiêu đề ra.
Theo đánh giá của bản thân tôi nhận thấy rằng, để thiết lập được mối

quan hệ trong lần gặp gỡ đầu tiên cần phải có sự thành thật, cởi mở từ các
thành viên. Và tôi nhận thấy là một nhân viên xã hội nếu biết cách sử dụng
giọng nói, nét mặt, cử chỉ, trang phục, tính cách, không gian giao tiếp… phù
hợp kết hợp giao tiếp ngôn ngữ sẽ đem lại hiệu quả cao cho quá trình giao
tiếp. Tôi nhận thấy mình đã sử dụng khá tốt kĩ năng này, nhờ có tính hài ước
nên việc tạo lập mối quan hệ với các thành viên trong nhóm của tôi cũng
được thực hiện dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn. Trong quá trình sinh hoạt
cùng nhóm đối tượng, tôi luôn kết hợp việc quan sát, theo dõi hình thái giao
tiếp trong nhóm. Từ đó xác định những giao tiếp nào còn thiếu và còn yếu
để khích lệ đối tượng chủ động giao tiếp (Vd như bạn Bằng tuy là có khả
năng ca hát nhưng bạn còn khá rụt rè trong giao tiếp và chưa biết cách thể
hiện bản thân, vì vậy trong quá trình sinh hoạt tôi đã quan sát và khích lệ để
bạn tự tin hơn- PT1). Ngoài ra trong quá trình giao tiếp tôi luôn tập trung
lắng nghe và phản hồi tích cực. Điều này sẽ giúp đối tượng nhận thấy mình
đang được lắng nghe và tự tin hơn để bộc lộ bản thân.
2. Kỹ năng điều phối.
Kỹ năng này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân viên xã hội
nói chung mà còn góp phần không nhỏ làm nên thành công của công tác hội
nhóm. Đây là kỹ năng được sử dụng trong hầu hết các buổi sinh hoạt. Trong
những buổi đầu, khi các thành viên mới gặp nhau nhiều bạn còn rất e dè. Chỉ
có vài thành viên tự tin khi giới thiệu về bản thân. Do vậy, nhóm sinh viên
chủ động chỉ định từng người theo hình thức xoay vòng, những ai chưa chia
sẻ thì đều phải chia sẻ với mọi người trong nhóm.
Khả năng điều phối trước tiên thể hiện ở việc tạo bầu không khí nhóm
đầm ấm và mang tính xây dựng, kích thích các thành viêm tham gia nhiệt
tình và có hiệu quả vào hoạt động nhóm. Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề
với nhóm đối tượng, nhóm chúng tôi đã sử dụng biện pháp kết hợp giữa việc
giải trí và học tập bằng việc tổ chức buổi sinh hoạt như một cuộc thi để tạo
cho các bạn không khí thoải mái, hào hứng và mang tính xây dựng, mỗi
thành viên đều có cơ hội để phát biểu ý kiến của mình. Đồng thời, chúng tôi

luôn quan sát, lắng nghe và khích lệ các bạn kịp thời kết hợp với việc cung
cấp thêm các kiến thức, tài liệu cần thiết. Bằng cách đó, chúng tôi giúp cho
các bạn không cảm thấy khô khan, nhàm chán và hào hứng và tham gia nhiệt
tình hơn vào hoạt động chung của nhóm.
Ngoài ra, Trong nhóm việc có thành viên nói ít, thành viên nói nhiều
là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chúng tôi luôn
chú ý đến việc điều phối sự tham gia của các thành viên trong nhóm, biết
cách hạn chế những thành viên nói quá nhiều và tạo cơ hội cho các thành
viên ít nói có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Những thành viên nói nhiều là
do họ thấy tự tin về kiến thức của mình, muốn thể hiện bản thân hay đơn
giản chỉ là bệnh nói nhiều (Trong nhóm có Tuấn, Quý là những thành viên
tự tin và nói hơi nhiều). Nhưng dù vì bất kỳ lý do nào thì họ cũng phải được
tôn trọng. Khi muốn ngắt lời họ thì phải tế nhị, nên cảm ơn những thông tin
mà họ đã chia sẻ, ghi chép cẩn thận để bảy tỏ sự ghi nhận những đóng góp
của họ.
Còn đối với những thành viên ít nói, ít chia sẻ thì do họ không có
nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm hay họ biết mà ngại nói, không muốn
nói. Đối với những thành viên này thì nhóm chúng tôi chủ động mời họ
tham gia, thường mời họ phát biểu ý kiến ngay từ đầu để tránh bị các thành
viên nói nhiều đánh đòn phủ đầu, họ sẽ không tự tin vào những thông tin của
mình nữa, hay sự kéo dài thời gian sẽ làm cho họ không muốn chia sẻ nữa.
Việc làm này, sẽ giúp cho các bạn còn rụt rè quen dần và trở lên tự tin hơn
trong giao tiếp và thể hiện mình trước đám đông.( Vd như bạn Huệ và bạn
Phương, lúc đầu các bạn còn khá rụt rè, nhưng sau mấy buổi sinh hoạt nhóm
được sự cổ vũ, khích lệ từ phía các bạn trong nhóm sinh viên các bạn đã tự
tin hơn khi phát biểu ý kiến của mình)
Đôi khi các thành viên trong nhóm hay lơ đãng, không tập trung vào
nhiệm vụ nữa. Họ quay nói chuyện về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt là
sau các tiết mục văn nghệ hay các trò chơi. Do vậy, tôi và các thành viên
trong nhóm sinh viên phải nhắc nhở một cách khéo léo và kéo họ trở lại nội

dung chính của buổi sinh hoạt.
Ngoài ra, kỹ năng điều phối còn thể hiện ở cách mà chúng tôi chuyển
các nội dung từng phần trong kế hoạch một cách hợp lý không quá thời gian
quy định nhưng cũng không được quá ngắn mà vừa đủ để chuyển tải hết
những nội dung đã chuẩn bị.
Như vậy, bản thân tôi thấy rằng nhóm chúng tôi cũng đã thực hiện khá
tốt kỹ năng này, tuy nhiên đôi lúc một số thành viên trong nhóm còn lúng
túng trong việc xử lý các tình huống bất ngờ. Ở góc độ cá nhân tôi nhận thấy
rằng đây là một kỹ năng khó thực hiện, nhưng lại hết sức quan trọng. Để
điều phối được mối quan hệ các thành viên trong nhóm đòi hỏi người nhân
viên xã hội phải là người nắm chắc các kiến thức, kỹ năng cần thiết và có
cách dẫn dắt khéo léo kết hợp với việc quan sát, lắng nghe và phản hồi tích
cực…Trong quá trình sinh hoạt với nhóm tôi đã được thực hành và trải
nghiệm những cảm xúc khi thực hành kỹ năng này.
3. Kỹ năng giải quyết xung đột nhóm.
Khi làm việc với bất cứ một nhóm nào thì tất yếu sẽ có xung đột
nhóm xẩy ra. Vai trò của người nhân viên xã hội là biết xử lý các xung đột
xẩy ra trong nhóm một cách tích cực để hoạt động ngày càng hiệu quả.
Vì mỗi cá nhân đều có những đặc điểm, tâm lý khác nhau, do vậy
trong quá trình hoạt động không thể không xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, tôi
nhận thấy xung đột xảy ra trong nhóm đối tượng mà chúng tôi hỗ trợ chủ
yếu là do sự khác nhau về quan điểm và cách nhìn nhận của các bạn về vấn
đề chung cần thảo luận. Thực tế khi sinh hoạt, do nhiều bạn trong nhóm còn
chưa nắm được những kiến thức cơ bản về những chuyên để thảo luận nên
trong lúc sinh hoạt khi một bạn phát biểu sai thì một số bạn khác trêu trọc
(VD như hôm bạn Đức nói sai bạn Bá lại bảo bạn Đức là “ đồ ngu”. Vì thế,
giữa hai bạn đã xảy ra cãi vã, xô xát. Lúc này tôi đã khéo léo, nhẹ nhàng
giảng giải cho bạn Bá hiểu là không nên nói bạn như vậy. Mục đích của
chúng ta khi đến đây để cùng thảo luận tìm hiểu thêm những kiến thức hay,
bổ ích. Vì vậy, trong lúc thảo luận chắc chắn sẽ có bạn đưa ra ý kiến không

đúng. Do đó, mới đòi hỏi các bạn phải tìm hiểu, trao đổi để đưa ra phương
án trả lời đúng nhất chứ! Và nếu lần sau các bạn có trả lời sai thì Bá nên góp
ý nhẹ nhàng để bạn sửa. Sau khi nghe tôi góp ý, Bá đã xin lỗi Đức và hai
bạn đã trở lại vui vẻ như trước. Đó là một trong những tình huống xung đột
trong nhóm mà tôi đã gặp phải khi tổ chức sinh hoạt nhóm. Với vai trò là
người xúc tác và trung gian nhóm chúng tôi đã cố gắng luôn tạo ra bầu
không khí thoải mái để tránh những căng thẳng không đáng có trong nhóm
và nếu xẩy ra những xung đột thì cũng được phát hiện kịp thời và giải quyết
với nhau trên tinh thần làm việc nhóm. Nhờ vậy mà chúng tôi đã xử lý tốt
các mâu thuẫn trong nhóm đối tượng.
Như vậy, chúng ta thấy rằng dù là những mâu thuẫn nhỏ nhưng nếu
chúng ta không giải quyết triệt để, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình
hoạt động về sau của nhóm.
4. Kỹ năng huy động nguồn lực.
Với quan điểm rằng mỗi cá nhân là một cá thể đặc biệt có những tiềm
năng riêng. Nếu được phát hiện và sử dụng hiệu quả thì sẽ đem lại nhiều lợi
ích cho nhóm và cho chính cá nhân đó. Đối với nhóm thì sẽ nâng cao được
những hiệu quả trong các hoạt động. Đối với mỗi cá nhân sẽ là nguồn động
viên lớn cho họ, nâng cao tính tự tin, năng lực cho bản thân.
Qua buổi làm việc đầu tiên thu thập thông tin thì đến buổi thứ hai
chúng tôi bắt đầu xây dựng quy ước nhóm để có được sự thống nhất trong
phương pháp làm việc cũng như những nội dung khác trong suốt tiến trình
làm việc nhóm. Bằng cách cho các thành viên tự thảo luận và thống nhất với
nhau và đưa ra các quy ước nhóm và cam kết thực hiện những quy ước đó
một cách tự nguyện. Những buổi làm việc sau các thành viên đã có ý thức
hơn trong các buổi sinh hoạt về mặt giờ giấc, thời gian nghỉ giải lao và các
nội quy khác…Bên cạnh đó sử dụng áp lực nhóm khi có các thành viên
không tuân theo những quy ước đề ra cũng là một phương pháp làm việc khá
hiệu quả vì chúng ta đã đánh trúng vào sự tự trọng của mỗi cá nhân trước tập
thể khi vi phạm chính những điều mình đã xây dựng nên. Đây chính là cách

chúng ta phát huy nội lực trong nhóm.
Nhóm chúng tôi thành lập gồm có 9 thành viên là các thanh thiếu niên
của xóm. Qua tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau đặc biệt là qua
các buổi làm việc, tiếp xúc với nhau, nhóm chúng tôi mỗi người đều có
những thế mạnh riêng. Và khi nắm được các thế mạnh của các thành viên
trong nhóm thì trong quá trình sinh hoạt chung của cả nhóm, chúng ta sẽ biết
cách phát huy điểm mạnh một cách tốt nhất (vd như bạn Vinh là người có
trách nhiệm và có khả năng lãnh đạo, cả nhóm đã thống nhất bầu bạn làm
trưởng nhóm).
Để tiến hành kết nối được những nguồn lực quan trọng như trên đòi
hỏi nhóm sinh viên cần phải có kỹ năng tìm hiểu thông tin, sắp xếp, tổ chức
sinh hoạt vào những thời gian thuận lợi, chuẩn bị nội dung sinh hoạt thật
linh động để kết nối các nguồn lực bên ngoài đối với nhóm. Nhìn chung kỹ
năng này đã được nhóm sử dụng khá tốt, các thành viên trong nhóm đối
tượng đều có cơ hội bộc lộ mình.

5. Kỹ năng thu hút sự tham gia.
Muốn thu hút được sự tham gia của các thành viên trong nhóm vào tất
cả các hoạt động nhóm. Nó đòi hỏi cả một tiến trình, phải tạo điều kiện cho
các thành viên tham gia ngay từ đầu. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên, nhóm
sinh viên không chờ các bạn chủ động chia sẻ nữa mà chủ động chỉ định
từng người theo hình thức xoay vòng, những ai chưa chia sẻ thì đều phải
chia sẻ với mọi người trong nhóm. Bằng cách đó, mọi thành viên trong
nhóm đều được tham gia ngay từ đầu.
Trong mỗi buổi sinh hoạt nhóm đối tượng, chúng tôi đều cố gắng lôi
kéo, thu hút sự tham gia của tất cả các thành viên cùng thảo luận và phát
biểu ý kiến của mình, đồng thời chúng tôi luôn cố gắng tạo bầu không khí
thoải mái, đầm ấm giúp các thành viên không còn cảm giác xa lạ. Và qua
những buổi sinh hoạt như thế, rất nhiều thành viên trong nhóm đối tượng đã
phát hiện ra những năng khiếu của mình mà trước đây các bạn chưa biết đến.

Và nhìn chung, các thành viên đều tự tin hơn trong giao tiếp và có thêm
được những kiến thức bổ ích.
6. Kỹ năng lập kế hoạch.
Đây là kỹ năng rất cần thiết trong làm việc nhóm nhất là đối với vai
trò của một nhân viên xã hội. Mục đích của việc lập kế hoạch là để bản thân
mình chủ động được các tình huống trong khi làm việc với các thành viên
trong nhóm đối tượng, đồng thời để các thành viên nắm rõ được mục đích
cũng như nội dung của buổi sinh hoạt đó. Kế hoạch được lập phải phản ánh
được những mục tiêu và nội dung những hoạt động cũng như kết quả mong
đợi của những hoạt động đó. Có như vậy chúng ta mới có sự so sánh giữa
những gì làm được và những gì chưa làm được so với bản kế hoạch ban đầu
để các buổi sau có sự điều chỉnh kịp thời.
Qua hơn một tháng thực hành, tôi càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng
của việc làm việc có kế hoạch. Nó giúp chúng ta có thể giảm bớt những khó
khăn khi phải xử lý các tình huống bất ngờ và tạo được hiệu quả cao trong
công việc. Và trong suốt thời gian làm việc với nhóm đối tượng ở địa bàn,
nhóm chúng tôi đã lên kế hoạch cho từng buổi rất cụ thể như tài liệu, cách
trình bày, trang phục,…đặc biệt là về thời gian để cả nhóm có thể hoạt động
hiệu quả nhất. Và sau mỗi lần sinh hoạt chúng tôi tiến hành lượng giá được
kết quả hoạt động và rút kinh nghiệm cho những buổi sinh hoạt sau.
7. Kỹ năng giao nhiệm vụ.
Vì đây là nhóm phòng ngừa nên nhiệm vụ chủ yếu của các bạn là
tham gia thảo luận về các vấn đề mà cả nhóm quan tâm với sự hỗ trợ của
nhóm sinh viên. Do vậy, kỹ năng giao nhiệm vụ chỉ là việc giúp các thành
viên chia nhóm để thảo luận sao cho phù hợp và phát huy năng lực của từng
thành viên.
Ngoài việc giao nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm đối tượng
thì kĩ năng giao nhiệm vụ còn thể hiện trong việc giao nhiệm vụ cho từng
thành viên trong nhóm sinh viên. Và điều quan trọng nhất trong kỹ năng này
là phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tránh sự chồng chéo trong

khi làm việc và xẩy ra những mâu thuẫn nội bộ không đáng có. Ngoài ra,
còn phải phù hợp với điểm mạnh của từng người. Làm được như vậy, sẽ
giúp nhóm phát huy hết khả năng của từng thành viên trong công việc và
công việc của nhóm sẽ đạt hiệu quả cao. Do vậy, trong khi làm việc với
nhau, nhóm chúng tôi đánh giá xem ai có khả năng thuyết trình, ai giỏi văn
nghệ,…sẽ được phân công những công việc phù hợp với sở trường của
người ấy. Và sau mỗi buổi họp chúng tôi thường tóm tắt lại toàn bộ nội dung
trong buổi sinh hoạt, và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người chuẩn bị
nội dung phải chuẩn bị cho buổi sinh hoạt tiếp theo.
Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt cùng nhóm đối tượng bản thân tôi
cũng như các thành viên trong nhóm còn sử dụng kết hợp các kĩ năng quan
sát, kĩ năng lắng nghe, kĩ năng phản hổi, kĩ năng thấu cảm,… Tuy chưa thực
sự thực hiện tốt các kĩ năng, nhưng qua hơn một tháng làm việc cùng với
nhóm đối tượng chúng tôi đã có cơ hội thực hành các kĩ năng này, tôi tin đây
sẽ là những bài học khinh nghiệm quý giá cho công việc sau này của chúng
tôi.
Trên đây là những đánh giá kỹ năng mà cá nhân tôi cũng như nhóm
chúng tôi đã vận dụng được trong quá trình thực hành môn Công tác xã hội
nhóm với nhóm tuyên truyền và giáo dục kiến thức về sức khỏe sinh sản cho
thanh thiếu niên tại xóm Lê Lợi- thôn Lai Tảo- xã Bột Xuyên- huyện Mỹ
Đức- thành phố Hà Nội. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng bản thân tôi nói riêng
và cả nhóm tôi nói chung đã cố gắng hết mình nhằm đạt được mục tiêu đã đề
ra, mong thầy cô và các bạn đóng góp ý kiến để giúp nhóm hoạt động ngày
càng tốt hơn.

×