Tải bản đầy đủ (.docx) (16 trang)

Kỹ năng quản lý bản thân hiệu quả

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (172.89 KB, 16 trang )

Bài 1: KỸ NĂNG QUẢN LÝ BẢN THÂN
1.Khái niệm kỹ năng quản lý bản thân
Thế nào là kĩ năng quản lý bản thân? Đó là những cách thức ( phương pháp,
chiến thuật) của cá nhân giúp cho cá nhân đó có cuộc sống tốt đẹp hơn, bao gồm
việc đặt mục tiêu, mục đích, xây dựng kế hoạch, lập chương trình thực hiện mục
tiêu, tự tiến hành công việc và tự đánh giá kết quả.
Một người làm chủ bản thân, có kĩ năng quản lý bản thân biết: Mình muốn
gì, không muốn gì, thuận lợi và khó khăn có thể gặp khi thực hiện mục tiêu, sự
kiên định mục tiêu đã đề ra, biết điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp khi cần thiết,
lường trước những hậu quả xấu có thể xảy ra và tìm được giải pháp khắc phục,
đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra.
Ví dụ: Một sinh viên đặt mục tiêu phấn đấu trở thành sinh viên giỏi trong
năm học tới. Sinh viên đó biết cách xác định:
- Tình trạng học tập của mình hiện nay ra sao (Mới đang đứng thứ 15 trong
lớp)
- Thế mạnh của mình khi theo đuổi mục tiêu (Bố mẹ quan tâm, có chị gái
học rất giỏi, có thể hỗ trợ, bản thân học khá nếu chăm chỉ hơn…)
- Điểm yếu của mình ( Ham chơi điện tử, dễ bị bạn bè lôi kéo)
- Cách khắc phục nhược điểm, điểm yếu của mình. ( Sẽ từ chối khi bạn rủ bỏ
học đi chơi điện tử, sẽ tìm lý do thích hợp để từ chối…)
- Cách học tập để đạt mục tiêu ( Dành nhiều thời gian cho môn còn kém, cố
gắng hoàn thành bài tập ở lớp, về nhà học cùng chị gái…)
- Đánh giá kết quả học tập của mình ( thông qua các bài kiểm tra, các lần
xung phong lên bảng, sự đánh giá của bạn bè, thầy cô …)
Chúng ta nói một sinh viên như vậy có kĩ năng làm chủ bản thân hay có kĩ
năng quản lý bản thân.
2. Nội dung kỹ năng quản lý bản thân
- Xác định rõ ràng mục tiêu: Là việc xác định các công việc của mình trong
một thời gian nhất định. (Ví dụ: Mỗi ngày sẽ học 4 tiếng; chạy bộ 3 km buổi sáng;
tự giặt quần áo)
- Xác định rõ khi nào thì thực hiện những mục tiêu đề ra. Ví dụ: Hàng ngày;


từ thứ hai đến thứ sáu; một tuần 2 lần; bất cứ lúc nào…
- Ghi chép tiến trình hoàn thành hoặc không hoàn thành công việc đề ra. Ví
dụ: Có tờ lịch treo trên tường, mỗi khi hoàn thành công việc nào đó, đánh dấu lên
lịch để theo dõi.
- Lắng nghe nhận xét của mọi người xung quanh. Nói cho mọi người biết
mục tiêu phấn đấu của mình và tiến trình thực hiện. Nhờ người ta theo dõi, đánh
giá, nhắc nhở mình trong quá trình thực hiện công việc. Nhờ người khác khen
thưởng, động viên, khi bạn hoàn thànhhoặc nhắc nhở, phạt mình khi mình chưa
hoàn thành công việc.
- Tự phạt mình khi không hoàn thành công việc hoặc giao hẹn với một ai đó
theo dõi giúp mình. Nếu mình chưa hoàn thành một công việc nào đó đã đề ra, tự
mình xử phạt mình hoặc nhờ người khác phạt mình để rèn tính kỉ luật cho bản
thân. Ví dụ: Khi bạn không hoàn thành bài ở nhà, tự phạt mình bằng cách không
được đi chơi bóng vào lúc 5 h chiều cùng các bạn. Hoặc, nếu bạn phạm một điều gì
đó, bạn sẽ phải chiêu đãi bạn thân của mình một món ăn nào đó ( vừa túi tiền như
que kem, gói ô mai nhỏ…)
- Chia nhỏ nhiệm vụ, mục tiêu thành những mục tiêu nhỏ hơn. Ví dụ, để đạt
mục tiêu “ Nói năng lưu loát ở chỗ đông người”, bạn hãy chia nhiệm vụ này thành
những mốc nhỏ, cụ thể như: Có thể tự nhiên hơn khi lên bảng trả lời bài; Có thể
đứng trước nhóm bạn thân, nói năng tự nhiên; Đứng trước lớp nói không run;
Đứng trước lớp nói lưu loát; Đứng trước toàn trường nói năng lưu loát; Nói năng
lưu loát ở bất cứ hoàn cảnh nào… Tham lam, nóng vội là nguyên nhân dẫn tới khó
quản lý bản thân.
- Loại trừ những trở ngại, cản trở trên bước đường bạn phấn đấu đạt mục
tiêu. Tính nhút nhát, sự a dua theo bạn bè, sự cả nể, cả tin, những thói quen xấu…
có thể ảnh hưởng tới việc đạt mục tiêu của bạn. Hãy lập kế hoạch loại trừ dần dần
để con đường bạn đi quang đãng hơn, sáng sủa hơn.
3. Nguyên tắc quản lý bản thân
Mỗi người phải có khả năng quản lý bản thân mình. Đây là có thể là những
nguyên tắc để sống và làm việc:

- Sống theo các giá trị của bạn, cho dù chúng là gì. Khi bạn không sống như
vậy bạn sẽ dễ làm mọi người rối tung vì không biết được bạn sẽ hành xử như thế
nào. Không cần phải bắt chước hay giống một ai – dù đó là một người tài giỏi và
đáng khâm phục. Bạn chỉ cần là chính mình, vì bạn đặc biệt và duy nhất. Bạn hãy
sống thật với chính bản thân mình.
- Hãy nói ra! Không ai có thể “nghe” thấy những gì bạn nghĩ nếu bạn không
sẵn sàng nói ra. Đọc suy nghĩ là điều gì đó mà hầu hết mọi người không thể làm
được. Cách thức bày tỏ cũng biểu hiện tính cách của bạn và cũng giúp người xung
quanh hiểu bạn nhiều hơn.
- Hãy tôn trọng những lời nói và giữ lời hứa của mình. Nếu không, mọi
người cuối cùng sẽ không tin vào những gì bạn nói. Và sau đó, liệu những lời nói
đó sẽ có tác dụng hay ý nghĩa gì với ai? Cách thức tôn trọng bản thân thể hiện ở
chỗ bạn dám nói – dám làm và dám hành xử như những gì mình nói ra.
Khi bạn đòi hỏi ai phải có trách nhiệm hơn, hãy đảm bảo mình có đầy đủ
trách nhiệm. Đừng mong đợi ở một ai đó điều mà bản thân bạn chưa từng thử hay
chưa từng làm. Bạn có thể góp ý, nhưng đừng ép buộc người khác theo kiểu “bạn
phải….”. Chỉ khi bạn hoàn thành trách nhiệm của mình và không sơ suất, bạn mới
đủ tự tin để yêu cầu một ai đó làm một việc gì đó.
- Quyết tâm gây dựng sự tin tưởng. Bạn sẽ hành động thế nào để người khác
bày tỏ sự tôn trọng và tin tưởng bạn. Đừng nghĩ, đòi hỏi hay mơ mộng rằng ai đó
sẽ nhìn thấy thực tài của bạn khi bạn chưa cố gắng hết mình để thể hiện chúng.
- Tạo những thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu. Những thói quen
tốt giúp chuyển các nguồn năng lượng của bạn thành chuỗi động lượng hài hòa cho
bạn; các thói quen xấu thì hủy hoại năng lượng của bạn và làm bạn kiệt quệ.
- Hãy có đạo đức nghề nghiệp. Kỳ lạ thay, những giá trị “kiểu cũ” như: đáng
tin, đúng hẹn, chuyên nghiệp và siêng năng lại đang được đánh giá cao hơn bao giờ
hết. Hãy là người của hành động. Luôn tìm tòi giải pháp. Quyết tâm làm những gì
cần phải làm.
- Hãy là người quan tâm. Hãy đọc, nghe để học, rồi chia sẻ những thứ bạn
biết cho mọi người. Ai cũng sẽ chú ý đến một người biết cách thể hiện sự quan tâm

một cách tinh tế và bày tỏ sự hiểu biết của mình một cách tự tin.
- Hãy là người tử tế. Hãy lịch thiệp, nhã nhặn và tôn trọng. Hãy luôn chu
đáo. Những cách hành xử này vẫn có giá trị rất lớn trong cuộc sống. Đừng cho
rằng khi mình có địa vị đồng nghĩa với việc mình có quyền có những hành vi trên
người khác.
- Hãy là người có kỷ luật: Đó là những gì mà người lớn gọi là “trưởng
thành”.
- Giữ mình luôn khỏe và chăm sóc cho bản thân. Tập thể dục cho tâm trí, thể
xác và tinh thần để bạn có thể là người đáng tin cậy, và như thế bạn sẽ sống cởi mở
và giàu có.
4. Quản lý bản thân bằng "5S + 4D"
4.1. Quản lý bằng 5S
- Seiri (Sàng lọc): Con người luôn phải đối mặt với những sự đánh đổi. Vì
thế, học cách chấp nhận những gì mình có và biết cách phân loại, lựa chọn cái gì
phù hợp nhất là nội dung của quy tắc này. Để làm được điều đó, một tinh thần thoải
mái và tỉnh táo là vô cùng cần thiết.
- Seiton (Sắp xếp): Sinh viên hiện nay vẫn thường xuyên bị “quá tải” và có
giờ giấc sinh hoạt không khoa học bởi không biết bố trí, sắp xếp công việc hợp lý.
Điều quan trọng là cần có một kế hoạch và thời gian biểu rõ ràng.
- Seiso (Sạch sẽ): Thỉnh thoảng hãy dành thời gian cho việc sắp xếp lại đồ
đạc trong phòng và quét dọn chúng. Ngoài ra, luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp, có
một môi trường sống lành mạnh và an toàn.
- Seiketsu (Săn sóc): Hãy nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Ngay cả máy móc cũng
cần phải được bảo dưỡng định kỳ kia mà? Bạn đừng nghĩ những buổi đi chơi hàng
tuần với bạn bè là lãng phí thời gian.
- Shisuke (Sẵn sàng): Một cỗ máy được lựa chọn kỹ càng, dụng cụ ngăn nắp,
sạch sẽ, thường xuyên được bảo dưỡng là đã có thể sẵn sàng hoạt động tốt. Đảm
bảo 4 quy tắc trên là bạn đã có đủ những yếu tố để sẵn sàng khởi động cho một
mùa học mới.
4.2. Quản lý bằng 4D

-Desire (Khát vọng): Hoài bão của bạn là gì? Không trả lời được câu hỏi này
đồng nghĩa với việc bạn buông rơi tương lai của mình.
-Drive (Động lực): Có ước mơ, có hoài bão, vậy cái gì khiến bạn thực hiện
nó? Hiểu rõ “động cơ” hành động sẽ giúp bạn tăng tốc nhanh chóng.
- Discipline (Kỷ luật): Theo SVVN, đừng quá khắt khe với bản thân nhưng
cũng đừng “nuông chiều” chính mình. Sống có kỷ luật sẽ rèn cho bạn đức tính kiên
trì và bản lĩnh.
- Determination (Quyết tâm): Bạn đã có khát vọng? Vậy hãy quyết tâm để
thực hiện nó cho bằng được.
5. Một số kỹ năng giúp bạn quản lý bản thân
5.1.Kĩ năng quản lý thời gian
Quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng, để đạt được thành
công. Vì những người quản lý thời gian hiệu quả sẽ có tư duy rành mạch hơn, rõ
ràng hơn. Họ là những người sáng tạo hơn và làm việc tốt hơn, và giải quyết được
nhiều vấn đề hơn. Ngoài việc phải lên kế hoạch, sắp xếp công việc ưu tiên, liệt kê
các việc cần làm… như ai cũng đã biết, còn điều gì mà bạn cần phải chú ý nữa?
Dưới đây là những điều bạn cần rèn luyện thành thói quen.
- Có lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần
Dù có vẻ như công việc hàng ngày của bạn luôn giống nhau, theo một quy
trình từ sáng đến tối. Nhưng đừng chủ quan mà bỏ qua việc này nhé. Vì bạn sẽ
không thể nhớ được một cuộc hội thảo mà bạn muốn tham dự, còn khoảng 2 tuần
nữa mới tổ chức. Hãy đánh dấu vào lịch, nhắc nhớ nơi gần bạn nhất. Như điện
thoại, máy tính cá nhân, hoặc sổ tay ghi chép, nếu bạn dùng nó hàng ngày. Bạn chỉ
cần đánh dấu, viết ghi chú lại từng ngày, từng sự kiện, bạn sẽ có ngay một bản kế
hoạch và xác định được sự ưu tiên trong từng việc
- Lên kế hoạch và ước chừng thời gian
Việc lên kế hoạch thì rõ ràng cần thiết rồi. Nhưng bạn phải “lượng hóa” nó.
Tức là quy về những con số cụ thể. Việc này bạn cần giải quyết trong thời gian bao
lâu để bắt đầu một việc khác đang chờ.
- Dừng lại và suy nghĩ

Ví dụ như khi được triển khai một việc nào đó, hãy dừng lại một chút để
xem cách giải quyết nào là tốt nhất. Bạn có thể “khởi động” chậm hơn người khác
một chút, nhưng kết quả công việc có hiệu quả hơn thì rõ ràng tốt hơn việc, bạn cứ
cắm cúi lao vào công việc mà quên đi mất, mình đã tối ưu hóa nó hay chưa.
- Kế hoạch dự phòng
Mọi thứ đều có thể thay đổi và biến chuyển. Vì vậy, bạn luôn phải nghĩ đến
những tình huống phát sinh trong quá trình làm việc. Ví dụ như đầu tuần bạn lên
lịch, sẽ hẹn khách hàng vào thứ 3, thứ 5 và thứ 6. Nhưng bạn chỉ có thể thực hiện
được 1 cuộc hẹn trong kế hoạch này. Vậy thời gian trống kia, bạn sẽ làm gì nếu
như không có kế hoạch dự phòng?
- Tự đặt những câu hỏi cho bản thân
Hỏi chính bạn xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không làm nó? Nếu bạn có thể
tồn tại với những hậu quả đó, thì đừng làm nó. Một thực tế bạn cần hiểu đó là bạn
có thể tồn tại với những hậu quả nhiều hơn những cái hiện tại bạn đang nghĩ. Thực
sự có rất ít thứ bạn nhất thiết phải làm trong cuộc sống.
Nếu có một điều gì đó thực sự cần xảy ra thì câu hỏi thứ hai là “Ai có thể
thay thế tôi làm việc đó?” Và những câu hỏi đi liền với nó là “Người này có thể tin
tưởng được không?”, “Có cần thiết để có một cuộn băng ghi lại chính xác hiệu quả
công việc hay để kiểm tra công việc của anh ta không?”
Nếu không ai có thể thực hiện nhiệm vụ đó, thì câu hỏi tiếp theo là “Cách tốt
nhất để tôi có thê làm là gì?”, “Nó phải chính xác như thế nào để gọi là đủ?” và câu
hỏi quan trọng nhất là “Làm thế nào tôi có thể điều khiển được sự kì vọng của
những người khác?”, “Làm thế nào tôi có thể được công nhận như mình vừa hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ?”.
Có rất nhiều sức mạnh trong những câu hỏi này. Hãy đặt ra những câu hỏi
như vậy khi làm mọi việc cho đến khi việc áp dụng nó trở thành một thói quen.
Việc này có quan trọng không? Có cần làm ngay không? Có cần đích thân mình
phải làm làm không. Tuy nhiên, lý thuyết chỉ là lý thuyết. Việc bạn cần là rèn luyện
chúng thành thói quen trong hành động và suy nghĩ hàng ngày.
* 15 mẹo quản lý thời gian một cách tốt nhất:

" Thời gian là vàng" , không ai có thể níu giữ hoặc kéo dài quỹ thời gian của
mình. Vì vậy, việc quản lý thời gian hiệu quả là vấn đề đáng lưu tâm của mỗi
người. Nó đòi hỏi phải có sự cố gắng và kiên trì để bạn có thể làm chủ được thời
gian của mình và hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.
Dưới đây là 15 mẹo quản lý thời gian thiết thực nhất giúp bạn có thể bắt đầu
ngay từ bây giờ.
1-Viết ra mọi thứ
Lỗi phổ biến của quản lý thời gian đó là cố gắng sử dụng trí nhớ của bạn để
nhớ quá nhiều chi tiết dẫn đến bạn bị quá tải thông tin. Phương pháp sử dụng danh
sách việc cần làm để viết ra mọi thứ là một cách rất tuyệt để kiếm soát các dự án và
công việc của ban, khiến bản thân bạn sắp xếp có tổ chức hơn.
2- Sắp xếp thứ tự yêu tiên cho danh sách của bạn
Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho danh sách việc cần làm của bạn sẽ giúp bạn tập
trung và dành nhiều thời gian vào những việc thật sự khó khăn. Đánh giá các công
việc của bạn theo thứ tự, sử dụng hệ thống sắp xếp thứ tự theo ABCD được diễn
giải trong các khóa học về quản lý thời gian.
3- Lên kế hoạch trong tuần của bạn
Bạn dành một số thời gian vào đầu tuần để lên kế hoạch làm việc cho mình.
Dành ra chút ít thời gian để lập kế hoạch sẽ giúp tăng năng suất của bạn và cân đối
các dự án dài hạn quan trọng với những công việc cấp bách hơn. Mọi thứ bạn cần
là 15 đến 30 phút mỗi tuần để họp về kế hoạch làm việc của bạn.
4- Mang theo một quyển sổ nhỏ
Bạn không bao giờ biết khi nào thì bạn sẽ có những ý tưởng lớn hoặc sự
thông thái sáng suốt. Vì vậy, bạn nên mang theo một quyển sổ nhỏ để khi đi tới đâu
bạn cũng có thể ghi lại được suy nghĩ của mình. Nếu bạn để thật lâu mới viết ra
suy nghĩ của mình, thì bạn có thể sẽ quên mất. Một cách khác đó là bạn sử dụng
máy ghi kỹ thuật số.
5- Hãy học cách nói “không”
Do hứa hẹn quá nhiều, nhiều người bị quá tải vì có quá nhiều việc; họ nói
“có” trong khi đáng lẽ ra họ phải nói “không”. Vì vậy, bạn hãy học cách nói

“không” với những yêu cầu có mức ưu tiên thấp, và bạn sẽ có nhiều thời gian để
làm những việc quan trọng hơn.
6- Suy nghĩ trước khi hành động
Bao nhiêu lần bạn nói “có” với một số việc, và sau đó bạn lại cảm thấy hối
tiếc? Vì vậy trước khi hứa hẹn làm một công việc mới, bạn hãy ngừng lại để suy
nghĩ một chút trước khi đưa ra câu trả lời của mình. Điều này sẽ tránh cho bạn khỏi
bị làm quá nhiều việc.
7- Không ngừng nâng cao bản thân
Bạn nên dành thời gian trong kế hoạch làm việc của bạn để học những điều
mới và phát triển khả năng cũng như tài năng bẩm sinh của bạn. Ví dụ, bạn có thể
đăng ký một lớp học, tham gia một chương trình đào tạo, hoặc đọc một cuốn sách.
Không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng của bạn sẽ tăng khả năng tìm việc của
bạn, giúp bạn nâng cao sự nghiệp, và là một hướng đi đáng tin cậy nhất để trở
thành người độc lập về tài chính.
8- Hãy suy nghĩ về những gì bạn sẽ từ bỏ để làm những công việc hàng ngày của bạn
Sẽ là rất tốt nếu bạn thường xuyên đánh giá cách thức bạn sử dụng thời gian.
Trong một số trường hợp, điều tốt nhất bạn có thể làm là ngừng làm một hoạt động
nào đó không còn có ích cho bạn nữa, để dành thời gian làm những hoạt động khác
có ích hơn. Bạn hãy cân nhắc những việc bạn có thể từ bỏ để có thể tiếp tục thực
hiện những công việc hiện tại của bạn.
9- Sử dụng hệ thống quản lý thời gian
Sử dụng hệ thống quản lý thời gian có thể sẽ giúp bạn theo dõi mọi việc bạn
cần làm, tổ chức và sắp xếp thứ tự công việc của bạn, phát triển những kế hoạch
khả thi để hoàn thành nó. Một hệ thống hợp nhất sẽ giống như chất keo dính gắn
chặt các phương pháp quản lý thời gian tốt nhất với nhau.
10- Nhận ra các thói quen xấu
Bạn nên lập ra danh sách các thói quen xấu tiêu tốn thời gian của bạn, phá
hủy mục tiêu của bạn và hạn chế thành công của bạn. Sau khi lập xong danh sách,
bạn hãy tập loại bỏ từng thói quen một và loại bỏ các thói quen một cách có hệ
thống ra khỏi cuộc sống của bạn. Bạn hãy nhớ rằng cách tốt nhất để loại bỏ một

thói quen xấu là thay thế nó bằng một thói quen tốt.
11- Đừng làm việc của người khác
Bạn có thói quen làm việc hộ người khác bởi vì bạn mang tâm lý của “người
hùng” hay không? Nếu bạn làm như thế, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian của bạn.
Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào những dự án và mục tiêu của chính bản thân
bạn, học cách giao việc một cách hiệu quả, và dạy người khác làm thế nào để họ
làm công việc của họ.
12- Ghi nhật ký về mục tiêu của bạn
Thời gian làm việc nhằm mục đích lập và đánh giá các mục tiêu của bạn.
Ban đầu, bạn hãy ghi ra mục tiêu của bạn, sau đó bạn viết quá trình thực hiện của
bạn đối với từng mục tiêu. Nhìn lại nhật ký mục tiêu hàng tuần và đảm bảo bạn vẫn
đang đi đúng hướng.
13- Đừng là người cầu toàn
Một vài công việc yêu cầu bạn phải cố gắng hết sức. Ví dụ, khi gửi một
email ngắn tới đồng nghiệp, bạn đừng nên dành thời gian nhiều hơn một vài phút
để làm điều đó. Bạn hãy học cách phân biệt giữa những công việc cần phải hoàn
thành một cách xuất sắc với những công việc chỉ cần làm được mà thôi.
14- Nhận biết những công việc “lấp chỗ trống”
Khi bạn có danh sách những việc cần làm với rất nhiều việc quan trọng, bạn
hãy thận trọng để không bị rối trí bởi những công việc “lấp chỗ trống”. Những
công việc đã được sắp xếp trong sổ hoặc trong giấy tờ của bạn có thể đợi tới khi
bạn giải quyết những công việc có thứ tự ưu tiên cao nhất.
15- Tránh không rơi vào “những cái bẫy hiệu quả”
Làm việc có hiệu quả không nhất thiết là bạn phải làm việc có năng suất.
Bạn nên tránh những công việc mà bạn có thể làm một cách hiệu quả nhưng lại
không cần phải làm gì hết. Chỉ bởi vì bạn đang bận và phải hoàn thành công việc
không có nghĩa là thực tế bạn đang hoàn thành những việc quan trọng.
5.2.Kỹ năng quản lý cảm xúc
Trong cuộc sống cá nhân, bạn có thể gặp rất nhiều tình huống. Có thể nó sẽ
đem lại cho bạn cảm xúc vui sướng, có thể nó sẽ đem lại cho bạn cảm xúc căng

thẳng, tiêu cực. Vậy bạn sẽ phản ứng với như thế nào khi gặp các tình huống đó?
Việc kiềm chế cảm xúc trong các tình huống là rất quan trọng. Với những cảm xúc
tích cực, hầu hết mọi người không cần chiến lược để kiểm soát nó vì cảm giác vui
sướng, niềm hăng say, lòng từ bi, hay lạc quan thường không ảnh hưởng tiêu cực
đến người khác. Miễn là bạn chia sẻ cảm xúc tích cực đó 1 cách có ích. Song với
cảm xúc tiêu cực nếu không kiểm soát được, nó có thể dẫn bạn đến hành động,
những cách cư xử không những gây ảnh hưởng tiêu cực cho người khác, thậm chí
có thể gây tổn hại đến hình ảnh, danh tiếng cũng như năng suất làm việc của bạn.
Một vấn đề quan trọng đặt ra cho mỗi cá nhân là làm thế nào để kiểm soát cảm xúc
của mình tốt hơn, và “lựa chọn” cách phản ứng với các tình huống xấu và kiểm
soát chúng một cách hiệu quả?
Trong cuộc sống những cảm xúc tiêu cực thường diễn ra là: thất vọng/cáu
gắt; lo lắng/ bồn chồn; tức giận/ làm sự việc nghiêm trọng; không thích; thất vọng/
không vui. Dưới đây là các chiến lược khác nhau để đối phó với các cảm xúc tiêu
cực trên.
- Thất vọng / Cáu gắt: Cảm giác thất vọng thường xuất hiện khi bạn cảm
thấy bế tắc không thể giải quyết được công việc hoặc rơi vào tình cảnh tiến thoái
lưỡng nan. Có thể do đồng nghiệp phản đối dự án tâm huyết của bạn hoặc sếp
không đến họp đúng giờ hoặc đơn giản là phải chờ điện thoại quá lâu, do cách cư
xử của người khác… Dù sao đi nữa thì bạn vẫn phải kịp thời kiểm soát sự thất
vọng của mình vì thất vọng thường dẫn tới cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như tức
giận. Dưới đây là một vài gợi ý để kiểm soát sự thất vọng:
+ Dừng lại và đánh giá – Điều tốt nhất mà bạn có thể làm lúc bấy giờ là dùng
lý trí lấn át cảm xúc và xem xét tình huống. Hãy tự hỏi tại sao bạn cảm thấy thất
vọng, viết ra cụ thể, rồi nghĩ về một điều tích cực hơn trong hoàn cảnh đó. Ví dụ,
nếu sếp của bạn trễ họp, thì hãy nghĩ là bạn có thêm thời gian để chuẩn bị. Hoặc,
bạn có thể tận dụng thời gian này để thư giãn một chút.
+ Tìm những mặt tích cực trong hoàn cảnh đó – Suy nghĩ tích cực hơn sẽ làm bạn
nhìn vấn đề theo một hướng khác. Chính sự thay đổi nhỏ trong suy nghĩ này sẽ có
thể thay đổi cả tâm trạng của bạn. Chẳng hạn như có ai đó làm bạn thất vọng thì

hãy nghĩ là họ không cố ý, mình đã hiểu tính cách của họ. Nếu có điều gì đó đang
phiền lòng bạn thì hãy xem đó không phải là chuyện của riêng ai, đừng suy nghĩ
nhiều mà hãy cứ tiếp tục công việc của mình.
+ Ngẫm nghĩ về lần thất vọng gần đây nhất của bạn – Lần cuối cùng bạn cảm thấy
thất vọng về một điều gì đó, hãy nhớ lại xem nó có được giải quyết ổn thỏa kịp
thời không? Chắc chắn là sự thất vọng hay cáu gắt của bạn chẳng thể giúp bạn giải
quyết ổn thỏa vấn đề của mình. Như vậy, có nghĩa là chúng chẳng giúp được gì cho
bạn trong lúc này.
- Lo lắng / Căng thẳng: Nguyên nhân lo lắng của bạn thường do áp lực gì đó
như công việc, tài chính có vấn đề, sự cố không mong muốn xảy ra… Nhưng chính
sự lo lắng sẽ khiến bạn dễ dàng mất kiểm soát. Và nếu bạn chấp nhận bị nó kiểm
soát, thì không những gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe mà còn ảnh hưởng
tới cuộc sống của bạn cũng như khả năng đương đầu với thách thức trong công
việc. Hãy thử áp dụng những gợi ý sau để kiểm soát lo lắng của bạn:
+ Đừng bao bọc quanh bạn bằng lo lắng – Ví dụ nếu đồng nghiệp bạn đang tụ tập
trong phòng nghỉ và bàn tán về việc liên quan đến vấn đề làm bạn lo lắng thì đừng
đến đó và cũng đừng bạn tâm đến nó. Nếu mọi người ai cũng lo lắng thì sự lo lắng
nó càng lớn hơn và điều đó chẳng tốt cho ai cả.
+ Tập hít thở sâu– Giúp nhịp thở và nhịp tim bạn chậm lại. Hít vào từ từ trong
5 giây và thở ra từ từ trong 5 giây. Chỉ tập trung hít thở, và đừng để ý đến chuyện
gì khác. Hãy làm điều này ít nhất 5 lần. Để biết thêm, hãy đọc kĩ thuật thư giãn cơ
thể.
+ Tập trung cải thiện tình hình – Nếu trong công việc, bạn sợ bị sa thải thì ngồi
đó và lo lắng cũng chẳng thể giúp bạn giữ được công việc của mình. Thay vì đó, tại
sao bạn không thử động não để tìm cách đóng góp cho công ty nhiều hơn, và cho
họ thấy bạn giá trị như thế nào? Nếu trong cuộc sống bạn có thể cải thiện tình hình
bằng cách đi chơi đâu đó, nói chuyện với bạn bè, xem phim, làm việc gì mà bạn
thích…
+ Viết một quyển nhật kí về những lo lắng của bạn– Nếu bạn cảm thấy lo lắng luôn
chiếm giữ tâm trí mình thì hãy viết những lo lắng đó vào vở hoặc nhật kí để giải

tỏa lo lắng và lên kế hoạch giải quyết chúng. Rồi hãy quên chúng đi vì biết chắc
rằng bạn sẽ giải quyết được. Khi đến lúc thực hiện kế hoạch, hãy tiến hành phân
tích rủi ro và có những hành động cần thiết để hạn chế những rủi ro đó.
Khi cảm thấy lo lắng, bồn chồn, bạn sẽ thiếu tự tin. Hãy đọc những cuốn
sách hay bài viết về sự tự tin để đảm bảo bạn không rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Ngoài ra, cũng đừng để lo lắng làm mất đi sự quyết đoán chuẩn xác của bạn.
- Tức giận / làm sự việc trở nên nghiêm trọng: Giận dữ mất kiểm soát có
lẽ là cảm xúc tiêu cực nhất mà mọi người thường kinh qua tại nơi làm việc. Đó
cũng là cảm xúc mà hầu hết chúng ta không kiểm soát tốt. Nếu bạn thấy khó khăn
trong việc kiểm soát sự nóng giận của mình thì hãy học cách kiểm soát nó ngay từ
bây giờ, vì đó là một trong những cách tốt nhất để giữ hình ảnh tốt đẹp của bạn
trong mắt người khác. Hãy thử những gợi ý dưới đây để kiểm soát cơn giận của
bạn:
+ Nhận ra các dấu hiệu ban đầu của sự giận dữ - Chỉ có bạn mới biết được dấu
hiệu tức giận của chính mình khi nó đang hình thành, vì vậy, hãy học cách nhận ra
nó ngay khi nó bắt đầu. Ngăn sự giận dữ của mình chính là điều quan trọng nhất.
Hãy nhớ rằng, bạn có quyền chọn cách phản ứng lại với hoàn cảnh. Đừng biện
minh rằng bản năng đầu tiên của bạn đối với hoàn cảnh là thể hiện sự tức giận, đó
không phải là cách phản ứng khôn ngoan.
+ Nếu bạn bắt đầu tức giận, hãy ngưng mọi việc đang làm – Nhắm mắt lại và thở
sâu như chúng ta đã học ở bên trên. Việc tập trung thở sâu sẽ làm gián đoạn suy
nghĩ bực tức và đưa bạn trở lại trang thái tích cực hơn
+ Tưởng tượng ra chính mình khi đang giận dữ: Nếu bạn tưởng tượng ra bạn trông
như thế nào và hành xử ra sao trong khi tức giận, bạn sẽ có quan điểm và thái độ
khác trong tình huống đó. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị quát tháo nhân viên, hãy tưởng
tượng bạn sẽ trông như thế nào. Mặt bạn đỏ phải không? Bạn vung tay lung tung
phải không? Liệu bạn có muốn làm việc với một người như mình lúc đó không?
Chắc chắn là không.
- Không thích: Có lẽ chúng ta đã từng phải làm việc hoặc gặp phải những
người mà ta không thích. Nhưng quan trọng là phải hoàn thành công việc và tỏ ra

lịch sự dù trong hoàn cảnh nào. Dưới đây là một số gợi ý cách làm việc, cư xử với
những người mà bạn không thích:
+ Hãy tôn trọng - Nếu bạn phải làm việc, tiếp xúc với một người mà bạn
không thích, hãy tạm thời gạt bỏ niềm tự hào và cái tôi của bạn đi. Hãy lịch sự và
tôn trọng họ như bạn đang đối xử với những người khác. Người ta hành xử một
cách không hay không có nghĩa là bạn cũng như họ.
+ Hãy quyết đoán - Nếu người khác hành xử thô lỗ và không đẹp, hãy giải
thích dứt khoát rằng bạn không muốn họ cư xử với bạn như vậy và thật bình tĩnh
thoát khỏi hoàn cảnh đó. Hãy nhớ rằng, bạn phải nêu gương nếu muốn người khác
cư xử tốt với mình.
- Chán nản / Không vui: Đối phó với sự chán nản hay không vui thật sự
khó khăn. Tất cả những cảm xúc đó nếu trong công việc có thể tác động đến năng
suất của bạn, nếu trong cuộc sống hàng ngày có thể dẫn tới việc làm không đem lại
kết quả tốt đẹp. Nếu bạn chán nản, năng lượng của bạn chắc hẳn sẽ thấp, bạn sẽ lo
ngại gặp phải rủi ro nào đó, và những cảm xúc đó có thể ngăn cản bạn đạt được kết
quả tốt. Dưới đây là một số bước để chủ động học hỏi và đối phó với sự chán nản
và không vui:
+ Nhìn vào suy nghĩ của bạn–Nếu suy nghĩ kỹ bạn sẽ nhận ra rằng mọi việc
không luôn như mình mong muốn. Nếu mọi việc đều như bạn nghĩ thì cuộc sống
sẽ là một đường thẳng thay vì có những ngọn đồi và thung lũng, lên và xuống đúng
không nào?Và chính những ngọn đồi và thung lũng ấy thường làm nên điều thú vị
trong cuộc sống.
+ Điều chỉnh mục tiêu của bạn - Bạn đang chán nản vì không đạt mục tiêu? Điều
này không có nghĩa là mục tiêu ấy sẽ không bao giờ đạt được. Hãy giữ nguyên
mục tiêu nhưng cần điều chỉnh đôi chút trong cách thức – ví dụ, kéo dài thời hạn.
+ Ghi lại suy nghĩ của bạn - Hãy viết ra những điều thật sự làm cho bạn không
hài lòng. Đồng nghiệp? Công việc của bạn? Quá nhiều việc phải làm? Ngay khi
bạn phát hiện ra điều bất ổn hãy bắt đầu động não để tìm cách giải quyết nó. Hãy
nhớ rằng, việc thay đổi tình hình là nằm trong tầm tay bạn.
+ Mỉm cười! – Nghe có vẻ lạ, nhưng một nụ cười miễn cưỡng- thậm chí chỉ

cần một cái nhăn mặt – cũng có thể làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc (đây là một
trong những cách kỳ lạ mà con người có thể làm được). Hãy thử xem – bạn sẽ ngạc
nhiên đấy!
Tất cả chúng ta phải đối phó với cảm xúc tiêu cực trong công việc, trong
cuộc sống và học cách đương đầu với chúng ngay từ bây giờ. Tóm lại, cảm xúc
tiêu là một chất xúc tác có khả năng lây lan rất nhanh, và chẳng ai muốn ở bên
cạnh một người luôn gây ảnh hưởng tiêu cực lên mình. Hiểu rõ nguyên nhân gây ra
cảm xúc tiêu cực của bạn và những cảm xúc bạn phải đối mặt thường xuyên
nhất. Khi những cảm xúc tiêu cực bắt đầu xuất hiện, ngay lập tức sử dụng những
phương thức được học để ngăn chặn nó lại. Càng chần chừ ngăn chặn cảm xúc tiêu
cực thì bạn càng gặp nhiều rắc rối hơn.
6. Thực hành: Giảng viên cho sinh viên thực hành theo tình huống tự chọn

×