Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Vai trò và vị trí âm tiết trong ca từ cải lương potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (221.07 KB, 12 trang )

Vai trò và vị trí âm tiết trong ca
từ cải lương


Trong kịch bản văn học của Cải lương xưa nay, các tác giả cũng như
người trong giới thường hay đề cập đến vấn đề tính văn học kịch cao hay không
cao, được lấy ngôn từ của kịch bản mà làm chuẩn. Có nghĩa là lấy ngôn ngữ của
nhân vật làm thước đo cho nghệ thuật văn chương của tác giả kịch bản, trong đó
có lời ca của các thể điệu Cải lương. Nhưng không mấy ai gọi ngôn từ mà nhân
vật ca ở các thể điệu là ca từ Cải lương; vì hầu hết họ cho rằng, thuật ngữ “ca từ”
chỉ dành để gọi cho các ca khúc hoặc bài Vọng cổ, bởi đó là cách gọi truyền thống.
Nhưng khi được nghiên cứu khoa học về đặc điểm ngôn ngữ học của Cải
lương thì nghệ thuật ca ngâm của các nhân vật (vai diễn) trong kịch bản Cải lương,
phương tiện chính đó là ca từ. Bởi lẽ, lời ca của các thể điệu Cải lương chẳng khác
gì lời ca của các ca khúc hay bài Vọng cổ về mặt cấu trúc ngôn từ. Và ca từ Cải
lương được khái niệm: “Ca từ Cải lương là những ngôn từ của nhân vật kịch có
sẵn trong kịch bản, ngôn từ đó được kết hợp chặt chẽ với âm nhạc, có âm thanh
chồng khít lên nhau khi phát ra tiếng ca thành những âm thanh hoàn chỉnh về cả
nội dung lẫn hình thức” (Đỗ Quốc Dũng, Luận văn Thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ
của ca từ Cải lương, 2010).
Nói đến ca từ Cải lương là nói đến mối quan hệ tương tác và qui ước của
các phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện âm nhạc Cải lương. Yếu tố cấu trúc
chính của ca từ là từ và ngữ nói chung thì trong đó, vai trò và vị trí âm tiết là thành
phần nòng cốt rất quan trọng trong ca từ Cải lương. Vì ca thuộc về nhạc, từ thuộc
về ngôn ngữ, và mối quan hệ giữa chúng vừa tương tác qua lại, vừa qui ước lẫn
nhau. Nếu từ xuất hiện thì nhạc cũng xuất hiện đồng thời và ngược lại; âm của nốt
nhạc qui ước kéo theo âm tiết của từ về vần điệu. Ví dụ, âm “hò” của nhạc xuất
hiện thì qui ước âm tiết của từ phải mang thanh điệu “huyền” như: “tình”, “người”,
“đời”…; âm “cống” của nhạc xuất hiện thì qui ước âm tiết xuất hiện phải là âm
mang thanh điệu “sắc” như: “thắng”, “chiến”, “thúy”…
VAI TRÒ ÂM TIẾT TRONG CA TỪ CẢI LƯƠNG


Âm tiết là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói mà bất cứ người
bản ngữ nào cũng có thể nhận ra (TS. Mai Thị Kiều Phượng, Ngôn ngữ học đại
cương, 2009).
Từ khái niệm này, âm tiết của ca từ Cải lương là một đơn vị tuy nhỏ nhất
trong ngôn ngữ Cải lương, nhưng trong cộng đồng người Việt ai cũng có thể cảm
nhận được cả nội dung và hình thức của nó. Là một đơn vị tiêu biểu, xuất hiện
khắp trong kịch bản, ở các thể điệu, các từ loại ca từ; với chức năng tạo thành từ,
ngữ, câu của ca từ và nghĩa của ca từ cũng vô cùng phong phú.
Riêng ở ca từ Cải lương, đơn vị ca từ có thể là một từ đơn (một âm tiết), từ
ghép, ngữ, câu; nhưng mỗi đơn vị ca từ chỉ có một âm tiết chính nhịp làm chuẩn,
và âm tiết chính nhịp lại đảm nhận vai trò rất quan trọng, vừa làm trọng âm, vừa
kiêm thêm nhiệm vụ của một âm giai nữa. Âm tiết chính nhịp là những âm tiết có
trọng âm, khi kết thúc từ, ngữ, câu, âm tiết đó rơi ngay nhịp chính hoặc nhịp kết
thúc. Ví dụ, trong một câu Vọng cổ có bao nhiêu hình vị là bấy nhiêu âm tiết,
nhưng những âm tiết chính nhịp chỉ khi nào âm tiết đó có trọng âm và rơi ngay
nhịp nhạc, cuối khuôn nhịp hoặc cuối câu nhịp của nhạc. Ví dụ, trong câu 1 Vọng
cổ như sau:

Vọng cổ - câu 1
Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy
ra… chào. Cửa vườn nhà cô đã khóa kín tự năm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ
dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo bạc màu lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau
trước vắng tanh, trong gió lạnh chiều Đông bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm
như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm. (những chữ in đậm là âm tiết chính
nhịp)
(Viễn Châu. Vọng cổ Tình anh bán chiếu)

Phụng hoàng – 4 câu
Dù sao đi nữa thì chị cũng về vui với hai em,
Để mừng ngày em vu qui xuất giá

1. Cho vui lòng ba với má
2. Chị đây cũng đẹp mặt nở mày với lối xóm bà con
3. Còn dượng ba đây,
Là một thanh niên có học thức lại đàng hoàng
4. Chị đây vô cùng sung sướng
Khi thấy em mình, có một người chồng như lòng chị ước mong.
(Hà Triều – Hoa Phượng. Kịch bản Nửa đời hương phấn)
Như vậy, vai trò của âm tiết không chỉ là một hình vị để cấu tạo từ ngữ
trong ca từ, mà chúng còn có nhiệm vụ rất quan trọng và đặc biệt để phân định tiết
tấu ca từ, tức là âm tiết làm chuẩn nhịp chính của các đơn vị ca từ. Từ đây, âm tiết
còn có vai trò khác như làm điểm rơi của trọng âm từ hoặc câu; hoặc phân cách
trong hội thoại, những âm tiết chính nhịp thường là tạo chỗ ngừng.
Về cấu trúc, âm tiết của ca từ là một tổ hợp âm thanh, có thể bao gồm nhiều
âm tố hoặc đôi khi chỉ một âm tố và một thanh điệu, như : “ý”, “u” Trong mỗi
âm tố chỉ có một âm tố làm âm tiết tính, tức là âm tố chính có vai trò nòng cốt tạo
thành âm tiết. Còn lại là các yếu tố phụ đi kèm và nó không tự có khả năng cấu
thành âm tiết. Ví dụ, hai âm tiết trong một ca từ xanh thắm, nguyên âm a và ă ở
đỉnh âm tiết, còn các phụ âm x, nh, th, m ở ranh giới của âm tiết.
Trong ca từ Cải lương, nhiều trường hợp có hai hay ba nguyên âm trong
một âm tiết, nhưng suy cho cùng trong số đó chỉ có một nguyên âm tạo đỉnh, còn
các âm tố khác không tạo thành đỉnh âm tiết, gọi là bán nguyên âm. Ví dụ, duyên,
đầu, chỉ có nguyên âm [ê] và [â] là tạo đỉnh âm tiết…
Chức năng âm tiết của ca từ cơ bản là mối quan hệ giữa việc phân chia lời
ca thành âm tiết, và sự phân chia lời ca thành các đơn vị có nghĩa, tức hình vị và từ.
Ví dụ, hai âm tiết của hai từ ghép thương nhớ và nhớ thương trong âm giai của thể
điệu Vọng cổ khác với âm giai của Xuân tình, và âm giai Xuân tình khác với âm
giai điệu Xế xảng…
Ví dụ, Từ lúc chia tay em, trong lòng anh không nguôi thương nhớ là dứt
câu 1 bài Vọng cổ, nhưng đảo ca từ cuối câu lại Từ lúc chia tay em, trong lòng anh
không nguôi nhớ thương thì về âm nhạc là dứt câu 3 hoặc câu 6. Xét về nghĩa của

từ nhớ thương và thương nhớ không khác nhau, nhưng thanh điệu của ca từ là chỗ
âm giai khác nhau, tức là sắc thái âm thanh bị chuyển đổi (trong thay đổi trật tự
âm tiết của ca từ).
Một âm tiết trong ca từ Cải lương cũng có cấu trúc gồm ba thành tố: thanh
điệu, phụ âm đầu và phần vần (phần còn lại).
Trong ca từ, mọi âm tiết đều có thanh điệu và từng thanh điệu có vai trò
then chốt trong việc tạo nên giai điệu (âm giai) trong âm nhạc ngũ cung: hò – xự –
xang – xê – cống.
Phụ âm đầu chỉ là yếu tố phụ, nhưng nó độc đáo và mở đầu cho âm tiết, khi
phát thành tiếng ca thì nó có đặc điểm dọn cho hơi ca.
Phần còn lại của âm tiết, có từ một đến ba yếu tố, gồm một bán nguyên âm
chiếm vị trí trung gian giữa phụ âm đầu và phần vần làm chức năng âm đệm, một
nguyên âm âm tiết tính và một phụ âm hoặc bán nguyên âm cuối, có vai trò kết
thúc âm tiết. Phần vần rất quan trọng trong ca từ, nó tạo trọng âm và sắc thái của
ca từ. Phần vần của âm tiết lúc nào cũng liên kết chặt chẽ với vỏ âm thanh của
tiếng nhạc.
Dựa vào cấu trúc và chức năng âm tiết của ca từ, mà các nghệ sĩ Cải lương
họ kiến tạo cho mình một phong cách ca ngâm riêng. Một số nghệ sĩ có thể có làn
hơi chất giọng giống nhau, như làn hơi cao (cao độ) và dài (trường độ), giọng
trong trẻo; có một số người làn hơi ngắn, thấp, giọng khàn khàn, đục, trầm lắng…
là do được nhận diện từ cơ sở âm tiết của ca từ mà họ biểu đạt. Họ sử dụng kỹ
thuật trong ca ngâm để hiện thực hoá các âm tiết của ca từ bằng cách luyến láy,
nhấn nhá, lạng lách là qua các đặc điểm cơ bản của âm tiết, như ngân giọng ở phần
vần của âm tiết, mà tiêu điểm để làm chỗ ngân là đỉnh âm tiết, tức nguyên âm
chính của phần vần. Kỹ thuật ngân giọng là người ca biểu diễn làn hơi chất giọng
riêng của mình: mượt mà, thanh thoát, ngọt ngào… được đánh giá qua đặc điểm
của âm tiết ca từ: Là vỏ ngữ âm của một hình vị hay một từ đơn, vì mỗi âm tiết là
hình thức biểu đạt của một hình vị (Đinh Lê Thư - Nguyễn Văn Huệ, Cơ cấu ngữ
âm tiếng Việt, 1998).
VỊ TRÍ ÂM TIẾT CỦA CA TỪ CẢI LƯƠNG

Mỗi âm tiết trong ca từ Cải lương cũng tương ứng với một ý nghĩa nhất
định và tương đối ổn định về mặt cấu trúc. Và các loại hình âm tiết cũng có tác
dụng không kém trong ca từ Cải lương. Theo “Cơ cấu ngữ âm tiếng Việt” của
Đinh Lê Thư - Nguyễn Văn Huệ phân loại âm tiết như sau :
- Âm tiết mở
Âm tiết mở là âm tiết không có âm cuối như: hò, xự, xê trong nhạc Cải
lương. Trong ca từ, âm tiết mở là những âm tiết có đặc điểm nổi bật trong ca ngâm,
nó không cản trở làn hơi, không tắc vô thanh nên giọng người ca ngân nga, luyến
lạng để biểu diễn sự mền mại, uyển chuyển của giọng ca.
Ví dụ, từ "thương nhớ", "mưu kế", "tha thứ", "thỏ thẻ"…
Tuy nhiên, âm tiết mở mà người ca biểu diễn làn hơi được, âm tiết đó phải
là âm tiết chính ở vị trí của nhịp chính cuối của một từ hoặc cuối của một câu. Âm
tiết mở của ca từ còn có trường hợp ngoại lệ, là khi chúng là âm tiết chính ở nhịp
chính hoặc cuối câu của một số thể điệu thì người ca không ngân - rung giọng,
nhưng họ có thể nhấn trọng âm để biểu đạt tính chất của ca từ. Đó là những âm tiết
mở nhưng chúng có thanh điệu dấu huyền và nặng, cho dù chúng ở vị trí nhịp
chính hoặc cuối câu của ca từ.
Ví dụ, "rung sợ", "đoàn tụ", "cớ sự", "mong chờ", "đôi bờ", "bơ phờ"…
Với các ca từ trên, các âm tiết chính nhịp, tức âm tiết cuối từ; khi người ca
thực hiện ca từ đó thì giọng cũng kết thúc gãy gọn tại âm tiết cuối – chính nhịp,
mà không thể ngân – rung giọng được do yếu tố của thanh huyền và nặng: huyền
thì thấp và trầm, nặng thì thấp và tắc.
- Âm tiết nửa mở
Âm tiết nửa mở là âm tiết có âm cuối là một bán nguyên âm. Ví dụ: mai.
thuý, Đào… như: liu, lìu trong nhạc Cải lương. Trong ca từ có thể dùng những âm
tiết này làm âm tiết cho nhịp chính hoặc nhịp kết thúc câu của ca từ. Chúng có tác
dụng để người ca biểu diễn được làn hơi chất giọng.
Ví dụ, "xứ Huế", "muôn thuở", "thâm thuý"…
Tuy nhiên, âm tiết nửa mở cũng có trường hợp ngoại lệ tương tự như âm
tiết mở, khi chúng mang thanh điệu dấu huyền và nặng thì người ca không ngân -

rung giọng được.
Ví dụ, "mong đợi", "ân huệ", "thời đại", "ba đào", "biên thuỳ", nhạt
nhoà"…
Những âm tiết cuối ca từ, tức âm tiết chính nhịp; khi người ca biểu đạt thì
âm tiết đó rơi ngay chữ nhạc chính nhịp và kết thúc gãy gọn.
- Âm tiết khép
Âm tiết khép là âm tiết có âm cuối là một âm tắc vô thanh như: nhọc, ngọc,
mất, chết, thích… Với ca từ Cải lương thì những âm tiết khép có đặc điểm khi ca,
người ca không thể rung - ngâm giọng được, là những âm tiết mà các tác giả
không xây dựng thành âm tiết chính ở đầu câu hoặc cuối câu của ca từ, mà chúng
chỉ xuất hiện trong lòng câu lòng bản không ở nhịp chính, mà chúng chỉ có chức
năng là một âm đệm trong một đơn vị ca từ.
Ví dụ, "khó nhọc", "tất bật", "yêu thích", "sống chết"…
Tuy nhiên, có những trường hợp vì lệ thuộc vào nội dung, ngữ nghĩa của ca
từ, khi người ca gặp phải những âm tiết khép thì họ phải vay mượn âm “ư… hoặc
ơ…” để ngân giọng bằng cách ngậm miệng lại, nhưng không rung giọng được.
Trường hợp này thường xảy ra ở thể điệu Vọng cổ câu 1 (cống) và câu 9 (xự).
- Âm tiết nửa khép
Âm tiết nửa khép là âm tiết có âm cuối là một phụ âm mũi m, n, nh, ng. Ví
dụ, làm, tìm, lòng, tin, mênh, mông… Đương nhiên là các tác giả sáng tác ca từ
cũng dựa vào âm tiết có âm cuối là một phụ âm mũi. Loại âm tiết này có phần
thoáng hơn, có những âm chính trong một đơn vị ca từ có thể tạo điều kiện thích
hợp để người ca ngâm biểu diễn được làn hơi chất giọng của mình ở nhiều thể
điệu của Cải lương. Tuy nhiên, như đã nêu trên là những âm tiết mang thanh điệu
dấu huyền và nặng thì người ca sẽ không biểu diễn được làn hơi chất giọng như
những âm tiết mang dấu sắc, hỏi và không dấu - thanh ngang.
Ví dụ, "nhớ thương", "xanh thẳm", "uy tín", "thông minh"…
Căn cứ đặc điểm của các loại hình âm tiết nói trên, giúp các tác giả có cơ sở
lí thuyết khi xây dựng ca từ chuẩn hơn; từ đó tạo được sự trung hoà cho hơi –
giọng người ca phát âm ca từ tròn vành, rõ chữ không bị cưỡng âm, có cơ sở để

xử lý kỹ thuật thanh đới trong ngân nga, luyến láy tinh tế hơn.
HIỆN TƯỢNG THAY ĐỔI VỊ TRÍ ÂM TIẾT TRONG CA TỪ CẢI
LƯƠNG
Tiếng Việt tiếng có đặc điểm cơ bản là ranh giới của hình vị trùng với âm
tiết, hay nói cách khác, mỗi âm tiết là hình thức biểu đạt của một hình vị.
Trong ca từ của Cải lương thường có hiện tượng thay đổi vị trí của âm tiết
trong ca từ do yêu cầu của vần điệu, âm nhạc. Nói cách khác, là ngôn từ lúc này
tuân thủ theo luật bằng trắc thì mới đồng âm thanh và chữ nhạc, thương nhớ có thể
trở thành nhớ thương, nhớ mong có thể thành mong nhớ và ngược lại.
Ví dụ, trong Vọng cổ, dứt câu 1 là âm “cống” có thanh điệu “sắc” thì ca từ
của từ “thương nhớ” có âm tiết cuối là "nhớ" thanh điệu “sắc”, nhưng dứt câu 2 là
âm “xang” thanh điệu không dấu, câu 3 và 6 là âm “hò” có thanh điệu là “huyền”,
thì “thương nhớ” không phải là đơn vị ca từ phù hợp với câu 2, 3 và 6, nên phải
thay đổi trật tự âm tiết của ca từ cho phù hợp với âm của nhạc ở câu 2 (xang), 3
(hò) và 6 (hò). Vì theo luật bằng – trắc (thanh ngang và huyền là bằng, sắc - hỏi –
nặng – ngã là trắc), nên âm hò là thanh huyền thì nằm trong luật thuộc về “bằng”,
mà từ “thương” có thanh ngang cũng đồng âm với “hò” và ngược lại.
Sự thay đổi (hoán vị) vị trí âm tiết của ca từ thường xảy ra đối với những
âm tiết ở vị trí cuối câu hoặc cuối từ của ca từ do yêu cầu vần điệu và âm nhạc,
nhưng ngữ nghĩa vẫn không thay đổi. Hiện tượng này, nhằm giúp cho các tác giả
kịch bản Cải lương rộng đường để sáng tạo ca từ phong phú hơn về ngữ nghĩa.
Ví dụ, 4 nhịp cuối dứt câu 6 bài vọng cổ.
…Sông sâu bên lở bên bồi
Tình anh bán chiếu trọn đời không phai.
(Viễn Châu. Vọng cổ Tình anh bán chiếu)

Cũng tương tự, 4 nhịp cuối dứt câu 6 một bài vọng cổ khác như sau:
…Tân Long anh nhớ em mong
Hẹn mùa nhãn chín mình nên duyên tình.
(Đỗ Dũng. Vọng cổ Mùa nhãn hẹn hò)


Dứt bài Vọng cổ Tình anh bán chiếu là ca từ bằng hai âm tiết không phai,
còn dứt bài Vọng cổ Mùa nhãn hẹn hò ca từ bằng hai âm tiết duyên tình. Hai âm
tiết của bài trước có thanh điệu đều là thanh ngang, còn hai âm tiết bài sau có
thanh điệu một thanh ngang và một là thanh huyền, âm nhạc Cải lương dứt Vọng
cổ câu 6 là 2 âm "xang hò" ở cung bậc trung, "xáng liu" ở bậc cao, như hai bậc vẫn
đồng âm cách nhau một quãng - ngũ độ.
Căn cứ vào luật bằng - trắc mà việc thay đổi vị trí âm tiết trong ca từ không
khó khăn và cũng không làm lệch nghĩa của ca từ. Nhờ đó, tác giả sáng tác ca từ
rộng đường chọn lựa ngôn từ không gò bó, người ca cũng không nhọc nhằn khi
phát âm, sợ “phô” hoặc cưỡng âm. Trong một số điệu thức khác cũng thế, điệu
Lưu thuỷ trường bản đại diện cho sáu bản Bắc, vô đầu là âm “hò” thì trong bài ca
“Nghề chài” như sau:
Câu 1. Nghề chài (hò), không phải là nhàn (hò).
(khuyết danh)

Ca từ nghề chài có âm tiết thứ hai chài đồng âm thanh với âm hò của nhạc
do hai âm cùng thanh điệu khi phát ra âm thanh. Còn âm nhàn cũng đồng âm
thanh với thanh điệu âm hò. Hiện tượng này chỉ đồng âm thanh chứ không đồng
âm vị. Ví dụ, so sánh ở trường hợp của bài ca Lưu thuỷ trường khác “Bá Nha ngộ
Tử Kỳ”, ta thấy sự đồng âm thanh như sau:
Cấu 1. Trăng thu (hò), nồng tiếng nhạn kêu sương (hò).
(khuyết danh)

Rõ ràng là hai ca từ có hai âm tiết khác thanh điệu (không dấu), nhưng khi
biểu đạt hai ca từ trên vẫn đồng âm thanh với hò, tiếng thanh vẫn chồng khít lên
nhau là một. Hầu hết các thể điệu như thế được xem là hiện tượng đồng âm thanh
nhưng khác hình vị - âm tiết so với từ và nhạc trong ca từ Cải lương.
Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò và vị trí âm tiết trong ca từ Cải
lương là rất quan trọng và đặc biệt. Vai trò của âm tiết là một hình vị trong một

đơn vị ca từ có tác dụng phân định trường canh (nhịp nhạc) để tạo nên tiết tấu cho
các thể điệu ca từ Cải lương; nói rõ hơn, vai trò âm tiết làm phận sự chính nhịp của
một ca từ. Vị trí của âm tiết khá rộng, có thể ở vị trí cố định và có thể hoán vị như
đã nói trên; và khi cần thiết cũng có thể thay đổi vị trí nào đó cho phù hợp với vần
điệu và âm nhạc. Kết quả nghiên cứu này là một khám phá mới, nhằm góp phần
vào lý thuyết sáng tác ca từ và người ca biểu đạt ca từ có cơ sở xử lý kỹ thuật hơi –
giọng trong ca ngâm thuận lợi và tinh tế hơn.
Ths Đỗ Dũng

×