Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Văn hoá mỹ thuật không thể không sốt ruột pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.65 KB, 8 trang )

Văn hoá mỹ thuật không thể
không sốt ruột
Nguyên Hưng


Mỹ thuật đương đại Việt Nam đã có một thời “bùng nổ”. Bối cảnh xã
hội “đổi mới” và “mở cửa” đã mang lại khá nhiều điều kiện thuận lợi
cho sinh hoạt mỹ thuật - từ chuyện sáng tác, triển lãm, mua bán tác
phẩm đến “giao lưu”, “hội nhập” v.v… Trong một khoảng thời gian
ngắn năm bảy năm mà số lượng “nghệ sĩ tạo hình” trên cả nước tăng
lên rất nhiều. Nhiều người sống được bằng tiền bán tác phẩm. Và, một
số không ít, nhanh chóng trở nên giàu có. Diện mạo nghệ thuật cũng
thay đổi. “Đa sắc, đa hình, đa tình, đa ý” hơn. Không chỉ có hội họa
Trừu tượng vẽ những gì “không rõ hình thù” trở lại. Không chỉ có hội
họa Biểu hiện với “những hình thể vặn vẹo, sắc màu u uất” lên ngôi.
Không chỉ có chuyện tình dục và những uẩn khúc của “cái tôi” phơi
trần. Không chỉ có v.v… mà còn, du nhập những thứ như Installation,
Performance, Land Art, Body Art, Video Art v.v… “khó nuốt” luôn cả
với ngay chính những người đang thực hành nó. Sự phấn khởi, lạc quan
lan tràn lên các mặt báo kích thích thêm cho niềm tin về sự lớn mạnh
và tương lai rạng rỡ của mỹ thuật Việt Nam…

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như ai cũng thấy, sự “bùng nổ” gây náo
nức kia chỉ là chuyện phong trào, chuyện xã hội mang tính nhất thời.
Nó chỉ mới là sản phẩm tự phát của bối cảnh xã hội mới, chứ hoàn toàn
không phải là sản phẩm của một hay những cách thức tư duy mới. Với
“tự do” có được, các nghệ sĩ có thể “muốn làm gì thì làm”. Nhưng xét
đến cùng, tự do cũng là một thách thức, mà dường như các nghệ sĩ Việt
Nam, phần lớn, chưa được chuẩn bị về mặt nội tại để có thể vượt qua.
Họ “muốn làm gì thì làm”, nhưng đã không đóng góp được những tiêu
chuẩn giá trị mới, định hình một hệ thẩm mỹ mới thích nghi với thời


đại, để sự đồng hóa mỹ thuật Việt Nam thời “đổi mới” với mỹ thuật
“mới” Việt Nam không phải là sự đánh tráo khái niệm-do ngây thơ hay
cố tình gian lận. Trước tình trạng “rã rời” của cả nền mỹ thuật hiện nay,
nhiều người đã qui kết cho sự ngưng trệ của thị trường mỹ thuật, cho sự
thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động thông tin, tuyên truyền nghệ thuật
v.v… Nhưng, thực ra, vấn đề là ở ý thức, ở nội lực của từng nghệ sĩ.
Không được dẫn dắt bởi một cách thức tư duy mới, số đông nghệ sĩ, đã
không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo, không biết làm
thế nào để bảo toàn nguồn năng lượng vốn có. Bỏ qua hiện tượng đánh
đu giữa những mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật phổ biến nơi
khá đông nghệ sĩ, ngay ở phần “nghiêm chỉnh” nhất, mỹ thuật “mới”
Việt Nam, cũng chỉ là sự đánh đu giữa các khuynh hướng ngoại nhập
với nghệ thuật dân gian. Nói “đánh đu”, bởi không thấy gốc rễ, không
có dấu hiệu của sự chuyển hóa thích ứng, sự thống nhất mang tính nội
tại. Chỉ cần đặt cuốn Hội họa mới Việt Nam thập kỷ 90 (Trần Hậu
Tuấn & Bùi Như Hương- NXB Mỹ thuật-2000) bên cạnh bất cứ cuốn
sách nào điểm lại hội họa phương Tây thế kỷ 20, và chỉ cần xem phần
hình ảnh minh họa, ai cũng dễ dàng nhận thấy, hội họa “mới” Việt Nam
cứ như một phiên bản mờ nhạt. Có lẽ, hoàn toàn không quá khi nói,
trong một diện mạo như thế, hội họa “mới” Việt Nam, cũng đúng luôn
với mỹ thuật “mới” Việt Nam nói chung, vẫn chỉ là một vùng ngoại vi
của mỹ thuật phương Tây. Tất cả những hình ảnh biểu trưng của cái
được gọi là “văn hóa làng”, “văn hóa tâm linh”v.v… được khai thác
như những chất liệu mới, mang tính “dân tộc” chỉ có ý nghĩa làm thỏa
mãn sự hiếu kì văn hóa của khách du lịch, người nước ngoài nói chung,
chứ không làm nên thế giá cho nó xét trên phương diện nghệ thuật. Còn
tất cả những cái được gọi là “Biểu hiện”, là “Trừu tượng” v.v… mà các
nghệ sĩ tự hào cho là “Hiện đại”, thực tế, chỉ có ý nghĩa tô đậm cho tính
chất ngoại vi của hội họa “mới” Việt Nam mà thôi - đi sau quá xa là
một, nhưng quan trọng hơn, là kém thực chất: cách vẽ mới không mang

ý nghĩa của cách nhìn mới. Điều này còn thể hiện rất rõ ở một khía
cạnh khác: tuy làm theo những hình thức rất mới của thiên hạ - như
Pop, như Installation, như Performance v.v…- nhưng khi diễn giải, các
họa sĩ vẫn dừng lại ở lăng kính Tượng trưng chủ nghĩa, thậm chí là
Hiện thực hay Lãng mạn chủ nghĩa… Nói chung, mỹ thuật "mới" Việt
Nam không có sự khai phá, tự thể hiện. Chỉ có sự đi theo, thậm chí ăn
theo, nhai lại…

Trước thực tế như vậy, cho đến nay, nhiều người đã đặt lại vấn đề về
vai trò và trách nhiệm của phê bình. Nhưng thực ra, phê bình cũng “vậy
thôi”. Thậm chí còn “tệ” hơn. Hầu như chưa có ai được chuẩn bị chu
đáo cho công việc phê bình. Trên cả nước, tìm “đỏ cả mắt” cũng chẳng
thấy ai đủ sức đi làm cái công việc biện biệt các giá trị trong nghệ
thuật. Đa số các bài viết về mỹ thuật trên các báo, kể cả trên các tạp chí
chuyên ngành và của cả các nhà gọi là “phê bình chuyên nghiệp”, nếu
không phải là những bài mang tính chất giới thiệu, đưa tin thì cũng sa
vào lối tán tụng hoặc bẽ bai một cách cảm tính. Nhiều bài viết cứ nhầm
lẫn một cách ngô nghê trong việc đồng hóa cái đẹp trong nghệ thuật với
cái đèm đẹp trong cuộc sống, hay đồng hóa các giá trị thẩm mỹ với các
giá trị đạo đức, luân lý v.v… Những bài viết này càng nhiều chỉ càng
làm nản lòng những người muốn sống hết mình cho nghệ thuật, muốn
đổi mới thực sự, và, chỉ đẩy các nghệ sĩ “yếu bản lĩnh” vào mê lộ, cứ
nhởn nhơ với những ảo ảnh, ảo tưởng. Hơn nữa, chỉ càng đẩy công
chúng vào những ngộ nhận không biết đâu là nghệ thuật, đâu là phi
nghệ thuật nữa…

Nhiều người cho rằng: đừng nên sốt ruột, thời gian sẽ tự điều chỉnh
v.v…Thực ra, đó chỉ là cách nói “huề cả làng”. Thời gian cũng vô ích
nếu không có sự vận động của ý thức và ý chí con người. Đúng là mỹ
thuật đương đại Việt Nam đang cần có phê bình, đang cần được nhìn

lại. Nhưng, sẽ không có phê bình thực sự nếu không có căn cứ học
thuật. Và sẽ không thể xây dựng cơ sở học thuật thực sự nếu không bắt
đầu bằng thay đổi cách nhìn về văn hóa mỹ thuật…

Có lẽ không cần phải viện dẫn sách “Tây”, sách “Tàu” để biện giải cho
khái niệm văn hóa mỹ thuật. Bất cứ ai, suy nghĩ một cách thực tế, tiếp
cận mỹ thuật từ cơ sở tồn tại và phát triển của nó, từ các yếu tố chi
phối, tác động đến sự vận động đổi mới của nó, từ nhận thức về ý nghĩa
và giá trị của nó v.v…, đều dễ dàng nhận thấy sự tồn tại khái niệm văn
hóa mỹ thuật là đương nhiên và cần thiết. Không có gì mới mẻ hay
đáng ngờ.

Đương nhiên tồn tại và cần thiết được ý thức, nhưng cho đến nay, trong
thực tế, nó chưa bao giờ được gọi tên với nội hàm xác định như khi
người ta nói về “văn hóa ẩm thực” hay “văn hóa du lịch” v.v… là điều
đáng phải suy nghĩ. Chắc chắn có người sẽ cãi lại: “Nhầm rồi! Tên gọi
là một chuyện. Thực tế lại là chuyện khác. Chẳng phải tất cả những
cách tiếp cận mỹ thuật như vậy đã được thực hiện trong thực tế rồi sao?
Hơn nữa, nó còn mang tính hệ thống hẳn hoi. Thử xem, nếu không, thì
xưa nay, chúng ta căn cứ vào đâu để tổ chức và vận hành bộ máy mỹ
thuật? để khai thác và khuếch trương hiệu quả tác động của các giá trị
mỹ thuật trong đời sống thực tế, cũng như điều chỉnh các cung cách
lệch chiều của nó?…”

Ý kiến ngược lại này thoạt trông tưởng đúng. Nhưng không chắc. Thực
tế, rất dễ nhận thấy, cách tiếp cận mỹ thuật theo hệ thống của chúng ta,
cho đến nay, thực chất vẫn mang tính “điều khiển”, “ý chí luận”, hoàn
toàn thiếu tính “thích nghi”. Cụ thể hơn, chúng ta chỉ xem mỹ thuật như
một thứ công cụ tuyên truyền cổ động. Điều này có nhiều biểu hiện.
Một, trong khâu đào tạo và đầu tư cho sáng tác, chúng ta quan tâm đến

các “cán bộ mỹ thuật” nhiều hơn là họa sĩ. Hai, trong khâu đánh giá và
bình chọn tác phẩm và tác giả ở các cuộc thi mỹ thuật cấp quốc gia và
địa phương, kể cả xét duyệt triển lãm, chúng ta quan tâm đến nội dung
đề tài, đến tư tưởng chủ đề nhiều hơn là những tìm tòi, sáng tạo về mặt
hình thức nghệ thuật. Ba, trong khâu tổ chức hoạt động phong trào,
chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa chính trị (của nó) nhiều hơn là ý nghĩa
chuyên môn. Bốn, trong khâu định hướng, chúng ta có khuynh hướng
quay về với các giá trị truyền thống hơn là những tìm tòi đổi mới;
chúng ta quan tâm đến vấn đề làm sao cho công chúng hiểu (tác phẩm)
nhiều hơn là đề cao cái mới. Và, năm, như một hệ quả, chúng ta buông
rơi công việc phổ cập kiến thức mỹ thuật. Cách tiếp cận này là khả
chấp trong điều kiện thời chiến. Nhưng nếu kéo dài, thì thực tế, ở một
khía cạnh, nó trở thành sức ì cản trở sự phát triển bình thường của cả
nền văn hóa mỹ thuật, và ở khía cạnh khác, nó tự vô hiệu hóa, khiến
cho cả nền văn hóa mỹ thuật rơi vào tình cảnh có định hướng, có tổ
chức nhưng vẫn cứ như không…

Tất cả những điều nói trên không khó chứng minh. Chẳng hạn, hãy
nhìn lại sinh hoạt Hội Mỹ Thuật các cấp. Khi Hội Mỹ Thuật được xem
là một “tổ chức quần chúng”, thì việc kết nạp bất cứ ai đã từng có sáng
tác và từng có triển lãm vào hội là chuyện đương nhiên. Trong bối cảnh
“kinh tế thị trường” và “xã hội mở cửa” dẫn đến “trăm hoa đua nở” như
hiện nay, với đường hướng như vậy, Hội Mỹ Thuật trở thành một tập
hợp “hổ lốn” với đủ thành phần, từ các họa sĩ là các nhà “hiện đại chủ
nghĩa” đến các họa sĩ là “cán bộ mỹ thuật”, “sản xuất kinh doanh”,hay,
các nhà “dân tộc học”, “văn hóa dân gian”, “thiền sư”, “đạo sĩ”
v.v…Và tất cả đều bình đẳng. Tính chuyên nghiệp bị loại trừ trước hết.
Kết quả: Hội Mỹ Thuật đang mất dần uy tín. Và thực tế, nhất là khi
không tổ chức được lực lượng phê bình trong một diễn đàn phù hợp,
chính hội đã góp phần không nhỏ làm rối tung nhận thức về giá trị mỹ

thuật, có nguy cơ dẫn cả nền mỹ thuật đến chổ “vô sinh”… Không
đóng góp được gì đáng kể về mặt văn hóa là chuyện đã đành, ngay cả
các sứ mệnh chính trị mà nó đảm đương thực ra, cũng khó hoàn
thành… Một thực tế khác: trước các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại
và hậu hiện đại phương Tây, cả một thời gian dài, bởi đồng nhất tất cả
trong cái gọi là “nghệ thuật tư sản - suy đồi”, về mặt học thuật, chúng
ta chưa bao giờ tiếp cận một cách hệ thống với thái độ phân tích khách
quan. Kết quả, cho đến nay, hầu như chẳng có mấy họa sĩ Việt Nam
thực sự am tường các khuynh hướng nghệ thuật đang hấp dẫn họ này.
Mơ hồ, họ loạng choạng, bối rối, không biết khai thác năng lượng ở
đâu cho sự tiếp thu, sáng tạo là chuyện đương nhiên. Ngay cả với giới
phê bình cũng vậy, không được tiếp cận lý thuyết, họ không biết căn cứ
trên tiêu chuẩn nào để phê bình. Còn căn cứ trên các tiêu chuẩn quen
thuộc - Hiện thực, Lãng mạn hay Tân cổ điển - tiếng nói của họ rất dễ
trở thành lạc điệu. Thậm chí vô duyên.

Chúng ta đã bắt đầu bằng, và kéo dài cách nhìn “duy ý chí”. Kết quả
như đã thấy: cấu trúc chỉnh thể tự nhiên của cả nền văn hóa mỹ thuật bị
phá vở. Nó không còn sức sống. Không thể sinh sôi.

Thực tế đời sống mỹ thuật đang không ngừng đổi mới với đủ các luồng
ảnh hưởng và đủ các loại áp lực khác nhau. Sự đổi mới này, rất dễ trở
thành vô nghĩa, thậm chí “nguy hiểm” nếu không được ý thức dưới một
tầm nhìn văn hóa mỹ thuật thích ứng…

2002

×