Hiện trạng mắc bệnh liên quan đến nguồn
nước bị ô nhiễm của người dân vùng nông
thôn ven sông Nhuệ - sông Đáy, tỉnh Hà
Nam
MỞ ĐẦU
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2006, khoảng 24% bệnh tật và số ca
tử vong trên thế giới có căn nguyên từ môi trường. Trong số 102 loại bệnh thường gặp
được thống kê ở báo cáo “Sức khỏe toàn cầu của WHO ”có tới 85 bệnh có căn nguyên
từ môi trường. Trong đó, các loại bệnh do ô nhiễm nước gây ra như tiêu chảy, hội
chứng lỵ, ghẻ, viêm kết mạc.
Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế bước đầu đã có
nghiên cứu mang tính hệ thống hóa về sức khỏe môi trường, trong đó nghiên cứu về
thiết lập kế hoạch triển khai chương trình đánh giá tác động sức khỏe môi trường ở
khu vực ô nhiễm. Chương trình được thực hiện năm 2008 và đã đưa ra danh mục các
loại bệnh do môi trường ô nhiễm, trong đó có các các loại bệnh liên quan đến môi
trường nước bị ô nhiễm.
Vấn đề ô nhiễm môi trường nước, trong đó ô nhiễm các dòng sông đang là một trong
những vấn đề bức xúc cần giải quyết. Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là một trong 3
lưu vực có mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy bao gồm một phần của tỉnh Hòa Bình, Hà Nội và toàn
bộ các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
1.1 Đối tượng nghiên cứu
- Chất lượng nước sông Nhuệ - sông Đáy chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam.
- Hiện trạng người dân mắc các loại bệnh có liên quan đến ô nhiễm nước, trong đó là
bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, ghẻ, bệnh viêm kết mạc tại tỉnh Hà Nam.
Trong 5 tỉnh thuộc lưu vực nêu trên, tỉnh Hà Nam là tỉnh chịu tác động mạnh nhất do
nước sông bị ô nhiễm gây ra, đặc biệt là khu vực nông thôn. Theo điều tra dân số
1/4/2009, Hà Nam có 785.057 người, chiếm 4,01% dân số đồng bằng sông Hồng, mật
độ dân số 913 người/km2. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn
của tỉnh Hà Nam chiếm tới 91,5%, trong khi đó chỉ có 8,5% dân cư sống ở khu vực đô
thị.
1.2 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thu thập, tổng hợp và phân tích tài liệu: Sử dụng các tài liệu có liên
quan đến nội dung nghiên cứu, từ đó chọn lọc những số liệu, những nhận xét phù hợp.
- Phương pháp khảo sát thực địa: Tiến hành khảo sát thực địa tại tỉnh Hà Nam để thu
thập những thông tin, số liệu về hiện trạng sử dụng nguồn nước sông Nhuệ - sông Đáy
tại địa phương.
- Phương pháp ước tính tổn thất kinh tế do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường:
Chi phí bằng tổng chi phí chữa bệnh và phí tổn do nghỉ làm khi bị bệnh:
Công thức tính chi phí chữa bệnh i:
COIi=αi.pop.βi.vi.phealthi (1)
Công thức tính tổng phí tổn do những ngày bị bệnh (người bị ốm sẽ phải nghỉ làm)
COIPi=αi.pop.βi.dhi.ptime (2)
Trong đó:
αi: Tỷ lệ bị mắc bệnh i
pop: Số dân của vùng tiến hành nghiên cứu
βi: Tỷ lệ mắc bệnh i do ô nhiễm môi trường
vi: Số ngày mắc bệnh i
phealthi: Chi phí để chữa bệnh i
dhi: Số ngày không đi làm được do mắc bệnh i
ptime: Tổn thất kinh tế (tính theo thu nhập mỗi ngày của người bị bệnh)
Để thấy rõ tổn thất kinh tế do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường, nghiên cứu
lựa chọn ước tính đối với bệnh tiêu chảy tại tỉnh Hà Nam. Số liệu sẽ được so sánh với
chi phí y tế cho bệnh tiêu chảy ở tỉnh Hưng Yên với các số liệu cần thiết tương ứng.
Nghiên cứu chọn Hưng Yên là tỉnh so sánh về ước tính tổn thất kinh tế do Hưng Yên
giáp với tỉnh Hà Nam về phía Đông Bắc, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong
vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tỷ lệ dân số làm nông nghiệp cao, ước tính 80-
90%. (Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ này thay đổi một cách nhanh chóng, năm 2008 ước
tính còn 50-55%, do tốc độ phát triển của công nghiệp, dịch vụ có xu hướng tăng
nhanh hơn). Tỉnh Hưng Yên có khá nhiều sông, đại diện là sông Hồng (64 km); sông
Luộc (28 km), sông Sặt (sông Kẻ Sặt), sông Chanh, sông Cử An (sông Cửu Yên),
sông Tam Đô, sông Điện Biên Trong các sông, sông Bần và sông Bắc Hưng Hải là
có chất lượng nước thấp nhất. Nhìn chung, nước các con sông của tỉnh chưa bị ô
nhiễm nặng như so với sông Nhuệ - sông Đáy của tỉnh Hà Nam.
2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
2.1. Hiện trạng sử dụng nguồn nước mặt cấp
Nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt của tỉnh Hà Nam bao gồm từ 2 nguồn chính,
đó là nước mặt và nước ngầm. Hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước mặt
phục vụ mục đích sinh hoạt của tỉnh theo từng khu vực sau:
Vùng phía Tây sông Đáy: Đất dân cư chiếm tỷ lệ nhỏ, nằm rải rác trên những vùng đồi
nên việc khai thác, cấp nước tập trung sẽ khó khăn hơn so với những vùng khác. Hiện
nay, thực trạng nguồn nước cấp tại khu vực này còn nhiều hạn chế, đa số các hộ dân
sử dụng trực tiếp các nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan (trừ thị trấn Kiện Khê
được sử dụng nguồn nước tập trung).
Khu đồng bằng phía đông sông Đáy:
- Tiểu khu đồng bằng cao (huyện Duy Tiên, thị xã Phủ Lý và một phần đồng bằng
thuộc huyện Kim Bảng): sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước Phủ Lý với công suất
cấp nước khoảng 5000 m3/ngày đêm - lấy nguồn nước mặt của sông Đáy. Ngoài thị
xã Phủ Lý, thị trấn Quế và một số xã như Đồng Hóa, Nhật Tân, Văn Xá, Lê Hồ,
Nguyễn Úy có nguồn nước cấp tập trung cung cấp một phần cho nhu cầu sinh hoạt;
còn lại các huyện, thị đều phải sử dụng trực tiếp các nguồn nước mặt và nước ngầm.
- Tiểu khu đồng bằng thấp (huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục và một phần đồng bằng
thuộc huyện Thanh Liêm): Hiện tại, chỉ có hai khu vực thuộc thị trấn Bình Mỹ và thị
trấn Vĩnh Trụ có nguồn cấp nước tập trung. Còn lại các vùng thuộc nông thôn vẫn
chưa có hệ thống nước máy, người dân vẫn phải tìm cách khai thác nước sinh hoạt
thông qua nguồn nước ngầm tầng nông (giếng khoan, giếng đào) hoặc nước mặt. Đặc
biệt, đây là vùng trũng nên việc khai thác nước cho mục đích sinh hoạt vào mùa mưa
sẽ gặp khó khăn hơn. Nguyên nhân là các vùng trũng, khả năng tiêu thoát nước rất
khó nên nước không lưu thông - chính vì vậy sẽ tăng phát triển dịch bệnh thông qua
nước.
Từ kết quả thống kê trên nhận thấy, nguồn nước mặt, trong đó chủ yếu là nước sông
Đáy và một phần từ nước sông Nhuệ được sử dụng làm nguồn nước cấp sinh hoạt cho
nhân dân tỉnh Hà Nam. Nhận định này được thể hiện rõ hơn trong tổng kết tỷ lệ số
người dân sử dụng nước mặt cho mục đích sinh hoạt, trung bình chiếm 56,4% tổng số
nguồn nước cấp sinh hoạt trong tỉnh được thể hiện tại bảng 1. Số dân còn lại trong
tỉnh (43,6%) sử dụng nguồn nước dưới đất, nước mưa vào mục đích sinh hoạt.
Kết quả đánh giá về hiện trạng nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng nước sinh hoạt của
người dân tỉnh Hà Nam được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam tổng kết năm
2009 cho thấy, ngay cả nguồn nước máy, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cũng
chỉ chiếm 74,87% (Bảng 2). Điều này cho thấy, chất lượng nước nguồn cung cấp
không đạt tiêu chuẩn quy định.
2.2 Đánh giá hiện trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - sông Đáy
Hiện trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ
Chất lượng nước sông Nhuệ: Trước khi nối với sông Đáy ở địa phận tỉnh Hà Nam,
sông Nhuệ đã tiếp nhận nước thải sinh hoạt, công nghiệp của các khu dân cư và khu
công nghiệp, làng nghề của Hà Nội và Hà Nam. Ước tính, lượng nước thải chảy vào
sông Nhuệ lên đến 500.000m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, sông Nhuệ còn bị nối thông
với hệ thống thủy nông. Đây là các nguyên nhân chính làm chất lượng nước sông
Nhuệ bị ô nhiễm ở mức báo động. Nước sông chủ yếu bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ,
dinh dưỡng, chất rắn lơ lửng, mùi hôi và vi khuẩn. Xu hướng ô nhiễm của nước sông
ngày càng tăng.
Từ kết quả quan trắc chất lượng nước sông Nhuệ vào tháng 5, 6/2009 (bảng 3) cho
thấy, nồng dộ BOD5, COD, Coliform của cả 2 cống đều vượt quá rất nhiều lần so với
quy chuẩn QCVN 08-2008, Loại A2. Nước ở cống Ba Đa có nồng độ BOD5, COD
cao hơn so với ở cống Nhật Tựu và lần lượt gấp 4,28 và 2,69 lần so với QCVN
08:2008 (loại A2). Còn nước ở cống Nhật Tựu có nồng độ BOD5 cao gấp 3,79 lần và
nồng độ COD cao gấp 2,4 lần so với QCVN 08:2008 (loại A2). Còn lượng Coliform ở
cống Nhật Tựu gấp 5,1 lần, ở cống Ba Đa gấp 4,2 lần so với QCVN 08:2008 (loại
A2).
Thậm chí, nếu so sánh với tiêu chuẩn QCVN 08-2008, Loại B1 (Dùng cho mục đích
tưới tiêu thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương
tự) nước sông Nhuệ tại các điểm quan trắc trên cũng không đạt tiêu chuẩn quy định.
Tóm lại, hiện trạng nước sông Nhuệ, đoạn chảy qua tỉnh Hà Nam (trước khi nhập với
sông Đáy) không đạt tiêu chuẩn QCVN 08- 2008, Loại B1. Điều này cũng có nghĩa là
nước sông Nhuệ không phù hợp cho mục đích sinh hoạt cả trong 2 trường hợp sử
dụng trực tiếp (không qua xử lý) cũng như cấp cho nhà máy nước.
Hiện trạng ô nhiễm nước sông Đáy
Theo kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đáy 6 tháng đầu năm 2009 (bảng 4), tất
cả các điểm quan trắc nước sông đều đạt tiêu chuẩn (so với QCVN 08-2008, loại B1).
Nếu so với QCVN 08:2008, loại A2, độ pH dao động trong khoảng 7,2- 7,6 nằm trong
tiêu chuẩn cho phép; Giá trị BOD và dinh dưỡng đa số đều đạt giới hạn cho phép. Chỉ
có tại cầu Hồng Phú nồng độ COD là 16 mg/l vượt 1,06 lần giới hạn cho phép. Nồng
độ NH4+ tại tất cả các vị trí lấy mẫu đều cao hơn giới hạn cho phép loại A2 theo
QCVN 08:2008, cao nhất tại vị trí cầu Bồng Lạng là 1,845 mg/l-N gấp 9,22 lần Quy
chuẩn loại A2. Nồng độ NO2- cao hơn giới hạn cho phép loại A2 từ 3,3-7,2 lần.
Thông số coliform tại một số vị trí lấy mẫu cao hơn giới hạn cho phép.
Nhìn chung, chất lượng nước tại sông Đáy vẫn vượt quá mức độ cho phép của QCVN
08-2008, loại A2. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm ở đây thấp hơn so với sông Nhuệ.
2.3. Tình trạng người dân mắc các bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm
Tại Hà Nam, các loại bệnh người dân mắc phải liên quan đến nguồn nước ô nhiễm
gây nên như bệnh đường tiêu hóa (viêm nhiễm, tiêu chảy ), bệnh ngoài da, bệnh phụ
khoa được thể hiện tương đối rõ tại Bảng 5.
Qua những số liệu về một số bệnh có liên quan đến chất lượng nước bị ô nhiễm có thể
nhận thấy, tại các xã ven sông thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với các xã không
chịu ảnh hưởng của nước sông, đặc biệt là các bệnh như ngoài da, phụ khoa, tiêu chảy
(Bảng 6).
Từ hình 1 cho thấy, số người mắc bệnh tại các xã người dân có sử dụng đến nước
sông Nhuệ, sông Đáy đều cao hơn số người dân mắc bệnh tại các xã không có liên
quan đến nguồn nước, cụ thể là: Bệnh lỵ trực tràng: 3/5 xã; Bệnh lỵ amip: 4/5 xã;
Bệnh tiêu chảy: 3/5 xã; Bệnh da liễu: 3/5 xã.
2.4. Ước tính tổn thất kinh tế
Trong nghiên cứu thực hiện ước tính tổn thất kinh tế từ phía người sử dụng dịch vụ y
tế cho bệnh tiêu chảy tại tỉnh Hà Nam, số liệu này sẽ được so sánh với chi phí y tế cho
bệnh tiêu chảy ở tỉnh Hưng Yên.
Theo báo cáo tổng kết của Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, năm 2009 có 2991 ca mắc bệnh
tiêu chảy trong toàn tỉnh (tỷ lệ: 265 ca/100.000 người), thấp hơn nhiều so với tỉ lệ số
ca mắc bệnh tiêu chảy ở Hà Nam là 3,14 lần.
Như vậy, có thể thấy rằng chỉ tính riêng cho bệnh tiêu chảy do yếu tố ô nhiễm nước
của tỉnh Hà Nam và tỉnh Hưng Yên cũng thấy được sự chênh lệch phí tổn do yếu tố
môi trường gây nên, gây tổn thất kinh tế cho người dân. Chi phí chữa bệnh của tỉnh
Hà Nam cao gấp 3,10 lần so với tỉnh Hưng Yên (tính trên 100.000 dân) (Bảng 9).
3. Kết luận
1. Chất lượng nước sông đoạn chảy qua tỉnh Hà Nam: nước sông Nhuệ, không đạt tiêu
chuẩn QCVN 08-2008, Loại B1; nước sông Đáy, không đạt tiêu chuẩn QCVN 08-
2008, Loại A2.
2. Tại Hà Nam các loại bệnh người dân mắc phải liên quan đến nguồn nước ô nhiễm
gây nên như bệnh đường tiêu hóa (viêm nhiễm, tiêu chảy ), bệnh ngoài da, bệnh phụ
khoa được thể hiện tương đối rõ. Tỷ lệ mắc bệnh tại các xã ven sông cao hơn so với
các xã khác.
3. Chi phí chữa bệnh bệnh tiêu chảy của tỉnh Hà Nam cao gấp 3,10 lần so với tỉnh
Hưng Yên (tính trên 100.000 dân).