Các thuốc dùng trị bệnh
trào ngược dạ dày - thực
quản
(SKDS) - Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (TNDD-TQ) còn có tên gọi
khác là viêm thực quản trào ngược, là tình trạng trào ngược từng lúc hay
thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Bệnh rất dễ bị nhầm lẫn và
thường được quy cho các bệnh khác như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm
thanh quản, viêm mũi xoang… Do các chất dịch trong dạ dày như HCI,
pepsine, dịch mật kích thích đối với niêm mạc thực quản, gây ra các triệu
chứng và biến chứng.
Biểu hiện bệnh TNDD-TQ
Ở trạng thái sinh lý bình thường thỉnh thoảng cũng có hiện tượng trào ngược
dịch dạ dày lên thực quản nhưng chỉ thoáng qua và không gây hệ quả gì. Khi
cơ thắt dưới thực quản hoạt động không tốt, hiện tượng trên diễn ra thường
xuyên sẽ dẫn đến bệnh TNDD-TQ. Ngoài ra, tình trạng rối loạn nhu động
thực quản, giảm tiết nước bọt (do hút thuốc lá) và một số thuốc như nhóm
kháng tiết choline, theophylline; các chất cafein, rượu, thuốc lá, sôcôla, hay
bữa ăn nhiều mỡ… cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Hình ảnh bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản.
Các triệu chứng quan trọng của bệnh TNDD-TQ là ợ nóng, ợ chua, buồn
nôn và nuốt khó. Trong đa số trường hợp chẩn đoán chủ yếu dựa vào hỏi
bệnh sử và qua theo dõi thấy có đáp ứng với điều trị thử. Triệu chứng điển
hình của bệnh TNDD-TQ là chứng ợ nóng. Khi bệnh nhân có triệu chứng
điển hình này có thể tiến hành điều trị thử với các thuốc ức chế bơm proton
như omeprazole, lansoprazole, rabeprazole. Tùy theo tình trạng, cơ địa bệnh
nhân mà chọn một trong các thuốc trên. Trong khi điều trị cần phải có một
chế độ ăn được kiểm soát bao gồm giảm các chất kích thích như rượu, cà
phê, thuốc lá, sôcôla. Tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước có gas. Người
bệnh cũng cần tránh làm tăng áp lực xoang bụng do trang phục như mang nịt
lưng, áo nịt ngực quá chặt. Tránh sử dụng một số thuốc làm giảm trương lực
cơ vòng dưới thực quản như nhóm anti-cholinergic, theophylline
Một số thuốc hay dùng
Điều trị bệnh TNDD-TQ thường sử dụng một số thuốc kết hợp. Nhiều loại
trong số đó là các thuốc giống như trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày -
tá tràng. Việc sử dụng các thuốc chống tiết acid nhóm ức chế bơm proton
làm giảm các triệu chứng và làm lành viêm thực quản trong đa số trường
hợp nên là thuốc được chọn đầu tiên trong điều trị nội khoa bệnh TNDD-
TQ.
Trường hợp bệnh TNDD-TQ nhẹ có thể dùng các thuốc như
metoclopramide, domperidone, cisapride hoặc các thuốc antacid, acid alginic
để điều trị. Đây là các thuốc có bán tại các nhà thuốc mà không cần đơn.
Tuy nhiên cần đọc kỹ hướng dẫn và dùng đúng thời gian và liều lượng. Do
bệnh dễ tái phát sau ngưng thuốc nên thường phải điều trị duy trì sau giai
đoạn điều trị tấn công. Việc điều trị bệnh TNDD-TQ thường được kê thuốc
uống và người bệnh dùng thuốc ở nhà cho nên cần đi khám bệnh, làm các
xét nghiệm cần thiết, sau đó lấy thuốc uống và phải thực hiện đúng các quy
định điều trị để tránh tái phát.
Esomeprazole (nexium): Đây là thuốc hay được kê đơn nhất trong số các
thuốc ức chế bơm proton. Nhóm thuốc này được dùng để điều trị và dự
phòng tái phát loét dạ dày, loét tá tràng, viêm thực quản trào ngược.
Esomeprazole có tác dụng điều trị rất tốt tuy giá đắt. Uống thuốc kéo dài
trong khoảng 4 - 8 tuần. Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng khi
dùng thuốc này. Ngoài ra có thể dùng các thuốc khác có tác dụng tương tự
ức chế acid mạnh như omeprazole (prilosec), lansoprazole (prevacid),
rabeprazole (acipHex) và pantoprazole (protonix).
Các thuốc ức chế thụ thể H2: famotidine (pepsid), cimetidine (tagamet),
ranitidine (zantac), và nizatidine (axid): đây cũng là nhóm thuốc hay dùng để
điều trị bệnh TNDD-TQ. Tuy nhiên, đối với các thuốc kể trên, chỉ dùng một
loại để điều trị và phối hợp với một trong các thuốc sau đây để chống nôn,
tăng cường nhào trộn thức ăn để nhanh chóng đưa thức ăn xuống ruột. Đó là
các thuốc tăng cường làm rỗng dạ dày như metoclopramide (reglan),
domperidone (motilium), mosapride (zurma)
Trong điều trị bệnh TNDD-TQ chỉ cần dùng phối hợp hai loại thuốc là đủ.
Chẳng hạn như một liệu trình điều trị 1 tháng chỉ cần dùng esomeprazole và
motilium. Không nên dùng đồng thời nhiều loại thuốc vừa tốn kém và không
hiệu quả. Trong quá trình điều trị cần đồng thời áp dụng các biện pháp về
thay đổi lối sống như tránh cúi người về phía trước hoặc tập luyện ngay sau
khi ăn. Không nằm ngay sau khi ăn. Tránh ăn uống trong vòng 2 - 3 giờ
trước khi ngủ. Tuyệt đối không hút thuốc lá, không uống cà phê trong suốt
quá trình điều trị. Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ và không nên ăn quá no. Khi
nằm ngủ nên nâng đầu giường cao 15cm. Nên tập luyện vừa phải để tránh
béo phì, thừa cân.