Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

ĐẤT NƯỚC-NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.85 KB, 8 trang )

ĐẤT NƯỚC
Trong số các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm là người rất thành công với giọng
thơ trữ tình chính luận thể hiện rõ những tâm tư của thế hệ trẻ đô thị miền Nam. Trường ca “Mặt
đường khát vọng” (1971) là tiếng vọng tâm tình của một hồn thơ hòa cùng mạch cảm xúc của
dân tộc đứng trước dòng thác lũ thời đại, trong đó chương V “Đất nước” đã gói ghém trọn vẹn
tâm tình của thế hệ chống Mỹ:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…”
Giọng thơ thủ thỉ đã chuyển tải suy ngẫm của nhà thơ về Nhân Dân - Đất Nước, tiếp nối mạch
suy tưởng của thi ca giai đoạn trước.
Đất Nước là một chủ đề xuyên suốt bao trùm lên các tác phẩm trong giai đoạn kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Các nhà thơ nhà văn bằng tình cảm công dân đã có nhiều phát hiện mới mẻ
độc đáo về Tổ quốc, nhân dân. Tổ quốc thường được soi chiếu từ bình diện lịch sử chống ngoại
xâm, được khái quát bằng những hình tượng kỳ vĩ, khai thác triệt để chất sử thi hoành tráng.
Trong dòng chủ lưu ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn lựa cách thể hiện riêng của mình, bằng trải
nghiệm tuổi trẻ, bằng nhiệt tình cách mạng và cả bằng vốn tri thức được đào tạo bài bản từ mái
trường xã hội chủ nghĩa, tạo nên chiều sâu của hình tượng Đất Nước, hoà mạch thơ chính luận -
trữ tình.
Trả lời cho câu hỏi: “Đất Nước là gì? Đất Nước từ đâu ra?”, nhà thơ đã bắt đầu bằng những kí
ức tuổi thơ để hình dung ra một sự tồn tại của Đất Nước trong nhận thức và tình cảm tự nhiên
nhất của con người. Những vẻ đẹp được khơi lên từ mạch tâm tình, thấm đẫm hơi thở ca dao dân
ca, huyền tích sử thi của dân tộc. Cái hay của phần mở đầu chương Đất Nước chính là sự xuất
hiện của hàng loạt những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng nhưng rất gần gũi:
Tóc mẹ thì búi sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Sức gợi từ những hình ảnh đã dựng lên cả một không gian văn hoá truyền thống, mang theo hơi


thở tâm tình của ca dao “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” thấm thía tình nghĩa thủy
chung. Mạch nguồn ấy tiếp tục với quá trình trưởng thành của từng cá nhân, từ thuở cắp sách
đến trường đến khoảnh khắc rung động đầu đời. Tất cả đều xuất phát một cách rất tự nhiên, nôn
nao ngọt ngào kỷ niệm:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đan xen với khoảnh khắc thời gian không gian hiện tại là sự thức tỉnh của ký ức cộng đồng, với
sự tổng hoà những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Vẻ đẹp quê hương
đất nước được tái hiện trong những lời ca dao toát lên lòng tự hào về non sông gấm vóc, về Cha
Rồng Mẹ Tiên, gắn với lòng biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từng người Việt :
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào mình trong bọc trứng
Quá khứ, hiện tại, tương lai đã gắn kết trong một ý thức cộng đồng bền chặt, là nguồn sức mạnh
và cũng là phẩm chất tâm hồn dân tộc đã được nhà thơ lý giải qua những hình tượng thơ giàu
tính thẩm mỹ và hàm chứa mối quan hệ Đất Nước – con người Nhân Dân không thể tách rời.
Thời gian lịch sử, không gian văn hoá hoà quyện trong mạch thơ đầy ân tình đã phác hoạ rõ nét
dần tượng đài Đất Nước. Không chỉ tiếp cận hình tượng trong huyền sử, trong hiện thực đời
sống, trong mối quan hệ cá nhân - cộng đồng, Nguyễn Khoa Điềm còn dẫn dắt độc giả trở về với
hiện thực trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói lên tiếng nói đầy trách nhiệm của cả
một thế hệ chống Mỹ thật sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm :
Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước
Ý thơ thật giản dị, không hề gượng ép tình cảm, khi từ mối quan hệ riêng tư để hướng về với
quan hệ cộng đồng, dân tộc. Tứ thơ độc đáo chính là từ sự mở rộng từ thế giới của “anh và em
hôm nay” đến với “mọi người”. Vẻ đẹp Đất Nước được phát hiện thêm với những vẻ đẹp “hài
hoà nồng thắm” và “vẹn tròn to lớn”. Đó cũng là sự kết hợp hài hoà của lý trí và tình cảm con
người thời đại chống Mỹ. Hơn thế nữa, những câu thơ này còn cắt nghĩa cho vẻ đẹp tình yêu của
thế hệ trẻ chống Mỹ không hề mất đi vẻ lãng mạn, khi khoảnh khắc cầm tay hiện tại đã nghĩ về
thế hệ tương lai, về một ngày thanh bình và sự phát triển của Đất Nước với “tháng ngày mơ
mộng”. Không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục đi sâu vào mối quan hệ Đất Nước với tâm hồn của
từng con người. giọng thơ tâm tình thấm thía:
Em ơi em
Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.
Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn
trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để
phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi
mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của
những con người sẵn sàng dâng bầu máu của tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời
đại và đầy khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.
Phần mở đầu của chương Đất Nước được cấu tứ trên cơ sở gắn bó giữa các vẻ đẹp riêng biệt,
độc đáo và giàu sức biểu cảm để làm nên vẻ đẹp chung tổng hoà thành hình tượng Đất Nước kỳ
vĩ và giàu sức thuyết phục với bạn đọc. Nhà thơ đã trữ tình hoá vấn đề mang tính chính luận,
nhằm trả lời những câu hỏi lớn mà dân tộc đang phải tìm lời đáp trong cuộc chiến đấu vì lý
tưởng độc lập tự do, cuộc chiến đấu của lương tri chống lại thế lực bạo tàn.
Những vần thơ rất đẹp trong Đất Nước đã vượt qua thử thách của thời gian, tiếp tục toả sáng,
giúp thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày tháng hào hùng nhất
của dân tộc. Trong thời đại mới, những giá trị của ngày hôm qua góp phần khơi dậy lòng tự hào
và ý thức trách nhiệm, tình cảm cho mỗi con người trong khát vọng đưa Đất Nước đi xa đến

những tháng ngày mơ mộng./.
TÂY TIẾN
Quang Dũng thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp như
Nguyễn Đình Thi , Hoàng Trung Thông , Trần Hữu Thung , Hồng Nguyên , Trần Mai Ninh ,
Chính Hữu …Quang Dũng nổi tiếng với hai bài thơ : “ Tây Tiến “ và “ Đôi mắt người Sơn Tây “
. Bài thơ “Tây Tiến “ được sáng tác vào năm 1948 khi ông rời đơn vị Tây Tiến và nhớ về kỉ
niệm gắn bó một thời với Tây Tiến . Đoàn quân Tây Tiến bao gồm hầu hết những thanh niên Hà
Nội hoạt động ở một địa bàn rộng lớn ở vùng núi biên giới Việt – Lào . Hào hoa mà anh dũng .
Đoạn đầu của bài thơ hồi tưởng lại những kỉ niệm của một thời chinh chiến , những cuộc hành
quân gian khổ với thiên nhiên vừa khắc nghiệt lại vừa hùng vĩ , thơ mộng :
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao , ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Quang Dũng chịu ảnh hưởng sâu đậm nhạc điệu của thơ cổ điển . Có thể nói nhà thơ Quang
Dũng , hiện thực là hiện thực kháng chiến ( chống Pháp ) được phô diễn bằng một tâm hồn lãng
mạn và âm điệu cổ điển . Qua hai câu thơ mở đầu của bài “ Tây Tiến “ ta nắm bắt được hồn thơ
Quang Dũng :
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Âm điệu của câu thơ thất ngôn bát cú như từ thời Lí Bạch . Tình cảm thì dào dạt như các nhà thơ
lãng mạn thời Thơ mới . Có điều là trong dòng thơ hoài niệm ấy đã xuất hiện một cái tên lịch
sử . Tây Tiến ! Mà đã nói đến Tây Tiến là phải nói đến sông Mã , con sông hùng vĩ đã chứng
kiến những vui buồn của cuộc đời người chiến binh , là phải nói đến rừng núi với những chặng
đường hành quân cheo leo bên núi cao , bên vực thẳm , đi trong sương mù , trong hương hoa .
Nỗi nhớ dâng trào như nỗi nhớ của các nhà thơ lãng mạn. Đây là câu thơ của Xuân Diệu :

“Tương tư nâng lòng lên chơi vơi “
Còn đây là câu thơ của Quang Dũng :
“Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi “
Có điều là một đằng thì nhớ người yêu , một đằng thì nhớ những kỉ niệm kháng chiến .
Những kỉ niệm về Tây Tiến , về kháng chiến cứ đậm dần lên trong sự hài hoà giữa bút pháp lãng
mạn và hiện thực của thơ Quang Dũng . Những địa danh miền sơn cước như Sài Khao , Mường
Lát gợi bao cảm xúc mới lạ. Những “ sương “ , “ hoa “ từng hiện diện với thi nhân , với tình yêu
thì nay hiện diện với đoàn quân , gian khổ mệt mỏi đấy nhưng không thiếu những giây phút lãng
mạn . Thủ pháp đối lập được Quang Dũng triệt để sử dụng . “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
“ gian khổ biết bao! “ Mường Lát hoa về trong đêm hơi “ thi vị biết bao ! Tưởng chừng như
thiên nhiên ban thưởng cho người lính một chút hương hoa để có sức mạnh mà vượt qua đèo dốc
.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Những thanh trắc ( dốc , khúc , khuỷu , thẳm ) tức ngược miêu tả được thế núi hiểm trở . Và hay
nhất là miêu tả chiều sâu thăm thẳm để tả chiều cao của “ dốc lên khúc khuỷu “ .Cao đến nỗi
người lính có cảm giác mình ngự trên mây “ heo hút cồn mây “ và “ súng ngửi trời “ . Cách nhân
hoá thú vị cũng là để nói cách đo chiều cao riêng của những người lính .
Ta lại thấy một ông Lí Bạch trong thơ Quang Dũng . Cảm hứng lãng mạn tô đậm cái phi
thường . Câu thơ “ Ngàn thước lên cao , ngàn thước xuống “ có khác gì câu thơ của Lí Bạch “
Nước bay thẳng xuống ba ngàn thước “ trong bài thơ “ Xa ngắm thác núi Lư “ . Ta cũng lại nghe
âm điệu của Tản Đà trong giai điệu buông thả mê li của Quang Dũng :
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
với “Giang hồ mê chơi trên quê hương” của Tản Đà
Mơ mộng đó mà gian khổ cũng đó . Qua những chặng đường hành quân, vượt qua đèo cao lũng
sâu , người lính sao tránh khỏi những giây phút mệt mỏi . Quang Dũng không tránh né thực tế
khắc nghiệt của người lính trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp :
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
Thật là bi tráng ! Hình ảnh người lính “ Gục lên súng mũ bỏ quên đời “ cho ta thấm thía thêm
những nỗi gian lao , vất vả , hi sinh của người lính Tây Tiến . Hình ảnh núi rừng hoang vu ,
huyền bí tăng thêm chất bi tráng . Thiên nhiên đổi thay theo sắc màu của thời gian . Những nét
lạ , những chi tiết rùng rợn càng tăng sức hấp dẫn của bút pháp lãng mạn . Âm thanh dữ dội của
tiếng thác buổi chiều hoà điệu với âm thanh rùng rợn của tiếng “ cọp trêu người “ đêm đêm
thành một bản hoà tấu vang động cả núi rừng . Rồi tất cả lại trở về dịu êm với những kỉ niệm của
con người và bản làng thân thương :
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Sợi khói ấm áp giữa núi rừng hoang vu , đó là chất thơ của đời sống chiến sĩ làm sao mà không
nhớ ? Kỉ niệm cứ như trôi trong mộng : “ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi “ . Chữ của thơ thật lạ
, có những chữ đã cũ mèm mà được đặt vào đúng văn cảnh thì lại dậy lên ý lạ . Chữ “ em “ thì
có gì là mới , vậy mà thay vào đó bất cứ chữ nào khác thì câu thơ cũng mất hết linh hồn . Nói
kiểu Pautôpxki là Quang Dũng đã trả lại cho chữ “ em “ cái trinh bạch ban đầu . Hương nếp hay
là hương em đã làm bâng khuâng cả núi rừng , bâng khuâng cả lòng người ?
Nhà thơ nhớ lại một đêm liên hoan lạ lùng giữa rừng biên cương :
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ “
Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng lại được dịp miêu tả những nét lạ : y phục lạ ( xiêm áo ) ,
nhạc cụ lạ ( khèn ) , âm điệu lạ ( man điệu ) , dáng vẻ lạ ( nàng e ấp ) . Tình quân dân nơi rừng
núi xa xôi càng thêm sức mạnh cho người lính Tây Tiến .
Cùng với dòng hồi tưởng đó , tác giả nhớ lại hình ảnh người lính Tây Tiến , những hình ảnh độc
đáo không thể nào phai nhoà :
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm “

“ Đoàn binh không mọc tóc “ quả là kì dị ! Thời đó , đoàn quân Tây Tiến hoạt động trong rừng
núi phía Tây , bệnh sốt rét hoành hành . Tóc rụng đến nỗi không mọc lên được . Da xanh bủng
như màu lá rừng . Tác giả miêu tả bằng cách đối lập giữa cái bên ngoài và cái bên trong . Bên
ngoài người lính thì da xanh bủng ốm yếu , nhưng tinh thần thì vững vàng . Khí phách của người
lính Tây Tiến chẳng những lấn át cả bệnh tật ốm yếu mà còn “ dữ oai hùm “ làm khiếp sợ kẻ thù
. Tinh thần của người lính Tây Tiến thật là mãnh liệt . Mãnh liệt cả trong “ mộng “ , mãnh liệt cả
trong “ mơ “ .
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Hình ảnh “ mắt trừng “ thể hiện ý chí quyết tâm của người lính Tây Tiến trong nhiệm vụ bảo vệ
biên cương , nghĩa vụ quốc tế của mình . Trên kia ta đã từng gặp hình ảnh “ mộng “ ấy: “Nhạc
về Viên Chăn xây hồn thơ“ . Nhưng tình cảm , tâm tưởng người lính lại hướng về Hà Nội , quê
hương thân yêu của hầu hết binh đoàn Tây Tiến :
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm “
Hà Nội đẹp nhất là Hồ Tây và thiếu nữ . Những chàng trai Hà Nội chưa trắng nợ anh hùng ra đi
chinh chiến làm sao không mang theo trong hành trang của mình hình bóng của một “ dáng kiều
thơm “ nào đó , hoặc hình bóng của người thân yêu? Một chút lãng mạn như vậy đủ nuôi dưỡng
tinh thần của người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ , hi sinh . Tứ thơ mộng
mơ này cũng nằm trong cấu trúc chung của bài thơ “Tây Tiến“ là ngược – xuôi : con người , ý
chí , hành động thì ngược về hướng tây , nhưng tình cảm thì lưu luyến xuôi về với quê hương
thân yêu :
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa “
Liền với tứ thơ mộng mơ ấy là hình ảnh hi sinh cao quý của những người lính Tây Tiến . Từ tinh
thần lãng mạn chuyển sang không khí bi tráng:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành “
Lần nữa ta lại thấy Quang Dũng không tránh né những chết chóc bi thương . Người lính Tây
Tiến chiến đấu ở một miền núi rừng biên cương chống kẻ thù xâm lược làm sao tránh khỏi sự
tổn thất về sinh mạng :
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ “
Câu thơ chỉ có từ “ rải rác “ là thuần Việt , còn lại là từ Hán Việt cổ kính , gợi không khí thiêng
liêng , đượm chút ngậm ngùi . Đến câu thơ tiếp theo , tác giả hoá giải được tình cảm ngậm ngùi
đó : “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh “ .
“ Đời xanh “ đẹp biết bao! Còn gì quý bằng tuổi trẻ , vậy mà người lính Tây Tiến “ chẳng tiếc “ ,
cho nên họ chấp nhận tất cả . Tự vệ thành Hà Nội đã nêu cao lời thề “ Quyết tử cho Tổ quốc
quyết sinh “ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô . Những người con của Thủ đô ở biên cương
cũng có tinh thần “ hiệp sĩ “ đó . Có lẽ gọi những chàng trai “ chẳng tiếc đời xanh “ này là “ hiệp
sĩ “ cách mạng , như những người lính trong “ Đồng chí “ của Chính Hữu , trong “ Nhớ “ của
Hồng Nguyên . Sự hi sinh của họ thật là cảm động :
“Áo bào thay chiếu anh về đất “
Người lính Tây Tiến thời đó hết sức thiếu thốn . Theo Trần Lê Văn thì đồng bào thấy các chiến
sĩ Tây Tiến rét đã cho chiếc áo khoác thay cho “ áo bào “ . Khi chết , đồng đội dùng chiếu bó lại
để chôn vì không có quan tài . Câu thơ đó có một từ rất xứng với sự hi sinh của người lính là từ
“ đất “. “Anh về đất “ là về với non sông đất nước , về với sự trường tồn , vĩnh hằng. Âm nhạc
của thiên nhiên , non nước tấu lên đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng :
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành “
Cái chết của những người lính Tây Tiến nơi biên cương chẳng những làm xúc động sâu xa
những chiến sĩ đồng đội mà còn động cả lòng trời đất . “ Sông Mã gầm lên “ đau đớn , tiếc
thương . Khúc nhạc bi tráng hợp với sự hi sinh cao quý của những “ hiệp sĩ “ Tây Tiến .
Quang Dũng đi kháng chiến , đến đoàn quân Tây Tiến với tư cách là một trí thức có tâm hồn
nghệ sĩ . Khi đặt bút làm thơ thì đã có ông Lí ông Đỗ ngự trong lòng . Âm nhạc đầy cám dỗ của
nhà thơ Việt Nam hiện đâi như Tản Đà ( nhà thơ cùng quê hương với ông ) , Thế Lữ , Xuân
Diệu cũng đã dội vang trong lòng ông . Các nhà thơ cổ kim đã bồi đắp trong hồn thơ kháng
chiến mới mẻ của ông . Bằng nghệ thuật điêu luyện , Quang Dũng đã khắc hoạ chân dung người
lính Tây Tiến , hình hài thì kì dị , độc đáo , chân dung tinh thần thì cao quý . Xuc cảm của nhà

thơ được nuôi dưỡng bằng âm nhạc vừa cổ kính vừa hiện đại .
Những trái tim “ hiệp sĩ “ Tây Tiến nằm lại rải rác ở biên cương chắc sẽ cảm thấy êm ái khi
nghe thơ Quang Dũng . Bằng hội hoạ và âm nhạc , tượng đài của lòng dũng cảm đã được dựng
lên trong thơ “ Tây Tiến “ – vĩnh hằng.

×