Mày đay (Urtcaire – Urticaria
– Hives - Wheals)
(Kỳ 3)
MÀY ĐAY MẠN TÍNH (Chronic Urticaria)
I. Đại cương
- Mày đay mạn tính là mày đay kéo dài trên 6 tuần (có sách lấy mốc là 30
ngày), gây khó chịu cho cả bệnh nhân và thầy thuốc. Đây là mẫu hình của sự thoát
hạt của tế bào mast ở da, kết quả là sự thoát mạch của huyết tương ra hạ bì.
- Mày đay mạn tính bao gồm: mày đay vật lý, mày đay do thuốc, mày đay
mạn tính không rõ nguyên nhân (chronic idiopathic urticaria – CIU ). Mày đay vật
lý được xác định qua tiền sử và các test kích thích (challenge testing). Mày đay do
thuốc được xác định bằng các test khi mày đay vật lý bị loại trừ. Khi không xác
định được nguyên nhân thì người ta xếp vào nhóm CIU. Có khoảng 25-45% bệnh
nhân bị CIU, đây là một bệnh tự miễn.
II. Dịch tễ học
1. Tỷ lệ mắc bệnh: mày đay nói chung ảnh hưởng tới 25% dân số, còn tỷ lệ
mày đay mãn tính là không biết chính xác, ước tính có khoảng 0,1-3% dân số.
2. Tỷ lệ tử vong: mày đay không ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân giống
như phù mạch. Tuy nhiên, mày đay mạn tính ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống
của bệnh nhân.
3.Chủng tộc: mày đay mạn tính ảnh hưởng đến tất cả các chủng tộc.
4. Giới tính: mày đay ảnh hưởng cả hai giới, nhưng thường gặp ở phụ nữ
hơn nhất là phụ nữ trung niên. CIU ở nữ gấp 2 lần nam giới.
5. Tuổi: mày đay mạn tính thường gặp ở người đứng tuổi, trong khi mày
đay cấp tính thường gặp ở trẻ em.
III. Nguyên nhân
1. Thuốc: aspirin, NAIDs, opioids, penicillins, cephalosporins, ức chế men
chuyển và rượu.
2. Tiếp xúc: mày đay tiếp xúc biểu hiện sau khi tiếp xúc với các tác nhân
kích thích: latex, thực vật, động vật (sâu, bướm ), thuốc, thức ăn (cá, hành, tỏi,
khoai tây).
3. Thức ăn và phụ gia thực phẩm: gà, bò, hải sản, trứng, lạc
4. Ký sinh trùng: muỗi, giun sán
5. Nhiễm khuẩn: viêm gan B, Liên cầu, Mycoplasma, Helicobacter pylori,
Mycobacterium tuberculosis và Herpes simplex virus.
6. Bệnh tự miễn: SLE, cryoglobulinemia, viêm khớp dạng thấp thiếu niên,
bệnh tuyến giáp tự miễn.
7. Rối loạn chuyển hoá: mày đay nằm trong hội chứng Muckle-Wells
(amyloidosis, điếc trung ương và mày đay), hội chứng Schnitzler (sốt, đau cơ
xương khớp, monoclonal gammopathy và mày đay).
8. Bệnh ác tính. Vật lý. Tình cảm. Gen.
IV. Bệnh sinh:
- Tế bào mast là tác nhân cơ bản trong sự phát sinh bệnh mày đay. Kết quả
của sự kích thích tế bào mast là việc giải phóng histamin và prostaglandin từ
những hạt trong tế bào chất, những chất này là nguyên nhân của việc hình thành
các ban, giãn mạch và phù.
- Tế bào mast còn giải phóng những chất hoá ứng động bạch cầu cũng có
vai trò trong hình thành ban, điều này giải thích tại sao kháng histamin không phải
luôn luôn có hiệu quả trong điều trị mề đay.
- Sự giải phóng các chất trung gian của tế bào mast có thể do cả cơ chế
miễn dịch và không miễn dịch. Các yếu tố khác: aspirin, opioids và adenosin dẫn
tới việc thoát bào trực tiếp của tế bào mast qua cách không miễn dịch.
V. Triệu chứng lâm sàng
- Một trong những dấu hiệu quan trọng của bệnh là tổn thương thay đổi vị
trí, thường tồn tại trong vòng 24h. Dấu hiệu ngứa là thường gặp. Nếu tổn thương
kéo dài trên 24h kèm theo sự thay đổi sắc tố, đau hoặc bỏng rát thì phải nghĩ tới
viêm mao mạch mày đay.
- Tổn thương là sẩn phù (sẩn hoặc mảng hình tròn, oval, hình nhẫn, hình
cung, rải rác hoặc toàn thân màu nhợt tới màu đỏ bờ rõ, ấn kính mất màu), khi mất
không để lại vảy và không thay đổi màu sắc da.
- Cận lâm sàng
+ Công thức máu.
+ Tốc độ lắng máu có thể tăng.
+ Phân tích nước tiểu.
+ Kháng thể kháng nhân: nếu nghi ngờ viêm mao mạch mày đay.
+ Xét nghiệm phân.
+ Cryoglobulin huyết thanh: Cryoglobulinemia liên quan đến một số dạng
mày đay do lạnh.
+ Bổ thể.
+ Chức năng tuyến giáp.
VI. Điều trị
- Kháng Histamin là vũ khí chính điều trị CIU. Bệnh nhân đáp ứng kém với
kháng Histamin có thể kết hợp Colchicine hoặc Dapsone. Có thể dùng một đợt
ngắn Corticoid ở những bệnh nhân kháng trị trước khi kết hợp với những biện
pháp điều trị khác. Có thể kết hợp kháng Histamin H1 và kháng Histamin H2.
- Chế độ ăn: tránh những thức ăn gây dị ứng, thức ăn chứa nhiều salicylate
như khoai tây.
Sau 1 năm, tỉ lệ bệnh nhân khỏi bệnh là 50%
BS. LÊ ĐỨC THỌ
Trưởng khoa Da liễu - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn