Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Một vài nét chung về tình hình công tác học sinh giỏi hiện nay doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (185.66 KB, 7 trang )

Một vài nét chung về tình hình công tác
học sinh giỏi hiện nay
Nếu người thầy mà rời xa học sinh, không gần gũi để hiểu từng em học
sinh thì rất khó thành công trong dạy học. Bởi vậy người thầy không nên đặt mình
ở một vị thế để rồi học sinh rất ngại gặp thầy hoặc trao đổi với thầy. Phải làm sao
để học sinh coi thầy như một người anh, người bạn trong học tập. Người thầy biết
khơi dậy niềm tin trong bản thân mỗi em học sinh niềm tin vào chính bản thân
mình.
A. Đặt vấn đề: Một vài nét chung về tình hình công tác học sinh giỏi hiện
nay
Trong vài năm nay việc dạy và bồi dưỡng HSG Quốc Gia gặp không
ít khó khăn. Nguyên do có một số thay đổi về chủ trương trong quyền lợi căn bản
của học sinh. Việc đó có ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu, mục đích của cả
người học lẫn người dạy. Học sinh thì chẳng mặn mà gì việc thi vào các đội tuyển
(nhất là học sinh lớp 12, lực lượng nòng cốt của các đội tuyển) bởi một suy nghĩ
đơn giản rằng: Mình bỏ ra một quỹ thời gian không ít vào đó may ra có đạt giải thì
chỉ được cái bằng khen và ít tiền thưởng. Còn như với quỹ thời gian đó nếu dành
cho việc ôn thi Đại học hoặc học Ngoại ngữ thì hiệu quả hơn nhiều. Bởi thế nên
một số em giỏi hoặc là không thi hoặc là cố tình thi cho trượt. Hoặc giả có chăng
một số em vào đội tuyển thì cũng là bất đắc dĩ vì nể thầy, nể nhà trường, sự cố
gắng cũng rất chừng mực, không hết tâm lực. Còn như vào đội tuyển để rồi phấn
đấu lấy một suất đi thi Quốc Tế thì quá là xa vời, mấy khi mới có được một em.
Khó khăn có khi còn ở các bậc cha mẹ học sinh, hầu hết trong số đó họ rất nhạy
cảm với tình hình thực tế. Hơn ai hết họ là những người rất thức thời, thực dụng,
thầy giáo và nhà trường rất khó thuyết phục được lực lượng này. Cái thời mà học
sinh chen nhau vào các đội tuyển đâu còn nữa. Mỗi thời một khác, thôi thì người
làm công tác HSG phải vắt óc mà nghĩ ra mọi cách làm sao để động viên được học
sinh, làm sao có nhiều HSG.
Còn đội ngũ thầy giáo làm công tác bồi dưỡng HSG thì sao? Phải nói
rằng có một giai đoạn ở các tỉnh, các trường chuyên đã có một đội ngũ thầy giáo
có năng lực và rất tâm huyết, nhưng đến nay hầu hết trong số đó đã luống tuổi.


Lực lượng giáo viên làm công tác HSG cứ mỏng dần đi, cần có lực lượng mới,
thay thế dần dần. Thôi thì phải trông chờ vào một thế hệ giáo viên trẻ khoẻ, thông
minh và năng động. Những tưởng điều đó có thể có ngay được, nhưng quả thực
cũng rất khó khăn. Trong hoàn cảnh hiện nay để xây dựng được một đội ngũ giáo
viên đạt được những tiêu chuẩn: có năng lực về chuyên môn, tâm huyết và có kinh
nghiệm cũng không dễ mà làm ngay được. Trong những năm gần đây xu hướng
những học sinh giỏi ở các trường phổ thông thi vào các trường SP càng ngày càng
ít đi, điều đó càng làm khó khăn hơn cho việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên làm
công tác HSG. Cộng thêm vào đó là chính sách đối với người làm công tác HSG,
là kinh phí, là sự đãi ngộ
Tôi đã làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đội tuyển Quốc Gia 15
năm nay. Trước đây học sinh cũng như thầy giáo cũng chẳng có quyền lợi gì đáng
kể. Thế mà học sinh chen nhau thi vào các đội tuyển Quốc Gia. Các thầy giáo thì
nhiệt tình, năng nổ, vô tư, ngày đêm say mê với công việc, với hàng đống tài liệu
sách vở. Trong mười mấy năm qua tôi đã theo khá sát tình hình thực tế với những
thăng trầm trong công tác HSG ở phạm vi cả nước cũng như cụ thể ở tỉnh mình.
Điều mà tôi thấy quan trọng nhất là phải có những nòng cột trong đội ngũ giáo
viên trường chuyên của các Tỉnh. Chí ra thì trong một Tỉnh, một trường Chuyên
trong mỗi môn học cũng phải có vài ba thầy giáo thực sự giỏi về chuyên môn và
phải là những tấm gương về sự say mê nhiệt tình và sự cống hiến, tạo ra được sự
hấp dẫn lôi cuốn đồng nghiệp. Điều đó thật là khó bởi trong tình hình thực tế hiện
nay. Công tác HSG phải là một quá trình tiếp nối, bàn giao giữa các thế hệ. Việc
dạy và bồi dưỡng HSG đòi hỏi phải là một quá trình liên tục, bền bỉ, theo sát tình
hình, mà người trực tiếp phải chịu nhiều sự thiệt thòi, hy sinh phải chăng đó là
cái "nghiệp" đã mang vào thân của những người làm công tác HSG. Điều đó có
nhiều mâu thuẫn với thực tế hiện nay là hầu hết giáo viên nào cũng chỉ muốn làm
một thời gian công tác HSG rồi sau đó tìm cách chuyển hướng. Tại làm sao vậy?
Câu hỏi đó ta tạm thời không tranh luận ở đây.

B. Một vài suy nghĩ của bản thân trong công tác bồi dưỡng HSG:


Trong mười mấy năm lăn lộn với công tác HSG tôi cũng tự rút ra được
những bài học bổ ích cho bản thân. Với tư cách là người trực tiếp giảng dạy và
phụ trách đội tuyển HSGQG trong nhiều năm tôi muốn trao đổi, chia sẻ với mọi
người một số suy nghĩ.
1. Người thầy phải tạo được niềm tin cho học sinh.
Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu học sinh có niềm tin ở người thầy
của mình thì mới tự nguyện, cố gắng đem hết sức mình để học tập, phấn đấu.
Thường thì học sinh đòi hỏi và đặt niềm hy vọng nhiều ở người thầy của mình như
là: người có thể chỉ bảo cho các em vượt qua những khó khăn trong học tập, trong
cuộc sống, sự nghiệp. Chính niềm tin ở người thầy giúp các em có đủ nghị lực
vượt qua mọi trở ngại. Muốn vậy người thầy cần phải chứng tỏ năng lực thực sự
của mình trong mọi mặt, nhất là về chuyên môn. Không thể là sự khoe khoang,
tâng bốc mình mà phải bằng một quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, say mê, hy
sinh bền bỉ, bằng uy tín của mình trước học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.
Việc tạo niềm tin cho học sinh còn ở chỗ mình phải thể hiện được là
người thầy thực sự của các em. Thường thì sau các buổi thi học sinh giỏi tôi
thường yêu cầu tất cả học sinh trình bày lại lời giải của mình, tôi chỉ ra cho học
sinh những chỗ nhầm lẫn và giải quyết những thắc mắc cho học sinh. Những bài
toán học sinh không làm được tôi quyết tâm giải trong thời gian ngắn nhất để trả
lời trước học sinh. Thực tế thì có những bài toán mình phải mất ăn, mất ngủ và tốn
rất nhiều thời gian. Song tôi cũng ít khi chịu khuất phục. Hình như mình cứ lặng lẽ
âm thầm làm cái công việc mà mình đã tự nguyện vì nó, chẳng kêu ca phàn nàn gì.
Cứ như thế tôi đã để lại những ấn tượng tốt trong học sinh, phụ huynh, đồng
nghiệp, để lại niềm tin cho nhiều thế hệ.

2.Lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo và đức hy sinh của người thầy.
Phải nói rằng nếu làm công tác học sinh giỏi mà không say mê thì
hiệu quả sẽ không cao, nếu không muốn nói là thấp. Không những thế mà người
thầy cần truyền sự say mê đó cho nhiều học sinh. Thầy giáo làm sao cho học sinh

thấy được nét đẹp, nét hay, cái thú vị của những bài toán, những công thức, những
lời giải, nó như là những bông hoa muôn màu muôn sắc của toán học. Tôi nhớ lại
kỳ thi Toán QG năm 1993 có bài toán về phương trình hàm rất khó, học sinh
không làm được. Tôi suy nghĩ nếu mình không làm thì ai làm cho học sinh đây,
lúc này cần phải thể hiện vai trò của người thầy. Hôm đó tôi không nghỉ trưa vì bị
bài toán ám ảnh, tôi quyết tâm làm cho kỳ được, cho đến hết chiều mà vẫn không
được, thật là bí! Bất thần tôi nhớ đến một bài toán trong kì thi vô địch 18 nước hơi
tương tự, tôi lập tức ngồi vào bàn giải xong bài toán và tổng quát hoá bài toán đó.
Tôi cho viết ngay lời giải lên bảng tin nhà trường. Đây là một bài toán rất hay mà
lời giải của nó đầy sự sáng tạo. Lời giải thú vị của bài toán in đậm trong tôi trong
suốt một thời gian dài.
Tôi thiết nghĩ rằng hiện nay tài liệu, sách vở rất nhiều và phong phú,
phương tiện hiện đại giúp học sinh có thể tự học toán, tìm tòi, phát hiện. Song lại
khó khăn cho người thầy trong việc tìm ra những vấn đề mới mẻ để dạy cho học
sinh. Những vấn đề mới thầy dạy năm nay, thì năm sau lại trở thành cái cũ mất rồi,
có khi lại có ở một tài liệu nào đó rồi, học sinh lớp trước truyền cho lớp sau và
thầy cũng không cần thiết phải dạy nữa. Điều đó bắt buộc người thầy cũng phải
luôn luôn tìm tòi, khám phá để tìm ra cái mới, có thể giờ dạy mới hấp dẫn được.
Đến đây tôi muốn nói đến tính sáng tạo của người thầy trong quá trình dạy học.
Cái hay cái thú vị lại ở chỗ tự mình biết khám phá ra cái hay cái mới. Tôi thường
có một thói quen tự giải quyết một vấn đề, một bài toán trước hết bằng sự độc lập
của mình, không lấy các lời giải đã có sẵn, làm như thế nó tự nhiên logic hơn, điều
quan trọng hơn là mình hiểu được quá trình tư duy. Chính cách đó nó đem lại cho
người thầy khả năng sáng tạo trong dạy học. Thường thì khi dạy cho học sinh một
bài toán tôi không dừng lại ở đó mà hướng dẫn học sinh khai thác theo nhiều
hướng khác nhau để được nhiều bài toán mới. ( Vấn đề này tôi đã viết luận văn
bảo vệ Thạc sỹ của tôi - năm 1998 và có một vài bài tôi viết trên báo Toán học và
Tuổi trẻ). Cách đây vài năm, trong kỳ thi HSGQG năm học 2004 - 2005 có một
bài toán rời rạc mà hầu như cũng rất ít em làm được. Tuy nhiên bài toán không
quá khó, song kiểu tư duy toán rời rạc học sinh không quen và ngay cả thầy giáo

cũng vậy. Khi xem bài toán thoạt tiên tôi thấy có vẻ rắc rối, song khi bình thân lại
suy nghĩ kỹ tôi thấy được đường lối đã rõ ràng và tôi đã chỉ ra cho học sinh cách
giải bài toán đó. Sau đó tôi còn hướng dẫn học sinh cách mở rộng và tổng quát bài
toán. Tôi đã viết về bài toán này trên báo "Toán học và tuổi trẻ" - số tháng 3/2006
Thầy giáo trong quá trình dạy nên tìm mọi cách sáng tạo sao cho quá trình học
toán không đi theo một lối mòn, nhàm chán. Tôi rất chú trọng các đề kiểm tra
đánh giá học sinh hay khi được Sở giao cho làm đề thi HSG, đề chọn đội tuyển.
Tôi thường tự suy nghĩ độc lập ra đề, không phụ thuộc nhiều vào các tài liệu, sao
cho đề ra có tính thời sự, mới mẻ, hấp dẫn, không theo một lối mòn và đánh giá
đúng năng lực của học sinh theo từng mức độ. Một đề thi hay, có tính hấp dẫn,
phù hợp sẽ có tác dụng lớn trong việc kích thích sự say mê của học sinh trong học
tập. Dạy toán mà luôn "ăn sẵn" thì khả năng sáng tạo rất hạn chế . Đành rằng
chúng ta phải có nhiều tài liệu và cũng phải tham khảo nhiều ở các tài liệu, tài liệu
càng phong phú thì thầy giáo càng có điều kiện truyền tải cho học sinh. Song cái
cốt yếu là phải biến những kiến thức từ vô vàn tài liệu đó thành cái của thầy để rồi
truyền thụ lại cho học sinh phương pháp học toán.

3. Thầy giáo cần phải gần gũi với học sinh, tôn trọng và biết cách động viên
kích thích lòng say mê, sáng tạo của học sinh.
Nếu người thầy mà rời xa học sinh, không gần gũi để hiểu từng em
học sinh thì rất khó thành công trong dạy học. Bởi vậy người thầy không nên đặt
mình ở một vị thế để rồi học sinh rất ngại gặp thầy hoặc trao đổi với thầy. Phải
làm sao để học sinh coi thầy như một người anh, người bạn trong học tập. Người
thầy biết khơi dậy niềm tin trong bản thân mỗi em học sinh niềm tin vào chính bản
thân mình. Tôi thường làm toán cùng các em học sinh giỏi. Nhiều khi học sinh đã
có lời giải trước thầy, trong trường hợp như thế tôi thường khen ngợi khuyến
khích học sinh, vì thế mà các em lại càng quý tôi hơn. Tôi nhớ có một lần trong kỳ
thi HSG Quốc gia có một bài toán số học rất khó, sau khi thi tôi xem đề ra, tôi liền
cặm cụi ngay vào việc giải bài toán số học đó. Thú thật sau một thời gian khá dài
tôi không giải được, thế mà có một em học sinh đã giải được ngay trong buổi thi

đó. Cũng không hiểu lý do gì mà em học sinh đó dấu tôi về lời giải của nó (chắc là
vì một lý do tế nhị ), sau vài ngày em mới trình bày lại với thầy. Lời giải quả thực
là tuyệt vời, tôi sửng sốt đến tột đỉnh và thán phục em học sinh của mình. Tôi nghe
nói hình như đó là lời giải hay nhất trong toàn quốc trong kỳ thi năm ấy. Đó là nữ
sinh Trịnh Kim Chi, hiện nay em đang làm công tác tại Hoa Kỳ.
Có điều tối kị trong việc dạy HSG là tính tự ái, bảo thủ của người thầy.
Tính tự ái, bảo thủ là nguyên nhân làm cho thầy giáo xa rời học sinh. Thầy có thể
giải nhầm một bài toán khó là chuyện bình thường, học sinh có thể nhận ra điều đó.
Có hai khả năng xảy ra: một là học sinh sẽ lặng im nếu thầy mình là một người
bảo thủ, hai là sẵn sàng chỉ ra chỗ sai của thầy để rồi thầy trò cùng tranh luận. Khả
năng nào hay hơn, tôi nghĩ rằng chỉ có khả năng thứ hai thì người thầy mới trưởng
thành lên được. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều vì những chuyện tương tự như
vậy. Tôi nhớ có một lần có một bài toán số học thi IMO do Trung Quốc đề nghị.
Tôi đã giải nó và viết lời giải đó cho các học trò trong đội tuyển Quốc Gia xem.
Tôi tự nghĩ đó là một lời giải hay, và hầu hết các học trò của tôi đều thán phục.
Không ngờ một tuần sau một trong số 8 em đội tuyển nói với tôi: "cách giải đó
không được thầy ạ ", tôi ngỡ ngàng và tranh luận cùng học trò ấy khá kịch liệt,
cuối cùng thì tôi công nhận em học sinh ấy đúng. Em đó đã phát hiện ra một sai
lầm rất tinh vi trong cách giải của tôi. Tôi vui vẻ nói với em: " Thế là em giỏi hơn
thầy rồi đó". Qua một số lần như thế tôi ý thức được việc là mình phải luôn luôn
tôn trọng ý kiến của học sinh và phải làm sao đáp ứng với những đòi hỏi càng
ngày càng cao của học sinh.
Trên đây là những tâm sự của tôi về công tác dạy và bồi dưỡng HSG.
Những việc làm được của mình cho công tác HSG cũng thật là nhỏ nhoi, những
đóng góp cho sự nghiệp giáo dục cũng còn là ít ỏi. Có thể có người ủng hộ ý kiến
trên của tôi, cũng có thể có người không tán thành, tôi xin cảm ơn tất cả. Rất mong
mọi người góp ý, phê bình chân tình cho bài phát biểu, tôi vui lòng tiếp thu.

×