STRESS VÀ CÁC RỐI LOẠN LIÊN
QUAN ĐẾN STRESS
(Kỳ 1)
I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ STRESS
- Stress là một thuật ngữ tiếng Anh được dùng trong vật lý học để chỉ một
sức nén mà vật liệu phải chịu đựng.
- Đến thế kỷ thứ 17 stress từ ý nghĩa sức ép trên vật liệu được chuyển sang
dùng cho người với ý nghĩa một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào
con người gây ra một phản ứng căng thẳng.
- Hiện nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi. Tuy nhiên nhiều tác
giả sử dụng với những sắc thái khác nhau. Theo Hans Selye: "Stress là một phản
ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng". Theo
J.Delay: "Stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn của cơ thể buộc phải huy
động các khả năng phòng vệ để đối phó với một tình huống đang đe doạ".
- Hiểu khái niệm chung về stress cho cả hai ý nghĩa bao gồm:
1. Tình huống stress dùng để chỉ tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra
stress (stresseur).
2. Đáp ứng stress dùng để chỉ trạng thái phản ứng với stress (reaction).
- Stress bình thường là một tình huống stress nhẹ, đối tượng chịu đựng
được và phản ứng thích nghi tốt. Đối tượng thu xếp được cân bằng mới thoả
đáng.
- Stress trở nên bệnh lý khi tình thuống stress xuất hiện bất ngờ và quá
mạnh hoặc không mạnh nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần vượt quá khả năng chịu
đựng của đối tượng gây ra các rối loạn cơ thể, tâm thần và ứng xử gọi là các rối
loạn liên quan stress (RLLQS).
II. CƠ CHẾ GÂY BỆNH CỦA STRESS
Hàng ngày, hàng giờ mỗi cá nhân trong xã hội phải chịu tác động của
nhiều loại stress. Ví dụ: điều kiện sống khó khăn, làm việc quá tải và căng thẳng,
thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng, con cái, mâu thuẫn
với hàng xóm, với đồng nghiệp
Tuy nhiên stress có gây bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố
phức tạp.
Có hai nhân tố chính là: đặc điểm gây bệnh của stress và sức chống đỡ của
nhân cách.
a) Đặc điểm gây bệnh của stress:
- Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn (người thân chết
đột ngột, tổn thất về kinh tế nặng nề). Có những stress tuy không mạnh và cấp
diễn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần gây căng thẳng nội tâm cũng có khả năng gây
bệnh.
- Thành phần gây bệnh của stress là ý nghĩa thông tin chứ không phải là
cường độ của stress (ý nghĩa gây bệnh của đám cháy không phải là cường độ ngọn
lửa mà là giá trị của tài sản bị thiêu huỷ và hậu quả cụ thể đối với mỗi cá nhân).
- Những stress gây xung đột nội tâm làm cho cá nhân không tìm được lối
thoát cũng thường gây bệnh (một đôi vợ chồng mâu thuẫn gay gắt và kéo dài
nhưng không thể ly dị được vì đang còn lo nghĩ về những đứa con).
- Stress đập vào cá nhân thường gây bệnh nhiều hơn stress đập vào một
cộng đồng (cơ chế chia sẻ gánh nặng, nỗi buồn).
b) Sức chống đỡ của nhân cách:
- Nếu đối tượng nhận thức tình huống stress không nguy hiểm và có thể
chống đỡ được thì sẽ có một phản ứng thích hợp bình thường. Ngược lại nếu đối
tượng nhận thức tình huống là nguy hiểm và không thể chống đỡ được thì sẽ xuất
hiện một phản ứng bệnh lý.
- Cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét
nhân cách dễ bị tổn thương.
- Cùng một phản ứng stress tuỳ theo phương thức phản ứng của đối tượng
mà có thể biểu hiện bệnh lý khác nhau: lo âu, trầm cảm, khó thở, rối loạn tiêu hoá,
cao huyết áp
- Những nét nhân cách sau đây dễ bị tổn thương: dễ xúc động, khó làm chủ
bản thân, bi đát các tình huống stress; đánh giá cao các khó khăn và đánh giá thấp
bản thân.
- Những nét nhân cách sau đây có sức chống đỡ với stress: sớm làm chủ
được tình huống stress, có ý chí và tinh thần trách nhiệm, có khả năng thích nghi,
mềm dẻo.
c) Môi trường và nhân cách tác động qua lại cảm ứng lẫn nhau rất mật
thiết, khi cảm ứng những nét tiêu cực có thể gây ra trạng thái bệnh lý tập thể, khi
cảm ứng những nét tích cực thì mỗi nhân cách trong tập thể lại được tăng thêm sức
mạnh để chống đỡ stress.
d) Cơ thể khoẻ mạnh hỗ trợ tốt cho nhân cách chống đỡ với stress.