Đặc tính xã hội của đô thị hiện đại
Việt Nam đang trong quá trình cải tạo và xây dựng các thành phố, thị xã
thành những đô thị hiện đại. Hầu hết các thành phố, thị xã hiện hữu đến nay
đã có các đề án quy hoạch phát triển tổng thể để thực hiện. Ở từng đề án, có
lẽ những người tham gia vẽ nên nó đã hình dung đến cái viễn cảnh của một
đô thị hiện đại với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những gì đang diễn
tiến từ các đô thị này, đã cho ta nhận thức rằng: đô thị không phải là một mô
hình dễ vẽ, dễ xây, mà đô thị là một hệ thống của một tiến trình xã hội, kinh
tế, văn hoá rất đặc thù.
Những diến tiến về sự thay đổi không gian vật chất, kỹ thuật sẽ dần định hình cuộc
sống xã hội và sinh hoạt văn hoá muôn màu, muôn vẻ của triệu triệu con người
chúng ta. Việc nhìn lại một số trải nghiệm từ các đô thị hiện đại ở các nước phát
triển để xác định cái viễn cảnh về những đặc tính văn hoá, xã hội hợp lý ở các đô
thị hiện đại mà chúng ta đang xây dựng là việc cần thiết.
Có thể nói rằng, đa số các thiết kế quy hoạch và kiến trúc của các đô thị hiện đại
được xây dựng là nhằm sẵn sàng đảm trách các vị trí kinh tế, xã hội và văn hoá
của các cộng đồng dân cư. Thế nhưng, ở mức độ nhất định, sự xuất hiện của
những công trình vĩ đại cùng với các kiểu kiến trúc trìu tượng ở các đô thị hiện đại
tại nhiều quốc gia phát triển, đã ít nhiều nảy sinh mâu thuẫn so với nhu cầu hiện
tại và tương lai của đa số người dân. Phần lớn các đô thị hiện đại - những đô thị
"đi trước", đã được quy hoạch và xây dựng theo nghĩa rằng: "các kỹ thuật hiện
đại" sẽ được dùng để nâng cấp và tạo dựng nên một không gian vật thể và xã hội
đô thị mới, nơi đó các tiêu chí vật chất kỹ thuật được dùng để đánh giá mức độ
hiện đại. Và hiển nhiên, quy mô và loại hình không gian vật thể của các công trình
tại những đô thị này được xây dựng chủ yếu dựa trên cơ sở duy lý của một nhóm
người có quyền lực tài chính và chính trị.
Chúng ta biết rằng, tại các nước phát triển, quá trình cải tạo và nâng cấp các đô thị
vốn rất hiện đại cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Các nhà làm quy hoạch xây dựng và
kiến trúc thông qua những trải nghiệm có được, đã rất chú ý đến các khía cạnh về
việc tái thiết lập các không gian xã hội và văn hoá trong đô thị, nơi mà cơ hội quần
cư sinh sống được mở rộng hơn cho đa dạng các thành phần xã hội. Những thành
phố cụ thể như Vienna, Barcelona, Valencia, Sanannah, Tokyo, New York đã và
đang trải qua những cuộc tái sinh để dành đất sống cho những cái mà trước đây
hàng trăm năm được coi là không hiện đậi và bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Nhiều người tự hỏi về cái "ý nghĩa của các không gian văn hoá trong đô thị hiện
đại do họ tạo dựng nên là gì?". Sự thật rằng, các đô thị hiện đại ở các nước "đi
trước" đã được chính những người nắm tài chính và quyền lực "tự ý" định dạng
đóng khung các khuôn mẫu văn hoá xã hội để dành phần cho một nhóm người và
hạn chế cơ hội tương tác, tiếp cận của nhiều nhóm người thuộc các tầng lớp xã hội
khác xung quanh đó. Nhiều nghiên cứu của các nhà xã hội học tại các đô thị hiện
đại đã cho thấy, chính các bức tường ranh giới vật chất và sự nhận thức của người
dân sống ở đó, đã quy định một cách trọn vẹn về quá trình hình thành, duy trì, biến
đổi các tương tác văn hoá, xã hội của người dân trong đó
Thật vậy, với những toà nhà cao chọc trời được dựng lên, đã không còn những
"khe hở" cần thiết để nuôi dưỡng được sự đa dạng về mặt văn hoá và xã hội của
các nhóm cư dân khác nhau ở đô thị. Những bức tường cao hàng trăm mét được
xây bằng các vật liệu kỹ thuật hiện đại đã định dạng và cắt nhỏ các đặc tính văn
hoá xã hội của các tầng lớp dân cư vốn đã từng sinh sống khi các đô thị này đang
ở tình trạng chưa hiện đại. Theo nhận định của các chuyên gia đô thị thì những
không gian vật chất được quy định và xây dựng tại đô thị hiện đại là những lá chắn
hữu hình trong việc duy trì hoặc gia tăng sự bất bình đẳng xã hội giữa các nhóm
dân cư khác nhau, như các nhóm người giàu và người nghèo, người khác sắc tộc,
khác tôn giáo, khác giới hay khác quan điểm chính trị
Thực tế, các cư dân thượng lưu sống trong một số đô thị hiện đại có xu hướng tìm
kiếm sự riêng tư hay còn gọi là sự khu biệt cư trú. Sự né tránh các tương tác văn
hoá xã hội với cộng đồng xung quanh trong khu ở là đặc trưng về ứng xử văn hoá
của phần lớn dân cư trong các đô thị có cơ sở vật chất hiện đại. Biểu hiện dẽ nhận
thấy là việc hình thành các hàng rào toà nhà, sự tuyệt giao các mối quan hệ và dễ
dàng dọn đi nơi khác khi có vấn đề xung đột tại nơi ở. Ở những đô thị này, chính
quyền cần phải mở rộng vai trò thi hành luật: "Các luật phân vùng, sở cảnh sát địa
phương, quy định về chó, luật giữ yên lặng, luật chống bạo lực gia đình và giữa
người với người, tất cả chỉ vì bảo vệ sự quy củ trong gia đình và cuộc sống của
khu dân cư hiện đại". Tuy vậy, rõ ràng những hành vi bạo lực và tội phạm tại
những đô thị hiện đại, riêng tư và khép kín, là nỗi sợ hãi của rất nhiều người.
Trong môi trường sống ấy, tất nhiên chỉ có luật pháp mới giúp họ giảm được nỗi
sợ hãi đó. Tình làng nghĩa xóm sẽ không còn đủ mạnh để bảo vệ cuộc sống của
người dân tại những khu phố hiện đại này. Thật vậy, chính nỗi sợ hãi và cảm giác
dễ bị tổn thương mà cư dân ở một số đô thị hiện đại ở các nước "đi trước" đã trải
qua rất đáng để ta suy ngẫm.
Phải chăng, đã đến lúc các nhà làm quy hoạch đô thị cần nhìn nhận sâu sắc và có
thể cũng cần phải thay đổi cái triết lý phát triển trong các đề án quy hoạch đô thị
của mình, để hưởng cái lợi và tránh cái hại, đúng vị thế của những người đi sau.