Thiết kế phòng cho con
Không gian các căn phòng cho em bé thường phải thoáng, sáng và tiện dụng. Nên
chú ý phối màu và thiết kế những tiện nghi sinh hoạt sao cho căn phòng là một
môi trường vui tươi giúp trẻ tự lập và biết cách sắp xếp nơi sinh hoạt của mình.
Màu sắc thường được thiết kế theo giới tính và lứa tuổi. Tùy theo diện tích của căn
phòng mà bàn ghế, giường tủ có kiểu dáng phù hợp. Vật liệu thông thường là gỗ
MDF được sơn màu. Gỗ thông cũng được sử dụng và giữ nguyên vân tự nhiên.
Giường có hộc kéo, kệ sách ở đầu giường, bàn học nằm trong kệ rất phù hợp với
các căn phòng nhỏ. Bàn học được làm vát theo hình dạng của phòng, màu xanh
của tủ được tô điểm bởi các ô kệ màu vàng, hồng và sọc của ngăn kéo. Các bé gái
thường thích thú nhồi bông và búp bê nên có thể thiết kế kệ lõm trên tường để xếp
gọn đồ chơi. Bàn học không có chân. Giường không nên quá cao vì các bé còn nhỏ.
Nếu nhà không rộng thì bố trí tấm đệm với tủ nhỏ và bộ bàn ghế thổi hơi. Phần
trống còn lại để các bé vui đùa thoải mái.
Thời gian/chất lượng giáo dục
Các bậc cha mẹ thường phàn nàn với các nhà tâm lý học là không có nhiều thời
gian rỗi. Thế nhưng, dù họ có nhiều thời gian tiếp xúc với con hơn thì hiệu quả
giáo dục cũng không tăng lên vì tình cảm của bố mẹ với con cái không phụ thuôc
vào số lượng mà ở chất lượng thời gian. Điều này có nghĩa là phương tiện tâm lý
đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục gia đình, tiếp xúc giữa bố mẹ và con
cái.
Thời gian của con cái và cha mẹ rất khác biệt. Thời gian của con ở tương lai, còn
của bố mẹ là quá khứ. Em bé muốn thoát ly bố mẹ càng sớm càng tốt, trong khi bố
mẹ lại muốn điều ngược lại. Có lẽ, chính vì thế mà chúng ta luôn có cảm giác con
mình còn nhiều thời gian, còn chúng ta luôn tất bật, vội vã.
Nhiều bậc cha mẹ do nhiều nguyên nhân tâm lý rất phức tạp nên lúc nào cũng vội
vã, luôn luôn không kịp thực hiện một dự định nào đó. Họ thụ động một cách vô
thức với thời gian của mình, luôn phấp phỏng chờ đợi những thời kỳ tốt đẹp và
phủ nhận cuộc sống thực tế của mình. Họ không sống mà chỉ có ý định sống.
Trong gia đình họ luôn bao trùm không khí vội vã, các con họ luôn nghe thấy
những câu kiểu như: ''Ăn nhanh lên, mẹ đang vội''.
Đôi khi chúng ta còn thúc giục con em mình vì những nguyên nhân khác: muốn
con mau thành người lớn, chóng biết ngồi, biết đi, biết đọc, nói viết Tất nhiên,
chắc chắn sẽ đến lúc đó, không nên vội. Liệu như vậy có phủ nhận cuộc sống hôm
nay, phủ nhận hôm nay của bé? Khi cái ngày mai xa vời đó đến, chúng ta lại chờ
ngày mai mới mà bỏ qua cái nhìn đang có hôm nay, lúc này Có lẽ chúng ta thấy
mệt mỏi vì không biết yêu ngày chưa hoàn mỹ hôm nay của con chúng ta, chưa
cảm giác đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống hiện tại vì công việc yêu thích không làm
con người mệt mỏi mà mang lại niềm vui.
Thời khóa biểu xưa - nay
Có thể nói ngay, người am hiểu giờ giấc của gia đình hôm nay chính là con cái.
Cha mẹ đi làm mấy giờ, về nhà mấy giờ? Những người trẻ nắm chắc hơn câu hỏi.
Ngược lại bạn là cha mẹ, bạn biết gì về giờ giấc của con cái? Một câu hỏi quá dễ
nhưng dường như đã cũ, quá cũ: chúng sẽ đến trường vào lúc… tan trường vào
lúc… học thêm vào lúc… về nhà vào lúc… và hầu hết bậc cha mẹ đều bàng hoàng,
bật ngửa khi có sự cố xảy đến cho con cái… "Trời ơi! Giờ này nó đang ở trong lớp
kia mà?!!! "
Cuộc sống thay đổi quá nhanh, nhịp sống, nếp sống hàng ngày đều có thêm cái
mới, chỉ thói quen, nếp nghĩ thường xuyên chậm chạp. Những nếp nghĩ gia đình
luôn là những điều khó thay đổi nhất, 10 năm trước và 10 năm sau dường như vẫn
thế. Một ví dụ nhỏ: con cái ban ngày đi học, buổi tối ở nhà. Vâng! Buổi tối nó vẫn
ở nhà đấy thôi, còn ban ngày vẫn đến lớp đấy thôi… nhưng cuộc đời đâu đơn giản
thế, nhiều cha mẹ không hay biết trong chiếc ba lô, cặp táp kia có thêm một bộ đồ
rất mốt, tiết học tan sớm, hay chỉ vừa đến cổng trường, cha mẹ quay xe đi, cô
(cậu) đã tót ngay vào toilet thay bộ đồ đi phố và đã thản nhiên tung tăng ngồi quán
xá với bạn bè hẹn trước. Tuổi trẻ vốn ngổ ngáo và "ranh mãnh" (tuổi trẻ ai mà
chẳng thế). Đấy là ví dụ nhỏ dễ gặp nhất, và quán xá, cà phê hay xi nê, đi phố
cũng là những thú vui lành mạnh (tất nhiên chưa nói đến những thứ không lành
mạnh như ma túy, karaoke đèn mờ, thuốc lắc, net sex, vũ trường thâu đêm) chỉ
nhìn từ khía cạnh quản lý giờ giấc. Thời khóa biểu bất di bất dịch của 10 năm, 20
năm qua đã lạc hậu trước thay đổi vũ bão của đời sống, của xã hội và những
phương tiện sống hôm nay khác hẳn hôm qua.
Một cái nhìn để cùng suy ngẫm, không nhằm mục đích phê phán hay phiến diện:
cứ hễ ở nhà buổi tối là ngoan, ra đường ban ngày là hư và ngược lại.
Khi giá trị cũ đã không còn phù hợp với nhịp sống mới, nó luôn cần được điều
chỉnh, đến như giờ đến công sở hay tan sở, giờ đến trường, tan trường trước thực
trạng giao thông bế tắc còn phải được điều chỉnh thì những "thời khóa biểu" của
con cái trong gia đình liệu đã có bao nhiêu bậc cha mẹ nhận ra và điều chỉnh?
Thay đổi cách nghĩ luôn là điều khó khăn lớn nhất.