Tải bản đầy đủ (.doc) (43 trang)

Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học phật giáo của trần nhân tông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (272.51 KB, 43 trang )

MỤC LỤC
A. PHẦN MỞ ĐẦU 1
B. PHẦN NỘI DUNG 6
CHƯƠNG 1 6
CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG 6
TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO TRẦN NHÂN TÔNG 6
1.1. i u ki n kinh t - xã h iĐ ề ệ ế ộ 6
1.2. Ngu n g c t t ngồ ố ư ưở 8
1.3. Ph m ch t c bi t c a Tr n Nhân Tôngẩ ấ đặ ệ ủ ầ 12
CHƯƠNG 2 15
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC PHẬT
GIÁO CỦA TRẦN NHÂN TÔNG 15
2.1. V n th gi i quan trong t t ng tri t h c Phât giáo c a Tr n Nhân Tôngấ đề ế ớ ư ưở ế ọ ̣ ủ ầ 15
2.2 V n nhân sinh quan trong t t ng c a Tr n Nhân Tôngấ đề ư ưở ủ ầ 22
2.3. óng góp và nh h ng c a Tr n Nhân Tông i v i Phât giáo Vi t NamĐ ả ưở ủ ầ đố ớ ̣ ệ 36
C. KẾT LUẬN 40
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 42
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1
Phật giáo là một tôn giáo lớn của thế giới có nguồn gốc từ Ấn Độ. Phật
giáo đã truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu công nguyên, đến nay đã gần
2000 năm. Từ đó đến nay, Phật giáo đã để lại cho dân tộc ta nhiều dấu ấn có thể
thấy từ tín ngưỡng cho đến văn hóa, phong tục, tập quán, từ thế giới quan đến
nhân sinh quan, từ tư tưởng đến tình cảm. Từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo
đã tồn tại và gắn liền với lịch sử dân tộc, Phật giáo được bản địa hóa, mang đậm
màu sắc văn hóa Việt Nam và là một bộ phận của nền văn hóa tinh thần, cũng
như nếp sống của người Việt.
Ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, thời kỳ khẳng định nền độc lập dân tộc,
Phật giáo và dân tộc đã gắn bó mật thiết, khăng khít với nhau. Lý Nam Đế (451-
547) vừa tạo lập ra nước “Vạn Xuân” vừa xây dựng chùa “Khai Quốc”. Hình ảnh


nước “Vạn Xuân” và chùa “Khai Quốc” đã quyện chặt vào nhau trong buổi đầu
dựng nước và giữ nước. Ở thời Lý, Phật giáo tiếp tục chiếm vị trí chủ đạo trong
đời sống tinh thần của nhân dân. Câu tục ngữ “Đất vua, chùa làng, phong cảnh
Bụt” phản ánh trong ý thức người dân vai trò của Phật giáo trong giai đoạn lịch sử
này. Dưới triều đại nhà Trần ở thế kỷ XIII, Phật giáo phát triển mạnh và được
xem như là quốc giáo. Đặc biệt vào thời đại vua Trần Nhân Tông là thời đại mà
Phật giáo phát triển đến cực thịnh.
Đời Trần là thời đại mà Phật giáo thật sự hoà nhập vào lòng dân tộc từ hình
thức lẫn nội dung, yếu tố đưa đến thành công và những đặc sắc của đạo Phật
không tách rời với sự phát triển của dân tộc. Phật giáo đã trở thành cốt tuỷ và hoà
nhập với nền văn hóa dân tộc. Nó hoàn toàn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của
một dân tộc khao khát hoà bình, yêu thích tự do độc lập. Khi chiến tranh chống
ngoại xâm, đạo Phật đã tập hợp những tâm hồn yêu nước, thương dân, đoàn kết
một lòng mọi người với ông Bụt từ bi, với Quan Âm cứu khổ và giáo lý thực tiễn
không tách rời cuộc sống bằng thân, khẩu, ý. Đặc sắc của Phật giáo đời Trần là
tính tích cực nhập thế. Có thể nói rằng các vị vua, các thiền sư đã sử dụng đúng
tiềm năng của đạo Phật, khiến cho nó trở thành một tôn giáo không thể thiếu
trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam.
Trong số những vị vua, các nhà thiền sư của nhà Trần, thì Trần Nhân Tông
nổi lên không chỉ với tư cách là nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng, là một anh
2
hùng dân tộc đã hai lần lãnh đạo nhân dân nước Đại Việt đánh tan quân xâm lược
Nguyên Mông để giành lấy chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước; mà ông
còn là nhà văn hóa, nhà tư tưởng nổi tiếng đương thời. Điều đáng chú ý là Trần
Nhân Tông còn là vị hòa thượng chân tu, một nhà thiền học có công lớn nhất
trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông xuất phát từ thực tế Việt Nam để sáng lập
ra một tông phái Phật giáo mang bản sắc Việt Nam - thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Vì vậy, nghiên cứu triết học Trần Nhân Tông có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Bởi nghiên cứu tư tưởng triết học Trần Nhân Tông để làm sáng tỏ vị trí, vai trò
của Trần Nhân Tông đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và đời sống văn hóa

tinh thần của con người Việt Nam nói riêng. Đồng thời, nó giúp chúng ta biết đến
những di sản tư tưởng văn hóa quý báu của cha ông, để “gạn đục, khơi trong” tiếp
nhận, phát huy những gì là tích cực, ngăn chặn, gạt bỏ những gì là tiêu cực trong
công cuộc đổi mới, mở cửa hiện nay, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên
tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Với những lý do trên chúng tôi chọn đề tài “Góp phần tìm hiểu tư tưởng
triết học Phật giáo của Trần Nhân Tông” để làm đề tài nghiên cứu khoa học
của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Ở Việt Nam hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về những tư tưởng Phật
giáo của Trần Nhân Tông. Ở đây có thể nêu lên một số tác phẩm tiêu biểu sau:
- Nguyễn Tài Đông, “Việt Nam hóa Phật giáo ở Trần Nhân Tông”, Tạp chí
Triết học số 12 – 2008
- Nguyễn Đức Sự, “Trần Nhân Tông nhà Thiền học, nhà tư tưởng lỗi lạc
thời Trần”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 12 – 2008
- Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông – Con người và tác phẩm, Nhà xuất bản
thành phố Hồ Chí Minh, 1999
- Nguyễn Tài Thư, “Xu hướng nhập thế trong tư tưởng Phật giáo Trần
Nhân Tông”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 11 – 2009
- Hoàng Ngọc Vĩnh, Phật giáo Huế với đời sống văn hóa tinh thần con
người Huế, Đề tài cấp Bộ B2007-ĐHH 01-41.
- Hoàng Ngọc Vĩnh, Giáo trình tôn giáo học đại cương, Nxb Đại học Huế,
Huế 2009.
- Hoàng Ngọc Vĩnh, Hồ Chí Minh với một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Đại
học Huế, Huế 2009.
3
Các công trình nghiên cứu mới này đã khẳng định: Phật giáo Trúc Lâm là
nhập thế; phụng sự cho đời sống; giải thoát tâm linh cũng như giải thoát đời sống
xã hội là hai phương diện liên quan đến nhau, bổ túc cho nhau; Phật tại tâm của
Trúc Lâm Yên Tử là sự phát triển đến trình độ cao gần như hoàn thiện quan niệm

Phật tại tâm của Phật giáo;
Trong quá trình thực hiện đề tài “Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học
Phật giáo của Trần Nhân Tông” nhóm tác giả đã có sự tiếp thu kế thừa những
thành tựu đã đạt được trong các công trình nêu trên.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu
Góp phần làm sáng tỏ vị trí vai trò của Trần Nhân Tông trong lịch sử Phật
giáo Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng về bản thể luận và nhân sinh quan của Trần
Nhân Tông; những đóng góp của ông trong sự phát triển tư tưởng triết học Việt
Nam.
Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nêu trên, đề tài có nhiệm vụ:
- Trình bày cơ sở hình thành tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông.
- Làm sáng tỏ một số nội dung triết học Phật giáo cơ bản của Trần Nhân
Tông như bản thể luận, nhân sinh quan v.v
- Làm rõ những đóng góp của Trần Nhân Tông đối với Phật giáo Việt Nam
nói riêng, với đời sống văn hóa Việt Nam nói chung.
4. Cở sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận
Đề tài dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin; đường lối của Đảng và chính
sách của Nhà nước về vấn đề tôn giáo.
Phương pháp nghiên cứu
- Phép biện chứng duy vật, với những nguyên tắc khách quan, toàn diện,
phát triển, lịch sử cụ thể là phương pháp nghiên cứu xuyên suốt của đề tài.
4
- Bên cạnh đó đề tài còn sử dụng các phương pháp cụ thể khác như phân
tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, trừu tượng hóa, khái quát hóa v.v để thực hiện
đề tài.
5. Đóng góp của đề tài

- Đề tài góp phần làm sáng tỏ giá trị tư tưởng triết học của Trần Nhân
Tông, đặc biệt là bản thể luận và nhân sinh quan của ông.
- Đề tài là tài liệu tham khảo cho những người quan tâm đến nền văn hóa
Việt Nam và triết học Việt Nam nói riêng, mà sự quan tâm này là một nhu cầu
cấp bách và to lớn trong xã hội hiện nay.
6. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được
kết cấu thành 2 chương, 6 tiết:
Chương 1: Cơ sở hình thành tư tưởng triết học Trần Nhân Tông
Chương 2: Những nội dung cơ bản trong triết học Phật giáo của Trần Nhân
Tông
5
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG
TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO TRẦN NHÂN TÔNG
1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội
Sự hình thành và phát triển của tư tưởng triết học Trần Nhân Tông không
phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, bất thường, mà là một hiện tượng có tính tất
yếu lịch sử. Nó không những phản ánh những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội
lúc bấy giờ, mà còn là kết quả của sự tiến triển nội tại của Phật giáo Việt Nam.
Năm 1226 Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Được sự
ủng hộ của Trần Thủ Độ và họ hàng, Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, lập ra triều
Trần (1226-1400). Nhà Trần trải qua các triều vua Thái Tông (1226-1258), Thánh
Tông (1258 - 1278), Nhân Tông (1279 - 1293)v.v đã tiến hành nhiều biện pháp
thúc đẩy xã hội tiến lên một bước đáng kể. Dưới triều Thái Tông, Nhân Tông, đất
nước ta trải qua ba cuộc kháng chiến anh hùng chống quân Nguyên Mông xâm
lược, nâng cao vị trí nhà Trần trong lịch sử và bồi đắp ý chí quật cường của dân
tộc ta.
Nếu cuối thời Lý nền kinh tế bị suy thoái thì với triều Trần lực lượng sản

xuất bắt đầu được phục hồi và phát triển. Nhà Trần đề ra chủ trương khai khẩn
đất hoang, đắp đê quai vạc ngăn úng lụt, nước mặn. Bởi vậy số làng quê tăng lên
nhanh chóng. Trong các lộ, tỉnh, nhà Trần đều có người theo dõi đê điều, canh tác
đất hoang và quản lý dân số. Năm 1226 nhà Trần giải quyết cho tầng lớp quý tộc
cao cấp biến những người nghèo lang thang thành những nô tỳ để khai khẩn
những vùng đất hoang miền duyên hải, xây dựng đê đập ngăn nước mặn ở các
cửa sông, thành lập nên các điền trang. Những chính sách tích cực của nhà Trần
nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đã có tác dụng đáng kể, nhiều năm được
mùa lớn, cuộc sống nhân dân ổn định.
6
Kinh tế - xã hội lúc bấy giờ về cơ bản là chế độ sở hữu nhà nước về đất đai
thông qua công xã nông thôn. Đó là quyền sở hữu tối cao về ruộng đất thuộc về
nhà vua, người đứng đầu nhà nước. Quyền sở hữu này được biểu hiện bằng quyền
được hưởng dụng những sản phẩm thặng dư, quyền thu địa tô do thần dân cống
nạp.
Vào thời kỳ này do nhu cầu xã hội ngày càng tăng lên nên thủ công nghiệp
thời kỳ này có điều kiện phát triển nhanh chóng. Các nghề thủ công cổ truyền như
đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm sứ, ươm tơ dệt lụa ngày càng phát triển. Chất
lượng sản phẩm ngày càng được tăng cao. Chuông đồng, tượng Phật xuất hiện ở
khắp các chùa chiền, các loại gạch trang trí hoa, rồng được sản xuất để phục vụ
cho việc xây dựng cung điện chùa chiền. Nhờ thủ công nghiệp và nông nghiệp
phát triển, việc buôn bán ngày càng được mở rộng. Các chợ làng, chợ huyện mọc
lên ở nhiều nơi. Giao lưu buôn bán các sản phẩm thủ công ngày càng nhộn nhịp.
Công nghiệp ở thời Trần tuy có bước phát triển mới, nhưng chủ yếu vẫn là phục
vụ nền kinh tế tự cấp tự túc. Ngoại thương do nhà nước độc quyền. Hàng hóa trao
đổi chủ yếu vẫn là sản phẩm của nền kinh tế tự nhiên, ít có sản phẩm thủ công.
Sự phát triển kinh tế trong hoàn cảnh của chế độ phong kiến vừa góp phần
nâng cao đời sống nhân dân, củng cố nền độc lập dân tộc, vừa đẩy nhanh sự phân
hóa xã hội. Giai cấp địa chủ thống trị ngày càng mở rộng ruộng đất tư hữu, nhất
là các quý tộc Trần với hệ thống điền trang của mình. Ban đầu, điều này góp phần

mở rộng diện tích canh tác, giải quyết ít nhiều tình trạng dân phiêu tán.
Những biến đổi to lớn trong cơ sở kinh tế, trong thượng tầng kiến trúc, nhà
nước đã tạo nên những yếu tố tích cực thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của xã hội
Việt Nam ở thế kỷ XIII và cho đất nước một sức mạnh mới đủ sức đánh bại các
cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông vào những năm 1258, 1285 và 1287 -
1288.
Sau kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi, do nhiều nguyên
nhân khác nhau như mất mùa, đói kém làm nhân dân rơi vào tình trạng bần cùng
hóa, nên “nhân dân nhiều người phải bán ruộng đất và bán con trai, con gái làm
nô tỳ” làm cho xã hội lúc này hình thành một tầng lớp đông đảo những người
7
nông nô và nô tỳ. Trong khi đó, quan lại, quý tộc nhà Trần chiếm hết ruộng đất,
ăn chơi xa xỉ, không quan tâm đến cuộc sống của người dân.
Nhận thức được những mâu thuẫn đó, tập đoàn quý tộc tôn thất nhà Trần
đã cố gắng xoa dịu mâu thuẫn. Tư tưởng của Trần Nhân Tông một mặt phản ánh
phản ánh nhu cầu, khát vọng của dân tộc Việt Nam đang xây dựng, bảo vệ một
quốc gia độc lập, tự chủ, thống nhất, mặt khác nhằm duy trì và củng cố quyền lực,
địa vị thống trị trên toàn xã hội của dòng họ Trần.
1.2. Nguồn gốc tư tưởng
Sự hình thành những tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông là sự phát
triển nội tại, kế thừa, dung hợp các dòng thiền trước đó (Vinitaruci, Vô Ngôn
Thông, Thảo Đường).
Thiền học Việt Nam thực sự trở thành tông phái bắt đầu từ sự gặp gỡ giữa
Vinitaruci và Pháp Hiền ở chùa Pháp Vân. Vinitaruci (? - 594) là một đạo sĩ
Balamôn, ông chịu ảnh hưởng triết lý Phật giáo đại thừa đang rất thịnh hành thời
đó với triết lý trung quán của Long Thọ Bồ Tát và triết lý duy thức của Thế Thân
Bồ Tát. Bản chất của sự giác ngộ là quan điểm trọng tâm và xuyên suốt dòng
thiền Vinitaruci.
Năm 580 Vinitaruci (Tỳ-Ni-Đa- Lưu-Chi ) sang Việt Nam và thành lập nên
phái thiền đầu tiên ở nước ta. Trong hơn sáu thế kỷ, thiền phái này với nhiều thế

hệ nối tiếp nhau đã có ảnh hưởng sâu sắc, rộng rãi trong lịch sử truyền thừa với
các Thiền sư danh tiếng, có công lao với việc phục hưng đất nước như Sùng
Phạm (1004-1087), Vạn Hạnh (?-1018), Minh Không (1076-1141). Vinitaruci
được coi là sơ tổ của Thiền tông Việt Nam. Phái thiền học này là sự kết hợp giữa
Thiền và Mật.
Quan điểm trọng tâm và xuyên suốt của dòng Thiền Vinitaruci là vươn tới
bản chất của sự giác ngộ. Kinh tượng đầu tịnh xá mà Vinitaruci rất ưa thích, thấu
hiểu, ông đã dịch ra để làm căn bản cho sự hành thiền. Quá trình truyền thừa của
nó đã kết hợp có chọn lọc Dịch pháp với Phật pháp tạo nên sắc thái mới cho
Thiền Tông Việt Nam.
Khoảng những năm 820, Vô Ngôn Thông sang Việt Nam truyền giáo và
sáng lập ra thiền phái thứ hai ở nước ta mang tên ông. Thiền phái Vô Ngôn Thông
8
chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng, nghi lễ tổ chức và tổ chức tăng viện của thiền
Nam phái Trung Quốc. Tư tưởng căn bản của thiền phái này là quan niệm về “tâm
địa” và “đốn ngộ”. Theo Vô Ngôn Thông để đạt đến “tâm địa” thì phải bằng sự
cởi bỏ, buông xuống những gì che lấp bao phủ làm biến dạng cái tâm địa biến nó
thành tâm sai biệt, tâm vọng động. Còn quan niệm về “đốn ngộ” là một ý tưởng
đặc sắc của Huệ Năng. Đốn ngộ là sự trực nhận về thực tại tuyệt đối, nó là bước
nhảy định mệnh và xuất thần, tức thời như ánh chớp [2;39-40]. Theo thiền phái
Vô Ngôn Thông, nếu đốn ngộ là nắm bắt được cái tâm địa trong sáng, tự tại, tiềm
tàng là sự khai mở, buông bỏ mọi sự che lấp thì về nguyên tắc, sự đốn ngộ này
phải được chính người hành giả thực hiện chứ không thể tiếp nhận của người
khác. Quan niệm về đốn ngộ của Vô Ngôn Thông có ảnh hưởng rất lớn đến tư
tưởng của Trần Nhân Tông sau này.
Nếu thiền phái Vinitaruci là thiền phái mang đậm màu sắc Phật giáo Ấn
Độ, thì thiền phái Vô Ngôn Thông là dòng thiền của Phật giáo Trung Hoa mà nét
đặc trưng của nó là sự kết hợp giữa Thiền với Lão. Có sự khác biệt trên là do giữa
hai thiền phái này chịu ảnh hưởng của những tông phái Phật giáo khác nhau. Nếu
thiền phái Vinitaruci ảnh hưởng Mật giáo thì Vô Ngôn Thông lại ảnh hưởng của

Tịnh Độ giáo, đặc biệt phương pháp quán niệm của Tịnh Độ giáo. Quán niệm là
chủ trương niệm Phật để đạt đến “nhất tâm bất loạn” và cũng để vãng sinh vào
nước cực lạc của Phật A-Di-Đà. Tuy nhiên, ở phái Vô Ngôn Thông thì tụng niệm
bằng cả tâm và lời. Đây là điều mà sau này Trần Nhân Tông cùng với thiền phái
Trúc Lâm kế thừa và sử dụng phổ biến.
Đặc trưng chủ yếu của thiền Vô Ngôn Thông là sự phát triển khái niệm
“tâm”, đặt cơ sở lí luận cho khuynh hướng triết lý hướng nội và biện tâm sau này
của Trần Thái Tông, mà đặc biệt là quan niệm “Phật tại tâm” của Trần Nhân Tông
sau này.
Nhà Lý (1009- 1225) cai quản đất nước tương đối lâu dài với sự thống nhất
độc lập về lãnh thổ, kinh tế, chính trị, văn hóa. Điều đó quy định đòi hỏi cần có
một hệ tư tưởng độc lập cho nhà nước Đại Việt lúc bấy giờ. Hai thiền phái trên
đều không thỏa mãn nhu cầu này, bởi lẽ một nghiêng về Ấn Độ, một nghiêng về
Trung Hoa. Trước tình hình đó thì Lý Thánh Tông (1054- 1068) đã lập một thiền
9
phái mới – thiền phái Thảo Đường - kết hợp giữa thiền, tịnh và Nho. Thiền phái
này mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng nó cũng có ảnh hưởng
nhất định đến tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông với khuynh hướng “tam
giáo đồng nguyên” và khuynh hướng trọng tri thức, triết lý thơ ca.
Những giáo lý cơ bản của Thiền tông (tâm, Phật, đốn ngộ, sinh tử, giữa
chúng có ảnh hưởng đến nhau và đều mang tinh thần nhập thế) đã hòa mình vào
cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, càng về sau cả 3 thiền phái này đều không đáp
ứng được yêu cầu của sự phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông đứng đầu đã thống nhất 3 phái thiên
trên bằng dung hợp nó trên nền tảng ý thức độc lập chủ quyền của dân tộc, hạnh
phúc của nhân dân. Sự dung hợp này đã được các thiền sư Thường Chiếu (?-
1203), Huyền Quang (?- 1220), Trúc Lâm quốc sư và một vài thiền sư khác ở Yên
Tử thực hiện bước đầu. Họ như những người thợ cần cù mải miết pha màu để tạo
ra những màu sắc mới, mang phong cách và tinh thần thiền học Việt Nam. Họ là
chiếc cầu nối giữa thiền học đời Lý và thiền Trúc Lâm và tạo tiền đề cho Trần

Thái Tông - “một ông vua”, “một Phật tử” đầy tài năng và tinh thần sáng tạo, đặt
những nét chấm phá mới cho bức tranh thiền học Việt Nam - kết hợp được các
luồng tư tưởng trước đó một cách có chọn lựa và nhào nặn chúng thành một triết
lý hoàn chỉnh, làm nền tảng cho tư tưởng triết học của ông và thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử sau này [3;44].
Khi đề cập đến tư tưởng triết học Trần Nhân Tông không thể không nhắc
đến triết học Trần Thái Tông (1218 - 1277) - “tập đại thành đầu tiên của Phật giáo
Việt Nam” và tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ - ngọn đèn tổ của Phật hoàng
Trần Nhân Tông.
Toàn bộ tư tưởng của Trần Thái Tông được thể hiện trong 2 tác phẩm
Thiền tông chỉ nam và Khóa hư lục. Đó là những tác phẩm mà hình như máu chảy
ngọn bút, nước mắt thấm trên từng trang giấy. Những tác phẩm này là sau bao
khát khao tìm tòi chân lý với nổi đau thái thế nhân tình, để rồi đạt đến sở đắc
“chân tâm”. Theo ông để đạt đến được “chân tâm”, vươn tới giá trị đích thực của
con người thì không có cách nào khác ngoài con đường duy nhất mà thiền tông
gọi là “kiến tính”. Ông cho rằng “kiến” là sự thấy bằng con mắt trực giác yếu tính
10
của Phật, y như bản tính không của nó, “kiến tính” nó còn tuân theo trình tự tam
học (thực hiện giới, định, tuệ). Ông đề cao tinh thần “đốn ngộ” vừa coi trọng việc
thực hiện tuần tự tam học. Trần Thái Tông đã chủ trương dung hợp cả “đốn ngộ”
lẫn “tiệm ngộ”. Ông không đề cao phép niệm Phật mà chỉ coi nó là một trong
những bước đi thiền của người trung trí và hạ trí. Tất cả các tư tưởng trên của
Trần Thái Tông về sau được cháu nội của mình là Trần Nhân Tông kế thừa và
phát triển.
Tuệ Trung (1230 - 1291) - ngọn đuốc sáng nhất của thiền học đời Trần, là
đỉnh cao của tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIII được các vị tổ Trúc Lâm coi đã
“thấu suốt đến cội nguồn của tâm tính, tột cùng của trí tuệ”. Ông không chỉ là một
thiền gia mà còn là một vị tướng đầy công trạng. Ông đã từng cùng Hưng Đạo
Vương đem hai vạn quân đánh đuổi giặc xâm lược bảo vệ độc lập của dân tộc.
Ông là thiền sư có tâm hồn tinh tế nhạy cảm, tự do phóng khoáng. Trong lịch sử

thiền tông Việt Nam, những tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ là một trong
những bước phát triển mới. Sự phát triển đó được thể hiện ở triết lý về thiền với
quan niệm “tâm”, “thiền”, “sinh tử’ và thái độ sống tự do, phóng khoáng của ông.
Thiền ở Tuệ Trung Thượng Sĩ là một thái độ, hành động sống, đưa con
người trở về với chính mình để khai mở con người đích thực không vị trí. Ở ông
thiền không chỉ là hành thiền mà còn là “sống thiền” tức là đi cũng thiền, ngồi
cũng thiền, đánh giặc cứu nước cũng là thiền, thậm chí chẳng thiền gì cả cũng là
thiền.
Trong quan niệm nhân sinh quan của mình, ông đặt mục tiêu tự do tuyệt
đối lên hàng đầu, coi nó là chuẩn mực là thước đo của thiền. Ông cho rằng, tự do
tuyệt đối là sống ung dung tự tại, thuận với tự nhiên, hòa đồng với tự nhiên “Phật
là Phật, anh là anh, trong tâm có Phật ăn gì chẳng được”.
Với những ảnh hưởng triết lý Lão - Trang, tư tưởng Tuệ Trung Thượng Sĩ
là vô vi. Song, sự khác biệt là tinh thần tự do, khoáng đạt của Tuệ Trung Thượng
Sĩ với triết lý vô vi thản nhiên đến lạnh lùng của Trang Tử.
Tất cả những tư tưởng đó đều ảnh hưởng rất lớn đến ngọn đèn tổ Phật
hoàng Trần Nhân Tông “là ngọn gió lành của nhà Phật, đề xướng những châm
ngôn để dẫn dắt lớp người hậu học đi tới vầng sáng trác việt” [3;88].
11
Những tư tưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ về sau được
Phật hoàng Trần Nhân Tông kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển để tạo
dựng nên Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.
1.3. Phẩm chất đặc biệt của Trần Nhân Tông
Không phải ngẫu nhiên lịch sử tôn vinh Trần Nhân Tông là vị anh hùng, là
nhà văn hoá của dân tộc. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại Việt hào hùng
vào những năm tháng cha ông đã làm nên những chiến công lẫy lừng, đánh Tống
bình Nguyên. Tên thật của ông là Khâm, là con đầu của Trần Thánh Tông, sinh
ngày 11 tháng mười một năm Mậu Ngọ (1258), mẹ là Nguyên Thánh Thiện Cảm
Hoàng Thái Hậu. Ông làm vua từ năm Kỷ Mão (1279), đến năm 1293 thì nhường
ngôi cho con. Nhưng mãi đến 1298, ông mới thật sự khoác áo cà sa thuyết pháp

độ sinh khắp nơi, làm Tổ Trúc Lâm và được nhân dân tôn vinh là Phật Điều Ngự
Giác Hoàng.
Ông là vị vua có công lớn trong việc lãnh đạo nhân dân Đại Việt hai lần
đánh thắng quân Nguyên-Mông. Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, văn võ toàn
tài, ông chịu ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo - một triết lý sau hai thế kỷ chiếm
địa vị quốc giáo dưới thời Lý. Đến đầu nhà Trần, triết lý đó đã đủ thời gian và
điều kiện hòa nhập với truyền thống, bản sắc dân tộc Việt, vì vậy nó ăn sâu vào
nếp sống, suy nghĩ, hành động của ông.
Ngay từ nhỏ, Trần Nhân Tông đã tỏ ra là người xuất chúng. Tam tổ thực
lục còn ghi, Trần Nhân Tông “thánh tính thông minh, tài giỏi hiếu học, đọc hết
các sách vở, thông suốt nội điển (kinh Phật) và ngoại điển (sách vở khác)”;
“thông thảo cả các vấn đề thiên văn, lịch số, binh pháp, y dược, âm luật”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Nhân Tông là “tinh anh thánh nhân,
thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng , thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng…
Vua nhân từ hòa nhã cấu kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thủa trước
thực là bậc vua hiền của nhà Trần” [25;1;42]. Điều này sách Tam tổ thực lục nói
“Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực
hành giáo lý Thập Thiện” [17;20].
Việc tiếp xúc với hệ tư tưởng khác, đặc biệt là Nho giáo và học thuyết Lão
Trang, là một tiền đề quan trọng để sau đó ông kế thừa và phát triển thành các tư
12
tưởng Thiền học phức tạp thời bấy giờ. Trần Nhân Tông đã thừa hưởng một nền
giáo dục hết sức rộng rãi, với một tinh thần cởi mở, kết hợp kiến thức khoa học
với văn chương, quân sự với âm nhạc. Đây là truyền thống giáo dục Việt Nam và
Phật giáo Việt Nam, mà ta đã thấy xuất hiện từ thời Mâu Tử và Khương Tăng
Hội. Từ những ảnh hưởng đó, Trần Nhân Tông dưới góc độ Thiền học đã làm
sáng tỏ hơn nữa vấn đề bản thể của vũ trụ và vạn vật.
Tất cả những tư tưởng của ông đều được lãnh hội trên tinh thần dung hợp
Nho, Phật và coi nó có tính chất chỉ đường cho cuộc đời hoạt động của chính
mình và thế hệ mai sau. Ông đã cố gắng thực hiện nó trên cơ sở kết hợp giữa đời

và đạo “Nhân Tông trên thờ Từ Cung tỏ rõ đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập
nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ thì sao được như thế?”
[3;92-93]. Việc Trần Nhân Tông xuất gia không chỉ mang mục đích thuần túy tôn
giáo mà còn bao hàm cả ý đồ chính trị, điều đó đã nâng cao hơn nữa địa vị và thế
lực tinh thần của mình, đã kết hợp trong đời mình một anh hùng võ công hiển
hách với một đức Phật từ bi, cốt cách thanh tao. Vì thế, ông trở thành một ông
vua triết gia, một Phật tử có nhãn quan chính trị, ảnh hưởng lớn lao đến triều đình
và toàn xã hội. Bằng uy tín và đức độ của mình Trần Nhân Tông đã thúc đẩy
nhanh chóng thanh thế cho thiền phái Trúc Lâm nhằm biến nó thành thế lực tinh
thần có ảnh hưởng mạnh mẽ, không chỉ ở trong tầng lớp quan lại mà với toàn thể
dân chúng. Ông dù làm vua hay làm giáo chủ thì đều dốc hết lòng, hết sức cho sự
nghiệp đời và đạo.
Trần Nhân Tông được biết đến không chỉ với tư cách là một nhà vua, nhà
sư mà ông còn là một nhà thơ, nhà văn có những đóng góp cho thơ văn thời Trần
lúc bấy giờ. Những tác phẩm đó bao gồm: Trần Nhân Tông thi tập, Tăng già toái
sự, Đại Hương hải ấn thi tập, Thạch thất mỵ ngữ…. Đáng chú ý nhất là hai tác
phẩm chữ Nôm Cư Trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca không
chỉ có giá trị về mặt nội dung tư tưởng Thiền học mà còn góp phần mở đầu cho
sự phát triển tiếng Việt trong lịch sử văn học dân tộc. Cư Trần lạc đạo phú là bản
tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối
toàn bộ tư tưởng, cuộc sống người dân lúc bấy giờ. Nó cũng là một trong những
tác phẩm được giới nghiên cứu Phật giáo và văn hoá dân tộc Việt Nam quan tâm
13
khá đặc biệt, được trích dẫn đích danh khi Thiền sư Chân Nguyên trình bày cho
vua Lê Chính Hoà vào khoảng những năm 1692 trong Kiến tính thành Phật lục.
Chính vì thế, nó góp phần tác động vào sự tồn tại và ảnh hưởng của nó trong quá
trình truyền đạt tư tưởng Thiền học Việt Nam.
Trần Nhân Tông đã kế thừa, phát triển xuất sắc quan điểm của người ông
và người thầy của mình. Xuất gia tu hạnh Đầu Đà nhưng vẫn không tách biệt với
xã hội đời thường, chú trọng đến hình tướng của sự vật, hành động nhiều hơn.

Khuynh hướng của ông là lấy đạo giúp đời và lấy đời giúp đạo.
Trần Nhân Tông đã có những đóng góp trong việc tập hợp, xây dựng và
củng cố một giáo hội Phật giáo thống nhất. Tuy tu ở Yên Tử nhưng ông vẫn quan
tâm đến nhiều chùa khác trong nước. Ông đã đến chùa Phổ Minh ở Thiên Trường,
chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh, chùa Báo Ân ở Siêu Loại, để thực hiện sứ mệnh
đặt mối liên hệ và khai giảng các lớp thiền học. Từ đó các chùa ở Việt Nam được
hướng dẫn chung bởi một tư tưởng chung của Phật hoàng và có sự gắn bó với
nhau thành một khối, điều mà trước đó chưa từng có. Dưới sự hướng dẫn của
ông, việc tự pháp của Pháp Loa được diễn ra một cách trang nghiêm và bề thế.
Việc làm đó đã là tấm gương cho những người nối pháp sau này, qua đó nâng cao
trách nhiệm của họ. Các nguyên lý đạo đức của Phật được ông chú ý truyền dạy
cho Phật tử và thần dân. Chỉ có Trần Nhân Tông với cuộc đời hoạt động của ông,
với tính cách của ông, khiến ông tạo được sự sẵn sàng (cả về tiền đề khách quan
và tiền đề chủ quan) cho việc thực hiện bước nhảy từ xuất thế đến nhập thế.
Với những phẩm chất đặc biệt đó thì Trần Nhân Tông là Phật hoàng đã tập
đại thành tư tưởng thiền học của các thiền sư trước đó, sáng tạo nên thiền phái
Trúc Lâm.
Tóm lại, tư tưởng triết học Trần Nhân Tông là sản phẩm tổng hòa của
những điều kiện khách quan và chủ quan, của truyền thống văn hóa dân tộc cùng
với phẩm chất của ông để xây dựng tư tưởng triết học có ý nghĩa to lớn đối với tư
tưởng triết học Việt Nam.
14
CHƯƠNG 2
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC
PHẬT GIÁO CỦA TRẦN NHÂN TÔNG
2.1. Vấn đề thế giới quan trong tư tưởng triết học Phật giáo của Trần
Nhân Tông
Trước Trần Nhân Tông thì các nhà thiền học như Trần Thái Tông, Tuệ
Trung Thượng Sỹ đã đề cập đến vấn đề bản thể luận thông qua một loạt các khái
niệm như “Phật tâm”, “Phật tính”, “Pháp thân”.

Quan niệm về bản thể của Trần Thái Tông là quan điểm “Không”. Khái
niệm “không” được hiểu là thực tại tuyệt đối, là thực thể của vũ trụ. Nó không
phải là một tình trạng không có gì cả, mà là nguồn gốc của tất cả mọi đời sống, là
cốt tủy của tất cả dạng hình. Nó vượt lên những khái niệm suy luận và không thể
mô tả được. Như vậy, “Không” là cội nguồn và là nguyên khởi của toàn bộ thế
giới sự vật hiện tượng. “Không” ở đây là cái tuyệt đối, là thái hư, chân tễ, là
không sinh không hóa, không có tướng cũng không có hình, không có điểm khởi
đầu cũng không có điểm kết thúc. Nghĩa là ở trạng thái không có đối lập, không
có mâu thuẫn, siêu việt lên tất cả, trạng thái “vô sở trụ”.
Từ “Không” không hiểu vì lý do gì xuất hiện “Vọng” (Không khởi Vọng,
Không hiện Vọng). Vọng là bậy bạ, xuyên tạc, ảo ảnh, không thực. Vọng cảnh là
cảnh không có thực; Vọng duyên là những quan hệ không có thực Vọng ở đây
cũng gần với vô minh (không sáng, mờ tối, mê muội, xuyên tạc, sai lệch). Từ
Vọng biến thành Sắc, tức thế giới hiện tượng, vạn vật. Trong bài Phổ thuyết tứ
sơn, ông viết: “Tứ đại vốn là không, ngũ uẩn cũng chẳng có. Từ không khởi ra hư
vọng, từ hư vọng ra sắc tướng mà sắc tướng là tự cái chân không. Thế là hư vọng
từ không, không lại biểu hiện thành hư vọng, hư vọng sinh ra mọi sắc tướng”
[2;44].
Trong triết học Trần Thái Tông, chúng ta còn thấy khái niệm “bản lai diện
mục”. “Bản lai diện mục” (khuôn mặt nguyên xưa) cũng chính là bản tâm (cái
tâm ban đầu). Cái tâm ban đầu này chính là bản thể, là không hư. Còn tâm trong
15
mỗi con người, không phải là cái tâm ban đầu, mà chỉ là cái phản chiếu nó một
cách mờ nhạt, do đã trải qua vô số kiếp luân hồi sinh tử, do tham, sân, si trong
cuộc sống hiện tại. Chính vì vậy, trong tâm mỗi người hiện nay chỉ còn lại những
dấu vết, dấu ấn mờ nhạt được gọi là Phật tính hay tính Phật. Trần Thái Tông gọi
Phật tính là bồ đề giác tính hay bát nhã thiện căn. Khi diệt được tham, sân, si thì
bồ đề giác tính hay bát nhã thiện căn ở mỗi con người lại trong trẻo tràn đầy bởi
vì: “Bản tính sẵn có của chúng sinh vốn là thanh tịnh, tròn đầy, sáng suốt, trong
trẻo như bầu trời không gợn chút mảy bụi” [2;157].

Trần Thái Tông cũng đề cập đến khái niệm “Pháp thân”. Pháp thân là “cái
nhơn thân, cái đạo thể, cái thể của pháp tánh , nó tự nhiên trường tồn không thay
đổi” [4;593]. Đối lập với pháp thân, ông dùng khái niệm “phàm thân” tức “thân”
của mỗi người phàm phu bình thường, thân trần tục. Nếu “thân” con người là giả
hợp, ảo ảnh, là con rối trên sân khấu cuộc đời thì pháp thân là chân thật vĩnh viễn.
Theo Trần Thái Tông, người đời thường “nhận mình là thực, quên mất pháp thân”
[2;208].
Cũng như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng coi cái bản thể là
“không”. “Không” đó vừa có vừa không, rất biện chứng “có mà không, không mà
có”. Ông cũng dùng “tâm thể”, “Phật tính” để chỉ bản thể: “Tâm thể không phải
cũng không trái, Phật tính không hư cũng không thực” [2;273]. Như vậy, tâm thể
là cái tâm siêu việt, thường tịch vắng lặng, không hình không tướng, không trái
không phải, không sinh không diệt. Cũng như quan điểm của Thiền Tông, Tuệ
Trung Thượng Sĩ coi tâm là cái vô hình, vô sắc, vô thanh, tức là không có hình
tướng, nếu xem là lớn thì nó vô cùng lớn, nếu nhỏ thì vô cùng nhỏ.
Nối tiếp Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, từ góc độ Thiền học
Trần Nhân Tông đã làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề bản thể của vũ trụ và vạn vật.
Ông dùng khái niệm bản và gốc để chỉ cái bản thể đó.
Để chỉ bản thể, Trần Nhân Tông dùng khái niệm “bản”. Ông dùng chữ bản
là muốn nói tới cái gốc, cái ngọn nguồn, cái bản nguyên, cái đầu tiên trong vũ trụ.
Điều này được ông nói trong bài Cư trần lạc đạo phú:
“Bụt ở trong nhà;
Chẳng phải tìm xa
16
Nhân khuấy bản nên ta tìm bụt
Đến cốc hay chỉn bụt là ta” [2;506].
Ở đây Trần Nhân Tông cho rằng Bụt ở trong bản thân mình, không phải tìm
ở đâu khác bên ngoài. Tục ngữ ta cũng có câu “Bụt ở trong nhà mà lại đi cầu
Thích Ca ngoài đường”. Cầu như vậy thì thấy Phật thế nào được. Sở dĩ có hiện
tượng đi cầu như vậy, là do ta quên gốc, “khuấy bản”. Đến khi hiểu ra thì chính

bụt là ta. Tất nhiên, ta ở đây là cái ta đã giác ngộ, chứ không phải cái ta ở mọi
người. Thực ra tư tưởng này ông tiếp thu và kế tục quan niệm của người thầy –
Tuệ Trung Thượng Sỹ - cho rằng hãy quay lại cái gốc của mình chứ không tìm
đâu khác được, là cái gốc của Thiền.
Ở Đại thừa cũng như ở trong tư tưởng Thiền tông Việt Nam, bản thể là bản
tính, phát tính, chân tính, thể tính, Phật tính, tính, thể, Phật, tâm thể, Pháp thân,
Chân như, Bản lai diện mục, không hư. Ở mỗi góc độ ta nhìn thấy một khía cạnh.
Trần Thái Tông cũng cho rằng bản tính sâu trầm, chân tâm trong lặng (bản tính
huyền ngưng, chân tâm trạm tịch) [8;25]. Thượng sĩ, thầy của Nhân Tông cũng
cho rằng thể tính vằng vặc chưa có mê lầm (thể tính minh minh vị hữu mê)
[8;25]. Như vậy, nếu ở Trần Thái Tông bản thể sâu trầm, trong lặng như như,
không vương chút niệm lự, trong suốt, xưa nay không gợn một bụi nhơ; còn Tuệ
Trung Thượng Sĩ bản thể như nhiên tự không tịnh, vằng vặc chưa hề có mê lầm;
thì ở Nhân Tông bản thể lặng yên trong trẻo. Thực ra, tuy diễn đạt có khác nhau,
nhưng tư tưởng của ba ông là một. Nếu ở Thượng Sĩ bản thể vượt ra ngoài một
đối đãi nhị nguyên, nó vô thị vô phi, vô hồng vô lục, vô khứ vô lai, vô hậu vô
tiền, phi hư phi thực, phi chủng phi manh, phi trần phi cấu, thì ở Nhân Tông bản
thể cũng vậy. Ở ông bản thể không thiện không ác, không sinh không diệt, chẳng
đi chẳng lại. Ông viết:
“Mọi pháp đều không sinh.
Mọi pháp đều không diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiện tiền
Chẳng đi cũng chẳng lại”
(Nhất thiết pháp bất sinh
17
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu dã)[8;25].

Như vậy, tư tưởng là một, nhưng những thiền ngữ của Trần Thái Tông thì
bóng bẩy, của Tuệ Trung Thượng Sĩ thì mạnh mẽ, mãnh liệt, còn của Trần Nhân
Tông thì thực tế, chững chạc.
Bản thể, Phật tính, theo Trần Nhân Tông về thực chất thì ai cũng có đầy đủ,
viên thành. Ông viết: “Ai ai cũng đủ bản tính, người người đều được viên thành”
[8;26] (Nhân nhân bản bối, cá cá viên thành). Đây là quan điểm của Đại Thừa –
quan điểm cho rằng mọi người đều có Phật tính, bản lai vốn trong trẻo tròn đầy.
Nhưng do vô minh, tham, sân, si của con người đã làm cho Phật tính này bị mờ
tối. Khi tẩy rửa hết những mờ tối này Phật tính lại trong trẻo như bầu trời, không
gợn một mảy bụi (chúng sinh ư bản lai giác tính thanh tịnh viên minh, trạm nhược
thái hư, nhất trần bất lập) [8;26]; rằng Bồ đề giác tính, ai nấy viên thành; trí tuệ
căn người người đều đủ (Bồ đề giác tính cá cá viên thành; Bát nhã thiện văn nhân
nhân cụ túc) [8;26].
Cũng như Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông cho
rằng tâm (hay lòng) là Phật, Phật là tâm (hay lòng), Phật ở trong tâm (hay lòng),
ngoài tâm (hay lòng) không có Phật. Ông viết: “Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi
cơ Mã tổ” [2;506]. Theo Nhân Tông, Di Đà là tính sáng soi chẳng phải nhọc tìm
về cực lạc, còn tịnh độ không phải là phương trời trừu tượng mà chính là lòng
trong sạch.
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương.
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc” [2;505].
Khi đã làm cho Phật tính trong trẻo tròn đầy lại như xưa, tức là khi đã giác
ngộ, thì làm gì còn tội phúc, nhân quả. Với ý nghĩa đó, theo Trần Nhân Tông tội
phúc vốn là không, nhân quả cũng không thực (tội phúc bản không, nhân quả phi
thực) [8;26].
Trần Nhân Tông kế thừa trực tiếp được ở người ông - Trần Thái Tông, và ở
người thầy - Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng điểm khác giữa ông với hai người đi
18
trước có lẽ ở quan niệm về nguồn gốc xuất hiện thế giới cảm tính, xuất hiện
dường mối, xuất hiện hiện hữu.

Ở Trần Thái Tông, từ không khởi vọng (tức vô minh). Vọng xét trên bình
diện nhân sinh cũng chính là niệm. Bởi vậy, vấn đề là thủ tiêu vọng niệm đã đạt
đến vô niệm, tức đạt đến giải thoát.
Ở Thượng Sĩ, từ không (hay vô) xuất hiện huyền hóa (ảo hóa hay vô minh)
phân thành nhị kiến. Như vậy, xuất hiện vô minh cũng tức là xuất hiện nhị kiến,
có nhị kiến là do vô minh, thủ tiêu nhị kiến thì vô minh tự diệt.
Trần Nhân Tông dường như ít đề cập đến nguồn gốc xuất hiện thế giới hiện
tượng. Ông nói: “Chỉ vì phân biệt kén chọn, nên sinh ra lắm mối nhiều đường”
(lương do liệu giản, hoành xuất da kỳ) [8;26]. Như vậy, nguồn gốc những dường
mối, mọi cái trong thế giới hiện tượng này là do phân biệt kén chọn.
Phân biệt kén chọn cũng là nhị kiến, có nhị kiến tức có sự kén chọn phân
biệt, nếu vong nhị kiến tức không còn đối đãi phải trái, trên dưới, sau trước, tốt
xấu, lành dữ, thiện ác, nhiễm sạch, thì làm gì còn phân biệt kén chọn nữa. Ở điểm
này Trần Nhân Tông tiếp thu trực tiếp ở người thầy là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Nhưng suy cho cùng thì nhị kiến, vọng niệm cũng chính là vô minh. Còn tâm ngộ
thì ta cũng không, người cũng không, cảnh cũng không, chân cũng được, giả cũng
được. Đó là quan điểm duy tâm của Phật giáo.
Có lẽ điểm vượt xa hơn Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ là ở chỗ
Trần Nhân Tông đề cập đến mối quan hệ giữa Phật tính và Pháp thân, giữa tâm,
tính, pháp và Phật. Trong tư tưởng Phật giáo Việt Nam, trước Trần Nhân Tông,
xét trên bình diện tuyệt đối thì những khái niệm này là như nhau. Vậy ở đây quan
niệm của Trần Nhân Tông về vấn đề này như thế nào? Theo ông, Phật tính và
Pháp thân như hình với bóng, không lìa nhau, ở ngay trước mắt nhưng không
thấy, đặc biệt có ý truy tầm lại càng không được, càng tìm càng mất, càng diễn
đạt càng lệch. Ông viết: “Phật tính và pháp thân như hình với bóng, lúc ẩn lúc
hiện, không sát không lìa, ở dưới lỗ mũi, ở ngang lông mày, vậy mà dương mắt
nhìn cũng không dễ thấy, đã có ý truy tầm thì lại càng không thấy đạo” [8;27].
Như vậy, bản thể ở khắp mọi nơi, ở trong mỗi người, nhưng đã mấy ai nhận thấy.
Bản thể này không thể suy, bàn định được, không thể dùng sắc, âm thanh diễn đạt
19

được, vừa động niệm suy nghĩ là sai, vừa mở miệng nói ra là đã lầm, có ý truy
tầm lại không thấy. Phật tính hay tính giác ngộ có ở trong mỗi chúng sinh. Còn
Pháp thân là cái thân bất sinh bất diệt mà tất cả các đức Phật đều báo ứng từ đó
mà ra. Phật tại tâm, “Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa”. Bởi vậy, theo Trần Nhân
Tông, chớ có chạy hỏi Đông, Tây, Nam, Bắc mà hãy nhìn lại tự tâm.
Về quan hệ giữa tâm, tính, pháp, Phật, Trần Nhân Tông cho rằng: “Những
tiếng nói cười giương mày nhíu mắt, tay cầm chân đi ấy là tính gì? Tính ấy thuộc
tâm nào? Tâm và tính cùng rõ thì cái gì là phải, cái gì là không phải? Pháp tức là
tính, Phật tức là tâm, vậy thì tính nào không phải pháp, tâm nào không phải là
Phật? Tâm là Phật mà tâm cũng là pháp. Nhưng vì pháp vốn là không pháp, nên
nói pháp là tâm, cũng như nói tâm là không tâm, mà tâm là Phật (cũng có nghĩa là
Phật là không Phật)”. Nói tâm là Phật, không có nghĩa cái tâm vô minh đầy tham,
sân, si của mỗi người là Phật, mà nói tâm ở đây là cái tâm giác ngộ, diệt trừ hết
vô minh. Mỗi chúng ta chỉ có tính Phật, sẽ thành Phật, còn những có cái tâm giác
ngộ là đã thành Phật. Khi đã giác ngộ thì chẳng còn tính với pháp, Phật với tâm.
Đạt đến quả vị Phật, sẽ không biết vị Phật nào cả, bởi vì Phật cũng chỉ là danh
hiệu. Đạt đến cái tâm không tâm tức vô tâm” [8;27-28]. Với Trần Nhân Tông,
Phật, tâm, pháp, tính, pháp tính, tính Phật… cũng chỉ là phương tiện, vấn đề là
chứng ngộ.
Ngoài những quan điểm trên, khi bàn về mối quan hệ giữa thế giới bản chất
và thế giới hiện tượng, ông đã trình bày tư tưởng của mình trong các bài thơ, kệ,
nhất là bài kệ về vấn đề hữu, vô. Đây là hai khái niệm cốt yếu của triết lý nhà
Phật và việc giải quyết mối quan hệ của chúng là vấn đề (theo các thiền sư) sắc
bén dễ làm chạm lưỡi, đứt tay người tham vấn, nên Trần Nhân Tông coi chúng
khó chịu như dây khô cây đổ làm “mấy gã thày tăng, dập đầu, mẻ trán” [3;101].
Bàn đến hữu, vô mà theo con đường mạch lạc của tư tưởng thì chỉ như một sợi
lông ném vào hư không, dù sự luận giải có đạt đến chỗ tột cùng của khôn khéo thì
cũng như một giọt nước nhỏ xuống biển cả mênh mông. Cũng như quan điểm của
Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, thế giới hiện tượng ở Trần Nhân Tông
là “kết quả tạo tác của dòng nhận thức nên vạn pháp đan bện vào nhau, rắc rối

như sắn bìm, bụi cỏ, chúng sinh sinh, hóa hóa, rời đổi vô thường. Thế giới hiện
20
tượng đó chỉ là giả tướng, nó có đấy, nhưng không thật, giống như giấc chiêm
bao vừa hư vừa thực, hư ở chỗ nó không thật, không thể xác định tính hiện thực
của nó, thực ở chỗ nó đã tồn tại dù chỉ như một giấc mơ với tất cả hình danh, sắc
tướng của nó. Thế giới hiện tượng trói buộc con người trong vòng luẩn quẩn của
nhận thức, chồng chất thêm những mê lầm, buộc con người phải lao đao, điên đảo
chạy tìm Phật tổ ở Tây, Đông cầu thiền ở Nam, Bắc” [3;103]. Xét về mặt bản thể
luận, Trần Nhân Tông không bác bỏ tính hiện thực của thế giới hiện tượng, song
ông cũng không thừa nhận tính chân thật, bền vững, bất biến của nó. Thế giới là
tự nhiên như thế trong mối tương quan với cái tâm tĩnh lặng, nó viên đồng hết
thảy, chẳng phân biệt “có - không”, “thị - phi”, “phàm - thánh”, nhưng khi nó bị ý
thức đối tượng hóa, phân biệt và chia cắt thì nó trở thành thế giới sai biệt. Lúc đó,
dù có “lập tông lập chỉ, đập ngói dùi rùa, trèo non, lội nước” thì cũng chẳng ích
gì.
Như vậy, theo Trần Nhân Tông, tự tính, bản thể tối cao của vạn pháp là thế
giới tự nhiên thô sơ nguyên thủy chưa bị dòng ý thức đối tượng hóa, phân biệt và
chia cắt.
Cũng là thế giới tự nhiên, khi chưa hiểu rõ bản chất của nó, còn kẹt trong
quan niệm “có- không”, thì con người vẫn bị lôi cuốn vào thế giới hiện tượng đó,
nhưng khi đã đạt đến tâm tĩnh lặng, nắm bắt được bản chất của vạn pháp, con
người trở nên ung dung, tự tại, chẳng cần “có – không”. Cuối cùng, tự tính hay
pháp, tâm, Phật, phàm hay thánh, đồng nhất hay khác biệt là do chính cái tâm của
con người quyết định. Tâm tĩnh lặng thì tất cả là một, tự nhiên như nhiên, còn tâm
sai biệt thì ngay lập tức xuất hiện thế giới hiện tượng sai biệt, đối đãi. Chính tư
tưởng này chi phối và xuyên suốt những vấn đề nhân sinh của Trần Nhân Tông.
Như vậy, quan niệm của Trần Nhân Tông về thế giới hiện tượng là quan
niệm hoàn toàn có tính chất Phật giáo, bởi lẽ ông cho rằng thế giới này là vô
thường, là hư hư thực thực, như mộng ảo hư huyễn. Sự xuất hiện nó là do sự phân
biệt kén chọn và suy cho cùng là do vô minh. Diệt được vô minh thì những thiên

sai vật biệt, những dường mối cũng biến mất.
21
2.2 Vấn đề nhân sinh quan trong tư tưởng của Trần Nhân Tông
Trong vấn đề về nhân sinh quan, Trần Nhân Tông đưa ra quan niệm về
nhân quả. Đây cũng là vấn đề gai góc và là chỗ rất khó thấu đạt đối với các thiền
sư. Theo Phật giáo truyền thống, “nhân” (Nidana) là cái nguyên do, căn cứ của sự
vật. Quả là sự xuất hiện do nhân sinh ra, nhân quả có mối liên hệ mật thiết với
nhau, có nhân ắt có quả, có quả tất phải có nhân, song sự tác động nhân quả cần
có duyên trợ giúp. Nhân quả tồn tại trong thế giới hiện tượng vì chúng do mê
kiến, vọng tưởng tạo tác mà ra. Tâm đã tĩnh lặng thì chúng tự diệt.
Đối với các thiền sư, vấn đề nhân, quả, không thể chỉ hiểu một cách đơn
giản bằng ngôn từ, cũng không thể tiêu diệt chúng trong ý thức. Đã có không ít
tăng sư phải trả giá đắt cho sự ngộ nhận vấn đề này. Trong lịch sử thiền tông,
Bách Trượng thiền sư (?- 814) - vị thiền sư Trung Quốc, thầy của Vô Ngôn
Thông - được coi là người giải quyết triệt để vấn đề này. Tại sao lại nói: “Chớ mê
muội chuyện nhân quả”. Theo Bách Trượng mê muội ở đây chỉ các tăng sư đã
hiểu lầm ý chỉ của thiền. Họ ra sức phủ nhận sự tồn tại của nhân quả hoặc tự cho
mình đã vượt khỏi vòng nhân quả. Thực ra, nhân quả là lẽ tự nhiên, thường biến
và tác động hằng ngày vào tâm thức con người, vấn đề là ở chỗ, hiểu được bản
chất vô thường và hư nhuyễn của chúng, để cho cái tâm không chạy theo dính
mắc vào đó.
Trần Nhân Tông đã thấu hiểu vấn đề này song ông lại giải quyết theo
phương pháp “đối cảnh vô tâm”. Vì thế, trước câu hỏi: “Bậc đại tu hành có còn
rơi vào vòng nhân quả nữa không?” Trần Nhân Tông đã trả lời theo phương pháp
thoại đầu công án, tức là trả lời không trực tiếp vào câu hỏi, không có ý nghĩa gì
liên quan, thậm chí phi lý nữa. Dụng ý của ông là giúp người đối thoại cắt đứt
mọi tư duy bằng ngôn ngữ, khái niệm, sự phi lý giúp họ đẩy mối hoài nghi đến
mức khắc khoải, nung nấu để rồi “bùng vỡ” trong tiềm thức. Khi đó họ sẽ đạt đến
trạng thái xuất thần, cảm nhận thấy cái bản chất không của thế giới hiện tượng.
Đó là “đối cảnh vô tâm”. Ở trình độ này, chẳng có gì có thể xen vào, gặp cảnh thì

hành xử tự tại, không so sánh phân chia, áp đặt bất cứ một khái niệm, ngôn từ
nào. Những người đạt được trạng thái đó đã vượt ra khỏi lời sinh lời câu sinh câu,
ý sinh ý và nắm được ý chỉ của thiền.
22
Theo ý chỉ của thiền, câu trả lời của Trần Nhân Tông đã đạt đến trình độ
siêu thanh, vượt sắc, nắm buông tự tại, mỗi câu đều như chọi đá nhóm lửa, điện
xẹt, nhằm ngoài lời nói mà biết chỗ trở về.
Xuất phát điểm của quan niệm tâm chính là Phật (tức tâm tức Phật), Phật ở
trong tâm (Phật tại tâm trung) của Trần Nhân Tông là việc ông quan niệm tâm
con người không được thanh tịnh do bị “vô minh”, “tham ái” che mờ, bị phiền
não, vọng niệm bịt kín. Chỉ cần loại bỏ được vọng niệm, ngay lập tức quay về
tâm thanh tịnh là đạt đến giải thoát: “Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; Nửa
ngày rồi tự tại thân tâm. Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm” (Cư trần lạc đạo, đệ nhất
hội).
Quan niệm tâm chính là Phật của Trần Nhân Tông đã kế thừa và phát triển
học thuyết tư tưởng thiền tông Nam phái do Huệ Năng đề xướng. Quan niệm tâm
chính là Phật của Trần Nhân Tông đóng vai trò làm nền tảng lý luận cho giáo
nghĩa của ông. Theo ông, “Bản tính lặng yên trong trẻo, không thiện không ác”;
“Nên biết rằng tội và phúc vốn là không, nhân quả thực ra chẳng thật. Người
người vốn đủ, ai nấy tròn đầy. Phật tính pháp thân như hình với bóng, lúc ẩn lúc
hiện, chẳng dính chẳng rời” [6;40-41]. Như vậy có nghĩa là, con người, nhân sinh
vốn không có thiện, không có ác, không tồn tại ranh giới giữa phúc và tội, trong
mỗi một con người, ai ai cũng có Phật tính. Lý luận này cho rằng, người ta ai
cũng có thể thành Phật.
Sự phân biệt giữa Phật và chúng sinh chỉ ở chỗ giác ngộ hay không giác
ngộ. Những mệnh đề “khuấy bản”, “chuộng công danh”, “lồng nhân ngã” được
Trần Nhân Tông đề cập đến chính là vọng tâm, do đó mới gọi là “thực ấy phàm
phu”. Một khi người ta truy cầu đạo đức, đạt đến cảnh giới trí tuệ của bậc giác
ngộ, thì Phật với ta có thể hợp nhất làm một. Trần Nhân Tông đã từng nói với đệ

tử như sau: “Lỗ mũi thẳng xuống cửa mặt, lông mày vắt ngang hố mắt, há dễ tìm
thấy được đâu? Nên hãy đi tìm cái đạo không thấy. Ba ngàn pháp môn cùng về
tấc dạ. Hà sa diệu dụng thảy tại nguồn tâm. Cái gọi là giới môn, định môn, tuệ
môn, các người không thiếu. Nên trở về mà tự nghĩa suy. Phàm những tiếng ho
hắng, mày dương mắt nháy, tay cầm chân bước, đó là tính gì? Biết được tính đó là
23
tâm gì, tâm tính rõ thông, thì cái gì đúng, cái gì là không đúng. Pháp tức là tính,
Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức
tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tâm vốn
chẳng tâm, tức tâm tức Phật” [6;41].
Đối với Trần Nhân Tông, con đường hiện thực để thành Phật chính là sự
giác ngộ của “bản tính” trong mỗi một con người, nhấn mạnh đến truy cầu nội tại
từ trong tâm. Ông khẳng định: “Bụt ở trong nhà; Chẳng phải tìm xa”; “Tịnh độ là
lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa
phải nhọc tìm về Cực lạc”; “Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật tổ Tây
Đông; Chứng thực tướng, nên vô vi, nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc” [6;41].
Trần Nhân Tông khẳng định rằng, Phật tính nằm ngay trong tâm mình,
không cần phải hướng ngoại, truy cầu ở sự vật. Trí tuệ Bát Nhã là vốn có của mỗi
chủ thể, thấy được tính này thì lập tức trở thành Phật, không thấy được tính này
thì lập tức là chúng sinh, vượt từ mê sang ngộ hoàn toàn là do bản thân. Chúng
sinh hoặc Phật chỉ là các cảnh giới khác nhau của chủ thể, chứ không phải là có
một chủ thể khác được mang tên “Phật”. Đồng thời, mê vọng phiền não và giải
thoát chỉ là các hoạt động khác nhau của cùng một chủ thể, chứ không phải thoát
khỏi chủ thể “phiền não” này để sang một “Bồ Đề” khác.
“Tính” mà Pháp bảo đàn kinh nói đến chính là “tính” mà tất cả các pháp
hiện ra (biến hóa); “Tính bao chứa tất cả các pháp” (tính hàm vạn pháp) và “tất cả
mọi pháp đều nằm ở tính” đều không xa rời tính, đồng thời cũng không chỉ là
tính. Chính vì vậy, tính vừa siêu việt (xa rời mọi tướng, thể tính thanh tĩnh), vừa
là nội tại (tất cả các pháp đều không khác với điều này). Sở dĩ từ cái trước mắt mà
ngộ được cái siêu việt, mà lại không khác với tất cả, viên ngộ tất cả, chính là nhờ

tác dụng thần diệu của tính. Nhờ vậy, có nhập và xuất, có thể và dụng, từ đó
muôn việc thống nhất, không bị mơ hồ. Trong thế giới hiện thực, tính là chủ thể
của sinh mệnh, là bản nguyên của vũ trụ. Tính hiển hiện ra thành tất cả, nhưng lấy
tâm làm chủ. Tâm không chỉ là nhận thức, mà còn là hành vi, là sự vận động. Tri
giác và vận động trực tiếp thể hiện lên tính – tác dụng của tự tính, chân tính và
Phật tính. “Kiến tính thành Phật”, cần phải tự chứng nghiệm trong tâm thân của
mình, chứ không phải là đi lĩnh hội từ sắc thân.
24
Thiền tông Trung Quốc từ Huệ Năng trở về sau đã vứt bỏ tất cả những thứ
ngoại tại trên, không phải niệm kinh, chẳng cần trì giới, chẳng có bất cứ một nghi
thức nào cần tuân thủ, cũng không cần phải sùng bái bất cứ ngẫu tượng nào, thậm
chí đến việc xuất gia cũng không trở thành bức thiết, bắt buộc nữa; trở thành Phật,
đạt tới cảnh giới Niết Bàn chỉ cần dựa vào cái tâm giác ngộ của bản thân, “Chỉ
cần giác ngộ là tức khắc thành Phật, nếu vẫn mê muội thì chỉ là chúng sinh”.
Trên phương diện này, Trần Nhân Tông không hoàn toàn đi theo truyền
thống Thiền tông Nam phái mà ngược lại, ông cương quyết xác lập quy tắc cho
Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ông rất chú ý đến các quy phạm đạo đức, không
coi nhẹ tu dưỡng ngôn - hành, chú trọng mối quan hệ giữa “đốn” và “tiệm”.
Ngoài ra, ông có những kiến giải mới về sự kết hợp giữa Nho giáo với Phật giáo
và những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc để rèn đúc nên một mẫu người
lý tưởng của một thời đại anh hùng, một thời đại mà dân tộc Việt Nam đã ba lần
chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Mẫu người Việt Nam lý tưởng đó,
theo Trần Nhân Tông không những được rèn luyện theo tiêu chí của đạo Phật là
“sạch giới lòng, chùi giới tướng”, mà còn theo tiêu chí của đạo Nho là “Ngay thờ
chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”. Hơn nữa những quy phạm
đạo đức của đời thường mang nặng truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng là
những chất liệu góp phần rèn luyện con người lý tưởng đó. Như vậy là việc thực
hiện giới luật của đạo Phật cần kết hợp với việc thực hiện những quy phạm đạo
đức của đạo Nho và những quy phạm đạo đức truyền thống của dân tộc đều tạo
nên con người Phật giáo của Thiền Trúc Lâm.

Điều mà Trần Nhân Tông liên tục nhấn mạnh đến chính là “bản tính thanh
tịnh” và phương pháp để đem lại sự thanh tịnh cho bản tính vừa là “đốn ngộ”, vừa
là “tiệm tu”. Trần Nhân Tông có sự kết hợp cả tu thiền và tu tịnh độ. Ngay sự kết
hợp giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông, Trần Nhân Tông đã kế thừa từ các nhà
thiền học trước đó, đặc biệt là kế thừa trực tiếp từ ông nội mình. Có thể nói, với
Trần Nhân Tông, tu thiền hay tu tịnh dù có những điểm khác nhau về hình thức,
nhưng cốt lõi của cả hai lối tu này vẫn là “rèn lòng”, “sạch giới lòng” để đạt tới
tính sáng trong lòng, do đó mà thấy được Bụt ở trong lòng mình. Việc làm rõ bản
chất của lối tu thiền và mối quan hệ giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông của Trần
25

×