Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Mỹ thuật trong quảng cáo potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.84 KB, 4 trang )

Mỹ thuật trong quảng cáo
Quảng cáo hiện nay người ta gọi là công nghệ, mà đã là công nghệ thì phải
hội đủ các yếu tố: bắt mắt, sang trọng, hoành tráng và yếu tố thẩm mỹ nghệ
thuật. Lướt qua vài quyển tạp chí và nghiên cứu kỹ những mẩu quảng cáo
nhan nhản trên ti vi, dường như yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật bị bỏ rơi
Quảng cáo kem dưỡng da của Ponds cũng rất ấn tượng
Cháu nội tôi lười ăn, nghe bạn bè xui tôi ra chợ mua một cái đĩa hình, có đầy đủ các clip
quảng cáo trên truyền hình về, cháu tôi vừa ăn vừa xem, loáng cái đã hết bát bột. Trẻ con
vốn thích màu sắc xanh đỏ, nhạc vui nhộn, tiết tấu nhanh của quảng cáo. Tôi cũng ăn
theo cháu, xem đi xem lại mấy mươi lượt. Hoá ra cái nghề làm quảng cáo rất gần với
nghề mỹ thuật, rất cần phải có mỹ thuật. Từ hình ảnh, câu văn, thiết kế đều phải đẹp dù là
để quảng cáo ở báo hình, báo viết, trên internet hay banner đặt ở các khu công cộng.
Cách đây ít lâu, truyền hình Việt Nam phát đi phát lại clip quảng cáo của hãng vận
chuyển DHL. Hình ảnh hai vận động viên da màu đang chuyển cho nhau chiếc gậy tiếp
sức có chữ DHL. Thật ý nghĩa! Năm 2004, Viện Goethe trưng bày một số tác phẩm
quảng cáo của ngành Công nghiệp Đức. Tôi ấn tượng nhất với quảng cáo của hãng
Mercedes Benz về độ an toàn của chiếc xe hơi cùng tên. Trên một đoạn đường cao tốc,
chiếc Mercedes gặp tai nạn lộn mấy vòng, bẹp dúm. Ở tiền cảnh là một người đàn bà vừa
bước ra khỏi xe, rất điệu, váy bay tung lên, đang cúi xuống vệ đường để lượm cái ví.
Tuyệt!
Tạp chí BMW năm 2005 có một quảng cáo thuộc loại “tối thượng thừa”. Bức ảnh chụp
một thị trấn ven biển đẹp như mộng, nắng vàng, con đường nhựa uốn lượn và câu slogan:
Một ngày đẹp trời, một phong cảnh đẹp thế này, một cô bạn gái mắt xanh tóc vàng. Giá
như có một chiếc Z4 nữa thì (Z4 là loại xe hai cửa cực kỳ “hot” của BMW). Quảng cáo
xe hơi mà không cần phải có hình ảnh xe hơi thì thật hết nói.
Thêm một ví dụ khác, khi G5 của Apple chuẩn bị ra đời, họ “giật” quảng cáo như sau:
Một trang bản thảo đã đánh máy xong, có vài lỗi mà người biên tập khoanh lại bằng bút
mực đỏ, từ đó một mũi tên chỉ ra lề và cũng đồng thời là slogan: “Apple chỉ làm mỗi chỗ
này”. Họ ngụ ý rằng: G5 là loại máy dành cho nhà thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp nhưng
chúng tôi chỉ làm những việc rất khó như ví dụ trên: cái dấu khoanh và mũi tên cứ tưởng
là viết tay nhưng chính lại do máy (G5) vẽ.


Quảng cáo Mercedes Benz của nước ngoài cho thấy rõ hiệu quả của mỹ
thuật
Thế nhưng tại Việt Nam, mỹ thuật lại là khâu kém nhất trong một số quảng cáo hiện nay.
Quảng cáo của một trung tâm vật liệu xây dựng và nội thất trên tạp chí Di sản của Hàng
Không Việt Nam gần đây là một ví dụ. Hình ảnh 3 cô gái rất khó liên hệ với câu slogan
“khởi đầu cho ngôi nhà bạn”. Một bức ảnh không hề có dấu ấn của đạo diễn hình ảnh, bố
cục lộn xộn, người mẫu trông cũng được nhưng phục trang rất xấu, đạo cụ xấu, bối cảnh
xấu, động tác, thế đứng, dáng ngồi của người mẫu khiên cưỡng, giả tạo. Sơ đồ bố trí ánh
sáng sai, thiết kế cẩu thả. Chỉ có mỗi một ưu điểm là chất lượng kỹ thuật của ảnh tốt
nhưng trong trường hợp này lại hoàn toàn vô nghĩa.
Tương tự như vậy là quảng cáo của một công ty gốm sứ hàng đầu hiện nay. Hình như họ
không biết đến vai trò của người đạo diễn hình ảnh trong việc chuẩn bị, chọn sản phẩm,
đạo cụ, phông nền, đặt đèn. Đáng lý anh ta phải chịu trách nhiệm mỹ thuật cho bức ảnh
cùng với nhiếp ảnh gia. Chính vì không có đạo diễn hình ảnh hoặc có nhưng trình độ kém
hoặc ông chụp ảnh kiêm luôn theo kiểu một công đôi việc (thế thì sao mà hay được) cho
nên trang quảng cáo rất xấu.
Sắp xếp tùy tiện, lủng củng, bát đĩa, ấm chén ngổn ngang như một bữa tiệc tàn nhưng
chưa kịp dọn. Đã thế lại tham lam đồ phụ trợ, nào hoa quả, bánh trái. Với một bức ảnh
như vậy thì hoạ sĩ nào cũng bó tay, không thể thiết kế thành một sản phẩm quảng cáo đẹp
được.
Hình như nghệ thuật luôn bị coi là thứ dễ làm, ai làm chả được. Bằng chứng là rất nhiều
người làm thơ, rất nhiều người chụp ảnh, rất nhiều người vẽ. Không biết có phải do tiết
kiệm và nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh học hay là nguyên nhân gì khác nữa mà rất
nhiều doanh nghiệp tự túc thiết kế quảng cáo cho mình. Tự lực tự cường là tốt nhưng
không nên tham bát bỏ mâm.
Biết bao giờ ngành quảng cáo Việt Nam mới có được những sản
phẩm quảng cáo tương đương của nước ngoài? (Ảnh quảng cáo
Sony EricssonS700)
Biết bao giờ ngành quảng cáo Việt Nam mới có được những sản phẩm quảng cáo tương
đương của nước ngoài? Không nên kể đến những loại quảng cáo hạng xoàng như in hình

vị giám đốc doanh nghiệp đang ngồi gọi điện thoại và phần còn lại chi chít chữ kể lể về
lịch sử công ty, sản phẩm của công ty v.v Loại quảng cáo kiểu mậu dịch này nhan nhản
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hoặc những quảng cáo phạm quy thô thiển như quảng cáo của một hãng mỹ phẩm đăng
vài chục số liền trên báo Tuổi trẻ chủ nhật về kem trị mụn: chân dung một cô gái, trên gò
má cô ta là chiếc xe lu. Phản cảm, phản thẩm mỹ quá. Hoặc quảng cáo về quần áo, mỹ
phẩm, giầy, túi cho phụ nữ thường là chụp các cô gái mắt lờ đờ như vừa “ngủ dậy” đang
ưỡn ngực, dạng chân, cong mông. Thừa sexy mà thiếu văn hoá (sexy không xấu nhưng
nhiều quá cũng mỏi!). Hoặc những câu slogan hết sức vớ vẩn như: “chỉ tiếp người đẹp
miễn tiếp gầu”, “uống bia để tăng bản lĩnh đàn ông”
Gần đây đã lác đác có những quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam để lại ấn tượng
như quảng cáo của Nutifood (năm 2003), quảng cáo của bia chai Sài Gòn xuất khẩu
(“không cao nhưng ai cũng phải ngắm nhìn”) hoặc quảng cáo “nâng niu bàn chân Việt”
hoặc một vài quảng cáo của Khai silk.
Vẫn biết chê dễ hơn khen, làm khó hơn nói cả trăm lần. Nhưng thấy không hay mà ngậm
miệng ăn tiền không dám nói thì cũng chả hay ho gì. Mong các đồng nghiệp chia sẻ.

×