Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

câu hỏi - đáp án phần thi “nghiệp vụ hòa giải”

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (211.77 KB, 18 trang )

BAN TỔ CHỨC HỘI THI “HÒA GIẢI VIÊN GIỎI”
TỈNH LÂM ĐỒNG - LẦN THỨ 3 - NĂM 2010

CÂU HỎI - ĐÁP ÁN
PHẦN THI “NGHIỆP VỤ HÒA GIẢI”

(Bộ đề chính thức dùng cho Hội thi cấp tỉnh gồm 16 câu)
*Trích Thể lệ Hội thi:
1.2. Phần thi nghiệp vụ hòa giải (thông qua việc vận dụng kiến thức pháp
luật và kiến thức xã hội, đạo đức… để xử lý tình huống, hòa giải vụ việc tranh
chấp): 10 điểm
Vận dụng những quy định của pháp luật hiện hành và kiến thức về đạo đức, xã
hội, phong tục tập quán tốt đẹp, hương ước, quy ước văn hóa, luật tục, ca dao, tục
ngữ và kinh nghiệm thực tế để giải quyết có tình có lý một tình huống tranh chấp, hòa
giải một vụ việc cụ thể.
- Thi theo Bộ đề gồm 20 câu (tùy từng thí sinh có thể vận dụng thêm kiến thức
và kỹ năng nghiệp vụ để đưa ra phần trả lời của mình thêm sinh động, chính xác và
thuyết phục nhất)
- Điểm: tối đa 10 điểm/1 thí sinh. Từng giám khảo chấm điểm công khai bằng
cách giơ bảng điểm sau từng lượt thi của thí sinh. Điểm phần thi này của thí sinh là
điểm bình quân của các giám khảo chấm thi.
* Đối với phần thi này, Ban giám khảo chấm điểm căn cứ vào các tiêu chí sau:
+ Có xác định rõ nguyên nhân mâu thuẫn và phân tích
+ Áp dụng kiến thức pháp luật chính xác
+ Vận dụng đạo lý, vận dụng minh họa hát, đọc thơ, ca dao, tục ngữ… một
cách sinh động, thuyết phục
+ Đưa ra cách giải quyết hợp lý
+ Trả lời lưu loát, có sáng tạo trong cách diễn đạt
- Thời gian thi: Bắt đầu tính từ lúc người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi,
thí sinh có thời gian chuẩn bị (tối đa trong 15 giây) và trả lời trong thời gian tối đa 05
phút.


*Lưu ý: Phần đáp án của các câu hỏi trong Bộ đề này chỉ mang tính gợi ý, trong
quá trình sử dụng bộ đề, các thí sinh có thể nghiên cứu thêm những căn cứ pháp lý, đặc
biệt là vận dụng đạo lý, kinh nghiệm thực tế trong quá trình hòa giải của bản thân để
giải quyết hợp tình, hợp lý nhất các tình huống đặt ra trong bộ đề này./.
- 1 -
*CÂU SỐ 1:
Khi phát hiện ra con trâu lạc vào đàn trâu nhà mình, ông An đã báo cho
UBND xã biết. Theo lời cán bộ UBND xã, ông An đem trâu về nhà mình nuôi giữ,
chờ nguời mất trâu đến nhận lại. Ba tháng sau, ông Bình là người có con trâu bị thất
lạc biết tin đã đến gặp ông An đòi lại trâu và yêu cầu ông An phải bồi thường thiệt
hại vì vụ mùa vừa qua ông phải thuê trâu để cày ruộng. Ông An không đồng ý vì cho
rằng ông không bắt trộm trâu và đòi ông Bình phải thanh toán tiền công và các chi
phí nuôi giữ trâu ba tháng.
Là Tổ viên Tổ Hoà giải, theo ông (bà) việc này nên hòa giải như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa ông An và ông Bình liên quan đến pháp luật dân sự về việc
xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc; Nguyên nhân, trâu nhà ông Bình lạc vào
đàn trâu nhà ông An. Ba tháng sau ông Bình đến đòi trâu và yêu cầu ông An bồi thường
thiệt hại do vụ mùa vừa qua ông phải thuê trâu để cày ruộng. Ông An không đồng ý vì
ông cho rằng trâu không do ông trộm đồng thời ông cũng đã báo cho UBND xã để thông
báo cho người mất trâu đến nhận và yêu cầu ông Bình thanh toán tiền công cùng chi phí
nuôi dưỡng trâu ba tháng.
2. Phân tích:
Việc ông An phát hiện con trâu lạc vào đàn trâu nhà mình và đã báo cho UBND
xã biết đồng thời nuôi giữ chờ người đến nhận lại là đúng.
Ông Bình đến nhận lại trâu là đúng nhưng yêu cầu ông An bồi thường thiệt hại do
vụ mùa vừa qua ông phải thuê trâu về cày là sai. Ông An yêu cầu ông Bình thanh toán
tiền công và chi phí nuôi giữ trâu ba tháng là đúng.
3. Căn cứ giải quyết:

+ Pháp luật:
Điều 242 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Xác lập quyền sở hữu đối với
gia súc bị thất lạc” như sau:“Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo
cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai
cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán
tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được”.
+ Đạo lý:
Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Đói cho sạch, rách
cho thơm”, “Không tham của người”, “Nhặt được của rơi, trả lại người bị mất” là một
việc làm rất tốt, có tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ mọi người. Đó cũng chính là
bản chất thật thà, bình dị, của người Việt Nam từ ngàn xưa, nhất là phát huy tình làng,
nghĩa xóm, “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” …
4. Cách giải quyết:
- Phân tích cho ông Bình hiểu do trâu của ông đi lạc vào đàn trâu nhà ông An chứ
không phải do ông An cố tình bắt giữ trâu, ngoài ra ông An cũng đã nuôi giữ và tìm cách
thông báo cho người mất trâu đến nhận, do vậy ông đề nghị ông Bình thanh toán tiền
công và chi phí nuôi giữ trâu ba tháng là hợp tình, hợp lý. Ông Bình cũng cần hiểu rằng
ông có trách nhiệm phải thanh toán tiền công cùng chi phí nuôi giữ trâu cho ông An, có
như vậy mới giữ gìn, duy trì được tình làng nghĩa xóm, mình vì mọi người, mọi người vì
mình, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của các
bên./.
- 2 -
*CÂU SỐ 2:
Hai anh em nhà ông Mão và ông Dậu ở kề sát nhau. Ông Dậu ở phía trong,
ông Mão ở phía ngoài, hai nhà cùng chung một ngõ (đây là lối đi duy nhất vào nhà
ông Dậu). Con trai ông Dậu thường xuyên tụ tập bạn bè ở đầu ngõ, dựng xe bừa bãi,
gây ồn ào. Sau nhiều lần nhắc nhở em trai và cháu mình nhưng không thấy có
chuyển biến gì, ông Mão đã rào ngõ lại, không cho gia đình nhà ông Dậu đi qua.
Là Tổ viên Tổ Hoà giải, theo ông (bà) việc này nên hòa giải như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa nhà ông Mão và nhà ông Dậu về việc tranh chấp quyền
trong lối đi qua bất động sản liền kề liên quan đến luật dân sự. Nguyên nhân là hai nhà
cùng chung một ngõ nhưng con trai ông Dậu thường xuyên tụ tập bạn bè đầu ngõ, dựng
xe bừa bãi, gây ồn ào. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng nhà ông Dậu vẫn không chuyển
biến gì, ông Mão đã rào ngõ lại không cho nhà ông Dậu đi qua.
2. Phân tích:
- Việc ông Mão rào lối đi chung không cho nhà ông Dậu đi qua là sai, vì hai nhà
cùng chung một ngõ cũng là lối đi duy nhất vào nhà ông Dậu.
-Việc con trai ông Dậu thường xuyên tụ tập bạn bè đầu ngõ, dựng xe bừa bãi, gây
ồn ào, ảnh hưởng đến nhà ông Mão cũng là không đúng.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Khoản 1 - Điều 275 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Quyền về lối đi qua
bất động sản liền kề”, cụ thể: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động
sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những
chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng;
người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền
bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.”
+ Đạo lý:
Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó chính là tình cảm
gia đình “Anh em như thể tay chân-anh em hòa thuận song thân vui vầy; thực hiện nếp
sống gia đình văn hoá, xây dựng thôn, khu phố văn hoá. Đặc biệt ông Dậu và ông Mão
lại là anh em, con trai ông Dậu lại là cháu trai ông Mão. Ông bà ta có câu “chuyện anh
em trong nhà đóng cửa nhẹ nhàng bảo nhau”
4. Cách giải quyết:
Việc ông Mão rào ngõ lại không cho gia đình nhà ông Dậu đi qua lối đi chung là
vi phạm pháp luật dân sự về quyền trong lối đi qua bất động sản liền kề, đồng thời việc
làm này cũng làm mất tình cảm anh em, mất tình làng nghĩa xóm. Do vậy, ông Mão
không được rào lối đi chung của hai nhà. Tuy nhiên, ông Dậu cũng phải có trách nhiệm

giáo dục con trai mình và nhắc nhở bạn bè con ông không nên tụ tập thường xuyên và
dựng xe bừa bãi gây mất trật tự công cộng./.
- 3 -
*CÂU SỐ 3:

Nhà bà Lan và nhà ông Tư sát cạnh nhau, khi sửa nhà, bà Lan làm thêm mái
tôn che mưa nhưng không làm đường thoát nước. Do vậy, mỗi khi trời mưa, nước từ
mái tôn nhà bà Lan chảy sang mái bằng nhà ông Tư và thấm xuống các phòng bên
dưới. Khi ông Tư yêu cầu bà Lan phải làm đường thoát nước thì bà Lan cho rằng
việc nhà ông Tư bị thấm nước là do mái bằng nhà ông đã không được xử lý chống
thấm, việc này không can hệ gì tới bà. Ông Tư đã tới gặp Tổ trưởng Tổ hòa giải đề
nghị giúp đỡ.
Nếu được giao việc này, ông (bà) sẽ hoà giải mâu thuẫn giữa hai gia đình như
thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa ông Tư và bà Lan có liên quan đến luật dân sự về việc thực
hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa. Nguyên nhân do nhà bà Lan
làm thêm mái tôn che mưa nhưng không làm đường thoát nước. Khi trời mưa, nước từ
mái nhà bà Lan chảy sang mái nhà ông Tư thấm xuống các phòng bên dưới. Ông Tư yêu
cầu bà Lan làm đường thoát nước nhưng bà Lan cho rằng việc thấm nước là do mái nhà
ông Tư không được xử lý chống thấm, không liên quan đến bà.
2. Phân tích:
Bà Lan làm thêm mái tôn che mưa nhưng không làm đường thoát nước, để nước
mưa chảy sang mái bằng nhà ông Tư thấm xuống các phòng bên dưới là sai. Ông Tư yêu
cầu bà Lan phải làm đường thoát nước là đúng.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Điều 269 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Nghĩa vụ của chủ sở hữu
trong việc thoát nước mưa”, cụ thể như sau:

“Chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của
mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề”.
+ Đạo lý:
“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”;
Truyền thống tương thân tương trợ lẫn nhau “Bầu ơi thương lấy bí cùng –Tuy rằng khác
giống nhưng chung một giàn”… Không nên để “cái sảy nảy cái ung”, ông bà ta từng
nói “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”…
4. Cách giải quyết:
Bà Lan phải làm đường dẫn nước sao cho nước mưa không thấm xuống các phòng
bên dưới nhà ông Tư, đồng thời ông Tư cũng cần tạo điều kiện cho bà Lan có một lối
dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc thoát nước, nhất là trong mùa mưa, đảm bảo
quyền lợi của mỗi bên và giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Ngoài ra việc nước mưa chảy
xuống mái bằng nhà ông Tư làm thấm nước xuống các phòng bên dưới thì bà Lan phải
có trách nhiệm khắc phục hợp lý./.
- 4 -
*CÂU SỐ 4:
Ông bà Sử có người con đẻ là anh Hà và người con nuôi là chị Lê. Ông bà Sử
nhận chị Lê về nuôi từ lúc chị Lê một tuổi và đã làm thủ tục đăng ký tại UBND xã.
Sau khi ông bà Sử mất, chị Lê yêu cầu được chia thừa kế tài sản của ông bà Sử để lại
nhưng anh Hà không đồng ý vì cho rằng chị Lê là con nuôi của bố mẹ anh nên toàn
bộ số tài sản đó thuộc quyền sở hữu của anh.
Ông (bà) hãy cho ý kiến về việc làm của anh Hà và phương án hoà giải trường
hợp này?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa anh Hà và chị Lê liên quan đến lĩnh vực thừa kế theo Bộ
luật dân sự. Nguyên nhân là do anh Hà cho rằng chị Lê là con nuôi nên không có quyền
được hưởng tài sản để lại của cha mẹ ruột mình là ông bà Sử.
2. Phân tích:
Việc anh Hà không cho chị Lê hưởng tài sản của ông bà Sử để lại là sai, vì chị Lê

tuy không phải là con đẻ của ông bà Sử, nhưng khi nhận chị Lê (năm 1 tuổi) làm con
nuôi trong gia đình và (có làm các thủ tục đăng ký tại UBND xã). Cho nên chị Lê (con
nuôi) cũng được hưởng các quyền lợi như anh Hà (con đẻ) theo quy định về thừa kế theo
pháp luật. Yêu cầu của chị Lê được chia tài sản của ông bà Sử để lại là đúng pháp luật.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
- Căn cứ theo Điểm a - Khoản 1 - Điều 676 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì anh
Hà và chị Lê thuộc hàng thừa kế thứ nhất: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha
đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”
- Đồng thời, khoản 2 - Điều 676 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: “Những
người thừa kế cùng hàng được hưởng phần thừa kế di sản bằng nhau”
+ Đạo lý:
"Một giọt máu đào, hơn ao nước lã"; "Anh em như thể tay chân, anh em hòa
thuận song thân vui vầy", không nên để những chuyện toan tính, nhỏ nhen, ích kỷ, hẹp
hòi và lợi ích vật chất đánh mất đi tình cảm anh em trong một gia đình…
4. Cách giải quyết:
- Phân tích cho anh Hà thấy rõ hành vi sai trái của mình. Việc anh không đồng ý
với yêu cầu của chị Lê được chia thừa kế tài sản của ông bà Sử vừa không đúng pháp
luật, đánh mất tình cảm anh em một nhà.
- Khuyên anh Hà và chị Lê yêu cầu Toà án nhân dân nơi có di sản thừa kế để giải
quyết, làm các thủ tục khai nhận và chia thừa kế theo pháp luật. Phần di sản mà anh Hà
có được cũng ngang bằng với phần di sản mà chị Lê được hưởng./.
- 5 -
*CÂU SỐ 5:
Nhà ông Hoàng và nhà ông Tình thầu hai đầm thả cá ở sát nhau. Ông Hoàng
nuôi toàn cá rô phi, ông Tình nuôi toàn cá mè. Việc này dân trong làng đều biết. Sau
một trận mưa rào, cá từ đầm nhà ông Hoàng tràn sang đầm nhà ông Tình. Ngay sau
đó, ông Tình bắt cá rô phi trong đầm nhà mình để đem bán. Ông Hoàng biết chuyện
đã yêu cầu ông Tình phải trả lại số cá rô phi mà ông Tình đã bắt. Ông Tình không
đồng ý vì cho rằng "cá vào ao ta, ta được". Hai bên cãi nhau, mâu thuẫn xảy ra.

Là Tổ viên Tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải vụ việc này như thế nào?

* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa ông Hoàng và ông Tình vì tranh chấp vật nuôi dưới nước
(cá rô phi trong đầm) liên quan đến Bộ luật dân sự. Nguyên nhân là do hai đầm thả cả
của nhà ông Hoàng và ông Tình thầu thả cá ở sát nhau; sau trận mưa rào, cá từ đầm nhà
ông Hoàng tràn sang đầm nhà ông Tình, nhưng ông Tình không thông báo cho chủ sở
hữu đầm cá rô phi (là ông Hoàng) biết, lại còn đem cá rô phi đi bán.
2. Phân tích:
- Hành vi của ông Tình là sai trái. Vì ông Tình biết cá rô phi là cá thuộc đầm ông
Hoàng bên cạnh nuôi thả, do mưa rào cá rô phi tràn qua đầm cá mè nhà mình nhưng
không thông báo công khai để ông Hoàng biết đến nhận lại mà lại bắt mang đi bán.
- Việc ông Tình cho rằng “cá vào ao ta, ta được” trong trường hợp này cũng sai
do cá giữa hai đầm của ông Tình và ông Hoàng có dấu hiệu khác biệt nhau “một bên là
cá mè, một bên là cá rô phi”, ông Tình không thông báo cho chủ sở hữu biết mà nhận lại
cũng lại sai.
- Ông Hoàng yêu cầu ông Tình trả lại số cá rô phi tràn qua đầm nhà ông Tình sau
cơn mưa rào là một yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
- Điều 244 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về “Xác lập quyền sở hữu đối
với vật nuôi dưới nước”, cụ thể: “Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự
nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó.
Trong trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi
không thuộc sở hữu của mình, thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai
để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không
có người đến nhận, thì vật nuôi dưới nước thuộc sở hữu người có ruộng, ao, hồ đó”.
+ Đạo lý:
Tình làng nghĩa xóm "Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa, mua láng giềng

gần”; “Của người thì trả lại cho người"; “Đói cho sạch, rách cho thơm”…
4. Cách giải quyết:
- Phân tích cho ông Tình thấy rõ hành vi sai trái của mình; khuyên ông phải trả lại
toàn bộ số cá rô phi còn lại trong đầm của mình cho ông Hoàng. Riêng số cá ông Tình đã
bán thì xem xét giá trị để bồi thường cho ông Hoàng một cách hợp lý. Đồng thời khuyên
ông Hoàng vì tình làng nghĩa xóm “chín bỏ làm mười”, thông cảm tạo điều kiện cho ông
Tình sửa chữa sai lầm./.
- 6 -
*CÂU SỐ 6:
Ông Ba và ông Bình cư ngụ trên cùng các thửa đất liền kề nhau. Từ trước đến
nay cả 2 hộ đều sử dụng chung một lối đi nằm trên phần đất của ông Ba ra đường
công cộng. Gần đây, ông Bình phân lô đất của mình và bán cho bà Na xây nhà ở
nhưng không chừa lối đi cho bà. Do vậy bà Na cũng dùng lối đi chung trên phần đất
của ông Ba. Ông Ba không đồng ý và dùng kẽm gai rào lối đi. Mâu thuẫn xảy ra.
Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hoà giải mâu thuẫn trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn giữa 3 gia đình ông Ba, ông Bình và bà Na: Ông
Bình và bà Na đã dùng lối đi chung trên phần đất của ông Ba nhưng ông Ba không đồng
ý. Chính vì vậy đã phát sinh mâu thuẫn.
2. Phân tích:
- Việc ông Ba không cho ông Bình và bà Na dùng lối đi chung là sai. Vì từ trước
ông Bình sử dụng chung một lối đi nằm trên phần đất của ông Ba ra đường công cộng.
Ông Bình phân lô đất của mình và bán cho bà Na xây nhà ở nhưng không chừa lối đi cho
bà. Do đó vị trí lô đất bị vây bọc cho nên bà Na có quyền thương lượng với ông Bình và
ông Ba để sử dụng lối đi chung trên phần đất của ông Ba.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Theo quy định tại Khoản 1 - Điều 275 - Bộ Luật Dân sự:
“Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu

khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho
mình một lối đi thuận tiện và hợp lý ra đến đường công cộng, người được yêu cầu có
nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất
động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý
nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và
thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi”.
+ Đạo lý:
Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng
gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người” Đã là hàng xóm láng
giềng cần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau…
4. Cách giải quyết:
- Tổ chức cho 3 gia đình gồm ông Ba, ông Bình và bà Na trao đổi, thống nhất trên
cơ sở thoả thuận đảm bảo quyền lợi của các và phù hợp với quy định của pháp luật,
nhằm bảo đảm duy trì tình cảm láng giềng tốt đẹp.
- Do vậy, ông Ba phải tháo dỡ hàng rào kẽm gai chừa lối đi chung cho ông Bình
và bà Na theo đúng quy định của pháp luật.
- Ông Bình và bà Na cần thỏa thuận đền bù thích hợp cho ông Ba về lối đi chung
trên phần đất mà ông Ba là chủ sở hữu./.
- 7 -
*CÂU SỐ 7:
Anh Tú đang tiến hành xây dựng căn nhà liền kề nhà ông Đồng. Trong quá
trình thi công, anh đã xây phần ban công dôi ra lấn sang phần không gian nhà ông
Đồng. Ông Đồng ngăn cản, cho rằng anh Tú lấn chiếm đất của mình. Anh Tú có ý
kiến phần không gian này không thuộc sở hữu của ông Đồng. Hai bên phát sinh mâu
thuẫn, gây gổ với nhau.
Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải mâu thuẫn trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn giữa gia đình anh Tú và ông Đồng là do anh Tú

xây dựng phần ban công dôi ra lấn sang phần không gian nhà ông Đồng, ông Đồng
không đồng ý và cho rằng anh Tú lấn chiếm đất của mình.
2. Phân tích:
Việc anh Tú xây dựng phần ban công dôi ra lấn sang phần không gian nhà ông
Đồng là sai, đã ảnh hưởng đến nhà ông Đồng. Đã vậy, khi ông Đồng ngăn cản thì anh Tú
còn gây gổ với ông Đồng.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Theo khoản 2 điều 265 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định về “Nghĩa vụ
tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản”, cụ thể như sau:
“Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều
thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ
quan nhà nước có thẫm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng
đất liền kề của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất
thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây
vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác".
+ Đạo lý:
Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng
gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”… Khuyên hai người
không nên gây gổ nhau “Lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng
nhau”…
4. Cách giải quyết:
- Anh Tú nên tự giác tháo dỡ phần diện tích ban công mà anh đã xây dựng dôi ra
lấn sang phần không gian nhà ông Đồng. Đồng thời anh Tú phải thực hiện nghĩa vụ tôn
trọng ranh giới giữa các bất động sản liền kề như Bộ luật dân sự năm 2005 quy định.
- Hai bên cần chấm dứt gây gổ, cùng giữ gìn tình nghĩa hàng xóm, không nên vì
một chuyện nhỏ mà để xảy ra gây gổ với nhau mãi không hay./.


- 8 -
*CÂU SỐ 8:

Vườn ông An trồng một cây xoài có một số nhánh ngã qua phần đất vườn ông
Bình. Nhánh xoài ngã sang phần đất ông Bình ra trái, ông Bình hái sử dụng mà
không hỏi ý kiến ông An vì cho rằng trái nằm trên phần đất của ông thì ông có quyền
được hưởng. Ông An không đồng ý, hai bên lời qua tiếng lại, tranh chấp xảy ra.
Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải tranh chấp trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
- Cây xoài của nhà ông An có nhánh ngã qua phần đất của nhà ông Bình, nên ông
Bình hái xoài sử dụng mà không cần ý kiến ông An vì cho rằng trái nằm trên phần đất
của ông thì ông có quyền được hưởng.
2. Phân tích:
- Việc ông Bình hái xoài sử dụng mà không hỏi ý kiến ông An (chủ sở hữu) của là
sai.
- Ông An không có ủy quyền cho ông Bình hoặc chuyển giao quyền sử dụng cây
xoài cho ông Bình, do vậy ông Bình không được tự tiện hái trái khi chưa có ý kiến của
ông An.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
- Theo quy định tại khoản 2 - Điều 265 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định
“Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản: Người có quyền sử dụng đất
được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn
viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất
thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây
vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác”.

+ Đạo lý:
Cha ông ta thường răn dạy “không nên tham của người khác”, “đói cho sạch,
rách cho thơm”… Vả lại, hai người là hàng xóm của nhau, cần coi trọng tinh thần “bán
anh em xa mua láng giềng gần”, giúp đỡ nhau, giữ hòa khí với nhau “tối lửa tắt đèn có
nhau”…
4. Cách giải quyết:
- Giúp ông Bình hiểu việc hái trái của ông là xâm phạm tài sản thuộc sở hữu của
người khác và trái pháp luật hiện hành vì cây xoài được trồng trong phần đất của ông
An, do đó việc nhánh xoài ngã sang phần đất ông Bình ra trái thì trái xoài trên vẫn thuộc
sở hữu của ông An. Nếu ông Bình có nhu cầu sử dụng cần phải liên hệ và đựơc sự chấp
thuận của ông An .
- Ông An có trách nhiệm khắc phục việc để nhánh xoài ngã sang phần đất ông
Bình. Trường hợp không khắc phục được thì hai ông có thể thỏa thuận về việc để nhánh
xoài ngã qua và thỏa thuận về việc khai thác số trái xoài trên nhánh ngã qua đó trên cơ
sở hợp lý, đúng pháp luật và đảm bảo tình làng nghĩa xóm được tốt đẹp./.
- 9 -
*CÂU SỐ 9:
Tùng (12 tuổi) là con ông Quý thường xuyên trốn học đi chơi nhưng nhà
trường không báo cho ông Quý biết. Một lần trốn học chơi đá banh, Tùng đá banh
trúng cửa nhà bà Ngà làm vỡ kính. Bà Ngà đòi ông Quý bồi thường kính vỡ, ông Quý
không đồng ý cho rằng Tùng làm vỡ kính trong thời gian nhà trường quản lý (thời
gian học ở trường), do đó ông không có trách nhiệm phải bồi thường. Giữa hai bên
xảy ra mâu thuẫn.
Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải mâu thuẫn trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
- Bà Ngà và ông Quý về việc bồi thường kính bị vỡ do cháu Tùng đá banh gây ra.
- Xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà trường nơi cháu Tùng đang học
và ông Quý bố cháu Tùng.
2. Phân tích:

- Việc ông Quý không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bà Ngà với lý do ông
không có trách nhiệm là đúng. Vì thời điểm xảy ra hành vi của Tùng là trong thời gian
đi học, thuộc trách nhiệm quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, ông Quý phải có sự răn
dạy con mình để không xảy ra những vi phạm đáng tiếc như vậy. Ông Quý cũng cần liên
hệ với nhà trường để có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình tốt hơn.
- Về phía nhà trường cần tăng cường kỷ luật, quản lý chặt chẽ học sinh, nhất là
giáo viên chủ nhiệm lớp; tăng cường mối quan hệ phối hợp nhà trường và gia đình để
quản lý, giáo dục tốt học sinh.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Theo khoản 1 - Điều 621 - Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định “Bồi thường
thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra
trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý: Người dưới
mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi
thường thiệt hại xảy ra”.
+ Đạo lý:
Nêu trách nhiệm của người làm cha mẹ: “Con dại cái mang”, “Thương cho roi
cho vọt”, tránh nuông chiều con cái, không quan tâm quản lý, giáo dục thì con cái dễ
chơi bời lêu lỏng, dễ hư hỏng. Phía nhà trường cần nêu cao trách nhiệm quản lý, giáo
dục theo phương châm “Kỷ luật - Tình thương - Trách nhiệm”, “Tất cả vì học sinh thân
yêu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”…
4. Cách giải quyết:
Do Nhà trường có lỗi trong thời gian trực tiếp quản lý học sinh, việc Tùng thường
xuyên trốn học nhưng nhà trường không báo cho ông Quý biết là thiếu trách nhiệm, nhà
trường có thiếu sót trong việc quản lý học sinh, để em Tùng trốn học đi nghịch phá gây
thiệt hại thì nhà trường phải bồi thường thiệt hại kính vỡ cho bà Ngà theo khoản 1 -
Điều 621 - Bộ Luật Dân sự năm 2005./.
- 10 -
*CÂU SỐ 10:
Bà Ba là chủ quán kinh doanh ăn uống trên đường Y thường xuyên xả nước

thải, thức ăn thừa ra đường, mọi người góp ý, thì bà lại đổ thức ăn thừa, nước thải
xuống ống cống thoát nước của khu phố. Đến mùa mưa, cống bị nghẽn nên nước,
thức ăn thừa tràn lên đường, gây mất vệ sinh và cản trở cho việc đi lại.
Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải tranh chấp trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Bà Ba đã có những việc làm không đúng là xả nước thải, thức ăn ra đường và ống
cống thoát nước của khu phố dẫn đến ống cống tắt nghẽn nước, thức ăn tràn lên đường
gây mất vệ sinh và cản trở việc đi lại trên đoạn đường Y, nên xảy ra mâu thuẫn giữa bà
Ba và bà con khu vực.
2. Phân tích:
- Việc bà Ba đổ thức ăn thừa, nước thải ra đường là việc làm sai.
- Khi mọi người góp ý việc làm sai, bà Ba không khắc phục còn tiếp tục đổ thức
ăn xuống ống cống thoát nước của khu phố là việc làm càng sai, sẽ bị xử phạt hành
chính theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Điều 270 - Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Nghĩa vụ của chủ sở hữu
trong việc thoát nước thải: Chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước
để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không tràn sang bất động sản của
chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm
ô nhiễm môi trường”.
Điều 53 - Luật bảo vệ môi trường năm 2005 cũng quy định một số yêu cầu về
bảo vệ môi trường đối với hộ gia đìnhnhư: Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến
đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào
hệ thống thu gom nước thải”…
+ Đạo lý:
Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua làng giềng
gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”; cư xử có văn hóa;
nêu cao ý thức “Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chúng ta”; góp phần xây dựng

khu phố “xanh, sạch, đẹp”…
4. Cách giải quyết:
- Giúp bà Ba thấy được hành vi vi phạm pháp luật của mình; chấm dứt ngay việc
làm trên và phải có biện pháp để đưa nước thải, thức ăn đúng nơi qui định không ảnh
hưởng môi trường và đường công cộng
- Nếu đã thuyết phục, hòa giải nhưng không có kết quả, thì phải báo cáo UBND
cấp xã để UBND cấp xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền./.
- 11 -
*CÂU SỐ 11:
Nhà anh Hà và nhà chị Thanh ở cùng chung cư X, sử dụng chung một khoảng
sân. Anh Hà dạy thêm tại nhà, các em đến học thường xuyên để xe tràn lan, chiếm
hết khoảng sân gây cản trở việc đi lại của gia đình chị Thanh. Chị Thanh nhiều lần
nhắc nhở, nhưng gia đình anh Hà vẫn chưa khắc phục. Hai gia đình thường to tiếng
làm mất trật tự xung quanh.
Là thành viên Tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải tranh chấp trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Để tiến hành hòa giải vụ việc trên, trước hết xác định nguyên nhân xảy ra mâu
thuẫn giữa anh Hà và chị Thanh trong việc sử dụng khoảng sân chung do gia đình nhà
anh Hà sắp xếp xe chưa hợp lý.
2. Phân tích:
- Việc gia đình nhà anh Hà chưa giúp các em học sinh sắp xếp xe hợp lý làm cản
trở việc đi lại của gia đình chị Thanh là sai.
- Tuy việc làm của gia đình anh Hà là sai, nhưng gia đình chị Thanh nên đóng
góp đúng mức và thông cảm với gia đình anh Hà, đồng thời hai bên gặp gỡ để cùng bàn
biện pháp khắc phục.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Theo quy định tại Điều 225 - Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về sở chung
trong nhà chung cư:

Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung
của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia, trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác hoặc có sự thỏa thuận của tất cả các chủ sở hữu. Chủ sở
hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản
lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung.
+ Đạo lý:
Ông bà ta có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”,” làng xóm láng giềng tối
lửa tắt đèn có nhau”, cư xử có văn hóa“Lời nói không mất tiền mua –Lựa lời mà nói
cho vừa lòng nhau”,“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn ăn nói dịu dàng dễ
nghe”…
4. Cách giải quyết:
- Anh Hà cần bàn bạc thống nhất với gia đình chị Thanh về cách sử dụng khoảng
sân chung sao cho hợp lý, gọn gàng, đảm bảo quyền lợi và sự thuận tiện cho các bên.
-Anh Hà cần có biện pháp nhắc nhở, sắp xếp các xe của học sinh vào một chỗ
gọn, tránh để tràn lan làm lấn chiếm hết khoảng sân chung, cần chừa lối đi ra vào thuận
tiện cho gia đình chị Thanh./.
- 12 -
*CÂU SỐ 12:
Do vị trí tự nhiên thửa đất nhà ông Sung liền kề và cao hơn thửa đất nhà ông
Bời. Ông Sung đã lắp đặt một hệ thống ống thoát nước mưa từ nhà mình sang đất
nhà ông Bời để ra đường thoát nước công cộng. Khi mưa xuống, do ống bị bể, nước
xối làm trôi đất của nhà ông Bời, nên ông Bời đắp đất lại để không cho nước chảy, do
đó mâu thuẫn xảy ra.
Là thành viên tổ hòa giải, ông (bà) hòa giải trường hợp trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Xuất phát từ vị trí thửa đất ông Sung cao hơn đất nhà ông Bời, nên ông Sung đã
lắp đặt hệ thống nước thải là đúng. Tuy nhiên, do ống nước bể gây xối đất mà ông Sung
không chịu khắc phục, nên ông Bời đã đắp đất lại không cho nước chảy.
2. Phân tích:

Ông Sung lắp đặt hệ thống thoát nước mưa từ nhà mình sang đất nhà ông Bời để
ra đường thoát nước công cộng để không chảy xuống bất động sản của ông Bời là đúng
theo qui định
Do ống nước bể, nước xối làm trôi đất là sự cố khách quan, việc ông Bời lấp đất
không cho nước chảy là việc làm sai với quy định của pháp luật. Trường hợp này, ông
Bời phải dành một lối cấp thoát nước thích hợp cho ông Sung, không được cản trở hoặc
ngăn chặn dòng nước chảy.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Điều 277 - Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền về cấp thoát nước qua bất
động sản liền kề: "Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp
thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác, thì chủ sở hữu bất động sản có nước
chảy qua phải dành một lối cấp thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn
chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp
nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn
nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường".
+ Đạo lý:
- Khuyên hai ông Sung và ông Bời dù sao cũng là hàng xóm láng giềng với nhau,
ông cha ta từng nói “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”,
không nên để “cái sảy nảy cái ung”, mâu thuẫn này chồng chất lên mâu thuẫn khác dễ
xảy ra hậu quả khó lường trước được…
4. Cách giải quyết:
Thuyết phục ông Bời tạo điều kiện cho ông Sung có một lối dẫn nước thích hợp,
thuận tiện cho việc thoát nước, nhất là trong mùa mưa, đảm bảo quyền lợi của mỗi bên.
Trường hợp nếu việc bể ống dẫn nước có ảnh hưởng đến đất của ông Bời thì ông Sung
phải có trách nhiệm khắc phục hợp lý, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm./.
- 13 -
*CÂU SỐ 13:
Anh Hải kết hôn với chị Bảo là người cùng xã. Sáu tháng sau, chị Bảo sinh
một cháu trai. Hàng xóm đồn đại rằng con trai anh không giống anh, mà giống anh

Cường, bạn cũ của chị Bảo. Ban đầu, anh Hải không tin nhưng vì nghe nhiều người
nói nên anh về căn vặn và nặng lời với vợ. Đôi lúc anh Hải còn tuyên bố thằng bé
không phải là con anh. Chị Bảo giải thích và khuyên anh Hải không nên tin vào
những lời đồn đãi nhưng anh vẫn không nghe. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày
càng căng thẳng.
Là Tổ viên Tổ hoà giải, ông (bà) sẽ hoà giải vụ việc trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Hải - chị Bảo xung quanh chuyện đứa con,
liên quan đến pháp luật hôn nhân và gia đình. Nguyên nhân là do anh kết hôn với chị
Bảo. Sáu tháng sau, chị Bảo sinh một cháu trai. Hàng xóm đồn đại rằng thằng bé giống
anh Cường, bạn cũ của chị Bảo chứ không giống anh.
2. Phân tích:
Dù không có một chứng cứ nào, nhưng trước những lời đồn đại của hàng xóm,
anh Hải dao động và không tin đứa bé là con của mình, đôi lúc anh còn tuyên bố nó
không phải là con anh. Anh căn vặn và nặng lời với vợ. Mặc dù vợ anh giải thích và
khuyên anh không tin vào những lời đồn đãi nhưng anh không nghe. Hành vi của anh là
nông nổi, thiếu suy xét, dẫn đến đời sống hai vợ chồng ngày càng căng thẳng.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Điều 63 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về xác định cha, mẹ
như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là
con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa
nhận cũng là con chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải
được Tòa án xác định.
+ Đạo lý:
Vợ chồng phải đặt niềm tin ở nhau, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng
cạn”… Khuyên anh Hải không nên nghe những lời đồn đại, đừng vì “búa rìu dư luận”

mà làm đổ vỡ tình cảm vợ chồng, gia đình. Đã là vợ chồng càng cần phải cẩn trọng hơn
trong lời nói, cần phải xem xét cụ thể, không vì lời đồn không xác thực mà đánh mất đi
tình cảm vợ chồng, bản thân không vui mà nhiều khi còn ân hận về sau “Lời nói không
mất tiền mua –Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
4. Cách giải quyết:
- Phân tích cho anh Hải thấy rõ hành vi sai trái của mình. Hơn ai hết, đã là vợ
chồng, anh Hải phải hiểu và tin ở vợ mình, cần thể hiện sự mạnh mẽ của người trụ cột
gia đình, suy xét kỹ trước những lời đồn đại của hàng xóm.
- Trường hợp nếu anh Hải vẫn cứ khăng khăng tin vào những lời đồn đại thì
khuyên anh nên đưa vụ việc ra Tòa án làm thủ tục xác định cha - con để giải tỏa mọi
nghi ngờ, giữ gìn hòa khí gia đình, tình cảm cha con, vợ chồng trọn vẹn./.
- 14 -
*CÂU SỐ 14:
Vợ chồng anh Kính và chị Hồng là công chức Nhà nước, anh chị có hai con,
kinh tế gia đình ổn định. Bà con hàng xóm ai cũng khen anh chị hạnh phúc. Thời
gian gần đây, anh Kính có quan hệ với một người phụ nữ khác và bỏ mặc, không
quan tâm đến vợ con. Sau khi tìm hiểu rõ sự việc, chị Hồng đã hỏi chồng nhưng anh
Kính chối và không cho chị can thiệp vào việc riêng của mình. Hai vợ chồng thường
to tiếng với nhau, chị Hồng dẫn hai con về nhà mẹ đẻ. Gia đình có nguy cơ tan vỡ.
Là Tổ viên Tổ hoà giải ông (bà) sẽ giải quyết việc trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Kính, chị Hồng liên quan đến Luật hôn nhân
và gia đình. Nguyên nhân là do anh Kính quan hệ với một người phụ nữ khác và bỏ mặc
không quan tâm đến vợ con. Hai vợ chồng thường to tiếng và rồi chị Hồng dẫn hai con
về nhà mẹ đẻ.
2. Phân tích:
Việc anh Kính đã có vợ con nhưng lại đi quan hệ với người phụ nữ khác, bỏ mặc
vợ con là hành vi sai trái, vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh
phúc gia đình. Đối với chị Hồng, khi xảy ra sự việc như vậy, không suy xét kỹ càng, lại

cãi nhau và dẫn con về nhà mẹ đẻ là nóng vội, như “đổ thêm dầu vào lửa”.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Điều 18 - Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tình nghĩa vợ chồng:
“Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng
nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”.
+ Đạo lý:
Tình nghĩa vợ chồng là đáng quý, “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng
cạn”; “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… Phân tích cho anh Kính thấy: Đã là vợ
chồng, gá nghĩa trăm năm, sao lại đành dứt tình dứt nghĩa?! Đạo làm người và phép xử
thế trong ca dao tục ngữ đã luôn nhắc nhở cho mọi người“Trách người một, trách ta
mười -Bởi ta tệ trước nên người tệ sau” Khuyên chị Hồng cần bình tĩnh:“Chồng nóng
thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
4. Cách giải quyết:
- Phân tích cho anh Kính thấy rõ hành vi sai trái của mình; khuyên anh chấm dứt
ngay quan hệ với người phụ nữ khác, xin lỗi vợ và đón chị Hồng cùng hai con về quan
tâm chăm sóc vợ con, cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình, vì tương lai tốt đẹp của con
cái.
- Đồng thời, phân tích và khuyên chị Hồng nhìn nhận đúng vấn đề, xác định xem
việc anh Kính có quan hệ với người phụ nữ khác có phần lỗi của chị không. Chị phải
chăm chút tình cảm và nhan sắc, sao cho đời sống vợ chồng hòa hợp, giữ được tình cảm
vợ chồng nồng đượm, cùng xây dựng hạnh phúc bền vững cho mái ấm của chính mình./.
- 15 -
*CÂU SỐ 15:
Vợ chồng anh An và chị Mai sinh được hai con gái. Anh An là con trưởng
trong gia đình nên rất muốn có con trai để nối dõi, anh bàn với vợ sinh thêm đứa con
thứ ba với hy vọng sẽ là con trai nhưng chị Mai không chịu. Buồn chán, anh An
thường bỏ bê công việc đi uống rượu, về nhà mắng chửi vợ con, gia đình có nguy cơ
tan vỡ.
Là Tổ viên Tổ hoà giải, ông (bà) sẽ hoà giải vụ việc trên như thế nào?

* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa vợ chồng anh An, chị Mai liên quan đến pháp luật về dân
số, hôn nhân và gia đình. Nguyên nhân là do vợ chồng anh chỉ có 02 con gái, là con trai
trưởng nên anh An rất muốn có thêm một đứa con trai để nối dõi; anh bàn với vợ sinh
thêm đứa thứ ba với hy vọng sẽ là con trai, nhưng vợ anh không chịu. Cho nên, anh An
buồn chán, bỏ bê công việc đi uống rượu, về nhà mắng chửi vợ con, nguy cơ gia đình tan
vỡ.
2. Phân tích:
Hành vi của anh An là đáng trách. Chỉ vì vợ không đồng ý sinh thêm đứa con thứ
ba, nên anh đã bỏ bê công việc đi uống rượu, về nhà mắng chửi vợ con dẫn đến nguy cơ
tan vỡ gia đình. Về phía chị Mai, lẽ ra nên tìm lời hay lẽ phải để khuyên nhủ chồng,
ngăn chặn kịp thời để không gây ra sóng gió trong gia đình.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Khoản 3 và Khoản 5 - Điều 2 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy
định: “Vợ, chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”.
“Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai
và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”.
Khoản 2 - Điều 21 - Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Cấm vợ,
chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của
nhau”
+ Đạo lý:
“Con nào chẳng là con”; “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”; Mỗi cặp vợ chồng chỉ
nên có 1 hoặc 2 con, vì xã hội phồn vinh… Không phân biệt con trai hay con gái, khuyên
hai vợ chồng biết quan tâm, chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ cho hai con học đến nơi đến
chốn, ngaon ngoãn, lớn lên trở thành người con hiếu thảo, có ích cho xã hội…
4. Cách giải quyết:
Phân tích cho anh An thấy rõ hành vi sai trái của mình; khuyên anh An hãy hiểu
và thông cảm với vợ, không nên vì chuyện vợ không chịu sinh con thứ ba mà đâm ra

buồn chán, nhậu nhẹt bê tha. Điều cần thiết nhất là anh phải thể hiện mình là trụ cột
vững chắc trong gia đình, cùng với vợ chăm sóc, lo cho các con phát triển tốt về mọi
mặt, giữ gìn tình cảm vợ chồng và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh
phúc và bền vững./.
- 16 -
*CÂU SỐ 16:
Gia đình bà Hạnh mở tiệm cơm tấm bình dân. Sáng nào bà Hạnh cũng mang
bếp than tổ ong ra trước tiệm nhóm lửa, nướng thịt làm khói bay mù mịt vào những
nhà xung quanh. Không những thế, bà Hạnh còn thường xuyên đổ rác, nước thải ở
gốc cây gần nhà ông Minh gây ô nhiễm môi trường chung. Ông Minh và hàng xóm
đã góp ý nhiều lần nhưng bà Hạnh không chịu sửa mà còn có thái độ thách thức.
Là Tổ viên Tổ hoà giải, ông (bà) giải quyết việc trên như thế nào?
* GỢI Ý ĐÁP ÁN:
1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân:
Đây là mâu thuẫn giữa ông Minh và bà Hạnh liên quan đến pháp luật về bảo vệ
môi trường. Nguyên nhân là do bà Hạnh sáng nào cũng mang bếp than ra trước tiệm
nhóm lửa, nướng thịt làm khói bay mù mịt, ảnh hưởng đến bà con xung quanh và thường
xuyên đổ rác, nước thải ở gốc cây gần nhà ông Minh gây ô nhiễm môi trường chung. Dù
được góp ý, bà Hạnh vẫn không chịu khắc phục.
2. Phân tích:
Hành vi của bà Hạnh là sai trái, vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của bà con lối
xóm xung quanh, vừa vi phạm pháp luật. Là chỗ hàng xóm với nhau, ông Minh và bà
con xung quanh đã góp ý, bà Hạnh đã không chịu sửa đổi, lại còn có thái độ thách thức.
Hành vi cư xử của bà Hạnh thật đáng chê trách.
3. Căn cứ giải quyết:
+ Pháp luật:
Khoản 1 - Điều 52 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: “Tổ chức,
cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ
môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công
cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải…”

Điều 53 - Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cũng quy định một số yêu cầu về
bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình như: Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến
đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào
hệ thống thu gom nước thải; Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường
làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng
dân cư…
Đặc biệt, khoản 2 - Điều 53 quy định:“Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi
trường là một trong những tiêu chí gia đình văn hóa.”
+ Đạo lý:
Tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng
gần”; tinh thần biết hy sinh vì lợi ích tập thể “Mình vì mọi người”; cư xử có văn hóa
“Lời nói không mất tiền mua –Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”,“Chim khôn kêu
tiếng rảnh rang - Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”…
4. Cách giải quyết:
Phân tích cho bà Hạnh thấy rõ hành vi sai trái của mình để sửa đổi, vừa chấp hành
đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vừa củng cố và gìn giữ tình làng
nghĩa xóm. Khuyên bà Hạnh đổ rác đúng nơi quy định; khi nhóm lửa bếp thì cẩn thận
tránh hướng gió gây ảnh hưởng đến các nhà xung quanh./.

- 17 -
- 18 -

×