Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

ĐẠI CƯƠNG VỀ MIỄN DỊCH HỌC (Kỳ 2) pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (199.52 KB, 5 trang )

ĐẠI CƯƠNG VỀ MIỄN DỊCH HỌC
(Kỳ 2)
Miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng
Các cơ chế đề kháng của cơ thể bao gồm miễn dịch bẩm sinh (innate
immunity) có vai trò bảo vệ cơ thể ngay lập tức (ngay khi mới sinh ra cũng như
ngay khi nhiễm trùng mới xẩy ra) chống lại nhiễm trùng và miễn dịch thích ứng
(adaptive immunity) là trạng thái miễn dịch xuất hiện chậm hơn và tham gia vào
bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng ở giai đoạn muộn hơn nhưng hiệu quả hơn (Hình
1.3).
Thuật ngữ miễn dịch bẩm sinh còn được gọi là miễn dịch tự nhiên (natural
immunity hay native immunity) phản ánh một thực tế là dạng đề kháng này luôn
luôn tồn tại ở các cá thể khoẻ mạnh, có tác dụng thường trực ngăn chặn sự xâm
nhập của các vi sinh vật vào các mô và nhanh chóng loại bỏ các vi sinh vật nếu
như chúng đã xâm nhập vào mô rồi.
Miễn dịch thích ứng trước kia còn được gọi là miễn dịch đặc hiệu (specific
immunity) hay miễn dịch thu được (aquired immunity) là loại đề kháng của cơ thể
được kích thích bởi các vi sinh vật xâm nhập vào các mô và như vậy kiểu đáp ứng
này là để thích ứng với sự có mặt của các vi sinh vật khi chúng đã xâm nhập vào
cơ thể.


Hình 1.3: Các cơ chế căn bản của miễn dịch bẩm sinh và thích ứng

Phòng tuyến đầu tiên của miễn dịch bẩm sinh bao gồm các rào cản là các
biểu mô, các tế bào chuyên biệt và các chất kháng sinh tự nhiên có mặt ở biểu mô.
Tất cả các thành phần này có chức năng chung là ngăn chặn sự xâm nhập của vi
sinh vật vào cơ thể.
Nếu các vi sinh vật đã xuyên qua được lớp biểu mô này và xâm nhập vào
các mô hoặc vào hệ tuần hoàn thì chúng sẽ bị tấn công bởi các tế bào làm nhiệm
vụ thực bào, các tế bào lympho chuyên trách có tên gọi là tế bào giết tự nhiên
(natural killer – gọi tắt là tế bào NK), và các protein huyết tương bao gồm các


protein của hệ thống bổ thể.
Tất cả các cơ chế kể trên của miễn dịch bẩm sinh nhận diện một cách đặc
hiệu và phản ứng chống lại các vi sinh vật nhưng không phản ứng chống lại các
chất ngoại lai không có nguồn gốc từ các vi sinh vật. Các cơ chế khác nhau của
miễn dịch bẩm sinh có thể đặc hiệu với các phân tử được tạo ra bởi các loại vi sinh
vật khác nhau. Ngoài chức năng cung cấp khả năng đề kháng sớm, các đáp ứng
miễn dịch bẩm sinh còn có tác dụng tăng cường cho các đáp ứng miễn dịch thích
ứng chống lại các tác nhân nhiễm trùng. Các thành phần và cơ chế của đáp ứng
miễn dịch bẩm sinh sẽ được trình bầy chi tiết trong chương 2.
Mặc dù miễn dịch bẩm sinh có thể chống lại một cách hiệu quả nhiều loại
nhiễm trùng, song các vi sinh vật gây bệnh cho người lại tiến hoá để chống lại khả
năng đề kháng tự nhiên của người. Vì thế đề kháng lại các loại tác nhân gây bệnh
này chính là chức năng của đáp ứng miễn dịch thích ứng, và cũng vì vậy mà
những cá thể có khuyết tật trong các thành phần của hệ thống đáp ứng miễn dịch
thích ứng dễ bị nhiễm trùng hơn. Hệ thống đáp ứng miễn dịch thích ứng bao gồm
các tế bào lympho và các sản phẩm của chúng như các kháng thể. Trong khi các
cơ chế của miễn dịch bẩm sinh nhận diện các cấu trúc giống nhau giữa các vi sinh
vật khác nhau để tấn công vào đó thì các tế bào của đáp ứng miễn dịch thích ứng
lại có các thụ thể có khả năng nhận diện một cách đặc hiệu các chất khác nhau do
các vi sinh vật tạo ra cũng như những phân tử không có nguồn gốc từ vi sinh vật.
Các chất này được gọi là các kháng nguyên (antigen). Các đáp ứng miễn dịch
thích ứng thường chỉ được châm ngòi khi các vi sinh vật hoặc các kháng nguyên
của chúng xâm nhập qua hàng rào biểu mô và được chuyển tới các cơ quan
lympho, tại đó chúng được các tế bào lympho nhận diện. Các đáp ứng miễn dịch
thích ứng tạo ra các cơ chế chuyên trách để chống lại các loại nhiễm trùng khác
nhau. Ví dụ các kháng thể có chức năng loại bỏ các vi sinh vật có trong các dịch
ngoại bào, các tế bào lympho T hoạt hoá thì loại bỏ các vi sinh vật sống bên trong
các tế bào của túc chủ. Các cơ chế chuyên trách này của miễn dịch thích ứng sẽ
được đề cập đến trong suốt cuốn sách này. Các đáp ứng miễn dịch thích ứng
thường sử dụng các tế bào và phân tử của hệ thống miễn dịch bẩm sinh để loại bỏ

các vi sinh vật, đồng thời miễn dịch thích ứng cũng làm tăng cường một cách
mạnh mẽ các cơ chế kháng vi sinh vật của miễn dịch bẩm sinh. Ví dụ như các
kháng thể (một thành phần của miễn dịch thích ứng) bám vào các vi sinh vật và
các vi sinh vật đã bị các các kháng thể bao phủ như vậy sẽ dễ dàng bám vào và
hoạt hoá các tế bào làm nhiệm vụ thực bào (một thành phần của miễn dịch bẩm
sinh) có vai trò “ăn” (từ Hán Nôm là “thực”) và sau đó phá huỷ các vi sinh vật. Có
rất nhiều ví dụ tương tự về sự hợp tác giữa miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích
ứng sẽ được đề cập đến trong các chương tiếp theo. Để tiện theo dõi, trong toàn bộ
cuốn sách này, các thuật ngữ hệ thống miễn dịch và đáp ứng miễn dịch là ám chỉ
miễn dịch thích ứng, trừ khi được đề cập cụ thể trong những trường hợp nhất định.

×