Hỗ trợ tâm lý cho trẻ sau
thảm họa tự nhiên
Thiên tai qua đi nhưng để lại nhiều hậu quả.
Trong những ngày này, miền Trung và Tây Nguyên
Việt Nam, đang phải chịu đựng những hậu quả của
thảm họa do bão lũ thiên tai gây ra. Ngoài thiệt hại về
con người và tổn thất vật chất, chúng ta cũng nên quan
tâm đến phản ứng trước mắt và hậu quả tâm lý lâu dài
của trẻ em.
Mặc dù các thảm họa tự nhiên chỉ xảy ra trong thời gian
ngắn, nhưng ảnh hưởng tâm lý trên những người sống sót
có thể kéo dài hàng tháng và thậm chí hàng năm.
Trẻ em phản ứng thế nào trước thảm họa tự nhiên?
Phản ứng của trẻ tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ bao gồm
biến cố xảy ra hiện nay, sự tổn thương của cá nhân, sự mất
mát người thân, mức độ nâng đỡ tinh thần của cha mẹ, mất
mát nhà cửa, tiền sử sang chấn tâm lý hoặc bệnh lý tâm
thần. Trẻ cần được gặp chuyên viên tâm lý hoặc tâm thần
nếu trẻ có những thay đổi hành vi quan trọng hoặc có bất
kỳ triệu chứng nào dưới đây trong một thời gian kéo dài:
Đối với trẻ dưới 6 tuổi: mút tay, tiểu dầm, bám víu cha mẹ,
rối loạn giấc ngủ, biếng ăn, sợ bóng tối, hành vi thoái lùi ,
rút khỏi bạn bè và công việc thường qui.
Đối với trẻ ở cấp tiểu học: cáu kỉnh, hung hăng, bám víu, ác
mộng, tránh đi học, kém tập trung, và rút khỏi bạn bè và
sinh hoạt.
Đối với trẻ vị thành niên: rối loạn ăn uống và giấc ngủ, hiếu
động, tăng xung đột, dấu hiệu thể chất, hành vi phạm pháp,
và kém tập trung.
Một số ít trẻ có thể có nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau
sang chấn(post-traumatic stress disorder-PTSD) bao gồm
các triệu chứng trên kèm theo việc sống lại các biến cố đau
thương qua trò chơi hoặc giấc mơ, cảm giác thảm họa tái
xuất hiện, tình trạng chết lặng đối với các chủ đề cảm xúc,
khó tập trung và dễ giật mình. Một số hiếm trẻ vị thành
niên cũng có thể tăng nguy cơ tự tử nếu có vấn đề tâm thần
trầm trọng như PTSD hoặc trầm cảm. Với những triệu
chứng này, trẻ cần được gặp chuyên viên tâm lý hoặc tâm
thần.
Phụ huynh và giáo viên nên giúp trẻ như thế nào?
Giữ bình tĩnh và an tâm. Nhìn nhận sự mất mát, tổn hại,
nhưng tin tưởng vào cố gắng của cộng đồng để dọn dẹp và
xây dựng lại. Trấn an trẻ được gia đình chăm sóc và cuộc
sống sẽ trở lại bình thường.
Giúp bé vượt qua nỗi ám ảnh "thiên tai".
Nhìn nhận và bình thường hóa cảm xúc của trẻ. Cho phép
trẻ thảo luận về những cảm xúc và quan ngại của trẻ. Hãy
lắng nghe với sự đồng cảm. Cho trẻ hiểu là phản ứng của
trẻ là bình thường.
Khuyến khích trẻ nói về các biến cố gây đau thương. Trẻ
cần có cơ hội thảo luận về kinh nghiệm sống của trẻ trong
một môi trường an toàn và được chấp nhận. Cung cấp cho
trẻ những sinh hoạt giúp trẻ chia sẻ kinh nghiệm sống gồm
có hình vẽ, câu truyện, nhạc, kịch hoặc xem hình ảnh trên
truyền hình, nghe truyền thanh. Nhờ chuyên viên tâm lý tư
vấn thêm.
Cổ võ những kỹ năng ứng phó và giải quyết vấn đề tích
cực. Động viên trẻ triển khai phương pháp ứng phó với cơn
lo âu một cách tích cực.
Củng cố mối quan hệ với các bạn. Các bạn sẽ giúp trẻ ứng
phó với hoàn cảnh khó khăn tốt hơn và tránh trẻ bị cô lập.
Trong vài trường hợp, cha mẹ quá đau khổ và căng thẳng
nên không thể nâng đỡ con. Lúc đó, nên động viên trẻ đi
chơi với bạn.
Phụ huynh cũng cần tự chăm sóc bản thân. Hãy dành thời
gian cho chính mình và tự trấn an mình trước khi nâng đỡ
trẻ. Hãy nói chuyện với những người lớn khác. Đừng nên
chìm đắm trong nỗi âu lo, sợ hãi một mình, nhưng hãy chia
sẻ cảm xúc với người khác để được trấn an. Hãy chăm sóc
sức khỏe thể chất của bạn. Hãy dành thời gian làm một điều
gì bạn thích thú.