BỆNH HỌC TỲ - VỊ
(Kỳ 1)
I. NHẮC LẠI NHỮNG CHỨC NĂNG SINH LÝ TẠNG PHỦ VÀ
PHỦ VỊ
A. DỰA TRÊN CƠ SỞ HẬU THIÊN BÁT QUÁI
Theo Y học cổ truyền phương Đông, Tạng Tỳ ứng với quẻ Khôn. Quẻ
Khôn có tượng là đất. Vạn vật đều được đất nuôi dưỡng, do đó Tỳ cũng có chức
năng nuôi dưỡng các tạng phủ, khí quan khác trong nhân thể.
Y học cố truyền Đông phương cho rằng phủ Vị ứng với quẻ Cấn và được
giải thích như sau:
- Quẻ Cấn là núi. Ta biết rằng đất thì bằng phẳng, núi thì cao sừng sững.
Nhưng núi là do đất biến động mà thành. Có nghĩa là tạng Tỳ và phủ Vị có mối
liên quan với nhau.
- Quẻ Cấn là nơi vạn vật hoàn thành kết thúc mọi việc, như đóng lại bằng
bức tường cao như núi, bảo vệ cho đất. Ý nói phủ Vị là nơi kết thúc, hoàn thành
mọi vật. Do đó nếu Tỳ nuôi dưỡng vạn vật thì Vị là hoàn thành mọi vật. Tỳ Vị có
cùng một chức năng.
- Cũng theo cách giải thích trên thì núi là bức tường cao bảo vệ cho đất. Do
đó, phủ Vị đóng vai trò che chở cho tạng Tỳ. Suy rộng ra là ngoại tà xâm nhập gây
bệnh cho Tỳ trước hết phải qua phủ Vị.
B. DỰA TRÊN CƠ SỞ NỘI KINH
- Tỳ Vị được ví như một ông quan trông coi quản lý lương thực. Tất cả vị
khí tinh ba của ngũ tạng đều từ đó mà có. Thiên Linh Lan bí điển luận viết: “Tỳ Vị
giã, thương lẫm chi quan, ngũ vị xuất yên”. Thiên Ngũ vị, Linh khu nhấn mạnh
thêm: “Lục phủ, ngũ Tạng giai bẩm khí vu Vị”.
- Về mối quan hệ giữa Tỳ Vị, thiên Quyết luận, Tố vấn nói: “Tỳ chủ vi Vị,
hành kỳ tân dịch”, và được Trình Hạnh Hiên giải thích là đồ ăn uống vào Vị nhờ
Tỳ khí hấp dẫn giúp sức cho Vị làm việc, tinh hoa ở lại, cặn bã ra ngoài.
- Chức năng tạng Tỳ:
. Tạng Tỳ chịu ảnh hưởng của thấp Thổ từ trời và đất và có những biểu
hiện ra ngoài ở bắp thịt, màu vàng, vị ngọt, sự tư lự hoặc khi bất thường thì biểu
hiện bằng sự nôn ói hay ca hát.
* Thiên Âm dương ứng tượng đại luận viết: “Kỳ tại thiên vi thấp, tại địa vi
thổ, tại thể vi nhục, tại tạng vi Tỳ, tại sắc vi hoàng, tại thanh vi ca, tại biến đông vi
uế, tại khiếu vi khẩu, tại vị vi cam, tại chí vi tư”.
. Bản Thần thiên, Linh khu viết: “Tỳ tàng doanh, doanh giả thủy cốc, chi
tinh khí giã”. Ý nói Tỳ tàng chứa doanh, mà doanh là tinh khí của thủy cốc hóa
thành.
. Tỳ sinh huyết. Tứ Thập Nhị nạn nêu: “Tỳ chủ của huyết”. Ý nói Tỳ bao
bọc phần huyết dịch.
. Thiên Âm dương ứng tượng đại luận, Tố vấn: “Tỳ chủ cơ nhục, tứ chi”.
Ngũ Thắng Sinh thành thiên và Lục Tiết Tạng tượng luận, Tố vấn viết rằng: “Tỳ
chi hợp nhục giã, kỳ vinh thần giã. Tỳ Vị kỳ ba tại thần tứ bạch”. Ý nói Tỳ Vị
cùng với cơ nhục biểu lộ sự vinh nhuận tốt đẹp ra đôi môi.
. Tuyên minh ngũ khí thiên, Tố vấn: “Ngũ tạng sở tàng, Tỳ tàng ý, Tỳ khai
khiếu ra miệng. Tỳ khí thông ra miệng. Tỳ hòa ắt miệng sẽ nếm biết được ngũ vị”.
Kim quỹ chân ngôn luận, Tố vấn và Mạch độ thiên, Linh khu cũng nói như vậy.
. Tuyên minh ngũ khí, Tố vấn viết: “Ngũ tạng sở ố, Tỳ ố thấp”.
- Vị là cái bể chứa và làm chín nhừ đồ ăn thức uống. Tính của Vị là phải
chứa đựng, phải giáng xuống. Thiên Hải luận, Linh khu viết: “Vị thủy cốc chi hải,
chủ hư thực, chủ nạp, chủ giáng”.
Thức ăn vào vị, tinh khí quy vào can, khí dư thừa quy về Can, chất đục quy
về Tâm, chất tinh dư thừa quy về mạch, mạch lưu hành theo kinh, kinh lưu hành
về Phế, Phế là nơi hội tụ của trăm mạch…
Kinh mạch biệt luận, Tố vấn viết: “Thực khí nhập Vị, tán tinh vu Can, dâm
khí vu cân, trọc khí qui Tâm, dâm tinh vu mạch, mạch khí lưu kinh, kinh khí quy
vu Phế, Phế triều bách mạch…”. Thức uống vào Vị, tinh khí quy về Tỳ, Tỳ tán
tinh lên Phế.
Ý nói mọi đồ ăn thức uống sau khi qua giai đoạn tiêu hóa của Vị sẽ được
Tỳ vận hành về các tạng phủ và kinh mạch. Thiên Ngọc bản, Linh khu nhấn mạnh:
“Sự cung cấp tinh khí từ ăn uống lúc đầu phải qua giai đoạn chín nhừ của Vị”.