TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
(World Trade Organization, viết tắt WTO)
1. WTO có tiền thân là tổ chức Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch
Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức đi vào hoạt động năm 1995 do kết quả của vòng đàm phán
Urugoay. Đó là một thể chế pháp lí của hệ thống thương mại đa phương. Nó đưa ra các nghĩa vụ có tính
nguyên tắc để các quốc gia xây dựng các chính sách thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế làm nền tảng
thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Những nghĩa vụ đó được xác định thông qua các văn kiện mà quan trọng nhất là
các hiệp định được các thành viên cam kết tuân thủ.
Lĩnh vực hoạt động của WTO rất rộng, nó không chỉ bó khuôn trong các giao dịch thương mại hàng hoá
như GATT mà còn bao gồm cả các nội dung về thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Nghĩa là, nó cố gắng
kiểm soát hầu hết các vấn đề liên quan đến bán - mua trên thế giới.
2 Mục tiêu của WTO
Mục tiêu bao trùm cả các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Các mục tiêu cơ bản của WTO là:
* Về kinh tế: WTO thúc đẩy tự do hoá thương mại, thúc đẩy sự xác lập cơ chế thị trường, đảm bảo phát
triển bền vững. Điều này đạt được nhờ việc loại bỏ các rào cản thương mại, phổ cập các hiểu biết về các quy
định của WTO, xây dựng môi trường lành mạnh.
* Về chính trị: WTO hướng tới giải quyết các tranh chấp thương mại trong khuôn khổ các thoả thuận
phù hợp với tập quán quốc tế và các luật lệ của WTO. Do đó, nó đảm bảo được tính minh bạch, giúp các
quốc gia kém phát triển có điều kiện phát triển và hội nhập.
* Về xã hội: WTO hướng tới nâng cao mức sống con người, tạo công ăn việc làm đảm bảo quyền và tiêu
chuẩn lao động tối thiểu.
3. Hình thức tổ chức của WTO
Hoạt động của WTO thực hiện theo các hình thức sau:
- Đề xuất, thông qua hệ thống các nguyên tắc làm nền tảng cho hoạt động của tổ chức;
- Quản lí, giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại bao gồm cả giúp đỡ để các thành viên thực
hiện nghĩa vụ và hưởng quyền lợi của mình. Bên cạnh đó phải rà soát, kiểm điểm chính sách thương mại
của các thành viên và hướng chúng theo mục tiêu WTO;
- Giải quyết tranh chấp giữa các thành viên;
- Tổ chức các diễn đàn, các vòng đàm phán về thương mại;
- Phối hợp với các tổ chức kinh tế khác để hoạch định chính sách, dự báo kinh tế.
4. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của WTO
a. Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN - Most Favoured Nation)
MFN hiểu là bình đẳng, không phân biệt đối xử. Một nước nào đó dành cho một nước khác một ưu đãi
thương mại thì đồng thời cũng phải dành cho tất cả các thành viên khác của WTO một ưu đãi như thế. Tuy
nhiên, MFN không phải là tuyệt đối. Các nước láng giềng có thể dành cho nhau ưu đãi vượt trội so với các
nước khác. Một số nước có thể tuyên bố MFN hạn chế hay không hạn chế.
Nguyên tắc này có lợi ở chỗ là mọi tiến bộ về thoả thuận thương mại giữa hai nước thành viên sẽ trở
thành thành quả chung của toàn thể các thành viên khác (trừ trường hợp đặc biệt).
b. Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT - National Treament)
NT được hiểu là mọi hàng hoá, dịch vụ,… nhập khẩu sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lí phải
được đối xử bình đẳng (không kém thuận lợi hơn) với các hàng hoá, dịch vụ trong nước.
Nguyên tắc này chống lại sự trợ giá hay việc các nước tự đưa ra những đòi hỏi đối với hàng có xuất xứ
từ ngoài khắt khe hơn với hàng trong nước. Nó cũng chống lại việc hạn chế hàng nhập.
c. Nguyên tắc tiếp cận thị trường (MA - Market Access)
MA thể hiện sự tự do hoá thương mại. Theo đó, các quốc gia thành viên phải mở cửa thị trường cho các
thành viên khác. Thực hiện nguyên tắc này, các nước phải giảm bớt, tiến tới loại bỏ các rào cản thương mại,
tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu. Chẳng hạn, các thành viên phải cam kết tăng lượng sản phẩm
nước ngoài được tiêu thụ trong nước lên mức 3-5% so với tổng mức tiêu thụ của sản phẩm ấy trên thị
trường, một số loại có thể xoá bỏ hạn ngạch.
d. Nguyên tắc cạnh tranh công bằng (FC - Fair Competition)
Nguyên tắc FC đòi hỏi mỗi quốc gia phải đối xử bình đẳng với hàng nhập khẩu, không kể chúng đến từ
nước nào (nghĩa là với cùng một loại hàng nhập khẩu thì phải áp dụng cùng một mức thuế, một cách đối
xử). Nguyên tắc này đảm bảo cho các quốc gia có thể kiện khi những nước khác có thể có nhiều đối xử đặc
biệt gây thiệt hại lớn cho mình ngay cả khi chúng không vi phạm hiệp định chung.
5. Ảnh hưởng của WTO với sự phát triển kinh tế xã hội thế giới
a. Mặt tích cực của WTO
- WTO tạo điều kiện tự do hoá thương mại, tạo ra động lực to lớn cho kinh tế phát triển, nhờ đó các
nước đạt những tiến bộ kinh tế - xã hội.
- WTO hướng thế giới tới những chuẩn mực chung, minh bạch khiến những tiến bộ của nhân loại mau
chóng được quốc tế hoá. Nhờ gắn bó về quyền lợi, nó hướng nhân loại tới một tương lai phi bạo lực, tới việc
cùng chung bảo vệ sự phát triển bền vững.
b. Mặt tiêu cực
- Trong khi thúc đẩy tự do hoá thương mại, thúc đẩy tự do cạnh tranh thì WTO đã đẩy nhân loại từ bất
bình đẳng này sang bất bình đẳng khác. Với việc mở cửa thị trường, người ta tạo ra sự bình đẳng là các
doanh nghiệp trực diện cạnh tranh nhau mà không có sự bảo hộ. Nhưng sự bất bình đẳng lại chính là ở chỗ
những kẻ yếu cần được bảo hộ thì lại không được bảo hộ một cách tương xứng. Và dĩ nhiên, trong cuộc
cạnh tranh đó, đa số các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển bị thua lỗ, sản xuất đình trệ hay phá sản.
Kinh tế của các nước này sẽ đình đốn và hậu quả về xã hội mới thật nặng nề, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên. Cả
đất nước sẽ biến thành võ đài cho các tập đoàn nước ngoài thao túng.
- Việc thúc đẩy thương mại sẽ gây những cú sốc về văn hoá, xã hội. Những tập tục, thói quen truyền
thống bị coi nhẹ, mất đi. Các nước đang phát triển rất dễ hòa tan trước khi hoà nhập.