Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

Các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt, tim phổi và bệnh ở bụng - Phần 2 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (178.87 KB, 16 trang )

500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc
Các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt,
tim phổi và bệnh ở bụng
Phần 2
305. Khi có dị vật vào mắt
"Cháu 27 tuổi, hồi học lớp 5 bị một hạt cát từ cửa sổ bay vào mắt trái.
Cháu cứ thế giụi mạnh, đến bệnh viện thì mắt trái đã bị hỏng. Liệu sau này
con cháu sinh ra có việc gì không?".
Hậu duệ của cháu sẽ không việc gì hết. Nhưng hãy nhắc mọi người:
khi có vật gì bay vào mắt, tuyệt đối không dùng tay giụi, mà chớp mắt mạnh
nhiều lần liên tiếp để làm cho dị vật "trôi" vào khóe mắt, rồi nhẹ nhàng dùng
khăn mềm sạch gạt nhẹ ra.
Trường hợp thấy cay mắt, lấy ngay một cốc nước sạch, nhúng con mắt
vào và chớp liên tục, để làm rã chất đó (có thể là hóa chất hoặc chất tiết của
côn trùng). Nếu vẫn thấy vướng, dùng một que bông sạch gạt nhẹ xuống
khóe mắt và lấy ra (soi gương tự làm hoặc nhờ người khác).
Nếu dị vật trong mắt vẫn còn, nhất thiết phải tới một cơ sở nhãn khoa
để được xử trí kịp thời.
Một mẹo nhỏ: Khi bị bụi vào mắt, nhắm ngay mắt đó lại, rồi vừa chớp
mạnh vừa thè lưỡi ra liếm liên tục vào khóe môi bên đối diện; dường như
động tác này làm cho dị vật trôi xuống khóe mắt.
306. Nhìn vào mắt đau có bị lây bệnh không?
"Tại sao khi có người bị đau mắt đỏ, nếu ta nhìn thẳng vào mắt họ thì
ta cũng bị? Bạn em đau mắt phải nghỉ học, em tới thăm, nhìn vào mắt bạn
thấy đỏ như miếng tiết, em thương quá cứ nhìn mãi vào, chỉ hôm sau là bị
ngay! Có thuốc gì chữa cho chóng khỏi?".
Một số người khá đông cũng nghĩ như em, nhưng không phải như vậy
đâu. Khi ta tiếp xúc với bệnh nhân, thường tay ta bị dính dử mắt của họ mà
không hay biết (do người đó giây ra tay rồi tới bắt tay, giây ra sách vở rồi ta
giở sách vở), sau đó không rửa tay và vô ý giụi mắt, đưa mầm bệnh vào.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, đôi khi phát triển thành dịch. Chưa có


thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu là nhỏ mắt bằng nước muối đẳng trương
nhiều lần trong ngày.
307. Mổ mộng thịt
"Cháu là con trai, 19 tuổi. Từ bé, trong mắt trái của cháu mọc lên một
cái mộng thịt, tới nay đã bằng đầu đũa, rất cộm, làm cháu rất bi quan. Xin
cho cháu biết phải làm gì, vì cháu đang lo học hành để thi tốt nghiệp".
Cháu cứ yên tâm học cho tốt mà thi tốt nghiệp; và thưa với gia đình
liên hệ với Viện mắt Trung ương (85 phố Bà Triệu, Hà Nội) hoặc Viện mắt
TP HCM (đường Điện Biên Phủ, quận 3), xin hẹn khám và mổ mộng thịt
vào dịp nghỉ hè tới, sau khi thi xong.
Mổ xong, chắc chắn mắt cháu sẽ hết cộm và nhất là không còn nguy
cơ gì đối với sức nhìn về sau. Mổ gây tê tại chỗ, và không phải nằm viện.
308. Tật cận thị
"Con trai tôi 15 tuổi, đã thi đỗ vào trường chuyên toán. Cháu rất ham
học. Tôi đã hạn chế và ngăn cản tính ham học của cháu vì sợ ảnh hưởng đến
đôi mắt. Tôi nhận thấy ở độ tuổi con tôi, nhiều cháu đã phải đeo kính cận,
có cháu đeo tới số 2, số 3, tất cả đều do quá ham học. Xin hỏi có thuốc gì
phòng và chống được cận thị không? Nếu bị thì cách xử lý ra sao?".
Ngoài nguyên nhân di truyền từ bố mẹ, phần lớn trường hợp cận thị là
do mắc phải, do trẻ nhìn mọi vật quá gần. Bác thử quan sát xem, nhiều cháu
mẫu giáo vẽ tranh mà mắt gần như dán vào tờ giấy. Nhiều cháu tập viết mà
cúi sát mặt vào trang vở. Đó là chưa kể nơi học thiếu sáng, nhất là tại những
nơi chưa có điện.
Cách dự phòng duy nhất là: Người lớn thường xuyên nhắc nhở, giám
sát, tạo cho trẻ thói quen không nhìn mọi vật quá gần.
Cách chữa thông thường nhất: Phát hiện thật sớm tật cận thị và đeo
kính đúng số. Trong trường hợp cận nhẹ, chỉ phải đeo kính khi ra đường (khi
phải nhìn xa), còn ở lớp chỉ cần được thầy cô cho ngồi bàn trên cùng đủ nhìn
lên bảng.
Trường hợp của cháu, bác nhớ cho ăn đủ chất, lo đủ ánh sáng cho

cháu học hành và nhắc cháu cảnh giác với tật cận thị. Nếu có chút nghi vấn,
bác cho cháu đi kiểm tra thị lực; nếu cần thì cho đeo kính luôn, không xấu
trai đi đâu, mà lại có vẻ "bác học" nữa cơ đấy!
Hiện đã có máy Laser Excimer tại một số cơ sở ở Hà Nội và TP Hồ
Chí Minh giúp xử trí các tật khúc xạ (cận thị từ -1 đến -20 D; viễn thị từ +1
đến +10 D; loạn thị từ 1 đến 7 D) cho lứa tuổi 18-45. Sau này, khi cháu lớn
lên, nếu cần, bác có thể cho cháu đi chữa bằng máy đó, chỉ mất 7-10 phút và
lưu lại bệnh viện 1-2 giờ là êm đẹp, sau đó sẽ không còn phải dùng kính.
Bác đừng ngăn cản, trái lại phải thường xuyên động viên cháu chăm
học hơn, vì mấy lẽ:
- Nguyên nhân gây nên tật cận thị là do thói quen nhìn gần, chứ không
phải do chăm học. Nhiều cô cậu lười học mà vẫn bị cận thị do suốt ngày
chui vào xó xỉnh tối tăm để đọc tiểu thuyết, hoặc mê mẩn trước màn hình
với những trò chơi điện tử ùng oàng vô bổ.
- Nếu thấy bố mẹ không khuyến khích, thậm chí phản đối đức tính
chăm học của mình, dần dà cháu sẽ nản chí, hoặc lười thật sự "cho bố mẹ
vui lòng", hoặc giả vờ lười rồi chúi mũi học bù tại những nơi thiếu sáng, sẽ
vô cùng tai hại cho đôi mắt.
- Có thể cháu sắp sửa hoặc đã bước vào tuổi dậy thì, sẽ có nhiều biến
động trong cuộc sống riêng tư. Nếu không duy trì được đức tính quý báu này
thì cháu dễ sa đà vào những thú vui vô bổ do bạn bè rủ rê.
309. Cận thị đơn thuần
"Cháu là con trai, hơn 16 tuổi, mới bị cận thị phải mang kính -0,75 D;
sau gần một tháng thấy vẫn nhìn kém, cháu đi đo lại và mang kính -1,5 D;
một tháng rưỡi sau lên thì vọt lên -2,25 D. Cháu lo lắng thấy mắt tăng số
quá nhanh. Liệu bệnh cháu có chữa được không?".
Chắc không phải mắt cháu tăng số nhanh, mà nhiều khả năng trong
những lần đầu, cháu cảm nhận không thật chính xác về thị lực của mình nên
kết quả đo không đúng.
Không sao, từ nay, nếu cháu đeo kính đều đặn khi phải nhìn xa thì số

kính của cháu sẽ ổn định hoặc tăng chậm, và mức cận cuối cùng không cao.
Bởi vì tình trạng của cháu là cận thị đơn thuần (còn gọi là cận thị học đường,
dưới - 6 D, xuất hiện lúc 6-10 tuổi và tiến triển trong những năm sau đó) chứ
không phải cận thị bệnh (từ - 7 D trở lên, có thể tới - 30 D, bao giờ cũng đi
kèm những tổn thương trong nhãn cầu như: xuất huyết vùng điểm vàng, teo
hắc mạc, thoái hóa võng mạc ).
Trường hợp của cháu trước mắt chỉ cần đeo kính, có theo dõi cẩn thận
để đeo kính phù hợp. Khi được 18 tuổi, nếu cần, cháu có thể chữa bằng máy
Laser Excimer.
310. Mắt lác
"Em bị hiếng một mắt từ nhỏ nên rất mặc cảm và xấu hổ, nay đã 21
tuổi rồi mà vẫn ngại tiếp xúc với các bạn khác giới. Xin cho biết có chỉnh
được không và làm ở đâu, chi phí có nhiều lắm không vì nhà em rất
nghèo?".
Từ nhiều năm nay, Viện Mắt Trung ương vẫn tiến hành mổ lác (mổ
chỉnh lại cơ của mắt) cho cả trẻ em và người lớn. Em nên biên thư liên hệ
trước để khỏi phải chờ đợi tốn kém.
Đây là cơ sở y tế của Nhà nước, phục vụ tận tình, chi phí cho mỗi ca
mổ khoảng trên dưới 100.000 đồng; người lớn mổ xong không phải nằm lại.
311. Nên mổ đục thủy tinh thể (cườm)
"Bà nội cháu đã trên 60 tuổi, bị đục thủy tinh thể nên nhìn cứ mờ dần.
Nghe nói nếu mổ sẽ thấy rõ, nhưng bà cháu sợ. Xin cho biết bà cháu có nên
mổ không?".
Rất nên. Sang thế kỷ 21 rồi, chắc chắn tuổi thọ con người sẽ kéo dài
thêm nhiều; mắt bà phải sáng để còn nhìn xem con cháu ăn nên làm ra chứ.
Thủy tinh thể giống như chiếc kính lúp trong suốt, nếu chất bên trong
bị vẩn đục, ánh sáng đi qua sẽ bị ngăn cản, làm cho mắt ta nhìn mờ.
Cháu nên nói gọn cho bà cách thức mổ như sau: Nhỏ thuốc tê vào
mắt; máy phaco hiện đại giúp bác sĩ rạch 1 đường 3 mm trên mắt để đưa đầu
máy vào. Sóng siêu âm của máy sẽ làm cho thủy tinh thể đục bị nhuyễn ra,

rồi được dòng nước liên tục chảy của máy đưa ra ngoài. Sau đó, bác sĩ lắp
thủy tinh thể nhân tạo vào thay thế. Thời gian mổ không quá 15 phút, bệnh
nhân không phải nằm viện.
Gia đình nên sớm đưa bà về Viện mắt Trung ương hoặc Viện mắt TP
Hồ Chí Minh (nếu ở phía Nam) để mổ, không nên để muộn vì kết quả sẽ
không tốt.
312. Bị mòn cổ răng
"Chiếc răng hàm dưới (chỗ gần sát với lợi) của em có một vòng ở
chân, càng ngày càng ăn lõm vào, làm em rất buốt khi ăn đồ ngọt hay uống
nước lạnh. Xin cho biết có phải sâu răng không và có chữa được không?".
Có nhiều khả năng em bị mòn cổ răng, ban đầu có thể chưa phạm vào
tủy răng; nhưng nếu để muộn, tủy răng sẽ dễ bị tổn thương.
Nếu tủy răng còn lành lặn, nha sĩ sẽ trám chỗ cổ răng mòn bằng chất
composit để bảo vệ răng. Loại vật liệu mới này dính chắc, bền, chịu đựng
được hiện tượng mài mòn, lại rất nhiều màu phù hợp với màu răng.
Nếu tủy đã bị tổn thương, hướng điều trị sẽ giống như đối với sâu
răng. Nếu chữa bảo tồn (để giữ được răng) thì có thể trám tiếp chỗ cổ răng
bằng chất composit.
Vậy em nên khẩn trương đến một cơ sở nha khoa hiện đại hoạt động
tốt để xin chữa mới kịp.
313. Sâu răng
"Tại sao lại bị sâu răng, con sâu từ đâu tới? Em bị sâu răng hàm trên
cách đây một năm nhưng bây giờ mới buốt, chữa bằng cách nào là nhanh
nhất?".
"Sâu răng" là một từ dân gian quen dùng chỉ bệnh "hà răng". Bệnh do
nhiều nguyên nhân gây ra, và chủ yếu là kém vệ sinh răng miệng, khiến lớp
ngoài của răng (men răng) bị hư hại, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công
răng từ nhẹ đến nghiêm trọng (áp xe ).
Em nên đi khám răng ngay để "duyệt lại" toàn bộ. Nha sĩ sẽ lựa chọn
cách xử lý tùy mức độ tổn thương. Trường hợp của em nhiều khả năng được

chữa bảo tồn. Nếu để muộn nữa, tủy răng bị tấn công, việc chữa trị sẽ khó
hơn, lâu hơn và khá đau. Khi quá muộn thì có thể phải nhổ bỏ răng sâu.
Có thể lần này bác sĩ sẽ lấy bỏ cao răng cho em (đó là một chất vôi
bám vào chân răng và gây hại cho cả lợi lẫn răng), giúp cho hàm răng em trở
nên "dễ bảo quản" hơn trước.
Từ nay, em nên tập thói quen chải răng sau mỗi khi ăn (nhất là bữa
tối, vì ban đêm vi khuẩn có nhiều thời gian hoạt động phá hoại) và lúc mới
ngủ dậy. Dùng thuốc đánh răng có chứa fluor thì tốt, vì chất này giúp bảo vệ
răng. Đừng dùng tăm cứng chọc qua kẽ răng, gây tổn thương lợi và làm cho
khe lợi bị rộng ra, ảnh hưởng đến răng. Dùng nước muối loãng súc miệng
thường xuyên.
314. Áp xe răng
"Cháu 25 tuổi, bị một cái nhọt ở trong lợi đã 3 năm nay; mỗi lần nó
mưng mủ thì cháu lại xử lý đi, nhưng sau đó lại tiếp tục sưng. Thầy thuốc
bảo là viêm lợi, cháu đã dùng kháng sinh nhưng không khỏi. Xin cho cháu
biết đó là bệnh gì và cách chữa trị?".
Nhiều khả năng cháu bị áp xe răng. Cháu nên đến một cơ sở nha khoa
có thiết bị chụp X-quang răng tại chỗ để phát hiện tổn thương trên chiếc
răng đó. Nếu đúng là áp xe thì có thể phải nhổ bỏ (ít khả năng chữa bảo tồn
trong trường hợp này vì để quá lâu).
315. Có bọc mủ ở lợi
"Em bị sâu một chiếc răng hàm dưới đã lâu, hai tháng nay thấy nổi
lên một bọc mủ nhỏ ở lợi, ngay bến dưới chiếc răng đó. Xin cho biết cách
chữa, và liệu có phải nhổ răng đi không?".
Em thật đáng trách. Nếu ngay từ khi răng chớm bị sâu, em đi khám
răng ngay thì đâu đến nỗi! Khi thấy nổi bọc mủ (ổ áp xe răng) rồi, em vẫn
bình chân như vại thì thật là "điếc không sợ súng".
Em phải đi khám ngay; nha sĩ sẽ cố gắng chữa bảo tồn cho em (vì bị
áp xe chưa lâu) nhằm tránh nhổ răng. Trước tiên, người ta sẽ rạch ổ mủ (áp
xe răng). Một thời gian sau, khi vết mổ áp xe đã tương đối sạch, sẽ phải

khoan buồng tủy của răng và đặt thuốc diệt tủy nhiều lần cho tới khi buồng
tủy không còn mùi hôi, vô khuẩn. Lúc bấy giờ mới tiến hành trám răng tạm
thời bằng một chất dễ phá ra khi cần. Về sau, khi thấy răng trám ổn định, sẽ
xét thời cơ trám răng vĩnh viễn.
Như vậy, muốn giữ được chiếc răng đó phải tốn khá nhiều thời gian,
công sức và cả tiền bạc nữa.
Còn nếu sốt ruột thì nhổ phăng đi luôn, nhưng em đâu phải đã già mà
đành chịu rụng răng.
Vấn đề còn lại là luôn giữ vệ sinh răng miệng và không ngại đi khám
răng khi cần, để khỏi phải ân hận về sau.

316. Răng ố vàng do uống thuốc
"Con gái tôi hồi nhỏ thường được bệnh viện cho uống Tetracycline.
Nay cháu đã lớn, hai hàm răng bị ố vàng, mỗi khi cười là cháu lại xấu hổ
đưa tay che miệng. Xin cho biết có thuốc chữa không, hay có phương pháp
thẩm mỹ nào tốt nhất?".
Nha khoa có thể làm trắng răng ố vàng bằng các biện pháp:
- Bôi Peroxyde carbamide lên, rồi đưa một đèn quang trùng hợp lại
gần răng, rọi đèn trong 3 phút, cứ thế 3 làn trong mỗi lần (10 phút). Chữa từ
3 đến 8 lần là được (trước đó phải lấy hết cao răng).
- Đặt lớp phủ lên men răng để che khuất, làm cho răng nhìn trắng
bóng như bình thường.
- Dùng kem làm răng trắng sau khi đánh răng để đi ngủ. Cho một lớp
kem vừa phải lên một mặt của cái kẹp răng (mặt này sẽ áp vào mặt trước của
răng). Đặt kẹp đó vào cho khớp chặt với các răng cửa. Dùng bàn chải hoặc
tay dọn sạch chỗ kem giây ra xung quanh. Sáng dậy tháo kẹp ra, đánh răng
thật kỹ, rồi dùng bàn chải và nước ấm cọ sạch kẹp, lau khô, cất vào hộp. Mỗi
ống kem dùng được từ 3 đến 6 lần; do vậy phải đậy kín ngay sau mỗi lần mở
ra. Không được ăn uống hay hút thuốc khi đang mang kẹp.
Chữa xong, gia đình phải thường xuyên nhắc cháu khắc phục thói

quen đưa tay che miệng, một động tác "tự vệ" không còn "cần thiết" nữa và
có thể làm cho cháu trở thành vô duyên khi cười.
317. Răng vẩu, môi cong
"Cháu 14 tuổi, bị vẩu cả hàm trên và môi bị cong. Trường hợp của
cháu có nắn hàm được không, hay phải nhổ răng?".
Cháu nên xin bố mẹ đưa đến khoa răng của một bệnh viện lớn, xin
khám và chữa càng sớm càng tốt. Cháu còn ít tuổi, kết quả chắc chắn sẽ tốt
hơn nhiều so với những trường hợp để muộn. Nếu để ngoài 20 tuổi sẽ không
thể chữa bằng phương pháp chỉnh hình. Đặt nẹp xong, cháu sẽ về nhà, rồi
định kỳ tới kiểm tra. Chi phí toàn bộ tốn khoảng 400 ngàn đồng.
318. Răng rụng sớm
"Ba cháu mới 43 tuổi mà sao răng đã rụng. Xin cho biết có cách gì để
hạn chế hiện tượng này?".
Hằng ngày, ba cháu nên uống:
- 2 viên vitamin E (loại 400 IU).
- 2 viên UPSA-C canxi. Bẻ đôi viên thuốc, lấy một nửa, bỏ vào nước
cho sủi tan ra, thêm đường, có thể thêm đá, uống như giải khát; ngày 4 lần.
Buổi chiều tối chớ dùng vì thuốc có thể gây mất ngủ.
Ngoài ra, nên uống thêm mỗi ngày 1-2 viên Theravit có 1250 IU beta-
carotene (chất đứng đầu trong việc chống lại các gốc tự do vốn làm cho cơ
thể chóng lão hóa). Khi răng đã chắc lại, có thể cho giảm nửa liều mỗi thứ
nói trên, và duy trì liên tục.
Về sinh hoạt, chú ý chải răng sau mỗi bữa ăn, nhất là bữa tối, bằng
kem đánh răng có chứa fluor. Trong chế độ ăn, nên thêm các loại rau có nõn,
có mầm (giá đỗ chẳng hạn), các thứ rau, củ, quả có màu vàng, màu đỏ.
319. Không có răng khôn
"Em đã 26 tuổi, cơ thể phát triển bình thường nhưng chỉ có 28 chiếc
răng, trong khi một số bạn xấp xỉ tuổi em mọc thêm 4 chiếc răng khôn nữa
là 32 răng. Xin cho biết tại sao?".
Có hai khả năng:

- Em vẫn có đủ 4 mầm răng khôn nhưng chậm mọc. Chụp X-quang sẽ
thấy rõ hình ảnh của 4 anh chàng lề mề kia trong xương hàm. Nhưng không
sao, có người khỏe mạnh mà ngoài 60 tuổi mới mọc chiếc răng khôn cuối
cùng đấy!
- Nếu chụp X-quang không thấy 4 mầm răng khôn như thường lệ, thì
em thuộc vào một số trường hợp đột biến của loài người: không còn 4 răng
khôn, chỉ có 28 răng thôi.
Ngẫm mà xem, răng khôn gây bao phiền toái, thậm chí nguy hiểm
(răng khôn mọc lệch húc vào răng hàm, gây đau buốt kinh khủng, phải đi
nhổ gấp; răng khôn chỉ có một chân, không có ba chân vững chắc như răng
hàm, vì thế thường gặp sự cố, dẫn đến nhổ bỏ), cho nên không có răng khôn
có lẽ là khôn ngoan hơn chăng?
320. Chảy máu lợi
"Không biết cháu bị bệnh gì mà mỗi lần đánh răng (và nhiều khi
không làm gì), chân răng đều bị chảy máu? Xin cho cháu một lời khuyên".
Nhiều khả năng cơ thể cháu bị thiếu vitamin C. Cháu mua một lọ
Upsa C calcium (C canxi sủi), trong đó có 10 viên; bẻ đôi, cho nửa viên vào
nước chín, thuốc sẽ tan nhanh, có thể thêm đường hay nước đá. Mỗi ngày
cháu dùng hai lần (hết 1 viên), khi đỡ nhiều sẽ rút xuống 1 lần (nửa viên).
Nhớ thường xuyên ăn thêm các hoa quả như chanh, cam, quýt, xoài và các
loại rau. Khi yên trí khỏi hẳn, có thể thôi uống thuốc cho đỡ tốn (mỗi lọ C
sủi calcium nội gồm 10 viên 1.000 mg giá khoảng 10 ngàn đồng).


×