Quan niệm của Xuân Diệu về phê bình văn học
PHAN NGỌC THU
Trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, Xuân
Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ
nổi tiếng nhất, đồng thời cũng là nhà phê
bình văn học kiệt xuất. Từ những bài tranh
luận văn học sôi nổi thời Thơ Mới (1932-1945)
đến Tiếng thơ (1951),Những bước đường tư
tưởng của tôi(1958); từ Phê bình giới thiệu
thơ (1960) đến Trò chuyện với các bạn làm
thơ trẻ(1961), Dao có mài mới
sắc (1963), Lượng thông tin và những kỹ sư
tâm hồn ấy(1978), Các nhà thơ cổ điển Việt
Nam, tập I (1981), tập II (1982) và Công việc
làm thơ(1984) "chỉ tính riêng các tác phẩm
lý luận phê bình, đã có thể gọi Xuân Diệu là
một đại gia"(1)
Là nghệ sĩ bậc thầy, cùng với hệ thống quan niệm về nghệ thuật thi ca, trong
những công trình vừa kể trên đây, Xuân Diệu còn thể hiện quan niệm nhất
quán của mình về phê bình văn học, chủ yếu là phê bình thơ. Tìm hiểu những
quan niệm ấy sẽ góp phần nhận thức và đánh giá một cách toàn diện hơn sự
nghiệp văn học lớn lao của Xuân Diệu, đồng thời cũng có thể rút ra được
những bài học bổ ích cho hoạt động phê bình, lý luận văn học của chúng ta
hôm nay.
Trước hết, với Xuân Diệu, mỗi tác phẩm văn học nói chung, mỗi tập thơ nói
riêng "là một cơ thể, một sinh vật", "một tác giả, một con người", do đó"khen
hay chê chưa quan trọng bằng cảm thông, thấu hiểu"(2)
Nói "khen hay chê chưa quan trọng bằng thấu hiểu" có nghĩa là Xuân Diệu đã
khẳng định sự cần thiết của khen, chê trong phê bình văn học. Bởi vì, theo
ông, chê thơ mà không đúng thì rất có hại, sẽ làm nản người viết; nhưng
khen thơ không đúng thì cũng rất có hại vì khuyến khích sự viết dở, và có một
cái gì như là quảng cáo cho hàng không tốt, ngoài sự làm sai lạc khiếu thẩm
mỹ của công chúng, còn phạm vào sự chân thật, sự thật thà. Như vậy, khen,
chê một cách xác đáng, phê bình mới thực sự đóng vai trò hướng dẫn dư
luận bạn đọc và thúc đẩy sáng tác. Cái hay, cái khó của phê bình văn học có
khi cũng chính là ở chỗ này. Bởi lẽ, thái độ khen chê ấy không chỉ nói lên
trình độ, tài năng, bản lĩnh mà còn thể hiện cả đạo đức của nhà phê bình. Dù
muốn hay không thì phê bình cũng phải lựa chọn và đánh giá. Vốn đã từng
tham gia giám khảo nhiều cuộc thi thơ, từng là Chủ tịch nhiều năm Hội đồng
thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Xuân Diệu càng thấu hiểu cái khó khăn của
Nhà thơ Xuân Diệu
công việc này. Trong hơn nửa thế kỷ, vừa là nhà thơ hàng đầu, vừa là "nhà
luật pháp" đầy uy tín của nền thơ Việt Nam hiện đại, Xuân Diệu rất quan tâm
đến việc khen, chê kịp thời để động viên phong trào sáng tác và khẳng định
những thành tựu mới của từng tác giả, tác phẩm. Ý kiến của Xuân Diệu có
lúc, có khi không tránh khỏi chủ quan, nhưng nhìn chung phần lớn đều được
công chúng chờ đón, tin cậy. Ở những mức độ khác nhau, cả người đọc và
người được phê bình đều lắng nghe, đón nhận.
Tuy nhiên, để phê bình thực sự thuyết phục, Xuân Diệu rất coi trọng niềm
thông cảm, thấu hiểu giữa nhà phê bình và nhà sáng tác. Xuân Diệu còn
nhấn mạnh và giải thích rõ hơn, thấu hiểu tư tưởng lập trường đã đành, còn
cần phải thấu hiểu cả phương pháp cấu tứ, tạo hình, bút pháp, thói quen, cá
tính của một nhà thơ. Mặt khác, như trên đã nói, mỗi tác phẩm là "một cơ
thể", "một sinh vật", "một tác giả", "một con người” - cũng có nghĩa là, ở trên
đời không có những nhà thơ trừu tượng, mà chỉ có những nhà thơ cụ thể,
bằng xương bằng thịt, làm thơ trong một hoàn cảnh xã hội, gia đình, sức
khoẻ cụ thể, trong một thời gian cụ thể của đời mình, tức là "một thi sĩ sống
làm thơ, chứ không phải một thi sĩ trong óc người phê bình". Như vậy, nếu
không dựa trên cơ sở cảm thông và thấu hiểu thực sự cặn kẽ, thì làm sao có
thể khen, chê thoả đáng được.
Phê bình sở dĩ trở thành người bạn đường thường xuyên của văn học và
không thể tưởng tượng được văn học mà thiếu phê bình vì công chúng muốn
chiếm lĩnh tác phẩm nghệ thuật, chiếm lĩnh kho tàng văn hoá, họ rất cần sự
môi giới của nhà phê bình nghiên cứu. Muốn làm được vai trò ấy, phê bình
văn học không thể không hiểu thấu đáo về tác giả, tác phẩm và những kiến
thức cần thiết khác.
Cũng theo Xuân Diệu, một niềm vui lớn mà văn học đưa đến cho tâm trí con
người là sự hiểu biết, sự thấu hiểu, sự cảm thấu. Nếu được cảm thấu người
ta sẽ sống lên gấp hai, gấp ba, nghĩa là sự sống tự nhân đến mức cao, là
khám phá thấy loài người ở trong một bản thân mình. Vì thế, cần phải xác
định, phê bình không phải là chỉ trích, nhà phê bình không phải là lên lớp
bằng chủ quan của mình, mà nhiệm vụ chính của nhà phê bình trong quan
niệm của Xuân Diệu là "giúp cho bạn yêu thơ hiểu một thời đại, một nền
thơ, một nhà thơ".
Xuất phát từ quan niệm ấy, khi tìm về văn học quá khứ của dân tộc, Xuân
Diệu luôn ý thức phải nói sao cho thấu lý đạt tình. Ông tra cứu, suy ngẫm
từng bài thơ, ông gắn hoàn cảnh sáng tác với hoàn cảnh sống khi chưa có
hướng đời của tác giả để cắt nghĩa một cách thấu đáo vẻ đẹp của nỗi buồn
đau trong thơ ca xưa. Hoặc, khi "đọc một số ca dao kháng chiến của bộ đội",
Xuân Diệu tâm sự:
"Tôi đọc đây, chưa phải như một nhà phê bình văn học, cân nhắc và đánh
giá, mà như một người yêu mến, cảm thông - thực ra không phải tôi "đọc" mà
ở đây, tôi sống với một số ca dao kháng chiến của bộ đội"(3)
Vậy là, "đọc" có nghĩa là "sống" với tác giả, tác phẩm. Sinh thời, trong phê
bình, Xuân Diệu rất coi trọng việc đọc, đọc nhiều lần, nhiều cách để được
cảm thấu bằng nhiều giác quan. Ông thường gọi cách đọc vội, đọc lướt
không chịu lắng nghe kỹ tác phẩm là cách đọc "rất quan liêu", cách đọc "vô
tâm" (Vô tâm chi lắm ai ơi! - Thơ hay rất kỵ cái người vô tâm). Ông còn dùng
câu nói của Các Mác: một bản nhạc hay đến mấy cũng không có nghĩa lý gì
đối với những lỗ tai không thẩm âm, và cả thành ngữ "đàn gảy tai trâu" để
diễu người, và có khi cũng tự diễu mình chỉ vì vô tình không đọc kỹ mà bỏ sót
cái hay cái đẹp hoặc chưa thấu hiểu đúng tác phẩm.
Phê bình văn học nói chung và bình luận thơ nói riêng còn thuộc phạm trù
thẩm mỹ, phạm trù cái "gout", phạm trù khiếu thưởng thức. Nhà phê bình,
người đọc thơ có sở thích riêng của mình, còn người thi sĩ thì làm thơ với
tư tưởng, tình cảm và với cả những tế bào của họ, không thể bảo anh ta
đừng làm thơ với những tế bào riêng của anh ấy. Xuân Diệu phân tích cặn kẽ
và cho rằng, đây là những vấn đề rất tinh diệu và cũng rất tế nhị. Nếu không
cùng nhau thấu hiểu ở một quan niệm chung, một nhận thức chung, nếu
không thực sự tôn trọng cá tính của nhau và thông cảm với nhau vì một chất
lượng chung thì biết cãi nhau thế nào cho hết lẽ. Chính vì vậy, nhà phê bình
không chỉ cần có lập trường quan điểm, vốn kiến thức, vốn hiểu biết nghề
nghiệp kỹ thuật lao động thơ ca, mà còn phải có cái linh cảm của người nghệ
sĩ chân chính, mới cảm được "cái hồn" toát ra từ tác phẩm; tức là phải có cái
"linh nhãn" để "con mắt anh sắc hơn dao"; và theo ý Xuân Diệu, "con mắt sâu
lại còn cao cường hơn con mắt sắc". Chỉ có như vậy, người phê bình mới
tránh được bệnh hẹp hòi, mới vừa bộc lộ được cái "tạng" riêng của mình mà
vẫn vượt qua được cái mình không được thích lắm, để phát hiện, biểu dương
cái đẹp, cái khác lạ cùng với những ưu tú của một tập thơ, một thi sĩ. Xuân
Diệu biểu đạt ý tưởng này trong niềm đầy cảm hiểu của người sáng tạo:
"Ta hãy khoan quy kết. Cái người lặn mò ở trong biển thực tại ra một con sò
không thông thường quen mắt, người đó đã ở trong một cái thế chênh vênh
rồi. Muốn cầu an, người đó có thể ném cái con sò hiện tượng kia xuống biển
trở lại; nhưng vì yêu chân lý, muốn mở rộng tầm hiểu biết chung, người ấy
đưa ra trình bày. Nếu chúng ta vội quy kết thì sẽ làm cho bao nhiêu người
khác coi cái việc gặp những con sò lạ (chỉ lạ lúc đầu) là một cái tai vạ"(4)
Ở đây, dường như có sự gặp gỡ giữa Xuân Diệu, nhà thơ lãng mạn kiệt xuất
và Nam Cao - nhà văn hiện thực sắc sảo nhất của nước ta, trong khát
vọng "văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi
những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa ai có" (Đời
thừa).Phê bình văn học, ở một góc độ nào đó, phải cùng chung khát vọng ấy
mới thực sự là "người môi giới", là bà đỡ cho những công trình sáng tạo đầy
trăn trở của người nghệ sĩ. Xuân Diệu thường yêu cầu nhà văn, nhà thơ
không được "cầu an", càng ngày càng phải "nấu nướng cho tốt lành nhiều
hơn nữa, thơm ngon nhiều hơn nữa", nhưng người đọc, người phê bình cũng
không được "cầu an", phải "cải tạo cái lưỡi của mình" mới thưởng thức được
cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Một quan niệm nổi bật của Xuân Diệu về phê bình văn học còn thể hiện ở yêu
cầu "phê bình của chúng ta cần nêu được cái hay tuyệt với, hoàn mỹ của
chúng ta phải vươn tới"(5)
Quan niệm trên xuất phát từ quy luật lao động sáng tạo của con người bao
gồm cả quy luật lao động nghệ thuật, là bao giờ cũng hướng tới cái đẹp. Thơ
vốn là tinh chất, là cái "nhụy" của đời sống, lại càng hướng tới sự biểu hiện
một cách tập trung nhất vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm con người. Vốn là nhà thơ
lớn của niềm khát vọng "vô biên" và "tuyệt đích", trong phê bình, Xuân Diệu
muốn hướng người đọc tới cái tuyệt vời, cái hoàn mỹ, tức là vẻ đẹp kết hợp
hài hoà giữa giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung trong tác phẩm. Đó cũng là
cái bản lĩnh, bản sắc của tâm hồn và cuộc đời thi sĩ được biểu hiện qua văn
chương của họ.
Bằng cảm thức thời gian, Xuân Diệu lập luận rằng, sở dĩ văn học phải hướng
tới cái hay, cái đẹp vì dần dà qua sàng lọc của ngày tháng, những hạn chế sẽ
không ai nhớ nữa, chỉ có những ưu điểm, ưu tú mới sống, vì nó thuộc về "cây
đời mãi mãi xanh tươi"; công chúng độc giả thì ai cũng muốn hưởng thụ cái
hay, cái đẹp. Mặt khác, từ thực tiễn sáng tạo, Xuân Diệu cũng thấy rằng, rất
khó tìm những nhà thơ, kể cả những nhà thơ lớn mà không có khuyết điểm,
nhược điểm. Nhiều khi nhược điểm còn nặng nữa; nhưng tất cả vấn đề nằm
ở chỗ: nhà thơ có ưu tú gì không? Nếu có những ưu tú, ưu việt, thì công
chúng có thể trừ bì cho cả những nhược điểm lớn, để chỉ còn lại phần đóng
góp của nhà thơ. Có điều phần đóng góp của một tác phẩm nhất định không
thể là trung bình, vì đứng về tác phẩm mà nói, trung bình là không còn lại
được gì, nghĩa là không đóng góp.
Xuân Diệu thường hay nhắc đến lời than thở của nhà thơ Pháp nổi tiếng thế
kỷ XIX Alfred de Vigny về "cái khuynh hương xấu xí của sự phê bình": "Họ
thích làm sống những người chết và làm chết những người sống". Ông mong
sao phê bình hôm nay phấn đấu đừng cho căn bệnh ấy tái diễn, phải đấu
tranh trên hai mặt để làm sống lại đẹp đẽ những nhà văn có tài đã qua và
biểu dương xứng đáng những nhà văn có tài đang sống.
Cùng với sáng tác thơ ca, trong cuộc đời lao động nghệ thuật của mình,
sau"Thơ Thơ" và "Gửi hương cho gió", Xuân Diệu đã dành nhiều thời gian và
công sức cho hoạt động phê bình nghiên cứu văn học. Ông lắng nghe chăm
chú "Tiếng thơ" từ khắp mọi miền đất nước; ông công phu, tỉ mẩn chọn lựa từ
hàng trăm, hàng nghìn bài thơ để vừa chỉ ra những hạn chế, vừa biểu dương
kịp thời phong trào sáng tác và thành tựu của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ.
Ông sưu tầm, học tập ở ca dao vẻ đẹp chân chất, giản dị của cuộc sống và
tâm hồn người lao động. Ông tìm hiểu một cách có hệ thống và làm sống lại
đẹp đẽ những nhà thơ cổ điển dân tộc, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương, Cao Bá Quát đến những Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn
Đình Chiểu,
Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu rất tâm đắc, mến phục nhà phê bình
nổi tiếng của văn học Trung Quốc - Kim Thánh Thán (1950-1648). Phải
chăng, Xuân Diệu đã bắt gặp ở đây quan niệm phê bình văn học gần gũi với
chính mình. Phê bình dù đề cập đến xưa hay nay, đều không phải chỉ trả lời
những vấn đề của quá khứ hoặc hiện tại mà còn là câu chuyện "tấc lòng"gửi
đến mai sau; trong cái mục đích phục vụ vì mọi người, còn có cả "vì chính
mình", vì "mình muốn làm duyên với người đời sau", muốn buộc người đời
sau phải nhớ đến tên tuổi của mình.
Rõ ràng với ý thức như vậy, phê bình văn học sẽ là nỗi niềm canh cánh bên
lòng, là một nhu cầu của nội tâm; sẽ không đơn thuần lý lẽ mà tràn đầy cảm
hứng. Nó xa lạ với thứ phê bình máy móc, áp đặt vì những mục đích ngoài
văn học.
P.N.T