Vài suy nghĩ về giáo dục đại học trong thời đại mới
02-05-2008
TS. Nguyễn Kim Dung
Viện Nghiên cứu Giáo dục- Trường ĐHSP Tp HCM
Bài viết đề cập đến một số suy nghĩ về vai trò của giáo dục (GD) đại học (ĐH) trong giai đoạn đầu
của một kỷ nguyên mới vốn đầy hứa hẹn nhưng cũng không kém phần thử thách. Trong bài này,
người viết tham khảo một số tài liệu có liên quan đến quan niệm của các trường ĐH trên thế giới
về vai trò của giáo dục ĐH, đồng thời nêu lên một số suy nghĩ về GD ĐH Việt Nam cũng như một
số kiến nghị để cải tiến hệ thống GD ĐH của chúng ta.
Vai trò của Giáo dục Đại học: cái nhìn từ bên ngoài
Trong thế giới hiện nay, GD ĐH không chỉ thể hiện sự trưởng thành của người học về mức độ tri
thức, mà còn là cơ hội để người học đạt được các mục tiêu nghề nghiệp cá nhân và hiệu quả
kinh tế. Đứng trên bình diện cá nhân, giáo dục đại học cải tiến chất lượng cuộc sống của từng cá
nhân chúng ta. Hơn thế nữa, giáo dục đại học có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với xã hội nói
chung. Nó mở ra cánh cửa cho sự hiểu biết của chúng ta đối với các mức độ phức tạp của xã hội
hiện đại, và nó cho phép chúng ta đóng góp vào sự giàu mạnh của cộng đồng và dân tộc. Giáo
dục đại học không phải chỉ là lợi ích tư (private benefit), mà còn là lợi ích công vô cùng quí báu
(public good). Một trong các chỉ số của một xã hội thịnh vượng là khi các công dân của xã hội đó
tìm kiếm cơ hội giáo dục tốt hơn. Ngày nay, sinh viên tốt nghiệp đại học các nhà lãnh đạo trong
các doanh nghiệp, công ty tư nhân và chính phủ luôn hướng đến mục đích khai thác tối đa các lợi
ích của GDĐH. Điều này giúp cho họ phát huy mức độ hiệu quả của những gì họ học được ở đại
học và cho phép họ phục vụ cho quyền lợi của dân tộc, và rộng lớn hơn, cho cả thế giới.
Giáo dục đại học hiện đại là một trong những thành tích vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại.
Nhưng giá trị của giáo dục đại học không chỉ nằm trong các kiến thức chính xác và sâu sắc mà
giáo dục đại học đem đến cho thế hệ trẻ, mà còn trong các giá trị đạo đức mà giáo dục đại học có
thể giúp thế hệ trẻ đóng góp cho các tiến bộ xã hội khi họ ra trường và trở thành những người
chín chắc và trưởng thành thực sự. Alexander Griboyedov, một nhà soạn kịch Nga thế kỷ 19 đã
từng nói: "Con người càng được giáo dục nhiều thì mức độ hữu dụng của họ đối với đất
nước của họ càng tăng." Ở ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chúng ta cần phải có thêm vào một điều
nữa là những người được giáo dục là của cải quý báu và có giá trị nhất của toàn bộ xã hội vốn
đang hướng về sự toàn cầu hoá.
Hiện nay, cộng đồng thế giới đang trải qua các chuyển đổi quan trọng trong chính trị, kinh tế, xã
hội và quân sự. Cơ cấu ý thức xã hội đang không ngừng thay đổi. Các khái niệm cũng đang được
chuyển đổi trong lúc thế giới đang trở nên có nhiều mâu thuẫn hơn. Mối nguy hiểm của các mâu
thuẫn quân sự cũng đang được thu nhỏ hơn, trong khi đó các mối đe doạ về các tai ương về sinh
thái học có tính toàn cầu đang càng ngày càng tăng lên. Cùng lúc đó, những người sống trong
các đất nước khác nhau càng ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác với nhau trong các lĩnh vực kinh
tế, giáo dục, khoa học và văn hoá.
Giáo dục cũng đang có nhiều thay đổi quan trọng. Giáo dục đang ngày càng trở thành một công
cụ để đạt được sự tích hợp giữa xã hội và các nguồn sản xuất không thể thiếu được của cộng
đồng thế giới. Hợp tác quốc tế trong giáo dục có thể giải quyết và thậm chí có thể vượt qua được
các mâu thuẫn chính trị giữa các dân tộc. Nó tạo điều kiện cho sự hiểu biết lẫn nhau và làm cho
các dân tộc càng ngày càng gần nhau hơn.
Vài suy nghĩ của về giáo dục ĐH Việt Nam
Như chúng ta đã biết, giáo dục đại học Việt Nam, giống như các hệ thống giáo dục đại học trên
thế giới, đã kinh qua nhiều thay đổi lớn, toàn diện và nhanh chóng. Các thay đổi đó bắt đầu từ
cuộc cải tổ giáo dục đại học năm 1987 khi cơ chế thị trường được giới thiệu vào xã hội Việt Nam.
Với sự mở rộng đào tạo của các trường đại học, tăng số lượng lớp học, số lượng sinh viên và
các khóa học, qui mô đào tạo ở các trường đại học Việt Nam ngày càng mở rộng đến nổi khó có
thể kiểm soát được chất lượng giáo dục, và dẫn đến tình trạng yếu kém về chất lượng.
Có nhiều cái nhìn bi quan về giáo dục ĐH Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điểm yếu quan
trọng nhất của chúng ta là thiếu một hệ thống lý luận chặt chẽ và khoa học về vai trò, tầm nhìn,
sứ mạng, mục đích và mục tiêu của GD ĐH. Bên cạnh đó, việc thiếu các văn bản có tính quy
phạm và chuẩn mực quản lý càng làm cho việc phát triển của các trường ĐH luôn ở trong tình
trạng tự phát và manh mún. Nói một cách khách quan, GDĐH Việt Nam từ sau Đổi mới đã có
nhiều thay đổi tích cực từ hình thức đến nội dung đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu so với
trình độ phát triển của giáo dục đại học thế giới thì khoảng cách giữa họ và ta vẫn còn khá rộng.
Để có thể cải tiến và thúc đẩy tốc độ phát triển, điều mà các nhà quản lý và giáo dục thường làm
là xác định mục tiêu, hoạch định chiến lược, cơ chế quản lý, phương pháp và thực hiện, và cuối
cùng là đánh giá kết quả. Mà chúng ta thì chưa quen làm điều đó.
Muốn làm tốt việc cải tổ một nền GD, nhiều người nghĩ đến sự đổi mới toàn diện. Đây là một việc
làm vô cùng khó khăn, dài hạn và chưa phải ai cũng muốn. Để tránh làm một cuộc cách mạng
không cần thiết, chúng ta chấp nhận sự thay đổi từng bước. Bước thứ nhất của quá trình thay đổi
này là việc xác định những mặt còn yếu kém của giáo dục đại học. Bước thứ hai, việc xác định
các mục tiêu lâu dài và trước mắt là vô cùng cần thiết. Điều này cũng giống như việc định hướng
chiến lược, làm cơ sở cho các bước kế tiếp là vạch ra các bước, các kế họach thực hiện, chuẩn
bị nguồn lực, phân công trách nhiệm và đánh giá việc thực hiện. Có thể tóm tắt các bước đó trong
sơ đồ sau đây:
Thay lời kết
Nếu so sánh với nhiều nền GD tiên tiến trên thế giới, có thể dễ dàng nhận ra sự yếu kém của
chúng ta trong việc quản lý GD ĐH. Trong khi thế giới đang tiến nhanh đến việc phát triển các giá
trị mang tính toàn cầu cho các thế hệ tương lai của nhân loại, chúng ta còn loay hoay với các khái
niệm cơ bản về quản lý GD ĐH. Sự hội nhập của các hệ thống quốc gia trong lĩnh vực giáo dục
đại học thành một hệ thống giáo dục toàn cầu là sự đóng góp của giáo dục và khoa học trong
công cuộc hình thành nên một nền văn minh nhân loại một cách toàn diện, vào sự tiến bộ của
nền dân chủ, vào tiến trình hoà bình và tự do. Chúng ta cần nhanh chóng cải tiến cách nghĩ, cách
làm để hướng tới một nền giáo dục mà trong đó chú trọng đến tính nhân bản và tính toàn diện.
Đó chính là mục đích chiến lược và bản chất của nền giáo dục đại học mà cả thế giới và chúng ta
đang hướng đến.
Tài liệu tham khảo
•1) Tài liệu trên mạng theo địa chỉ:
•2) Các bài viết của tác giả đăng trên tạp chí Giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT