VÀI SUY NGHĨ VỀ TRUYỆN CỰC NGẮN TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM TỪ NỀN
VĂN HOÁ ĐƯƠNG ĐẠI
Ths. Nguyễn Thị Diệu Linh (K.Văn- ĐHSPHN)
1. Cho đến nay, dường như vẫn chưa có một định nghĩa nào về cái gọi là
“truyện cực ngắn” (short short story, còn được biết đến dưới nhiều cái tên
khác như flash fiction – truyện chớp, sudden fiction – truyện bất ngờ,
postcard fiction – truyện bưu thiếp, skinny fiction – truyện mỏng, quick
fiction – truyện vội, fast fiction – truyện nhanh, micro fiction – vi truyện,
furious fiction – truyện hoả tốc…) có thể thoả mãn tất cả giới tác giả, phê
bình và đông đảo độc giả của thể loại này. Thông thường, trong các định
nghĩa, người ta nêu lên hai yếu tố bắt buộc phải có của truyện cực ngắn: thứ
nhất là tính “cực ngắn” về dung lượng tác phẩm, tính bằng số lượng câu chữ
có thể thống kê chính xác được, và thường con số này là dưới 2000 từ; thứ
hai là tính “cực ngắn” trong “cách viết”, đây là điều hết sức phức tạp và tuỳ
thuộc vào quan niệm của mỗi người bởi nó liên quan đến toàn bộ kết cấu
nằm sâu bên trong tác phẩm.
Trước hết, cần phải nói ngay rằng khái niệm “truyện cực ngắn” mà
chúng tôi sử dụng ở đây chỉ giới hạn trong phạm vi truyện cực ngắn đương
đại (nhằm phân biệt với những thể loại tương cận đã từng có trong lịch sử
văn học). Được biết đến dưới cái tên phổ biến là “truyện cực ngắn” ở Việt
Nam và “tiểu tiểu thuyết”, “vi hình tiểu thuyết” ở Trung Quốc, thể loại này
đang ngày càng thu hút được sự chú ý của giới văn học nói riêng và đông đảo
công chúng văn học nói chung. Ở Việt Nam, truyện cực ngắn bắt đầu được
quan tâm đến từ đầu những năm 90, đặc biệt là trong và sau cuộc thi Truyện
cực ngắn do tạp chí Thế giới mới tổ chức năm 1993-1994. Còn ở Trung
Quốc, thời điểm này sớm hơn một chút – vào đầu những năm 80, nhất là sau
khi tạp chí “Vi hình tiểu thuyết tuyển san” ra mắt bạn đọc năm 1984. Thời
điểm xuất hiện này có mối liên quan không hề ngẫu nhiên với tư duy đổi
mới, cải cách, đón nhận những ảnh hưởng văn hoá từ bên ngoài và khuynh
hướng nhìn lại quá khứ bằng con mắt phản tỉnh… của cả hai quốc gia. Có thể
nói không ngoa rằng sự xuất hiện và nở rộ của thể loại này là một “hiện
tượng” trong nền văn học đương đại hai nước. Truyện cực ngắn vừa có
nguồn gốc lâu đời từ trong lịch sử văn học hai nước, lại vừa là sản phẩm tất
yếu của các yếu tố văn hoá - văn học đang trong quá trình chuyển hoá. Xét từ
nhiều phương diện, đây còn là thể loại phản ánh khá chân thực và sâu sắc
chân dung tinh thần của con người đương đại. Do vậy, nói đến khái niệm
“truyện cực ngắn”, không thể không bàn tới nền văn hoá đương đại.
“Văn hoá đương đại” là một phạm trù có nội hàm hết sức rộng mở. Do
vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến ba khía cạnh mà
theo chúng tôi là có liên quan mật thiết đến sự hình thành, phát triển và vận
động của truyện cực ngắn Trung Quốc và Việt Nam. Đó là: toàn cầu hoá;
chủ nghĩa hậu hiện đại; tác giả - độc giả và vấn đề xuất bản.
2. Toàn cầu hoá
Không nghi ngờ rằng “toàn cầu hoá” là một trong những từ được nhắc
đến nhiều nhất trong những năm gần đây. Song có lẽ cũng như “văn hoá”,
càng đề cập nhiều đến “toàn cầu hoá”, người ta càng phát hiện ra sự phức tạp
trong nội hàm của nó. Ở đây, khi đặt toàn cầu hoá trong bối cảnh văn hoá
đương đại để xem xét sự ảnh hưởng của nó đối với truyện cực ngắn Việt
Nam và Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy tính chất phù hợp của định nghĩa
do Lois Parkinson Zamora đưa ra trong trường hợp này: “toàn cầu hoá là một
phức hợp những hoạt động đa văn hoá trước tiên được đặc trưng bởi ba yếu
tố: 1) sự hiện diện của các công nghệ thông tin và truyền thông; 2) sự nổi lên
của các thị trường toàn cầu mới; và 3) những chuyển dịch về văn hoá” <!--[if
!supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->.
Tất cả những yếu tố trên có thể được ví như một luồng gió mới thổi
vào nền văn học đương đại cả hai nước. Thể loại truyện cực ngắn đã bung nở
trong không khí mà luồng gió ấy mang lại.
Hãy khoan nói đến những ảnh hưởng có tính cụ thể kiểu như là
internet và điện thoại di động, mặc dù dấu ấn của chúng trong gương mặt
truyện cực ngắn đương đại là điều hết sức rõ ràng. Mạng internet, các diễn
đàn và blog… là không gian đầy tính dân chủ và sáng tạo cho thể loại này,
nơi bạn có thể trở thành tác giả, thành độc giả, thành người bình luận bất
chấp không gian, thời gian hay quốc tịch, tuổi tác và học vấn… (phải chăng
đây là một trong những lí do khiến cho số lượng tác giả “không chuyên” của
thể loại này cao hơn nhiều so với các thể loại khác?). Tại Trung Quốc còn
lưu hành rộng rãi loại truyện cực ngắn dưới 200 chữ chuyên dành cho điện
thoại di động. Đây có lẽ là hình thức truyền bá văn học nhanh gọn và đơn
giản nhất từ trước tới nay. Đặt truyện cực ngắn và internet cạnh nhau, chúng
ta dễ dàng nhận thấy điểm chung trước hết giữa chúng: coi tính tốc độ như
một tiêu chí cần đạt tới. Một phần vì lý do này mà truyện cực ngắn trở thành
thể loại đặc biệt thích hợp để đọc trên mạng. Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ cho
ta thấy thể loại này có mối quan hệ đặc biệt như thế nào với các công nghệ
thông tin và truyền thông như một yếu tố của quá trình toàn cầu hoá. Nhưng
mặt khác, từ các ví dụ đó, ta cũng có thể thấy ngay rằng nếu dừng lại ở đây
thì mối quan hệ giữa toàn cầu hoá và truyện cực ngắn chỉ nằm ở “bề nổi”, và
thực tế thì những gì truyện cực ngắn thể nghiệm dựa trên internet hay điện
thoại di động còn phải trải qua một quá trình kiểm chứng lâu dài.
Vậy rút cuộc, luồng gió mang tên toàn cầu hoá đã mang lại điều gì
đáng kể cho truyện cực ngắn Việt Nam và Trung Quốc?
Truyện cực ngắn đã kế thừa được một di sản vô cùng quý giá từ nền
văn học quá khứ của cả hai quốc gia, từ những ngụ ngôn thời cổ đại đến các
thể loại khác thời trung đại và hiện đại. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nếu
chỉ đi lên từ những thể loại “tiền đề” như vậy thì chưa chắc truyện cực ngắn
có thể phát triển thành một thể loại độc lập và đầy sức sống như bây giờ.
Chính quá trình mở rộng cửa tiếp xúc với văn hoá thế giới đã đem đến cho
con người đương đại ở cả Việt Nam và Trung Quốc những cảm nhận chung
về một “thế giới trong tầm tay”, một “thế giới thu hẹp lại”, nhưng cũng đồng
thời là một thế giới mà số phận và nỗi cô đơn của mỗi cá nhân đòi hỏi được
nhìn nhận và sẻ chia hơn bao giờ hết bởi nó không còn nằm trong khuôn khổ
một dân tộc, một thời kì nhất định nào nữa. Xưa kia những thăng trầm trong
cuộc đời một con người cùng lắm chỉ có liên quan trực tiếp với vận mệnh của
một dân tộc, một thời kỳ lịch sử. Còn ngày nay thì sao? Một sự kiện 11/9 có
thể ngay lập tức gây chấn động tâm lý của con người toàn thế giới, và rất lâu
sau đó vẫn có thể khiến người ta cảm thấy cái nhu cầu phải xem xét lại
những giá trị thuộc về ý thức hệ mà lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng.
Từ một góc độ nào đó, có thể nói rằng toàn cầu hoá là khi cuộc chiến
chống khủng bố, cuộc chiến dầu lửa, cuộc chiến chiếm thị phần và cuộc
chiến ý thức hệ bỗng nhiên hiện ra như bốn gương mặt không thể tách rời
của thần Brahma trong văn hoá Ấn Độ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc
không một quốc gia nào, thậm chí không một cá nhân nào có thể hoàn toàn
đứng ngoài cuộc. Do vậy, một xu hướng của truyện cực ngắn đương đại cả
hai nước là “nhạt hoá” hay thậm chí làm biến mất những yếu tố trước đây
vẫn được coi là quan trọng trong truyện như bối cảnh thời đại, chính trị, xã
hội… khiến cho người đọc không thể đoán biết được đây là câu chuyện của
thời kì nào, xã hội nào. Thay vào đó, tác giả tăng cường sử dụng các chi tiết,
hình ảnh mang tính ngụ ý, tượng trưng, có thể gợi mở nhiều cách hiểu khác
nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Lẽ dĩ nhiên, toàn cầu hoá là một xu hướng đang vận động. Con người
trên toàn thế giới vẫn đang từng ngày tìm kiếm một hướng đi thích hợp nhất
cho quá trình toàn cầu hoá. Bên cạnh những lợi ích của toàn cầu hoá, người
ta cũng ngày càng chú ý hơn đến những mặt trái của nó. Đối với những quốc
gia đang phát triển như Việt Nam và Trung Quốc, toàn cầu hoá càng cần
được nhìn nhận như một con dao hai lưỡi, nhất là về mặt khẳng định văn hoá
dân tộc bằng cách vừa giữ gìn vừa đổi mới nó. Là một bộ phận của văn hoá
đương đại, truyện cực ngắn chắc chắn cũng phải đối mặt với vấn đề này.
Tầm quan trọng của toàn cầu hoá đối với truyện cực ngắn Việt Nam và
Trung Quốc còn hiện ra rõ nét hơn khi chúng ta đặt thể loại này vào giai
đoạn văn học đã sản sinh ra nó (văn học đương đại). Đó là văn học từ 1975
đến nay với Việt Nam và văn học từ 1976 đến nay với Trung Quốc. Mặc dù
chặng đường phát triển không giống nhau nhưng theo quan sát của chúng tôi
giai đoạn văn học này ở cả hai nước có rất nhiều điểm tương đồng có liên
quan đến sự ra đời và phát triển của truyện cực ngắn. Thứ nhất là sự lên ngôi
của các thể loại tự sự, chính trong quá trình đó truyện cực ngắn đã dần tách
ra khỏi truyện ngắn, chứng minh tính độc lập của mình thông qua những đặc