Thiếu thước đo xử lý vi phạm trong
lĩnh vực kiểm toán
Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề
Việt Nam (VACPA)
Mặc dù là định chế trung gian giúp NĐT có cái nhìn trung
thực về báo cáo tài chính của DN niêm yết, tổ chức phát
hành, CTCK…, nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về
xử phạt các hành vi vi phạm đối với các công ty kiểm toán
(CTKT). Đây là lý do khiến đây đó vẫn xảy ra những trường
hợp sai sót liên quan đến kiểm toán DN niêm yết. ĐTCK đã
có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm
toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) xung quanh vấn đề
này.
Hoạt động kiểm toán độc lập có ảnh hưởng lớn đến quyết
định của nhiều nhà đầu tư. Vì sao đến nay vẫn chưa có chế
tài nào đối với hoạt động của họ, thưa ông?
Nói chưa có chế tài là chưa đúng. Nghị định 105/2004/NĐ-CP đã
có quy định các mức xử phạt như: chấm dứt hợp đồng kiểm toán
đã ký năm đó; nếu hợp đồng đã kết thúc thì sẽ không được tiếp
tục ký vào năm sau; khấu trừ tiền phí đã thỏa thuận trong hợp
đồng; phạt tiền cao nhất gấp 10 lần giá phí kiểm toán trong hợp
đồng nếu xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy
định cụ thể hành vi nào là sai phạm, sai phạm ở mức nào thì bị
xử lý ra sao. Vì thế, cơ quan quản lý cũng khó có thể xử phạt các
CTKT và kiểm toán viên khi có sai phạm xảy ra.
VACPA ứng xử như thế nào khi các hội viên của mình có sai
phạm?
Chúng tôi là tổ chức hội nghề nghiệp nên không thể phạt tiền hay
rút chứng chỉ, mà chỉ có thể phê bình, khiển trách, cảnh cáo, khai
trừ kiểm toán viên là hội viên khỏi Hội nếu vi phạm. Ngoài ra là
công khai các trường hợp vi phạm trên website của Hiệp hội như
một hình thức cảnh báo cho các DN và kiểm toán viên khác.
Nếu phát hiện các sai phạm ngoài quyền hạn xử lý của Hội thì
VACPA sẽ chuyển sang Bộ Tài chính và đề nghị xử lý. Tuy nhiên,
để làm được việc này cũng cần có những quy định cụ thể. Tới
đây, sau khi Luật Kiểm toán độc lập được ban hành, Chính phủ
sẽ có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm
toán. Khi có các văn bản này, vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán sẽ
được xử lý nghiêm và đủ sức răn đe.
Liên quan đến chất lượng kiểm toán, năm 2009, có 3 trong số
4 CTKT thuộc hàng Big Four đã bị lỗ, mà một trong nhiều
nguyên nhân được cho là hạ phí để mở rộng thị phần kiểm
toán khối DN niêm yết. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế
nào?
Hiện nay, có 4 CTKT 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt
Nam đều đủ điều kiện kiểm toán các DN niêm yết. Sau vụ việc
như Bông Bạch Tuyết năm 2008, các CTKT nước ngoài ngại
kiểm toán DN niêm yết vì phí không cao, nhiều rủi ro và chịu sự
giám sát chặt chẽ của xã hội, của nhiều NĐT… Mặt khác, các DN
niêm yết thường có nhiều công ty con nên quá trình tổng hợp
hoặc hợp nhất báo cáo tài chính gặp nhiều khó khăn, mất thời
gian nên CTKT nước ngoài và cả một số công ty Việt Nam cũng
không hứng thú khi kiểm toán DN niêm yết.
Gần đây, do sự cạnh tranh trên thị trường, trong khi điều kiện
kiểm toán DN niêm yết đã rõ ràng hơn, qua một số vụ việc liên
quan đến kiểm toán DN niêm yết đã được đúc rút kinh nghiệm,
nên các CTKT nước ngoài đã tập trung hơn vào mảng thị trường
này. Mặt khác, với quy định các DN niêm yết phải đăng toàn văn
báo cáo kiểm toán và ý kiến của CTKT trên phương tiện thông tin
đại chúng cũng là một cách quảng bá tên tuổi và hình ảnh DN,
nên cũng khuyến khích CTKT tham gia kiểm toán DN niêm yết.
Tình trạng cạnh tranh dẫn đến hiện tượng hạ phí là có thật và
không chỉ diễn ra giữa các DN nhỏ mới ra đời, mà ở cả các công
ty lớn trong và ngoài nước. Năm 2009, có 3 CTKT quốc tế bị lỗ
96 tỷ đồng. Các DN cho rằng, việc giảm phí là do chiến lược kinh
doanh và vẫn đảm bảo đầy đủ quy trình các bước kiểm toán. Tuy
nhiên, theo cá nhân tôi thì phí kiểm toán giảm trong bối cảnh mọi
chi phí đều tăng, đồng tiền giảm giá thì khó lòng đảm bảo kiểm
toán giữ được chất lượng.
VACPA đã rất nhiều lần cảnh báo về việc giảm giá phí sẽ làm ảnh
hưởng đến chất lượng kiểm toán và có nguy cơ làm cho ngành
chậm phát triển và tiềm ẩn rủi ro cho bản thân chính DN kiểm
toán.
Các DN niêm yết đã và đang thực hiện soát xét báo cáo tài
chính bán niên. Theo ông, đã bộc lộ ra vấn đề gì khi đây là
lần đầu tiên tất cả các DN niêm yết thực hiện việc này?
Hiệu quả dễ nhận thấy nhất của việc thực hiện soát xét bán niên
là báo cáo tài chính năm 2010 sẽ được công bố nhanh hơn các
năm trước. Nội dung báo cáo tài chính bán niên được rà soát bởi
các kiểm toán viên, nên cũng yên tâm hơn nhiều khi công bố.
Để việc soát xét đi vào thực chất, mang lại hiệu quả cao hơn, tôi
cho rằng, các DN niêm yết cần có sự thay đổi. Chẳng hạn, niên
độ tài chính không nhất thiết kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm,
mà có thể kết thúc vào cuối quý I, quý II, quý III. Như vậy, không
chỉ các CTCK, CTKT và UBCK, mà bản thân ngành thuế cũng sẽ
giảm áp lực công việc và sẽ đỡ sai sót.
Về phía CTKT, nên đàm phán ký hợp đồng sớm với khách hàng
và ký liên tục trong 2 – 3 năm để có thể chủ động kế hoạch, thời
gian thực hiện kiểm toán. Mặt khác, việc kiểm toán liên tục một
DN có thể giúp kiểm toán viên theo dõi, xử lý dứt điểm những vấn
đề tồn đọng của DN đó.