Doanh nhân và kỹ năng kiểm soát
cảm xúc
Diễn giả Quách Tuấn Khanh trong một lần diễn thuyết trước các
doanh nhân.
Những lý giải thú vị về vai trò của cảm xúc trong việc ra
quyết định của doanh nhân
Vì sao một doanh nghiệp Việt nào đó bỗng nhiên muốn trở
thành tập đoàn, một nhà đầu tư đầy kinh nghiệm có khi cũng
trắng tay vì chứng khoán, hay một nhân viên bị đuổi việc vô
cớ ?
Đó là những câu hỏi tưởng chừng không hề có mối liên hệ đến
nhau, song theo diễn giả Quách Tuấn Khanh, tổng giám đốc một
doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện
doanh nghiệp và phát triển con người , thì những điều trên dù có
diễn biến khác nhau, kết quả khác nhau, song có thể có một điểm
chung, đó là cảm xúc.
Trong cuộc trò chuyện với VnEconomy về ảnh hưởng của cảm
xúc tới kinh doanh và đời sống doanh nhân, ông Khanh nói:
- Cảm xúc có 4 loại chính là lo lắng, sợ hãi, vui vẻ và hạnh phúc.
Nó là một phần trong đời sống của mọi con người, và do vậy
doanh nhân cũng không phải là ngoại lê. Đó là thứ chúng ta rất
khó kiểm soát, bởi đa phần những phản ứng của con người liên
quan đến cảm xúc đều được cài đặt từ trước dựa trên những
hành vi, thói quen được tích lũy từ bé.
Cảm xúc nó cũng gắn liền với cách chúng ta nghĩ về một sự việc,
sự vật theo một nếp đã được hằn định từ lâu. Do đó, con người
thường là phản ứng với cảm xúc, chứ chúng ta không làm chủ
cảm xúc được.
Nhiều doanh nhân hiện rất chú ý đến việc kiểm soát cảm xúc, khi
mà áp lực trong đời sống kinh doanh ngày càng tăng: những lời
hứa phải thực hiện, mục tiêu theo đuổi, thời gian nghỉ ngơi ít ,
khiến cho doanh nhân thời nay dễ bị cảm xúc tiêu cực tấn công.
Trong cuộc sống, năng lực cảm xúc là một thứ ai cũng có nhưng
không phải ai cũng giống nhau, có người tốt, người kém. Nếu rèn
luyện tốt thì người đó sẽ có năng lực cảm xúc tốt. Những người
làm lãnh đạo phải có năng lực cảm xúc tốt, vì cảm xúc có thể khả
năng chi phối hành động rất lớn. Nếu không học được cách làm
chủ cảm xúc, bạn sẽ đối mặt nhiều hơn với thất bại.
Vậy theo ông, giữa cảm xúc và lý trí thì cái nào điều khiển cái
nào?
Mọi thứ đều được bắt nguồn từ suy nghĩ trong đầu con người.
Tuy nhiên, có những suy nghĩ mà chúng ta dùng lý trí bình
thường để hiểu và suy luận những thứ bạn tiếp nhận vấn đề,
chẳng hạn như khi chúng ta đi học, nghe giảng
Cảm xúc cũng đến từ suy nghĩ, nhưng không phải đến từ lý trí mà
đến từ thói quen đã được "cài đặt". Chẳng hạn, khi có một ai ném
vật gì vào bạn thì bạn sẽ có phản ứng né tránh ngay và nó được
đến từ suy nghĩ, tức là hình dung ra vật đó hình thù như thế nào,
nó sẽ gây đau nếu không tránh
Cơ chế làm việc của não người là luôn luôn bảo vệ bạn tránh
khỏi những nguy hiểm và những suy nghĩ đó diễn ra vô cùng
nhanh. Nên hàng loạt suy nghĩ đó không đến từ lý trí mà đến từ
những nối kết thần kinh đã được cài đặt sẵn trong bạn trong suốt
quá trình sống.
Do đó, cũng giống như bạn tránh vật từ người khác ném, khi bạn
bị người khác xúc phạm thì ngay lập tức bạn phản ứng lại người
đó, có thể là phản ứng tiêu cực mà không cần suy nghĩ nhiều
và lý trí cũng không có cơ hội làm việc.
Tuy nhiên, nếu bạn rèn luyện, những suy nghĩ bằng lý trí sẽ có cơ
hội "ra tay" trước cảm xúc, giúp bạn kiềm chế bản thân và có
những phản ứng đúng đắn
Ông có thể nói kỹ hơn về kỹ năng kiểm soát cảm xúc, đặc biệt với
doanh nhân?
Với một con người thì những nối kết thần kinh sẽ tạo nên các
phản ứng của người đó ở trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong kinh
doanh. Là một doanh nhân, cách nghĩ của bạn sẽ không giống
như một người làm công ăn lương nữa. Nghĩa là bạn phải thay
đổi những nối kết thần kinh đã cài đặt trong một người bình
thường và biến nó thành một thói quen.
Khi ra quyết định thì sẽ có nhiều phương pháp khi ra quyết định.
Chẳng hạn như cần phải nhìn nhận các tình huống, đưa ra các
giải pháp rồi phải cân đong đo đếm về hiệu quả của quyết định
đó. Đó là cách ra quyết định bài bản. Dĩ nhiên, cũng có những
quyết định buộc bạn phải phản ứng càng nhanh càng tốt, có khi
không kịp đọc kỹ bài toán để giải, và lúc đó cảm xúc sẽ làm chủ
bạn.
Điều đáng tiếc là vẫn còn nhiều doanh nhân chưa có thói quen cố
gắng dùng lý trí để giải quyết vấn đề, mà đa phần là ra quyết định
dựa trên cảm tính, và hầu hết họ đều cho là mình đúng.
Nhưng thực tế, chỉ những người nào đã nuôi dưỡng được những
nối kết thần kinh phù hợp với doanh nhân và có trực giác kinh
doanh thì mới thành công, còn ngược lại phần đa là sai lầm.
Chẳng hạn, một nhà đầu tư nào đó, khi chọn cổ phiếu nào rồi, đôi
khi có xu hướng yêu thích cổ phiếu đó. Nếu nó đã từng mang lại
lợi nhuận trước đây, thì nhà đầu tư này lại càng có cảm tình.
Và khi thị trường có sự đảo chiều giảm điểm, giá cổ phiếu giảm
thì nhà đầu tư này vẫn không chịu bán mà vẫn nuôi dưỡng niềm
tin rằng nó sẽ tăng giá trở lại. Cho đến khi giá cổ phiếu chạm đáy
thì anh ta mới nhận ra là mình đã mất tiền.
Điều này phần nào nói lên rằng, những người thành công là
những người làm chủ được cảm xúc của mình. Khi người ta yêu
cầu bạn suy nghĩ khách quan, ra quyết định một cách khách quan
tức là yêu cầu bạn tách cảm xúc ra khỏi quyết định đó, nhưng
thực tế không nhiều người làm được điều này.
Mọi quyết định đều có hai phần tham gia, bao gồm lý trí và cảm
xúc. Do vậy, các chuyên gia vẫn khuyên các doanh nhân nên sử
dụng các công cụ lý tính trong quá trình ra quyết định.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tâm sự với tôi rằng, họ chọn thư ký
dựa trên năng lực, song thực tế thì họ vẫn bị yếu tố nhan sắc của
người đó tác động. Và rốt cục nếu năng lực của hai người tương
đương nhau thì chắc chắn họ sẽ chọn cô nào có ngoại hình ưa
nhìn hơn. Đó chính là khi họ bị cảm xúc chi phối.
Theo ông, nếu một doanh nhân có kinh nghiệm, kiến thức nhưng
năng lực cảm xúc kém thì liệu có thành công?
Để trở thành một nhà quản lý giỏi thì phải có kiến thức chuyên
môn, kiến thức quản lý con người, công việc. Chúng ta sẽ không
bao giờ quản lý được con người nếu không có năng lực cảm xúc,
vì bạn sẽ không thể hiểu được nhân viên, không đồng cảm,
không khích lệ và hơn hết là không thể làm chủ được chính mình
để tạo ra sức nhẫn nại chịu đựng trong quá trình lãnh đạo doanh
nghiệp.
Có một tổng kết rằng, khi bạn làm công việc quản lý thì kiến thức
chuyên môn chỉ góp 10-20%, còn yếu tố quyết định là khả năng
làm cho cấp dưới đảm nhiệm công việc chuyên môn tốt, thông
qua khả năng kết nối nhân viên và tạo ra cho họ cảm hứng làm
việc.
Ngày xưa, một danh tướng rất giỏi trên trận mạc có khi lại hoàn
toàn bại trận trước mỹ nhân. Còn ngày nay, rất nhiều nhân viên
giỏi bỗng nhiên bị đuổi việc chỉ vì lời đề nghị của cô thư ký với
sếp.
Tôi có thể lấy thêm một ví dụ nữa. Bằng lý trí thông thường, ai
cũng biết rằng trong một gia đình thì sinh một đứa con sẽ dễ nuôi
hơn là sinh 10 đứa, nếu như điều kiện và nguồn lực tài chính cố
định.
Thế nhưng, nhiều doanh nhân mà tôi biết lại muốn “đẻ” ra hàng
loạt công ty con với nhiều ngành nghề để được người ta gọi là
“tập đoàn”, trong khi nguồn lực vẫn vậy. Đây là một quyết định
đến từ cảm xúc, mà cụ thể là do háo danh. Họ muốn nhanh
chóng được trở thành tập đoàn dù nguồn vốn và nhân lực không
phải là lớn.