GIẢI MẬT TÀI LIỆU KHO LƯU TRỮ TRUNG ƯƠNG
NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỤC VỤ KHAI THÁC,
SỬ DỤNG TÀI LIỆU LƯU TRỮ CỦA ĐẢNG
Nguyễn Văn Lanh, Cục trưởng
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng
1. Sự cần thiết phải giải mật tài liệu
Quá trình hoạt động của Đảng từ khi ra đời đến nay đã đã hình thành
khối lượng lớn tài liệu lưu trữ, trong đó có nhiều tài liệu có nội dung mật với
các cấp độ khác nhau. Tài liệu lưu trữ của Đảng nói chung và tài liệu lưu trữ
mật của Đảng nói riêng chứa đựng những thông tin vô cùng quý giá về lịch sử
Đảng, về quan điểm, đường lối, chủ trương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
đối với cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an
ninh, quốc phòng, đối ngoại, kinh tế… Thực tiễn đã chứng minh, trong quá
trình lãnh đạo, chỉ đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng và
thường xuyên khai thác, sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ.
Tuy nhiên, việc sử dụng tài liệu lưu trữ trong thời gian qua còn có mặt
hạn chế, nhiều thông tin có giá trị, nhất là những thông tin trong tài liệu lưu
trữ mật chưa được khai thác kịp thời, nguyên nhân chủ yếu là do tài liệu chưa
được giải mật. Giải mật tài liệu lưu trữ nói chung và tài liệu lưu trữ của Đảng
nói riêng đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với toàn xã hội, đặc biệt đối với
những nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, lưu trữ, bởi vì:
- Không tiến hành giải mật thì không những không khai thác, sử dụng
đầy đủ, kịp thời thông tin có giá trị trong tài liệu mà còn gây nên tình trạng
tồn đọng quá nhiều tài liệu được đóng dấu mật nhưng nội dung không còn
mật hoặc đã giảm mật trong kho lưu trữ, gây khó khăn cho việc quản lý tài
liệu mật đích thực.
- Nhiều thông tin trong các tài liệu lưu trữ đã đóng dấu mật thường liên
quan đến các sự kiện, vụ việc, nhân vật rất được nhiều người quan tâm. Nếu
các thông tin chính thức không được đáp ứng sẽ có những thông tin không
chính thức (thường là xuyên tạc) lấp chỗ trống đó.
- Trong bối cảnh của xu thế hội nhập, toàn cầu hoá; sự bùng nổ thông
tin và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin…; của xu thế mở
rộng dân chủ của xã hội, đòi hỏi Đảng phải chủ động thông tin, tuyên truyền
về đường lối, chủ trương của mình. Nếu công tác giải mật tài liệu không thực
hiện tốt sẽ làm cho nhân dân không hiểu đầy đủ về Đảng qua những kênh
thông tin chính thức, và như vậy còn làm cản trở quá trình đưa chủ trương,
chính sách, đường lối của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
2. Tình hình khối tài liệu cần được tiến hành giải mật tại Kho lưu
trữ TW Đảng
2.1. Thực trạng công tác giải mật tài liệu tại Kho Lưu trữ TW Đảng
Kho lưu trữ Trung ương Đảng hiện đang bảo quản những thành phần
tài liệu quan trọng nhất của Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm :
Toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ
quan, tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức tiền thân của Đảng, tổ
chức chính trị - xã hội, tài liệu về thân thế, sự nghiệp và hoạt động của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, của các nhân vật lịch sử, tiêu biểu của Đảng, các nhân vật
lịch sử tiêu biểu của Đảng đồng thời là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Nhà
nước, của các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện trong Kho lưu trữ Trung ương
Đảng đang bảo quản hơn 100 Phông tài liệu và sưu tập lưu trữ với khoảng
5.000 mét giá tài liệu.
Trong đó, tài liệu mật tập trung chủ yếu ở những khối tài liệu như: tài
liệu các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; tài liệu của Ban Chấp hành
Trung ương, các Xứ uỷ, Khu uỷ; các ban đảng và đảng uỷ trực thuộc Trung
ương; tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt
của Đảng. Tỷ lệ tài liệu đóng dấu mật chiếm khoảng từ 8 - 12% tổng số tài liệu
trong kho.
Ngoài thành phần tài liệu mật có ở hầu hết các khối, trong Kho lưu trữ
Trung ương Đảng còn có một bộ phận tài liệu được quản lý và bảo quản theo chế
độ “lưu mật”. Đối với nhóm tài liệu này, việc quản lý, bảo quản và phục vụ khai
thác được thực hiện theo quy chế riêng. Trong số đó, có nhiều tài liệu tuy không
đóng dấu mật nhưng vẫn được lưu mật (thậm chí lưu theo chế độ lưu nguyên bì,
chỉ có những đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm mới được tiếp cận).
Về nội dung, trong số những tài liệu đã được xác định độ mật, có loại
toàn bộ hồ sơ hoặc toàn bộ tài liệu là mật, có loại chỉ có một phần, thậm chí
chỉ có một đoạn, một câu trong đó có thông tin rất mật.
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp
luật và quy định, như: Sắc lệnh số 69-SL do Hồ Chủ Tịch ký ban hành ngày
10-12-1952; Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước do Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 28-12-2000;
Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia do Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 4-
4-2001. Do yêu cầu nghiên cứu và sử dụng tài liệu lưu trữ, Ban Bí thư Trung
ương Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành một số văn bản quy
định về chế độ khai thác, sử dụng tài liệu liệu lưu trữ của Đảng, như: Quyết
định số 20- QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 23-9-1987 Về Phông lưu trữ Đảng
cộng sản Việt Nam; Quyết định số 22- QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 01-10-
1987 Về công tác văn kiện và quản lý văn kiện của Ban chấp hành Trung
ương Đảng. Trong các quyết định của Ban Bí thư đều quy định việc công bố,
trưng bày tài liệu của Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo đó, Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan được Ban Bí thư
giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý và phục vụ khai thác tài liệu lưu trữ của Trung
ương Đảng, đã ban hành một số quy định về bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà
nước ở Văn phòng Trung ương; về chế độ quản lý, bảo quản và phục vụ khai
thác tài liệu lưu trữ nói chung và tài liệu lưu trữ mật nói riêng. Các văn bản đó
là: Quyết định số 18- QĐ/VPTW ngày 6- 02- 1998 ban hành Quy định về bảo
vệ bí mật của Đảng và Nhà nước ở Văn phòng Trung ương; Quy định số 444-
QĐ/VPTW ngày 01-12-1999 về lập hồ sơ, nộp lưu, quản lý và phục vụ khai
thác tài liệu lưu trữ hiện hành; Quy định số 661- QĐ/VPTW ngày 25-9-2000
về sử dụng và phục vụ khai thác tài liệu Kho lưu trữ Trung ương Đảng. Riêng
về tài liệu mật, Văn phòng Trung ương đã ban hành Quy định số 664-
QĐ/VPTW ngày 01-12-2000 quy định việc quản lý, bảo quản và phục vụ khai
thác đối với tài liệu lưu trữ được lưu mật ở Văn phòng Trung ương…
Nhìn chung những tài liệu đã được xác định độ mật đều có nội dung
cần bảo mật, đặc biệt là nhóm tài liệu có độ tối mật, tuyệt mật, vì vậy có thể
khẳng định việc xác định độ mật cho tài liệu cơ bản là chính xác. Song vì độ
mật của tài liệu được xác định từ văn thư, trong đó có nhiều tài liệu có độ mật
hiện hành lẽ ra đã được giải mật trước khi nộp vào lưu trữ, nhưng vẫn nộp lưu
nguyên trạng. Tài liệu mật trong kho ngày càng bổ sung, việc giải mật chỉ
được thực hiện đột xuất theo yêu cầu, cụ thể:
- Năm 2000, Cục Lưu trữ đã đề xuất với lãnh đạo Văn phòng Trung
ương Đảng thành lập Hội đồng giải mật để tiến hành giải mật những hồ sơ, tài
liệu được quản lý theo chế độ mật (lưu nguyên bì) gồm 1.257 tài liệu. Đây là
nhóm tài liệu mật được lựa chọn trong trong quá trình chỉnh lý để bảo quản
theo chế độ quản lý tài liệu mật. Những tài liệu được giải mật trong đợt này
không tập trung vào một phông mà nằm rải rác ở các phông khác nhau trong
Kho. Thời gian của khối tài liệu được giải mật cũng không đồng nhất (thời
gian sớm nhất của tài liệu là năm 1948, thời gian muộn nhất của tài liệu là
năm 1991). Kết quả, sau khi xem xét nội dung từng hồ sơ và từng tài liệu, đã
giải mật 1.094 tài liệu, đồng thời tiếp tục lưu mật 163 tài liệu.
- Phục vụ cho công tác xuất bản văn kiện Đảng, Hội đồng xuất bản Văn
kiện Đảng đã duyệt và cho công bố Bộ toàn tập văn kiện Đảng có thời gian từ
năm 1925 đến năm 1995. Thông qua đó, Hội đồng xuất bản văn kiện Đảng đã
tiến hành giải mật đến từng tài liệu. Hàng trăm tài liệu văn kiện có độ mật từ
mật đến tối mật (cá biệt, có tài liệu tuyệt mật) đã được giải mật.
Việc công bố, giới thiệu, trưng bày và xuất bản văn kiện dù đã góp
phần giải phóng một bộ phận tài liệu mật do yêu cầu của thực tiễn đặt ra và
nhằm giải quyết nhiệm vụ trước mắt, nhưng chưa phải là công tác giải mật tài
liệu chuyên nghiệp. Giải mật tài liệu lưu trữ đòi hỏi phải được tiến hành một
cách khoa học, được quy định chặt chẽ, có quy trình và có tổ chức. Giải mật
tài liệu lưu trữ của Đảng càng đòi hỏi phải công phu và khoa học hơn nữa.
Sở dĩ, công tác giải mật tài liệu vẫn chưa được tiến hành quy mô, đồng
bộ là do nhận thức chung chưa đầy đủ về tầm quan trọng của thông tin tài liệu
lưu trữ, đặc biệt là thông tin tài liệu lưu trữ mật; các văn bản đã ban hành
thiếu cụ thể và chưa có văn bản quy định riêng về giải mật tài liệu.
2.2. Công tác phục vụ khai thác, sử dụng tài liệu mật tại kho lưu trữ
Hàng năm Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tiếp nhận và phục
vụ hàng trăm yêu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu. Đối tượng nghiên cứu, sử
dụng tài liệu Kho lưu trữ Trung ương Đảng rất phong phú, đa dạng, bao gồm
các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, cấp uỷ đảng các địa phương, các cơ
quan, tổ chức của Đảng và các cơ quan nghiên cứu khoa học, cán bộ đảng
viên. Theo số liệu khảo sát tình hình khai thác tài liệu tại Cục Lưu trữ Văn
phòng Trung ương Đảng trong 16 năm (từ năm 1990 đến năm 2006), có hơn
5.000 yêu cầu với gần 90.000 hồ sơ, tài liệu, trong đó có một phần nhỏ tài liệu
mật được đưa ra nghiên cứu, sử dụng. Các yêu cầu khai thác tài liệu mật trong
những năm gần đây có xu hướng tăng lên
Tài liệu lưu trữ mật đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng
trong lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung
ương, hàng trăm yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan tham
mưu, giúp việc cho Trung ương khai thác tài liệu về các lĩnh vực, giúp Trung
ương chủ động, tập trung xử lý những vấn đề lớn trong từng thời điểm cụ thể.
Trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ, nhiều tài liệu về chủ trương, quyết sách lớn,
nhất là trong việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng, nhân sự Quốc hội của nhiều
khoá đã được nghiên cứu, giúp cho công tác chuẩn bị được chu đáo, chính
xác. Tài liệu lưu trữ cũng đã góp phần quan trọng trong công tác tư tưởng,
củng cố đoàn kết nội bộ.
Bên cạnh đó, qua quá trình phục vụ khai thác và sử dụng tài liệu tại
Kho Lưu trữ TW Đảng (trong đó có công tác phục vụ khai thác sử dụng tài
liệu mật), chúng tôi còn gặp một số khó khăn sau:
Một là: Thông tin trong tài liệu lưu trữ của Đảng rất phong phú nhưng
chưa được mở rộng khai thác bởi vì tài liệu chưa được giải mật. Mỗi khi có
yêu cầu khai thác tài liệu có dấu chỉ mức độ mật, dù thực chất nội dung không
mật hoặc ít mật nhưng theo quy định vẫn phải trình cấp có thẩm quyền duyệt.
Hai là: Các quy định của Trung ương và Văn phòng Trung ương chưa
đồng bộ, chưa quy định về giải mật tài liệu lưu trữ.
3. Phương hướng và giải pháp giải mật tài liệu tại Kho Lưu trữ TW
Đảng trong thời gian tới.
3.1. Nguyên tắc giải mật tài liệu
Như đã phân tích ở trên, công tác giải mật tài liệu đã trở thành một yêu
cầu bức thiết của Kho Lưu trữ Trung ương Đảng. Song, giải mật tài liệu nói
chung và giải mật tài liệu lưu trữ của Đảng nói riêng đòi hỏi phải được tiến
hành theo những nguyên tắc, tiêu chuẩn chặt chẽ, khoa học. Nguyên tắc giải
mật tài liệu lưu trữ của Đảng phải dựa trên quan điểm của Đảng, Nhà nước về
bảo vệ bí mật Nhà nước, về quản lý, khai thác tài liệu lưu trữ của Đảng, đó là:
- Tài liệu lưu trữ quốc gia, trong đó có tài liệu lưu trữ của Đảng là di
sản văn hoá vô cùng quý giá của Đảng và của dân tộc. Tài liệu lưu trữ thuộc
bí mật quốc gia.
- Tài liệu lưu trữ nói chung và tài liệu lưu trữ của Đảng nói riêng cần
được bảo mật an toàn, thực hiện đúng chế độ giữ gìn bí mật của Đảng và Nhà
nước, đồng thời phải được khai thác, sử dụng triệt để giá trị thông tin phục vụ
lợi ích to lớn của dân tộc.
* Giải mật tài liệu lưu trữ của Đảng phải tuân thủ các nguyên tắc sau
(1) Cần phải đặt nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và
bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng lên trên hết. Đây là nguyên tắc
cơ bản nhất, có tính định hướng trong khi xem xét để giải mật tài liệu lưu trữ.
(2) Nguyên tắc của sự “lão hoá” thông tin: Thông tin trong tài liệu có
tính thời gian và cùng với thời gian, thông tin sẽ mất dần tính thời sự hoặc
tính mật, nói cách khác là bị “lão hoá” - đó là quy luật tất yếu khách quan.
Dựa trên nguyên tắc này, có thể căn cứ vào thời gian hình thành tài liệu để
xem xét giải mật hoặc cho phép sử dụng rộng rãi tài liệu.
(3) Nguyên tắc “Đáp ứng yêu cầu thông tin tài liệu lưu trữ”
Đối tượng nghiên cứu tài liệu lưu trữ Đảng chủ yếu là cán bộ, đảng
viên thuộc các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học
lịch sử, lý luận với mục đích phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và tổng
kết, biên soạn lịch sử. Càng tạo điều kiện để độc giả tiếp cận đầy đủ hơn với
tài liệu, hạn chế đến mức thấp nhất khoảng trống về lịch sử Đảng do tính mật
của tài liệu tạo nên thì sự thật lịch sử sẽ trở nên khách quan, đầy đủ hơn, qua
đó làm tốt hơn công tác tư tưởng, tránh sự xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử
do các thế lực thù địch gây nên. Bên cạnh đó, càng mở rộng việc tiếp xúc với
tài liệu lưu trữ của Đảng, càng có cơ hội để tuyên truyền và giáo dục về
truyền thống của Đảng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống để
Đảng gần dân, tạo thêm sự gắn bó giữa Đảng với dân.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ
thông tin trong điều kiện hội nhập quốc tế, đòi hỏi Đảng phải chủ động thông
tin cho bạn bè thế giới về đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, về quan
hệ đa phương hoá, đa dạng hoá để hợp tác và cùng phát triển; phải chủ động
đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chống lại những quan điểm sai trái, tư tưởng
phản động xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng. Giải mật tài liệu lưu trữ
của Đảng, chính là một trong những điều kiện để góp phần đáp ứng các yêu
cầu đó của thực tiễn khách quan.
3.2. Phương pháp giải mật tài liệu
Phương pháp tiến hành giải mật chủ yếu là vận dụng hệ thống các quan
điểm, nguyên tắc, tiêu chuẩn để nghiên cứu, đánh giá nội dung và kết luận về
khả năng giải mật (toàn bộ hay một phần) hoặc không giải mật tài liệu (hồ sơ)
vì lý do gì. Đây là công việc đòi hỏi người làm công tác giải mật tài liệu phải
có kiến thức tổng hợp, có kinh nghiệm về công tác lưu trữ, am hiểu lịch sử
Đảng, đặc biệt phải có sự nhạy cảm về chính trị, đồng thời phải hết sức thận
trọng, tỉ mỉ.
3.3. Một số kiến nghị về công tác giải mật tài liệu Kho lưu trữ TW Đảng
Để thực hiện tốt công tác giải mật tài liệu Kho lưu trữ Trung ương
Đảng, cần triển khai những công việc sau:
- Ban Bí thư sớm ban hành quy định về giải mật tài liệu lưu trữ của
Đảng, trước hết là giải mật tài liệu Kho lưu trữ Trung ương và tài liệu thuộc
nguồn nộp lưu vào Kho.
- Văn phòng Trung ương Đảng, trực tiếp là Cục lưu trữ giúp lãnh đạo
Văn phòng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của Ban Bí thư
về giải mật tài liệu, đồng thời xây dựng kế hoạch giải mật tài liệu lưu trữ Kho
lưu trữ Trung ương, trong đó đề ra quy trình, các bước triển khai cụ thể; thống
kê, lập mục lục những hồ sơ, tài liệu mật trong từng phông, từng khối tài liệu
cần giải mật hoặc hạ cấp độ mật.