Tổng quan về Các Khoa Học Trái Đất
KHOA HỌC TRÁI ĐẤT LÀ GÌ?
Khoa học Trái Đất hay Các Khoa học về Trái Đất (tên tiếng Anh là “Geosciences” hay “Earth
Sciences”) là ngành khoa học đa lĩnh vực bao gồm tất cả các khoa học liên quan đến hành tinh Trái
Đất. Đối tượng của Khoa học Trái Đất bao gồm địa quyển (trên mặt đất và sâu trong lòng đất, đồng
thời được chọn làm trọng tâm), khí quyển, sinh quyển, thủy quyển và mối tương tác với quyển nhân
sinh. Các môn khoa học cơ bản như Vật Lý, Toán Học, Hóa Học và Sinh Học và Tin học… được
tích hợp trong nghiên cứu Khoa Học Trái Đất nhằm xây dựng một sự hiểu biết định lượng về các
yếu tố chính (hay còn gọi là quyển) của Trái Đất và sự tương tác giữa chúng.
Các ngành khoa học thuộc Khoa Học Trái Đất?
Các ngành khoa học trái đất rất đa dạng, về mặt lý thuyết lẫn ứng dụng nhằm xây dựng một sự hiểu
biết định lượng về các yếu tố chính (hay còn gọi là các quyển) của Trái Đất và sự tương tác giữa
chúng
1. Khí quyển học: Khí quyển học là ngành khoa học nghiên cứu về thành phần, cấu trúc và hành vi
của khí quyển, hỗn hợp dạng khí xung quanh Trái Đất và chịu sức hút của Trái Đất, các quá trình
vận động của khí quyển cũng như tương tác qua lại của khí quyển và các quyển khác như địa
quyển, thủy quyển…
2. Địa chất học: Địa chất học là khoa học nghiên cứu hành tinh Trái Đất, các thành phần vật chất
cấu tạo nên nó, các quá trình hình thành, biến đổi của các vật chất trong đó: đá, khoáng vật, sông
suối, thung lũng, núi, khí hậu, sự sống dưới góc độ các quá trình biến đổi vật lý, hóa học, sinh
học. Đồng thời, Địa chất học nghiên cứu lịch sử phát triển của Trái Đất.
3. Môi trường học: Là ngành khoa học nghiên cứu các yếu tố xung quanh một thành phần cụ thể
của Trái Đất và mối tương tác, ảnh hưởng qua lại (tất cả các thành phần xung quanh vật thể đó)
thông thường đề cập đến phần vỏ trên cùng của Trái Đất, nơi chịu tác động mạnh nhất từ con người.
4. Địa vật lý: Địa vật lý là phương pháp nghiên cứu gián tiếp vô cùng hiệu quả cấu trúc sâu lẫn
nông của Trái Đất thông qua các phép đo đạc vật lý và các mô hình toán học để khám phá và minh
giải cấu trúc và động lực của Quả Đất rắn cùng với lớp vỏ lưu quyển bao quanh nó
5. Địa Lý: Địa lý học là khoa học nghiên cứu tất cả các yếu tố bề mặt Trái Đất bao gồm các yếu tố
tự nhiên và cả các yếu tố xã hội: sự tập trung và phân dị của các diện tích bề mặt; ảnh hưởng qua lại
của các yếu tố nhân sinh đối với môi trường Khoa học Địa lý tự nhiên và khoa học Địa chất cùng
nghiên cứu về Trái Đất. Tuy nhiên, Khoa học Địa lý đề cập chủ yếu đến các yếu tố hình học của bề
mặt Trái Đất trong khi Khoa Học Địa chất quan tâm nhiều hơn đến thành phần vật chất.
6. Hải dương học: Là môn khoa học nghiên cứu về động lực các dòng biển, sóng biển, mối tương
tác giữa biển và các lục địa, hệ sinh thái biển…. Nghiên cứu sự liên quan mật thiết giữa sự vận
động của các đại dương với sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Một số đóng góp của ngành Khoa học Trái Đất?
Vẽ lại bức tranh thế giới cổ đại: Khoa Học Trái Đất mô tả quá trình hình thành và vận động của vỏ
trái đất từ cách đây 4-5 tỉ năm cho đến cấu tạo bình ổn hiện nay chứng minh sự hội tụ và di chuyển
các mảng thạch quyển là nguyên nhân dẫn đến quá trình hình thành các hoạt động tạo núi, tạo sông,
phát sinh núi lửa, động đất… Thế giới cổ đại đã từng có những loài sinh vật nào từng tồn tại - các
nhà Cổ sinh vật học đã, đang và sẽ trả lời qua việc nghiên cứu các hóa thạch (hóa đá của các sinh
vật). Các nền văn minh của con người đều phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, điều kiện sinh thái mà
phát triển hoặc suy thoái, vì vậy, các kết quả nghiên cứu cổ sinh thái khí hậu đã làm sáng tỏ bức
tranh tiến hóa của con người.
Nghiên cứu & Dự báo sự biến đổi của khí hậu: Biến đổi khí hậu, sự ấm dần lên của Trái Đất và ô
nhiễm môi trường đang là những chủ đề thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Các nhà khoa học
Trái Đất đang nỗ lực để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, dự báo xu thế biến đối để giúp
con người kịp thời ứng phó với biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên
Nghiên cứu và dự báo thiên tai: Việc lắp đặt và phân tích các thông tin thu nhận từ hàng trăm trạm
địa chấn đặt khắp nơi trên thế giới đã giúp con người ngày càng hiểu rõ hơn về nguyên nhân của
những thiên tai khủng khiếp như động đất, núi lửa và sóng thần. Kết hợp với việc phân tích các dữ
liệu từ các nguồn đo đạc và quan trắc Trái Đất khác như GPS (hệ thống định vị toàn cầu), địa hóa
con người đang cố gắng tăng dần khả năng dự đoán chính xác thiên tai, từ đó đưa ra các biện pháp
dự phòng thích hợp để hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và của.
Thăm dò tài nguyên & khoáng sản: Các chuyên ngành KHTĐ như địa vật lý, địa hóa và địa chất
được sử dụng rất rộng rãi trong việc thăm dò tài nguyên và khoáng sản. Các phương pháp địa vật lý
như địa chấn khúc xạ và phản xạ, các phương pháp từ và trọng lực là công cụ đắc lực giúp con
người tìm ra các nguồn nguyên liệu cơ bản như dầu khí, than đá, các khoáng sản như vàng, đồng, đá
quý trên đất liền cũng như ngoài khơi.
Khảo sát, quy hoạch công trình, du lịch sinh thái: Tại mọi nơi từ đồi núi, đồng bằng hay trên biển,
đại dương, mọi hoạt động của con người đều dựa trên nền tảng hạ tầng cơ sở. Hơn ai hết những
người nghiên cứu, làm việc trong các ngành Khoa học Trái Đất hiểu rõ tính chất và đặc điểm của
môi trường để từ đó vạch ra được những kế hoạch phát triển mang tính khoa học và bền vững. Từ
việc xây dựng các công trình nhà ở, nhà máy, thủy điện, đê sông, đê biển, hải cảng, bến tàu, giàn
khoan dầu, ống dẫn dưới lòng biển…, đến việc quy hoạch vùng khai thác nước ngọt, khai thác thủy
sản, vùng du lịch và bảo tồn sinh thái …
GIS: Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System, viết tắt là GIS) sử dụng các ứng
dụng của tin học để tích hợp, phân tích, minh họa dữ liệu; nhận dạng mối quan hệ, mô hình, xu
hướng và tìm ra các giải pháp giải quyết một vấn đề nào đó. Hệ thống GIS được thiết kế nhằm nhập
dữ liệu, cất giữ, cập nhật, quản lý, tính toán, phân tích và hiển thị kết quả ở dạng địa lý hay là các
bản đồ kết quả.
Viễn Thám: Công nghệ Viễn thám (Remote Sensing RS) giúp thu thập và phân tích các thông tin về
môi trường và bề mặt Trái Đất thông qua các ảnh số thu thập được từ các vệ tinh, máy bay, các cảm
biến mặt đất. Dữ liệu thu thập được từ các thiết bị trên thường được lưu trữ dưới dạng số, hoặc thể
hiện năng lượng bức xạ hoặc phản xạ của vật thể trên bề mặt Trái Đất hoặc năng lượng bức xạ hoặc
phản xạ của tầng khí quyển; hoặc thể hiện tín hiệu được truyền từ vệ tinh sau đó phản xạ lại.
Các ứng dụng của Khoa học Trái đất?
Sử dụng tài nguyên: Đánh giá, khai thác và giữ gìn các nguồn tài nguyên: đánh giá trữ lượng, chất
lượng và khai thác khoáng sản, bảo vệ nguồn tài nguyên nước sạch, phát triển du lịch sinh thái, sử
dụng tài nguyên trong các lĩnh vực công nghệ…
Phát triển bền vững: Đánh giá, quản lý, quy hoạch và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững: các
vấn đề về môi trường, quy hoạch đô thị và nông thôn, xây dựng các công trình nhân sinh
Hạn chế rủi ro: Dự báo, đánh giá các hiểm họa thiên nhiên: động đất, núi lửa, bão lụt… cũng như
những rủi ro do hậu quả của hành vi nhân sinh: ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí
Và nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về Trái Đất!
Ở nước ngoài, vị trí của ngành Khoa học Trái đất là ở đâu so với các ngành khoa học khác? Còn ở
Việt Nam thì sao?
Một số ngành thuộc Khoa Học Trái Đất được đầu tư và khuyến khích phát tiển tương đối cao như
các ngành thăm dò và khai thác khoáng sản, dầu khí, ngành công nghệ môi trường
Đối với các nước luôn bị đe dọa bởi thiên tai như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì việc đầu tư cho ngành
Khoa học Trái đất được đưa lên rất cao vì ứng dụng thực tiễn của nó trong việc dự báo, phòng
chống và giảm thiểu thiên tai như động đất, núi lửa, bão lụt, sóng thần
Tại Việt Nam, ứng dụng của Khoa học Trái Đất vào thăm dò dầu khí và khoáng sản đang được đặt
lên hàng đầu, tiếp sau đó là các ứng dụng trong việc dự báo bão lụt, hạn hán và một số các ứng
dụng quan trọng khác trong việc sử dụng và qui hoạch đất đai trong nông nghiệp
Ở nước ta, các nhà nghiên cứu Khoa Học Trái Đất có thể làm những công việc gì?
Ở Việt nam, các nhà nghiên cứu Khoa Học Trái Đất có thể làm các công việc nghiên cứu lý thuyết
đến áp dụng thực tiễn ví dụ như nghiên cứu lịch sử phát triển của một vùng đất, khai thác thăm dò
tài nguyên, dự báo về những thay đổi của tự nhiên trong tương lai hay có thể tham gia vào các hoạt
động quản lí và hoạch định chính sách đất đai.
Đặc biệt là khả năng hợp tác cùng nghiên cứu với các nhà nghiên cứu Khoa học Trái đất trên toàn
thế giới đã giúp cho các nhà nghiên cứu Khoa Học Trái Đất ở Việt Nam có nhiều cơ hội làm việc và
cộng tác hơn. Trong thời điểm đang thực thi công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn liền với phát triển
bền vững , thì việc sử dụng chất xám của các nhà nghiên cứu Khoa học trái đất đang rất cần thiết để
phát triển và xây dựng đất nước.
Những tố chất quan trọng để theo học ngành Khoa Học Trái đất?
Đối với một ngành học, ngành nghiên cứu đều cần đến sự yêu thích và niềm say mê tìm hiểu, ngành
Khoa học Trái Đất cần ở người học, nghiên cứu, làm việc tình yêu thiên nhiên, say mê tìm hiểu các
hiện tượng diễn ra trên chính Trái Đất. Bên cạnh đó, ngành Khoa học về Trái đất là ngành khoa học
tổng hợp nên nó đòi hỏi sự tổng hợp các kiến thức của các khoa học cơ bản khác như Toán học, Vật
lý, Hóa học và Tin học để phân tích và minh giải các vấn đề liên quan.
Làm sao tôi có thể biết mình có năng khiếu về Khoa Học Trái Đất?
Nếu bạn luôn tự đặt các câu hỏi "tại sao", “như thế nào” về những hiện tượng thiên nhiên luôn xảy
ra xung quanh bạn như: đồi núi, sông ngòi đã được hình thành như thế nào, tại sao lại có những
thiên tai, tại sao đá lại nhiều màu, những khoáng sản được tích tụ và phát hiện ra sao thì bạn đã có
thể khẳng định phần nào sự yêu thích và năng khiếu về Khoa học Trái Đất của bạn Từ chính niềm
yêu thích tìm hiểu thiên nhiên này, cùng với kiến thức của các môn khoa học tự nhiên và xã hội cần
thiết (Toán học, Vật lý, Hóa học ) sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên. Khoa học Trái Đất
cũng cần ở bạn khả năng quan sát và tư duy tốt nhưng nó thường có những ứng dụng gần gũi trong
thực tế nên không đòi hỏi tư duy trừu tượng quá cao.
Thông thường những người làm việc trong ngành Khoa học Trái đất thì như thế nào?
Những người học tập và làm việc trong ngành Khoa Học Trái Đất được biết đến như những người
vui tính, thân thiện và hóm hỉnh. Vì họ thường làm việc gắn liền với thiên nhiên và trong một tập
thể với tính tương tác, hỗ trợ cao. Những chuyến đi thực địa ngoài thiên nhiên ngoài việc thu nhận
kiến thức khoa học còn là dịp gắn bó giữa các thành viên và tạo cho con người sức khỏe dẻo dai.
Ngành Khoa học Trái Đất có phù hợp với nữ giới không?
Các ngành học thuộc Khoa học Trái Đất không phân biệt nam hay nữ. Phụ nữ có thể tham gia
nghiên cứu khoa học, khảo sát thực địa, làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Đối với các bạn
nữ cũng có rất nhiều công việc phù hợp như công tác trong các phòng thí nghiệm như phân tích các
khoáng chất, định dạng, định tính đá quý, các phòng đo đạc khí tượng thủy văn, quy hoạch, quản lí
và sử dụng đất nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, môi trường, hoặc sẽ trở thành giáo
viên giảng dạy tại các trường từ THCS đến Đại học…
Cần chuẩn bị gì nếu trong tương lai muốn theo học các ngành Khoa học về Trái Đất?
Trong thời điểm hiện tại, hãy cố gắng học tốt những môn học trong nhà trường, vì đó là những kiến
thức cơ bản nhất mà một người làm khoa học cần có. KHTD là ngành học rất rộng bạn có thể theo
học các khối A, B, C, D đều được. Bên cạnh đó, bạn nên đọc thêm những cuốn sách dành cho lứa
tuổi của mình để nâng cao kiến thức về các môn khoa học cơ bản (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh
học ); quan sát và tìm hiểu về các hiện tượng thiên nhiên, Trái Đất và các hợp phần của nó; tìm
hiểu thêm các cuốn sách, tài liệu phổ biến kiến thức về Trái Đất.
Khi thích tìm hiểu về Khoa học Trái đất nên tìm những sách nào ?
Đối với các học sinh cấp I, II thì bộ sách “Mười vạn câu hỏi vì sao” (NXB Khoa học và Kỹ thuật,
năm 2002), "Thế giới khoa học" (NXB Vǎn hoá thông tin, năm 2003) là những bộ sách rất lý thú.
Bộ sách này có đầy đủ các ngành khoa học: Toán, Lý, Hoá, Khoa học Trái đất, …
Ngoài ra, VTV2 thường có các chương trình giới thiệu khoa học trực quan và sinh động.
Các ngành học thuộc Khoa Học Trái Đất phân bố rất rộng, có nghĩa là chỉ có thể học một phần
chuyên sâu?
Đúng thế! Bạn không thể theo học toàn bộ ngành Khoa Học Trái Đất mà chỉ có thể học một ngành,
một hoặc vài chuyên ngành nào đó thôi!
Khi học các ngành Khoa học thuộc Khoa học Trái Đất thì sẽ học những môn học gì?
Khoa học Trái Đất là ngành học bao gồm nhiều ngành và chuyên ngành nên các môn học tùy thuộc
vào ngành/chuyên ngành đó. Một số môn học đại cương và điển hình như:
- Lịch sử địa chất: lịch sử phát triển và tiến hóa của Trái Đất, bao gồm vị trí sắp xếp, hình dạng các
lục địa và đại dương và lịch sử tiến hóa của thế giới sinh vật
- Thạch học: thành phần và các phân loại đá trong địa quyển.
- Thủy văn: thành phần, phân bố, hiện trạng của các nguồn nước phân bố trên Trái Đất
- Địa vật lý: nguyên lý và ứng dụng các phương pháp vật lý nghiên cứu cấu trúc nông và sâu của
Trái Đất như địa từ, địa chấn, địa trọng lực…
- Viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý: sử dụng dữ liệu thu nhận về đối tượng và ứng dụng công
nghệ thông tin để phân tích các đặc tính của vật thể theo không gian trên bản đồ.
Học ngành Khoa học Trái đất có được đi thực tập thực tế như sinh viên các ngành khác không? Nếu
có thì thường SV chọn thực tập ở đâu?
Đi thực tập thực tế là một yêu cầu cần thiết và mang tính bắt buộc đối với các sinh viên các ngành
Khoa học Trái đất. Thế giới tự nhiên phong phú và đa dạng vô cùng nên những gì học được trên
giảng đường chỉ là một phần nhỏ trong hành trang kiến thức. Việc tổ chức đi thực tập là một trong
những nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường, có thể là đi thực tập ngoài thiên nhiên, thực tập tại các cơ
quan, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu với các ngành, chuyên ngành tương ứng. Sinh viên
cũng có thể chủ động liên hệ nơi thực tập.
Tốt nghiệp các ngành Khoa học về Trái Đất, có thể làm gì và ở đâu? (Hướng nghiệp Khoa học Trái
Đất?)
* Nghiên cứu khoa học, giảng dạy các ngành, chuyên ngành thuộc Khoa học Trái Đất tại các trường
Đại học có các ngành, chuyên ngành tương ứng. Công tác nghiên cứu khoa học tại các Trung tâm,
các Viện nghiên cứu tương ứng trong cả nước.
* Tìm kiếm, phát hiện, đánh giá, khai thác và giữ gìn các nguồn tài nguyên, giúp tăng trưởng kinh
tế và đồng thời bảo vệ lợi ích lâu dài cho con người
> Tổng cục Dầu khí, các công ty khai thác khoáng sản và dầu khí, Tổng cục Địa chất và Khoáng
sản Việt Nam (DGMV), Tổng cục quản lí tài nguyên nước, Tổng cục Du lịch…
* Quy hoạch, quản lý và bảo vệ môi trường
> Bộ Tài nguyên thiên và môi trường và các Sở KHCN tại tỉnh, thành phố gồm: Cục bảo vệ môi
trường (NEA) và các đơn vị trực thuộc, Tổng Cục Đo đạc và Bản đồ, Tổng cục Bảo vệ Môi trường,
Tổng cục quản lí tài nguyên nước, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Tổng cục Địa
chính, Tổng cục Du lịch, các công ty phát triển du lịch sinh thái
* Xây dựng và qui hoạch công trình, qui hoạch và phát triển đô thị, nông thôn:
Tổng cục Đo đạc và Bản đồ; Sở Địa chính và các đơn vị trực thuộc; Vụ khảo sát thiết kế xây dựng -
Bộ xây dựng và các đơn vị trực thuộc.
* Nghiên cứu, dự báo, đánh giá các hiểm họa thiên nhiên:
> Cục phòng chống thiên tai và các đơn vị trực thuộc; Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm
dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (KTVN) và các trạm khí tượng phân vùng
Ngoài các ví dụ tổng quát trên, tốt nghiệp một ngành, chuyên ngành thuộc Khoa học Trái Đất có thể
tìm các cơ hội công tác, làm việc tại rất nhiều đơn vị cơ quan, xí nghiệp với nhu cầu kiến thức
tương ứng, ví dụ cử nhân chuyên ngành Ngọc học có thể làm việc tại bộ phận kiểm định đá quý
thuộc một công ty vàng bạc và đá quý Tốt nghiệp cử nhân ngành Sư phạm Địa lý có thể giảng dạy
môn Địa lý tại các trường Phổ thông Cơ sở và Phổ thông Trung học
Chọn khối thi nào để thi vào các ngành Khoa học về Trái Đất?
Khoa học Trái đất có rất nhiều chuyên ngành khác nhau, vì vậy có thể học các khối A, B, C, D tùy
theo yêu cầu của mỗi chuyên ngành riêng. Ví dụ: để theo học ngành địa chất, môi trường phải thi
khối A hoặc B; theo học ngành địa lí du lịch phải thi khối C, D
Các cơ sở đào tạo các ngành Khoa học về Trái Đất bậc cao đẳng và đại học ở Việt Nam?
- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (Hanoi University of Science -
Vietnam National University, Hanoi) với các ngành Địa lý, Địa chất, Địa chính, Địa kỹ thuật - Địa
môi trường, Khí tượng - Thuỷ văn - Hải dương học, Thổ nhưỡng, Khoa học Môi trường, Công nghệ
Môi trường. Đây là trung tâm đào tạo cử nhân về các ngành này tốt nhất ở Việt Nam với nhiều giáo
sư đầu ngành.
Địa chỉ: 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Website:
- Trường Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) (Hanoi University of Mining and Geology) có các khoa
Mỏ, Địa chất, Trắc địa, Dầu khí với 33 chuyên ngành đào tạo: Khai thác Mỏ, Tuyển khoáng, Địa
chất thủy văn - Địa chất công trình, Khoan khai thác dầu khí, Trắc địa, Quản trị kinh doanh Địa
chất, Tin học Mỏ Đào tạo các kỹ sư Mỏ, kỹ sư Địa chất cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học
và phục vụ sản xuất luôn đuợc coi là một trong những nhiệm vụ chính trị của nhà truờng.
Trụ sở chính: Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; Phân viện Mỏ: thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và
Phân viện Dầu khí: thị xã Bà Rịa, tỉnh Vũng Tàu. Web:
- Trường Đại học Thủy lợi (Hanoi Water Resources University) đào tạo kỹ sư về thủy lợi, thủy
điện, và tài nguyên nước với các ngành nghề: Thủy văn môi trường, Kỹ thuật ven biển, Công trình
thủy lợi, Thủy điện, Kinh tế thủy lợi, Máy xây dựng và thiết bị thủy lợi, Quy hoạch và quản lý hệ
thống công trình, Xây dựng nông thôn, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Công nghệ thông tin.
Địa chỉ : 175 Phố Tây Sơn. Quận Đống Đa, Hà nội. Cở sở 2 (2 địa điểm): Số 2 Trường Sa (11 Xô
Viết Nghệ Tĩnh) - quận Bình Thạnh - thành phố Hồ Chí Minh và Thị trấn An Thạnh, huyện Thuận
An, tỉnh Bình Đương. Website:
- Trường đại học Bách Khoa Hà Nội (Hanoi University of Technology) đào tạo ngành Công nghệ
Môi trường bậc đại học và cao đẳng và được mở rộng đa dạng hơn ở bậc đào tạo sau đại học.
Địa chỉ: Số 1, đường Đại Cồ Việt, Hà Nội. Website:
- Trường Đại Học Hàng Hải (Vietnam Marine University) đào tạo kỹ sư, cử nhân và cao đẳng cho
nhiều ngành nghề về lĩnh vực hàng hải, trong đó có ngành Công trình thủy.
Địa chỉ: Phân hiệu 1: 484 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, Phân hiệu 2: số 2
đường D3, khu Văn Thánh Bắc, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Website:
- Trường Đại học Khoa học, đại học Huế (Hue University, College of Sciences ) có các ngành đào
tạo: Địa chất, Địa lý, Khoa học môi trường.
Địa chỉ: 77 Nguyễn Huệ, thành phố Huế. Website:
- Trường Đại học Nông Lâm, đại học Huế (Hue University, College of Agriculture and Forestry)
đào tạo các ngành: Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Quản lý đất đai
Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, thành phố Huế. Website:
- Trường đại học Bách Khoa, đại học Đà Nẵng (The University of Danang, College of Technology)
có các ngành thuộc Khoa học Trái Đất như: Xây dựng thuỷ lợi - Thuỷ điện và Công nghệ môi
trường.
Địa chỉ: 54 Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Website:
- Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh (University of Forestry and Agriculture – Ho
Chi Minh city) với một số ngành đào tạo như: Quản lý đất đai, Công nghệ địa chính, Kinh tế Tài
nguyên Môi trường, Quản lý Tài nguyên rừng, Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Môi trường.
Địa chỉ: phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Website:
- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (University of
Natural Sciences, Ho Chi Minh city) đào tạo bậc đại học có các ngành thuộc Khoa học Trái Đất bao
gồm: Địa chất và Khoa học Môi trường.
Địa chỉ: 227 Nguyễn Văn Cừ, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Website:
- Trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh (HoChiMinh City, University of Technology)
đào tạo các ngành đại học: Trắc địa - Địa chính, Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Môi trường, Công
nghệ Khoan và Khai thác dầu khí, Địa chất Dầu khí, Địa kỹ thuật, Địa chất Môi trường.
Địa chỉ: 268 Lý Thường Kiệt, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Web:
Ngoài ra các trường Đại học Sư phạm trong cả nước đều đào tạo ngành Sư phạm Địa lý với mục
đích đào tạo các giáo viên giảng dạy môn Địa lý tại cấp phổ thông và trung học.