Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Vai trò to lớn của insulin với bệnh đái tháo đường doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (279.83 KB, 5 trang )

Vai trò to lớn của insulin với bệnh
đái tháo đường


Bệnh ĐTĐ được hiểu như thế nào?
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau gây
nên, đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hoá
carbonhydrate (chất đường), lipid (chất béo), protein (chất đạm). Nguyên nhân của bệnh
do thiếu insulin có kèm hoặc không kèm kháng insulin với các mức độ khác nhau. Hệ
quả của tăng đường máu mạn tính là tổn thương nhiều cơ quan như: mắt, thận, thần
kinh
Như vậy có thể thấy rằng khắc phục sự thiếu insulin và giảm đề kháng insulin là mấu
chốt cực kỳ quan trọng trong phòng và điều trị bệnh ĐTĐ.
Năm 1922, Fred Banting và Charles Best thuộc Đại học Tổng hợp Toronto (Canada)
thông báo họ đã tìm ra insulin và ứng dụng thành công chất này trong điều trị bệnh ĐTĐ
ở người. Vào thời điểm đó, người bị bệnh ĐTĐ phải vật lộn với căn bệnh để tồn tại và
chưa có biện pháp điều trị hiệu quả nào. Bệnh nhân nhanh chóng trở nên gầy mòn và
thường chết sớm do bị sút cân nghiêm trọng.
Ban đầu, thuốc tiêm insulin lẫn nhiều tạp chất và thường gây những tai biến nguy hiểm.
Các nhà khoa học đã phối hợp nghiên cứu và tạo ra được dịch chiết từ tụy bảo đảm đủ độ
tinh khiết để thử nghiệm trên người bệnh. Vào tháng 5/1922, Leonard Thompson, 14
tuổi, đã được điều trị thành công ở Bệnh viện Toronto bằng tinh chất này (được gọi là
insulin).

Tuyến tụy bình thường.
Dùng insulin như thế nào?
Tất cả bệnh nhân và bác sĩ cần biết rằng khôi phục đúng lượng insulin cho từng thời điểm
cụ thể của từng bệnh nhân riêng biệt chắc chắn sẽ giúp ổn định đường máu. Vì mỗi loại
bệnh ĐTĐ týp 1 và týp 2 có sự thiếu hụt insulin khác nhau nên cách bù insulin cũng rất
khác nhau.
Insulin và ĐTĐ týp 1: bởi vì tụy của bệnh nhân không còn khả năng tiết insulin nữa nên


bắt buộc phải đưa insulin từ ngoài vào một cách đều đặn. Bình thường cứ 12 phút tụy lại
bơm vào máu một ít insulin ngay cả khi ta không ăn gì, lượng insulin này giúp cho việc
chuyển hoá đường liên tục được sản xuất ra bởi gan. Khi ăn tụy tiết thêm nhiều insulin.
Do đó khi dùng insulin ta nên nhớ 2 điểm quan trọng:
1) Tiêm insulin trước bữa ăn.
2) Không bao giờ được ngừng tiêm insulin kể cả không ăn gì (phải giảm liều insulin).
Việc sử dụng insulin một cách đúng đắn đòi hỏi hiểu biết cặn kẽ về:
- Các loại insulin khác nhau, thời gian bắt đầu có tác dụng; lúc có tác dụng cực đại và lúc
nào hết tác dụng. Bác sĩ điều trị sẽ chọn cho bạn số lần tiêm insulin, bạn không được thay
đổi loại insulin và số lần tiêm nếu không có ý kiến của bác sĩ.
- Cách lấy insulin, cách tiêm đúng kỹ thuật, cách bảo quản.
- Cách theo dõi, đánh giá hiệu quả sau khi tiêm insulin.
Nếu biết sử dụng insulin đúng cách, cuộc sống của người ĐTĐ týp 1 hoàn toàn có thể
kéo dài được rất lâu (hơn 70 năm). Thông thường bệnh nhân cần nhiều mũi tiêm/ngày.
Dường như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tùy thuộc vào sự sẵn sàng tiêm insulin.
Người bệnh ĐTĐ týp 2 có nên dùng insulin?
Insulin và ĐTĐ týp 2: ĐTĐ týp 2 được hiểu là có sự thiếu insulin tương đối và gia tăng
đề kháng insulin. Điều trị bệnh ĐTĐ týp 2 cơ bản dựa vào chế độ ăn, tập thể dục và thuốc
uống. Tuy nhiên có nhiều tình thế bắt buộc phải sử dụng insulin như:
- Khi bị hôn mê tăng đường máu, nhiễm trùng nặng.
- Bị tai biến mạch máu não, tắc mạch.
- Khi điều trị phẫu thuật.
- Khi có thai, cho con bú.
- Khi có biến chứng suy gan, thận, suy tim.
- Khi cần chụp Xquang có thuốc cản quang tĩnh mạch
- Khi thuốc uống không còn hiệu lực: có từ 10-15% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 ngay từ đầu đã
không đáp ứng với thuốc uống, hằng năm có thêm chừng 5-10% người ĐTĐ không thể
kiểm soát được đường máu bằng thuốc uống. Sau 5 năm mắc bệnh có 30-40% người
ĐTĐ buộc phải dùng insulin nếu muốn có đường máu ổn định tốt, sau 10 năm mắc bệnh
chỉ còn khoảng 15% số bệnh nhân điều trị được bằng các loại thuốc uống hạ đường máu.

Vậy mà nhiều bệnh nhân rất ngần ngại dùng insulin, đây chính là nguyên nhân khiến cho
một số người ĐTĐ dù có cố ăn kiêng đến đâu cũng không thể làm giảm được đường
máu.
Cách xác định người cần tiêm insulin: bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có chế độ ăn uống tập luyện
hợp lý, dùng thuốc uống đến liều tối đa nhưng đường máu vẫn luôn luôn cao (lúc đói >
7,8mmol/l, sau ăn > 10mmol/l; HbA1c > 8%), điều này chứng tỏ rằng tụy tiết rất ít
insulin mặc dù đã được kích thích tối đa bởi thuốc uống.
Việc điều trị lúc này hoặc là chuyển hoàn toàn sang dùng insulin hoặc là dùng thuốc uống
trước các bữa ăn kết hợp tiêm thêm liều nhỏ insulin bán chậm hoặc chậm trước khi đi ngủ
(có thể không cần phải ăn sau tiêm). Sau một thời gian điều trị bằng insulin hãy bàn bạc
với bác sĩ của bạn khả năng có thể quay trở lại với chế độ dùng thuốc uống đơn độc được
không.
Tiêm insulin càng sớm càng có cơ hội quay trở lại với thuốc uống hạ đường máu.
Việc sử dụng insulin để điều trị không có nghĩa là bệnh nặng lên, chỉ đơn giản là cơ thể
của bạn cần thêm một lượng insulin từ bên ngoài để duy trì cân bằng đường máu.

Tuyến tụy của người bệnh ĐTĐ.
Tác dụng phụ của insulin
Như bất kỳ một loại thuốc chữa bệnh nào khác, insulin cũng có tác dụng phụ của nó. Rất
may là tác dụng phụ này ít gặp (0,1-3%) và thường không để lại hậu quả nặng nề.
Các tác dụng phụ rất khác nhau giữa người này và người khác, có người gặp, có người
không gặp. Trong đó thường gặp nhất là:
- Hạ đường máu: do bỏ ăn, do ăn ít, do vận động quá nhiều bất thường, do dùng quá liều
thuốc, do tương tác với các thuốc gây hạ đường máu khác Nếu bị hạ đường máu, chỉ
cần đưa đường máu trở lại bình thường bằng cách ăn thêm chất đường, quả ngọt là các
triệu chứng sẽ qua đi nhanh chóng.
- Nổi mẩn đỏ và ngứa nơi tiêm: các triệu chứng này rất nhẹ, bệnh nhân chỉ có khó chịu
chút ít. Làm ấm lại lọ insulin bằng nhiệt độ trong phòng hoặc dùng thêm thuốc chữa dị
ứng theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể dễ dàng giải quyết vấn đề. Nếu không cần tìm cách đổi
thuốc.

- Dị ứng insulin: có thể ở mức độ trung bình. Các triệu chứng bao gồm mẩn ngứa, sưng
nề chỗ tiêm. Nếu nặng hơn: mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở. Trong trường hợp này cần
phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện ngay.
- Tăng cân: cũng như bất kỳ thuốc làm giảm đường máu nào khác, bệnh nhân thường sẽ
tăng vài cân khi đường máu hạ xuống về mức bình thường. Điều chỉnh thật phù hợp liều
insulin và chế độ ăn sẽ hạn chế được tác dụng phụ này.
Một số yếu tố gia tăng đề kháng insulin
- Bệnh đái tháo đường týp 2.
- Gan nhiễm mỡ.
- Bệnh mạch máu: suy mạch vành, đột qụy, tắc mạch ngoại biên.
- Tăng mỡ máu.
- Tăng huyết áp.
- Hút thuốc lá.
- Chứng gai đen: trên da vùng cổ, nách có những vùng da thâm đen.
- Bệnh đa nang buồng trứng. Khó có thai, rối loạn kinh nguyệt.
ThS.BS. Nguyễn Huy Cường

×