GIÁO DỤC VIỆT NAM DƯỚI THỜI LÊ SƠ
(1428 -1527)
I. KHÁI QUÁT.
Sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ và các triều đại Lê sơ bắt tay
vào xây dựng một đất nước độc lập trên cơ sở chế độ phong kiến Trung ương tập
quyền. Sự phục hồi và phát triển nhanh chóng nền kinh tế - xã hội là bối cảnh mới
mẻ, vừa là tiền đề, vừa là nhu cầu đòi hỏi xây dựng một nền giáo dục dân tộc mới,
biến đổi cả về mặt tổ chức lẫn tư tưởng giáo dục.
II. GIÁO DỤC VIỆT NAM DƯỚI THỜI LÊ SƠ.
1.Hệ thống Giáo Dục, việc học, việc thi cử thời Lê Sơ
Về hệ thống trường lớp :
Năm 1429, Lê Thái Tổ khôi phục lại Quốc Tử Giám, hạ lệnh cho hoàng tử
và các con quan lại trong triều từ 9 tuổi trở lên đến học.
Nhưng phải tới năm 1483, Lê Thánh Tông mới mở rộng Quốc Tử Giám
thành nhà Thái học, xây dựng thành một trường rộng lớn bao gồm giảng đường
lớn là Minh Luân đường, hai giảng đường Đông, Tây, bí thư khố (kho sách). Lại
có các nhà ở nội trú cho 300 xá sinh ăn học trong trường. Phía ngoài cùng có hai
dãy nhà bia để ghi tên các nhà tân khoa tiến sĩ.
Về chế độ, trừ hoàng tử có chế độ học tập riêng, còn các giám sinh qua thi
cử, sát hạch, được tuyển chọn vào học, chia ra 3 loại học bổng khác nhau :
- Thượng xá sinh : Thi trúng tam trường, học bổng được cấp 1 quan tiền một
tháng.
- Trung xá sinh : Thi trúng nhị trường, học bổng 9 tiền một tháng.
- Hạ xá sinh : Thi trúng một trường, học bổng 8 tiền 1 tháng.
Con em quân, dân học giỏi được tuyển vào học, nhưng nghe giảng riêng ở
tăng quảng đường. Các tăng quảng sinh không được cấp học bổng và phải ở ngoại
trú.
Một ưu đãi khác là các con quan lại hỏng thi, không có khả năng học ở
Thái học Viện thì được đến đọc sách ở các quán, cục như Sùng lâm quán, Nho lâm
quán, Tú lâm cục. Ai không thích học văn, có thể học võ nghệ ở Vệ Kim Ngô.
Ở các địa phương, các trường công được mở đến các lộ, phủ. Đội ngũ học
quan ở thái học viện bao gồm các Tế Tửu, Tư nghiệp, giáo thụ, bác sĩ năm kinh.
Các học quan được tuyển chọn không vụ vào bằng cấp mà chủ yếu là do năng lực,
tuổi phải từ 35 trở lên. Ở địa phương, mỗi lộ phủ có một trường công do một học
quan huấn đạo, trông nom việc giảng dạy, khảo hạch để tuyển chọn học sinh vào
danh sách thi Hương ( kể cả học sinh trường tư). Ngoài hệ thống trường công, ở
các làng xã có các trường lớp tư thục, dân lập, do dân tự lo liệu.
Khác với trường hiện đại ngày nay, trường lớp phong kiến thời Lê Sơ có
thể là ở công đường hoặc nhà riêng của học quan, thầy đồ, có thể là nhà một phú
hộ, địa chủ giàu có đứng ra tổ chức. Lớp học không phân chia tuổi tác, trình độ
cao thấp. Học trò có thể chỉ 6 7 tuổi, mới học vỡ lòng, có thể bắt đầu học kinh sử,
cũng có người đã lớn tuổi chuẩn bị đi thi.
+ Hàng ngày học sinh đi học như sau:
Sáng sớm : đến nhà thầy giáo nộp bài rồi về ăn cơm sáng. Sau đó, trở lại lớp học
liền 6 tiếng.
Học sinh học liên tục cả 7 ngày trong tuần không nghỉ. Hàng năm có 3 kì
nghỉ dài ngày là Tết Đoan Ngọ (nghỉ hơn 1 tháng), Tết Cơm Mới ( tháng 10, nghỉ
1 tháng ), Tết Nguyên Đán (nghỉ 2 tháng)
Ngoài “Lễ nhập môn” hàng năm cha mẹ học sinh trả tiền học phí cho Thầy
2 lần, tổng cộng khoảng 4 quan tiền. Ngoài ra, tùy khả năng, có thêm khoản tiền
tết thầy nhân các kì nghỉ để thầy về thăm nhà và các khoản bất thường do hội đồng
môn thu khi gia đình thầy có công việc lớn. những con nhà nghèo túng thường
không phải đóng góp gì.
Cách học thời Lê Sơ.
Việc học chữ Nho thời Lê Sơ chia thành hai bậc : Bậc tiểu học và Bậc đại
học.
+ Ở bậc tiểu học : Trẻ em bắt đầu học các sách do ta soạn như : Nhất Thiên
tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, rồi đến Sơ học vấn tân , Ấu học ngũ ngôn thi. Sau
đó học các sách do người trung Quốc soạn như Tam tự kinh, Minh tâm bảo giám,
Minh đạo gia huấn…
Phương pháp dạy là thầy đọc trước, trò nhắc lại, Thầy kể nghĩa trước, trò
bắt chước kể lại một cách máy móc, mặc dù hầu như không hiểu gì. Về nhà phải
học thuộc lòng để hôm sau đọc lại, thuộc làu bàu sẽ được điểm cao (ưu,bình ),
ngắc ngứ thì điểm trung bình ( thứ), không thuộc sẽ bị phê điểm kém (liệt). Lười
học không thuộc bài…sẽ bị xử phạt bằng roi mây, chui gầm giường, quỳ góc nhà,
thậm chí chui qua háng trưởng tràng. Chữ Hán là chữ tượng hình học rất khó. Bởi
vậy, trẻ em phải học viết rất công phu, không chỉ ở bậc tiểu học mà còn kéo dài
nhiều năm sau, đủ các kiểu “chân, thảo, lệ, triện”.
+ Ở bậc đại học : Cách học có phát huy tính chủ động của người học hơn,
học sinh không phải đi học thường xuyên hàng ngày nữa mà định lệ mỗi tuần vài
ba buổi. Đến lớp, thầy sẽ giảng sách Ngũ kinh, Tứ thư, là những sách kinh điển
của Thánh Hiền.
Ngũ kinh gồm các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân, Thu. Còn Tứ thư là các
sách Đại học, Luận ngữ, Trung dung và Mạnh tử. Nội dung tư tưởng của sách rất
sâu rộng, mang tính chất triết học, đạo đức học, văn học …, như đã đề cập ở phần
nội dung . Ở nhà, học sinh phải “Nấu sử sôi kinh” sao cho thuộc như cháo. Lại
phải đọc nhiều sách giải nghĩa, ghi nhớ các điển cố, có khi dài gấp mấy lần nguyên
bản. Lại phải học phép làm câu đối, thơ phú, kinh nghĩa, văn sách sao cho đúng
phép, đúng luật. Nhiều nho sĩ còn được tham khảo các sách của bách gia chư tử,
Bắc sử, Nam sử… nữa. Việc tự học công phu như vậy kéo dài hàng chục năm mới
đủ sức thi Hương. Có thể nói, ở giai đoạn này người ta tự học là chính.
Ở bậc đại học, hàng tháng thường có hai cuộc bình văn vào ngày sóc và
ngày vọng (mồng 1 và ngày rằm hàng tháng) hoặc một buổi vào ngày cuối tháng.
Đầu tháng, quan Đốc học ra đề văn yết tại dinh, sĩ tử đến chép đề mang về nhà
làm, nữa tháng sau đem nộp. Cuối tháng quan Đốc học và các vị khoa bảng họp
chấm bài, chọn ra một số bài hay nhất để tổ chức buổi bình văn. Trong ngày đó, sĩ
tử khắp nơi lũ lượt kéo về tham dự. Ai có bài được bình sẽ rất vinh dự, hãnh diện
vói bè bạn, xóm làng.
Mỗi năm, quan Đốc học tổ chức một kì khảo khóa, ai đổ đầu được gọi là
“Thầy Khóa” và được miễn các việc phu đài, tạp dịch. Trước kì thi hương 4,5
tháng, có một kì tỉnh hạch để chọn danh sách gửi về bộ Lễ phân phối vào các
trường thi.
Các tổ chức thi cử và các khoa thi :
+ Hạnh kiểm người di thi.
Các triều Lê sơ rất coi trọng việc tổ chức các kì thi để tuyển chọn nhân tài
ra làm quan. Muốn được dự thi phải có hạnh kiểm tốt. Thí dụ : năm 1462, Lê
Thánh Tông hạ lệnh cho các xã quan phải kiểm tra hạnh kiểm người đi thi Hương.
Nếu là con cháu của những người mang tiếng xấu (bất hiếu, bất mục, lọan luân,
điêu toa…) hay con cái những người làm nghề hát xướng thì không được đi thi.
Con em những người nghịch đãng, ngụy quan đều bị loại.
+Các khoa thi
Thời Lí - Trần - Hồ, các khoa thi đã được tổ chức, song chưa nhiều và đều
đặn. Phải từ nhà Lê, thi cử mới đi vào quy củ, nề nếp. Nhà Lê cứ 3 năm tổ chức
một kì thi Hương. Năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội.
Người đỗ thi Hương chia thành hai hạng, hạng cao là Hương cống, hạng
thấp là sinh đồ, người đỗ đầu gọi là Giải nguyên.
Thi Hội được tổ chức cho những người đã đổ thi Hương, để lấy học vị cấp
nhà nước. Ai đỗ thi Hội phải qua kì thi Đình, tổ chức ở sân rồng do vua ra đề để
lấy từ tiến sĩ trở lên.
Thời Lê, bắt đầu từ năm 1448, Tiến sĩ được chia thành ba loại :
- Đệ nhất giáp: Tiến sĩ cập đệ ( 3 người đổ đầu gọi là tam khôi ) :
• Trạng nguyên
• Bảng nhãn
• Thám Hoa
- Đệ nhị giáp : Tiến sĩ xuất thân ( Hoàng Giáp).
- Đệ tam giáp : Đồng Tiến Sĩ xuất thân.
Các tiến sĩ đời Lê được nhà vua cho dự lễ xướng danh ban yến và tổ chức
vinh quy bái tổ. Tên tuổi được khắc vào bia đá đặt ở Văn Miếu. Ngoài các kì thi
chính, còn có các kì thi bất thường như các khoa Minh Kinh (1429), Hoành Từ
(1431) các kì thi lại viên ( tuyển người viết chữ đẹp và tính tóan giỏi ), thi võ….
Cả thi Hương và thi Hội, các sĩ tử phải trải qua 4 kì (gọi là 4 trường ). Các
bài thi gồm các thể loại :
• Kinh nghĩa ( trường 1)
• Chiếu – chế - biểu ( trường 2)
• Thơ phú ( trường 3)
• Văn sách ( trường 4 )
Thứ tự này cũng có thể thay đổi giữa các trường qua các triều đại. Ai được
vào thi Đình sẽ phải làm một bài thi đối sách do chính vua ra đề. Thường có hai
phần : cổ văn và kim văn. Về kim văn, vua thường lấy những vấn đề nan giải của
đương triều để hỏi các thí sinh về cách giải quyết ( về thiên tai, về vấn đề kinh tế,
chính trị, thời sự….)
+ Số người đỗ các khoa
Thời kì Lê Sơ (1428 -1527), trãi qua 100 năm với 9 đời vua, số các khoa thi
và số người đỗ có thể tóm tắt như sau :
- Tổng số các khoa thi Hội : 26
- Số người đỗ :
• Trạng nguyên : 21
• Bảng nhãn : 38
• Thám hoa :21
• Tiến sĩ :992
Riêng thời Lê Thánh Tông (1460-1497) trong 37 năm trị vì, mở được 12
khoa thi Hội, số đỗ Trạng nguyên là 10 người.
Điều đáng chú ý nữa là việc xây dựng các trường thi, tổ chức các hội đồng
coi thi và chấm thi ở Triều Lê làm rất nghiêm túc, nghiêm mật và quy mô.
Trường thi có rào tre nhiều lớp, trong trường thi lại chia riêng các khu vực
để thí sinh thi, vào sâu là 2 khu ngoại trường và nội trường – giữa các khu đều có
lính canh. Vòng ngoài trường có đội quân có đủ voi, ngựa đi tuần dưới sự chỉ huy
của viên tuần xước đề phòng sự gian trá và bất trắc xảy ra.
Hội đồng thi gồm có các quan lại sau :
- Đề điệu : chánh chủ khảo
- Giám thị : Phó chủ khảo
- Thu quyển : thu nhận quyển thi của thí sinh
- Di phong : làm nhiệm vụ “ rọc phách”
- Đằng lục : chép lại từng bài văn của thí sinh sang một quyển khác để giám
khảo chấm.
- Đối độc : đọc lại bài đăng lục, đối chiếu với bài làm của thí sinh cho chính
xác .
2. Mục đích Giáo Dục thời Lê Sơ.
Đào tạo được một đội ngũ quan lại đông đảo từ trung ương đến địa
phương đến địa phương.
Nếu như các triều đại trước đây, việc tuyển chọn người ra làm quan có thể
do tiến cử, nhiệm cử thì đến Lê Sơ phương thức chủ yếu là khoa cử. Bởi vậy ngay
khi còn kháng chiến, Lê Lợi đã chú trọng mở mang việc học tổ chức cuộc thi
ngay bên cạnh thành Đông Quan.
Đến thời Lê Thánh Tông, Ông coi việc thi cử là hàng đầu để “chọn người
có học”, “chọn kẻ sĩ”. Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có triều đại phong kiến
nào lại tổ chức nhiều khoa thi như thời lê Sơ. Chỉ tính từ năm 1442 – năm bắt đầu
mở khoa thi Hội đến năm 1526 tất cả có 26 khoa trong 84 năm. Trước thi Hội, thí
sinh phải qua thi Hương, và sau thi Hội, ai đỗ mới được thi Đình. Làm phép tính
đơn giản, trong 84 năm có gần 80 khoa thi.
Về hình thức, để tuyển chọn Nho thần, văn thần, nhà nước tổ chức thi văn
(đa số là các khoa thi loại này). Để tuyển chọn người viết chữ đẹp, biết tính toán
có các kì thi lại viên. Loại này chỉ khi cần mới tổ chức. ngoài ra, còn có các kì thi
võ để tuyển chọn người giỏi võ kinh và võ nghệ.
Tuyển chọn được các hiền tài giúp vua trị nước
Lê Thánh Tông đã xuống chiếu khẳng định rõ: “ Muốn có nhân tài, trước hết
phải chọn người có học. Phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta, từ
khi trải qua binh lữa, nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm.
Thái Tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang
chưa đăt khoa thi.”……
Truyền bá ý thức hệ phong kiến vào trong nhân dân.
Giai cấp phong kiến Lê Sơ muốn tất cả các nho sĩ đã được theo học chữ
thánh hiền không những chỉ suy nghỉ và làm theo mà còn là những người truyền
bá đạo Nho cho nhân dân, là những tấm gương để mọi người bắt chước, noi theo.
Nho giáo bắt rễ sâu vào tâm hồn mỗi con người, bám trụ vào mỗi tế bào xã hội gia
đình, đó chính là mục đích tối cao của giai cấp phong kiến thống trị.
Bên cạnh các trường của nhà nước phong kiến tổ chức, có nhiều trường tư
của dân tự tổ chức ở các làng xã. Một số con em nhân dân lao động cũng được
theo học ở các trường tư thục của các thầy Đồ trong các làng xóm, thị trấn…
Với mục đích gửi con đến trường, các bậc cha mẹ một mặt cũng mong
muốn con em mình cố gắng học hành, thi cử, đổ đạt làm quan để có cuộc sống
vinh hoa phú quý, thoát khỏi cuộc đời nghèo khổ. Song, mục đích lớn hơn là nếu
công thành danh toại sẽ trở thành hữu ích, giúp dân cứu nước ; còn nếu không
thành đạt thì cũng trở nên người biết sống theo đạo lý của dân tộc, của cha ông.
Đó là lối sống nhân nghĩa, biết nhớ ơn ông bà cha mẹ, biết kính trên nhường dưới,
yêu làng xóm quê hương đất nước… /.
Nguyễn Đức Toàn