CÁC CHÍNH SÁCH TRỢ GIÁ CHO HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT
VÀ BIỆN PHÁP GIẢM TRỢ GIÁ
TS. NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG
Liên Bộ môn Vận tải – Kinh tế
Trường Đại học Giao thông Vận tải – Cơ sở 2
Tóm tắt: Một thực tế được ghi nhận trong quá trình phát triển giao thông của nhiều thành
phố trên thế giới là sự phát triển của hệ thống vận tải hành khách công cộng luôn kéo theo sự gia
tăng số tiền trợ giá cho hoạt động của nó. Tại sao phải trợ giá, trợ giá đến khi nào và làm thế nào
để hạn chế số tiền trợ giá cho vận tải hành khách công cộng? Bài báo này đưa ra một số phân tích,
đánh giá nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên.
Summary: In the process of developing the public transport system in urban areas, there is a
verified fact that the increase of the public transport subsidy brings about the growth of the system.
Why are the means of public transport subsidized? when will the subsidy last? What can be done
to reduce the subsidy? These questions come from many levels of governments and residents. This
article is to give answers to these questions from the writer’s point of view.
I. VAI TRÒ CỦA VẬN TẢI HÀNH
KHÁCH CÔNG CỘNG TRONG ĐỜI
SỐNG XÃ HỘI
Vận tải hành khách công cộng có ý
nghĩa xã hội vô cùng to lớn, nó là loại dịch
vụ thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của người dân -
nhu cầu đi lại, là cơ sở đảm bảo chất lượng
cuộc sống của người dân, đảm bảo trật tự xã
hội nói chung và tạo điều kiện cho các hoạt
động kinh tế, hoạt động sản xuất, nhằm phát
triển nền kinh tế - xã hội. Hơn thế nữa, quá
trình phát triển của các độ thị lớn trên thế giới
đã khẳng định xu thế: giao thông công cộng
từng bước thay thế giao thông cá nhân, đô thị
càng phát triển thì đòi hỏi về khả năng phục
vụ của hệ thống giao thông công cộng càng
cao.
Hiện nay, chỉ tiêu được sử dụng rộng rãi
để đánh giá kết quả hoạt động vận tải hành
khách công cộng là sản lượng hành khách và
lượng luân chuyển hành khách_km. Tuy
nhiên, các chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động
sản xuất này chưa thể phản ánh hiệu quả về
mặt xã hội của công tác vận tải. Khi tham gia
giao thông điều mà hành khách quan tâm
không chỉ là khối lượng dịch vụ doanh nghiệp
có khả năng cung ứng mà còn là sự nhanh
chóng và chất lượng phục vụ của hoạt động
vận tải thể hiện thông qua hành trình ngắn
nhất, chi phí thời gian thấp nhất và tiện nghi
tốt nhất của chuyến đi. Ngoài ra, hiệu quả xã
hội của hoạt động vận tải còn được thể hiện ở
khía cạnh làm giảm ô nhiễm môi trường và
đảm bảo an toàn giao thông.
Vì vậy, hiệu quả hoạt động vận tải hành
khách công cộng không chỉ thể hiện ở hiệu
quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải
mà chủ yếu được đánh giá thông qua sự tiết
kiệm thời gian và sức lực của hành khách
trong quá trình giao thông. Nhưng để lượng
hóa giá trị kinh tế của các chỉ tiêu này là rất
khó khăn nên khó đánh giá chính xác những
lợi ích do vận tải hành khách công cộng mang
lại. Trong khi đó hệ thống vận tải hành khách
công cộng với các đặc thù riêng của ngành lại
luôn đòi hỏi nguồn đầu tư và chi phí lớn nhằm
duy trì và phát triển hệ thống. Điều này khiến
cho trong mắt người dân cán cân giữa chi phí
bỏ ra và lợi ích từ vận tải hành khách công
cộng thường nghiêng về phía chi phí lớn, trợ
giá nhiều và lợi ích mang lại chưa tương xứng.
II. CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DUY
TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG VẬN
TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG
BẰNG XE BUÝT
Tổ chức vận tải hành khách đô thị là một
vấn đề rất quan trọng và phức tạp, liên quan
đến lợi ích của tuyệt đại đa số người dân
thành phố, những người sử dụng dịch vụ vận
tải đô thị hàng ngày và nhiều lần trong ngày.
Giải quyết tốt vấn đề này sẽ đảm bảo điều
kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống
của dân cư. Ngược lại, chất lượng dịch vụ vận
tải hành khách nói riêng và giao thông nói
chung yếu kém không chỉ gây nên sự bất bình
của quần chúng nhân dân mà còn gây ra các
tác động tiêu cực khác, làm mất ổn định xã hội.
Một trong những loại hình vận tải đô thị
quan trọng và phổ biến là vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt. Vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt có một số đặc trưng
cơ bản như:
- Về mặt kỹ thuật: sử dụng phương tiện
vận tải đường bộ thỏa mãn các yêu cầu về sức
chứa phương tiện, các tiện nghi được trang bị
để phục vụ hành khách trên xe (máy lạnh, dây
treo, chuông báo…), niên hạn sử dụng và các
quy định khác.
- Về mặt kinh tế: sử dụng một mức giá vé
thống nhất trên toàn mạng lưới do Nhà nước
quy định (để đảm bảo chức năng phục vụ của
một ngành dịch vụ công mức giá vé này
thường được Nhà nước khống chế ở mức thấp
hơn giá thành vận tải thực tế); phố biến rộng
rãi các loại giá vé ưu đãi cho người đi lại
thường xuyên hoặc những đối tượng được
hưởng ưu đãi theo quy định.
- Về mặt xã hội: mang ý nghĩa chính trị
nên phải đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của các
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng
hành khách được hưởng ưu đãi về chi phí đi
lại của Nhà nước;
- Về mặt khai thác: khai thác trên hệ
thống cơ sở hạ tầng phục vụ riêng với các
trạm dừng đỗ trên các tuyến; chiều dài tuyến
và cự ly đi lại bình quân của hành khách
không cao; vận tốc khai thác phương tiện thấp
nhưng tính cơ động của phương tiện vận tải
cao, dễ điều chuyển phương tiện trong quá
trình khai thác và đặc biệt có sự biến động của
dòng hành khách theo thời gian, sự suy giảm
của nhu cầu vận tải giữa các khoảng thời gian
cao điểm.
- Về tổ chức: cần phải có hệ thống quản
lý
và điều hành tiên tiến có hiệu quả; tổ
chức lao động khoa học cho đội ngũ lái xe với
đặc thù làm việc 7 ngày liên tục trong tuần,
công việc bắt đầu sớm và kết thúc muộn.
Xuất phát từ các đặc trưng này mà hoạt
động vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt thường có mức chi phí đầu tư trang thiết
bị, hệ thống cơ sở hạ tầng và chi phí khai thác
vượt quá nguồn thu từ vé, do mức giá vé bị
khống chế ở mực thấp để đảm bảo tính chất
phục vụ của dịch vụ công. Chính vì vậy mà ở
hầu hết các thành phố trên thế giới đã và đang
thực hiện các dự án, các chương trình khác
nhau của chính phủ hoặc chính quyền thành
phố nhằm hỗ trợ cho việc phát triển hoạt động
vận tải hành khách đô thị. Các chương trình
tập trung vào các nội dung: thiết lập cơ sở
pháp l
ý, các quy trình, quy phạm khai thác
cho hệ thống, cơ chế kinh doanh và đầu tư
phù hợp vào ngành vận tải hành khách, hệ
thống trợ giá cho các dịch vụ vận tải công
cộng mang tính chất phục vụ theo yêu cầu của
Chính quyền.
1. Trợ giá cho hoạt động vận tải hành
khách công cộng từ nguồn vốn ngân sách
Nhà nước
Thông thường, chính quyền thông qua
các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến
hành trợ giá, hỗ trợ chi phí cho các hoạt động
khai thác vận tải theo các hình thức gián tiếp
(đầu tư vào các trang thiết bị hạ tầng phục vụ
cho hoạt động vận tải, ưu đãi về chế độ tiền
lương đối với lao động hoạt động trong lĩnh
vực này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
kinh doanh các dịch vụ khác mang lại lợi
nhuận cao, ưu đãi về thuế…) hoặc trực tiếp
(cấp tiền trợ giá để các doanh nghiệp duy trì
hoạt động, đầu tư phương tiện vận tải cho
doanh nghiệp…).
Ví dụ, theo thông tin chính thức từ chính
quyền thành phố Mátxcơva, trong giai đoạn
2004 - 2006, hàng năm số tiền trợ giá cho hoạt
động vận tải hành khách công cộng trên mặt
đất của thành phố tương đương 2 600 tỷ đồng
Việt Nam. Các chi phí này được cấp hàng
năm và chưa có xu hướng dừng lại. Lưu ý
rằng, mạng lưới vận tải hành khách công cộng
của Mátxcơva đã được xây dựng, hoàn thiện
và khai thác trong một thời gian dài. Việc trợ
giá trực tiếp cho các hoạt động vận tải hành
khách công cộng được ghi nhận ở hầu hết các
thành phố trên thế giới. Tại một vài thành phố,
việc trợ giá được thực hiện gián tiếp bằng việc
cho phép các doanh nghiệp kinh doanh các
dịch vụ khác.
2. Áp dụng cơ chế kinh doanh linh
hoạt trong hoạt động khai thác vận tải, kết
hợp giữa phục vụ và kinh doanh
Hệ thống vận tải hành khách công cộng
được phân chia thành các bộ phận: phục vụ và
kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, bộ phận chính
của hệ thống vẫn là bộ phận hoạt động mang
tính chất phục vụ, cung ứng dịch vụ công
cộng cho người dân. Công tác vận tải trong hệ
thống này thực hiện trên những tuyến thuộc
quản l
ý của Nhà nước thông qua các cơ
quan chức năng tại địa phương. Các mức giá
vé theo định hướng phục vụ xã hội được áp
dụng trên các tuyến này, chính vì vậy, hoạt
động vận tải thuộc dịch vụ công cộng được trợ
cấp hoàn toàn hay một phần từ ngân sách Nhà
nước để thực hiện các chính sách xã hội cũng
như các yêu cầu của chính quyền. Trong đó,
cơ quan quản lý Nhà nước tham gia quản l
ý
bằng cách xác định lượng nhu cầu phát sinh
và đặt hàng thị trường dịch vụ vận tải; nghiệm
thu, cấp kinh phí cho các hoạt động, dịch vụ
vận tải theo yêu cầu.
Hoạt động vận tải hành khách mang tính
thương mại được tổ chức khai thác bởi các
doanh nghiệp kinh doanh độc lập với mức giá
vé linh hoạt hơn nhằm hướng tới mục đích kinh
doanh. Các hoạt động vận tải này mang tính
chất bổ sung cho các dịch vụ vận tải công cộng.
III. TƯƠNG LAI CỦA VẤN ĐỀ TRỢ GIÁ
CHO VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG
CỘNG BẰNG XE BUÝT VÀ PHƯƠNG
HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Trên cơ sở xem xét đặc thù, vai trò của
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
trong quá trình phát triển xã hội nói chung,
tham khảo kinh nghiệm từ các thành phố có
hệ thống vận tải hành khách phát triển, có thể
khẳng định rằng trợ giá cho hoạt động vận tải
hành khách công cộng là một nhu cầu luôn
luôn có, nó chỉ mất đi khi Nhà nước dừng các
chính sách hỗ trợ đi lại cho người dân, để hệ
thống vận tải hành khách phát triển tự thân: tự
cân đối thu chi, xác định mức giá vé và lộ
trình tuyến phục vụ.
Tuy nhiên, để giảm số tiền trợ giá cho
vận tải hành khách công cộng, giảm bớt gánh
nặng cho ngân sách Nhà nước, cần áp dụng
một số các giải pháp sau đây:
- Hoàn thiện mạng lưới theo hướng bám
sát nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao
chất lượng dịch vụ thu hút ngày càng nhiều
hành khách sử dụng phương tiện công cộng
nhằm tăng doanh thu từ vé;
- Làm tốt công tác quản lý
và điều hành
khai thác trên các tuyến nhằm giảm thiểu chi
phí khai thác vận tải;
- Tăng cường hiệu quả hoạt động thu
cước, giảm thất thu từ vé.
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi
cho các hoạt động kinh doanh mang lại lợi
nhuận từ hoạt động của hệ thống như: quảng
cáo trên xe buýt, quảng cáo tại các trạm dừng
nhà chờ …
- Thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài vào
hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng
cách hình thành các tuyến xe buýt mang tính
chất kinh doanh hoạt động song song với các
tuyến mang tính chất phục vụ trên các hướng
tuyến có nhu cầu đi lại cao, đấu thầu rộng rãi
khai thác dịch vụ vận tải trên các tuyến.
Cần phải nhấn mạnh
rằng: trên các
tuyến buýt kinh doanh, hoạt động cung ứng
vận tải có thể giao cho các doanh nghiệp tư
nhân đảm nhiệm trên cơ sở năng lực chuyên
môn nghiệp vụ và khả năng kinh doanh của
doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp
phải tuân thủ một số yêu cầu bắt buộc sau:
phải có giấy phép kinh doanh do các cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền cấp; phải thực hiện
các quy định, hiệp ước vận tải; phải thông báo
rộng rãi hoạt động cung ứng vận tải của doanh
nghiệp mình cùng các thông tin có liên quan
đến như lộ trình phục vụ, mức giá vé, giãn
cách chạy xe (được cơ quan chức năng có
thẩm quyền phê duyệt)… đến đông đảo quần
chúng; không được từ chối yêu cầu vận
chuyển của bất kỳ hành khách nào hoặc phân
biệt đối xử giữa các hành khách; điều kiện
phục vụ và mức giá vé được áp dụng như
nhau với tất cả hành khách (trừ những hành
khách thuộc đối tượng ưu đãi theo quy định)
nhưng được định giá cao hơn mức giá phục vụ
trên các tuyến công cộng.
Ngoài ra, khi các tuyến kinh doanh này đi
vào khai thác song song với các tuyến mang
tính chất phục vụ, ta có thể giảm số chuyến
phục vụ trên các tuyến này vào các khoảng
thời gian nhất định trong ngày. Điều này cũng
cho phép giảm đáng kể mức trợ giá cho hoạt
động của các tuyến nhận trợ giá. Việc cho
phép kinh doanh này cũng tạo ta sự cạnh tranh
cho các doanh nghiệp trong khai thác, khuyến
khích họ năng động, tự chủ trong kinh doanh.
Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi công tác quản l
ý
ở trình độ cao hơn, phức tạp hơn.
III. KẾT LUẬN
Các chính sách trợ giá cho hoạt động vận
tải hành khách công cộng là cần thiết để duy
trì và đảm bảo chất lượng của loại hình dịch
vụ công ích này. Tuy nhiên, chính việc trợ giá
cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến tính chủ động
nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh
nghiệp vận tải hành khách công cộng.
Từng bước xã hội hóa hoạt động vận tải
cộng cộng kết hợp với tăng cường công tác
quản lý trong lĩnh vực này là một trong những
giải pháp góp phần giảm số tiền trợ giá từ
ngân sách Nhà nước.
Tài liệu tham khảo
[1]. PGS. TS. Từ Sỹ Sùa. Vận tải hành khách.
Trường Đại học Giao thông vận tải, 2003.
[2]. Báo cáo hoạt động vận tải đô thị giai đoạn
2000 - 2005 của Sở Giao thông vận tải TP.
Matxcơva.
[3]. Яцукович В.И, Дукаревич Г.В, Рощин А.И.
Организация перевозок пассажиров
автобусами. Ротапринт МАДИ, 1988.
[4]. Спирин И.В. Городские автобусные
перевозки. М. Транспорт, 1991
♦