Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

TƯ TƯỞNG TÀI MỆNH TRONG TRUYỆN KIỀU –phần 2 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (139.28 KB, 5 trang )

TƯ TƯỞNG TÀI MỆNH TRONG
TRUYỆN KIỀU –phần 2

Theo thuyết Thiên mệnh của Nho giáo, người ta ở đời, giàu
nghèo sướng khổ là do số phận định trước bởi trời.”Tử sinh hữu
mệnh, phú quý tại thiên”. Người ta bằng kinh nghiệm ở đời mà
suy ra huyền bí của càn khôn và từ ấy, người ta cho tài mệnh
không hợp nhau: “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” hay như
Lý Thương Ẩn nói : “Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương”.
Người ta không chịu tìm nguyên nhân trong xã hội mà lại theo
khuynh hướng duy tâm thần bí mà suy ra rằng, sở dĩ có điều bất
bình là bởi đạo trời vốn ghét cái trọn vẹn: “Tạo vật đố toàn, tạo
hóa kị doanh”. Cho nên cái lẽ “bỉ sắc tư phong” người ta gọi là
luật thừa trừ trong kiếp người. Không những Thúy Kiều, Đạm
Tiên mà cả Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu quân…đều như vậy.
“Hồng nhan tự thưở xưa – Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”.
Các tao nhân mặc khách cảm giai nhân khổ sở mà ai oán như
vậy. Không những ở phương Đông mà ở phương Tây, xưa nay
các thi hào vẫn khóc “má hồng phận bạc” như: Héléne,
Héloise,… Suy rộng ra, cái luật thừa trừ ấy, trong tư tưởng Tây
phương có chỗ tương tự. Luật ấy rất giống luật cân nhắc mà
người Hi Lạp xưa tiêu biểu bằng thần thoại Némésis.

Thi sĩ Tố Như không phải là nhà Nho thuần túy. Cái tính đa cảm,
những kinh nghiệm đau đớn đã khai thông mở lối cho ông. Ông
thỏa mãn với luật thừa trừ, nhưng nó chỉ mới là điều nhận xét
tuồng như đúng mà chưa cắt nghĩa về lý do. Ông không chịu con
người không có trách nhiệm về sự cân nhắc họa phúc của trời.
Ông bèn lấy chữ Nghiệp của đạo Phật mà phát huy chữ Mệnh
của Nho Giáo.


Thúy Kiều tuy là món đồ chơi của vận mệnh nhưng là món đồ
chơi có ý thức, chứ không bù nhìn. Nàng đã dự cảm được vận
mệnh không ra gì từ lúc còn nhỏ; rồi khi bán mình, nàng thấy sự
hi sinh và nghĩa vụ của nàng phù hợp với số mệnh. Có lúc nàng
chống lại số mệnh, “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”
nhưng không thành đành phải ẩn nhẫn: “Kiếp này nợ trả chưa
xong – Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau” hay “Kiếp xưa đã
vụng đường tu – Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi”. Nàng lấy
Thúc Sinh để thoát nợ lửa nồng, rứa mà bị hành hạ ở nhà Hoạn
Thư, nàng đành ”túc trái tiền oan” mà chịu khổ. Rồi trốn Quan âm
Các lại rơi vào lầu xanh, thực là, “chạy chẳng khỏi trời”, thôi “phải
liều má phấn cho rồi ngày xanh”. Có khi nàng nghiến răng quyền
rủa: “Chém cha cái số má đào - Gở ra rồi lại buộc vào như
không!”. Cuộc đời nàng như trò đùa dai của số mệnh, trước sau
chỉ “…nhắm mắt đưa chân – Mà xem con tạo xoay vần đến
đâu?”…

Do bế tắc trong tư tưởng Tài – Mệnh, ông đành mở một lối thoát
bằng cách dùng đến chữ Nghiệp trong Phật giáo:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần đất xa”

Sở dĩ Thúy Kiều có số phận mong manh như vậy; cái bỉ sắc tư
phong chỉ là nhận xét bên ngoài; thực ra cái tiềm ẩn bên trong
chính là những kết quả, những nghiệp duyên mà nàng đã vun
tạo. Nàng đã có cái nghiệp tiềm ẩn bên trong nên từ lời nói cho
đến tiếng đàn đều mang âm hưởng khổ đau. Người có cái nghiệp
như vậy nên rất đa tình đa cảm; hai cái đó là cái mối vô hình, sợi
dây vô tướng để đi vào con đường mà mình đã họa nên:


“Nàng rằng: Nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao.
Số còn nặng nợ má đào,
Người đà muốn chết, trời nào có cho?”

Dưới ánh sáng nhân - duyên học, các quan điểm Thiên mệnh,
Định mệnh đều bị ngã quỵ, không thể tồn tại mà xưng hùng xưng
bá để đày đọa kiếp người. “Bắt phong trần phải phong trần. Cho
thanh cao mới được phần thanh cao.” Con người trôi lăn là do
bởi chính hành vi thất niệm của mình. Con người có tự do trong
việc tạo y báo và chánh báo, nhưng với điều kiện là phải có
chánh niệm; còn không thì mãi mãi sẽ loanh quanh luẫn quẫn
trong vòng mâu thuẫn đố kị, trôi lăn trong quỹ đạo của vòng tròn
nhân quả. Chính thi sĩ Tố Như từ những mâu thuẫn trong nội tâm
mà phải lênh đênh, “ở không yên ổn – ngồi không vững vàng”.
Rốt cùng, ông phải thốt lên “tu là cội phúc”, tức là chuyển hóa các
tâm hành để thăng hoa đời sống của mình. Đó là lối thoát duy
nhất trong tư tưởng Tài - Mệnh của Nguyễn Du.

×